Bài viết của GS Trần Quốc Vượng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 9 năm 2005, trang 29-30.
Văn hoá, hiểu theo nghĩa nhân văn rộng rãi, là lối sống riêng và đầy đủ bản sắc của một dân tộc hoặc một xã hội. Trải nhiều đời, có sự trao truyền văn hoá từ thế hệ ông bà sang thế hệ cháu con qua giáo dục gia đình, xã hội. Theo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trong truyền thống dân tộc cũng có cái tốt cái xấu. Tiến lên công nghiệp hoá – hiện đại hoá – đô thị hoá, khu vực hoá – toàn cầu hoá, ta cần có ý thức chọn lọc, giữ gìn tinh hoa dân tộc truyền thống, hội nhập những tinh hoa ngoại sinh – nhất là lối sống dân chủ – khoa học, loại trừ một cách dường như tự nhiên những hủ tục, những tập quán không còn hợp thời.
Từ đầu thập kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc đã có một nhận xét tổng quát là: Đại đa số người Việt Nam sống ở làng (giờ đây vẫn còn là thế), mà một trong những vấn đề quan trọng nhất của lối sống ở làng là lối sống tình nghĩa, nhưng mặt trái của nó là vấn đề sĩ diện: “Giấy rách giữ lấy lề”, “miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, ma chay linh đình “sống về mồ mả, ai sống về cả bát cơm”, “ăn lấy đời, chơi lấy thời”.
Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đòi hỏi một lối sống, một nếp sống khẩn trương, năng động, chính xác, khoa học, “có lý – có tình”, không thể lúc nào cũng “chín bỏ làm mời, năm bỏ làm ba”.
Thế kỷ XX là thời đại của sự giao lưu văn hóa Đông Tây; lối sống Việt Nam, nhất là ở đô thị, chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp và đặc biệt là sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin từ phương Tây, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua Đông Á vào Việt Nam. Ngay từ 1924, từ Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đã lưu ý các đồng chí của Người rằng nền tảng lịch sử của chủ nghĩa Mác là lịch sử châu Âu mà lịch sử châu Âu thì không phải là lịch sử toàn thế giới. Theo ý Người, lịch sử và thực trạng Viễn Đông và Việt Nam có nhiều nét khác biệt, do vậy chúng ta phải bổ sung điều chỉnh và củng cố chủ nghĩa Mác bằng các tư liệu nhân học phương Đông[1]. Đối với tôi, một nhà khoa học xã hội và nhân văn đã vượt quá 60 tuổi đời và 40 tuổi nghề, thì đấy là một “mặc khải” (Révélation)!
Theo Người, cần hết sức thận trọng khi áp dụng lý thuyết “Đấu tranh giai cấp” ở phương Tây vào thực tế Việt Nam.
Làng Việt Nam, tới trước và trong thời Pháp thuộc, sự phân hóa giàu – nghèo, phân tầng xã hội đã khá rõ rệt. Song theo sự phân tích của cố GS Từ Chi, sự phân hóa giai cấp ở các làng cổ truyền người Việt vẫn “nhạt nhòa”, do sự níu kéo của chế độ công điền, của quan hệ tình nghĩa anh em, họ hàng, làng xóm, do môi sinh xã hội là cái biển tiểu nông “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.
Cũng theo ý Nguyễn Ái Quốc, lý thuyết tiến hóa: chế độ nô lệ – chế độ nông nô – chế độ tư bản chỉ đúng với phương Tây. Ở Viễn Đông, không có thể chế chính trị chiếm hữu nô lệ, không có (hoặc hiếm có) nông nô (người tiểu nông Việt Nam vẫn có làng và chế độ quân cấp công điền). Và, Người ủng hộ định hướng con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa (kiểu cũ) ở Việt Nam.
Chúng ta có thói quen nói rằng người Việt Nam có truyền thống đoàn kết và để “minh họa” điều đó, chúng ta thường dẫn câu của Bác Hồ vĩ đại:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công
Chúng ta quên mất một quy luật lớn của tâm lý học là quy luật “bù trừ”: Khi luôn luôn phải hô hào đoàn kết là vì trong thực tế xã hội vẫn có nhiều sự mất đoàn kết. Khi luôn luôn hô hào “Sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”, đấy là vì thực tế xã hội Việt Nam cha xây dựng xong một thể chế nhà nước pháp quyền với một hệ thống tương đối hoàn chỉnh luật dân sự và hình sự, người dân Việt Nam quen lối sống duy tình, theo lệ làng hơn là theo luật nước.
Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, theo tôi, là một con người rất hiểu tâm lý quần chúng và cán bộ. Trước quốc dân đồng bào, Người hô hào đoàn kết: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết! Nhưng trong các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, ngay từ 1926 ở Quảng Châu, Người đã nêu hai luận điểm nhận xét về nhược điểm của người Việt Nam[2]:
- Người Việt Nam thường hay mất đoàn kết, ganh tị, đấu đá lẫn nhau giữa đám “gà cùng một mẹ”.
Thì thực tế đấy thôi, 3 năm sau, vẫn hình thành 3 Đảng Cộng sản của một Việt Nam và công kích nhau kịch liệt khiến Người lại phải triệu tập Hội nghị thống nhất ba đảng ở Hồng Kông 3-2-1930, sáu ngày sau Tết, để kết thành một Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Người Việt Nam quen sống ở làng, ở nhà “Nhất mẹ nhì con”, không hiểu biết nhiều về tình hình toàn cục trong nước, trên thế giới.
*
Chúng ta là con cháu Bác Hồ, cần học tập và suy ngẫm nhiều hơn nữa về tư duy Hồ Chí Minh để xây dựng một nước Việt Nam mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
[1] Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 (1919-1924). In lần thứ hai, Nxb CTQG, tr.464-465 “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu? Đó cha phải là toàn thể nhân loại”.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tr.455-456.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét