Hiện tượng "lệch chuẩn"
Nguyễn Trọng Văn
DẪN NHẬP
A. Lệch chuẩn có thể hiểu theo nhiều nghĩa : 1) Có chuẩn mực nhưng chuẩn mực đó cũ quá, không dùng được ; 2) Phải lệch đi, nghĩa là phải đi đường vòng mới tới đích được (lệch chuẩn cũng giống như chệch hướng, lệch chuẩn dễ dẫn tới – nhưng không nhất thiết – lạc hướng, lạc đường ; 3) Luôn luôn có sự đối chiếu cái cũ cái mới, để độ lệch không quá nhỏ (coi như không có gì thay đổi cả) nhưng cũng không quá lớn đến độ mất mục tiêu, mất định hướng. Lệch chuẩn liên hệ tới giá trị : tốt xấu, đúng sai, nên làm nên tránh. Hiện tượng lệch chuẩn là hiện tượng phải thay đổi những chuẩn mực cũ để thích ứng với hoàn cảnh mới (chuẩn mực phong kiến, thực dân, đế quốc, chuẩn mực xã hội chủ nghĩa , gia nhập WTO...)
B. Mấy vấn đề có vẻ bên lề nhưng thực ra rất đáng quan tâm: đúng sai , tốt xấu của ai, cho ai (của người khác hay của mình, cho người khác hay cho mình ...?) đối với ai (trong nước hay hải ngoại, phe nhóm nào..?) thời điểm nào (tại những thời điểm khác nhau mỗi người, mỗi nhóm người sẽ có phản ứng khác nhau ...?) mục đích gì ( chính trị, tôn giáo , phi chính trị... ?)
C. Hiện tượng lệch chuẩn có đặc tính “tổng hợp” : a) vừa truyền thống vừa hiện đại, b) vừa thuần tuý lý luận vừa thời sự thực tiễn, c) liên hệ rất khắng khít giữa phán đoán thực tại và phán đoán giá trị, d) xét như một quá trình lịch sử, nó có tính biện chứng. Theo tôi, Việt Nam có ba lệch chuẩn lớn : lệch chuẩn phong kiến, lệch chuẩn dân chủ tự do và lệch chuẩn xã hội chủ nghĩa. Xin khẳng định bài này không ám chỉ một cá nhân hay tập thể nào, trong nước hay hải ngoại, mà chỉ muốn xét xem chúng ta có thể học hỏi gì từ hiện tượng văn hoá, xã hội này. Mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phê bình.
*
I. LỆCH CHUẨN “PHONG KIẾN”
1. Khái quát
Trước những biến
động của lịch sử, các chuẩn mực hành động
và tư tưởng cũ không còn thích hợp,
cần thay đổi các chuẩn mực mới, đó là
hiện tượng lệch chuẩn . Lệch chuẩn là đi chệch
ra khỏi định hướng, khỏi chuẩn mực cũ. Lệch chuẩn
phong kiến vừa nói lên tư tưởng chống phong
kiến vừa nói lên khát vọng độc lập tự
chủ.
Khổng tử dạy “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” nhưng người Việt thì lại trị quốc bình thiên hạ trước hoặc ít ra tu thân tề gia bằng cách trị quốc bình thiên hạ, vì nếu chỉ tu thân cặm cụi học sách thánh hiền để ra làm quan thì dân tộc đã đời đời làm nô lệ; kẻ thống trị dạy chính danh định phận, tôn ti trật tự nhưng người bị trị lại ưu tiên cho độc lập, chủ quyền của đất nước và dân tộc, nếu không có đất nước thì làm gì có thân mà tu, có nhà mà tề ? Do đó phải lệch chuẩn. Điểm đặc biệt trong tư tưởng văn học triết học Việt Nam là những văn bản đầu tiên đều liên hệ tới các vấn đề đạo lý làm người, vấn đề chủ quyền đất nước chứ không phải những suy tưởng cao xa siêu hình của hệ tư tưởng thống trị.
2. Có nhiều thứ lệch chuẩn
Việc đánh
giá sự lệch chuẩn không thể căn cứ trên
các tiêu chuẩn chủ quan, mơ hồ ; trái lại
lịch sử cho thấy nó được căn cứ trên cách
tư duy đặc biệt của người Việt trong những điều
kiện cụ thể. Khi triều đình chủ hoà cắt
đất cho thực dân Pháp thì đó là
lệch chuẩn mất gốc, phản bội ; trái lại khi
Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Huân...
lãnh đạo nhân dân chống Pháp, chống
lại lệnh của triều đình thì đó cũng
là lệch chuẩn nhưng đó là lệch chuẩn
về phía đất nước và dân tộc. Vùng
đất mới Nam Kỳ lục tỉnh, như tên gọi của nó,
có nhiều vấn đề mới, hoàn cảnh mới nên
hiện tượng lệch chuẩn khá phổ biến trong nhiều
phạm vi (chính trị, văn hoá tư tưởng, triết
học, tín ngưỡng, tôn giáo...) và
trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau (lệch
chuẩn dưới thời chuyển tiếp từ thời phong kiến sang
thuộc địa ; từ thuộc địa sang đấu tranh giành
độc lập; từ độc lập thống nhất xây dựng chủ
nghĩa xã hội tới kinh tế thị trường, khu vực
hoá, quốc tế hoá...).
3. Bình cũ rượu mới
Hiện tượng lệch
chuẩn liên hệ tới thái độ, tới hành
động trước hoàn cảnh mới còn hiện tượng
bình cũ rượu mới liên hệ sinh hoạt văn hoá
tư tưởng, tới sự sáng tạo các khái
niệm văn học, triết học.
a. Khái niệm (concept) được diễn tả bằng một từ (terme), một chữ, một tên gọi. Khái niệm và từ là hai mặt của một thực tại cũng như ý và lời, nội dung và hình thức, rượu và bình. Từ là cái vỏ vật chất để diễn tả khái niệm. Khái niệm giống nhau có thể diễn tả bằng những từ khác nhau, khái niệm người trong tiếng Việt được diễn tả bằng từ homme trong tiếng Pháp, man trong tiếng Anh, nhân trong tiếng Hoa. Có những từ đồng nghĩa khác âm (khái niệm chết được diễn tả bằng nhiều từ như qua đời, tắt thở, hy sinh, chầu trời, đứt bóng, về với Chúa, tiêu diêu nơi cực lạc...) có những từ đồng âm khác nghĩa (một từ diễn tả nhiều khái niệm, thí dụ chữ đào có thể có nghĩa là đào bới, đào mỏ, cây đào, hoa đào, đào hát, đào tẩu, bồ bịch...). Hiện tượng bình cũ rượu mới nói ở đây thuộc loại này: chữ trung có thể hiểu là trung thần, trung dung, trung đạo, trung thành, trung phong, trung vệ, trung với nước...; chữ dân chủ tự do có nội dung khác nhau tuỳ theo người Pháp, người Việt, người Congo, tuỳ theo triết học Tây phương hay triết học Mác Lênin...
b. Mỗi hệ tư
tưởng có một bộ khái niệm riêng : quân
sư phu, trung hiếu tiết nghĩa, nhân nghĩa lễ trí
tín (phong kiến); dân chủ tự do, bình đẳng
bác ái, thực dân đế quốc (tư bản chủ
nghĩa); đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô
sản, duy vật biện chứng, duy vật lịch sử... (xã
hội chủ nghĩa). Hoàn cảnh biến đổi, mối quan hệ
giữa các sự kiện có ý nghĩa mới nhưng
chưa có từ mới thích hợp để diễn tả vì
vậy phải dùng từ cũ để diễn tả nội dung mới.
Có một điều quan trọng cần phân biệt : tạm
thời dùng lại và cố ý dùng lại ;
trong trường hợp thứ nhất, phải tạm thời dùng
lại những khái niệm, những từ cũ vì hoàn
cảnh chưa thật thuận tiện (về mặt tâm lý,
xã hội, chính trị...), trong trường hợp thứ
hai, cố ý dùng lại những từ, những khái
niệm cũ vì không có điều kiện tâm lý, xã hội, chính trị... để vượt qua
cái cũ. Một đằng biểu lộ hành động và
sáng tạo, một đằng qua những lời nói suông
và sự hoài niệm.
c. Triết lý, suy tư triết học là sáng tạo các khái niệm. Khái niệm không đứng riêng rẽ, im lìm, nó có sự sống, có lịch sử, có một tập hợp những khái niệm liên hệ gắn bó với nhau “một khái niệm sẽ mất hết ý nghĩa nếu không kết hợp với các khái niệm khác và nếu không liên quan tới một vấn đề phải giải quyết hoặc góp phần giải quyết” (1). Khi sáng tạo ra một khái niệm thì ta cũng phác hoạ ra một khung trời các khái niệm chẳng khác gì các vị sao trên trời. Khái niệm gắn bó với nhau và với thái độ của con người coi như sự thể hiện sống động của các khái niệm (thí dụ trung với nước, với dân đi đôi với các khái niệm nhân nghĩa đạo lý làm người được thể hiện nơi các nhân vật thơ ca cũng như nơi bản thân Trương Định,Nguyễn Đình Chiểu).
4. Nho giáo Nam Bộ
Đặc
trưng của
Nho giáo Nam Kỳ lục tỉnh so với Nho giáo miền
Bắc :
a. Nho giáo
xuất phát từ phương Bắc nhưng đối với người
Hoa di dân, bài Mãn phục Minh xin tá túc
tại miền Nam lúc bấy giờ tư tưởng Nho có
tính tị nạn, thất thế chứ không phải Nho
giáo ở thế thống trị như trước kia.
b. Nho giáo
mới thành hình khoảng vài trăm năm nên
ảnh hưởng chưa mạnh như Nho giáo miền Bắc. Nho
giáo miền Nam không có truyền thống khoa
cử, thể chế nghiêm ngặt; miền Nam không có
hệ thống lý luận cao siêu chặt chẽ, trái
lại Nho giáo ăn sâu vào đại chúng,
phần lớn qua truyện Tầu. Hiện tượng truyện Tầu cho
thấy các lý tưởng Nho giáo như trung hiếu
tiết nghĩa... đã được đại chúng hoá,
bình dân hoá khác Nho giáo thượng
lưu trí thức ở miền Bắc.
c. Nho giáo
miền Bắc là Nho giáo cung đình còn
Nho giáo miền Nam là Nho giáo khẩn hoang lập
ấp. Nhà Nho đi buôn, làm thương mại, làm
canh nông... xen lẫn với các thành phần lao
động tay chân khác chứ không chỉ gồm
những người có đầu óc chữ nghĩa thánh
hiền. Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu,
Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định... đều đã
từng làm quan về khuyến nông, thuế má.
d. Việc khẩn
hoang lập ấp, khai sơn phá thạch của nhân dân
Nam Kỳ lục tỉnh đã đặt vua quan triều đình
vào một tình trạng đặc biệt : dân chúng
khai hoang, làm ruộng, làm vườn, làm kinh
tế thương mại trước rồi chính quyền mới chính
thức hoá, hợp thức hoá sau. Khai hoang lập ấp
tư điền tư thổ trước sau đó mới có sự
can thiệp của nhà nước, mới có công điền
công thổ. Sự phát triển tự phát tư nhân
chủ nghĩa đã tạo một ảnh hưởng rất quan trọng
: tạo ra ở vùng đất mới những tiền đề cho sự
phát triển tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường,
ngoại thương quốc tế... sớm hơn và khác hẳn
miền Bắc (2).
e. Ảnh
hưởng của
Nho giáo không quan trọng bằng ảnh hưởng của
Phật giáo và các tín ngưỡng bản
địa của vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Từ Thuận Hoá
trở vào Nho giáo suy yếu dần nhường bước
cho tín ngưỡng, tôn giáo địa phương. Nho
giáo bị biến tướng, cặp liễn trước chùa
Thới Sơn (Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) ghi : “Quân phi
quân, thần phi thần,
quân
thần giai cộng lạc” “Phụ
bất phụ, tử bất tử,
phụ tử thị đồng hoan” (Vua không phải là
vua, tôi không phải là tôi, cha không
phải là cha, con không phải là con thì
vua tôi cha con đều vui vẻ). Chính Phật giáo
và tín ngưỡng dân gian đã ảnh hưởng
rất lớn trong quần chúng (Đạo Lành, đạo Bửu
Sơn Kỳ Hương, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Sư
vãi bán khoai...).
f. Tình cảnh
đất nước bị ngoại xâm đã khiến hiện tượng
lệch chuẩn của Nho giáo miền Nam trở nên đặc
biệt trầm trọng : Vua quan triều đình chủ hoà,
theo Pháp, bán nước bán dân ; chính
các sĩ phu lục tỉnh đã cùng nhân dân
nổi dậy chống Pháp, chống lệnh của vua quan triều
đình nhà Nguyễn. Lệch chuẩn theo hai chiều
hương đối nghịch nhau : theo Pháp, bán nước
bán dân – chống Pháp, vì đất nước, vì dân tộc.
g. Trong quá
trình phát triển Nho giáo chính thống
ở triều đình đề cao trung quân ái quốc,
trọng nông ức thương, đối lập với tư tưởng dân
chủ, kinh tế thị trường ở miền Nam, chính vì
vậy Nho giáo chính thống đã cản trở
bước phát triển của Nam Kỳ lục tỉnh vốn có
sẵn những tiền đề về phát triển kinh tế thị
trường, giao lưu văn hoá quốc tế. Lý luận về
“phương thức sản xuất châu Á” của K. Marx có thể đắc dụng để lý giải
tình hình
kinh tế xã hội Nho giáo miền Bắc, nhưng không
dùng gì được tại vùng đất mới Nam Kỳ
lục tỉnh, vì những yếu tố kinh tế thị trường
của nó đã vượt khỏi ngoại diên
(extension)
của khái niệm phương thức sản xuất
châu Á.
h. Tương tự như tổ tiên người Việt đã có những thần thoại, những huyền sử dựng nước, giữ nước (Lạc Long Quân, Âu Cơ, Rồng Tiên, Rùa Vàng, nỏ thần, An Dương Vương, Mị Châu Trọng Thuỷ...) những người khai sơn phá thạch ở vùng đất mới cũng có những huyền sử của mình ; những chủ đề những biến cố có đổi khác, vừa có tính hư cấu thần kỳ vừa có tính lịch sử xã hội nhất định. Hai chủ đề chính là đánh sấu bắt cọp (Đồng Nai xứ sở lạ lùng, dưới sông sấu lội trên bờ cọp um) và ghi nhớ công đức các người khai hoang lập ấp (Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư, ông Tố, ông Nhiêu, ông Từ, ông Cộ, Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Hom...). Nhìn chung đó là cuộc chiến đấu chống thú dữ và tự nhiên khắc nghiệt để khẳng định quyền làm chủ của mình trên vùng đất mới :
“ Nét
chủ đạo của truyện đánh cọp diệt sấu là
tính chất hào hùng của cuộc chiến đấu
chống lại những thế lực hắc ám của tự nhiên.
Những truyện này có nét gần gũi với
chiến công của Lạc Long Quân : diệt Mộc tinh ở
rừng núi, diệt Hồ tinh ở đồng bằng, diệt Ngư
tinh ở biển thời dựng nước. Nhưng ở đây những
sự kiện xẩy ra cách nay chừng hai ba thế kỷ và
truyện cũng ra đời trong khoảng thời gian ấy. Lúc
đó trình độ nhận thức của con người đã
tiến bộ và tư duy sáng tạo không còn
là tư duy thần thoại hồn nhiên như trong buổi
bình minh của lịch sử dân tộc. Ý nghĩa
lớn lao của việc đánh cọp giết sấu là ở
chỗ nó khẳng định quyền làm chủ chân
chính của người Việt trên mảnh đất này.
Chính những người đã từng chiến đấu và
chiến thắng cọp và sấu nơi rừng rậm sông
rạch sình lầy để biến đổi vùng đất hoang
vu này thành ruộng thành làng và
trở thành người chủ của những thành quả
ấy ” (3).
i. Những gì lưu dân giữ lại là những gì thích hợp với nhu cầu của cuộc sống mới, dần dần tạo thành bản sắc của dân Nam Kỳ lục tỉnh. Những đức tính cần cù lao động, dũng cảm, chiến đấu của truyền thống dân tộc được phát huy cao độ ; những phẩm chất mới được hình thành rõ nét : tinh thần nghĩa hiệp, dứt khoát, thẳng thắn, bộc trực, có tình có lý (4).
5. Phật giáo Nam Bộ
Để thấy rõ Phật giáo đã dần dần lệch chuẩn như thế nào khi vượt đèo Ngang vào vùng đất mới Nam Bộ, ta so sánh với Phật giáo miền Bắc.
a. Phật giáo
miền Bắc là một tổng hợp sáng tạo hơn là
một tiếp thu đơn thuần tư tưởng Phật giáo từ
Ấn Độ hoặc Trung Hoa. Trong quá trình trên,
yếu tố sáng tạo xem ra quan trọng hơn yếu tố tổng
hợp, chúng ta đã sáng tạo ra những ông
Phật, bà Phật, ông tiên bà tiên
của mình (Phật chùa Dâu, Pháp Vân,
Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, Chử
Đồng Tử, Liễu Hạnh...). Hơn thế chúng ta còn
lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đặc
trưng của Việt Nam.
b. Các nhà
sư, nhà sáng lập tôn giáo đều là
những người có học thức rất uyên bác
(cố vấn cho nhà vua; tiếp rước ngâm vịnh với
sứ thần Trung Hoa...). Đó cũng là những người
góp phần đắc lực vào việc điều hành
đất nước ( Vạn Hạnh, Ngô Chân Lưu, Trần Thái
Tôn, Trần Nhân Tôn...).
c. Góp phần cùng nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại ách thống trị của phong kiến phương Bắc; đạo Phật (Thiền) đã kết hợp một cách tài tình đạo Pháp và dân tộc, đại hùng đại lực và đại từ bi (điều mà chính đạo Phật tại Ấn Độ và Trung Quốc cũng không làm được).
d. Phật giáo
có nhiều xu hướng song song tồn tại với nhau (Phật
Thiền, Phật Công Đức. Phật Tịnh độ, Phật giáo
Mật tông...) nhưng nhìn chung Phật giáo Thiền
tông có nhiều đóng góp với đất
nước và dân tộcn: biến tư tưởng “giải
thoát” của đạo Phật thành tư tưởng giải
phóng đất nước và dân tộc, biến tư
tưởng “bình đẳng” thành đấu tranh cho độc
lập chủ quyền và phát triển đất nước.
e. Có giai đoạn Phật giáo có tính quốc giáo nhưng nói chung tư tưởng khoan dung tôn giáo, tam giáo đồng nguyên vẫn là một đặc trưng của triết lý tôn giáo Việt Nam. Thời Lý Trần Phật giáo cực thịnh, cuối thời Trần Phật giáo suy yếu; tinh thần tam giáo đồng nguyên không còn mạnh trong giới sĩ phu quan lại nhưng lại ăn sâu vào quần chúng nhân dân. Làng nào cũng có đình (thờ thành hoàng) chùa (thờ Phật) miếu (thờ phúc thần) tĩnh (thờ Thái thượng lão quân) điện (thờ Hưng Đạo, Liễu Hạnh do đồng cốt lập ra) đền (thờ anh hùng dân tộc...).
“Một
người
dân làng có thể vừa đi lễ chùa vừa
đến cúng đình; vừa đi dự các buổi tế
lễ văn chỉ mà cũng có thể mang phẩm vật đến
cúng ở tĩnh, điện. Dần dần người thôn quê
không còn phân biệt tôn giáo này
với tôn giáo kia. Rồi ngay cả đến các
ngôi chùa ở trong làng, người ta cũng thấy
có sự hoà hợp tín ngưỡng nữa” (5).
Đặc
tính riêng
có của Phật giáo Nam Bộ
Phật giáo Nam
bộ có một số đặc trưng riêng có sau
đây:
Thứ
nhất, càng
vào miền Nam Phật giáo càng có thêm
những thuộc tính mới tiếp thu từ tín ngưỡng
Chiêm Thành (tục thờ cá Ông của ngư
dân từ đèo Ngang trở vào) tục thở thánh
mẫu Thiên Ya Na của người Chàm và sau
cùng đạo Thiên Chúa từ phương Tây
truyền sang. Phật giáo miền Nam cũng là một
tổng hợp sáng tạo nhưng, khác miền Bắc, yếu
tố tổng hợp xem ra quan trọng hơn yếu tố sáng tạo
(đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo là những
thí du điển hình).
Thứ
hai, Phật
giáo miền Nam có tính quần chúng hơn
là tính trí thức, nó không xa hoa
kiểu cách như ở miền Bắc “Nhà Phật còn
tráng lệ hơn cung vua mấy lần” (Lê Văn Hưu).
Các giáo chủ không hẳn là người có
kiến thức uyên bác, trái lại, đó là
những người sống trong lòng quần chúng nhân
dân, nắm bắt được xu thế của thời đại, căn cứ
trên phương tiện huyền bí để lập thuyết lập
đạo.
Thứ
ba, khác
với Phật Thiền miền Bắc vốn nặng yếu tố trí
tuệ duy lý Phật giáo Nam Kỳ lục tỉnh nặng
yếu tố tìng cảm, thần kì, huyền bí (Bùa ngải, phù chú, cầu cơ giáng
bút,
đạo Bửu Sơn Kỳ hương, đạo Lành, đức Phật
Trùm tại vùng biên giới Việt Miên,
đức Bổn Sư tại Thất sơn...). Điểm đặc biệt là
các yếu tố thần kì này không dẫn
tới thoát ly mê tín, xa cách cuộc đời,
trái lại chúng đóng góp tích
cực trong qua trình đấu tranh chống ngoại xâm,
đòi độc lập chủ quyền cho dân tộc.
Thứ
tư, Phật
giáo miền Bắc hình thành thời Bắc thuộc
và phát triển thời phong kiến độc lập tự
chủ, chỉ có hệ tư tưởng Khổng Mạnh Lão
Trang của thống trị phương Bắc và hệ tư tưởng
Phật Thiền của dân tộc chống lại ách thống
trị trên. Đạo Phật giữ vai trò thống nhất ý
chí toàn dân, lãnh đạo cuộc đấu
tranh ; sang thời phong kiến độc lập tự chủ (X-XII) nó
cũng lãnh đạo toàn dân xây dựng đất
nước Đại Việt; Phật giáo Nam Bộ ở trong hoàn
cảnh khác: có nhiều đảng phái, nhiều hệ
tư tưởng, nhiều lực lượng quần chúng, nhiều
phương pháp đấu tranh... phức tạp khác nhau;
trong cố gắng kết hợp đạo pháp và dân
tộc, Phật giáo miền Nam không giữ được vai
trò chủ đạo, thống nhất quần chúng như Phật
giáo miền Bắc trước kia.
Thứ
năm, có
sự chuyển dịch cơ cấu quyền lực, bộ ba “Vua quan -
Triều đình - Dân chúng” trở thành bộ
ba “Nhà sư,ông Đạo - Chùa, làng mạc,
toà thánh - Nhân dân, tín đồ”
Các chi phái Bửu sơn Kỳ hương lập căn cứ
chống Pháp ở núi Sam (1873), đạo Lành,
đạo Phật đường, đạo Minh sư... đều là những
tín ngưỡng đấu tranh cho đạo pháp và
dân tộc, người Pháp gọi là “chủ nghĩa
dân tộc tôn giáo”. Núi Tà Lơn ở
biên giới Campuchia, núi Cấm ở Thất Sơn đều là
những căn cứ địa, nơi xuất phát các cuộc
khởi nghĩa chống Pháp. Khi cuộc đô hộ dần
dần đi vào ổn định, nếp sống dân chủ tư
sản bắt đầu phát triển, tư tưởng dân tộc
tôn giáo bị thay thế bằng những trào lưu
tư tưởng chính trị có tính tư sản, thoả
hiệp ; về mặt tôn giáo tư tưởng tổng hợp
văn hoá, tổng hợp tôn giáo thể hiện rất
rõ nét nơi đạo Cao Đài và đạo Hoà
Hảo. Song song với các tư tưởng đó, tư tưởng
cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng hình
thành và phát triển. Trong sự đa dạng và
phức tạp của các tư tưởng chính trị, xã
hội, tôn giáo... người ta vẫn nhận ra các
xu hướng tương phản : thoả hiệp hoặc đấu tranh, theo
Pháp hoặc chống Pháp, đấu tranh nghị trường
dân chủ tư sản hoặc đấu tranh cách mạng xã
hội chủ nghĩa (...).
6. Đạo Cao Đài
Sự hình thành
Đạo Cao Đài
ra đời tại miền Nam năm 1926. Mấy nguyên nhân
góp phần hình thành đạo Cao Đài :
Nguyên nhân
1. Cuối thế kỷ XIX Pháp xâm chiếm Việt Nam,
tới đầu thế kỷ XX thực dân Pháp bắt đầu
cuộc khai thác thuộc địa, bóc lột về kinh tế, thống trị về văn hoá tư
tưởng. Nhân dân
Nam Bộ đã kiên quyết nổi dậy chống Pháp
nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Mâu
thuẫn giữa đạo Cao Đài và thực dân Pháp
ít nhiều khiến ta nhớ tới cuộc đấu tranh của
đạo Thiên Chúa trước kia chống lại cuộc xâm
lược của La Mã với một vài khác biệt
: “ Đạo Ky tô do người
nghèo khởi xướng còn
đạo Cao Đài do tầng lớp trên (tư sản, địa
chủ, tiểu tư sản) khởi xướng ” (6).
Nguyên nhân
2. Vào thời điểm đó các tôn giáo
có mặt tại miền Nam đề mất dần uy tín,
không thích ứng được với hoàn cảnh của
đất nước và dân tộc : đạo Nho thích hợp
cho phong kiến quân chủ nông nghiệp chứ không
thích hợp cho một Nam Kỳ lục tỉnh lúc này
đang có những tiền đề chuyển sang kinh tế thị
trường, Âu hoá, dân chủ hoá; đạo Phật tiểu thừa tự giác tự độ không
thích
hợp với đại đa số quần chúng; đạo Phật đại
thừa mất ảnh hưởng từ lâu nay lại kết hợp với
các yếu tố thần kỳ mê tín của đạo
Lão phù thuỷ; đạo Thiên Chúa, đạo
Tin Lành sau này thì bị coi như kẻ đồng
hành với thực dân đế quốc khó chiếm
được lòng tin của nhân dân Nam Bộ. Các
phong trào đấu tranh chống Pháp bị đàn
áp (phong trào Cần Vương ở miền Trung; Yên
Thế, Thái Nguyên ở miền Bắc, hội kín ở
miền Nam...).
Nguyên nhân 3. Nhân dân miền Nam có nhu cầu tín
ngưỡng rất cao cũng như có truyền thống yêu
nước rất sâu sắc, các tôn giáo đã
có đều rời rạc lẻ tẻ không thể đáp
ứng được nhu cầu tín ngưỡng và tư tưởng, không thể thống nhất được ý
chí và
hành động của họ. Cần một tôn giáo
mới. Đạo Cao Đài ra đời trong khung cảnh đó,
một cố gắng tổng hợp vĩ đại : tổng hợp các
tôn giáo, tổng hợp đạo và đời, tổng
hợp truyền thống và hiện đại.
Về danh hiệu đạo Cao Đài
Tên đầy đủ
của đạo Cao Đài là Đại đạo tam
kỳ phổ
độ (đạo lớn phổ độ rộng rãi lần thứ ba). Kỳ
phổ độ thứ nhất là từ thời Thượng Cổ đến
600 năm trước Công nguyên, Thượng đế đã
xuất hiện tại nhiều nơi khác nhau lập ra nhiều
tôn giáo khác nhau tuỳ theo phong tục tập
quán của từng vùng (Á Đông: Kinh
Dịch, Phục Hy, Thần Nông; Ấn Độ: Bà la môn
giáo; Tiểu Á, Ả Rập: đạo Do Thái...). Kỳ
phổ độ thứ hai từ 600 năm TCN đến thế kỷ XIX (Lão
giáo, Khổng giáo tại Trung quốc; Phật giáo
tại Ấn Độ ; Do Thái giáo, Ky tô giáo
tại Palestine, Ả Rập, Ba Tư...). Kỳ phổ độ thứ ba, thế
kỷ XX : các tôn giáo đều xuất phát
từ một nguồn gốc (Thượng Đế) và hướng tới
một cứu cánh (phổ độ chúng sinh) nhưng bị
những giới hạn về địa lý, chính trị, xã
hội nên sinh ra mâu thuẫn, chống đối nhau. Nay
Thượng Đế lập ra một tôn giáo mới tổng hợp
toàn bộ tôn giáo (Vạn
giáo đồng
quy, ngũ chi nhất lý) để chuẩn bị cho kỳ phổ độ
thứ ba, đó chính là đạo Cao Đài.
Các
tôn
giáo trước kia đều do người phàm lãnh
đạo nên mới sinh ra chia rẽ mâu thuẫn nhau, lần
này chính Ngọc Hoàng Thượng đế là
giáo chủ của đạo Cao Đài với danh hiệu Cao
Đài Tiên ông Đại Bồ tát Ma-ha-tát (7).
Ngay danh xưng đã cho thấy đạo Cao Đài là
một tổng hợp của ba tôn giáo lớn: Nho (Cao
Đài) Lão (Tiên Ông) Phật (Đại Bồ
Tát Ma-Ha-Tát (8). Mối liên hệ giữa Ngọc
Hoàng Thượng đế và con người được thực
hiện thông qua việc cầu cơ giáng bút, tất
cả những thánh ngôn từ ngày khai đạo vào
đêm Noel 1925 cho tới 1935 đã được tập hợp
lại thành hai quyển thánh ngôn hợp tuyển
có giá trị như kinh điển của đạo Cao Đài.
Tư
tưởng tổng hợp
Đạo Cao Đài là một tổng hợp các tôn giáo cũng như tổng hợp đạo và đời, tổng hợp tôn giáo : Qui nguyên tam giáo, hợp nhất ngũ chi.
Tờ khai đạo của đạo Cao Đài ngày 7.10.1926 viết về mục đích quy nguyên tam giáo như sau : “ Từ xưa đến nay ở Đông Dương đã có tam giáo (Phật, Lão, Khổng) Tổ tiên chúng tôi đã tu hành theo giáo lý tam giáo và sống hạnh phúc nhờ tuân thủ nghiêm ngặt những lời dậy tốt lành của tam giáo đạo tổ(...)Than ôi, thời đại tốt đẹp đó không còn nữa vì những lẽ sau đây (...)Đau lòng trước những trạng huống này, một nhóm người Việt Nam gồm những người có nhiệt tâm với truyền thống và việc tu hành đã nghiên cứu canh tân tất cả các tôn giáo này để hiệp nhất thàng Đạo Cao Đài hay Đại Đạo”(9)
Qui nguyên tam giáo cũng là hợp nhất ngũ chi, thánh ngôn ngày 24.04.1926 viết “ Vốn từ trước Thầy lập ra ngũ chi đại đạo là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo. Tuỳ theo phong hoá của nhân loại mà gầy chánh giáo vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt thì nhân loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhân loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhân loại nghịch lẫn nhau, Thầy mới nhất định qui nguyên phục nhất”(10)
Tư tưởng tổng hợp thể hiện rõ ràng nhất nơi điện thờ tại Thánh thất Tây Ninh:
Sơ đồ điện thờ tại toà thánh Tây Ninh (11)
_______________________________________
1
2
TTĐT TPGC KTTS
QANL TBKT QTĐQ
GTGC
KTTN
3. GTTKPĐ 4
5 6 7 8 9
10 11 12
______________________________
Ghi chú hình trên :
1.
Thiên nhãn
2. Đèn Thái
cực
THÁI THƯỢNG ĐẠO
TỔ TÂY PHƯƠNG
GIÁO CHỦ KHỔNG THÁNH
TIÊN SƯ
QUAN ÂM NHƯ LAI
THÁI BẠCH KIM TINH
QUAN
THÁNH
ĐẾ QUÂN
GIA TÔ GIÁO
CHỦ
KHƯƠNG THƯỢNG TỬ
NHA
3.Trái
cây
GIÁO TÔNG TAM KỲ PHỔ
ĐỘ
4. Bình bông
5. Trà
6, 7, 8 : Rượu
9. Nước
10. Đèn
11: Lư hương
12. Đèn
Đạo Cao Đài là một cố gắng tổng hợp hiện đại hoá chế độ phong kiến của Việt Nam với chế độ quân chủ lập hiến, tam quyền phân lập, dân chủ tư sản phương Tây. Những người sáng lập ra đạo Cao Đài đều thuộc tầng lớp địa chủ tư sản, tiểu tư sản (39% địa chủ, 37% tiểu tư sản, 8% kỳ hào, 16% các nhà hoạt động tôn giáo. Đạo Cao Đài được tổ chức phỏng theo giáo phẩm Công giáo : phối sư tương ứng với Archevêque (Tổng Giám mục) giáo sư với Évêque (giám mục), giáo hữu với prêtre (linh mục)... Tư tưởng dân chủ tư sản, tam quyền phân lập cũng thể hiện rõ nét : Bát quái đài là nơi ngự trị của Thượng đế, thể hiện dưới dạng Thiên nhãn, đó là cơ quan lập pháp ; Cửu trùng đài là nơi Giáo tông làm lễ và thực hiện mọi công việc đời thường, đó là cơ quan hành pháp ; Hiệp thiên đài giữ vai trò trung gian, vừa liên hệ với Thượng đế tối cao vừa liên hệ với phàm trần, trước khi ban hành một điều lệnh gì Hiệp thiên đài đều tổ chức cầu cơ để thỉnh ý Thánh chủ ; đối với các vấn đề xã hội Hiệp thiên đài theo chế độ tam viện : Hội nhân sinh (đại diện tín đồ Cao Đài), Hội thánh (đại diện chức sắc Hiệp thiên đài và Cửu trùng đài) và Thượng Hội (các chức sắc cao cấp gồm thập nhị thời quân của Hiệp thiên đài và giới chức cao cấp từ phối sư trở lên của Cửu trùng đài) như vậy Hiệp thiên đài vừa có tính lập pháp vừa có tính tư pháp.
Đạo Cao Đài coi chế độ quân chủ lập hiến kiểu Nhật là thích hợp nhất đối với hoàn cảnh Việt Nam (vừa trung thành với truyền thống dân tộc vừa kết hợp được tinh thần dân chủ của thời đại). Vì vậy đạo Cao Đài rất đề cao Duy Tân, Thành Thái, Hàm Nghi và nhất là Kỳ ngoại hầu Cường Để. Tư tưởng dân chủ tự do tư sản trở thành lý tưởng để vươn tới, hai câu đối bên cổng vào Toà thánh có ghi :
Cao
thượng Chí tôn Đại đạo Hoà binh dân
chủ mục
Đài
tiền sùng bái Tam kỳ cộng hưởng tự do quyền
(12)
Tín đồ đạo Cao Đài khá đông nên đã trở thành đối tượng tranh thủ của cả tôn giáo lẫn chính trị, về phía người Việt và phía thực dân Pháp. Tôn giáo và chính trị lợi dụng lẫn nhau để phát triển. Ngay từ buổi đầu khai đạo, cơ bút ngày 27.10.1926 viết “Nòi giống Pháp và nòi giống An nam là hai nòi giống được ta ban phép lành. Ta muốn hai con phải hợp nhất với nhau mãi mãi. Giáo lý mới mà ta dậy cho các con có mục đích đặt các con vào cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt. Hãy hợp nhất với nhau theo ý ta và hãy truyền giảng cho thế giới tư tưởng hoà bình và hoà hợp” (13). Cơ bút ngày 15.12.1926 cũng nhắc lại các nội dung tương tự. Về mặt tín ngưỡng, có thể hiểu đó là biểu hiện của tư tưởng vạn giáo nhất lý ; tư tưởng bình đẳng, tôn trọng, nhìn nhận lẫn nhau của các tín đồ đạo Cao Đài không còn phân biệt mầu da, sắc tộc, địa lý... Tuy nhiên, về mặt chính trị lại có thể xem đó là biểu hiện của tư tưởng Pháp Việt đề huề, nó cho thấy Pháp đã chi phối được giới lãnh đạo cao cấp của đạo Cao Đài như thế nào (14).
7. Đạo Hoà Hảo
Không có
sự tổng hợp đồ sộ đầy ấn tượng như đạo Cao Đài, đạo Hoà Hảo lại có
những nét đặc
sắc riêng : vấn đề về chủ nghĩa yêu nước,
về việc tiếp thu và vận dụng các tư tưởng
ngoại nhập và về vấn đề con đường “thứ ba”.
Giáo chủ
Đạo
Hoà
Hảo hay Phật giáo Hoà hảo do Huỳnh Phú
Sổ khai sinh năm 1939 tại làng Hoà Hảo (Châu
Đốc). Người thường gọi ông là ông
Tư Hoà Hảo hay Đức Huỳnh Giáo chủ còn
các đệ tử thì kêu là Đức Thầy (15).
Ông sinh năm 1920 tại Hoà Hảo. Thông minh,
nhạy bén, giỏi thơ văn nhưng tính trầm lặng,
không thích chỗ đông người, không
thích đàn bà ca hát, không thích
nói tới chuyện vợ con. Học hết lớp tiểu học
thì ông bị sốt rét rất nặng nhưng đã
thoát chết, từ đó ông như bị một thứ
tâm bệnh – mà có lúc ông gọi là
sự chiếu cố của ơn trên – các lương y phù
thuỷ đạo sĩ... chữa không hết. Ông tự xưng là
“khùng điên”, đi lên các núi
Tà Lơn, núi Cấm, núi Két, núi
Trà Sư... để chữa bệnh. Nhờ đó ông học
được nhiều bùa chú, sấm Trạng Trình và
tư tưởng của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.
Khi trở về ông chữa bệnh cho nhân dân bằng
những bài thuốc học được ở Thất Sơn. Ngoài
ra ông cho biết đã gặp Ngọc hoàng Thượng
đế, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, ông thọ
mệnh các vị đó để truyền giảng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương qua những sấm kệ do
ông soạn ra. Ngày
15.5.1939 tại nhà riêng của mình, ông
làm lễ chính thức ra mắt đạo Hoà Hảo.
Từ Bửu Sơn Kỳ Hương đến Phật giáo Hoà Hảo
Bửu Sơn Kỳ Hương là một tông phái của Phật giáo do ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856) sáng lập ra. Ông là một nhà sư, một sĩ phu yêu nước dưới thời Gia Long, ông lập đạo tại chùa Tây An (Thất Sơn) năm 1849 nên được gọi là Phật Thầy Tây An, ông vừa truyền bá đạo Tứ ân hiếu nghĩa vừa tập hợp các lực lượng yêu nước chống Pháp. Ông theo tư tưởng Thiền của phái Lâm tế (Trung quốc) (16) và phái Trúc Lâm Yên Tử (Việt Nam ) (17). Phật giáo Bửu sơn Kỳ hương “ không thờ Phật cốt, không gõ mõ tụng kinh, không đầu tròn áo vuông, tu đâu cũng được, làm lành tránh dữ, thực hành tứ ân : ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Ai quy y theo Phật thường được phát một mảnh giấy vàng hoặc giấy bạch ghi bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương “ (18).
Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hhương truyền bá theo hai cách : thứ nhất là cách cảm bằng trực giác giữa các vị tổ sư như Đức Phật Trùm (vùng biên giới Việt-Miên), Đức Bổn sư (Ngô Lợi, núi Tượng, Thất Sơn) ông Sư vãi bán khoai (kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc)... và Huỳnh Giáo chủ ; thứ hai là kế tiếp tương truyền giữa các đại đệ tử (đạo Thành, đạo Ngoan, ông Đình Tây, ông Tăng Chủ, ông đạo Lâp, đạo Xuyên, ông Hai Nhu, ông Ba Thới...(19).
Đặc
trưng riêng
có của đạo Hoà Hảo
Nếu
nói về
đặc trưng riêng có, ta có thể kể :
a. Cố gắng khắc phục những hạn chế của Phật giáo đương thời (kinh điển trừu tượng, xa rời thực tế) nghi thức rườm rà phức tạp (thầy lễ thầy cúng, gõ mõ tụng kinh) các hình thức mê tín dị đoan (đồng cốt, đốt vàng mã...), giản dị hoá việc thờ cúng( không vẽ hình đúc tượng, không cúng kiến chè xôi.)
b.
Tổng hợp tam
giáo (Khổng Phật Lão) với đạo thờ tổ tiên
của người Việt thành Phật giáo Tứ ân
hiếu nghĩa “ Đức Phật
thầy Tây an thường khuyến
khích các môn nhân đệ tử rằng muốn
làm xong hiếu nghĩa có bốn điều ân mà
ta phải hy sinh gắng gổ mới mong làm trọn ” (20).
c.
Chủ yếu nhắm
vào đại đa số quần chúng, Phật giáo
Hoà Hảo có xu hướng đại thừa, tịnh độ,
phổ cập việc tu nhơn học Phật cho mọi người “ Bàn
xét như trên thấy rằng toàn thể trong đạo
chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ học Phật tu thân
vậy. Sách xưa có câu : Thiên kinh vạn
điển hiếu nghĩa vi tiên ” (21).
d.
Phật giáo
Hoà Hảo có Giáo chủ mà không có
Giáo hội, không giáo phẩm, không có
chùa, không thờ tượng Phật, không đọc
kinh Phật giáo chỉ đọc sấm kệ do chính Huỳnh
Giáo chủ biên soạn.
e.
Phật giáo
Hoà Hảo không có giáo hội, giáo
phẩm, tăng giới nhưng thay vào đó lại có
tổ chức chính trị (Việt Nam dân chủ xã
hội đảng, Dân xã Đảng) và có quân
đội (Bảo an đội, đệ tứ sư đoàn dân
quân...) (22).
Giáo
lý đạo
Hoà Hảo
Gồm
hai phần là
học Phật và tu nhân
* Học Phật
Nhìn chung đạo Hoà Hảo chủ trương con người khổ sở do tam nghiệp, thất tình, lục dục... khi nào biết tu tập, biết nhận ra tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên để diệt trừ các ác trên và biết theo bát chính đạo, nhẫn nhục tu thân học Phật thì mới trở thành hiền nhân được. Học Phật gồm ba phần:
- Ác pháp : những thứ làm ô nhiễm thân tâm, gây tội lỗi cho con người, làm con người chìm đắm trong luân hồi sinh tử (tam nghiệp, thất tình, lục dục, ngũ uẩn, tứ đỗ tường...)
- Chân pháp : những pháp giúp ta đánh tan mê hoặc tối tăm để giác ngộ chân lý (tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên) (23)
- Thiện pháp : bát chính đạo, bát nhẫn (tám điều nhẫn nhục để vượt qua thử thách trong khi tu tập)
* Tu
thân :
Tu “tứ ân hiếu nghĩa” do Phật Thầy Tây An của phái Bửu Sơn Kỳ Hương đề xuấ t; tứ ân là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Ân tổ tiên cha mẹ và ân đất nước được đặt lên hàng đầu, sau đây là một thông điệp rất ý nghĩa :
“ Sinh ra ta phải nhờ tổ tiên cha mẹ, sống ta phải nhờ đất nước quê hương. Hưởng những tấc đất, ăn những ngọn rau, muốn cho sự sống được dễ dàng, giống nòi được truyền thụ, ta cảm thấy bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng vầy đạp. Ráng nâng đỡ xứ sở quê hương lúc hiểm nghèo và làm cho đất nước trở nên cường thạnh. Ráng cấp cứu nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lòng ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm. Hãy tuỳ tài tuỳ sức nỗ lực hy sinh cho xứ sở. Thảng như không đủ tài lực đảm đương việc lớn, chưa gặp thời cơ để giúp đỡ quê hương, ta phải ráng tránh đừng làm việc gì sơ suất đến nỗi làm cho nước nhà đau khổ và đừng giúp sức cho kẻ ngoại địch gây sự tổn hại đến đất nước. Đó là ta đền ân cho đất nước vậy ” (24).
Tư
tưởng yêu
nước
Từ
khởi điểm
Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hoà
Hảo là những tôn giáo yêu nước, gắn
bó đạo pháp và dân tộc, người Pháp
gọi đạo Cao Đài là chủ nghĩa dân tộc
tôn giáo, xem ra danh hiệu này thích
hợp với đạo Hoà Hảo hơn.
Đối
với Pháp
và tay sai :
“ Tới
Nguyễn trào sa tay một phút
Lũ Tây
dương bòn rút mấy mươi năm
Thương
dân ruột tím gan bầm
Rửa chưa
xong hận còn căm mối thù (...)
Khắp Nam
Bắc đùng đùng một trận
Ấy mới mong
quốc vận phản hồi
Trước ta
dẹp lũ Tây bồi
Sau đưa quốc
tặc qui hồi Diêm cung ”
Gọi đoàn (1943) (25)
Đối
với thực
dân và phát xít :
“ Nay
chẳng
lẽ ngồi coi thắng bại
Của cọp
rồng trên giải đất ta
Một mai cọp
đã lìa nhà
Biết rồng
có chịu buông tha chăng cùng
Vậy anh em
phải chung lưng lại
Dùng
sức mình đánh bại kẻ thù ”
Gọi đoàn (1943) (26)
Pháp, Nhật
và Việt Minh đều muốn chia sẻ ảnh hưởng và
tranh giành lực lượng quần chúng của Phật
giáo Hoà Hảo tuy nhiên – như đạo Cao Đài
trước kia – Phật giáo Hoà Hảo muốn chọn con
đường thứ ba :
“ Thêm
thời nay thế kỷ hai mươi
Cố xô
xẹp thần quyền cho hết
Người nhẹ
dạ nghe qua mà mết
Rằng nên
dùng sức mạnh cạnh tranh
Được lợi
quyền lại được vang danh
Bài
xích kẻ tu hành tác phước
Làn
sóng ấy nhiều người đón rước
Dục nhân
tâm sôi nổi tràn trề
Cổ tục mà
phỉ báng khinh chê
Cho tôn
giáo là mùi thuốc phiện
Ai nếm vào
ắt là phải nghiện ”
Khuyến thiện (1941) (27)
*
II. LỆCH CHUẨN “ DÂN CHỦ TỰ DO ”
Cùng với sự có mặt của chế độ thực dân thuộc địa Pháp, dân chủ tự do phân phương Tây đã được phổ biến tại miền Nam trước tiên so với cả nước, cũng chính từ miền Nam các khái niệm dân chủ tự do, bình đẳng bái ái đã bị phản bội một cách tệ hại, do thực dân đế quốc cũng như do người bản xứ. Phải qua một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ các lý tưởng dân chủ tự do mới lấy lại được ý nghĩa cao đẹp ban đầu của chúng.
1. Dân chủ phương
Đông
Dân
chủ là
quyền làm chủ của nhân dân, khái niệm dân chủ liên hệ tới quyền con
người (nhân
quyền) và quyền công dân (dân quyền).
Nhân quyền là nói tới quyền của con người
nói chung, đã là người thì ai của
có những quyền đó như quyền sống, quyền tư
hữu, quyền tư tưởng..., còn dân quyền là
quyền của người dân trong một đất nước cụ thể ;
nhân quyền là cái chung, dân quyền là
sự thể hiện của cái chung trong cái riêng,
cái cụ thể của từng đất nước dân tộc.
Nhân quyền, dân quyền, dân chủ... đều là
những chinh phục cam go của con người trong lịch sử.
Trong mối quan hệ Thiên-Địa-Nhân, triết học phương Đông coi Trời là cao cả nhất (Thiên, thiên đạo, thiên lý, thiên mệnh), vua là con Trời (Thiên tử) thay mặt Trời để trị dân, vua quan được coi như cha mẹ dân (dân chi phụ mẫu). Như vậy người dân được “làm chủ” theo nghĩa nào ?
Khổng tử nói
“Dân chi sở hiếu, hiếu chi ; dân chi sở ố, ố
chi ; thử chi vị dân chi phụ mẫu” (Thích
cái
thích của dân, ghét cái ghét của
dân, vậy mới gọi là cha mẹ dân). Cùng
với tư tưởng ý dân là ý Trời,
Khổng tử nói “Thiên thị tự ngã dân
thị, thiên thính tự ngã dân thính”
(Trời trông thấy tự ở
dân trông thấy,
trời nghe thấy tự ở dân nghe thấy). Ngoài ra
Khổng tử cũng nói tới tư tưởng lấy dân làm
gốc “Quốc dĩ dân vi bản” (Nước
lấy dân làm gốc). Tử Cống hỏi chính
trị, Khổng tử đáp “Túc thực, túc
binh, dân tín” (Cơm áo
đầy đủ, quân
đội đầy đủ, dân tín nhiệm). Nếu phải bỏ
đi một điều thì bỏ điều gì ? Bỏ việc
binh. Còn hai điều phải bỏ đi một điều thì
bỏ điều gì ? Bỏ việc cơm áo. Như vậy, theo
Khổng tử vua tin ở dân và dân tin ở vua là
điều quan trọng nhất, dân không tin thì
không thể đứng vững được (dân vô tín
bất lập).
Mạnh Tử lại đề cao vai trò của người dân và việc phục vụ lợi ích nhân dân hơn nữa. “Đấng minh quân chỉ định cái tài sản của dân khiến ngẩng lên đủ thờ cha mẹ, cúi xuống đủ nuôi vợ con; năm được mùa thì được no luôn, năm mất mùa không đến nỗi chết. Được như thế rồi mới bắt dân làm điều lành thì dân làm điều lành dễ lắm” (Lương Huệ Vương, thượng). “Vua xem bầy tôi như tay chân thì bầy tôi xem vua như bụng dạ; vua xem bầy tôi như chó ngựa thì bầy tôi xem vua như người lạ trong nước; vua xem bầy tôi như đất như cỏ, bầy tôi xem vua như giặc như thù” (Ly Lâu, hạ). “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân làm quý, xã tắc làm thứ, quân làm khinh / Có dân mới có nước, có nước mới có vua)
Có thể nói, dân chủ phương Đông có mấy đặc tính sau:
(a). Đó là tư tưởng dân chủ, chưa được thể hiện thành cơ chế, pháp lý
(b). Dân chủ theo chiều dọc, từ trên xuống (Trời - vua - dân/ Cha mẹ - con cái). Vua Lý Thánh Tôn cũng có một câu nổi tiếng : “ Lòng trẫm yêu dân như yêu con của trẫm vậy, hiềm vì trăm họ làm càn phải tội, trẫm lấy làm thương lắm. Từ rầy về sau, tội gì cũng phải giảm nhẹ bớt đi ”.
(c). Nhấn mạnh tới khía cạnh bổn phận, trách nhiệm hơn là sự bình đẳng, quyền lợi của người dân.
(d). Hậu quả của dân chủ theo hàng dọc là tính tuỳ tiện, bao cấp, gia trưởng.
2.
Dân chủ
phương Tây
Phương Tây
tiếp cận vấn đề theo một góc độ khác. Solon
chủ trương giải phóng nô lệ, quy định mức
ruộng đất tối đa mà quý tộc có quyền
có, ấn định nghĩa vụ và quyền lợi công
dân theo mức tài sản. Kléisthènes :
quyền của nhân dân biểu hiện qua việc bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân, có nhiệm
kỳ, tuỳ theo tỷ lệ số dân. Éphiantes chủ
trương quyền người dân (demos) làm chủ đất
nước (démocratie); thể chế hoá tư tưởng dân
chủ, vấn đề phân quyền, nhà nước pháp
quyền, trách nhiệm nhà nước đối với nhân
dân... được đặt ra từ đó. Périclès
tiếp tục phát triển đường lối dân chủ của
Éphiantes, đề cao bình đẳng, dân quyền,
dân sinh, hoàn thiện chế độ bầu cử để bảo
vệ quyền lợi dân nghèo. Montesquieu, trong tác
phẩm Esprit
des lois (Tinh thần pháp lý,1748) chính
thức chủ trương và hệ thống hoá tam quyền
phân lập để tránh sự lạm quyền của cơ quan
công quyền trong việc phục vụ lợi ích toàn
dân. J.J.Rousseau : chủ quyền thuộc về dân, dân
trao quyền cho nhà nước; quyền lực của nhà
nước do dân uỷ quyền cho mà có; mục đích
và chức năng của nhà nước là phục vụ
lợi ích nhân dân, tất cả diễn ra như một
hợp đồng xã hội (Contrat
social).
Nhìn chung, dân chủ phương Tây có những đặc tính sau :
(a). Giải phóng khỏi ách nô lệ, bảo đảm quyền làm chủ của người dân.
(b). Tư tưởng dân chủ được thể chế hoá (bầu cử, nhà nước pháp quyền...)
(c). Quyền lực tối thượng thuộc nhân dân, dân uỷ quyền cho nhà nước.
(d). Nhấn mạnh tới quyền lợi hơn là nghĩa vụ.
(e). Dân
chủ theo hàng ngang (bình đẳng, phổ thông
đầu phiếu, đối lập, phân quyền) (28)
3. Dân chủ tự do và chế độ thuộc địa
Các nhà duy vật Pháp đã đúc kết tư tưởng dân chủ tự do bàng bạc từ thời cổ đại tới thời Phục Hưng thành những cơ sở lý luận vững chắc đồng thời vạch ra con đường phải đi, biện pháp cụ thể phải làm để thực hiện những lý tưởng đó. Dân chủ tự do, binh đẳng, nhân quyền trở thành ngọn cờ lý luận cho cuộc đai cách mạng Pháp 1789.
Trong
những năm
đầu, lý tưởng dân chủ tự do được thể
hiện rõ ràng (1789-1792) : Bản tuyên ngôn
nhân quyền và dân quyền, quyền bầu cử,
tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền an
toàn, chống áp bức, tam quyền phân lập.. Sau
đó lý tưởng dân chủ bị xâm phạm,
có sự thanh toán, chia rẽ lẫn nhau (1792-1794),
đến khi Napoléon lên nắm quyền thì lý
tưởng dân chủ tự do bị phản bội. “Năm
1792 đến
1804, Cộng hoà lần thứ nhất. Napoléon phản
cách mạng lên làm hoàng đế. Năm 1848
lại cách mệnh lần thứ hai. Năm 1852, cháu
Napoléon lại phản cách mệnh lên làm
vua. Năm 1870, nhân thua Đức, Napoléon thứ ba bỏ
chạy. Pháp lại lập nên Cộng hòa thứ
ba” (29). Lý tưởng dân chủ tự do đã có
những bước thụt lùi, những phản bội do chính
người Pháp gây ra. Trước khi trở thành
thực dân đối với các thuộc địa Á Phi
xa xôi sau này, Pháp đã bắt các
nước láng giềng phủ phục dưới gót sắt xâm
lược của họ, đó là bài học đau đớn
cho dân tộc Đức; cho Fichte, Hegel, những đại
triết gia Đức không ngớt ca tụng lý tưởng
dân chủ tự do của cách mạng Pháp. Đồng
thời, đạo Thiên Chúa vói hai nguyên lý
mâu thuẫn là lòng bác ái (la
charité) và sự bất khoan dung (l’intolérance)
đã là người bạn đồng hành, nương theo
chủ nghĩa thực dân Pháp để tới Việt Nam.
Trước đó, tại Hợp chủng quốc Hoa kỳ, lý tưởng dân chủ tự do, độc lập dân tộc... đã được xác lập sớm hơn, Tuyên ngôn Độc lập ngày 4.7.1776 ghi rõ:
“ Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, và Tạo hoá ban cho họ những quyền nhất định rất quen thuộc, trong số đó có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc (...). Nhân danh và đại diện quyền lực của người dân nhân hậu của các thuộc địa, nay long trọng công bố và tuyên bố các thuộc địa đoàn kết này sẽ và có quyền là những bang độc lập và tự do” (30).
Bản
thân
Mỹ là thuộc địa đấu tranh chống ách đô
hộ của người Anh nhân danh những lý tưởng
dân chủ tự do, độc lập, nhân quyền... nhưng
khi đã có quyền lực trong tay chính Mỹ
lại đi thống trị người khác, dân tộc khác,
phủ nhận những lý tưởng của tổ tiên mình.
Mỹ can thiệp vào Alaska, Hawai (1893), Cuba
(1895), Porto Rico, Guam, Philippines, Trung Quốc (1900), Nhật,
Trung Mỹ, Cộng hoà Dominique (1904, 1916, 1965), Nicaragua
(1912), Mexico (1914), Triều Tiên (1950), Liban
(1958), Việt Nam (1954-1975) (31).
“Hiện nay
thực dân Pháp đã phải công khai thú
thật rằng chúng đã kiệt quệ rồi. Chúng
không thể nào kéo dài chiến tranh nữa
nếu không có Mỹ giúp. Thực dân Pháp
yêu cầu Mỹ giúp nhưng lại sợ Mỹ gạt chúng
để độc chiếm Đông dương như Nhật đã gạt
chúng mấy năm về trước. Từ ngày bắt đầu
chiến tranh Mỹ đã ra sức giúp giặc Pháp. Nhưng hiện nay, Mỹ tiến lên
một bước: trực tiếp
can thiệp vào Việt Nam” (32).
Đó
là số
phận thăng trầm của dân chủ tự do tại chính
quốc và tại các thuộc địa.
4. Lệch chuẩn theo hướng nào ?
Các tư tưởng dân chủ tự do có thể bị lệch chuẩn từ hai phía:
* Về phía cường quốc phương Tây
Bản
chất của
dân chủ tự do phương Tây là giải phóng
khỏi sự lệ thuộc, bảo đảm quyền làm chủ của
người dân, công nhận quyền tự do bình
đẳng, độc lập dân tộc... Nếu hiểu độc lập tự
do với nội hàm và ngoại diên như vậy thì
phải nhận rằng có một sự lệch chuẩn nghiêm
trọng, hay đúng hơn, một phản bội đối với lý
tưởng dân chủ tự do : các nước thực dân
đế quốc đã phủ nhận những lý tưởng cao
đẹp của Tuyên ngôn độc lập 1776 và Tuyên
ngôn nhân quyền và dân quyền 1789, đã
xâm phạm độc lập, tự do, chủ quyền, nô lệ
hoá các dân tộc khác. Nói cách
khác, chính họ là những kẻ phản bội
lý tưởng dân chủ tự do trắng trợn nhất.
* Về phía người Việt
Những cuộc nổi dậy chống thực dân xâm lược bị dẹp tan, ách đô hộ dần dần được xác lập; nếp sống mới, chuẩn mực mới ra đời và người dân Nam kỳ lục tỉnh phải tập làm quen. Có ba thái độ khác nhau : a) Hợp tác, thoả hiệp, bình thương hoá quan hệ Việt-Pháp, b) Thích ứng với hoàn cảnh mới, muốn sống yên ổn làm ăn, làm giầu, ít muốn dính tới chính trị, đảng phái, c) Dưới hình thức này hay hình thức khác, tiếp tục đấu tranh cho chủ quyền, dân chủ tự do thực sự. Ba thái độ trên không tách biệt rạch ròi, trái lại chúng có quan hệ, chuyển hoá lẫn nhau.(33)
Thái độ
thoả
hiệp
Pháp-Việt đề huề, sinh hoạt đảng phái như Tây phương, lập đảng chính trị (đảng Lập hiến, đảng Việt Nam quốc gia độc lập, đảng Dân xã, đảng Việt Nam phục quốc...), đấu tranh báo chí tiếng Pháp tiếng Việt (Tribune indigène, Tribune indochinoise, La lutte, Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm...) phát triển kinh tế văn hoá xã hội, nhập Pháp tịch, những đổi mới, tiến bộ giầu mạnh so với phong kiến suy tàn trước kia.
Vấn đề đặt ra là có thể sống như Tây, sinh hoạt chính trị như Tây, có thể có Pháp-Việt đề huề khi còn ông chủ và nô lệ, thực dân và thuộc địa hay không ? Có thể có đảng phái chính trị đúng nghĩa, dân chủ tự do thực sự trong hoàn cảnh lịch sử miền Nam lúc đó hay không ? Trên nguyên tắc đảng chính trị là tổ chức cung cấp lãnh tụ chính trị và cán bộ cho guồng máy công quyền; đơn giản hoá sự lựa chọn của nhân dân trong các cuộc tuyển cử; trung gian giữa chính quyền. Chính đảng tại các nước tiên tiến chỉ hoạt động hữu hiệu nếu hội đủ hai điều kiện :a) có truyền thống dân chủ tự do thực sự xây dựng trên một cơ sở pháp lý ổn định, b) đất nước hoà bình với một tầng lớp quần chúng đông đảo có ý thức chính trị vững vàng. Đó là những điều kiện không thể có được trong hoàn cảnh Việt Nam hồi bấy giờ:
“ Hai điều kiện này khó có thể tìm thấy trong hoàn cảnh chính trị của hầu hết các quốc gia Á Phi mới thâu hồi độc lập. Vì thế nay lấy hệ thống chính đảng Âu Mỹ làm kiểu mẫu, các quốc gia đang phát triển thực sự chưa có chính đảng theo đúng nghĩa của danh từ này ” (34).
Phải nhận rằng có những đổi mới, những tiến bộ đáng kể về nhiều mặt, tuy nhiên nếu xét dưới góc độ tiếp biến văn hoá ta thấy đó là một lệch chuẩn hai mặt: đối với lý tưởng dân chủ tự do thực sự của Tây phương, đó là một phản bội; còn đối với truyền thống văn hoá Việt Nam đó là một xa lìa khỏi truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm giành độc lập tự chủ cho dân tộc. Một lệch chuẩn đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt.
Đấu
tranh giải phóng
dân tộc
Còn một thứ lệch chuẩn khác : sống như Tây, sinh hoạt chính trị đảng phái như Tây, nói tiếng Tây, viết báo Tây nhưng lại chống Tây nhân danh độc lập chủ quyền của đất nước, dân chủ tự do của dân tộc. Trên báo L’Annam, tiến sĩ Phan Văn Trường vạch mặt chính sách hợp tác, chính sách Pháp-Việt đề huề, ông tố cáo:
“Ngài Toàn quyền vốn là một luật sư nhà nghề, chắc không thể không biết rằng một cái hợp tác muốn có giá trị pháp lý thì phải là một cái hợp tác được thành lập tự do hoàn toàn giữa hai bên ký kết với nhau, và, trong trường hợp chúng ta đang thảo luận ở đây : sự hợp tác phải là sự hợp tác giữa hai cường quốc mỗi bên hoàn toàn độc lập với bên kia thì mới đúng pháp lý. Nhưng, ông Varenne và bất kỳ chính khách Pháp nào cũng đều không có ý nghĩ trả lại độc lập cho nước Đại Nam mà ngay cả việc ban bố các quyền tự do dân chủ, tự do làm báo quốc ngữ, ôngVarenne cũng đã bảo một cách kiên quyết là không được đâu, vậy thời cái hợp tác mà ông Varenne nói tới chỉ là giả dối mà thôi. Điều chắc chắn là làm gì có sự hợp tác giữa kẻ chủ ông và người nô lệ, giữa kẻ đi bảo hộ và người bị bảo hộ ? Theo ý nghĩa thực dân của chữ “bảo hộ” thì bảo hộ có nghĩa là giam giữ bằng vũ lực” (35).
Cũng là một lệch chuẩn hai mặt: đối với phương Tây, đó là một tiếp nối khó khăn và sáng tạo của tổ tiên thực dân đế quốc ; đối với Việt Nam, đó là kế tục sự nghiệp đấu tranh cho độc lập tự chủ của dân tộc, đó là tiếp nối dũng khí của Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Thủ khoa Huân và của nhân dân Nam kỳ lục tỉnh từ những buổi đầu kháng Pháp. Lịch sử dân tộc luôn luôn nhắc nhở xây dựng dân chủ tự do phải gắn liền với đấu tranh cho độc lập chủ quyền đất nước. “Yêu cầu độc lập dân tộc của nhân dân ta luôn luôn gắn liền với yêu cầu tự do dân chủ” (36). Trước kia thống trị phương Bắc chủ trương “Tu, tề, trị, bình”, một số người Việt yên phận học hành, làm quan phát tài nhưng một số lại ưu tiên cho “Trị quốc, bình thiên hạ”, liên tục đấu tranh cho độc lập tự chủ. Ngày nay, thực dân Pháp cũng chủ trương “Pháp-Việt đề huề”, ta cũng thấy nơi người Việt hai lập trường đối chọi : hợp tác, thoả hiệp hoặc đấu tranh tới thắng lợi cuối cùng. Sau này, với người Mỹ bài học lịch sử được nhắc lại. Điều lạ lùng và mỉa mai là Việt Nam vừa kế tục truyền thống vẻ vang của dân tộc vừa đem lại một ý nghĩa cao đẹp cho chính lý tưởng dân chủ tự do phương Tây.
*
III. LỆCH CHUẨN “ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA”
1. Sự du nhập
Nguyễn Ái
Quốc là người Cộng sản đầu tiên kể từ
năm 1920 (đảng viên Đảng xã hội Pháp)
ông đã phổ biến chủ nghĩa Mác Lênin
trên các báo Le Paria,
Thanh niên
; trong
sách Le
procès de la colonisation francaise, Đường
Kách mệnh... Ngoài Nguyễn Ái Quốc, nhiều
trí thức tân học khác cũng phổ biến chủ
nghĩa cộng sản như Phan Văn Trường, bạn của Marcel
Cachin, Nguyễn Văn Tạo, đồng chí của Maurice Thorez.
Trên tờ La
cloche félée, tại Sài gòn
từ 1923 đến 1926, Nguyễn An Ninh đã cho đăng nhiều
bài về chủ nghĩa Cộng sản, năm 1926 ông cho
đăng Tuyên ngôn Đảng
Cộng sản trên 8 kỳ
báo liên tiếp; Đào Duy Anh trong Quan hải
tùng thư cũng phổ biến một cách khéo léo
chủ nghĩa Cộng sản, Phan Văn Trường – người cộng tác
với Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh soạn yêu
sách 8 điểm gửi Hội nghị Versailles (1919) – đã
cộng tác với Nguyễn An Ninh hồi 1926-1927, ông
viết:
“Vì sao chưa có chủ nghĩa cộng sản ở Đông Dương ? Chẳng qua vì chưa có người Cộng sản ở bản xứ ta chứ nếu có người tuyên truyền thì chắc chắn là thành công (...). Người nhà quê xứ ta luôn luôn bị phú hào, hội tề và quan lại trong nước bóc lột áp bức. Thêm vào đó là cái ách thực dân ngoại bang làm cho ách trước nặng nề thêm. Phú hào, hội tề và quan lại và một số trí thức thì chủ trương Pháp-Việt đề huề, còn quần chúng nhân dân thì căm giận chế độ thực dân Pháp, căm giận những người bản xứ nào phản bội đồng bào. Họ nuôi chí đấu tranh, chỉ cần làm sao cho quần chúng nhân dân có ý thức về quyền lợi và sức mạnh của họ thì họ sẽ đấu tranh ngay (...). Những người dân bản xứ ngày nay tuy hầu như chưa biết gì về học thuyết Cộng sản nhưng họ biết rõ một điều là những người Cộng sản nêu khẩu hiệu đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc (...). Nhân dân Việt Nam ca ngợi những lãnh tụ Cộng sản Pháp đã nhiệt liệt bênh vực các dân tộc thuộc địa, mỗi lần họ lên diễn đàn quốc hội Pháp . Bởi vậy cho nên đối với mọi người ở xứ này, Quốc tế thứ ba vừa tượng trưng cho công lý vừa tượng trưng cho sức mạnh có thể phá vỡ được sự bất công, bảo vệ kẻ yếu đuối và giải phóng người bị áp bức” (37).
2. Đặc trưng của
chủ nghĩa xã hội khi vào Việt Nam
Sự
hình
thành và phát triển của chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam có mấy đặc tính như sau :
a.
Lúc đầu,
chủ yếu là do lớp trí thức tân học. Các
nhà Nho cũ trong phong trào Duy Tân ít
theo chủ nghĩa Cộng sản vì nó là sản
phẩm của văn hoá phương Tây với những phạm
trù rất xa lạ đối với các nhà Nho cựu
hoc.
b.
Chủ nghĩa Cộng
sản được truyền bá bằng con đường bí
mật, bán công khai, bất hợp pháp là
chính còn bằng con đường công khai, hợp
pháp thì rất hiếm, rất hạn chế (38).
c.
Các hệ
tư tưởng kia do người nước ngoài đem tới còn
chủ nghĩa Cộng sản thì do chính người Việt
du nhập. Việc du nhập và phổ biến bị hạn chế
(thiếu sách báo tài liệu nguyên bản,
không đầy đủ... ) nên nói chung đó
là những kiến thức không hệ thống, không
thuần nhất. Hiện tượng “tam sao thất bổn”, hiện
tượng lệch chuẩn là điều tất nhiên.
d.
Gọi là
chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản hay chủ
nghĩa Mác Lênin nhưng thực chất ở thời điểm
du nhập và phổ biến đó chủ nghĩa xã
hội không hẳn là của Mác hay của Lênin
mà là tư tưởng của Mác Lênin được
nhìn dưới lăng kính của Stalin và Mao, một
thứ chủ nghĩa Mác phương Đông (39).
e.
Xét về
mặt lôgích lịch sử, hệ tư tưởng Mác
Lênin là hệ tư tưởng ngoại nhập cuối cùng
đã tới Việt Nam. Khổng Mạnh Lão Trang tiêu
biểu cho hệ tư tưởng thống trị của phương Bắc, ngự
trị trên đất nước Việt Nam từ trước Công
nguyên cho tới thế kỷ thứ X. Phật Thiền là
hệ tư tưởng đối kháng, đấu tranh cho độc lập
tự chủ, giải phóng khỏi ách thống trị trên.
Tới thế kỷ XIX, tư tưởng dân chủ tự do, bình
đẳng bác ái tiêu biểu cho hê tư tưởng
thống trị của thực dân da trắng phương Tây;
đầu thế kỷ XX chủ nghĩa Mác Lênin là hệ
tư tưởng đối kháng, đấu tranh cho độc lập chủ
quyền, giải phóng dân tộc khỏi ách thống
trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Mỗi hệ tư tưởng đều có mặt mạnh mặt yếu,
tất cả đều được Việt hoá thành một khối
thuần nhất và có vị trí thích đáng
trong lòng văn hoá dân tộc.
f. Trong chiến đấu giành độc lập chủ quyền, trong bảo vệ chính quyền trước mọi thử thách cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa yêu nước nương tựa nhau để cùng tồn tại và phát triển. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam có những nét đặc trưng so với chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa xã hội phương Tây. Trong quá trình hình thành và phát triển này, sự lựa chọn và định hướng xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
g. Từ 1946, với toàn quốc kháng chiến, Nam kỳ lục tỉnh đã hội nhập vào cộng đồng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập chủ quyền cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Yếu tố mới quan trọng là miền Nam có sẵn những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi hơn sự phát triển tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường so với miền Bắc. Không nhận thức rõ điều đó, sau 1975 có một giai đoạn chúng ta đã áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cho miền Nam và đã gặp những sai lầm (cải tạo xã hội chủ nghĩa, hợp tác hoá theo mô hình cũ, ngăn sông cấm chợ...). Tới những năm 80, nhờ vận dụng đúng đắn đường lối đổi mới và khai thác thế mạnh của miền Nam chúng ta đã tìm được lối thoát, tránh được sự đổ vỡ như Liên Xô và Đông Âu, đánh dấu một bước phát triển mới của dân tộc và của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
3. Lệch chuẩn
Muốn hiểu sự
lệch chuẩn trong việc tiếp thu và vận dụng chủ
nghĩa xã hội tại Việt Nam, thái độ khách
quan và khoa học hơn cả là đối chiếu với
những chuẩn mực về chủ nghĩa xã hội của chính
Mác và Lênin.
* C.Mác
Trên quan
điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử,
Mác đưa ra 7 định đề (postulats) về chủ nghĩa xã
hội. Có thể căn cứ trên 7 định đề này
để xem các nhà lý luận Mác-xít,
các nhà hoạt động cách mạng đã
lệch chuẩn như thế nào.
Định đề 1
“Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình con người ta có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tuỳ thuộc vào ý muốn của họ – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình đô phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất của họ”.
Định đề 2
“Toàn
bộ
những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh
tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện
thực, trên đó xây dựng lên một kiến
trúc thượng tầng pháp lý và chính
trị; và tương ứng với cơ sở thực tại đó
thì có những hình thức ý thức xã
hội nhât định. Phương thức sản xuất đời sống
vật chất quyết định các quá trình sinh
hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói
chung. Không phải ý thức của con người quyết
định sự tồn tại của họ, trái lại chính
sự tồn tại xã hội xã hội của họ quyết
định họ”
Định đề 3
“Tới
một
giai đoạn phát triển nào đó của chúng,
các lực lượng sản xuất vật chất của xã
hội sẽ mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất
hiện có, hay – đây chỉ là biểu hiện pháp
lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu
thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ
trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát
triển. Từ chỗ là những hình thức phát
triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ
ấy trở thành những xiềng xích của lực lượng
sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại của một
cuộc cách mạng xã hội”.
Định đề 4
“Cở
sở
kinh tế thay đổi thì tất cả cái kiến trúc
thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều
nhanh chóng. Khi nghiên cứu những cuộc đảo lộn
ấy bao giờ cũng phải phân biệt cuộc đảo lộn vật
chất – mà người ta có thể xác định
được với một sự chính xác của khoa học tự
nhiên – trong những điều kiện kinh tế
của sản xuất
với những hình thái pháp lý, chính
trị, tôn giáo nghệ thuật hay triết học ; tóm
lại, với những hình thái tư tưởng trong đó
con người ý thức được cuộc xung đột ấy và
đấu tranh để giải quyết cuộc xung đột ấy. Nếu ta
không thể nhận định được về một người mà
chỉ căn cứ vào ý kiến của chính người
đó đối với bản thân thì ta cũng không
thể nhận định được về một thời đại đảo lộn
như thế mà chỉ căn cứ vào ý thức của
thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý
thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật
chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các
lực lượng sản xuất xã hội và những quan hệ
sản xuất xã hội”.
Định đề 5
“Không
một chế độ xã hội nào lại diệt vong khi
tất cả các lực lượng sản xuất mà chế độ
đó đã tạo địa bàn đầy đủ cho phát
triển vẫn còn chưa phát triển và những
quan hệ sản xuất mới cao hơn, không bao giờ xuất
hiện khi những điều kiện tồn tại vật chất của
những quan hệ đó còn chưa chín muồi
trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên
nhân loại bao giờ của chỉ đặt ra cho mình
những mà nó có thể giải quyết được ;
vì xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy
rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nẩy sinh khi những
điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó
đã có rồi hay ít ra cũng đang trong quá
trình hình thành” (40).
Định đề 6
“ Về
đại
thể có thể coi các phương thức sản xuất
châu Á, cổ đại, phong kiến và tư sản
hiện đại là những thời đại tiến triển dần
dần của hình thái kinh tế xã hội.”
Định đề 7
“ Các quan hệ sản xuất tư sản là hình thức đối kháng cuối cùng của quá trình sản xuất xã hội; đối kháng không theo ý nghĩa là đối kháng cá nhân mà theo ý nghĩa là đối kháng nẩy sinh từ trong những điều kiện sinh hoạt xã hội của các cá nhân, nhưng những lực lượng sản xuất trong lòng xã hội tư sản đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết đối kháng ấy. Cho nên với hình thái xã hội đó, thời kỳ tiền sử của xã hội loài người đang kết thúc ” (41).
Mác phân tích chủ nghĩa tư bản phát triển tại Anh, Pháp, ông phát hiện ra quy luật mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất sẽ làm cách mạng bùng nổ tại châu Âu, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra kẻ đào mồ chôn mình, đó là giai cấp vô sản, chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt và được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội. Tại các thuộc địa, tại các nước theo phương thức sản xuất châu Á, cách mạng xã hội sẽ nổ ra sau và vai trò của chúng chẳng khác gì mồi lửa ném vào “thùng thuốc nổ đầy ắp” là các nước tư bản phát triển ở châu Âu (42). Chế độ thực dân ngoài mặt xấu xa tàn bạo của nó, còn có mặt tích cực: tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội... tại các thuộc địa (43).
Với
7 định đề
trên các người Cộng sản thế hệ sau Mác
đã vận dụng một cách rất “linh động”
vào hoàn cảnh cụ thể, nhấn mạnh mặt này
hoặc mặt kia, kết hợp yếu tố này hay yếu tố
khác... tạo ra những lệch chuẩn cho chủ nghĩa xã
hội, Bernstein chủ trương ngược lại với định đề 2
và 3, theo thoả hiệp để phát triển lực lượng
sản xuất và quan hệ sản xuất không mâu
thuẫn nhau đến nỗi bùng nổ cách mạng ; Rosa
Luxembourg lại kiên trì định đề 3, 4 và 7, theo đó lực lượng sản xuất
và
quan hệ sản
xuất trong chủ nghĩa tư bản tất yếu dẫn đến cách
mạng xã hội, chủ nghĩa tư bản tự đào hố
chôn mình; Kautsky lại kiên trì định
đề 5 : nhấn mạnh tới sự phát triển có tính
quy luật của xã hội, mâu thuẫn lực lượng
sản xuất và quan hệ sản xuất có bùng
nổ cách mạng hay không còn tuỳ thuộc có
hội đủ điều kiện cách mạng hay không, giai
cấp vô sản lớn mạnh hay chưa, yếu tố giai cấp
cao hay thấp... (44).
* V.I. Lênin
Mác xây dựng học thuyết hồi cuối thế kỷ XIX tại châu Âu, chủ nghĩa tư bản phát triển; Lênin lập thuyết hồi đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. So sánh với châu Âu tư bản chủ nghĩa đại công nghiệp phát triển, tình hình nước Nga và các thuộc địa có nhiều điểm khác biệt:
Các Mác |
Lênin |
1. Chủ nghĩa tư bản phát triển |
Chủ nghĩa tư bản mới bắt đầu hoặc kinh tế kém phát triển |
2. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất |
Mâu thuẫn đế quốc và thuộc địa |
3. Phải có đầy đủ các điều kiện mới nổ ra cách mạng |
Cách mạng nổ ra dù thiếu điều kiện như Mác dự đoán |
4. Cách mạng vô sản tại chính quốc trước, cách mạng vô sản tại thuộc địa nổ ra sau |
Cách mạng vô sản tại thuộc địa nổ ra trước, phải chờ cách mạng ở chính quốc |
5. Yếu tố giai cấp, đấu tranh giai cấp quan trọng hơn yếu tố dân tộc |
Lênin : yếu tố dân tộc, vai trò của đảng cách mạng, của trí thức cách mạng rất quan trọng. Stalin : đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, tính quốc tế đế quốc mới quan trọng. |
6. Chủ nghĩa tư bản chuyển lên chủ nghĩa xã hội không có “thời kỳ quá độ”(45) |
Từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội phải có thời kỳ quá độ (để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội ) |
7.Ảnh hưởng quyết định của hạ tầng cơ sở đối với thượng tầng kiến trúc |
Ảnh hưởng ngược trở lại của thượng kiến trúc đối với hạ tầng cơ sở cũng quan trọng |
Biểu đồ 1 : Lệch chuẩn của Lênin so với Mác
Mấy
yếu tố lệch
chuẩn của Lênin so với Mác :
1. Xét chủ nghĩa tư bản phát triển như chủ nghĩa đế quốc có tính toàn cầu.
2. Vai trò quan trọng của Đảng, của chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ.
3. Tiến lên chủ nghĩa xã hội theo quy trình ngược với dự kiến của Mác : thay vì chuyển thẳng từ phòng đợi là chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước lên chủ nghĩa xã hội, cách mạng Nga phải : a) xây dựng chủ nghĩa tư bản độc quyền Nhà nước trước, b) sau đó mới tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, chủ nghĩa xã hội như một lý tưởng phải vươn tới chứ không phải là một hiện thực như Mác dự kiến. Nếu thất bai trong quá trình này (chuyên chính vô sản làm kinh tế thị trường ) thì không thể có chủ nghĩa xã hội được (46).
4. Từ vị trí cuộc cách mạng thứ hai ở thuộc địa kém phát triển, phải chờ đợi cuộc cách mạng thứ nhất ở chính quốc, Liên xô tự coi mình là mô hình cho cách mạng vô sản toàn thế giới, là “chuẩn mực” cho chủ nghĩa chủ nghĩa xã hội.
* Hồ Chí Minh
Tới Hồ Chí Minh thí vấn đề càng khó khăn và phức tạp hơn, có những điều Mác và Lênin không bàn tới, có những điều có bàn tới nhưng không thể áp dụng vào hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam :
Mác |
Lênin |
Hồ Chí Minh |
Chủ nghĩa tư bản phát triển |
Chủ nghĩa tư bản chưa phát triển |
1.Chưa có chủ nghĩa tư bản 2.Chỉ có phong kiến, nông nghiệp lạc hậu |
Mâu thuẫn lực lượng sản xuất quan hệ sản xuất |
Đế quốc và thuộc địa Vai trò của Quốc tế vô sản |
3.Yéu tố DÂN TỘC là chính |
Không có thời kỳ quá độ |
Có thời kỳ quá đô |
4.Thời kỳ quá độ, tiến hành hai cuộc cách mạng : a) cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc b) cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam |
Biểu đồ 2 : Lệch chuẩn của Hồ Chí Minh so với Mác và Lênin
Mấy yếu tố lệch chuẩn của Hồ Chí Minh so với Mác và Lênin :
1. Mác nhấn mạnh tới vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản ; Lênin (và nhất là Stalin) nhấn mạnh tới đấu tranh giai cấp và quốc tế vô sản ; Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh tới quan hệ dân tộc và thuộc địa, dân tộc và quốc tế.
2. Mác đề cao tính khách quan của quá trình chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; Lênin nhấn mạnh tới tính toàn cầu, tính quốc tế của chủ nghĩa đế quốc; Hồ Chí Minh lại xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo (khác hẳn kinh nghiệm Liên Xô thay thế đế quốc tư bản chủ nghĩa bằng đế quốc xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô là mô hình chuẩn).
3. Mác nói tới những điều kiện bùng nổ cách mạng vô sản châu Âu; Lênin vận dụng “sáng tạo” vào tình hình nước Nga tư bản chủ nghĩa chưa phát triển và các thuộc địa kém phát triển, ba vế “giành chính quyền + giữ vững chính quyền + phát triển đất nước” thật ra cách mạng Liên Xô chỉ hoàn thành về đầu còn hai vế sau là thất bại, đến 1990, cả ba vế đều sụp đổ hết; Hồ Chí Minh (và Đảng CSVN) đã chứng tỏ khả năng lệch chuẩn đầy sáng tạo : hoàn thành cả ba nhiệm vụ lịch sử, giành độc lập chủ quyền + nắm vững chính quyền + đổi mới, phát triển đất nước
Hồ Chí Minh và những vấn đề mới...
Từ
khi Liên
xô và Đông Âu sụp đổ, một loạt vấn
đề về chủ nghĩa xã hội được giới lý
luận ở ngoài và trong nước đặt ra (47) trong
đó có những vấn đề liên hệ trực tiếp
tới Hồ Chí Minh (và đảng CSVN). Bài này
xét hai vấn đề vừa có tính tư biện vừa
có tính thực tiễn rất thường được nhắc
tới : chọn chủ nghĩa xã hội đúng hay sai, có
thể nói tới tư tưởng Hồ Chí Minh hay không
?
Vấn đề 1 : Hồ Chí Minh lựa chọn chủ nghĩa xã hội là đúng hay sai ?
Những người muốn bênh vực chủ nghĩa xã hội và đề cao sự lựa chọn của Hồ Chí Minh luôn luôn tuyên bố sự lựa chọn là đúng đắn và hơn thế, họ cho thấy đó là sự lựa chọn của cả dân tộc. Họ lập luận như sau :
Người Cộng sản chọn chủ nghĩa xã hội
(A)
Người Cộng sản là người Việt Nam (A)
Vậy
người Việt Nam đã chọn chủ nghĩa xã hội (A)
Tam
đoạn luận
trên thuộc hình 3, kiểu Barbara (AAA), lôgích
hình thức không có hình và kiểu
đó ; ta có thể chuyển về hình 1, kiểu
Darii (A,I,I) thành tam đọan luận đúng như sau
:
Người
Cộng sản chọn chủ nghĩa xã hội (A)
Một
số người Cộng sản là người Việt Nam (I)
Một
số người Việt Nam chọn chủ nghĩa xã hội (I)
Những người
muốn phê phán chủ nghĩa xã hội và
sự lựa chọn của Hồ Chí Minh thì lập luận
ngược lại, từ kinh nghiệm đổ vỡ của Liên xô
và Đông Âu, họ lập luận:
Chọn
chủ nghĩa xã hội là một sai lầm (A)
Hồ
Chí Minh chọn chủ nghĩa xã hội (A)
Hồ
Chí Minh đã lựa chọn sai lầm (A)
Hình 3, kiểu Barbara, lập luận rất đúng nhưng không giá trị vì phạm “sai lầm 4 hạn từ (terme)”, mỗi tam đoạn luận chỉ được có 3 từ, ở đây ta có những 4 từ :
1.
“Chủ
nghĩa xã hội” ở đại tiền đề là chủ
nghĩa xã hội mô hình Liên xô
2. “Chủ
nghĩa xã hội” ở tiểu tiền đề la chủ nghĩa xã
hội mô hình Việt Nam
3. Sai lầm
4. Hồ Chí
Minh
Về
mặt lôgích,
lập luận trên không giá trị; thực tế cho
thấy có chủ nghĩa xã hội sụp đổ nhưng có
chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và phát
triển (chủ nghĩa xã hội Trung Quốc, Việt Nam...)
“Chủ nghĩa xã hội” là từ có nội hàm
(compréhension) không rõ ràng và
ngoại diên (extention) rất rộng, việc khen hay chê
nó không phải dễ dàng. Ta có thể xét
vấn đề dưới một góc độ khác : Không
dựa trên lôgích hình thức (logique
formelle) của Aristote, ta có thể căn cứ trên
tiêu chuẩn nào để đánh giá sự lựa
chọn của Hồ Chí Minh là đúng hay sai ? Có
một tiêu chuẩn rất quan trọng, đó là
thực tiễn. Nếu căn cứ trên ba nhiệm vụ lịch sử
(giành chính quyền, nắm vững chính quyền
và phát triển đất nước ) ta có thể
nói, so với Lênin và cách mạng Nga, Hồ Chí Minh đã lựa chọn đúng.
Vấn đề 2 : Có tư tưởng Hồ Chí Minh hay không ?
Bài
này
không xét nội dung tư tưởng, giá trị văn
học triết học, tầm nhìn chiến lược... mà
chỉ nói về phương pháp tư duy. Hành
trình trí thức và phương pháp tư duy
của Hồ Chí Minh đã diễn tiến như thế nào
?
1.
Đổi mới tư duy
Sau
mỗi giai đoạn
biến động lớn của lịch sử, khi các giá trị
cũ bị sụp đổ, không còn thích hợp với
hoàn cảnh mới thì vấn đề đầu tiên là
đổi mới tư duy. Tại châu Âu, sau thời Trung Cổ, với những khủng hoảng
phát triển của thời
Cận đại thế kỷ XVII-XVIII, triết học Anh, triết học
Pháp đều đặt nặng vấn đề nhận thức luận
(Francis Bacon, Stuart Mill tại An ; Descartes, A.Comte tại
Pháp). Nước Mỹ mới lập quốc từ 1776, thao tác
đầu tiên của họ khi mới giành được trong
tay thực dân Anh cũng là đổi mới tư duy : triết
học thực dụng (Peirce, W. James, Dewey...) của Mỹ trước
hết là một phương pháp để giải quyết vấn
đề chân lý trước khi trở thành một chủ
nghĩa có tầm quan trọng chi phối toàn bộ sinh
hoạt của nhân dân Mỹ. Các nhà hoạt
động cách mạng Việt Nam trong thập kỷ đầu của
thế kỷ XX cũng trải qua một quá trình tương
tự (Đông kinh nghĩa thục, Duy Tân, Đông
du..). Nguyễn Ái Quốc ra đi chủ yếu là tìm
một phương pháp tư duy có tính phương
pháp luận và thế giới quan mới có thể
hướng dẫn cách suy nghĩ và đấu tranh cách
mạng trong tình hình mới của đất nước.
2. Phương pháp “từ trừu tượng tới cụ thể”
Chúng ta
thường nói cần đi từ thực tế cụ thể của đất
nước để suy tính và hành động. Sự
thật trái lại, Hồ Chí Minh đi từ trừu tượng
tới cụ thể. Đó là bài học được
truyền lại từ đức Phật và từ Các Mác.
a.
Đối với toàn
bộ giáo lý của kinh điển Véda,
Upanishads, của các đại sư mà đức Phật
đã
thọ giáo, có những điều ngài tiếp nhận
(Sự biến dịch vô thường vô ngã, lý
luận về nhân quả nghiệp báo, vai trò của
trí tuệ và cố gắng bản thân trong quá
trình tu hành giải thoát...) và nhiều
điều ngài bác bỏ (quan niệm về thần linh,
Thượng đế, quan niệm về linh hồn bất tử, quan niệm
về giải thoát [giải thoát là đạt
Nirvana chứ không phải Atman hoà nhập vào
Brahman], sự kỳ thị đẳng cấp...) Từ đó ngài
khái quát toàn bộ vấn đề, từ lý
thuyết trừu tượng tới thực tiễn cuộc sống và
rút ra khái niệm trọng tâm, cơ bản nhất trong khu rừng các khái niệm :
KHỔ. Chính
từ khái niệm trừu tượng cơ bản này, ngài
khám phá ra các khái
niệm liên hệ : giải thoát, vô minh, dục,
nghiệp, thập nhị nhân duyên, bát chính
đạo...Khi đó ngài đã vận dụng cái
trừu tượng vào thực tế sinh động cụ thể để
cứu độ chúng sinh.
b. Phương pháp luận của Các Mác
Nghiên cứu xã hội tư bản, các nhà kinh tế học Anh đã tiến hành như sau : 1) Đi từ đối tượng cụ thể (xã hội tư bản xét như một chỉnh thể), 2) Tách ra từng mặt rồi nghiên cứu thật sâu các mặt đó để rút ra một số khái niệm cơ bản, 3) Tổng hợp các thuộc tính riêng của các mặt đó lại thì khám phá ra bản chất của đối tượng nghiên cứu và cuộc nghiên cứu coi như hoàn tất (thí dụ họ xét vấn đề dân số rồi đi tới các khái niệm lao động, phân công, giá trị trao đổi... Hạn chế của phương pháp nghiên cứu trên là tưởng rằng chỉ cần gom các khái niệm một cách máy móc là biết được bản chất của đối tượng nghiên cứu, thật ra “Bản chất không phải là một chỉnh thể máy móc, một sự hợp nhất đơn giản các thuộc tính hoặc các mặt của đối tượng mà là sự thống nhất biện chứng của chúng” (48). Mác viết :
“ Phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể là phương pháp nhờ nó mà tư duy quán triệt được cái cụ thể và mô tả cái cụ thể một cái cụ thể trong tư duy ” (49).
Đối với nền kinh tế tư bản và các học thuyết kinh tế tư sản vô cùng phức tạp, đa dạng, Mác đã lấy khởi điểm công trình nghiên cứu khoa học của mình bằng khái niệm HÀNG HOÁ. Thiên tài của Mác là giữa các cái trừu tượng ông đã phát hiện ra cái quan trọng nhất rồi từ đó lần lượt phát hiện ra các khái niệm liên hệ khác :
“ Nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn nghiên cứu một tế bào của cơ thể đó. Ngoài ra khi phân tích những hình thái kinh tế, ta không thể dùng kính hiển vi hay những chất phản ứng hoá học. Sức trừu tượng hoá phải thay thế cho cả hai cái đó ” (50).
Mác đã khởi hành từ hàng hoá, từ đó ông phanh phui ra lao động, tiền lương, tư bản, giá trị thặng dư, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất... với mọi quy luật vận động, phát triển, tiêu vong của xã hội tư bản . Tới đây, Mác quay trở lại với xã hội tư bản xét như một chỉnh thể cảm tính (51).
c. Hồ Chí Minh
Đức
Phật đi
từ phạm trù khổ,
Các Mác đi từ phạm
trù hàng
hoá, còn Hồ Chí Minh từ
phạm trù dân
tộc. Chính từ khái niệm dân tộc ông đã khai triển ra những
khái
niệm liên hệ như độc lập, chủ quyền, tự do,
giải phóng, yêu nước, Mặt trận, dân tộc
và quốc tế...
“ Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa Cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác Lênin, vừa làm công tác thực tế, tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và các người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ ” (52).
Chủ nghĩa xã hội đã đem lại những gì cho chủ nghĩa yêu nước ? Ít ra ba điều : 1) Một lý tưởng mới, tiếp sức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa giải phóng dân tộc và giải phóng nhân dân lao động khắp nơi, cùng xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp hơn, 2) Một sức mạnh mới, các nhà hoạt động cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã dành toàn tâm toàn lực cho cách mạng Việt Nam nhưng những phân tích của họ về đường lối cách mạng, lực lượng cách mạng tỏ ra không hữu hiệu. Chủ nghĩa xã hội đã chỉ cho thấy lực lượng cách mạng chính là đông đảo quần chúng bị thực dân phong kiến bóc lột, sức mạnh ấy càng được tăng thêm nhờ sự đoàn kết, ủng hộ của các phong trào công nhân quốc tế, 3) Thứ ba, một phương pháp tổ chức mới, chặt chẽ và hữu hiệu hơn.
Dân tộc gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, độc lập, chủ quyền; dân tộc cũng gắn liền với quốc tế. Mác nhấn mạnh tới đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản ; Lênin tới quốc tế vô sản, còn Hồ Chí Minh thì lại nhấn mạnh tới dân tộc và thuộc địa :
“ Người đi sâu vào lâu đài chủ nghĩa Mác Lênin không phải bằng cửa ngõ đấu tranh giai cấp hay vô sản chuyên chính mà đi vào bằng vấn đề dân tộc và thuộc địa, ngay cái lối nhập môn đặc sắc ấy là dấu hiệu đầu tiên của sự sáng tạo linh động rồi ” (53).
Cứ xem đường lối cách mạng của Đảng CSVN hồi những năm 1930-40 thì thấy rõ xu hướng dân tộc của Hồ Chí Minh và xu hướng nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản, quốc tế vô sản của Liên xô diễn biến ra sao. Chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt (do Hồ Chí Minh soạn, 2/1930): cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản; đánh đế quốc Pháp và phong kiến, giành độc lập chủ quyền, lập chính phủ công nông binh; lực lượng công nhân là chính, kết hợp với nông dân, trí thức, tiểu tư sản; tập hợp hoặc trung lập hoá phú nông, trung và tiểu địa chủ, tư bản Việt Nam ; không thỏa hiệp, đánh đổ các bộ phận phản động, liên kết với các dân tộc bị áp bức, quần chúng vô sản trên thế giới, Đảng lãnh đạo. Tới tháng 10/1930, Luận cương chính trị Trần Phú ra đời, bộc lộ rõ ảnh hưởng Liên Xô : mâu thuẫn giai cấp gay gắt tại Việt Nam, Lào, Campuchia; cách mạng tư sản dân quyền là dự bị cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi sẽ bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ; cách mạng tư sản dân quyền chống thực dân phong kiến, cốt lõi của cách mạng tư sản dân quyền là cách mạng thổ địa; giai cấp vô sản và nông dân là hai động lực chính của cách mạng tư sản dân quyền. Người ta dễ dàng nhận ra Luận cương cường điệu đấu tranh giai cấp, quốc tế vô sản, coi nhẹ đấu tranh giải phóng dân tộc; không có chính sách liên minh giai cấp và dân tộc, phủ nhận vai trò cách mạng của trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc. Xu hướng giáo điều và xu hướng dân tộc có nhiều khác biệt quan trọng về những vấn đề dân tộc và giai cấp, vấn đề chống đế quốc và phong kiến, về liên minh công nông, về lực lượng cách mạng... Tới Hội nghị Trung uơng tháng 11/1939 do Nguyễn Văn Cừ chủ trì và Hội nghị Trung uơng tháng 5/1941 do chính Hồ Chí Minh chủ trì xu hướng dân tộc mới chiếm ưu thế:
“...nêu
cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng
đầu, tạm gác lại nhiệm vụ cách mạng ruộng
đất; thống nhất lực lượng trên toàn cõi
Đông Dương không phân biệt thợ thuyền, dân
cầy, phú nông, tiểu tư sản, tư sản bản xứ,
trung tiểu địa chủ... ai có lòng yêu nước
thương nòi đều vào Mặt trận dân tộc
thống nhất rộng rãi, đánh Pháp đuổi
Nhật, giành quyền độc lập tư do cho các dân
tộc ở Đông dương theo quan điểm thực hịên
quyền dân tộc tự quyết(...) Tính chất cuộc
cách mạng Đông dương không phải là
cách mạng tư sản dân quyền phải giải quyết
hai vấn đề cần kíp phản đế và điền địa
nữa mà là cuộc cách mạng chỉ giải
quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải
phóng vì nếu không đánh đuổi được
Pháp-Nhật vận mệnh của dân tộc phải chịu
kiếp trâu ngựa muôn đời mà vấn đề
ruộng đất cũng không sao giải quyết được ” (54).
Điều trên
cho thấy: a) Yếu tố dân tộc nơi Hồ Chí Minh
là một dấu ấn đặc biệt của cách mạng xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam, b) Thật là ngây
thơ khi nghĩ rằng có thể bê nguyên xi chủ
nghĩa Mác, chủ nghĩa Lênin vào thực tiễn
Việt Nam.
VÀI KẾT LUẬN BƯỚC ĐẦU
Nhìn lại
300 năm khai hoang lập ấp tại vùng đất mới Nam kỳ
lục tỉnh và hiện tượng lệch chuẩn như một quá
trình lịch sử, ta có thể rút ra mấy
nhận xét như sau:
1. Khung tư duy lôgích của người của người Việt đã gắn liền với 5 định đề cụ thể của thực tiễn Việt Nam (đất nước, nước nhỏ, làng xã, văn hoá dân tộc, giao điểm của nhiều nền văn hoá) tất cả tạo thành nét đặc trưng trong cách sống, cách nghĩ ; trong chiến đấu của người Việt, miền Bắc cũng như miền Nam ; trong chiến đấu với thiên nhiên, với ngoại xâm cũng như trong xây dựng, đổi mới hiện nay. Sự kết hợp khung lôgích với các định đề của thực tiễn Việt Nam giúp ta lý giải các sự kiện, vụ việc trong phạm vi chính trị, xã hội một cách tương đối khách quan, tránh cái nhìn thiên lệch, giáo điều.
2.
Các hệ
tư tưởng đã tới Việt Nam – cụ thể là hệ
tư tưởng Khổng Mạnh Lão Trang, hệ tư tưởng Phật
Thiền, hệ tư tưởng dân chủ tự do, hệ tư tưởng
Mác Lênin – tất cả đều đã được sàng
lọc, Việt-hoá. Bốn hệ tư tưởng trên trở
thành những bộ phận cấu thành của nền văn
hoá dân tộc, không hệ tư tưởng nào
có thể cho mình là thống soái, độc
tôn độc quyền. Chúng chỉ là móng
rồng, hàm rồng, chân rồng, đuôi rồng... chứ
không thể là con rồng được. Xác định
đúng vị trí của từng nền văn hoá là
điều rất cần thiết, vừa giúp khơi dậy sức sống
mãnh liệt của dân tộc vừa truyền sự sống
cho các nền văn hoá ngoại nhập đã được
Việt hoá kia.
3.
Năm 1954, Việt
Nam bị chia đôi, hai miền Nam Bắc có những điều
kiện kinh tế, chính trị, xã hội, cách
sống cách nghĩ... khác nhau. Miền Bắc tiến hành
cách mạng xã hội còn miền Nam cách
mạng giải phóng dân tộc. Tới 1975, đất nước
thống nhất, miền Bắc có nhiều kinh nghiệm về xây
dựng chủ nghĩa xã hội còn miền Nam lại có
nhiều kinh nghiệm về sinh hoạt dân chủ với những
tiền đề phát triển tư bản chủ nghĩa, kinh tế
thị trường...Không xét cặn kẽ thực tiễn
miền Nam, chúng ta đã áp dụng một cách
máy móc mô hình phát triển xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc cho miền Nam và đã
gặp nhiều khó khăn (cải tạo tư sản công thương nghiệp, hợp tác hoá theo
lối cũ, ngăn
sông cấm chợ...) Sai lầm đó triều đình
Huế đã mắc phải một lần; ngày nay vì
óc giáo điều chủ quan chúng ta phạm sai
lầm thêm một lần nữa. Rập khuôn đi đôi
với thất bại. Chân lý thì cụ thể và
cách mạng là sáng tạo.
4. Nhờ sửa sai, thích ứng kịp thời và bằng một quyết định táo bạo có tính lịch sử chúng ta đã vạch được một đường lối phát triển đúng đắn. Từ 1986, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường. 1986-1996, mười năm thăm dò, thử thách, sáng tạo.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được hiểu theo nghĩa mới :
“...động lực để thực hiện nhiệm vụ chiến lược này là hun đúc tinh thần quật khởi dân tộc và thực hiện mạnh mẽ dân chủ. Điều này chẳng những không trái lại mà còn là tiền đề không thể thiếu được cho định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó chính là thực tiễn cách mạng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới. Bởi vậy không tạo ra được thực lực này sẽ không còn độc lập tự chủ và cũng không có định hướng xã hội chủ nghĩa . Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết, là Đảng cầm quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ (...). Phải tạo ra được cơ chế chính trị và môi trường xã hội đủ sức ngăn chặn xu hướng quan liêu, độc đoán, mất dân chủ, xu thế xem thường và đứng trên pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò lãnh đạo của Đảng cần được tăng cường trên cơ sở mở rộng dân chủ trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá của toàn xã hội ” (55).
Chủ
nghĩa xã
hội và kinh tế thị trường, đấu tranh và xây
dựng, truyền thống và hiện đại, dân tộc và
quốc tế, trở ngại và sáng tạo... tất cả
tạo thành một không khí sôi nổi, háo
hức, một niềm tin mới. Lênin nói chính
quyền là vấn đề số một của cách mạng,
trước đó hơn 2000 năm Aristote lại nói điều
quan trọng không phải là cướp chính quyền
mà là dùng chính quyền phục vụ
quyền lợi của ai : một người, một nhóm người
hay phục vụ quyền lợi toàn dân ? Hoà bình
phát triển đất nước và xây dựng dân
chủ, một chân trời mới mở ra cho dân tộc và
cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam, đầy thách
thức và mời gọi (56).
Nguyễn Trọng Văn
trongvan@hcm.vnn.vn
viết xong tháng 1/1996
đọc lại, tháng 9/2007
(1) G.Deleuze & F.Guattari, Qu’est ce que la philosophie ?, Edition de Minuit, Paris, 1991, p.76
(2) Nguyễn Đình Đầu, Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1992.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng, Văn học dân gian Gia Định - Sài Gòn, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh. Tập II, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.12
(4) Vũ Khiêu, Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr.206
(5) Nghiêm Thẩm, Những thế kỷ đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam, Vạn Hạnh, số 7-8, tháng 1/1966, tr.102
(6) Châu Quốc Tuấn chủ biên, Ban tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản lần 1, 1994, tr.159
(7) Đêm 24.12.1925, Ngọc Hoàng Thượng đế đã giáng cơ với danh hiệu chính thức Ngọc Hoàng Thượng đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma-ha-tát Giáo đạo Nam phương, Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển I, Toà thánh Tây Ninh, tái bản năm Quý Sửu, 1973, tr.5
(8) Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Tủ sách Đại học tổng hợp TP.HCM, 1995, tr.407
(9) Lê Anh Dũng, Lịch sử đạo Cao Đài thời kỳ tiềm ẩn 1920-1926, TP.HCM, 1993, tr.169-172
(10) Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển I, tr. 18
(11) Hội thánh Cao Đài Toà Thánh Tây Ninh, Hội đồng chưởng quản, Tài liệu thực hành nghi tiết cúng lễ của Đạo, năm Tân Mùi 1991( Ronéo) tr.3
(12) Thiền Giang-Minh Tâm-Thanh Quang, Lược thuật toà thánh Tây Ninh, Nhà sách Minh tâm, Tây Ninh,1963, tr.21
(13) Thánh ngôn hiệp tuyển, quyển I, tr.55
(14) Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr.222-224
(15) Toan Ánh, Nếp cũ, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb TP.HCM, 1992,tr.383
(16) Nguyễn Văn Hầu, Năm cuộc đối thoại về Phật giáo Hoà hảo, Hương Sen, Sài Gòn, 1992, tr.63-64
(17) Châu Quốc Tuấn, Sđd, tr.282
(18) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.64
(19) _____________, Sđd, tr.65-86
(20) Đức Huỳnh Giáo chủ, Sấm giảng giáo lý, phần I, quyển V, Giáo hội Phật giáo Hoà hảo, Nguyễn Trọng Luật ấn tống, 1972, tr.175.176
(21) Ibid, tr. 175-176
(22) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.66
(23) Huỳnh Giáo chủ có sửa lại thứ tự của tứ diệu đế là “khổ, tập, diệt, đạo” thành “tập, diệt, khổ, đạo”
(24) Sấm giảng giáo lý, phần I, quyển VI, (5/1945), tr.175-176
(25) Sấm giảng thi văn, phần II, 1972, tr.311
(26) Như trên, tr.313. Cọp là Pháp, Rồng là Nhật
(27) Sấm giảng thi văn, phần I, 1972, tr.140
(28) Nguyễn Trọng Văn, Giáo trình triết học phương Đông, Tủ sách Đại học tổng hợp, 1994, trên.31-33
(29) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Sự thật, Hà Nội, 1980, tập I, tr. 245
(30) Học viện quan hệ quốc tế, Hợp chủng quốc Hoa kỳ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.114,120
(31) Như trên, tr.128,132
(32) Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi nhân kỷ niệm lần thứ năm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Sự thật, Hà nội, 1970, tr.92
(33) Ba thái độ [hợp tác với ngoại bang, đứng giữa, đấu tranh cho độc lập dân tộc ] có thể coi như điển hình cho thái độ của nhân dân đối với chính quyền. Thái độ này thay đổi theo tương quan so sánh cụ thể của đất nước ; một số trí thức[ trong nước và hải ngoại] cố ý hay vô tình không thấy hoặc không muốn thấy sự “sang trang” này, từ đó vấn đề trí thức khuynh tả, trí thức bất đồng chính kiến, trí thức yêu nước ngoài... được đặt ra. Mong có dịp trở lại vấn đề bên lề nhưng rất... thời sự và thú vị này.(20/9/07)
(34) Nguyễn Kim Khánh, Vấn đề chính đảng tại Việt Nam, Tủ sách nghiên cứu, Hội cựu sinh viên Quốc gia hành chánh, 1967,tr.14
(35) Dẫn lại theo Trần Văn Giầu, Thành công của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố, 1995. tr.108
(36) Lê Duẩn, Thanh niên trong lực lượng vũ trang hãy vươn lên nữa, phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Sự thật, Hà Nội, 1969, tr.16
(37) Trần Văn Giầu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập III, Sự thành công của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 73-74
(38) Nguyễn Kiến Giang, Chủ nghĩa Mác Lênin còn lại cái gì ? Photocopy,1/1995, tr.18
(39) Lữ Phương, Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội, Photocopy,4/1995, tr.1
(40) Các Mác, Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, Lời tựa, Tuyển tập Mác- Ăng-ghen, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 637, 638
(41) Như trên, Sđd, tr.639
(42) Các Mác, Cách mạng ở Trung quốc và châu Âu (1883), Tuyển tập II, Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 547
(43) Các Mác, Những kết quả tương lai của sự thống trị của Anh ở Ấn Độ, Tuyển tập II, Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 568
(44) Michael Buraway, Le Marxisme comme science : les défis de l’histoire et le développement de la théorie, Marxisme, 4/94, tr. 27-39
(45) V.I.Lênin, Về bệnh ấu trĩ “tả khuynh” và tính tiểu tư sản (1918), Lênin toàn tập, tập 36, tr. 371
(46) Lênin có một nhận xét có tính “định mệnh” đối với chủ nghĩa xã hội Nga: “ Nói Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết hoàn toàn không có nghĩa là thừa nhận chế độ kinh tế hiện nay là chế độ xã hội chủ nghĩa ” V.I.Lênin, Bàn về thuế lương thực, Toàn tập, tập 43, tr. 248
(47) Tác giả nước ngoài,
Bài báo :
a. Régine Bercot, Potentialité et difficultés d’existence d’une classe ouvrière, Marxisme, No 27, Mars 1989, pp.10,11
b. Michael Lowy, Sur la situation de la classe des travailleurs intellectuels, Marxisme, No 27, Mars 1989, pp.20,22
c. Alain Roux, Le socialisme chinois sera démocratique ou ne sera plus ?, Marxisme, No 31, 9/89, pp.6-11
d. Jean Louis Marjolin, La Chine et les petits dragons: un bloc paradoxal, Ibid, pp. 21,27
e. Gilbert Weisseman, Vieux et nouveau communisme, Ibid, pp. 30,31
f. Denis Berger, Le communisme existe-t-il réellement ?, Ibid, pp. 32,33
g. André Tosel, Le parti communiste a-t-il un avenir ?, Ibid, pp. 36,43
h. Jacques Kergoat, Les quatre avenirs du Parti socialiste, Marxisme, No 35,2/1990,pp. 11.16
i. Cornélius Castoriadis, L’effondrement du Marxisme Léninisme, Le Monde, 24-25/1/1990
j. Denis Berger, Matérialime sans l’ histoire, Marxisme, No 38-39, Juin Juillet 1990, pp. 10.12
k. Georges Labica, Du Marxisme vivant, Ibid, pp. 24,26
l. Michael Lowy, Crise du marxisme ou marxisme critique ?, Ibid, pp. 28,29
m. Victor Leduc, Le marxisme est-t-il dépassé, Ibid, p. 59,61
n. Michael Lowy, Le marxisme comme science : Les défis de l’histoire et le développement de la théorie, Marxisme, 4/94, p. 27-30
Sách
o. Lucien Sève, Le communisme, quel second souffle ?, Ed Sociales, Paris, 1990
p. John Naisbitt & Patricia Aburdence, Mégatendances, First, 1990
q. André Gorz, Capitalisme, Socialisme, Écologie, Galilée, 1991
r. F.Fukuyama, La fin de l’histoire et le dernier homme, Flammarion, 1992
s. J.Derrida, Les spectres de Marx, Galilée, 1993
t. Paul Kennedy, Preparing for the twenty first century, Vintage book, 1994
Tác giả người Việt
a. Nguyễn Mạnh Tường, Un excommunié, Hà nội:1954-1991, Procès d’un intellectuel, Quê mẹ, Paris, 1992
b. Nguyễn Kiến Giang, Chủ nghĩa Mác Lênin còn lại cái gì ? Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam, Photocopy, 1/1995 (...)
c. Lữ Phương,
- Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác-xít, Diễn Đàn, 11/1993
- Xã hội công dân từ triệt tiêu đến phục hồi, Diễn Đàn, 12/1994
- Phản ánh luận mác-xít lêninít, Phocopy, 12/94
- Vấn đề lao động trong học thuyết Mác, Photocopy, 1/1995
- Về một bóng ma của Marx, Diễn Đàn, 1/1995
- Chủ nghĩa xã hội hiện thực và chủ nghĩa xã hội mác-xít, Photocopy, 2/1995
- Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội, Photocopy, 4/1995 (...)
d. Hà Sĩ Phu,
- Đôi điều suy nghĩ của một công dân, Phụ bản Tin nhà, Paris, 1993.
- Chia tay ý thức hệ ( tiếp theo Đôi điều suy nghĩ...) Photocopy, 87 trang.(...)
(48) A.P.Septulin, Phương pháp nhận thức biện chứng, Nguyễn Đình Lâm-Nguyễn Thanh Thuỷ dịch giả, Nxb Sách giáo khoa Mác Lênin, Hà Nội, 1987, tr.73
(49) Các Mác, Lời nói đầu, Góp phần phê phán kinh tế chính trị, Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập II, Sự thật, Hà nội, 1981, tr. 616
(50) Các Mác, Tư bản, Phê phán khoa kinh tế chính trị, Tuyển tập Mác-Ăngghen, tập III, Sự thật, Hà nội, 1981, tr.654.655
(51) Nguyễn Trọng Văn, Lôgích nghiên cứu khoa học, Tủ sách Đại học tổng hợp, 1995, tr.20
(52) Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin (1960), Tuyển tập II. Sự thật, Hà nội, 1980, tr.176
(53) Trần Văn Giầu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam, tập III, Sự thành công của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 45
(54) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 48
(55) Võ Văn Kiệt, Ý kiến gửi Bộ Chính trị, Photocopy, 9/8/1995
(56) Nguyễn Trọng Văn, Hiện tượng “lệch chuẩn”, trích trong Nam kỳ lục tỉnh, mấy vấn đề triết học, Photocopy, 1996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét