Xung quanh Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930 và Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10- 1930 cũng như mối quan hệ giữa Chánh cương vắn tắt và Luận cương chánh trị của Đảng năm 1930, đã và đang có những ý kiến khác nhau. Có một số quan niệm cho rằng Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì, không có mặt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hoặc Luận cương tháng 10-1930 là thụt lùi, phủ định Chánh cương tháng 2-1930…. Bằng những tư liệu mới và cách tiếp cận đa chiều, khách quan, dưới đây là một quan niệm khác, góp phần làm rõ thêm về các vấn đề đó theo tinh thần nhận thức là một quá trình, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Lịch sử diễn ra chỉ một lần, còn nhận thức lịch sử thì phải trải qua nhiều lần.
GÓP THÊM NHẬN THỨC VỀ HỘI NGHỊ THÀNH LẬP ĐẢNG VÀ HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LẦN THỨ NHẤT NĂM 1930
PGS.TS Ngô Đăng Tri
Xung quanh Hội nghị thành lập Đảng tháng 2-1930 và Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10- 1930 cũng như mối quan hệ giữa Chánh cương vắn tắt và Luận cương chánh trị của Đảng năm 1930, đã và đang có những ý kiến khác nhau. Có một số quan niệm cho rằng Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 do đồng chí Trần Phú chủ trì, không có mặt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hoặc Luận cương tháng 10-1930 là thụt lùi, phủ định Chánh cương tháng 2-1930…. Bằng những tư liệu mới và cách tiếp cận đa chiều, khách quan, dưới đây là một quan niệm khác, góp phần làm rõ thêm về các vấn đề đó theo tinh thần nhận thức là một quá trình, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Lịch sử diễn ra chỉ một lần, còn nhận thức lịch sử thì phải trải qua nhiều lần.
1. Về Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930
Dựa trên các nguồn tư liệu của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, của Bảo tàng Hồ Chí Minh, của GS Song Thành, của TS Chu Đức Tính… và qua tiếp xúc với đồng chí Trịnh Đình Cửu của chúng tôi, có thể một lần nữa khẳng định rằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã tham dự và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10- 1930.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, trong cuốn:”Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp” (Nxb. Sự thật, H, 1980), ở phần: Từ nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cách mạng trong nước (1930-1940), đã viết: “Để tăng cường lãnh đạo phong trào cách mạng đang sôi sục trong cả nước, tháng 10 năm 1930, tại Hồng Công, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Quốc tế cộng sản, đã chủ trì Hội nghi lần thứ nhất của Ban chấp hành trung ương Đảng… Chấp hành chỉ thị cúa Quốc tế cộng sản, Hội nghị quyết định đổi tên Đảng ta thành Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng; bầu Ban chấp hành trung ương chính thức và cử đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư của Đảng”([1]).
GS Song Thành, trong cuốn Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp, tái bản năm 2010, khẳng định: ”Cuối tháng 9-1930, trong báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Ba ủy viên Trung ương từ Nam Kỳ đã tới đây- ngày 19-9, chờ các đồng chí Bắc Kỳ và Trung Kỳ tới. Chúng tôi lo các đồng chí này sẽ không tới, do tình hình hiện nay ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Chúng tôi đã chỉ thị ngay cho các đảng viên Nam Kỳ ở trong nước cố gắng hết sức mình thu xếp một cuộc họp của Trung ương để quyết định mọi việc” (2]), chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc là người tổ chức cuộc Hội nghị tháng 10- 1930.
Theo tài liệu lưu trữ của Quốc tế Cộng sản và tài liệu mật thám thu được tại Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông ở Thượng Hải, thì Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã họp tại một ngôi nhà ở phố Cửu Nghĩa, Cửu Long, Hồng Kông. Hội nghị có sáu đại biểu trong nước tham dự là Trần Phú, Lê Mao, Trần Văn Lan, Nguyễn Trọng Nhã, Ngô Đức Trì và Lưu Lập Đạo. Theo chú thích của mật thám Pháp thì Hội nghị họp dưới sự chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc. Giúp việc Hội nghị có Hồ Tùng Mậu, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng (tức Giao) và Nguyễn Thị Minh Khai (tức Duy, tức Lý Huệ Phương)” . Như vậy, tổng số người dự Hội nghị là 11, có thể coi như Hội nghị ban Chấp hành Trung ương mở rộng.
Thư đồng chí Trần Phú viết ngày 17-4-1931 gửi Quốc tế Cộng sản đã xác nhận ”các Nghị quyết của Hội nghị đã được giao cho Nguyễn Ái Quốc dịch ra tiếng Anh và tiếng Pháp để gửi đến Quốc tế Cộng sản”. Ngày 10-6-1931, Phòng Viễn Đông của Ban phương Đông quốc tế Cộng sản đã chuyển thư này của Trần Phú đến đồng chí Thư ký Ban phương Đông ([3])
Báo cáo của Nguyễn Ái Quốc cho biết, ngay sau khi Hội nghị vừa kết thúc, Người đã viết một báo cáo nhanh gửi Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản, thông tin vắn tắt về những vấn đề mà Hội nghị đã thảo luận và ra nghị quyết. Trong báo cáo này, về tài chính, Người cho biết: chi phí về việc đi lại, ăn uống, thuê khách sạn… cho các đại biểu, tất cả lên đến 440 đôla Hồng Kông”([4]). Chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc không chỉ dự mà là người tổ chức, chuẩn bị, chủ trì và ”chủ chi” cho cuộc họp đó.
Tài liệu của QTCS cho biết: đầu tháng 11-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đưa đồng chí Trần Phú lên Thượng Hải gặp đồng chí Hile Nulen (Hilaire Noulens), người phụ trách Chi nhánh Ban phương Đông tại Thượng Hải, để trực tiếp báo cáo và để được chấp thuận các nghị quyết của Hội nghị”.
Ngày 13-11-1930 Ban Phương Đông gửi thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, có đoạn: “Trước hết, chúng tôi gợi ý rằng văn kiện dự thảo của hội nghị gần đây của Ban Chấp hành Trung ương không nên gọi là “Cương lĩnh của Đảng” mà lúc này sẽ chỉ đơn giản được công bố là dự thảo nghị quyết của hội nghị này cho các đảng viên thảo luận nhằm chuẩn bị cho hội nghị Đảng sắp tới. Chúng tôi cho rằng thời gian còn chưa chín muồi để Đảng Đông Dương thông qua một cương lĩnh toàn quốc của Đảng. Một cương lĩnh như vậy là một vấn đề rất nghiêm túc và chỉ có thể được xây dựng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình Đông Dương và nhiều vấn đề nghiêm trọng của phong trào cách mạng ở xứ này”. “Văn kiện dự thảo của các đồng chí mà các đồng chí gọi là “Cương lĩnh của Đảng” còn rất sơ sài và phải được viết lại rất cẩn thận”([5]). Đoàn trích đó chứng tỏ Ban Phương Đông QTCS đã nhân được báo cáo của Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú (bản dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp do Nguyến Ái Quốc dịch) và có ý phê phán, chưa công nhận Luận cương của Đảng do Hội nghị Trung ương tháng 10- 1930 thông qua.
GS Song Thành cho biết thêm: ”Trung tuần tháng 11-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Thượng Hải trở lại Hồng Kông, tiễn các đại biểu về nước. Đồng chí Trần Phủ và Ban Thường vụ Trung ương chuyển về Sài Gòn, do Hội nghị quyết định chuyển cơ quan làm việc của Trung ương vào trong đó để có điều kiện liên lạc thuận lợi tiện với Quốc tế. Nguyễn Ái Quốc ở lại Hồng Kông, tiếp tục theo dõi và chỉ đạo cao trào cách mạng ở Việt Nam đang dâng lên mạnh mẽ”.
TS Chu Đức Tính, trong tham luận đọc tại Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2011), do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Trường ĐHKHXH&NV, ĐGHQGHN đồng tổ chức tháng 5-2011([6]) và bài: ”Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có dự Hội nghị Trung ương tháng 10- 1930 không?”, đăng trên Đặc san Hồ Chí Minh học, số 2-2011, cũng khẳng định đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chuẩn bị và dự hội nghị đó([7]). TS Chu Đức Tính chứng minh việc Hồ Chí Minh dự hội nghị Trung ương tháng 10- 1930 dựa trên 8 tư liệu, thuộc 4 khối tài liệu hiện đang có ở Kho tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, đó là tài liệu do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc báo cáo; Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; Hồi ký của những người đã từng tham dự Hội nghị này; Tài liệu mật thám.
– Tài liệu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở thư đề ngày 2-9-1930 gửi Ban Phương Đông – Quốc tế Cộng sản, cho biết Người dự kiến chương trình nghị sự của Hội nghị. Ngày 28-10-1930, báo cáo nhanh gửi Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc thông báo Hội nghị đã họp từ 12- 10 và kết thúc 27-10, tóm tắt những Nghị quyết Hội nghị đã thảo luận và thông qua, như Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, nhiệm vụ trước mắt của Đảng; bầu Tổng Bí thư… kèm báo cáo tài chính chi tiêu cho Hội nghị([8]).
– Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cũng khẳng định Nguyễn Ái Quốc dự và chủ trì Hội nghị đó: Thư của Trung ương Đáng Cộng sản Đông Dương gửi cho các cấp đảng bộ ngày 9-12-1930, viết: đồng chí ấy (tức Nguyễn Ái Quốc -TG) nay đã nhận rõ những sai lầm và cũng đồng ý với Trung ương mà sửa đổi những chỗ sai lầm lúc trước”([9]). Báo cáo của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17.4.1931 cho biết: “Các Nghị quyết của phiên họp đầu tiên của Ủy ban Trung ương chúng tôi đã gửi các đông chí qua Quốc và nhờ Quốc dịch ra liếng Anh hoặc tiếng Pháp”([10])
– Hồi ký của đồng chí Bùi Lâm, một người có mặt tại Hội nghị Trung ương tháng 10- 1930, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số ra tháng 9 năm 1982, cho biết: Hội nghị lần thứ nhất BCHTW Đảng khai mạc dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại một nhà (không nhớ số) ở phố Cửu Nghĩa (Hương Cảng)…. Tuy có vị trí và uy lín lớn trong Hội nghị này, nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất khiêm tốn, lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của tập thể. Chúng tôi thấy rất rõ ở Người ý thức tổ chức và tinh thần trách nhiệm rất cao. Ngay sau Hội nghị kết thúc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo ngay với Quốc tế Cộng sản và Ban Phương Đông về kết quả của Hội nghị, đồng thời Người cũng trình bày thêm với các đồng chí lãnh đạo Ban Phương Đông về những Nghị quyết của Hội nghị “.
– Tài liệu của Kho lưu trữ lịch sử chính trị- xã hội quốc gia Nga (ký hiệu 495. 153.569), ở Hồ sơ về Nuolens([11]), ghi rõ: ”Theo báo cáo của đồng chí K.V (tức Nguyễn Ái Quốc, chú thích của tài liệu) mà chúng tôi nhận được từ chính đồng chí ngày 16- 11- 1930 thì đã có 6 đồng chí tham dự tại Hồng Công, dưới sự chủ toạ của Nguyễn Ái Quốc"([12]).
Lời khai của Ngô Đức Trì cũng cho thông tin tương tự (Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện lưu bản dịch Lời khai của Ngô Đức Trì với mật thám Pháp trong tháng 5, 6-1931, do đồng chí Hà Huy Giáp dịch từ tiếng Pháp)([13]). Theo tài liệu thì Ngô Đức Trì đã khai rõ mình cùng Trần Phú từ Liên Xô về Việt Nam. Cuối tháng 8-1930, Ban Chấp uỷ Nam Bộ nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc triệu tập các uỷ viên Trung ương ở Nam Bộ sang Hồng Công để họp Hội nghị Trung ương vào tháng 9. Ngày 4-9-1930 Ngô Đức Trì và Nguyễn Trọng Nhã (Sáu) xuồng tàu Holiko đi Hồng Công, đến nơi được đồng chí Lương (Hồ Tùng Mậu) đưa đi gặp Nguyễn Ái Quốc tại gác 2, nhà số 49, đường Khải Nghĩa, Cửu Long. Ngô Đức Trì còn khai với mật thám Pháp vì bị đau ruột thừa nên không tham dự suối thời gian Hội nghị họp, nhưng "… cuối tháng 10, Sáu có đến thăm Trì tại bệnh viện và báo cho Trì biết Hội nghị đã kết thúc. Quốc và Lý Quý (Trần Phú) sẽ đi Thượng Hải trong vài ngày tới để liên lạc với Ban thư ký Bộ Đông Phương. . ."([14]).
Vấn đề là vì sao Án nghị quyết của Hội nghị này lại phê phán gay găt công việc của Hội nghị thành lập Đảng, phê bình rất nặng Trung ương lâm thới và chủ trương: “thủ tiêu Chánh cương, Sách lược và Điều lệ cũ của Đảng”…
Theo TS Chu Đức Tính, câu trả lời là ở ngay sự phê phán của Hội nghị, như: "Đảng hiệp nhất kể đã có sinh hoạt gần một năm rồi nhưng vẫn chưa có thể thống gì”; đó là vì: ”Hội nghị hiệp nhất chủ trương các công việc rất sơ sài, mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của quốc tế”. ”Lâm thời Trung ương cử ra sau lúc Hội nghị hiệp nhất đã không nhóm một lần hội nào"([15]). “Đồng chí đứng ra triệu tập Hội nghị hợp nhất năm trước kia thì được Quốc tế cho về tuỳ hoàn cảnh mà làm việc chứ chưa có được kế hoạchrõ ràng gì. Khi đồng chí ấy về đến nơi thì thấy phong trào cộng sản tuy mới nổi nhưng đã chia rẽ rồi, nên mới tự ý hành động có nhiều việc sai lầm không đúng với kế hoạch của quốc tế… Đồng chí ấy nay đã nhận rõ những điều sai lầm và cũng đồng ý với Trung ương mà sửa đổi những sai lầm lúc trước”.
GS Song Thành lý giải rằng: ”Đối với Nguyễn Ái Quốc, điều này không hoàn toàn bất ngờ. Sau khi tới Hồng Kông đầu tháng 3-1930, Trần Phú đã báo cáo với Nguyễn Ái Quốc về tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản (1928) và bản Chỉ thị gửi những người cộng sản Đông Dương… Qua Ban Phương Đông, Người cũng được biết: các văn kiện của Hội nghị hợp nhất gửi về Matxcova đã không được Quốc tế Cộng sản chấp nhận… Người cũng hiểu được thực chất đây là quan điểm của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là những chỉ thị mà Trần Phú và Nguyễn Ái Quốc đều phải chấp hành, bởi ở thời điểm đó, quyền lực của Quốc tế Cộng sản là tuyệt đối, có thể công nhận hay giải tán một đảng cộng sản”.
Y kiến của đồng chí Trình Đình Cửu, tại Khoa Lịch sử, năm 1985([16]), cho biết: Luận cương chánh trị cơ bản đã được phác thảo từ Hội nghị tháng 2- 1930([17]), để làm tài liệu thảo luận, chuẩn bị đến Đại hội Đảng sẽ thông qua. Sau đó Trung ương và đồng chí Trần Phú bổ sung hoàn chỉnh thêm, đến Hội nghị TW tháng 10- 1930 thì thông qua, chứ không phải khi đồng chí Trần Phú về mới khởi thảo, hoặc chỉ do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Sự phê bình không coi trọng đấu tranh giai cấp chủ yếu là đối với đồng chí Trịnh Đình Cửu; sự phê bình về quy trình thành lập Đảng không đúng thư chỉ đạo của QTCS chủ yếu là đối với đồng chí Nguyễn Ái Quốc([18]). Ngoài các lý do ở trên còn có những nguyên nhân khác, trong đó có vấn đề liên quan đến nhân sự BCH Trung ương Đảng, đến vị trí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Quốc tế Cộng sản đã quyết định thông qua Luận cương chánh trị, Án Nghị quyết và các văn kiện khác của Hội nghị tháng 10- 1930. Cũng chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đề nghị cử và công nhận đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng…
2. Về ngày thành lập Đảng và mối quan hệ giữa Luận cương và Chánh cương của Đảng năm 1930
Có ý kiến cho rằng ngày thành lập Đảng là 6-1-1930, hoặc Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình hành động tóm tắt của Đảng là do Hồ Chí Minh trực tiếp khởi thảo… Sự thực có hoàn toàn như vậy không?
Về ngày Hội nghị thành lập Đảng, Tác giả T.Lan, trong tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện, cho biết ”Để chúc mừng Đảng ra đờỉ, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức “một bữa Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm vừa linh đình”([19]), tức là Đảng thành lập vào dịp Tết Âm lịch, khoảng đầu tháng 2 Dương lịch, 1930.
Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đề ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc cho biết: ”Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1.. Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các đại biểu phải tổ chức một Trung ương lâm thời gồm bảy ủy viên chính thức và bảy ủy viên dự khuyết. Các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”. Xin lưu ý ”Chúng tôi” ở đây có nghĩa là cả đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những người dự họp. Số lượng ủy viên BCH Trung ương lâm thời ghi ở ”Năm điểm lớn” là 9, trong đó có 2 đại biểu chi bộ cộng sản Trung Quốc; còn ở báo cáo này là 14, không nói là có đảng viên của ĐCS Trung Quốc tham gia.
Đồng chí Nguyễn Thiệu, người tham gia Hội nghị hợp nhất Đảng cho biết: ”Chúng tôi đến Hương Cảng vào dịp Tết Canh Ngọ”([20]), tức là khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2-1930.
Đại hội Đảng lần thứ III (9-1960) do Hồ Chí Minh chủ trì, đã ra Nghị quyết về ngày thành lập Đảng như sau: ”Từ mấy chục năm nay, Đảng ta lấy ngày 6 tháng Giêng dương lịch làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Nay căn cứ theo các văn kiện và tài liệu lích sử, thì ngày bắt đầu cuộc Hội nghị hợp nhất để thành lập Đảng là ngày 3-2-1930 dương lịch, tức là ngày 5 tháng 1 theo âm lịch.
Vì vậy Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng quyết nghị từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng, và giao Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiến hành các công tác và thủ tục cần thiết để sửa lại việc ghi chép ngày thành lập Đảng trong các văn kiện về lịch sử Đảng cho phù hợp với sự thật”([21]).
Về tác giả của các văn kiện Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Thiệu viết: ”Văn kiện quan trọng nhất là lời kêu gọi của Đáng Cộng sán Việt Nam đối với mọi tầng lớp nhân dân thay cho bản tuyên ngôn thành lập Đảng thống nhất…. Chúng tôi nhất trí đề nghị đồng chí Vương đảm đương nhiệm vụ quan trọng này”.
”Ngoài ra chúng tôi phân công nhau thảo ra Điều lệ, Chính cương, Sách lược tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, thảo Điều lệ của các Hội quần chúng như: Thanh niên đoàn, Công hội, Nông hội, Hội Binh lính, Hội Học sinh, Hội Phụ nữ, Cứu tế đỏ, Phản đế đồng minh. Để thảo những văn kiện này chúng tôi tham khảo các Nghị quyết của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI. Chúng tôi thấy Quốc tế Cộng sản đề ra ba cuộc cách mạng cho các nước trên thế giới có trình độ phát triển không đồng đều nhau và ở những nước như Trung Quốc, Việt Nam thì cần tiến hành cuộc cách mạng tư sản dân quyền, nên đã căn cứ vào đường lối cách mạng tư sản dân quyền mà thảo ra Chính cương, Sách lược tóm tắt của Đảng, đồng thời cũng có thêm bớt những điểm này điểm kia cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam theo sự hiểu biết của chúng tôi hồi đó…”([22]).
Những điều nói trên là đúng như trong Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, 1930: chỉ có Lời kêu gọi ký tên là Nguyễn Ái Quốc, còn các văn kiện khác đều ghi là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về nội dung của Chánh cương và Luận cương, có ý kiến cho rằng Luận cương thụt lùi, trái với Chánh cương… thực ra không hẳn là như vậy. Để góp phần làm rõ vấn đề này, hãy so sánh hai văn kiện ấy qua sáu phương diện có tính chất chung, cơ bản sau:
+ Về mục đích và đường lối chiến lược, cả hai cương lĩnh đều chủ trương ”Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”. Nghĩa là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cốt lõi của cả hai chứ không chỉ ở riêng của một cương lĩnh nào, không thể nói cốt lõi của Chánh cương là giải phóng dân tộc còn Luận cương là đấu tranh giai cấp.
+ Về nhiệm vụ chiến lược, không có cương lĩnh nào nói chống đế quốc là hàng đầu hay chống phong kiến là hàng đầu. Cả hai Cương lĩnh đều nói “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn vua quan, phong kiến địa chủ” thì cần hiểu là cả hai cương lĩnh đều coi mục tiêu, nhiệm vụ chống đế quốc là hàng đầu.
Luận cương ghi: “Sự cốt yếu của tư sản dân quyền cách mạng thì một mặt là phải tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”(23]). Thức chất, đây là nói về mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ chiến lược của một cuộc cách mạng có mục tiêu “kép. Luận cương coi vấn đề ruộng đất là “cái cốt” chứ không coi là nhiệm vụ “hàng đầu” của cách mạng tư sản dân quyền nên về điểm này không thể phê phán là sai về chỉ đạo chiến lược hay đường lối chiến lược.
Có ý kiến cho rằng mô hình nhà nước công nông binh, các công hội đỏ, nông hội đỏ, tự vệ đỏ và khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” là sản phẩm của Luận cương, của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, thất bại của Xô viết Nghệ Tĩnh là do sự “tả” khuynh của Luận cương. Y kiến ấy là không đúng, không khách quan. Vì Luận cương đến cuối tháng 10-1930 mới được thông qua; trong khi đó, cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh đến tháng 8-9/1930 đã là đỉnh cảo và tháng 10-1930 đã chuyển sang giai đoạn thoái trào, các Xô viết đã bị đàn áp và tan rã hầu hết rồi.
Điều đáng lưu ý là trong giai đoạn này có một văn kiện đề cập đến cả hai cương lĩnh. Đó là Chỉ thị của Trung ương Thường vụ về vấn đề thành lập Hội “Phản đế đồng minh” ngày 18-11-1930 mà lúc đó Tổng Bí thư là đồng chí Trần Phú. Khi nói về mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến trong phạm trù cách mạng vô sản, Chỉ thị có đoạn: “Từ trước các đồng chí chưa rõ vấn đề ấy, mà nay cũng vẫn mập mờ, nên dù tổ chức cách mạng vẫn đơn thuần công nông và là một màu sắc nhất định- như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên đỏ, Sinh hội đỏ, và Cứu tế đỏ; do đó thiếu mặt tổ chức thật quảng đại quần chúng, hấp thụ các tầng lớp trí thức dân tộc, tư sản dân tộc…
Đó chính là hiểu chậm chạp và chưa thật triệt để Luận cương cách mạng tư sản dân quyền… Do đó chúng ta đã tách rời dân tộc cách mạng với giai cấp cách mạng làm hai đường mà chưa nhận định đúng là dân tộc cách mạng vẫn là một nhiệm vụ trong giai cấp cách mạng. Sự chuyển biến lối này hay lối khác đó là hoàn cảnh từng nơi từng lúc, chứ không phải hai đường sai trái nhau”([24]).
Đây là một chỉ thị hết sức đúng đắn của Thường vụ Trung ương Đảng, không hề có sự “ấu trĩ, tả khuynh” nào cả, nên rất đáng lưu ý khi nghiên cứu về quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ trong hai cương lĩnh năm 1930 của Đảng nói chung, quan điểm của Tổng Bí thư Trần Phú nói riêng.
Nhân đây, xin được lưu ý là vấn đề coi nhiệm vụ nào hàng đầu đã được Trung ương, đứng đầu là đồng chí Hà Huy Tập, tháng 10- 1936 nêu rõ trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới. Văn kiện đó chỉ rõ: "Cuộc dân tộc giải phóng không nhất thiết phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa… Vì rằng, tùy hoàn cảnh hiện thực bắt buộc, nếu nhiệm vụ chống đế quốc là cần kíp cho lúc hiện thời, còn vấn đề điền địa tuy quan trọng nhưng chưa phải trực tiếp bắt buộc, thì có thể trước hết tập trung đánh đổ đế quốc, rồi sau mới giải quyết vấn đề điền địa. Nhưng cũng có khi vấn đề điền địa và phản đế liên tiếp giải quyết, vấn đề này giúp cho vấn đề kia làm xong mục đích của cuộc vận động… Nói tóm lại, nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh đấu phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng"([25]). Hoặc về chủ trương đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu cũng đã được đề ra từ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI, tháng 11- 1939 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thứ Nguyễn Văn Cừ; Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cờ đở sao vàng năm cánh cũng đã xuất hiện từ năm 1940, tại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chứ không phải đến Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941) mới được nêu ra.
+ Về lực lượng cách mạng, cả hai cương lĩnh đều coi trọng công nông. Chánh cương cho rằng “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thỉ phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng Lập hiến, v.v…) thì phải đánh đổ”. “Trong khi liên lạc với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp…”([26]). “Không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác”([27]). Đoạn trích đó thể hiện Chánh cương có quan điểm giai cấp rất “rạch ròi”, quá coi trọng lợi ích của công nông, có sự phân biệt và “dè dặt” trong tập hợp lực lượng cách mạng. Luận cương bộc lộ rất rõ thái độ coi trọng công nông, chưa thực sự coi trọng tư sản dân tộc, trí thức, địa chủ vừa và nhỏ…
Trong bối cảnh lúc bấy giờ và về nguyên tắc, điều đó cơ bản là đúng đắn, vì công nông là lực lượng đông đảo nhất, cách mạng nhất, không có liên minh công nông sẽ không có cách mạng Việt Nam. Mặt khác, đã là Đảng Cộng sản thì đương nhiên phải quan tâm đến lợi ích của quần chúng lao động đông đảo nhất, căn bản nhất là công nông, không trái với việc coi trọng lợi ích toàn dân tộc vì công nông là lực lượng đông đảo, chủ yếu của dân tộc. Tuy nhiên, vào thời điểm đất nước còn bị đế quốc đô hộ chủ trương đó là chưa thật phù hợp. Cả hai cương lĩnh đều mắc hạn chế này, song không vị vậy mà cho rằng đó là “tả” khuynh. Vì nếu “tả” khuynh thì làm sao Trung ương Đảng lại có sự phê phán Xứ ủy Trung kỳ là: “Xứ ủy Trung Kỳ, nhất là đồng chí Bí thư, ra chỉ thị thanh Đảng viết rõ từng chữ: thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rẽ, như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chi tướng”([28]). Chứng tỏ khẩu hiệu “tả” khuynh đó là của Xứ ủy Trung kỳ chứ không phải của Trung ương Đảng. Đồng chí Võ Thúc Đồng cũng khẳng định các Đảng bộ Nghệ Tĩnh không đề ra chủ trương đó, mà có thực hiện một phần, một số nơi chủ trương đó do sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy.
Tiện đây cũng xin nói thêm là nếu năm 1941 Đảng và Hồ Chí Minh đã thay đổi đường lối chỉ làm mỗi một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, tức là không theo Luận cương nữa, thì sao trong Cách mạng tháng Tám 1945, Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh lại lật đổ chế độ quân chủ, hạ bệ triều Nguyễn làm cho Bảo Đại trở thành vị Hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Hay thời kỳ 1953- 1960, chúng ta cải cách ruộng đất, xóa bỏ triệt để địa chủ, tư sản, đánh Nhân văn giai phẩm dẫn đến sai lầm nghiêm trọng; rồi thực hiện hợp tác hóa, công nghiệp hóa nóng vội… sẽ lý giải như thế nào khi các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đã mất từ lâu? Thế hệ trẻ hiện nay đã có đủ bản lĩnh và trí tuệ để tiếp nhận sự thật lịch sử, cả sự bi và hùng của nó, đừng lý giải một chiều, vô tình tạo cớ cho kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc lịch sử, khiến thế hệ trẻ mất lòng tin, chán học lịch sử(29])….
+ Về giai cấp lãnh đạo cách mạng, hai cương lĩnh đều khẳng định lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp vô sản, thông qua chính đảng của họ là Đảng Cộng sản.
+ Về phương pháp cách mạng, cả hai cương lĩnh đều nói là phải sử dụng bạo lực cách mạng. Trong đó Luận cương đã đầy đủ, hoàn chỉnh hơn Chánh cương về phương pháp cách mạng khi ghi rõ bạo lực cách mạng là sức mạnh nhân dân, phải tập hợp, tập dượt quần chúng đấu tranh tiến tới nắm bắt thời cơ thực hiện khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
+ Về quan hệ quốc tế, cả hai cương lĩnh đều xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, nhưng Chánh cương mới nhấn mạnh là phải liên lạc mật thiết với vô sản Pháp, còn Luận cương thì nhấn mạnh cả với vô sản Pháp, Tầu và Ấn Độ([30]).
Ở đây cần lưu ý Hồ Chí Minh là người yêu nước theo lập trường vô sản, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khác về chất so với chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng dân tộc theo lập trường phong kiến hay tư sản. Trong Di chúc, Người khẳng định trước sau đều đi theo “Cụ Các Mác, Cụ Lênin”.
*****
Thực tiễn là chân lý, nhận thức là một quá trình. Hồ Chí Minh là người yêu nước và thương dân. Hồ Chí Minh cho rằng ”Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”, ”chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động khỏi ách nô lệ” vì vậy mà Người đã đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho Việt Nam. Đã làm cách mạng vô sản thì giải phóng dân tộc chỉ là sự mở đường, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động mới là mục đích tối thượng. Đấu tranh giai cấp theo lập trường phong kiến, tư sản, để đưa lại lợi ích cho giai cấp địa chủ, tư sản, tức là cho số ít, thì cần lên án. Hồ Chí Minh, Trần Phú, Đảng ta chủ trương đấu tranh giai cấp theo lập trường vô sản, cốt đưa lại lợi ích cho những người lao động, mà năm 1930, những người lao động lại chiếm tới trên 95% dân tộc Việt Nam, thì đấu tranh giai cấp ấy chính là vì dân tộc, dân chủ, đó tư tưởng chân chính và đúng đắn.
Chánh cương vắn tắt và Luận cương chánh trị của Đảng năm 1930 là thống nhất với nhau về tất cả các nội dung cơ bản, cả ưu điểm và hạn chế; sự sai khác nhau chỉ ở đôi chỗ thuộc về diễn đạt và chủ yếu trong vấn đề sắp xếp lực lượng cách mạng. Lâu nay, có nhiều người đã nhầm lẫn nội dung Luận cương với Án Nghị quyết của Trung ương đại hội toàn thế tháng 10 năm 1930 (Án Nghị quyết), Luận cương với Thư của Trung ương gửi các cấp Đảng bộ ngày 9-12-1930, và Luận cương với Thư của Ban Phương Đông gửi Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 13-11-1930. Nên đã cho rằng Luận cương sai khác, đối lập, phê phán, phủ định Chánh cương. Những phê phán của Hội nghị Trung ương tháng 10- 1930 đối với Hội nghị hiệp nhất Đảng tháng 2-1930 lâu nay được trích dẫn là không hề có trong Luận cương tháng 10-1930. Trong các văn kiện đó chỉ có Án Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 và Thư của Trung ương ngày 9-12-1930 là có sự phê phán và khác nhau với Chánh cương và Thư của Ban Phương Đông là phê phán Luận cương mà thôi. Vả lại sự phê phán đó là xuất phát từ ý thức, trách nhiệm chung, theo nhận thức (như là một quá trình) của Trung ương lúc bấy giờ, là sự phê phán Bônsêvíc, không có mâu thuẫn, đối lập về tư tưởng.
Hồ Chí Minh là người chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tháng 2-1930 và Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, tháng 10-1930. Hồ Chí Minh hết sức coi trọng, trung thành và biết ơn Quốc tế Cộng sản, Người đánh giá rất cao công đức của các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Nguyễn văn Cừ, Hoàng Văn Thụ([31]). Sự thật lịch sử là như vậy. Bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Tổng Bí thư Trần Phú, của các bậc tiền bối thời dựng Đảng là như vậy. Với cốt lõi nhất quán là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Chánh cương và Luận cương của Đảng năm 1930 có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức to lớn.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến (nhấn mạnh của nguyên bản), thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta- đảng của giai cấp công nhân- không ngừng củng cố và tăng cường”([32]).
Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta mãi mãi trân trọng và tự hào về Chánh cương và Luận cương, về Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập Đảng và về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ([33])/.
N-Đ-T
[1] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ 5 có chỉnh lý và bổ sung, Nxb Sự thật, H, 1980, tr. 72-73
[2] – Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđ d, t.3, tr.51-52
[3] – Tư liệu lưu tại phông Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.153.569. Bản photocopy lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[4] – Báo cáo viết ngày 28-10-1930, lưu hồ sơ Quốc tế Cộng sản, ký hiệu 495.154.615. S.Q.Judge: Hồ Chí Minh những năm tháng lưu lạc 1919- 1941, Sđ d, tr.179.
[5]– Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 274-275
[6]. TS Chu Đức Tính, Giám đốc bảo tàng Hồ Chí Minh. Nguyễn Ái Quốc và Hội nghị Trung ương tháng 10- 1930. Báo QĐND điện tử ngày 15-7-2011, tr 1-5.
[7]– Chu Đức Tính. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có dự Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 không.Đắc san Hồ Chí Minh học, Học viện CT-HC QG HCM, Viện HCM và các lãnh tụ của Đảng, Số 2-2011, trang 79- 81 và trang 88
[8]– Văn kiện Đảng, Toàn lập, t.2, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.233
[9] -Văn kiện Đảng, Toàn lập, t.2, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.233
[10]– Bản chụp tiếng Pháp + bản dịch, lưu Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[11] . Nuolens tức Paul Ruegg – trưởng Ban Viễn Đông của Quốc tế Cộng sản, phụ trách Chi nhánh Ban phương Đông lại Thượng Hải). Theo tài liệu của Kho lưu trữ lịch sử chính trị – xã hội quốc gia Nga (ký hiệu 495. 153 .569) và tài liệu mật thám Pháp (bản dịch lưu Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh) thu được trong hồ sơ của Nuolens, có tài liệu tóm tắt về Đông Dương, trong đó có một văn bản ghi: tháng 10-1930, Hội nghị BCH TW Đảng Cộng sản Đông Dương đã được nhóm họp.
[12]– Hồ sơ về Nuolens – Bản chụp tiếng Nga + bản dịch, lưu Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.–
[13] – Ngô Đức Trì, học Đại học Phương Đông, Matxcơva, Ủy viên Thường vụ TW Đảng, bị bắt ở Sài Gìn, tháng 4-1931
[14] – Bản dịch của Hà Huy Giáp, lưu tại Kho tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh
[15]-Văn kiện Đảng, Toàn tập, t.2, Sđd, tr.233
[16] – Tác giả Ngô Đăng Tri, năm 1985, tại Khoa Lịch sử, đã có cuộc tiếp xúc, trực tiếp nghe đồng chí Trịnh Đình Cứu nói về các vấn đề xung quang Chánh cương và Luân cương của Đảng năm 1930…
[17]– Xem thêm hồi ký của đồng chí Nguyễn Thiệu
[18]– Đồng chí Nguyễn Ái Quốc chưa nhận được tư này của QTCS
[19] –T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Sđ d, tr.38
[20] Nguyễn Thiệu. Nhớ về Mùa Xuân thành lập Đảng. Tạp chí LSQS, số 158, 2-2005
[21]– Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 21, 1960, Nxb Chính trị quốc gia, H, tr 904
[22] – Nguyễn Thiệu. Nhớ về Mùa Xuân thành lập Đảng. Tạp chí LSQS, số 158, 2-2005
[23] – Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 94
[24] – Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 227-228
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 4
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 6
[28] -Văn kiện Đảng, toàn tập, Tập 3, 1931, Nxb CTQGHN, 1999, trang 157
[29]-Xem Ngô Đăng Tri Giới trẻ hôm nay đủ bản lĩnh, trí tuệ để biết sự thật lịch sử . Báo Đại Đoàn kết, số Chủ nhật, 13/04/2014
[30] – Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, T2, Sđd, tr 103
[31] .Xem Báo cáo chính trị ở Đại hội lần thứ II và Diễn văn Khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng.
[32]– Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.10, tr.9
[33] – Xem thêm: Ngô Đăng Tri. Báo cáo tại Hội thảo khoa học kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Tĩnh, ngày 19-4-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét