Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

1947 : NGƯỜI PHÁP, VIỆT NAM… VÀ LÊ THÀNH KHÔI

 

1947 : NGƯỜI PHÁP, VIỆT NAM…

VÀ LÊ THÀNH KHÔI

 

Alain Ruscio



Năm 1947, một thanh niên đặt chân lên đất Pháp. Anh tự hào là người Việt Nam. Nhưng đối với phần đông người Pháp lúc đó, anh chỉ là một An-nam-mít. Tên anh là Lê Thành Khôi.

Từ Đông sang Tây

Bài viết này là đóng góp của sử gia Pháp Alain RUSCIO vào tập sách mừng giáo sư LÊ THÀNH KHÔI : Từ Đông sang Tây (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005), do Cao Huy Thuần, Nguyễn Tùng, Trần Hải Hạc và Vĩnh Sính chủ biên. Tác giả chọn thời điểm 1947 (là năm chàng thanh niên họ Lê, 24 tuổi, đặt chân lên đất Pháp). Lúc ấy, người Pháp chưa biết "Việt Nam" là gì, người biết thì tưởng "Việt Nam" là "Việt Minh". Nhưng chiến tranh đã bùng nổ. Chính giới Pháp, dư luận Pháp, trí thức Pháp biết gì, hiểu gì về cuộc chiến tranh ? Cách đây vừa đúng 60 năm.

Diễn Đàn cảm ơn Alain RUSCIO đã cho phép công bố bài nghiên cứu này.

1947 là năm dài đầu tiên của cuộc chiến tranh Đông Dương (trước đó, tình trạng tranh tối tranh sáng trong quan hệ Pháp-Việt 1945-1946 đã chấm dứt một cách bi thảm trong những tuần lễ cuối cùng của năm 1946) (1).

Như vậy nước Pháp mà Lê Thành Khôi đặt chân tới là nước Pháp chiến tranh. Chắc chắn anh sẽ phải ngạc nhiên khi bắt gặp sự thiếu hiểu biết, những định kiến sai lầm của dư luận Pháp về đất nước Việt Nam.

Người Pháp đương thời đã hiểu các biến cố ở Đông Dương như thế nào ? Họ nhận định ra sao ? Nói rộng hơn, lúc đó người Pháp nhận thức và phán đoán ra sao về sự cáo chung đang bắt đầu của hệ thống thuộc địa, sẽ đi vào lịch sử dưới tên gọi quá trình giải thực, hay phi thực dân hoá ?

Muốn hiểu thấu phản ứng của dư luận Pháp trước cuộc giải thực, tất nhiên và trước hết phải nhớ lại thái độ của dư luận đối với công cuộc thực dân.

Dư luận Pháp đối với « Pháp Quốc hải ngoại »

Chứng từ đương thời cũng như các nghiên cứu sau này đều cho thấy rằng trong thái độ ấy có hai xu hướng chủ đạo : một mặt, người Pháp hầu như không biết gì về các nước thuộc đế chế Pháp ; mặt khác số đông lại rất thiết tha với những giá trị của chủ nghĩa thực dân… Hai xu hướng mâu thuẫn, người ta có thể nghĩ như vậy (« làm sao có thể thiết tha với một cái gì mà người ta không biết gì cả ? »). Thực ra, hai xu hướng đó bổ sung lẫn nhau (« người ta gắn bó với đế chế… bởi vì người ta không biết nó là như thế nào »).

Ngay sau cuộc đại chiến, những người Pháp « bình thường » biết gì về công cuộc thực dân ở các nước thuộc địa ? Câu trả lời là : chẳng biết mấy tí. Để chứng minh điều này, chúng tôi sẽ dựa trên kết quả một loạt những cuộc thăm dò dư luận cũng như những chứng từ đương thời (2).

Hiện tượng này thực ra không có gì mới : trong suốt lịch sử của thời kì thực dân, giới chủ trương đế chế đã từng lên tiếng than vãn : người Pháp chẳng quan tâm gì tới thuộc địa ! Thảng hoặc có quan tâm, thì họ chỉ chú ý tới khía cạnh ngoạn mục của các thuộc địa, nghĩa là một cách nhìn hết sức phiến diện. Như 8 triệu người Pháp đã viếng thăm Hội chợ Vincennes năm 1931, trầm trố nhìn ngắm phiên bản thu nhỏ làm bằng thạch cao của Angkor, nhởn nhơ quan sát « dân bản xứ » trong những túp lều hay những « cagna » *(*) rồi vui vẻ dang tay ra về mà chẳng học được điều gì ích lợi. Trái với những người như Segalen tìm thấy trong cái « exotique » (xa lạ, ngoại lai) cả một kho tàng hiểu biết mới, ở đây, cái « exotique » đã đánh bạt mọi tri thức.

Sự khiếm khuyết này coi như đã được định lượng hoá qua cuộc điều tra quy mô mà INSEE (Viện quốc gia thống kê và điều tra kinh tế) tiến hành năm 1949, khi mà cuộc khủng hoảng của hệ thống thuộc địa đã bắt đầu. Bảng câu hỏi nhằm đánh giá sự hiểu biết về các nước thuộc đế chế Pháp, được gọi dưới cái tên mới là Liên Hiệp Pháp, chứ không nhằm sưu tập những phán đoán giá trị.

Ở thời điểm ấy, Algérie đã bị thực dân hoá được 130 năm, Đông Dương và Tunisie 70 năm, và Maroc 40 năm… nghĩa là phe đảng thực dân đã có thừa thời gian và không thiếu phương tiện để làm « công tác tư tưởng ». Phe đảng thực dân ? Đúng ra, phải dùng danh từ Mĩ lobby để gọi tên thế lực thực dân, với màng lưới linh hoạt, hiệu lực có mặt ở mọi nơi mọi giới, chính trị, truyền thông đại chúng, báo chí chuyên môn, trí thức, điện ảnh, giáo dục...

Thế mà kết quả thì quá tồi tệ ! Người Pháp dốt địa lí... điều đó ai cũng biết. Có lẽ phải nói thêm : ... nhất là địa lí thuộc địa ! Hơn ba phần tư, 76%, không biết định nghĩa Liên hiệp Pháp như thế nào mặc đầu ba tiếng ấy được ghi rõ trong Hiến pháp và báo chí Pháp nhắc đi nhắc lại. Một phần ba, 32%, không ngại ngùng thú nhận là mình không biết gì về LHP. Hơn một nửa, 52%, thì nói có biết LHP nhưng... thờ ơ. Mười người Pháp, chỉ có ba, chính xác là 28%, có thể kể được tên của ít nhất 5 thuộc địa hải ngoại. Còn số người không kể ra được một tên lên tới 19% ! Đến thế sao ? Một phần năm người Pháp không kể ra nổi một cái tên Algérie, Maroc, Đông Dương, hay AOF (Tây Phi thuộc Pháp), AEF (Đông Phi thuộc Pháp)? Đúng như vậy. Chúng ta không nên ảo tưởng : chính cái nước Pháp “sâu thẳm” sẽ ngồi nhìn (tôi không dám viết : hiếu thấu) quá trình giải thực, mà hồi đầu, ôn áo, chính là cuộc chiến tranh Đông Dương !

Và cũng chính những người thú nhận không biết gì “mấy” về các thuộc địa hải ngoại, lại không ngại ngùng tự nhận là họ gắn bó với những “giá trị” của đế chế !

Bởi vì tư tưởng phổ biến trong quần chúng Pháp là tư tưởng thực dân chủ nghĩa. Không phải chỉ ở trong thành phần gọi là phản động. Cần nhắc lại sự thật đau lòng : Cương lĩnh của Hội đồng toàn quốc kháng chiến (CNR) yếu ớt một cách kinh khủng về vấn đề thuộc địa (3). Còn các quyết định và hành động của Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Pháp những ngày đầu (Hội nghị Brazzaville đầu năm 1944, Tuyên bố tháng 3-1945 về Đông Dương), không thể nào gọi đó là khai phóng.

Một thứ chủ nghĩa thực dân không nhất thiết – và chủ yếu cũng không phải là – hung hãn hay miệt thị gì, có thể nói đó là một thứ quan niệm thực dân “chất phác”. Song rõ ràng là mấy chục năm tuyên truyền có chọn lựa đối tượng của phe đảng thực dân đã in sâu vào não trạng không những trong giới nắm quyền quyết định mà cả trong dân chúng hai tín điều bổ túc cho nhau: đối với chúng ta, thuộc địa có ích, hơn nữa, cần thiết ; đối với thuộc địa, chúng ta có ích, thậm chí cần thiết.

Đầu tiên và trước hết, nếu nước Pháp còn muốn giữ vai trò một cường quốc trên thế giới, tất nhiên phải gìn giữ các thuộc quốc hải ngoại. Trong cuộc đại chiến vừa kết thúc, nhờ đế chế mà Pháp còn giữ được những căn cứ hậu phương. Sau chiến tranh, cũng nhờ sự có mặt của mình ở khắp các châu lục mà nước Pháp còn giữ được vị trí trong Tứ Cường ở Liên Hợp Quốc. Vả lại, nếu để mất thuộc địa, thì nền kinh tế Pháp sẽ sụp đổ, nạn thất nghiệp và nghèo khó sẽ lan rộng, không phương cứu chữa. Trong bản hoà âm ấy, hầu như không nghe thấy một lời trái tai. Khi Marius Moutet của đảng xã hội tuyên bố : “ Thực chất vấn đề là nước Pháp có thật sự coi mình là đất nước của một trăm triệu tâm hồn, hay chỉ muốn thu mình thành xứ sở của bốn mươi triệu dân. Pháp có còn là cường quốc hay không ? ” (4), ông ta nói lên suy nghĩ của hầu hết chính giới Pháp, chứ không phải chỉ bảo vệ một lập trường hoài cổ.

Lí do thứ nhì để “ ở lại đó ”, là một lí do “ vị tha ” : những người mà chúng ta bảo hộ còn cần tới chúng ta. Công cuộc khai hoá mà chúng ta tiến hành, tuyệt vời đấy, nhưng chưa phải là hoàn hảo, và cần được hoàn thành trọn vẹn. Thế là, năm 1945, 62 % số người được thăm dò ý kiến cho rằng những việc mà nước Pháp đã làm ở hải ngoại là “ tốt ”. Có người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đứng hàng đầu những người ca ngợi chế độ thuộc địa, có cả nhà văn François Mauriac, về sau sẽ là người mạnh mẽ tố cáo chủ nghĩa thực dân. Trên báo Le Figaro (5), Mauriac cho rằng ở Đông Dương, nước Pháp đã xây dựng một “ nền văn minh tốt đẹp ” mà những phần tử bản xứ quá khích muốn phá tan. Đi kèm những lời ca ngợi ấy, cố nhiên là những nhận định ít nhiểu “cha anh khuyên bảo ”. Chúng ta phải tỏ lòng biết ơn những người mà ta bảo hộ vì, trong cơn thử thách, họ vẫn trung thành với ta. Chúng ta phải tiến hành những cải cách xã hội, thậm chí ban hành cả một số quyền chính trị. Ngày 15.02.1945, tướng De Gaulle đến dự buổi lễ Tết với cộng đồng “An Nam ” ở Paris và tuyên bố : “Đối với tương lai những dân tộc gắn bó với mình trong quá khứ đen tối và trong tương lai tươi sáng, ngay từ bây giờ, nước Pháp đang ấp ủ những dự án trong đầu và những tình cảm trong tim. Tự hào vì những gì mình đã thực hiện trước đây với sự hợp tác tận tình của dân chúng bản xứ, đặc biệt của tầng lớp ưu tú tỏ ra rất có khả năng, nước Pháp, trong sự hùng mạnh mới hồi sinh, trong sự vĩ đại vừa phục hồi của mình, quyết tâm đeo đuổi một trong những mục tiêu chủ yếu là công cuộc phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá của Liên hiệp Đông Dương ”(6). Chưa đầy một tháng sau sẽ bắt đầu cuộc động đất ở Đông Dương (9 tháng 3), vậy mà bài diễn văn ấy nghe chẳng khác diễn văn của toàn quyền Paul Doumer hồi đầu thế kỉ hay Albert Sarraut trong thập niên 20 !

Ngay cả khái niệm phi thực dân hoá – giải thực – đa số người Pháp cũng không thể nhận thức nổi. Khi cuộc chiến tranh thế giới kết thúc, nhiều người tưởng rằng đó chỉ là vấn đề Âu Châu, còn ở các lãnh thổ nhiệt đới, giai đoạn “ngoặc đơn” sẽ đương nhiên khép lại. Sự thiếu hiểu biết này sẽ là mảnh đất màu mỡ đẻ ra một quá trình giải thực bi thảm.

Ta hãy giới hạn đề tài vào Đông Dương, cụ thể là Việt Nam. Ở đây, cần theo sát trình tự thời gian. Trong những năm 1945-1947 ở Pháp, hầu như không một ai liên hệ hai tiếng Việt Nam với khái niệm độc lập. Ngay Jean Sainteny, nhà đàm phán thiện chí, cũng cương quyết loại trừ khả năng này. Trong cuộc thương lượng để đi tới hiệp ước sơ bộ 6.03.1946, Sainteny doạ cắt đứt đàm phán nếu văn bản có cụm từ “ quốc gia độc lập ” (cuối cùng, văn bản dùng cụm từ “quốc gia tự do”, một khái niệm mờ ảo về mặt pháp lí).

Tháng chín 1945 – ngày mồng hai đầu tháng, Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập – Viện IFOP thăm dò ý kiến người Pháp với câu hỏi : Vận mệnh Đông Dương sẽ như thế nào ? Chỉ có 12 % những người được hỏi ý kiến cho rằng tương lai vùng này có thể sẽ không còn là thuộc Pháp. Gần hai phần ba, 63 % tin tưởng rằng thuộc địa ở châu Á “sẽ được để lại cho nước Pháp ”. Còn tướng De Gaulle là người cho rằng đây là điều đương nhiên : “Lập trường của nước Pháp về Đông Dương đơn giản lắm. Đó là phục nguyên chủ quyền của mình ở Đông Dương” như ông đã tuyên bố ngày 25.08.1945 (7), vào đúng lúc mà lãnh thổ thuộc địa đang tuột khỏi tay ông. Dân biểu xã hội Bourgoin hưởng ứng như sau: “Người ta có thấy hết cái phi lí hàm chứa trong thành ngữ “độc lập của Đông Dương” chăng ? Bởi vì Đông Dương tồn tại là nhờ nền văn minh Pháp làm trọng tài và liên kết nó lại, độc lập một cái là nó tiêu tan ” (8). Ác độc thay là sự trùng hợp ngày tháng: lời tuyên bố ấy được đăng trên số báo của đảng SFIO đề ngày 2.9.1945! Tương lai thuộc Pháp của Đông Dương nếu đó đây còn gây ra hồ nghi, chẳng qua là do những phần tử tay sai của ngoại nhân (Nhật Bản, rồi Mĩ) gieo rắc mầm mống trong dân chúng vốn vẫn trung thành.

Hơn một năm trôi qua, đầy biến động. Tháng giêng 1947, khi chiến tranh đã thực sự bắt đầu, người ta lại thăm dò dư luận : Vận mệnh Đông Dương sẽ như thế nào ? Niềm tin chỉ bị xói mòn đôi chút. Chỉ có 5% chuyển từ phe Đông Dương “ sẽ được để lại cho Pháp ” sang thành phần do dự. Nghĩa là đa số 58% vẫn không mảy may hoài nghi về tương lai “tam tài” của thuộc quốc. Ý kiến ngược lại không nhỉnh lên chút nào, vẫn ở mức 12%. Cũng nên nhắc lại rằng ở thời điểm đó, phái tả Pháp chiếm đa số ở quốc hội.

Việt Nam ” ? Chắc ông muốn nói “ Việt Minh ” !

Có thể minh hoạ chuỗi dài u mê ấy bằng một hiện tượng ngữ nghĩa khá kì quặc.

Lê Thành Khôi có lần kể cho tôi, năm 1947, khi ông mới sang Pháp, ông ngạc nhiên nhất là nhận thấy đa số người Pháp không biết đến cả cái tên nước ông. Khi ông điềm nhiên nói mình là người Việt Nam, thì nhiều người ngỡ ngàng: họ cứ tưởng Việt Nam là tên gọi của một lực lượng chính trị đối nghịch với Pháp, một biến thể của hai tiếng phạm huý Việt Minh vậy.

Trong suốt nửa sau của thế kỉ XX, hai tiếng Việt Nam đã vang lừng trên thế giới, trở thành – với cái giá phải trả ! – trung tâm các mối quan hệ quốc tế, khiến ta dễ quên rằng trong một thời gian dài, đa số người Pháp đã hiểu sai, nếu không nói là họ không hề biết tới.

Trong các từ điển thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX, không có mục từ VIETNAM, nếu có, thì được chỉ dẫn: xem ANNAM. Những nhà quan sát tinh ý cũng biết rằng phong trào dân tộc vẫn sử dụng hai tiếng Việt Nam với tất cả tấm lòng tự hào. Khi Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông bí mật thành lập đảng, họ gọi tên đảng là Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927). Khi người cộng sản thống nhất ba tổ chức, họ đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, trước khi Quốc tế Cộng sản thôi thúc họ đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương (1930).

Thi thoảng một vài tác giả phương Tây cũng sử dụng danh từ này, chẳng hạn như Louis Roubaud khi ông dũng cảm viết cuốn sách Viet Nam, la tragédie indochinoise (9) năm 1931. Song đó là những trường hợp hiếm hoi. Từ ngày xâm chiếm cho đến Thế chiến lần thứ hai, phổ biến vẫn là Cochinchine, Annam, Tonkin, và, chỗ nào cũng thế, Indochine. Ngay những người tích cực chống thực dân cũng vẫn dùng chữ Indochine, thí dụ như cuốn sách nổi tiếng Indochine, S.O.S. ! của Andrée Viollis (10) hay tên gọi của Uỷ ban ân xá cho người Đông Dương (11).

Đến nỗi ở Pháp, để cho dễ hiểu, những người Việt Nam yêu nước đành phải tự gọi mình là người An Nam. Chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc chẳng phải đã thay mặt Nhóm những người An Nam yêu nước đến đưa 8 điểm yêu cầu cho các phái đoàn ở Hội nghị Versailles đó sao ? Các hội ái hữu thành lập trong thời kì giữa hai cuộc đại chiến, và trong Thế chiến lần thứ hai, cũng đã chẳng đặt tên là An Nam đó sao ?

Khi Đại hội Việt kiều họp tháng 12 năm 1944 tại Avignon để bầu ra cơ quan đại diện, khó khăn về ngôn ngữ nói trên đã được khắc phục bằng cách phiên dịch rất ngoại giao và khôn khéo. Trong việc giao dịch đặc biệt với chính giới và báo chí, tổ chức này dùng tên Pháp Délégation générale des Indochinois (Tổng đại diện người Đông Dương) nhưng trong văn thư chính thức vẫn ghi rõ bằng tiếng Việt Ban Tổng Đại Diện Việt Nam.

Không phải ngày một ngày hai mà danh từ mới được chấp nhận ở chính quốc. Báo Le Monde (Thế giới) ngày 5.9.1945 đưa tin “ lá cờ đỏ sao vàng của nước Cộng hoà An Nam ” đã được dương lên ở Hà Nội. Ngày 16, hai tuần lễ sau Tuyên ngôn Độc lập, tờ báo giới thiệu chính phủ, đứng đầu là một người nào đó tên là “ Ho Chi Minh (tức Bou Yen Ai) ” (phải chăng là một biến âm của Nguyễn Ái… Quốc ?), với mục đích là bảo toàn “nền độc lập của An Nam”. Còn báo chí cộng sản suốt năm 1945 vẫn An Nam và Đông Dương, phải đợi ba tuần lễ sau ngày tuyên cáo độc lập, lần đầu tiên mới nói tới “ nước Cộng hoà Việt Nam (Tonkin, Annam, Cochinchine) ” (12).

Nói chung, phải đợi đến quý I năm 1946, sau ngày kí kết Hiệp ước sơ bộ 6.3 (ngày tháng chính xác, chắc phải truy tìm cặn kẽ hơn), hai tiếng Việt Nam mới thực sự xuất hiện trong ngôn ngữ chính trị và trên báo chí ở chính quốc.

Sau đó, mọi sự biến chuyển khá nhanh. Rõ ràng là mọi người ở cái nước ấy (những người ủng hộ Hồ Chí Minh cũng như những người theo Bảo Đại) vẫn một mực tự xưng là người Việt Nam, nên từ vựng Pháp cũng đành thích nghi. Từ 1947-1948 trở đi, những tên gọi cũ, mà trước đây người Pháp những tưởng là vĩnh cửu, không còn được sử dụng nữa, ngoài trừ ở cửa miệng hay dưới ngòi bút những tay thực dân già. Nhưng mấy ai để ý rằng phải đợi tới khi cuộc chiến tranh kết thúc, công chúng Pháp mới được đọc những cuốn sách tổng quan nghiêm túc mà trong tựa đề có danh từ Việt Nam ? Theo trình tự phát hành : Pierre Huard & Maurice Durand, Connaissance du Vietnam, Hà Nội, 1954 ; Lê Thành Khôi, Le Vietnam, histoire et civilisation, Paris, Ed. de Minuit, (quý 1) 1955 ; Jean Chesneaux, Introduction à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Ed. Sociales, (tháng sáu) 1955.

Mặt khác, và hai việc này cũng liên quan với nhau, vấn đề thống nhất Việt Nam – « thống nhất ba Kì » theo cách gọi lúc đó – vẫn gặp sự chống đối mạnh mẽ trong một bộ phận lớn của chính giới Pháp trong thời kì 1945-1947 này.

Chúng ta biết rằng tuyên bố chính thức ngày 24 tháng ba 1945 (của chính phủ De Gaulle ở Brazzaville) nói rõ đến « năm nước » của « Liên hiệp Đông Dương », nghĩa là tiếp tục duy trì sự chia cắt đất nước Việt Nam. Và trong suốt hai năm trời, đó là nền tảng đường lối chính trị chính thức của Pháp, nó giải thích chính sách Nam Kì của D’Argenlieu cũng như đường lối của Marius Moutet, thuộc đảng xã hội SFIO.

Là một chính khách hiểu biết tường tận thực tế các nước thuộc địa (mặc dầu thế, hay chính vì thế ?), trong suốt những năm sau Đại chiến Thế giới, Marius Moutet vẫn một mực chủ trương chia cắt Việt Nam. Ngày 27.12.1945, ông viết trên báo Populaire : « Về mặt địa lí, dân tộc cũng như chính trị, tính chất chủ yếu của Đông Dương là sự đa dạng. Đông Dương gồm có năm nước : Tonkin, Annam, Cam Bốt, Lào và Cochinchine ». Tháng 5.1947, vẫn khẳng định xanh rờn : « Đông Dương, thực ra, là năm nước rất khác nhau », mà cuộc sống yên bình đã bị « những phần tử sách động người An nam mít » quấy rối (13). Moutet xác quyết sai lầm của Việt Minh là muốn đại diện cho dân chúng của cả « năm nước ». Nói láo, vì trong giai đoạn này của cuộc đấu tranh, Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông không hề nêu lên vấn đề Lào và Campuchia.

Người Pháp và Đông Dương năm 1947

Năm 1947, khi cuộc chiến tranh bắt đầu, người Pháp biết gì, nghĩ sao về cuộc chiến tranh ? Hầu như không biết gì mấy cũng chẳng nghĩ sao cả.

Phải nói thực ngay cái ý tưởng Đông Dương đang chiến tranh cũng có vẻ kì quặc rồi. Sau cuộc giao tranh ở Hà Nội (12.1946-02.1947), hầu như không còn một trận đánh nào nữa. Các đơn vị du kích của tướng Giáp tránh né mọi cuộc đụng độ với quân đội viễn chinh quá hùng mạnh. Mùa thu, tướng Valluy đã tìm cách bao vây các chiến khu. Nhưng cuộc hành quân ấy chẳng khác vung gươm chém nước. Tóm lại, trên chiến trường, không có chiến trận ngoạn mục nào diễn ra.

Cho nên « người ngoài phố » chẳng mấy quan tâm tới tình hình Đông Dương. Tháng giêng 1948, viện thăm dò công luận IFOP đặt câu hỏi : Theo ý bạn, năm 1947 có những sự kiện lớn nào ? Chiến tranh Đông Dương không được liệt kê trong danh sách sự kiện mà chỉ là một cái gạch đầu dòng trong đề mục « linh tinh » (tổng cộng : 6%).

Đáng chú ý là ngược lại, khi IFOP hỏi cụ thể về bản chất chính trị của cuộc chiến tranh, không thấy có hiện tượng chống Việt Minh trong dư luận ghê gớm như sẽ thấy trong giới chính khách (xem ở dưới). Cuộc thăm dò tháng ba cho thấy dư luận Pháp không đồng thanh nhất trí với các luận điểm hiếu chiến. IFOP đặt câu hỏi : Theo ý bạn, các biến cố đang xảy ra ở Đông Dương, trách nhiệm về ai ? Trong các câu trả lời được đề nghị, có câu này : « một nhúm người Đông Dương điên cuồng » (điều này cho ta một ý niệm về não trạng của bản thân những người tổ chức cuộc thăm dò dư luận) ; 18 % người Pháp chọn câu trả lời này. Bên cạnh số này, có thể kể những người chống cộng vì nguyên tắc : « tuyên truyền cộng sản » (10%) và « Liên Xô » (5%). Tổng cộng chỉ có khoảng một phần ba người Pháp quy trách nhiệm, trực tiếp hay gián tiếp, cho Hồ Chí Minh và đồng chí của ông. Đối lại, 20 % có xu hướng lên án giới áp phe và giới quân sự Pháp (một phần năm người Pháp, cũng khá đấy, nhưng chúng ta không được quên rằng lúc đó tổng cộng số phiếu cử tri bầu cho đảng cộng sản và đảng xã hội là mấp mé đa số). Những người khác chọn những câu trả lời ít nhiều « phăng te di » (trong đó phải kể tới 8% người Pháp vẫn còn tin rằng đằng sau các « biến cố » có bàn tay của.. người Nhật ; Nhật Bản đầu hàng gần hai năm trước đó).

Ba tháng sau, tháng 7.1947, khi được hỏi về những điều kiện để lập lại hoà bình, dư luận Pháp chia thành hai khối ngang nhau : khối chủ trương dùng giải pháp mạnh vẫn còn là đa số nhỏ (52%), nhưng số người mong muốn nối lại đàm phán lên tới 48%. Cần nhận xét là ngay từ lúc này, vị trí của khối cử tri trên bàn cờ chính trị Pháp đã dẫn tới sự phân tuyến rõ rệt : những người ủng hộ thương lượng là 91% cử tri bầu cho Đảng cộng sản, 65% cử tri SFIO (đảng xã hội), 45 % cử tri « cấp tiến » và một thiểu số nhỏ của cử tri bỏ phiếu cho các đảng khuynh hữu.

Sự phân tuyến này còn rõ nét hơn trong hàng ngũ các tổ chức chính trị.

Phe hữu : cương quyết và hiếu chiến

Trong khi không mấy ai để ý đến sự kiện Hải Phòng (tháng 11.1946), thì sau biến cố xảy ra tháng 12 ở Hà Nội, ồn lên những lời thậm tệ chỉ trích Hồ Chí Minh và đồng chí của ông. Báo chí đua nhau tường thuật cuộc chém giết kinh hoàng ở Tonkin. May thay quân đội Pháp đã cảnh giác, nếu không có lẽ biết bao người Pháp đã bị cắt cổ rồi…

Chính khách bảo thủ lớn tiếng lên án, báo chí phái hữu đua nhau tìm ra những tít đậm nhằm dẫn dụ dư luận đi tới kết luận chung : rõ ràng bọn người ấy chưa đủ chín chắn để được độc lập.

Ngay từ ngày 2 tháng giêng 1947, trả lời phỏng vấn của báo France-Soir [Nước Pháp buổi chiều], đô đốc Thierry d’Argenlieu đã hắng giọng, chắc đã được phân công, tuyên bố : « Kết luận dứt khoát của tôi là : kể từ nay chúng ta không thể nào đàm phán với Hồ Chí Minh nữa » (14). Cũng nên ghi nhận chữ tôi trịch thượng này vì ở thời điểm ấy, chưa hề có một tuyên bố nào nói lên lập trường của chính phủ Pháp cả.

Đàm phán với Hồ Chí Minh nữa ư ? Suốt cả năm 1946, chúng ta không ngừng đàm phán. Thậm chí chúng ta còn mời cả ông ta sang Pháp. Chịu ta đã chịu ngồi xuống bàn thương lượng với phái viên của ông ta ở Đà Lạt, rồi ở Fontainebleau. Quý vị thấy đó, họ đã đáp lại thiện chí của chúng ta như thế nào. Trong khi Hồ và Đồng tươi cười với chúng ta thì Giáp (ngay từ hồi đó, tướng Giáp đã trở thành « ngáo ộp » của các nhật báo lớn) chuẩn bị cuộc tấn công nham hiểm. Ngay hôm sau cuộc tấn công của Việt Minh ở Hà Nội, giọng điệu chung đã được nêu gương qua lời tuyên bố của lãnh tụ cấp tiến Léon Martinaud-Déplat, sau này sẽ là ngôi sao sáng của nền « Đệ tứ Cộng hoà Pháp » nhưng từ lúc đó cũng đã là một chính khách có thế lực : « Lá quốc kì của nước Pháp đã lâm trận rồi. Không có vấn đề thảo luận với một bọn phiến loạn, một lũ sát nhân nữa » (15).

Đàm phán với Hồ Chí Minh trong khi ngay ở Đông Dương y ta đã tiêu tùng từ khuya rồi ! Y ta hoặc là bất tài, hoặc là xảo quyệt. « Trong hai điều này, chỉ có một : hoặc là Ô. Hồ Chí Minh không có khả năng thực thi hiệp định, hoặc là ông ta kí kết cốt để đánh lừa chúng ta. Bất luận thế nào, không có lí do gì để thương lượng trở lại trong điều kiện như vậy », Jacques Guérif đã viết trong bài xã luận của báo Le Monde đề ngày 4.01.1947. Nếu quên rằng cuộc chiến tranh vừa nổ ra sẽ kéo dài 30 năm trời, người ta có thể thấy tức cười trước sự trùng lặp của bài báo với lời tuyên bố của Paul Reynaud tại Quốc hội : « Trong hai điều, chỉ có một : hoặc là, cuộc thảm sát ghê tởm và gian dối xảo quyệt ngày 19.12.1946, ông Hồ Chí Minh là người chủ mưu và cầm đầu – những người biết rõ ông ta đều nghĩ như thế – và nếu vậy, ông ta là một tên tội phạm, chúng ta không thể thương thảo với một tên tội phạm ; hoặc là ông ta đã bị lèo lái và không còn uy quyền gì đối với ba quân dưới trướng, nghĩa là ông ta bất lực, và chúng ta không nên đàm phán với một người bất lực ». Lập luận đanh thép đến thế là cùng.

Nói chuyện với Hồ Chí Minh ! Hoá ra người ta quên rằng nhà cách mạng chuyên nghiệp này đã được Quốc tế Cộng sản đào tạo hay sao ? Cuộc chiến tranh lại vừa bắt đầu, luận điểm chống cộng chưa được sử dụng thường xuyên và liên tục như trong thập niên 1950, nhưng cũng đã xuất hiện nhiều lần. Jean Huret, trong bài báo tiên phong đăng trên L’Aurore ngày 8.01.1947, đặt câu hỏi : « Vấn đề Đông Dương thực chất là như thế nào ? Đó là một khía cạnh (…) của cuộc đụng độ Mĩ-Nga. Nếu Liên Xô đặt chân lên Đông Dương, tức nhiên Mĩ sẽ ứng phó, và không một ai có thể tiên đoán được hậu quả sẽ như thế nào. Ngược lại, nếu họ lập ra được một chính phủ thân Nga, với Hổ Chí Minh, Manh Ha [chắc là Nguyễn Mạnh Hà, AR] hay ai khác, Mĩ sẽ bị đặt vào cái thế khó xử. Còn nếu một chính phủ không chịu ảnh hưởng của Nga đứng ra quản lí công việc của Việt Nam, thì đương nhiên sẽ được Hoa Kỳ, và Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, ủng hộ ». Còn François Mauriac, trong bài báo đã nói ở trên, ông nhìn thấy đằng sau Hồ Chí Minh và Việt Minh, có bàn tay của Mạc Tư Khoa. Nếu nước Pháp bỏ đi, F. Mauriac viết, « một cường quốc khác (cường quốc mà Việt Minh đã theo gương) sẽ thế chân Pháp » (16). D’Argenlieu thì công khai tự vấn về « hệ thống chính quyền và tổ chức chính trị » của Việt Minh « sao chép mô hình xô viết ». Ông mong chờ các « quốc gia Tây phương » sẽ có phản ứng trước những « bước tiến của cộng sản ở đông nam Châu Á »(17). Như vậy là ngay từ năm 1947, cái chủ thuyết sau này được gọi là « đô mi nô » đã được phác thảo ra rồi, chứ nó không phải là sáng tạo của người Mĩ. Điều ngược đời là, lúc đó, Liên Xô chẳng màng gì tới đất nước và con người Việt Nam.

Sẽ hao công tốn giấy nếu chúng ta muốn chép lại những lời thoá mạ vị lãnh tụ Việt Nam. Trong cuộc tranh luận nóng bỏng tháng ba 1947 ở Quốc hội Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nêu tên kèm theo đủ mọi thứ tính từ, trong đó, phổ biến nhất là « tội phạm », và thường được so sánh với Hitler. Vả lại, kiên trì thêm mà làm gì ? Rõ ràng mười mươi, Hồ Chí Minh chỉ là một trong những tay thảo khấu mà lịch sử xứ sở này đã từng phải chịu đựng. Rồi y ta sẽ rơi vào quên lãng. Ngày 18-3, dân biểu phái hữu André Mutter dõng dạc : « Chỉ cần nói một câu : nước Pháp sẽ không nói chuyện với Hồ Chí Minh, là ngày hôm sau, con người ấy sẽ mất hết ảnh hưởng ở Đông Dương ».

Chuyên gia lâu năm về Đông Dương, nhà kinh tế học Paul Bernard, thì cho rằng : « Cuộc thử nghiệm Hồ Chí Minh đã kết thúc trong đói khát và đổ máu. Tàn phá và chết chóc như thế là quá nhiều rồi. Cần phải rút ra từ đó những kết luận để bao nhiêu hi sinh vừa qua không trở thành vô ích ». Vậy thì theo ông Paul Bernard, phải kết luận như thế nào cho đúng ? « Thí nghiệm Hồ Chí Minh chứng tỏ rằng một thể chế chính trị mới chỉ có thể thiết lập trong một khí hậu trật tự và quyền lực, mà để họ tự mình giải quyết, thì người An Nam không tài nào tái lập được cái khí hậu ấy. Khả dĩ chỉ có nước Pháp » (18).

Thực tế hơn, một số người khác cho rằng Việt Minh đã làm việc bổ ích, cảnh báo chúng ta bằng « phát súng kéo cờ hiệu », nên chúng ta phải tính đến việc thương lượng với người mới, biết điều hơn. Rất ít có người chủ trương đơn thuần quay trở lại chế độ trực trị. Trả lời cuộc phỏng vấn nói trên của báo France-Soir (2.01.1947), d’Argenlieu khẳng định : « Chúng ta sẽ tìm ra ở bên đó những nhân vật khác mà ta có thể đàm phán với họ được, và chắc họ cũng là người quốc gia ». Ngay từ lúc đó, đô đốc và cố vấn chính trị của mình là Léon Pignon đã đưa ra ý kiến nối lại liên lạc với Bảo Đại là người năm 1945 đã thoái vị, và từ tháng tư 1946 sống lưu vong ở Hồng Kông. Bị thúc ép phải làm ngay, Hội đồng bộ trưởng đã bác bỏ đề nghị (19). Được vài tháng…

Sau đó, câu chuyện diễn ra rất nhanh. Việc cách chức d’Argenlieu và bổ nhiệm đảng viên cấp tiến Emile Bollaert, có một lúc đã khiến người ta hi vọng, thực ra chỉ là biện pháp dùng người mới để thi hành lá bài cựu hoàng. Tháng tám, chính phủ họp nhiều lần. Ngày mồng 6, Ramadier thốt ra chữ « độc lập » và gắn liền hai chữ ấy với công thức Việt Nam « thống nhất ». Phải chăng là để chuẩn bị nối lại đối thoại với Hồ Chí Minh vốn chỉ đòi hỏi có một điều đó ? Không. Các ngài bộ trưởng xã hội thì muốn ra một lời kêu gọi chung cho cả Bảo Đại và Hồ Chí Minh. Đồng sự của họ thuộc đảng MRP, nhất là Bidault, thì nhất mực cự tuyệt. Cuối cùng, Ramadier đồng ý không nói tới chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà, và hàm ý là có những người khác có thể sẽ đáp ứng yêu cầu của Pháp (20).

Như vậy là rõ. Cỗ xe goòng Bảo Đại đã được đặt trên đường rầy. Tháng chín, cựu hoàng nói với « toàn dân », từ Hồng Kông. Ông làm như đã nghe thấy lời thỉnh nguyện khẩn thiết và đã chấp nhận sứ mệnh : « Nay tôi nghe thấy lời kêu gọi và nỗi thống khổ của toàn dân (...). Đồng bào mong muốn tôi đứng ra thương lượng với Pháp quốc (…). Tôi xin nhận sứ mệnh mà đồng bào trao phó và sẵn sàng tiếp xúc tiếp nhà cầm quyền Pháp » (21).

Mở đầu trong bi kịch, năm 1947 kết thúc bằng trò phân vai.

Phái tả không cộng sản: lúng túng và èo ọt

Trước cuộc tiến công chính trị ấy, phái tả Pháp, tuy mạnh, tỏ ra quá rụt rè.

Khi chiến sự bùng nổ ở Hà Nội, chế độ chính trị Pháp ở trong giai đoạn lâm thời. Trong khi chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của nền đệ tứ cộng hoà, dự tính vào trung tuần tháng giêng 1947, một nội các thuần nhất của đảng xã hội, do Léon Blum làm chủ tịch, được cử ra để xử lí thường vụ.

Một tuần lễ trước ngày được tấn phong, L. Blum viết trên tờ Le Populaire : « Chỉ có một cách, một cách duy nhất, để duy trì uy danh nền văn minh của chúng ta ở Đông Dương, ảnh hưởng chính trị và tinh thần của chúng ta, cũng như những quyền lợi chính đáng của chúng ta, là sự thoả thuận chân thành trên cơ sở độc lập [danh từ này, như ta biết, rất hiếm thấy trong từ ngữ chính trị Pháp lúc đó], là sự tin cậy, là tình hữu nghị » (22). Nhưng định mệnh vốn oan nghiệt với Léon Blum lúc đó cũng đã bước vào đoạn chót của sự nghiệp chính trị. Mười năm về trước, khi quyết định không can thiệp vào Tây Ban Nha, ông đã trải nghiệm một thảm kịch. Ngày nay, L. Blum đứng trước một lưỡng đề mới : thi hành chính sách « thoả thuận chân thành » hay gào rú cùng bầy sói ?

Đến đây, trình tự thời gian có tầm quan trọng của nó. Ngày 16 tháng 12, Blum được tấn phong. Marius Moutet vẫn giữ ghế bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại. Ngày 17, quyết định cử Moutet sang Đông Dương thanh tra, một dấu hiệu tích cực. Blum viết thư cho Hồ Chí Minh, nói bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại sang gặp ông để « xua tan những hiểu lầm (…), lập lại bầu không khí tin cậy (…) tìm cách chấm dứt các hành động thù nghịch » (23). Ngày 18, Moutet lên máy bay. Trong chuyến bay Paris – Sài Gòn, Moutet được tin Việt Minh tấn công ngày 19.12.

Phải chăng Moutet, được tin ấy, đã tự ý thay đổi mục đích chuyến công vụ ở Đông Dương ? Moutet có thông báo cho Blum hay không ? Nếu có, thông báo theo chiều hướng nào ? Và chủ tịch hội đồng bộ trưởng đã trả lời ra sao ? Chỉ biết rằng, khi đặt chân tới nơi, Moutet đã thay đổi hẳn chủ đích ban đầu của chuyến đi, từ chối đến cả trả lời những đề nghị gặp gỡ của Hồ Chí Minh. Moutet chỉ tạt qua mấy giờ đồng hồ ở Hà Nội, là nơi có khả năng tiếp xúc, còn Sài Gòn, thì ở tới năm ngày. Từ nay, Moutet tuyên bố y hệt phái hữu cứng rắn nhất, là không thể nào thương lượng với đối tác trước đây nữa. Ngay từ ngày 3 tháng giêng, tại Sài Gòn, ông khẳng định ưu tiên trên mọi ưu tiên là bảo đảm an ninh cho người Pháp ở Đông Dương. Ngày mồng 6, ông nói thêm : « Cuộc tấn công ngày 19 tháng chạp, tính chất của nó, sự tính toán chuẩn bị từ trước, cũng như những hệ quả tiếp theo của nó, buộc chúng ta phải có hành động quân sự ». Và tiếp đó là câu nói mà trong suốt cuộc chiến tranh sẽ được đưa ra để (tìm cách) biện minh cho cuộc chiến : « Khi nào quân đội đã tái lập được trật tự rồi, mới có thể xét tới những khả năng chính trị » (24).

Được cử đi công cán để « tái lập không khí tin cậy », Moutet trở về Pháp sau khi đã làm ngược lại hẳn bằng những tuyên bố chủ chiến. Lên đường với nhiệm vụ nhất thiết là đi gặp Hồ Chí Minh, ông ta trở về mà không gặp lấy một người đại diện của chính phủ VNDCCH, là chính quyền đã cùng Pháp kí kết những hiệp ước, nhưng lại để ra rất nhiều thời gian để gặp những quân nhân Pháp và những người quốc gia chống Việt Minh, những con chốt chính của giải pháp Bảo Đại sau này.

Thế là những tuần lễ đầu năm 1947 trở thành một khúc ngoặt. Cuộc chiến tranh bắt đầu, được đánh dấu bằng một trò lèo lái. Sẽ còn nhiều vụ lật lọng khác nữa tiếp theo…

Đảng xã hội sẽ không bao giờ có đủ khí lực để phủ nhận những ma-nớp này. Ngày 22.01.1947, quốc hội tín nhiệm một nội các mới, do Paul Ramadier của Đảng xã hội đứng đầu. Moutet vẫn giữ nguyên chức vụ. Từ đây, có sự phân tuyến rõ rệt giữa bộ máy đảng (cánh tả với Léon Boutbien và Yves Dechézelles ; trung tâm với Guy Mollet, tổng bí thư mới) và các bộ trưởng. Trong cuộc họp ngày 20 tháng ba của Ban lãnh đạo, đã diễn ra những cuộc đụng đầu bạo liệt. Để tránh né được cuộc bỏ phiếu phủ quyết sẽ đặt ông ta vào thế kẹt, Moutet hứa hẹn sẽ « nắm mọi cơ hội để đi tới thoả thuận với một chính phủ thực sự tiêu biểu » mà không kể tên ai cả. Lời hứa hẹn được đa số chấp thuận (25). Và một cơ hội nữa đã bị bỏ lỡ, vì các bộ trưởng xã hội – giả định là họ tuân thủ kỉ luật – cộng chung phiếu với các bộ trưởng cộng sản, sẽ chiếm đa số trong hội đồng chính phủ.

Sang tháng năm, như mọi người đều biết, người cộng sản bị loại ra khỏi chính phủ. Mất đi khả năng đa số hội đồng chính phủ chủ trương nối lại cuộc đàm phán.

Nhất là các bộ trưởng xã hội sẽ ngày càng nghiêng về phe hiếu chiến ở Đông Dương. Tháng năm, Marius không tìm ra từ ngữ đủ mạnh để đả kích « một thiểu số bừa bãi, táo tợn, liều lĩnh, cuồng tín » dám tự nhận là đại diện cho đất nước này. « Tôi tự hỏi, trong một tình huống như vậy, những người Pháp chân chính, đang gánh vác những trách nhiệm trọng đại, bất luận họ thuộc chính kiến nào trong khuôn khổ chế độ cộng hoà, có thể làm được gì » (26).

Sự phân tuyến ngày càng sâu sắc. Ngày 12 tháng sáu, một nhân vật hàng đầu là Yves Dechézelles, phó tổng bí thư, lớn tiếng từ chức để phản đối chính sách kêu gọi những « những chính phủ bù nhìn » để kình chống Hồ Chí Minh mà ông coi là nhân vật tiêu biểu duy nhất (27). Ngày 6 tháng tám, trên mặt báo Le Populaire, tới phiên Léon Blum yêu cầu (một lần nữa) nối lại cuộc thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng tám, họp Đại hội lần thứ XXXIX, sóng gió. Đảng viên lão thành Paul Rivet khẩn thiết kêu gọi đảng xã hội hãy nối lại liên lạc với kháng chiến Việt Nam. Đại biểu chi bộ Sài Gòn, Valère, cũng phát biểu tương tự (đây là một ca hiếm hoi trong lịch sử thuộc địa, các phân bộ của đảng SFIO ở Đông Dương ủng hộ độc lập, hơn hẳn giới lãnh đạo đảng).

Vô phương. Các bộ trưởng thuộc đảng xã hội vẫn « đầu chụm đầu » với các đảng viên MRP trong hội đồng bộ trưởng. Trên thực tế, người làm mưa làm gió trong chính sách Việt Nam của chính phủ Pháp là Georges Bidault.

Ván cờ hoà bình ở Đông Dương đã thua cuộc, dứt điểm.

Phái tả cộng sản: ưu tư và bất lực

Người cộng sản Pháp đang bắt đầu thấy phải trả giá quá đắt sự tham gia chính quyền của mình, thì vấn đề Việt Nam ập đến. Phản ứng đầu tiên của họ : lại thêm một mối bận tâm nữa trong chính sách nội trị.

Quan tâm của họ là trung thành với truyền thống quốc tế chủ nghĩa và không được bỏ rơi các đồng chí Việt Nam. Vì vậy lập luận của người cộng sản khá rõ ràng. Yếu tố thứ nhất, đây rõ ràng và thực sự là một cuộc chiến tranh. Báo L’Humanité gửi phóng viên René L’Hermitte sang tận nơi. Ngày mồng 3 tháng sáu, nhà báo này điện về : « Một cuộc chiến tranh thực sự đang diễn ra ở Đông Dương, chứ không là những « cuộc tuần tra cảnh sát tiễu phỉ » mà mấy tờ báo tư lợi muốn thuyết phục độc giả tin như vậy. Không ! đây là một cuộc chiến tranh, đơn giản như vậy, bi thảm là thế ! Chiến tranh chống lại cả một dân tộc có quân đội của mình, có bộ chỉ huy mỗi ngày mỗi tháng thêm dày dạn về kinh nghiệm quân sự ». Một cuộc chiến tranh, với chuỗi dài những hành động hung tàn, thậm chí tra tấn, như kí giả đã viết trên số báo đề ngày 22 tháng ba (28).

Nối lại ngay cuộc đàm phán với, và chỉ với, VNDCCH là đòi hỏi mà Đảng cộng sản Pháp kiên trì và không ngừng nêu lên. Khi Hồ Chí Minh lên chiến khu rồi, L’Humanité vẫn tiếp tục đăng lời ông : « Còn có thể đạt được một nền hoà bình công bằng » (4 tháng giêng), « Tôi vẫn sống và khoẻ mạnh » (2 tháng 4), Tuyên bố (16 tháng năm), « Thông điệp hoà bình là thông điệp của 20 triệu người Việt Nam » (7 tháng 6), Tuyên bố (11 tháng sáu), « Những điều kiện cho một nền hoà bình chân chính » (30 tháng chín), vân vân. Tại chỗ, René L’Hermitte viết : « Từ Hà Nội đến Sài Gòn, toàn dân tín nhiệm chủ tịch Hồ Chí Minh » (29). Cuộc chiến tranh từ nay được gọi bằng cái tên thực của nó : « Cuộc xung đột ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh thực dân kiểu cũ » (30). Và bắt đầu xác quyết rằng cuộc chiến tranh sẽ gay go, cuối cùng Pháp không thể nào chiến thắng : « Muốn đập tan cuộc kháng chiến của Việt Nam phải có một đội quân 500 000 người » (31).

Sau nữa, cũng cần ghi nhận : trong các cuộc biểu tình cộng sản, lần đầu tiên, biểu ngữ tố cáo chiến tranh Việt Nam xuất hiện, rụt rè, ẩn mình giữa nhiều khẩu hiệu khác. Khẩu hiệu Hoà bình ở Việt Nam được hô lên trong các cuộc tuần hành ngay 9-2, 25-3 và 1-5 năm 1947 (32). Ngày 5-6, tại sân đua Vel' d'Hiv', có một cuộc mít tinh phản đối tất cả các cuộc đàn áp ở hải ngoại (lúc đó đang xảy ra cuộc tàn sát ở Madagascar). Diễn giả công sản là Aimé Césaire.

Có thể khẳng định rằng Đảng cộng sản Pháp là tổ chức chính trị quy mô duy nhất không thay đổi lập trường của mình trong suốt những ngày tháng then chốt này.

Nhưng giọng điệu là giọng điệu ôn hoà. Đảng cộng sản muốn chứng tỏ mình là một chính đảng có tinh thần trách nhiệm. Lập luận của họ xuất phát từ lợi ích dân tộc hiểu một cách thấu đáo. Như Jacques Duclos đã khẳng định trong cuộc tranh luận ở quốc hội : « Tiếp tục chính sách sức mạnh chống lại Việt Nam sẽ đưa chúng ta tới thảm hoạ » (33). Đã xa rồi, những cáo trạng chống thực dân nảy lửa của những thập niên trước đó. Giờ đây, trọng tâm được đặt vào khả năng xây dựng một khối Liên hiệp Pháp chân chính, khả dĩ hoà hợp quyền lợi của chính quốc và quyền lợi của các thuộc địa cũ. Bài xã luận của Georges Cogniot trên báo L'Humanité ngày 12 tháng tư mang tựa đề : « Để không mất đi Liên hiệp Pháp ».

Bởi vì, trước tiên, các « chủ nghĩa đế quốc ngoại lai » đang rình rập mai phục. Pháp và các nước hải ngoại không phải là những diễn viên duy nhất trong trò chơi phức tạp này. Ngôn từ của Đảng cộng sản Pháp luôn luôn nhấn mạnh tới yếu tố này. Còn chủ nghĩa đế quốc Pháp thì biến mất.

Người cộng sản cho rằng có thể đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp từ bên trong, nhờ tương quan lực lượng mới về chất lượng. Đặc điểm tình hình nước Pháp lúc đó là ảnh hưởng của ĐCS trong cử tri (« chính đảng thứ nhất của Pháp »), sức mạnh của tổ chức (huyền thoại « một triệu đảng viên »), sự hiện diện trong chính quyền, khả năng kiểm soát công đoàn (với sự thống nhất của tổng công đoàn CGT), và uy tín của lí tưởng cộng sản trong nhân dân... Từ đó nảy sinh ra quan niệm theo đó, tăng cường dân chủ có thế sẽ tiến tới (thậm chí thực hiện ?) chủ nghĩa xã hội.

Tương quan lực lượng ở chính quốc tốt như vậy, lẽ nào không tác động thuận lợi cho nhân dân các nước hải ngoại ? Lẽ nào họ lại chọn con đường li khai vào lúc mà người cộng sản dường như đang thắng thế ?

Quan niệm của ĐCS Pháp về vấn đề thuộc địa ở thời điểm này tóm gọn trong hai khái niệm « bộ phận » và « toàn thể ». « Bộ phận » (quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa) có « mâu thuẫn với toàn thể » (tương quan lực lượng chính quốc và quốc tế) hay không ? Đây là câu trả lời của một người như Etienne Fajon : « Trong giai đoạn hiện nay, sự li khai của dân tộc này hay dân tộc kia ra khỏi khuôn khổ của một Nhà nước đa dân tộc sẽ diễn ra một cách tiệm tiến, tuỳ theo nó tăng cường hay nó làm suy yếu cuộc đấu tranh của các lực dân chủ chống lại các lực lựong phản động (...). Trong quá khứ, các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc bị các tờ-rớt tư bản sử dùng như một nguồn sức mạnh của chúng, do đó củng cố sự thống trị của chúng. Ngày nay, họ có thể trở thành hậu thuẫn cho giai cấp công nhân và các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống sự thống trị của các tập đoàn tư bản hay không ? Lí luận của chủ nghĩa Mác-Lê cho phép trả lời : có » (34).

Việc các bộ trưởng cộng sản vẫn tiếp tục tham gia chính phủ trong khi chiến tranh bắt đầu ở Đông Dương (đó là không nói tới cuộc tàn sát ở Madagascar), đối với ĐCS có vẻ như không có gì mâu thuẫn với chủ nghĩa quốc tế, mà còn được biện minh như một bảo đảm chống lại chính sách phản động và thực dân.

Tiết mục đi cân bằng trên dây này đã đạt đỉnh cao trong cuộc tranh luận tháng ba ở Quốc hội. Nhóm cộng sản ở quốc hội cương quyết chống lại phe hữu và cố gắng lôi kéo nhóm xã hội ngả về giải pháp thương lượng. Diễn văn của Jacques Duclos và của Pierre Cot (không phải đảng viên, nhưng đứng trong nhóm cộng sản ở quốc hội) đều đi theo chiều hướng này. Nhưng mặt khác, đối với ĐCS, không thể phá vỡ sự đoàn kết của nội các vì vấn đề Việt Nam. Kết cục là các dân biểu cộng sản sẽ không bỏ phiếu, còn các bộ trưởng cộng sản thì bỏ phiếu tán thành chính phủ.

Cái thế gân gà ấy của ĐCS sẽ kết thúc vào tháng năm 1947 khi cộng sản bị loại ra khỏi thành phần chính phủ. Đảng cộng sản Pháp tiếp tục phản đối chính sách chiến tranh. Nhưng phải một thời gian nữa, khoảng hai năm sau, Đông Dương mới trở thành trung tâm các mối quan tâm của người cộng sản.

Phái tả trí thức : phẫn nộ và tố giác

Giới trí thức Pháp có truyền thống đoàn kết với Đông Dương. Trong những năm 1930, tên tuổi của Romain Rolland, Paul Langevin, Andrée Viollis, Magdeleine Paz, Paul Monet, Louis Roubaud, Victor Marguerite, André Malraux, Francis Jourdain, Félicien Challaye, Jean Longuet, Henri Barbusse, Victor Basch, Luc Durtain đã gắn liền với những cuộc phản đối trên lập trường nhân bản chủ nghĩa hay chống chủ nghĩa thực dân.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhì kết thúc, phái tả trí thức rất quan tâm tới các vấn đề thuộc địa. Riêng đối với Việt Nam, mùa hè 1946, đã thành lập một Association France-Vietnam (Hội Pháp – Việt Nam, như thế là ngay từ bấy giờ, những người sáng lập hội đã quăng đi những danh từ thời thuộc địa) với sự tham gia của những nhân vật « lão thành » như Andrée Viollis, Francis Jourdain, và của cả Justin Godart, Francis Perrin, Picasso, Eluard, Emmanuel Mounier... Rất hiếm có ai lên tiếng đòi độc lập, ngay bây giờ và toàn bộ, cho các nước thuộc địa. Nhưng giới trí thức quan tâm tới vấn đề thuộc địa hơn hẳn bộ máy của các đảng phái tả truyền thống ; giải pháp mà họ đề ra rõ ràng là gần gũi hơn đối với khát vọng của các dân tộc thuộc địa.

Đầu tiên là tố cáo hành xử của lính Pháp ở Đông Dưong. Ngay từ cuối năm 1945, tức là một năm trước khi chiến tranh lan rộng, Georges Altman đã viết trên báo Franc-Tireur một bài xã luận kiên quyết. Ông tố cáo « những cuộc trả thù tàn bạo của những người bảo vệ trật tự thực dân đối với những người của Việt Mainh » (35). Ông đã so với hành xử của bọn nazis. Đó là một sự so sánh rất mạnh dạn so với thời đó, trên một tờ báo bắt nguồn từ Kháng chiến Pháp.

Những trang viết mạnh mẽ nhất, phải tìm trên tờ tạp chí mới ra đời năm 1945 của ê-kíp Jean-Paul Sartre, Les Temps Modernes (Thời đại Mới). Tháng mười hai 1946, một bài xã luận sắc sảo lặp lại sự so sánh của G. Altman : « Không thể tưởng tượng được rằng sau bốn năm bị chiếm đóng, người Pháp lại không nhận ra bộ mặt của chính họ ở Đông Dưong ngày hôm nay, không thấy rằng đó chính là bộ mặt của bọn Đức trước đây ở Pháp (...) Cố nhiên ở Đông Dương, chúng ta là quân Đức mà không có Gestapo và những trại tập trung – ít nhất chúng tôi hi vọng là như thế... » (36). Hai tiếng « tra tấn » cũng được dùng trong bài.

Năm 1947, Les Temps Modernes đăng tổng cộng tới 10 bài nói vấn đề Việt Nam (cùng năm, tạp chí Esprit (Tinh thần) đăng 3 bài, nguyệt san cộng sản Démocratie nouvelle (Dân chủ mới cũng thế).

Tháng ba, họ công bố một hồ sơ khá đầy đủ, dưới tựa đề mượn của cuốn sách Andrée Viollis Indochine SOS. Ngày nay đọc lại vẫn còn bổ ích. Đầu tiên phải kể, điều này không lạ, bài nghiên cứu rất dụng công của Trần Đức Thảo, nhà triết học, người trí thức Việt Nam mác-xít nổi tiếng nhất thời đó. Trần Đức Thảo mô tả cặn kẽ quan hệ Pháp-Việt xấu đi với đầy đủ cứ liệu. Ông đặc biệt báo trước thất bại tất yếu của những người muốn li cách những « phần tử ôn hoà » với những « phần tử quá khích » (ám chỉ lá bài Bảo Đại được manh nha lúc đó). Cuộc chiến đấu của Hồ Chí Minh là một « cuộc chiến tranh dân tộc » được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân dân. Đoạn kết của bài báo là một lời tiên tri chính xác : « Trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả những người nào nhận tham gia một cuộc đàm phán không có Việt Minh tất yếu sẽ bị coi là phản quốc, và họ sẽ thực sự đóng vai trò Việt gian. Phong trào giành độc lập của Việt Nam mạnh mẽ và bắt rễ sâu xa trong quần chúng đến mức không một bộ phận nào có thể tách rời ra để làm lợi cho sự thống trị của Pháp đựoc nữa » (37)[37].

Cũng trong số này, nhà dân tộc học Jeanne Cusinier cung cấp những chứng từ đầu tiên về những hành động bạo tàn của nước Pháp trong buổi đầu thời kì giải thực. Bà mỉa mai đặt tên bài báo là « Những chi tiết ». Không một lời cường điệu, bà từ tốn đưa ra những chứng cứ chính xác về những bạo hành mà nạn nhân là người Việt Nam : một thanh niên còn rất trẻ, bị đày ra Côn Đảo từ tuổi thơ... một thiếu niên 14 tuổi bị một đạo quân Pháp bắn chết vì « tội đào tẩu »... những vụ hiếp dâm... chính sách tra tấn... Bà cảnh báo : « Vâng, ở Việt Nam, còn lại chút gì trong cảm tình đối với nước Pháp, thì người Pháp đang giết hết ».

Giá như người ta biết lắng nghe lời bà !

1947, bắt đầu 15 năm ác mộng...

Người Pháp lúc đó ai muốn biết thực trạng tình hình Đông Dương, có thể tìm biết được. Nhưng muốn thể, phải cố gắng tìm kiếm. Bởi vì lúc đó, ai nghe thấy được tiếng gào thét của Andrée Viollis, của Jeanne Cuisinier ? Ai đọc được bản tin của Hội Pháp – Việt Nam ? Les Temps Modernes sao nặng cân bằng France-Illustration ? Mấy ai trông thấy lưa thưa mấy biểu ngữ Hoà bình ở Việt Nam trong cuộc biểu tình ?

Năm 1947, nước Pháp đã lao mình, mà hầu như không ý thức, vào cuộc chiến tranh. Ở thời điểm ấy, có bao nhiêu người có thể tưởng tượng ra rằng quá trình giải thực sẽ kéo dài 15 năm ? Mười lăm năm ấy, nước Pháp đã mất đi nhiều hơn cả đế quốc của mình.

Và, đau đớn thay, đối với ba dân tộc ở Đông Dương, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài ba mươi năm trời...

Alain RUSCIO

Nhà sử học, Chủ tịch Trung tâm Thông tin Tư liệu (CID) Việt Nam

Nguyên tác bằng tiếng Pháp,

Nguyễn Ngọc Giao dịch sang tiếng Việt.





(1)Trong giới sử học, có những nhận định khác nhau về việc xác định khởi điểm của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. 9 tháng ba 1945, ngày Nhật đảo chính, lật đổ chính quyền Pháp ? 19 tháng tám 1945, khi cờ đỏ sao vàng phấp phới bay ở Hà Nội ? 23 tháng chín 1945, khi quân Pháp tái chiếm Sài Gòn dưới sự bao che của quân Anh ? 23 tháng mười một 1946, khi hải quân Pháp oanh tạc Hải Phòng ? 19 tháng chạp 1946, khi các đơn vị Tự vệ tấn công các vị trí quân sự Pháp ở Hà Nội ?

(2)Từ năm 1945 đến năm 1954, viện IFOP (Viện dư luận công chúng của Pháp) vẫn đều đặn tiến hành những cuộc thăm dò dư luận, và công bố tạp chí Sondages ra từng quý. Năm 1949, viện INSEE (Viện quốc gia thống kê và nguyên cứu kinh tế) cũng tiến hành một cuộc thăm dò.

Các tác giả dưới đây đã nghiên cứu kết quả các cuộc điều tra này:

          Ageron Charles-Robert, “L’opinion publique face aux problèmes de l’Union française” [Dư luận Pháp trước các vấn đề Liên hiệp Pháp], trong Les chemins de la décolonisation de l’Empire français, 1936-1956, Actes du Colloque organisé par l’IHTP, Paris, octobre 1984 ; Paris, Ed. du CNRS, 1986.

          Duvernay Marie-Thérèse, L’opinion publique face au problème colonial, 1945-1962, à travers la revue Sondages, maîtrise d’Histoire sous la direction de Claude Willard, Université Paris VIII, 1977 (luận văn cao học Sử học tại Trường đại học Paris VIII, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Claude Willard : Dư luận Pháp trước vấn đề thực dân, 1945-1962, qua tạp chí Sondages).

         Ruscio Alain, « L’opinion française et la guerre d’Indochine (1945-1954). Sondages et témoignages » [Dư luận Pháp và chiến tranh Đông Dương (1945-1954). Thăm dò dưu luận và chứng từ], Revue Vingtième siècle, Paris, IHT, n°29, janvier-mars 1991.

         Những số liệu trong bài này đều trích dẫn từ ba công trình kể trên.

*Tiếng Pháp, bắt nguồn từ tiếng Việt cái nhà. Tương tự, tiếng Pháp đã nhập những từ congaï, cunau...(chú thích của người dịch)

(3)Xem sách của Henri Michel và Boris Mirkine-Guetzevitch, Les idées politiques et sociales de la Résistance, Paris, PUF, 1954.

(4)Diễn văn ngày 25 tháng giêng 1946, trích theo Roger Quillot, La SFIO et l’exercice du pouvoir, 1944-1958, Paris Fayard, 1972.

(5)« Le philosophe et l’Indochine », báo Le Figaro, 4 février 1947.

(6)Discours et Messages, Vol. I, Paris, Plon, 1970.

(7)Như trên.

(8)Le Populaire, 2-3 septembre 1945.

(9)Paris, Libr. Valois, 1931.

(10)Indochine SOS, Paris, Gallimard, 1933.

(11)Xem « Un Comité pour l’amnistie aux Indochinois », L’Humanité, 14 mars 1933.

(12)Tuyên bố của Bộ chính trị ĐCS Pháp, 20.09.1945, L’Humanité, 21.09.1945.

(13)France, la revue de l’Union française, mai 1947.

(14)Trả lời phỏng vấn của báo France-Soir, 2.01.1947.

(15)Dépêche de Paris, 22.12.1946.

(16)Le Figaro, 4.02.1947.

(17)Le Monde, 28.01.1947.

(18)Marchés coloniaux, 15.03.1947.

(19)Theo lời tường thuật của Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, Paris, Seuil, 1952.

(20)Philippe Devillers, sđd.

(21)Trích theo Jacques Suant, Vietnam, 1945-1972. La guerre d’indépendance, Paris, Arthaud, 1972.

(22)Le Populaire, 10.12.1946.

(23)CAOM, Aix, Papiers Moutet, PA 28, cartons de télégrammes, doc. N°920.

(24)Trích theo Ph. Devillers, sđd.

(25)Đây là những bất đồng công khai. Xem các báo Pháp đề ngày 21.03.1947, đặc biệt là Le MondeLe Populaire.

(26)Bài này dẫn theo France, la Revue de l’Union française.

(27)Thư dẫn theo Roger Quillot, La SFIO et l’exercice du pouvoir, 1944-1958, Paris Fayard, 1972.

(28)Đầu đề bài báo : « Le carnet de route d’un officier français : J’ai assisté à l’interrogatoire d’un prisonnier. Je suis écoeuré » [Sổ tay đi đường của một sĩ quan Pháp. Tôi đã chứng kiến một cuộc tra hỏi. Và tôi ghê tởm]. Nửa thế kỉ sau, Pierre-Alban Thomas, cựu du kích kháng chiến, sẽ công bố một cuốn tự truyện trong đó ông xác nhận cuộc gặp nói trên : Combat intérieur. Le cas de conscience d’un ancien FTP plongé dans les guerres de reconquête coloniale, Vol. I, La Résistance, l’Indochine, Paris, Ed. Mémo, 1998.

(29)29.03.1947.

(30)Georges Cogniot, L’Humanité, 12.04.1947.

(31)L’Humanité, 19.01.1947.

(32)Đây là (một ?) tấm ảnh đầu tiên biểu tình có dương biểu ngữ « Thương lượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh », chụp trong cuộc biểu tình ngày 25 tháng ba của công đoàn CGT ; đăng trên Bulletin de l’Association France-Vietnam, số 6, juin 1947. Ngày 2 tháng năm, báo L’Humanité liệt kê các khẩu hiệu của cuộc biểu tình chiều hôm trước theo thứ tự sau đây : « Trả tiền thưởng sản xuất ! Mức sống tối thiểu ! Đòi than đá vùng Ruhr ! Hoà bình ở Việt Nam ! Đoàn kết chống phản động ! ».

(33)L’Humanité, 21.03.1947.

(34)Hội nghị 17.02.1947, Hội trường Mutualité, Paris ; trong tập sách mỏng PCF, Questions du moment, Paris, 1947.

(35)« La tache de sang » [Vết máu], Franc-Tireur, 22.12.1945.

(36)« Et bourreaux, et victimes… » [Vừa là đao phủ, vừa là nạn nhân…], xã luận không kí tên, tháng 12.1946.

(37)« Les relations franco-vietnamiennes » [Quan hệ Pháp-Việt]. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét