“LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ”
Suy cho cùng, mọi cuộc đổi thay, đổi mới nào cũng xuất phát từ chính nhân dân, do nhân dân thúc đẩy. Đây là lúc cần phải soi rọi lại tất cả, gặt hái những cái đúng, nhận diện trung thực những cái sai, để tránh dẫm chân vào vết cũ. Mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, tương lai sẽ tốt đẹp hơn, nếu thật sự biết lắng nghe khát vọng của nhân dân. Người ta gọi ông là “Kim Ngọc ở Hải Phòng” và, nghe đâu nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã có lần đề cử ông làm Tổng Bí thư. Thế nhưng, cuộc đời không đơn giản chút nào?
Cuốn hồi ký “LÀM NGƯỜI LÀ KHÓ” tái hiện lại chân dung một Đoàn Duy Thành đau đáu trước sự phát triên đi lên của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân... Những biến cố, thăng trầm cuộc đời như con thuyền trước giông tố... Cuốn sách không được cho in, bởi theo ông Phan Diễn "một số điểm không có lợi khi cuốn Hồi kí đó phát hành"
Tôi cứ ngẫm câu “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc hàng”(*) trong cuốn tự truyện của ông, mà trộm nghĩ: Giá như các quan chức của ta ai cũng nghĩ, cùng làm như ông, thì dân được nhờ !
-------
(*): “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc hàng”: (Ý nói: Dùng thì ta lại hành động, tiến lên. Không dùng về ẩn ở nơi quê nhà). Trích quẻ của Khổng Minh trong “Luận Ngữ”.
******************************
XEM THÊM: Một cuộc phỏng vấn nhỏ với Đoàn Duy Thành:
- Phóng viên (Pv) - Thưa nguyên Phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành, ông xuất thân trong một gia đình nho giáo, cả cuộc đời luôn trăn trở chuyện làm người, làm quan sao cho tốt. Vậy suốt cuộc đời mình, ông có bao giờ đặt mục tiêu mình sẽ phải sống như thế nào và trở thành một vị quan như thế nào không?
- Đoàn Duy Thành: Tôi nghĩ có những điều mà tôi muốn làm và nhất định phải làm trong cuộc đời tôi: nuôi sống mình – đó là điều bắt buộc; hai là tôi thấm nhuần đạo lý nho giáo “Bạc ư gia giả khởi hậu ư quốc hồ” (bạc với nhà thì không bao giờ tốt với nước được), cho nên với gia đình, từ cha mẹ, vợ con, tôi có thể khẳng định mình rất chu đáo. Một điều quan trọng nữa mà tôi luôn canh cánh trong lòng, từ khi giác ngộ cách mạng, đó là đưa đất nước phát triển vượt bậc. Đó là điều tôi luôn ao ước và nhất định sẽ thực hiện, nếu tôi có đủ quyền để làm. Dù là khi làm ở Hải Phòng hay sau này đã về Trung ương, tôi chưa bao giờ tranh quyền với ai. Nhưng khi “cờ đến tay”, tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Khi tôi bị bắt ra Côn Đảo năm 1952, tôi 23 tuổi, ở trong tù tôi vẫn học liên tục, ngay cả lúc bị đánh đến sắp chết, tôi vẫn học. Có bạn tù bảo tôi anh nghỉ ngơi, giữ sức khỏe, không sắp chết đến nơi rồi, nhưng mà tôi vẫn quyết học. Tôi nghĩ đã là con người, mình phải làm những điều có ích. Tôi quan niệm con người sinh ra ai cũng phải có một cái nghề. Cái nghề của mình là cái nghề chính trị, thì phải làm thật tốt cái nghề đó. Tôi học vì muốn rằng động đến cái việc gì mà Đảng và Nhân dân giao phó, tôi cũng phải làm thật tốt. Người ta thường nói: “Làm đầy tớ thằng khôn, còn hơn làm thầy thằng dại”, tôi nói thêm với với anh em đồng chí rằng “làm đầy tớ thằng dại thì còn khổ biết bao nhiêu”. Vì câu nói này mà tôi từng bị lãnh đạo cấp trên hiểu nhầm. Họ nghĩ tôi nói họ. Nhưng thật ra, tôi nói câu đó là cho tôi. Tôi luôn nghĩ mình làm việc gì thì phải biết việc đó, vì thế tôi luôn học tập mọi lúc có thể, mọi cái có thể trong suốt cuộc đời mình. Tôi muốn khi tôi làm thủ trưởng, tôi duyệt một cái đề án nào đó, tôi phải hiểu cái đề án đó là như thế nào. Ví dụ tôi duyệt xây dựng cái cầu thì ít nhất tôi cũng phải hiểu độ tĩnh không là thế nào. Tôi nghĩ đất nước mình là nước nghèo, nếu ai lên giữ một trọng trách nào đó thì mới bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực mình được giao thì không biết bao giờ mới học và hiểu được công việc của mình để giúp dân. Tôi đi học tất cả những gì có thể, tích lũy nó trong lúc mình chưa có vị trí gì cả, để luôn sẵn sàng nhận mọi công việc được giao.
Tôi học đạo Nho nên luôn tâm niệm rằng, đã làm con người thì phải biết lo cho gia đình, cha mẹ, vợ con; đã làm quan thì phải lo cho dân, cho nước. Khi nào đất nước ổn định, giàu có, không còn người nghèo, pháp luật và các chính sách tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống, mọi người dân đều sống và làm việc theo pháp luật thì bấy giờ mình mới có thể làm quan ngồi bàn giấy 8 tiếng mỗi ngày, giải quyết mọi việc theo pháp luật. Làm quan như thế thì quả là nhàn hạ, sung sướng. Nhưng với đất nước chúng ta, với những khó khăn đã và đang trải qua, nhiệm vụ làm quan là phải xây dựng đất nước vượt trội lên, để khỏi là một nước nghèo, nước nô lệ, lạc hậu, thì mình phải mất thì giờ lắm. Nếu bất cứ quan chức nào cũng nghĩ được điều đó, tôi tin đất nước sẽ phồn vinh, giàu mạnh, nhân dân sẽ hạnh phúc. Nhưng những người làm quan với tâm thế như thế bây giờ chỉ là một số ít. Còn hầu như chỉ coi đó là một cơ hội tiến thân, vun vén cho bản thân mình.
Pv: - Thời ông còn đương chức, ông là người có vẻ thường thích làm những việc khó. Sau ông Kim Ngọc, ông là người thực hiện khoán hộ ở Hải Phòng và được gọi là “ông Kim Ngọc ở Hải Phòng”, ông là người đã can đảm đưa ra đề xuất và thuyết phục các lãnh đạo Trung ương cho nhập 160 tấn vàng để giải quyết lạm phát phi mã. Khi làm những việc đó, có bao giờ ông nghĩ những việc làm đó có thể ảnh hưởng đến “cái ghế” của mình không?
- Đoàn Duy Thành: Năm 1986, nước ta mất mùa liên tiếp, ta tự cô lập với thế giới bên ngoài, hàng hoá khan hiếm, lạm phát phi mã tới 780% năm. Nền kinh tế đất nước đang đứng trên bờ vực thẳm. Để kiềm chế lạm phát, các chuyên gia của WB và IMF dự kiến, Việt Nam cần phải có 1,7 - 3 tỷ USD. Tại thời điểm đó, số tiền vài tỷ đô là vượt quá khả năng của nền kinh tế. Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, tôi đã cho nhập khẩu 160 tấn vàng.
Trong những năm 1969- 1972, khi học ở Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ngoài bộ tư bản của Marx, tôi còn đọc nhiều tác phẩm của các nhà kinh tế học phương tây như: Adam Smith, Ricardo, Keynes. Đặc biệt, Keynes là một nhà khoa học trong lĩnh vực tiền tệ. Từ những cơ sở lý luận đó, vận dụng vào Việt Nam ở thời điểm đó tôi đã cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, phải tạo thêm lượng hàng hoá cho lưu thông, thêm nữa nhà nước phải có nguồn lực để can thiệp vào thị trường. Trong khi giá vàng thế giới chỉ tương đương với 1,4 triệu đồng/cây thì giá vàng trong nước đang ở mức hơn 4 triệu đồng. Nhập khẩu vàng vừa thu lợi cho ngân sách vừa góp phần làm giảm sự khan hiếm hàng hoá. Đây là một giải pháp có tính khả thi. Vì thế trong cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về kinh tế cuối năm 1987, tôi đã trình bày phương án kiềm chế lạm phát trong đó có việc cho nhập khẩu vàng bán lấy chênh lệch, giải quyết lạm phát. Giải pháp này lúc đó đã không được ủng hộ vì có ý kiến cho rằng “vàng chưa cần bằng lương thực…”.
Khi đó TBT Nguyễn Văn Linh không phản đối nhưng cũng không kết luận kiến nghị của tôi. Giờ giải lao, tôi trao đổi với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, sau khi thuyết phục được Chủ tịch Phạm Hùng, tôi gặp đồng chí Nguyễn Văn Linh và đã thuyết phục được TBT Nguyễn Văn Linh đồng ý. Trong vòng 2 năm, các đầu mối ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã nhập khẩu vàng với số lượng 160 tấn, một con số không tưởng thời điểm đó. Đây có thể coi là một chính sách vô cùng “phá cách” của ta trong hoàn cảnh lịch sử đó. Nhờ những chính sách linh hoạt như vậy, đến năm 1990, mức lạm phát chỉ còn 67%, giảm hơn 10 lần…Tôi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn phong phú nhưng tôi vẫn rất coi trọng lý luận. Không có lý luận như người mù đi trong đêm, mò mẫm, thiếu định hướng không thể tiến nhanh tới đích. Tuy nhiên, hiểu lý luận một cách thấu đáo với đầy đủ bản chất khoa học mới là điều khó. Đã nhiều lần, tôi đề nghị với Bộ Chính trị là sau mấy chục năm đổi mới, nên sớm tổng kết thực tiễn của nền kinh tế thị trường. Đâu là thành tựu, đâu là thất bại cần phải có kết luận rõ ràng, đâu là khuyết điểm cần phải né tránh. Cần phải có một hoạch định dài hạn cho nhiều năm sau.
Tôi làm những việc mà tôi nghĩ là đúng, trên cơ sở những kiến thức về kinh tế, chính trị, lý luận, khoa học và thực tiễn mà tôi đã được học và chưa bao giờ lo sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến cái ghế của mình. Đến ngày hôm nay khi không còn “cái ghế” nào, nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì mình còn danh dự. Những việc tôi từng làm, không phải ai cũng ủng hộ ngay lúc đó, nhưng đến thời điểm này, không ai có thể nói tôi sai.
Pv: - Thưa ông Đoàn Duy Thành, theo như ông nói, làm quan chức tốt phải là người không vì lo cho “cái ghế” của mình mà bỏ qua quyền lợi đất nước. Nhưng bây giờ nhân dân thấy hiếm có quan chức nào lo cho nước, cho dân trước khi lo cho mình. Cá nhân ông ông định nghĩa thế nào là một quan chức tốt? Và làm quan chức tốt, theo ông có phải là một việc khó?
- Đoàn Duy Thành: Làm quan chức tốt thì có gì là khó, chỉ là mình có lòng để làm việc đó hay không thôi. Một quan chức tốt thứ nhất là một người phải học hành, có kiến thức hơn người, như thế mới quản lý được người ta. Hai là không vun vén lợi ích cá nhân, không tham nhũng. Chỉ cần như thế, anh đã lôi kéo được nhân dân theo mình. Tôi dám chắc không một người dân nào phản đối Đảng Cộng sản, phản đối các quan chức, các đảng viên, nếu như tất cả họ đều có được lợi ích khi đi theo Đảng. Còn nay nhiều người dân không tin Đảng, vì nhiều cán bộ quan chức, đảng viên thì giàu như thế, mà dân thì nghèo quá….Các cụ xưa có câu, “nước lên thì thuyền lên”, tôi thấy rất chính xác. Dân ta no ấm, thì Đảng ta mới vững mạnh. Nếu chúng ta phản bội lại nhân dân, không thực hiện được những lời hứa với nhân dân, nhân dân sẽ quay lưng với chúng ta.
Pv: - Không phải đến bây giờ mà từ khi Đảng mới lên nắm chính quyền, vẫn tồn tại trong xã hội những vụ án tham nhũng. Nhưng ngày đó người ta có tham nhũng, cũng chỉ là tham nhũng ít lương thực, thực phẩm, tham nhũng vài trăm viên gạch để về xây nhà – những cái đó mà giờ gọi là tham nhũng, chắc nhiều người sẽ buồn cười. Vì quan chức bây giờ, tham nhũng hàng trăm triệu, hàng tỷ, hàng chục tỷ hoặc hơn thế. Nếu làm quan chức dễ như ông nói, thì tại sao bây giờ chúng ta có quá ít quan chức tốt và quá nhiều quan chức tham nhũng?
- Đoàn Duy Thành: Sẽ dễ nếu như mỗi người làm quan xác định được điều đó. Quan chức của ta hiện này có nhiều người hủ hóa, tham nhũng vì chúng ta đã không giải quyết được căn bệnh lòng tham không đáy. Bản chất của lòng tham là cái tự nhiên trong mỗi con người: lòng tham được sống no ấm, hạnh phúc, học hành; lòng tham lo cho gia đình, vợ con….Lòng tham là cái thúc đẩy xã hội phát triển. Mầm mống của lòng tham đã xuất hiện trong hệ thống quan chức nước ta từ nhiều năm nay, nhưng chúng ta đã không mạnh tay giải quyết nó ngay. Nếu các lãnh đạo hiểu bản chất của lòng tham để kích động lòng tham, hướng họ vào những việc tốt, biến cái tham trở thành động lực để làm việc, để phát triển, thì đất nước sẽ phát triển. Ngày xưa quan chức tham nhũng 1 đồng, còn bây giờ người ta tham nhũng hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng , mà không hề run tay, là vì hệ thống pháp luật của chúng ta có quá nhiều kẽ hở khuyến khích lòng tham phát triển theo hướng có hại. Khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu của ta đạt khoảng 560 triệu USD. Giờ đây, con số này là trên dưới 100 tỷ USD. Nếu trong điều kiện phát triển kinh tế như thế, mà chúng ta có quá nhiều kẽ hở, từ quản lý kinh tế đến đất đai (đặc biệt là đất đai) thì chúng ta sẽ tạo điều kiện cho lòng tham phát triển, làm hỏng các cán bộ lãnh đạo của ta.
Pv: - Nhân nói đến chuyện đất đai, năm vừa qua, Hải Phòng đã khiến dư luận cả nước xôn xao với vụ án đất đai của ông Đoàn Văn Vươn. Ông từng là Bí thư của Hải Phòng và tôi biết ông đã từng giải quyết rất hợp tình hợp lý vụ Z30 – một chỉ thị liên quan đến nhà cửa, đất đai gây nhiều tranh cãi và suýt nữa đã gây ra sai lầm nghiêm trọng nếu như không kịp thời ngăn lại – mà ông chính là người quyết liệt phản đối chỉ thị đó?
- Đoàn Duy Thành: Lúc đó đang giữa thời kỳ xây dựng đất nước, Hải Phòng là công trường sôi động nhất của cả nước. Sau khi trung ương cho Hải Phòng thực hiện "khoán sản phẩm trong nông nghiệp" vào cuối năm 1980, Hải Phòng tiếp tục quai đê lấn biển, phát triển giao thông, mở mang đô thị... Như được "cởi trói", nhân dân rất hồ hởi, say sưa lao động. Đời sống kinh tế khá lên, có người dân đã xây được nhà 2 – 3 tầng. Năm 1983, lúc đó tôi đang là bí thư Hải Phòng. Đùng một cái xuất hiện chỉ thị “Z30”. Hà Nội là nơi triển khai đầu tiên. Lúc Thường vụ Thành ủy Hải Phòng họp bàn về "Z30" thì Hà Nội đang triển khai. Chỉ thị “Z30” yêu cầu tịch thu những ngôi nhà 2 – 3 tầng trở lên được xây dựng từ đầu năm 1980. Nếu thực hiện theo chỉ thị, Hải Phòng có cỡ khoảng 1000 nhà vào diện tịch thu. Thời điểm đó, có mấy anh thủy thủ xây nhà to hai, ba tầng đều thuộc diện phải tịch thu cả. Một số anh trong số đó rất sợ. Hôm tôi đến dự tổng kết ở Công ty VOSCO, khi nói chuyện, anh em lo lắng hỏi tôi Hải Phòng có tịch thu tài sản như ở Hà Nội không. Tôi trả lời là Hải Phòng sẽ không làm và tôi sẽ nói rõ chuyện này ở hội nghị Trung ương sắp tới. Tôi còn khuyên anh em là tiết kiệm được tiền cần xây nhà cao và đẹp hơn nữa. Anh em thủy thủ vui lắm. Thấy Hải Phòng không thực hiện, Bộ Nội vụ gọi Giám đốc Công an Hải Phòng lên phê bình. Nhưng tôi kiên quyết giữ vững quan điểm của mình. Tôi nghĩ thế này, chúng ta vào sinh ra tử để giành độc lập dân tộc, để sau khi có độc lập và thống nhất rồi thì tìm cách phát triển kinh tế, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Vậy mà giữa lúc nhân dân đang hăng hái xây đắp cơ đồ của thành phố, đang cố gắng vượt qua thời kỳ rất khó khăn của kinh tế đất nước thì cớ sao lại thực hiện cái chỉ thị vô lý như vậy?
Hơn nữa là một chỉ thị quan trọng mà chỉ có yêu cầu truyền miệng, không có văn bản chỉ đạo chính thức. Tôi không cho Hải Phòng làm. Anh Nguyễn Văn An, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh cũng có chung quan điểm với tôi. Tôi có nói với anh An: “Cho dù mất mọi chức vụ trong Đảng và Chính quyền, thì tôi cũng phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân dân”. Hôm đó về đến nhà, tôi trằn trọc không ngủ được, vợ tôi hỏi “Anh định đương đầu đến bao giờ?”. Tôi trả lời: ‘Tôi sẽ đương đầu đến khi không còn cái đầu này”. Trong Hội nghị Trung ương sau đó, tôi đã nói về vấn đề Z30 suốt 2 tiếng liền. Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, mất nhân tâm, sai pháp luật, cản đường xây dựng, phát triển…Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới sau cải cách ruộng đất mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề.
Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành”. Sau mấy phút giải lao của hội nghị, không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Lúc đó tôi biết anh Ba Duẩn đã ủng hộ mình rồi. Như vậy là câu chuyện về "Z30" đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa. Đến năm 1991, trong Hội nghị Trung ương, đồng chí Phạm Hưng, Chánh án TAND Tối cao nhắc lại chuyện này đã nói: “Chỉ thị Z30 đã chết rét”!
Theo tôi, với việc kiên quyết không thực hiện "Z30", chúng ta đã vượt qua được một rào cản để đi đến đổi mới. Nếu chúng ta thực hiện toàn diện "Z30" vào thời điểm đó thì chẳng ai còn dám làm giàu nữa. Tôi từng hỏi các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hải Phòng là các anh ở đây có ai không muốn ăn ngon, mặc đẹp không? Nếu các anh cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp thì tại sao các anh lại không khuyến khích dân làm giàu? Câu chuyện về "Z30" luôn nhắc nhở chúng ta, nhất là những người cầm quyền, khi đụng đến quyền lợi của dân phải hết sức minh bạch, công khai, bởi mọi việc làm chúng ta là do dân, vì dân cơ mà. Tôi vì dân mới làm cách mạng. Nếu làm hại dân, làm khổ dân, tôi việc gì phải làm quan.
Pv: - Ông là một người thẳng thắn, trong cuộc đời mình, đã bao giờ sự thẳng thắn của ông khiến ông gặp “tai nạn” trong nghiệp làm quan của mình không?
- Đoàn Duy Thành: Rất nhiều lần. Như chuyện tôi hay nói câu “Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Làm đầy tớ thằng dại thì còn khổ biết bao nhiêu”. Khi đó một lãnh đạo cấp trên của tôi nghe được câu đó đã tỏ ý trách cứ tôi, cho rằng tôi ám chỉ anh. Nhưng thực sự thì tôi không ám chỉ ai cả. Tôi chỉ nhắc nhở mình như thế, nhưng người lãnh đạo nghe lại hiểu sang chuyện khác. Còn nhiều chuyện nữa mà trong phạm vi một bài phỏng vấn không dễ kể ra.
Pv: - Thẳng thắn sẽ khó được lòng cấp trên - đó có phải là lý do mà nhiều người bây giờ cho rằng muốn thăng quan tiến chức thì phải biết luồn cúi, xu nịnh, biết “vo ve”?
- Đoàn Duy Thành: Tôi nghĩ cái đó bây giờ đã thành trào lưu. Còn thời chúng tôi, không bao giờ có chuyện đó. Không bao giờ có chuyện chúng tôi đút lót để lên chức này chức kia. Chúng tôi thực hiện việc đó từ trên xuống dưới, nên không bao giờ có những việc khuất tất. Thời tôi còn đương chức, có nhiều người đến gặp tôi tìm cách đưa phong bì, tôi làm hẳn một cái văn bản yêu cầu “nếu các đồng chí còn tiếp tục mang phong bì đến, thì hãy làm cho tôi một cái két ngay tại đây!”. Tôi còn ra văn bản chỉ thị các cấp không ai được được nhận phong bì từ năm 1980. Từ sau đó không còn ai dám cư xử như thế nữa.
Pv: - Nhìn lại cuộc đời quan chức của mình, ông thấy mình đã học được những gì, đã làm được những gì thành công nhất?
- Đoàn Duy Thành: Tôi nghĩ cái thành công nhất của mình là tôi đã nghĩ tôi làm gì, thì tôi sẽ làm được việc đó và thu được thành công với nó. Vì trước khi làm bất cứ việc gì, tôi cũng chuẩn bị kiến thức rất kỹ lưỡng để làm việc đó. Từ thời bao cấp, tôi đã nghiên cứu rất kỹ về kinh tế thị trường, nên khi bắt tay vào làm kinh tế, tôi tự tin mình đã làm rất tốt.
Pv: - Tôi được biết, ông đã có công rất lớn trong việc xây dựng Phòng thương mại Việt Nam (VCCI) trở nên vững mạnh như hiện nay. Lúc ông bước về VCCI và rời khỏi đó sau 10 gắn bó, VCCI đã thay đổi như thế nào?
- Đoàn Duy Thành: VCCI nằm trong Bộ Ngoại thương, do chính Bác Hồ ký quyết định thành lập, với nhiệm vụ giúp các doanh nghiệp quan hệ với các khu vực kinh tế tư bản. Đây có lẽ là một quyết định khá táo bạo trong thời kỳ đó. Tuy nhiên sau đó trong một thời gian dài cho đến trước khi tôi về, hoạt động của VCCI chưa thành công.
Trước đó sau khi rời khỏi cương vị Phó Thủ tướng, tôi về làm Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương. Sau hơn 1 năm làm ở viện, thu được thành công, thì tôi được yêu cầu về làm VCCI do lời đề nghị của anh Sáu Dân (Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Tôi có nói: “Tôi không cần quyền chức, nhưng nếu các anh muốn tôi làm, thì việc gì khó nhất, tôi sẽ làm”. Bấy giờ VCCI bắt đầu tách ra khỏi Bộ Ngoại thương, chẳng có gì ngoài trụ sở 33 Bà Triệu cùng chung với mấy cơ quan khác, nhân lực của VCCI chỉ có vài ba chục người.
Dù thế, tôi vẫn rất tự tin. Tôi tin mình có đủ trình độ để thành công. Như khi tôi rời Hải Phòng lên Trung ương năm 1986, dự trữ của Hải Phòng là 2 triệu USD và 2 vạn tấn gạo, đó là một con số rất lớn trong hoàn cảnh các địa phương cả nước còn nghèo. Tôi lên làm Phó Thủ tướng, đi kiểm tra ngân hàng, có hơn 1 triệu USD, trong khi Hải Phòng có hơn 2 triệu. Anh Phạm Hùng có lần trêu tôi “Ông Thành nhìn đâu cũng ra tiền”. Sở dĩ tôi làm được điều đó vì tôi luôn tiết kiệm từng xu để làm giàu. Có lần tôi có 10 kg quế do anh Hoàng Minh Thắng gửi cho, giá 82 USD/ 1kg. Tôi bán đi, xây cho Đồ Sơn một cái hệ thống máy bơm nước, đến giờ vẫn còn.
Khi về VCCI, tôi chẳng có gì, nhưng tôi không ngại việc. Tôi xây dựng cơ sở vật chất và xây dựng con người. Tôi quan niệm “con cá sống vì nước, VCCI sống vì doanh nghiệp”, VCCI có doanh nghiệp mới sống vì thế VCCI phải có nhiệm vụ làm tất cả những gì có lợi nhất cho doanh nghiệp, đó cũng là làm lợi cho đất nước. Vì quan niệm thế, tôi thành công. Từ trụ sở ban đầu ở 33 Bà Triệu, sau khi tôi rời khỏi VCCI, VCCI đã có 8 tòa nhà cao tầng làm trụ sở ở các địa phương, cộng với rất nhiều vốn liếng, các phương tiện và các mối quan hệ kinh tế.
Ví dụ như trụ sở số 9 Đào Duy Anh, tôi đã xây với 10.000 cây vàng, nhưng không xin chính phủ một đồng nào. Tôi tăng lương cho các cán bộ cấp tương đương vụ phó trở xuống lên 4 lần, còn vụ trưởng trở nên tăng lương 2 lần. Không ai được phép tham nhũng. Nếu tham nhũng tôi sẽ xử lý. Trong giai đoạn đó, những nước đầu tư Việt Nam, từ Mỹ đến Hàn Quốc đến Đài Loan, Nhật Bản… đều qua VCCI để xúc tiến đầu tư ở Việt Nam. Sau 2 nhiệm kỳ, tôi nghỉ hưu, người kế nhiệm tôi ở VCCI đã tiếp quản một VCCI hoàn toàn khác.
Pv: - Trong mấy năm vừa qua, tôi đã từng chứng kiến rất nhiều quy định, đề xuất phi lý đến hài hước của các Bộ- Ngành như là: cấm người cao dưới 1m45, nặng dưới 40kg đi xe máy, cấm bán thịt lợn sau 8 giờ giết mổ; hoặc cấm xe máy biển chẵn đi ngày lẻ, xe máy biển lẻ đi ngày chẵn. Thưa ông, những chuyện đó, dù là một người dân bình thường, chẳng được học hành là bao nghe qua cũng thấy nhiều điều không ổn, không phù hợp với thực tế cuộc sống. Vậy mà không hiểu sao các quan chức ký những quyết định này và những người tham mưu cho họ đều không nhận ra. Dĩ nhiên những quy định này sau đó đã “chết yểu”. Nhưng một người luôn quan niệm là quan chức thì phải học hỏi, phải động não, làm việc gì cũng phải có tư duy như ông, ông có cảm thấy bức xúc khi biết những quy định đó?
- Đoàn Duy Thành: Những chuyện đó tôi đều cảm thấy không hài lòng. Cả chuyện độc quyền vàng SJC tôi cũng không bằng lòng. Gần đây, những quy định của Bộ Giao thông về thuế hạn chế phương tiện chẳng hạn, tôi cũng không đồng tình. Tôi cho rằng những cán bộ đưa ra những phương án này vừa thiếu trình độ, thiếu tư duy, vừa không hiểu văn hóa xã hội, vừa thể hiện sự quan liêu. Khi còn làm Bí thư Hải Phòng, trong 4 năm 3 tháng, tôi ra 46 nghị quyết, nhưng không nghị quyết nào tôi ra khi chưa có thực tiễn. Tất cả các nghị quyết tôi đều cho lấy kinh nghiệm thực tiễn, tiếp thu ý kiến nhân dân, nếu thành công, nếu được đồng tình ủng hộ rồi mới phát triển thành văn bản chính thức. Có nhiều cán bộ làm luật hiện nay cứ nghĩ gì trong đầu là đưa thành văn bản, chẳng hề có kinh nghiệm thực tiễn, cũng không hề quan tâm đến suy nghĩ của nhân dân. Và kết qủa là như thế!
Pv: - Vậy nhìn vào những văn bản “kinh điển” đã được đưa ra thời gian qua, ông có thấy báo động về trình độ quan chức hiện nay? Với “trình độ” đó, họ sẽ làm được gì cho đất nước?
- Đoàn Duy Thành: Họ sẽ làm mất tín nhiệm với nhân dân. Đó là điều nguy hiểm nhất.
Pv: - Hôm vừa rồi tôi có đọc một bài báo, trong đó đưa ra số liệu điều tra, 50% số vụ kiện tụng đất đai của chúng ta hiện nay đã giải quyết sai, đi ngược lại quy định pháp luật và quyền lợi nhân dân. Chuyện đất đai, như ông nói lúc nãy, là môi trường rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, cũng dễ xảy ra những mâu thuẫn và sự phản ứng của nhân dân với chính quyền. Không đâu xa, những vụ việc đã xảy ra như vụ đất đai ở Tiên Lãng hay vụ đất đai của nông dân Văn Giang – Hưng Yên đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực của nhân dân. Vậy luật đất đai của chúng ta đã có những sơ hở gì để dẫn đến những bất cập trong giải quyết chính sách đất đai hiện nay?
- Đoàn Duy Thành: Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: một bộ phận quan chức của chúng ta đã chiếm dụng đất đai của nhân dân, không phải bằng roi vọt như thực dân phong kiến ngày xưa mà bằng những văn bản “cộp mác” chính quyền một cách rất “nhẹ nhàng, êm ấm”, không đổ mồ hôi, nước mắt nhưng thu lợi nhuận kinh khủng.
Pv: - Qua chuyện Z30 mà ông chia sẻ, tôi tin ông rất có tâm huyết với việc bảo vệ quyền lợi nhân dân, mà cụ thể nhất là vấn đề đất đai, vậy khi nhìn vào con số 50% những vụ kiện tụng đất đai bị giải quyết sai, khiến cho nhân dân thiệt thòi, ông có cảm thấy giật mình?
- Đoàn Duy Thành: Tôi đã giật mình lâu rồi chứ không phải hôm nay mới giật mình. Và tôi cũng đã góp ý rất nhiều lần. Nếu chúng ta không thay đổi suy nghĩ, không thay đổi tư duy, thì nguy hiểm sẽ đến. Nhân dân đi theo chúng ta vì mong bớt khổ, họ hi sinh vì nghĩ gia đình họ sẽ hạnh phúc, sung sướng. Nếu chúng ta không làm được điều đó, khác gì chúng ta lừa dối nhân dân.
Pv: - Vậy từ những sự cố trong vụ Tiên Lãng (Hải Phòng) và vụ Văn Giang (Hưng Yên), khoan hãy nói chung ta sai hay đúng trong việc đưa ra những văn bản đó, chỉ cần nói đến chuyện chúng ta đã ứng xử với nhân dân trong từng trường hợp cụ thể đó, ông nghĩ cách ứng xử của cán bộ, của chính quyền với dân đã đúng chưa?
- Đoàn Duy Thành: Chúng ta đã có những ứng xử cứng nhắc và không cần thiết. Tôi luôn tin sự mềm mỏng sẽ mang đến những kết quả tích cực hơn. Khi tôi còn ở Hải Phòng, lúc đó Hải Phòng có chính sách giải tỏa đất đai khu vực chợ Sắt, nhưng có một số hộ không đi. Tôi viết một lá thư chung cho các hộ, đăng trên báo Hải Phòng. Một lá thư rất nhẹ nhàng thôi, thế là họ đi. Trước đó tôi đã xây dựng khu nhà đền bù trước ở khu vực Trại Chuối rồi cho dân đến xem. Họ đến thấy ổn, lại nghe lời tôi nói sự hi sinh của họ sẽ góp phần đóng góp cho thành phố sạch đẹp, thế là họ đi. Hôm tôi xuống thăm tình hình xem chuyện di dời đến đâu, có một số anh em công an ngăn tôi, vì ngộ nhỡ có ai quá khích phản đối, nhưng tôi gạt đi. Tôi nói nhân dân đồng tình đi, chứ tôi không ép. Và đúng là không ai phản kháng quá khích. Tôi đến thăm còn được nhân dân mời uống nước chè. Tôi nghĩ sở dĩ như vậy là vì họ được 2 cái: được đền bù thỏa đáng về vật chất và được khích lệ về tinh thần. Để làm được việc đó, quan trọng nhất là cái tâm của người lãnh đạo. Nếu vì dân sẽ làm được.
Pv: - Trong diễn biến gần đây của vụ Văn Giang – Hưng Yên, nguyên Thứ trưởng Bộ TN – MT Đặng Hùng Võ đã đối thoại với bà con Văn Giang – Hưng Yên và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước bà con nếu bản thân mình đã đưa ra quyết định nào đó sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nhân dân. Câu chuyện trên đã gây ra sự chú ý lớn với dư luận. Không phải chính khách nào khi đã “hạ cánh an toàn” cũng đủ can đảm đứng lên nhận trách nhiệm về những việc họ đã làm khi còn đương chức. Ông đánh giá thế nào về hành động đó?
- Đoàn Duy Thành: Tôi hoàn toàn ủng hộ hành động đó và đúng là chẳng phải quan chức nào của ta cũng dũng cảm làm thế.
Pv: - Ở ta, không ít quan chức bị phát hiện sai phạm hầu như nặng lắm là “hạ cánh an toàn”, hiếm hoi có trường hợp nào bị xử lý trước pháp luật và nếu có, mức án cũng chưa đảm bảo tính răn đe. Ở nhiều nước, quan chức khi làm sai sẽ biết nhận lỗi trước nhân dân, biết từ chức. Nếu sai phạm nghiêm trọng hơn, họ sẽ bị điều tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nghĩa là mọi công dân đều phải bình đẳng trước pháp luật, tinh thần “thượng tôn pháp luật” luôn được đặt lên hàng đầu. Đã đến lúc quan chức của chúng ta cũng phải biết xin lỗi, biết từ chức, biết chịu trách nhiệm trước pháp luật chưa thưa ông?
- Đoàn Duy Thành: Pháp luật do con người làm ra. Nếu người làm ra luật không tuân theo pháp luật, thì pháp luật cũng sẽ là vô nghĩa. “Thượng bất chính, hạ tất loạn” – các cụ ta xưa đã nói. Muốn có sự nghiêm chỉnh tuyệt đối, các quan chức lớn phải làm gương cho các quan chức nhỏ hơn. Còn nếu không mọi việc sẽ vô nghĩa. Chuyện này nói nhiều lắm rồi, nói mãi thì khô miệng, đau họng, khản cổ! Tôi nghĩ người làm cán bộ lãnh đạo nhất định phải biết “tri sĩ”!
- Pv: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
(nguồn: báo Nghệ Thuật Mới số 11, 12/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét