TẾT MẬU THÂN – TRẬN TẬP KÍCH CHIẾN LƯỢC.
Năm 1968, tướng TRẦN ĐỘ là Phó Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, ông là một trong những người chỉ huy trực tiếp trận Mậu Thân.
Năm 1986, trong hội thảo Khoa học Quân sự về Mậu Thân (1968), ông đã có bài phát biểu tham luận …
----------------
... Kể từ năm 1968 đến giờ, đã qua 18 năm, hôm nay được dự hội nghị này, tôi mới có dịp nói với các đồng chí về những suy nghĩ của tôi trong suốt 18 năm qua về Tết Mậu Thân.
Hội nghị này là hội nghị khoa học. Kể từ khi rời khỏi quân đội đi làm việc khác, tôi đã dự nhiều hội nghị khoa học. Lẽ ra, trong một hội nghị khoa học thế này thì tham luận của tôi phải viết ra giấy, thành văn bản đàng hoàng, đọc để các đồng chí nghe mới phải. Nhưng vì vội quá cho nên tôi không kịp viết, ở đây tôi xin phát biểu miệng thôi. Tôi xin phát biểu 3 vấn đề:
- Một là, một số ý kiến chung quanh việc đánh giá Tết Mậu Thân,
- Hai là, ý kiến về sự chỉ đạo chiến lược trong Tết Mậu Thân,
- Ba là, một số ý kiến chung quanh vấn đề về Tổng tiến công và Tổng Khởi nghĩa.
I. Đánh giá Mậu Thân 1968
Về đánh giá Tết Mậu Thân, từ lâu nay tôi cũng có nhiều suy nghĩ, tự mình lật đi lật lại. Hôm nay, lại được nghe nhiều ý kiến trong hội nghị này, tôi thấy cần phải báo cáo với các đồng chí một số diễn biến trong suy nghĩ của tôi, hy vọng góp được phần nào vào việc nghiên cứu, đánh giá của chúng ta.
Trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1985, tôi có hai lần bị các nhà báo quốc tế phỏng vấn về Mậu Thân. Họ tìm tôi vì chẳng may tôi được đưa tin là chết trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân ở Sài Gòn. Họ tưởng Trần Độ ghê gớm lắm, biết hết mọi chuyện.
Lần thứ nhất, có một anh nhà báo phương Tây đến xin làm việc về văn hoá, văn nghệ. Làm việc xong, cuối buổi anh ta mới nói : còn chút thì giờ, xin trung tướng cho được hỏi đôi điều về Tết Mậu Thân. Tôi nói :
- Thôi, thôi, ông đến làm việc về văn hoá, ta làm về văn hoá chứ sao lại hỏi Tết Mậu Thân vào đây ?
Thế nhưng họ cũng cứ tìm mọi cách “săn” cho bằng được. Rồi mình cũng phải nói.
Lần thứ hai, trong dịp làm cuốn phim “Việt Nam thiên lịch sử truyền hình”, một nhà báo phương Tây lại tìm gặp tôi để hỏi về Mậu Thân. Tôi sợ quá. Bộ Ngoại giao cho người đến bảo cần phải gặp họ. Tôi bảo :
- “Không, tôi chưa tin. Các anh có văn bản giấy tờ gì không, chứ cứ nói mồm thế này, tôi chưa tin”.
Sau tôi phải xin ý kiến của Ban Bí thư. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Duy Trinh phụ trách. Tôi hỏi ông xem có cho họ gặp không ? Ông Trinh ra hai điều kiện. Cả hai điều kiện này tôi đều không giữ được (có tiếng cười). Ông ấy bảo :
- “Gặp thì gặp nhưng không được nói lúc đó làm gì ở chiến trường”
(có tiếng cười sảng khoái của đại tướng Lê Trọng Tấn).
Mình làm gì ở chiến trường thì họ biết quá rõ rồi còn gì. Họ biết rõ mới xin gặp. Điều thứ hai ông ấy dặn chớ có nói gì về Mậu Thân
(tiếng ồn ào, tiếng cười. Có tiếng ho của ai đó không nhịn được cười).
Người ta gặp mình chủ yếu là hỏi về Mậu Thân mà lại không được nói thì gặp để làm gì ? Tôi bảo ông Trinh :
- Thôi thế này, Ban Bí thư đã đồng ý cho gặp thì tôi cứ gặp. Còn tôi nói với họ cái gì thì có anh cán bộ ngoại giao ngồi đấy, anh làm chứng cho tôi
(có tiếng xen vào: Trần Độ mà còn phải rào đón như thế đấy).
Có mấy lần anh em ở Hà Nội thấy tôi ở chiến trường ra, đến thăm, cũng muốn tôi giải thích về Mậu Thân.
Đấy xung quanh cái Mậu Thân, ở trong nước cũng như trên thế giới người ta muốn được giải thích lắm vì có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có người cho là không có thắng lợi chỉ có thất bại thôi, chẳng được cái tích sự gì. Nhưng lại có ý kiến cho là thắng lợi tuyệt vời, nghĩa là chính nó làm nên tất cả các giai đoạn của lịch sử chống Mỹ. Lại có ý kiến – trong đó có ý kiến của các nhà báo ngoại quốc – còn hoài nghi phân vân không biết có thắng lợi không. Không biết thắng như thế nào tức là hoài nghi phân vân, không biết đánh giá như thế nào, …
Tôi đề nghị như thế này : Bây giờ nhìn lại để đánh giá Tết Mậu Thân, chúng ta cần xem xét nó trên cơ sở hai tác dụng đối với cuộc chiến tranh. Một là Tết Mậu Thân rõ ràng đã làm biến chuyển cục diện cuộc chiến tranh. Hai là, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Đây là hai điều rất rõ ràng. Thế nhưng, không nên chỉ đánh giá mặt thắng lợi và ý nghĩa tích cực của nó mà phải phân tích cả những mặt không tốt, những hậu quả không tốt của Tết Mậu Thân, do sự chỉ đạo về chiến lược dẫn đến. Chẳng hạn, khi tổng tiến công, chúng ta đã tung hết lực lượng. Từ hôm qua đến nay được nghe tham luận của các đồng chí tôi mới biết là chiến dịch nào chúng ta cũng tung hết lực lượng ra, không có chiến dịch nào có lực lượng dự bị chiến dịch cả. Đánh Huế cũng thế và ở Sài Gòn cũng thế, không có lực lượng dự bị chiến dịch. Đánh như thế, ở miền Nam lúc đó gọi là đánh “mút mùa”, đánh “tới số”, đánh hết thì thôi. Cho nên đến khi địch phản kích thì chúng ta không có lực lượng, chúng ta gần như mất thế và đối phó phản kích rất khó khăn. Chúng ta lâm vào tình hình rất khó khăn trong những năm 1969, 1970, 1971. Đó là những năm có rất nhiều nguy cơ, tạo nên nhiều cái khủng hoảng căng thẳng, thiệt hại rất lớn. Trong những năm đó, có nhiều nhà báo phương Tây có dụng ý moi móc mình. Họ hỏi : - “Năm 1971 này các ông nắm được bao nhiêu dân, giải phóng được bao nhiêu phần trăm đất đai ?”. Họ hỏi thế là vì trong những năm 1963, 1964, 1965 cứ mỗi năm, chúng ta lại đưa tin số dân được giải phóng tăng lên, tỷ số phần trăm đất đai được giải phóng cũng tăng lên. Đến năm 1974 họ lại hỏi như thế. Chúng ta trả lời : chúng tôi dùng “dã số”. Mình chưa có con số mà dùng con số đó là dại. Bởi vì thật ra là mình mất gần hết. Trong những năm đó, lực lượng vũ trang không có quân số bổ sung, rất gay go. Số đồng bào bị kìm kẹp, tàn sát cũng ghê gớm lắm.
Tôi cho đó là hậu quả sự chỉ đạo có thiếu sót, sự chỉ đạo về chiến lược có thiếu sót. Cho nên đánh giá thắng lợi Tết Mậu Thân mà tách ra khỏi những thiếu sót, tách cái làm được ra khỏi cái chưa làm được thì sự đánh giá sẽ không rõ lắm bởi vì thắng lợi và thiếu sót, cái làm được và chưa làm được nó quyện vào nhau, thiếu sót nằm ở ngay trong thắng lợi. Cho nên khi đánh giá Tết Mậu Thân năm 1968, tôi đề nghị đánh giá rõ cái tác dụng lớn lao của nó, đồng thời phải nói ngay cái hệ quả tiêu cực của nó do sự thiếu sót trong chỉ đạo mà có. Đánh giá cho đúng Tết Mậu Thân rất quan trọng vì những vấn đề diễn ra trong năm 1968 có liên quan đến toàn bộ cuộc chiến tranh trong những năm tiếp sau.
Đánh giá Tết Mậu Thân phải thấy hai mặt của một vấn đề, phải có cái nhìn toàn cục vào trong một sự việc, chứ không thể tách ra như khi đánh giá một công việc bình thường, đại khái như việc này có ưu, có khuyết, ưu mấy điểm, khuyết mấy điểm, v.v…
II. Chỉ đạo chiến lược
Vấn đề thứ hai, tôi xin phát biểu về chỉ đạo chiến lược. Đến bây giờ tôi mới được biết (nói cho đúng hơn trước đây có khi biết nhưng mà quên biến đi mất), nhưng lần này qua báo cáo được nghe lại tôi mới được biết rõ hơn Trung ương có Nghị quyết 21 nhận xét, đánh giá rõ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Cách đánh giá như Nghị quyết 21 là chính xác. Ở đây tôi chỉ đi sâu vào một số điểm cụ thể.
Trong Nghị quyết 21 có nêu lên một điểm quan trọng nhất là do đánh giá tình hình chủ quan cho nên trong Tết Mậu Thân ta đã đề ra yêu cầu đối với cuộc Tổng tiến công không thích hợp. Đây là then chốt của vấn đề. Tuy nhiên, về đánh giá tình hình tôi thấy lãnh đạo của chúng ta cũng có những mặt rất tài tình. Ví dụ như việc nêu vấn đề thời cơ chiến lược mà báo cáo của anh Cao Pha (Thiếu tướng, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) có nói tới. Nhưng tôi thấy những nhận định về thời cơ chiến lược này cũng chỉ là xuất phát từ một cái dự cảm tài tình chứ chưa phải từ những nhận định cụ thể, từ những nhân tố về địch và ta. Và cái dự cảm tài tình đó đã dẫn chúng ta đi đến hạ quyết tâm chiến lược là Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa để kết thúc chiến tranh vào năm 1968. Và sau đó mọi nhận định tình hình đều cố gò sao cho nó đúng với quyết tâm chiến lược này, cố làm sao để chứng minh cho việc hạ quyết tâm chiến lược là đúng.
Trong cuộc sống, người có đầu óc kiệt xuất có thể dự đoán được những điều ghê gớm sẽ xảy ra một cách chính xác. Thế nhưng trong chiến tranh thì không nên lấy cái dự cảm tài tình để thay thế cho sự tính toán khoa học.
Tôi xin dẫn ra đây một số điểm mà tôi nghe được trong bản báo cáo của anh Cao Pha. Tôi lấy ví dụ như khi nhận định về tình hình ở miền Nam lúc đó, văn kiện có một câu : “Kẻ địch ở miền Nam không cai trị nổi nhân dân miền Nam nữa”. Tức là tình hình đã tới mức đúng như luận điểm của Lê-nin là điều kiện để Tổng khởi nghĩa đã chín muồi.
Nhưng bây giờ chúng ta thử nhìn lại thực tế xem có phải lúc đó, kẻ địch ở miền Nam không cai trị nổi nhân dân miền Nam nữa không ? Thực ra lúc đó, kẻ địch vẫn đang cai trị được.
Nhân dân miền Nam uất ức, căm thù địch, điều đó đúng. Nhưng nhân dân miền Nam sẵn sàng đứng dậy hành động một cách có tổ chức thì chưa phải. Căm thù, uất ức, chửi rủa, căm giận, mong cách mạng, … chứ còn có một quyết tâm hành động thì cũng chưa thật rõ rệt lắm. Về tình hình ở Sài Gòn cũng như ở Huế và các nơi khác, các anh đã nói rồi. Về lực lượng chính trị, từ nhận định này đi đến hạ quyết tâm Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa, kết thúc chiến tranh, giành thắng lợi hoàn toàn. Lúc đó nói giành thắng lợi quyết định, nhưng với nội dung lại là “Đánh đổ toàn bộ nguỵ quyền, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. Điều này thể hiện ở mấy chữ - chúng ta nhớ lại mà xem, “dứt điểm”, toàn bộ tư tưởng của chúng ta đều tập trung vào vấn đề “dứt điểm”. Tôi nhớ lúc bấy giờ ở B2, hai từ “dứt điểm” nghe nó sung sướng, nó khoan khoái lắm.
Không biết các anh khác thế nào chứ riêng tôi, bây giờ “hồi ký” lại, tôi thấy tâm trạng của tôi lúc đó là như vậy. Tôi không có cái trăn trở như anh Trần Văn Quang (Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Xuân 1968 là Tư lệnh mặt trận Trị Thiên – Huế). Anh Trần Văn Quang còn có cái thực tế của người chỉ huy, có những điều phải tính toán thực tế, phải phân tích. Còn riêng tôi, tôi thích làm tới thôi, nghe thấy làm tới nó khoái trong bụng lắm (có tiếng cười), chứ không có đặt lại vấn đề như hôm nay. Sau 18 năm, chúng ta đặt lại vấn đề xem xét, chứ lúc đó thì chẳng có đặt đi, đặt lại gì cả. Hôm qua, anh Trần Văn Quang có nêu lại hiệu triệu của Trung ương cục, của Mặt trận. Đúng là những hiệu triệu đó do tôi dự thảo thật. Lời lẽ cứ phơi phới (có tiếng cười khà khà của đại tướng Lê Trọng Tấn). Hôm nọ gặp anh Phạm Hùng, anh Phạm Hùng còn nhắc lại câu chuyện bản hiệu triệu. Nó như thế này : Anh Phạm Hùng muốn dùng cụm từ “Dãy Trường Sơn đã chuyển mình, sông Cửu Long đã dậy sóng”. Tôi bảo hiệu triệu chỉ nên 500 từ thôi, phải súc tích, tôi đã tính toán từng từ rồi. Anh ấy vẫn thích để cụm từ đó và trách vui tôi : “Ông chơi kiểu cắt chữ của người ta”. Lúc bấy giờ tôi khoái hai từ “dứt điểm” lắm. Muốn nói tình huống gì thì cũng phải “dứt điểm” thôi. Tiếp đó chúng tôi triển khai một kế hoạch có thể nói là rất phức tạp, phức tạp vô cùng - một kế hoạch chưa có học viện nào dạy cả : Nào là đón tiếp Liên minh dân tộc, dân chủ, nào là kế hoạch khởi nghĩa, kế hoạch binh vận. Cán bộ binh vận của ta đi từ phía Bắc vào, từ thành phố Sài Gòn đáp máy bay lên Đà Lạt, xuống Cần Thơ để nắm các đầu mối binh vận. Nghe nói nắm được nhiều tướng nguỵ lắm, toàn tướng cả. Cho nên lại càng tin vào khả năng dứt điểm. Bây giờ xem lại các văn kiện thấy tư tưởng chỉ đạo cũng là kết thúc chiến tranh, cũng là dứt điểm. Qua văn kiện mà anh Cao Pha đọc trong Hội nghị này thì chúng ta thấy ở đó có nói đến ba tình huống. Tôi hỏi, anh Cao Pha cho biết có một văn kiện nói đến ba khả năng. Anh Sáu Khâm (nguyên tư lệnh Sư đoàn 9) cũng cho tôi biết rằng ba khả năng đó là của Trung ương cục. Lúc đó tôi cũng ở trong Trung ương cục mà đến nay không nhớ họp ở đâu, họp vào lúc nào để thảo luận về ba khả năng. Nhưng tôi nhớ lại thì thấy ba khả năng mà chúng tôi thảo luận lúc đó nó không giống như các văn kiện của Bộ Chính trị hay của Trung ương. Bởi vì bây giờ xem lại các văn kiện của Bộ Chính trị, của Trung ương tôi thấy ba khả năng này chỉ là một khả năng thôi. Tức là chỉ dự kiến các khả năng khác nhau sau khi mình đã giành được thắng lợi.
Hiện ở đây hôm nay có anh Mười Khang (Đại tướng Hoàng Văn Thái. Xuân 1968 là Tư lệnh Nam Bộ) và anh Ba Long (Đại tướng Lê Trọng Tấn), không hiểu các anh có còn nhớ rõ không. Còn tôi thì tôi nhớ lúc thảo luận về ba khả năng dạo ấy, nó là như thế này. Khả năng thứ nhất là dứt điểm, tức là tất cả các yêu cầu của mình đều đạt. Và yêu cầu của mình lúc đó là “Đánh sập nguỵ quyền, làm tan rã toàn bộ nguỵ quân” (Chưa đụng đến Mỹ, chưa tiêu diệt được nó),thành lập một chính phủ liên hiệp và qua chính phủ liên hiệp đó mà nói chuyện với Mỹ. Cho nên lúc ấy chúng tôi tìm mọi cách mời các ông, các bà thuộc Liên hiệp dân tộc, dân chủ ra vùng giải phóng một cách “quyết liệt lắm”. Vì vậy khi đánh Đài phát thanh, anh em còn mang theo cả bản Tuyên ngôn của Mặt trận. Về sau, đánh không được, anh Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng, anh hùng LLVTND, một chỉ huy biệt động Sài Gòn năm 1968) phải mang chôn ở một chỗ nào đó.
Khả năng thứ hai là cũng thắng ở mức đánh cho nguỵ quyền suy yếu nhưng nó chưa sập được và làm cho nguỵ quân bị thiệt hại nặng, nghĩa là nó vẫn còn, nó thua to nhưng vẫn còn.
Còn khả năng thứ ba, tôi nhớ không rõ ai nói mà tôi thấy nó hay quá. Đó là nếu cả hai khả năng trên không đạt thì coi như một trận tập kích lớn thắng lợi. Tôi còn nhớ hai từ coi như nghĩa là cũng thắng, nhưng chỉ là thắng lợi của một trận tập kích lớn. Đấy là khả năng thứ ba hay là tình huống thứ ba.
Tôi nhớ như vậy. Anh Sáu Khâm lại có văn bản cẩn thận. Văn bản nói thế này : khả năng thứ nhất có hai tình huống hoặc là thắng lợi lớn ở một số trọng điểm, ở một số vùng nông thôn rộng lớn. Khi đó ta phải tiếp tục truy kích làm tan rã nguỵ quân, nguỵ quyền, nhanh chóng phát triển, tăng cường lực lượng chính trị, củng cố vùng mới giải phóng. Hoặc là ta thành công ở một số nơi và vùng nông thôn rộng lớn nhưng ở trọng điểm không đạt. Trọng điểm là Sài Gòn. Như vậy khả năng thứ nhất là đạt cả ở trọng điểm và cả ở các nơi khác.
Khả năng thứ hai là đạt ở các nơi khác nhưng ở Sài Gòn không đạt.
Khả năng thứ ba là những mục tiêu chủ yếu không đạt, chính quyền nguỵ vẫn còn, địch đối phó quyết liệt để làm thay đổi tương quan lực lượng.
Bây giờ nhìn lại 3 khả năng như tôi đã trình bày, tôi thấy ta rơi vào giữa khả năng 2 và khả năng 3. Tôi nêu lên tình huống này bởi vì nó liên quan đến sự chỉ đạo của Trung ương cục.
Sau đợt I (chưa phải là ngày 28 tháng 2 đâu mà chỉ sau dăm, bảy ngày thôi), các mục tiêu ta đánh rộ lên rồi thôi. Anh em biệt động hy sinh gần hết. Lực lượng của mình không làm được gì lớn hơn nữa trong thành phố. Ngay lúc ấy có một số anh em chỉ huy ở các đơn vị đã có ý kiến hỏi về Trung ương cục : thế thì hiện nay chúng ta ở vào tình huống nào, ở trong khả năng nào ? Lúc đó tôi có nhận được một số câu hỏi này và cũng xin nói thật là tôi cũng không đề nghị Trung ương cục họp mà chỉ trao đổi với vài anh em xem là ta đang ở trong tình huống nào. Nhưng tình thế lúc đó nó cứ trượt đi khẩn trương vô cùng, thành thử việc đề nghị có một cuộc họp trong lúc đó, không hiểu sao tôi cứ thấy nó ngường ngượng thế nào ấy. Không họp được như bây giờ. Sau này có dịp tôi có trao đổi với anh Phạm Hùng (tôi cũng không nhớ là vào dịp nào, toàn là nhớ lại thôi, không có văn bản, không có chứng cứ) về suy nghĩ lúc đó của tôi. Anh Hùng cũng tỏ ý ân hận và cho rằng giá như lúc ở chiến trường mà có ngay được cuộc họp để đánh giá tình hình kịp thời thì hẳn sẽ tốt hơn. Tôi cũng cho rằng về chỉ đạo ở chiến trường, giá như lúc đó Trung ương cục nhạy bén, kiên quyết có một cuộc họp để đánh giá tình hình, chắc sẽ nhận ra được một số vấn đề. Nhưng tình hình chiến trường lúc đó sôi động lắm. Mặt khác, cái ý kiến “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một giai đoạn, một quá trình” cũng thúc đẩy chúng tôi lao vào hành động rất khẩn trương, quyết liệt. B2 thì nhận được ý kiến này sau đợt I, sau Tết. Tôi cũng không nhớ rõ là bằng con đường nào, nhưng mà sau khi tình hình đã hơi trục trặc thì nhận được ý kiến này. Ý kiến này lúc đó thật như một liều thuốc bổ, làm cho tinh thần đang hơi có chút buồn rầu lại hăng hái lên và lại nhằm vào mục tiêu dứt điểm một cách hăng hái như cũ. “Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa là một giai đoạn, một quá trình”. Phải, ta có cả một quá trình cơ mà. Mới có vài hôm, ăn thua quái gì. Cho nên “cứ yên tâm vững bước mà đi” chứ không có gì phải suy tính cả. Và cũng không cần phải đánh giá lại tình hình nữa. Đó là lý do vì sao chúng tôi đã không có ngay được một cuộc họp để đánh giá tình hình cho kịp thời.
Lúc bấy giờ ở chỗ chúng tôi có tình hình như thế này : Là sau khi anh Mười (Đại tướng Hoàng Văn Thái) vào bàn bạc quyết tâm đặt kế hoạch rồi thì anh Trà (Thượng tướng Trần Văn Trà) ra Hà Nội nhận mệnh lệnh. Và ở trong này ra tay chuẩn bị. Tôi chuẩn bị mấy bản hiệu triệu, triển khai công tác Đảng, công tác chính trị, công tác cán bộ, … làm náo nhiệt lắm. Cho đến lúc sở chỉ huy từ bắc Lộc Ninh di chuyển xuống để có thể bám vùng bổ túc làm sở chỉ huy cơ bản thì lúc ấy anh Trà mới về đến nơi. Anh Trà về trong lúc đang di chuyển sở chỉ huy cơ bản nên cũng không có cuộc họp nào để anh trình bày ý kiến của Hà Nội. Anh Trà gặp từng người để nói ý kiến của Hà Nội. Riêng tôi thì tôi nghe được hai câu thế này : Tập trung vào các thành phố nhưng phải quan tâm nông thôn. Một ý kiến chỉ đạo rất quan trọng như vậy nhưng mà nó lại rơi vào cái lúc đang triển khai rồi. Tôi tính không thể nói với ai được hai câu này và có nói cũng không ai nghe. Thế là toàn bộ, từ cán bộ cao đến chiến sĩ đều tập trung vào cái việc dứt điểm.
Cho nên mới diễn ra cái chuyện đốt lán, ra đi không trở lại. Không biết bây giờ gọi nó là cái gì nhưng có lẽ cái tư tưởng chỉ đạo là như vậy. Lúc này ai cũng thấy trong văn bản có đề ra ba khả năng nhưng thực tế chỉ tập trung vào một khả năng thôi. Lý giải bây giờ khó thật. Không biết các anh khác thì thế nào chứ lúc đó tư tưởng tôi cũng thế. Khi gặp cán bộ cũng có đề ra ba khả năng đấy, có giải thích về ba khả năng nhưng riêng tư tưởng của mình cũng chỉ tính đến một khả năng thôi.
Cho nên thấy kế hoạch tác chiến tung ra hết : lực lượng, cơ sở binh vận dùng hết thì thấy nó là tất nhiên. Không có thắc mắc gì cả. Cũng không cần thấy có điều gì phải xem xét nó có trái với nguyên lý khoa học quân sự không ? “Đấu tranh này là trận cuối cùng” mà ! Tư tưởng chung lúc đó là đi vào cái hướng dứt điểm. Bản thân tôi cũng không lý giải được là tại sao khi giải thích cho cán bộ thì nói ba khả năng, nhưng tư tưởng lại nhất định chỉ có một khả năng thôi. Bản thân mình đã như vậy thì cấp dưới cũng như vậy thôi, đó là điều dễ hiểu. Vì cuộc kháng chiến đến lúc đó cũng đã gay go rồi, Mỹ nhảy vào nhiều rồi, chiến đấu ác liệt rồi. Cho nên sự mong đợi kết thúc chiến tranh cũng là một mong đợi nóng bỏng.
Tôi nghĩ rằng tư tưởng chỉ đạo chiến lược ở đây là từ chỗ nhận định thời cơ chiến lược rồi phân tích địch ta, đi đến kết luận rằng lúc này là lúc chúng ta có thể kết thúc chiến tranh và kết thúc chiến tranh bằng phương thức Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa là tư tưởng đã chỉ đạo mọi mặt suy nghĩ, hành động của các cấp. Và chính điều đó nó đã làm cho chúng ta có những cái không được chặt chẽ, không được cẩn thận, không được chắc chắn trong việc đặt kế hoạch và xử lý các tình huống.
Trong chỉ đạo chiến lược có một vấn đề như vậy và các văn kiện cũng chứng minh như vậy.
Sự chỉ đạo chiến lược từ cấp cao nhất đến cấp cao vừa vừa cho đến cấp dưới đều hướng vào một chỗ là quyết dứt điểm, quyết tung lực lượng ra để dứt điểm. Không cần biết sau đó thì tình hình sẽ thế nào nữa (ồn ào).
Vậy thì chính cái tư tưởng dứt điểm ngay trong đợt một đã làm cho chúng ta mất thế sau khi chúng ta không giành được thắng lợi như ý định và địch thì ra sức phản kích, phản kích điên cuồng.
Tôi nghĩ rằng sự bắt đầu là từ ở đây, từ sự chỉ đạo chiến lược. Tôi xin được trình bày ý kiến này.
Nếu lúc ấy ta tỉnh táo hơn, đánh giá tình hình một cách cụ thể hơn, thiết thực hơn hay như các đồng chí thường nói nó thật hơn thì những yêu cầu chúng ta đặt ra sẽ thích hợp hơn. Chúng ta sẽ chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị tư thế và chuẩn bị tư tưởng để tiếp tục đối phó với địch sau này. Nếu được như thế thì có lẽ những năm 1969 – 1970 chúng ta không bị mất thế lớn như vậy. Và ngay từ sau đợt I, nếu chúng ta quan tâm đến nông thôn nhiều hơn, chúng ta giành lực lượng cho nông thôn tốt hơn có lẽ địch cũng không thể dễ dàng phản kích như những năm 1969 – 1970.
Từ chỗ nhận định thắng lợi cho đến nhận định về sự chỉ đạo chiến lược, bây giờ nhìn lại cái đã qua, tôi thấy cần phải phân tích kỹ như vậy, có lẽ nó rõ hơn.
Cuộc tổng tiến công năm 1968 đạt được thắng lợi rất lớn và thắng lợi đó có tác động chiến lược rất lớn. Nhưng rõ ràng cái mức độ thắng lợi trên chiến trường như chúng ta đã nhận định thì nó là trận tập kích lớn thôi, một trận tập kích chiến lược giành được thắng lợi lớn, làm suy yếu, rệu rã nguỵ quân, nguỵ quyền, làm lung lay ý chí xâm lược của giặc Mỹ. Nếu lúc ấy, trong chỉ đạo chiến lược nhằm đạt tới mục tiêu như vậy thôi thì chắc là chúng ta bố trí kế hoạch, sử dụng lực lượng có lẽ tốt hơn.
Nhân đây xin phát biểu luôn ý kiến hôm trước anh Mười Khang có khêu gợi là đợt hai đánh vào Sài Gòn có cần không ? Riêng tôi, tôi thấy không cần. Bởi vì mọi tác động về quân sự, về chính trị, về tâm lý và nhiều cái khác đều đã diễn ra ngay từ sau cuộc tiến công hồi Tết rồi. Chứ không phải đợi đến đợt tiến công tháng 5 này mới tác động thêm. Mọi tác động cơ bản đã diễn ra trong dịp Tết. Cái vụ Tết đã làm địch giật mình, choáng váng, hoang mang. Địch rối rít là ngay từ sau Tết. Sau Tết mình không làm gì hơn được nữa thì nó đã bình tĩnh trở lại. Cho nên sau đợt hai thì tình hình cũng diễn ra bình thường như các chiến dịch khác. Chỉ có khác là mục tiêu tiến công trong thành phố thôi. Và kết quả cũng bình thường như vậy. Sức sôi động của đợt tiến công tháng 5 cũng không có gì tăng thêm so với Tết. Tôi nghĩ rằng nếu Trung ương cục họp ngay sau đợt I, phân tích tình hình một cách kỹ hơn thì dứt khoát là không nên mở đợt hai nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy cuộc tiến công đợt hai là không cần thiết. Ta dành lực lượng ấy, dành cố gắng ấy cho những mục tiêu khác thì có lẽ có hiệu quả hơn.
Trong đợt hai cũng vẫn tiến công, vẫn xem đây “là một quá trình, một giai đoạn”. Sau đợt I, anh Lê Đức Anh thay mặt Bộ chỉ huy Miền ra Hà Nội báo cáo và anh Lê Đức Thọ vào tăng cường. Tôi không nhớ là anh Lê Đức Thọ có nói cái chuyện “quá trình, giai đoạn” không. Nhưng vẫn có một cái luồng chúng tôi tiếp thu. Tôi quên mất không biết tiếp thu từ đâu nhưng nhận thức về “quá trình, giai đoạn” thì vẫn không có gì thay đổi.
Sau đợt hai lại còn đợt ba vào tháng 9 nữa, tuy lực lượng không còn bao nhiêu nhưng mà cố lên một tý.
Vậy mà đến bây giờ nghe anh Cao Pha trình bày thì cho đến năm 1969 vẫn còn tư tưởng giành thắng lợi quyết định. Thế mới biết cái tư tưởng “giai đoạn” với “quá trình” này nó hăng lắm.
Tóm lại, trong ý kiến thứ hai tôi muốn nêu lên sự thiếu sót trong công tác chỉ đạo chiến lược nó nằm trong cái tổng thể là có mặt thì rất tài tình, sáng suốt nhưng lại có mặt rất chủ quan.
Một bài học cần rút ra là cái dự cảm, cái mẫn cảm, cái sắc bén của người lãnh đạo không nên thay thế cho khoa học. Mà phải trên cơ sở khoa học thì cái mẫn cảm sắc bén càng có sức mạnh lớn hơn.
III. Một số vấn đề về khoa học và nghệ thuật quân sự
Bây giờ đến ý kiến thứ ba là mấy vấn đề về khoa học và nghệ thuật quân sự. Tôi nói chữ nghĩa thế cho nó “oai” chứ thật ra đây là một vấn đề rất day dứt. Nhưng về sau, tình hình phát triển thấy có nhiều mặt đặt ra. Tôi xin trình bày bằng mấy mẩu chuyện thực sinh động. Đó là chuyện xảy ra đã lâu, ở Nam Bộ mà anh Phạm Hùng rất thú vị, tôi cũng thích, đã viết vào một tiểu luận. Chả là ngày ấy nêu vấn đề “tiến công làm chủ, làm chủ tiến công”. Anh em chiến sĩ ta đi xuống đồng bằng, các cụ già mới hỏi : các chú đánh để làm gì ? Chiến sĩ ta đã được học cả rồi, trả lời : Thưa đánh để làm chủ. Lại hỏi : thế ai làm chủ ? Các chiến sĩ ta vốn thông minh nên trả lời : Thưa cô bác làm chủ, chúng cháu đánh xong rồi thì đi chỗ khác. Các cụ bảo : Thế thì được, các chú nói nghe được. Bà con làm chủ thì bà con phải có ý kiến với các chú. Các chú đánh xong rồi các chú làm chủ thì mặc các chú, chứ còn bà con làm chủ thế nào thì bà con phải có ý kiến.
Thế là có khúc mắc trong lý luận tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công.
Tôi còn nhớ sau đợt I, nhân dịp Trung ương cục phái tôi xuống chỗ ông Tám Thương (Thiếu tướng Lê Quốc Sản, tư lệnh Khu 8, lúc đó gọi là T2), tôi có gặp ông Sáu Đường (Bí thư Khu ủy Khu 8), lúc đó làm bí thư khu uỷ, xảy ra một cuộc tranh cãi, bây giờ nhớ lại, tôi thấy tôi cũng dốt. Chả là ông Sáu Đường có nêu vấn đề là : tiếp tục đánh, nhưng phải đánh thế nào để giữ thế hợp pháp cho nhân dân. Vốn đang có tư tưởng “đánh dứt điểm, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân” nên thấy ông này nói đến chuyện giữ thế hợp pháp, xem ra không xuôi tai, tôi liền cãi : Lúc này là phải nổi dậy nắm chính quyền, thằng nào chống lại chính quyền, thằng nào chống lại lập toà án xử, không có lôi thôi. Sao còn nói đến giữ thế hợp pháp.
Anh Đường nói với tôi :
- Không được đâu anh ạ ! Chúng tôi ở đây lâu rồi, nhiều năm rồi, chúng tôi thấy có vấn đề lịch sử không phải dễ dàng như vậy đâu. Ta đánh trận này cũng phải dự kiến không thuận lợi, địch nó trở lại thì làm thế nào. Nó trở lại thì dân sống ra làm sao ? Cho nên không thể không nghĩ đến thế hợp pháp của nhân dân được.
Nghe anh ấy trình bày, tôi cũng phải chịu là anh ấy đúng. Còn nhân dân thì nói với bộ đội : các chú thì đơn giản lắm vì các chú chỉ có khẩu súng với cái bòng, các chú đi đâu chả được. Còn “qua” đây còn vợ, còn con, nào là thóc, là trâu, nào là ruộng, là vườn, … khênh đi đâu được. Mỗi lần đi, dắt con trâu đi đã khó rồi chứ khoan hãy nói đến các thứ khác. Cho nên “qua” phải ở lại. Mà ở lại phải có cách cho “qua” ở lại chứ. “Qua” khác với các chú. Địch đến, không đánh được, các chú chém vè (nấp trốn dưới nước hoặc bụi rậm) một cái là xong. Còn “qua” đây, các chú xem đấy, nào là con nít, nào là trâu bò, …
Thế là trong tôi có chuyện về tư tưởng. Một tư tưởng muốn dứt điểm, giành toàn bộ chính quyền và một tư tưởng nữa do thực tế chiến trường đặt ra là sau trận đánh nếu không dứt điểm, địch nó còn sờ sờ ra đó thì dân sống ra sao. Đó là một vấn đề dằn vặt ghê gớm, nó buộc ta phải nghĩ đến, phải tính đến.
Còn một ví dụ nữa là tôi hay đến giảng bài ở Trường quân chính của Miền. Khi giảng đến tình hình, thường là tôi có nói : sở dĩ đợt nọ, đợt kia nhân dân ta chưa nổi dậy được là do đòn tiến công của chủ lực ta chưa đủ “đô”. Nhưng không ngờ một lần có một đồng chí chỉ huy ngồi học ở đấy, đứng dậy chất vấn liền :
- Mỗi lần mở chiến dịch, Quân uỷ Miền giao cho chúng tôi nhiệm vụ, giao chỉ tiêu. Kết thúc chiến dịch, chúng tôi được thưởng huân chương Quân công. Như vậy nghĩa là chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Bây giờ lại nói chúng tôi đánh chưa đủ “đô”. Vậy “đủ đô” là thế nào ? “Đô” là thế nào ? Nói như vậy chúng tôi khó hoạt động quá. Không hiểu làm thế nào cho hết khuyết điểm cả ?
Tôi cũng bí, nghĩ bụng “ừ mà thật”. Trước khi đi đến chiến dịch mình giao cho anh em nhiệm vụ, kết thúc chiến dịch mình trao cho anh em huân chương. Rõ ràng như vậy là chiến dịch thành công và đơn vị đó hoàn thành nhiệm vụ, quả đấm chủ lực đã làm tròn nhiệm vụ. Từ câu chất vấn của anh em, tôi cứ nghĩ mãi mong sao tìm cho được cách giải đáp như thế nào là đòn chủ lực đủ “đô”.
Mãi đến năm 1975 tôi mới vỡ lẽ ra cái “đủ đô” nó là như thế đấy. Cuộc sống và chiến đấu nó đặt ra vấn đề như vậy đấy.
Trong suốt cuộc chiến tranh, tôi say sưa với vấn đề Tổng tiến công hay là Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa lắm. Chẳng hiểu mình có làm khoa học quân sự không nhưng mà say sưa lắm, bởi vì thấy nó sáng tạo ghê gớm lắm ; Đông Tây, kim cổ chưa từng có nên mình lại càng say sưa muốn tìm hiểu. Tôi mới lên một cái sơ đồ. Đại khái cái sơ đồ nó như thế này : Vế bên này là vế chính trị, vế bên kia là quân sự.
Chính trị có lực lượng chính trị. Đấu tranh chính trị, rồi nổi dậy hay là khởi nghĩa từng phần và tất yếu phải đi đến Tổng khởi nghĩa.
Vế bên này là quân sự, lực lượng quân sự gồm ba thứ quân, có đấu tranh quân sự, đánh du kích, đánh chính quy rồi công kích hay là tiến công và tất yếu dẫn đến Tổng công kích, Tổng tiến công để kết thúc chiến tranh. Cho đến khúc này thì hai anh này chơi với nhau. Thế nghĩa là ở chỗ này vẫn kết hợp quân sự và chính trị. Rồi kết hợp tiến công và nổi dậy, v.v…
Ở đây đẻ ra vấn đề là khởi nghĩa là cái gì và nổi dậy là cái gì ? Tôi thử dịch nghĩa từ Hán : Khởi nghĩa là dậy, Khởi nghĩa và nổi dậy hoá ra từ Hán dịch sang tiếng Nôm thôi (cười ồn ào). Vậy mà trong cuộc sống, tôi vẫn thấy khởi nghĩa khác với nổi dậy. Vậy thì khi dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Nga để giới thiệu với bạn bè quốc tế, không hiểu ta sẽ dịch thế nào để phân biệt sự khác nhau giữa khởi nghĩa và nổi dậy (có người nói tiếng Pháp). À ra tiếng Pháp có phân biệt. Tiếng ta lại còn có đồng khởi nữa. Do vậy tôi đề nghị Học viện quân sự cấp cao của anh Hoàng Minh Thảo nên có một cuốn tự điển. Đồng khởi, nổi dậy, tổng nổi dậy, nổi dậy đồng loạt, khởi nghĩa từng phần, tổng khởi nghĩa, v.v… nghĩa là một loạt khái niệm cần làm cho rõ.
Còn một khái niệm nữa cũng cần làm cho rõ : khái niệm về bạo lực. Bạo lực quân sự lại còn có bạo lực chính trị nữa. Bạo lực tiếng Pháp (tôi cũng bập bẹ thôi) gọi là violence, sức mạnh là force. Bạo lực tôi hình dung nó hành động ở trong đó. Còn nói bạo lực chính trị thì nó là cái gì ? Nói sức mạnh chính trị, bạo lực chính trị thì dễ hình dung. Nói bạo lực chính trị rồi đi đôi với nó là bạo lực quân sự rồi phân biệt hai thứ bạo lực này thật khó hình dung.
Trong suốt cuộc kháng chiến tôi say sưa giải thích cái điều này nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy mình ngớ ngẩn. Tôi thường nói, nói say sưa, rằng Việt Nam ta có một sáng tạo tuyệt vời là từ chính trị tiến lên vũ trang. Thông thường thì khi đã đấu tranh vũ trang rồi thì vũ trang đóng vai trò chủ yếu, chính trị giảm bớt vai trò của nó đi. Ta có cái sáng tạo là chính trị tiến lên vũ trang, rồi thì chính trị và vũ trang vẫn ngang nhau. Và thông thường thì từ du kích tiến lên chính quy. Đã tiến lên chính quy rồi thì anh du kích tụt xuống một tý. Đó là thông thường. Nhưng ta thì khi đã tiến lên chính quy rồi, du kích vẫn đóng vai trò chiến lược ngang với chính quy. Ta là oai nhất, sáng tạo nhất ở chỗ ấy. Khoa học quân sự Việt Nam mang cái đặc biệt là ở chỗ ấy.
Bây giờ xem lại vấn đề này tôi thấy gay go. Bởi vì coi Tổng khởi nghĩa và Tổng công kích ngang nhau nên nó mới đẻ ra nhiều chuyện. Lên sơ đồ xong tôi mới nảy ra thắc mắc : như vậy tổng khởi nghĩa thuộc phạm trù đấu tranh chính trị hay là đấu tranh vũ trang. Sách vở thường nói khi nói về khởi nghĩa người ta thường nói khởi nghĩa vũ trang. Vậy thì khởi nghĩa thuộc phạm trù vũ trang chứ không phải thuộc phạm trù chính trị. Mà chính trị lại có bạo lực nữa. Thế thì bạo lực chính trị nó là cái gì ? Chẳng lẽ bạo lực quân sự là khẩu súng, còn bạo lực chính trị lại là con dao à ? Tất cả những băn khoăn đó dẫn đến sự suy nghĩ về tổng công kích, tổng khởi nghĩa.
Từ nhận thức về tiến công và nổi dậy như trên tôi đã nói, còn dẫn đến một nhận thức mà trước nay tôi vẫn tự hào, cho là sáng tạo tuyệt vời của Việt Nam là cái chiến dịch tổng hợp. Mỗi chiến dịch đều có sự tổng hợp. Anh chủ lực muốn tiến công thế nào thì tiến công cũng phải có anh du kích. Du kích muốn đánh thế nào thì đánh cũng phải có tý binh vận, tý nổi dậy, tý chính trị xung quanh khu vực mở chiến dịch. Cho nên mới xây dựng một cái lý thuyết về chiến dịch tổng hợp. Có chiến dịch tổng hợp thì cũng phải có một mục tiêu chiến dịch tổng hợp. Mục tiêu tổng hợp nghĩa là không phải chỉ có tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai mà còn phải lập kế cho dân, còn phải thành lập chính quyền, còn phải diệt ác, trừ gian, v.v…
Có mục tiêu tổng hợp thì cũng phải có đội hình tổng hợp. Nghĩa là đội hình chiến đấu không phải chỉ có chủ lực mà còn du kích còn lực lượng binh vận, lực lượng chính trị, bố trí thế nào cho phù hợp. Ba vấn đề mục tiêu, đội hình, kế hoạch tổng hợp mới nghe nó đơn giản bình thường thôi. Nhưng đến lúc chỉ huy tổng hợp thì nó lại không đơn giản chút nào.
Tôi nhớ năm 1972, khi chuyển từ phía Nam xuống đồng bằng, anh Mười Khang đi trực tiếp chỉ đạo. Anh Mười có trao đổi với tôi hình như có ba phương án : Phương án thứ nhất là đồng chí bí thư làm tư lệnh chiến dịch, đồng chí tư lệnh quân sự làm tham mưu trưởng ; Phương án thứ hai là tư lệnh quân sự phải là tư lệnh chiến dịch nhưng lại tổ chức thêm một cơ quan tham mưu, chính trị, binh vận nữa. Lại có một phương án ba thế này : phái viên cấp trên làm tư lệnh chiến dịch còn đồng chí cấp uỷ địa phương làm tham mưu, chính trị. Bên quân sự làm tham mưu quân sự. Anh Mười là phái viên cấp trên đương nhiên làm tư lệnh rồi. Phải không anh Mười nhỉ ? (Tiếng đại tướng Hoàng Văn Thái : Tôi làm Tư lệnh)
Anh làm tư lệnh à ? (Tiếng đại tướng Hoàng Văn Thái : "- Ừ, tôi làm Tư lệnh, đồng chí Bí thư làm Chính ủy. Về sau thống nhất quy định chiến dịch của chủ lực mở ở vùng nào thì đồng chí Bí thư vùng đó làm Chính ủy")
Tôi nghe nói trong những chiến dịch tổng hợp, việc chỉ huy rất phức tạp. Có lúc bí thư điều động lực lượng theo ý mình chứ không nằm trong một ý đồ chung của chiến dịch. Còn một vấn đề nữa như các báo cáo trong hội nghị đã nêu lên là lực lượng chính trị và binh vận thường là ở khắp mọi nơi, bộ chỉ huy không nắm được cụ thể, không đánh giá được chính xác và đặc biệt không điều khiển được trong quá trình chiến dịch. Chỉ có thể chỉ đạo lực lượng này bằng cách khoán mục tiêu, khoán nhiệm vụ thôi. Còn họ thực hiện ra sao, thực hiện như thế nào, trong quá trình cần điều chỉnh thì không thể làm được.
Tôi nêu một số vấn đề để đi đến một ý kiến như thế này : Trong chiến tranh dù rằng chiến tranh giải phóng thì vấn đề quân sự, lực lượng quân sự vẫn là nòng cốt. Tính chất nòng cốt của nó thể hiện trong một bản kế hoạch tác chiến. Mọi kế hoạch phải xoay quanh kế hoạch quân sự thời mới điều khiển được. Nếu mỗi ngành một kế hoạch rồi lúc hành động mới kết hợp được với nhau thì rõ ràng phía quân sự cũng phải xé lực lượng ra, không thể tổ chức được lực lượng chặt chẽ nữa. Ở Huế có tình hình đó. Ở Sài Gòn cũng có tình hình đó. Nghĩa là tung lực lượng ra khoán mục tiêu thôi, không thể tiếp tục liên hệ để chỉ huy được nữa. Còn các lực lượng khác thì với đặc thù của nó lại càng khó điều khiển.
Nhưng nếu ta lấy một lực lượng làm nòng cốt, lấy một kế hoạch làm xương sống xoay quanh nó, các lực lượng khác đặt kế hoạch hợp đồng thì Bộ chỉ huy ở trên cao này mới nắm được tình hình, điều khiển được tình hình, ra được mệnh lệnh, có hệ thống để truyền đạt mệnh lệnh. Nếu không thế thì sẽ thành một thứ xô bồ như những củ khoai nằm rải rác không thể chỉ huy được. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hào rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, chúng ta có sự sáng tạo tuyệt vời mà đó là tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Và tôi cho rằng kinh nghiệm này có thể giúp cho các nước anh em chưa giải phóng.
Nhưng có đi sâu vào những trục trặc trong cuộc sống, trong chiến đấu mới thấy rất cần phải có nội dung cụ thể, phải giải quyết cụ thể. Cũng vẫn là tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhưng lực lượng quân sự, kế hoạch quân sự phải là nòng cốt, làm cái chủ thể để hợp đồng (Tiếng đại tướng Hoàng Văn Thái : Cho nên mới có kết luận của anh Ba trong Đại hội IV : Tổng tiến công và nổi dậy, đòn quân sự phải đi trước một bước. Như thế có rõ không ?). Vâng, nếu thấy ý kiến tôi là phải thì phải coi đó là cái ruột. Tôi xin lấy cái ruột còn mượn ý kiến đó là cái vỏ thì được. Chứ chỉ lấy cái vỏ làm cái ruột thì chưa xong. Bởi vì cái vỏ vẫn là coi tổng công kích và tổng khởi nghĩa ngang nhau (Tiếng đại tướng Hoàng Văn Thái : Năm 1975 cũng đề ra Tổng công kích, Tổng Khởi nghĩa. Nhưng Tổng Khởi nghĩa đã không diễn ra, cho nên anh Ba mới kết luận Tổng công kích, Tổng Khởi nghĩa thì đòn quân sự phải đi trước một bước). Vâng, thế là đòn quân sự mới đi trước thôi chứ chưa phải là nòng cốt (cười).
Cuối cùng, theo ý kiến anh Mười Khang khêu gợi về khởi nghĩa thì tôi thấy rằng trong chiến tranh giải phóng không nên đặt vấn đề tổng khởi nghĩa ngang với tổng công kích, cũng không nên đặt vấn đề tổng khởi nghĩa có thể kết thúc được chiến tranh.
Trong chiến tranh, chính trị và quân sự, tiến công và nổi dậy rồi nổi dậy đồng loạt và tổng tiến công là một nghệ thuật rất hay. Nhưng theo tôi nên xác định thêm một bước đi vào kế hoạch, đi vào chỉ huy chiến dịch, chỉ đạo chiến lược, vai trò nòng cốt của quân sự từ chiến đấu, chiến dịch đến chiến lược. Thế nhưng trong cuộc chiến tranh vừa qua có lúc nào đó nếu ta nghĩ rằng vai trò chính trị thấp hơn quân sự một tý, du kích sút hơn chính quy một tý là ta cảm thấy như mình đánh rơi mất lập trường (cười to ồn ào hồi lâu).
Nhưng bây giờ trong một tổ chức nghiên cứu khoa học quân sự như thế này, ta cần nêu ra để trao đổi với nhau. Tôi xin phát biểu với tư cách là một ý kiến trong hội nghị nghiên cứu khoa học. Nghĩa là đang còn tranh cãi. Cãi thật lực, không sợ gì cả (có tiếng cười). Không sợ mất lập trường (lại cười). Lập trường vẫn vững vàng.
Xin cảm ơn các đồng chí.
---------------------
KN st nguồn: Tạp chí Lịch sử Quân sự số 2/88 (26).
Trần Độ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 3 năm 1950. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Trần Độ)
1951. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Trần Độ)
-----------------
Trong ảnh từ phải sang: Tướng Nguyễn Chánh (ảnh 1), ?, ?, Tổng Bí thư Trường Chinh (ảnh 4), tướng Trần Độ (ảnh 5), ?, tướng Lê Trọng Tấn (ảnh 7), ?, ?, Lê Liêm (ảnh 10), tướng Hoàng Văn Thái (ảnh 11).
Hai cha con tướng TRẦN ĐỘ gặp nhau ở chiến trường B2, ngày 20/2/1972. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Trần Độ)
Sau 10 năm từ chiến trường miền Nam, tướng TRẦN ĐỘ về thăm gia đình, năm 1974. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Trần Độ).
Trước Nhà Con Rồng, trưa ngày 01/5/1975. Một ngày sau khi quân ta đánh chiếm được dinh Độc Lập. Cuộc chiến kết thúc ngày 02/5/1975.
---------------
- Hàng thứ nhất từ phải qua trái : Trung tướng Trần Quí Hai, Trung tướng Trần Sâm, Trung tướng Vương Thừa Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Phạm Ngọc Mậu, thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thượng tá Đoàn Thế Hùng.
- Hàng thứ hai từ phải qua trái: Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Trần Văn Quang, Thiếu tướng Hoàng Phương, Trung tướng TRẦN ĐỘ (áo đen) , ?, ?.
- Hàng thứ ba ( Đứng sau Thiếu tướng Hoàng Phương là Thiếu tướng Phan Bình (Cục trưởng Cục Quân báo); người đứng sau Trung tướng Trần Văn Quang là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (Phó Chủ nhiệm TC Kỹ thuật).
Tướng TRẦN ĐỘ và ông Vũ Kỳ (Thư ký của Bác Hồ ), năm 1975. (Ảnh tư liệu gia đình tướng Trần Độ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét