Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Chuyện Bác Hồ bị ốm thập tử nhất sinh được người dân và CIA cứu

 Chuyện Bác Hồ bị ốm thập tử nhất sinh được người dân và CIA cứu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Tháng 7/1945, ở Tân Trào, Tuyên Quang, do điều kiện sống hết sức kham khổ, ăn uống đạm bạc, thiếu thốn lại làm việc quá sức nên Bác Hồ lâm bệnh nặng. Cũng vào thời điểm đó, cao trào kháng Nhật đang cuộn dâng từ Bắc vào Nam, các địa phương đang chuẩn bị mọi lực lượng khởi nghĩa. Ấy vậy mà đúng lúc “dầu sôi lửa bỏng” thì Bác lại ốm. Nhìn Bác đau yếu, tôi lo lắng vô cùng.

Hồi đó, tôi làm việc dưới làng Tân Lập, hàng ngày vẫn lên báo cáo tình hình với Bác. Đã mấy hôm bị sốt, song Người vẫn gượng làm việc. Khi tôi hỏi thăm, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì!”. Một hôm lên gặp, thấy Bác yếu quá, người hốc hác chỉ con da bọc xương mà lại sốt liên tục, hỏi ra thuốc men không có, chỉ có mấy viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không thấy đỡ. Thường thì Người chỉ nằm vào lúc nghỉ, thế mà bây giờ chịu nằm, đầu nóng hầm hập, sốt miên man và có lúc mê sảng. Thấy vậy, tôi rất lo. Đêm đó, tôi nói xin ở lại, Bác mở mắt nhìn tôi và hơi gật đầu.

Đêm đó trên lán Nà Nưa, Bác vừa tỉnh, vừa mê. Mỗi khi nhớ ra điều gì, Bác lại dặn tôi. Thấy mình yếu quá, Bác có ý muốn dặn lại về củng cố phong trào: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân”. Rồi Bác dặn: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.

Tôi hiểu tấm lòng khát khao cháy bỏng của Người đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Tôi hiểu việc đại sự rất gấp rồi. Hôm sau, tôi viết thư hỏa tốc về Trung ương báo cáo tình hình, chuẩn kế hoạch cho Tổng khởi nghĩa.

Tìm mọi cách chữa bệnh cho Bác Hồ

Đại tướng nói tiếp: Tôi cho anh em tìm hỏi bà con địa phương xem có thuốc men gì không để chữa bệnh cho Bác? Bà con nói gần đây có một ông lang chữa bệnh sốt nóng giỏi. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông lang già người Tày đến xem mạch, sờ trán Bác, rồi cho Bác ăn một thứ củ vừa đào trong rừng về, đem đốt cháy hòa vào cháo loãng. Bác tỉnh, hôm sau ăn thêm mấy lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại ngồi dậy làm việc được. Nhưng nói vậy, tôi thấy Bác vẫn còn yếu lắm…

Ngoài cụ lang người Tày, tôi còn cho người tìm y tá Nguyễn Việt Cường (tên thật là Nguyễn Đức Kính), sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ (xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đến tiêm thuốc chữa bệnh cho Bác. Rồi mời cả cụ Lang Páo, người ở xóm Nà Lẹng (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) đến sắc thuốc uống và thuốc tắm để Bác đẩy lui căn bệnh sốt rét ác tính. Nhưng bệnh tình của Bác vẫn chưa dứt.

Thật may, đúng vào thời điểm đó, nhóm “Con Nai” của Hoa Kỳ nhảy dù xuống Tân Trào (Biệt đội The Deer Team, tên một nhóm đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS, tiền thân của CIA). Họ mang theo khá nhiều thuốc men tốt. Anh em đề xuất với tôi nói với Thomas, Trưởng nhóm cho người đến chữa bệnh cho Bác. Paul Hoagland, y sĩ của “Con Nai” được cử đến chẩn bệnh cho Bác và điều trị cho Bác bằng cách tiêm kháng sinh, uống thuốc ký ninh, thuốc trị đại tràng… Gặp thuốc tốt, Bác đã qua cơn trọng bệnh mười chết một sống.

Để tiếp tục hồi phục sức khỏe cho Bác, tôi quyết phải đi tìm các vị thuốc bổ có trong dân gian. Nghe tin ở Bản Cái (xã Thanh Định, huyện Định Hóa) có gia đình ông Ma Đình Tập và vợ là Ma Thị Mai có nhân sâm, tôi cho người đến tìm mua. Ông Tập khi đó làm Chánh tổng, nhà có của ăn của để từ thời các cụ để lại, trong đó có một vật được coi là vật báu gia truyền, là tài sản quý giá nhất của cả dòng họ Ma, đó là hộp sâm Cao Ly. Ông tích trữ nhân sâm phòng khi bệnh trọng.

Hôm đó, trời đã tối muộn, khi cả nhà ông Tập đang say giấc thì bỗng có tiếng gõ cửa. Ông Tập dậy mở cửa thì thấy có cán bộ đến hỏi mua sâm cho đoàn thể để bồi bổ sức khỏe cho một cán bộ thượng cấp. Ông bà đã tìm khóa mở chiếc hòm lấy ra chiếc tráp gỗ trong đó đựng nhân sâm. Trong tráp có một củ sâm nguyên vẹn dài khoảng 13cm và nửa củ sâm đang dùng dở. Không chút ngần ngại, gia đình đã trao toàn bộ số sâm để tặng cho “ông cán bộ cao tuổi” mà ông bà đoán là người rất quan trọng với cách mạng và không lấy tiền.

Nhờ có thuốc thang kịp thời và có nhân sâm bổi bổ, sức khỏe của Bác khá hơn và giờ Tổng khởi nghĩa đã đến. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức, Bác vừa dứt cơn sốt đã tới chỉ đạo giành chính quyền từ Phát xít Nhật.

Ngày 22/8/1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội, khi đó Người chưa khỏi bệnh, còn mệt nhiều, có lúc phải nằm cáng. Ngày 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Bác triệu tập và chủ trì cuộc họp chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27/8/1945, Bác triệu tập cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng và được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 28 và 29/8/1945, Bác tới làm việc tại số nhà 12 phố Ngô Quyền - trụ sở của Chính phủ lâm thời. Bác dành phần lớn thời gian soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945 diễn ra cuộc mít tinh vô cùng trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời.

Ngày trọng đại đó, tôi ghi nhớ suốt đời, không chỉ vì nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mà còn vì một chuyện rất đáng phấn khởi là nhìn thấy bệnh tình của Bác đã dứt, Người đã khỏe lại để chèo lái con thuyền cách mạng giành độc lập cho Việt Nam.

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét