Phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương về Tố Hữu
Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Ông còn là một chính khách giữ nhiều trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước... đã trải qua nhiều biến cố lịch sử nước nhà. Đánh giá về ông quả là một việc khó !
Ông Nguyễn Đình Hương (1930 - 2020) - nguyên Phó ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương là một người cương trực nổi tiếng, một người rất gần gũi với Tố Hữu đã có cái nhìn riêng về nhà thơ (do Hương Giang ghi lại) trước ngày ông mất.
--------------------------
• Là một người có nhiều năm làm việc và gắn bó với Tố Hữu, ông cảm nhận như thế nào về con người của nhà thơ Tố Hữu?
- Tôi sống với đ/c Tố Hữu là 40 năm, tức là tôi về Ban tổ chức Trung ương năm 1956 cho đến lúc Tố Hữu qua đời. Trong 40 năm đó tôi có 4 kỷ niệm lớn với Tố Hữu.
Thứ nhất, năm 1956, sau sự kiện cải cách ruộng đất, chúng ta thay đổi Tổng bí thư, thay đổi Trưởng ban tổ chức, bởi vì tình hình thế giới lúc đó rất phức tạp, Khrushchev lên đả phá Stalin. Trong nước thì hai đảng khác muốn chia quyền lãnh đạo, còn Nhân Văn thì nhân vật Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt và một số người nữa cũng đòi quyền lãnh đạo của Đảng. Họ đã làm bài thơ rất châm biếm. Thế thì, trước tình hình phức tạp như thế, trong khi đất nước ta còn đang chống Mỹ, tất cả dồn vào chống Mỹ..., công tác tư tưởng Bác giao cho Tố Hữu lãnh đạo, công tác tư tưởng lúc này quá khó khăn để thống nhất, để có một sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Tôi làm tổ chức, tôi thấy có những việc rất cụ thể nhưng cũng có người trong đảng này đảng kia không tán thành. Nhưng mà Đảng lúc đó, công tác tư tưởng quá tuyệt vời, không phải dùng từ "kiên trung" mà là "kiên định". Tố Hữu kiên định lập trường, quan điểm của Đảng để góp phần dành thắng lợi cho đến ngày hôm nay. Bác Hồ đã chuẩn bị, sau đồng chí Lê Duẩn thì người thứ hai là Nguyễn Chí Thanh, người thứ ba là Tố Hữu. Tôi cho rằng những chuyện phức tạp như thế trong nội bộ Đảng khi ấy thì đồng chí Tố Hữu phải gánh vác hết mọi thứ.
Điều thứ hai là, nói về thơ, thơ của Tố Hữu là thơ cách mạng, là thơ của thế kỷ XX, tôi giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng cũng vì đọc thơ Tố Hữu. Tôi đọc Từ ấy cho đến Mẹ Suốt, cho đến Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, rồi Việt Bắc, Gió lộng v.v... Cho đến cuối cùng là "sống là cho và chết cũng là cho". Trước thế kỷ XX có 3 nhà thơ lớn là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương. Còn thế kỷ XX là thế kỷ Hồ Chí Minh và chỉ có nhà thơ Tố Hữu làm cho tất cả mọi người từ già đến trẻ khi đọc thơ đều hừng hực khí thế ra chiến trường.
Kỷ niệm thứ ba là Đại hội Đảng lần thứ VI Tố Hữu không trúng vào Trung ương, cả nhà buồn, cả đ/c cũng buồn. Tôi nghiên cứu, tôi thấy chúng ta có hai sai lầm với Tố Hữu. Việc chuẩn bị Tố Hữu sang làm Phó thủ tướng rồi lên làm Tổng bí thư, tin ấy để lộ ra ngoài, nhiều người biết. Trong đó có người đồng ý, có người thích Tố Hữu nhưng cũng có người không thích ông, cho nên tìm cách phá. Đổ lỗi cho Tố Hữu về cải cách "giá - lương - tiền" cho nên cuối cùng ông mất phiếu. 1 giờ sáng, khi ấy tôi ở trong Ban kiểm phiếu, sau khi kiểm phiếu thì tôi thấy Tố Hữu rớt rồi. Tôi nhảy vào nhà ông Thọ, khi ấy ông đang ngủ, leo rào vào, báo cáo cho ông Thọ biết là ông Tố Hữu rớt rồi. Kỷ niệm ấy là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi. (... Khóc...). Tôi nghĩ ông Tố Hữu khổ nhất sau Đại hội, không ai gánh vác cho ông, không ai giải thích cho ông. "Giá - lương - tiền" là của Bộ chính trị, là của cả Ban chấp hành Trung ương, đâu phải của mình ông Tố Hữu. Họ phá vì ghét ông. Có một bài thơ ông viết: "...lắm kẻ xưng danh đồng chí" (Chào xuân 99). Có những người tự hào mình là tốt đẹp, mình xứng là người này chức nọ nhưng thực tế họ tham nhũng. Tiền họ chất đầy cả két, họ tha hóa. Mồm thì rao giảng đạo đức rất hay, rất tốt nhưng sau lưng thì lại lợi dụng bòn rút của công, lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Cho nên Tố Hữu buồn lắm, buồn cho một thế hệ.
Kỷ niệm thứ tư là của cá nhân tôi. Không biết duyên nợ từ đâu, tôi là người Nghệ An, còn Tố Hữu là người Huế, tôi có tham gia chiến trường Bình Trị Thiên, Tố Hữu biết tôi, ông rất thích tôi, rất thương tôi. Ông thường hỏi tôi là:
- "Mày đi đâu mà đi lâu thế".
Những lúc đau buồn, những lúc khổ, những lúc buồn vui thì tôi đều có mặt với ông. Giờ phút cuối cùng, tôi đến thăm, ông tâm sự chuyện thế sự, chuyện đất nước, chuyện Đảng. Ông hỏi tôi:
- "Mày làm gì mà không đến thăm tao!”
Tôi bảo mình làm "điếu đóm" (Ban tổ chức), ông bảo:
- "Mày làm to lắm, điếu mày là cái điếu chết người, mày làm công tác cán bộ thì phải khách quan, phải nghe nhiều tai chứ không được nghe một mặt".
Có khi là một tình cảm đặc biệt rất đáng trân trọng. Có lần ông gọi điện đến nhà mà không gặp được tôi, có khi cả tuần ông đến nhà tôi đợi. Ông gọi cho vợ tôi nói rằng "có bồ tôi ở nhà không?" - ông xưng tôi là bồ ông. Giờ phút cuối cùng, ông vẫn nhắc nhở đến tôi, thương tôi, quý tôi và coi tôi như người em út trong nhà, không la mắng gì. Tôi giác ngộ cách mạng là nhờ đọc thơ xiềng xích của Tố Hữu. Bài thơ cuối cùng của Tố Hữu là bài Tạm biệt có câu "Sống là cho và chết cũng là cho". Nhưng bài thơ mà tôi nhớ nhất là bài Bác ơi! của ông, được viết khi Bác Hồ mất, có một câu tôi vẫn nhớ mãi đó là "Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong bác, nỗi mong cha". Bài thơ ấy làm tôi xúc động nhất. Như nhà thơ Việt Phương nói, thơ Tố Hữu là thổi sức sống, niềm tin yêu vào tâm hồn tôi, trái tim tôi.
• Nếu mà nói cảm nhận của ông về Tố Hữu thì có hai mặt - con người trong công việc và con người trong đời thường. Vậy con người trong vông việc của nhà thơ Tố Hữu là người như thế nào ạ?
- Con người trong công việc,Tố Hữu là một người kiên trung, kiên định, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ta. Không có ông Tố Hữu thì công tác tư tưởng tan rã. Tất nhiên nhà lý luận lúc đó là ông Trường Chinh, nhưng ông Tố Hữu là người xông pha, giống như là Triển Chiêu trong Bao Thanh Thiên, gọi là tả xung hữu đột, ông dám xông trận, tất nhiên là những việc chủ trương khác thì Đảng ta là tập thể, nhưng trong mặt trận tư tưởng thì tôi cho là ông đóng vai trò hết sức quan trọng. Thơ của ông thổi chất cách mạng vào tâm hồn mọi người.
• Theo ông thì tại sao thơ Tố Hữu lại làm được điều đó?
- Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng, đọc thơ Tố Hữu như được thổi sức sống mãnh liệt vào trong con người. Nhiều người nói thơ Tố Hữu không thực tế là không phải, rất thực tế là đằng khác vì ông từng làm nhiều chức vụ lớn bé trong công tác, cho nên ông viết dựa trên những gì ông đã trải nghiệm được.
• Đó là con người thơ và con người trong công việc, vậy còn con người đời thường của ông Tố Hữu thì ông nhận xét như thế nào?
- Con người đời thường tôi đã nói lúc đầu, có người thích và cũng có người không, số đông, tuyệt đại bộ phận là thích ông. Cái ghen ghét, ghen tị cũng có, cho nên người ta làm một số bài chế giễu ông.
• Những lúc ấy ông có tâm sự cùng ông Tố Hữu không?
- Nếu trong công tác cán bộ, tôi làm qua 10 Đại hội từ Đại hội III đến Đại hội XII, ông thường hay tâm sự với tôi về người này người kia, nhân tình thế thái, tất nhiên có những thông tin tối mật thì tôi không nói. Nhưng những gì chia sẻ được thì tôi với ông đều chia sẻ. Ở những khúc quanh cuộc đời, tôi và Tố Hữu luôn chia sẻ nhiều chuyện với nhau, coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà.
* Theo ông, thơ Tố Hữu hiện nay còn giá trị hay không?
- Tôi cho rằng hiện nay vẫn còn rất giá trị, bởi vì hiện nay người ta đọc thơ Tố Hữu, người ta không thấy có một loại thơ nào mà hấp dẫn, thuyết phục lòng người như thơ ông. Bởi vì ông không nói cho ông mà nói cho sự nghiệp, cho đất nước, cho Đảng nên người ta đọc thơ ông.
* Sau 40 năm cùng làm việc, thì điều lớn nhất ông học được từ Tố Hữu?
- Thơ Tố Hữu quyến rũ tôi một phần, thì phong cách sống của ông làm tôi say mê gấp mười lần - một con người giản dị, hòa mình, không phân biệt đối xử. Mỗi khi tôi đến ông đều tiếp tôi ngay cho dù có bận bịu gì đi chăng nữa. Nhiều người bây giờ khi làm lãnh đạo, làm quan to rồi thì vênh mặt lên, không tiếp dân, nạt nộ, khinh thường dân và chỉ thích nghe nói tốt, không thích nói xấu, nói khuyết điểm của mình. Đối với Tố Hữu thì khác hoàn toàn, ông thích nói sự thật. Câu chuyện giá - lương - tiền mà tôi đã đề cập ở trên, ông nói với tôi nếu trên không chỉ đạo thì số tiền đó làm sao quyết định được. Tôi còn giữ một tài liệu hết sức tối mật. Đó là ông Nguyễn Hữu Đang chỉ trích ông Trường Chinh chứ không phải Tố Hữu. (….Cắt đoạn này….). Trong bài thơ đấy Tố Hữu chỉ buồn một câu, có thể trong đời ông buồn nhất về cái khuyết điểm lớn không phải của cá nhân ông mà là tập thể, ông cũng góp phần, ông có chịu trách nhiệm. Nhưng nếu công bằng mà nói, thì sai lầm cải cách ruộng đất là một sai lầm lớn, giết bao nhiêu cán bộ, nên là kỷ luật ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng, Lê Văn Lương. Chứ mà đau nhất của ông Tố Hữu là hai cái, là chuyện này và Đại hội VI. Bọn tôi thương ông, thương ông lắm. Con người ta ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có lỗi lầm, nên ta phải bao dung.
Bác Hồ rất tin, tập thể Bộ Chính trị rất tin tưởng ông. Tôi có trao đổi với ông Lê Đức Thọ, tôi hỏi là tại sao anh Tố Hữu đang làm công tác tư tưởng rất tốt, mà anh lại đẩy anh Tố Hữu sang làm kinh tế, anh ấy có biết gì về kinh tế đâu mà làm? Thì anh Lê Đức Thọ trả lời tôi:
- "Mày không biết chứ bây giờ cả tập thể Bộ Chính trị chuẩn bị cho ông làm Tổng bí thư rồi, thế rồi vì vậy mà mới lộ ra".
Công lớn nhất nếu ai hỏi tôi về Tố Hữu thì chính là trong công tác tư tưởng, lúc đó công tác tư tưởng là cực kỳ quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất. Không thể ai nói khác được, động viên hàng ngàn hàng lớp thanh niên, bà mẹ VN anh hùng. Lê Duẩn từng nói:
- "Bây giờ mà nhìn Việt Nam xem, tất cả nhà ở miền Bắc không có nhà nào là không có khăn tang".
Nếu không nhờ công tác tư tưởng của ông Tố Hữu thì làm sao có tầng tầng lớp lớp thanh niên vì Tổ quốc, vì non sông liền một giải mà lên đường chiến đấu...
-------------
Ảnh từ trái sang: Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Phan Tứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Trần Đình Vân (tác giả cuốn Sống Như Anh )
Ông Nguyễn Đình Hương (1930 - 2020)
Tố Hữu ( 1920 – 2002)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét