Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết về Kỷ niệm Ngày sinh nhật đầu tiên của Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí "Tiên phong" 1/6/1946
NGUYỄN HUY TƯỞNG (1912 - 1960) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn: Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô. Cùng nhiều truyện và ký sự khác: Truyện phim Lũy hoa (1961), Ký sự Cao Lạng (ký, 1951), Chiến sĩ ca-nô, An Dương Vương xây thành ốc, Truyện anh Lục, Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng...
Ngoài ra, năm 2006 Nhà xuất bản Thanh Niên tập hợp nhật ký của ông và phát hành mang tên Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng.
Ông cũng là một trong những nhà văn rất sớm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin giới thiệu bài viết về Kỷ niệm Ngày sinh nhật đầu tiên của Người, đăng trên Tạp chí "Tiên Phong" ngày 1/6/1946.
-----------------
19-5-1946
- Anh chị em đến chúc thọ tôi phải không ?
Đó là câu hỏi đầu tiên của Chủ tịch khi Cụ vào phòng khách. Sau khi vui vẻ mời chúng tôi ngồi, Cụ tiếp ngay :
- Cái ông nhà báo nào công bố ngày sinh của tôi thật đáng phạt. Trước hết tôi chưa thấy cái già là gì, ngoài năm mươi tuổi chưa gọi là già. Sau nữa, chúng ta đang ở thời kỳ công tác, chưa phải lúc cần đến hình thức lễ nghi như chúc thọ.
Buổi sáng mùa hè hôm đó, nước da của Chủ tịch ánh một màu hồng khỏe mạnh, và đôi mắt sáng ngời, quả thật, là đôi mắt của một thanh niên.
Có mấy đoàn thể cùng vào chung để chúc thọ.Giới thiệu đến Ủy ban Đời sống mới, Cụ bỗng hỏi như níu lại :
- Đời sống mới là ai ?
Đóng khung câu chuyện, Cụ hỏi dồn dập, chăm chú, không cho chúng tôi lảng sang vấn đề khác. Buổi chúc thọ Hồ Chủ tịch bỗng biến thành một cuộc thảo luận ráo riết và thân mật về đời sống mới.
- Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi ?
- Thưa Cụ, - tôi đáp, chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tỏ chức,v.v., nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu "Cần, kiệm, liêm, chính" chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ...
- Cổ ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ mình ăn cũng cổ à ? Không khí mình thở cũng cổ à ?
Không khí trở nên náo nhiệt, vui vẻ. Lời nói của Chủ tịch làm nở một tiếng cười chung.
- Thưa Cụ, - tôi cãi lại bằng cách nói tiếp câu mình đang nói dở, sau mấy buổi họp, Ủy ban vận động Đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học.
Chủ tịch như ngơ ngác trước những danh từ to lớn của tôi. Thực tình, tôi lo: nếu Chủ tịch không hiểu thì quần chúng hiểu sao đây. Mà quả thật, Cụ đứng hẳn về phía quần chúng. Cụ nói:
- Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu rõ thế nào là dân chủ, khoa học ? Tôi hỏi thật chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?
Mọi người nhìn nhau và riêng tôi không giấu nổi vẻ bối rối. Tôi nói về tuyên truyền, về tổ chức... Cụ lắng nghe. Một họa sĩ ngồi đối diện với Cụ ở cuối bàn, lặng lẽ ghi trên giấy hình ảnh vị Chủ tịch hòa nhã. Khi tôi nói hết, Cụ lắc đầu nhìn tôi, nhìn mọi người, tay gân guốc vỗ vào bụng và nói:
- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết. Phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? Mà muốn ăn thì phải làm gì?
- Phải làm việc, - một anh bạn nói.
- Đúng, phải làm việc, phải siêng năng, thế là "cần" đấy. Ừ, muốn dùng cái tiếng gì hơn cũng được, nhưng điều cốt yếu là khẩu hiệu phải thiết thực. Ví dụ bây giờ vận động tập thể thao mà lại hô hào đánh tennít thì đã mấy người có tiền mua quả ban, cây vợt?. Ở đây, ngay trước Bắc Bộ Phủ, nhiều anh em cứ ra đường chạy, tập luyện với nhau, không tốn mấy mà vẫn khỏe, vui lắm. Phải thiết thực như thế mới được, mà đừng nên tung ra nhiều khẩu hiệu quá. Ít mà thực hiện được đến nơi đến chốn thì hơn. Sau nữa, muốn cho việc vận động có kết quả, thì người đi vận động phải làm gì ?
Cả bọn chúng tôi, người bàn thế này, người bàn thế khác. Cụ chậm rãi nói một cách nghiêm trang :
- Mình phải làm gương.
Và sợ chúng tôi hoài nghi, Cụ nhắc lại:
- Mình phải làm gương.
Cụ đưa mắt nhìn mọi người như để căn dặn điều đó. Chợt Cụ chỉ vào cổ tôi vừa cười vừa nói :
- Ví như chú đi tuyên truyền đời sống mới mà cổ còn đeo cái "kia" (tức là cái cavát hôm đó tôi đeo để đi chúc thọ Cụ) thì chú hô hào giản dị thế nào được ?
Đến đây Cụ đứng dậy vì có khách đang chờ. Mấy anh em mà tôi khuyên nên thắt cavát hôm đó nhìn tôi một cách khôi hài./.
Trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) năm 1949. Ảnh tư liệu
-------------
Từ trái sang phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân
-------------------
- Hàng đầu từ trái sang: Nguyễn Đình Thi - Kim Lân - Nguyên Hồng - Nam Cao.
- Hàng sau từ trái sang: Nguyễn Đỗ Cung - Học Phi - Nguyễn Xuân Sanh - Chế Lan Viên - Hoàng Trung Thông -Nguyễn Huy Tưởng - Tô Hoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét