Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

THƯ CỦA NGUYỄN XIỂN GỬI ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI (1994)

Giữa những năm 90 ông Xiển đã điếc nặng, đi lại cũng khó khăn hơn rồi. Ông không được hút thuốc lá nữa, nhưng vẫn có thể nhấm nháp mỗi bữa một chút bia. Thỉnh thoảng có học trò cũ, anh chị em trí thức hay Việt kiều qua thăm ông vui lắm. Các con cháu phải đọc báo thật to cho ông nghe, còn tivi thì phải vặn hết cỡ volume ông mới nghe được. Bà lúc này cũng mệt dài dài, phải nằm một chỗ, không chăm sóc được cho ông như trước nữa. May mà có nhiều con gái, con trai ở gần và qua lại luôn để ông đỡ buồn.

Chẳng còn giữ chức vụ nào nữa, tuổi cao lắm rồi nhưng vẫn có nhiều người muốn hỏi ý kiến ông, muốn ông cho ý kiến với lãnh đạo về việc này, việc khác. Tôi nhớ có một tối ông tiếp một chị trung niên còn khá trẻ, khi chị về rồi ông mới bảo “Đấy là vợ ông Trần Xuân Bách đấy, thương lắm, chả biết giúp thế nào...”. Viết hồi ký cũng là một việc để ông vận dụng trí lực, chống với tuổi già.

Đây có lẽ là một trong những bức thư cuối cùng của ông Xiển, tôi xin đăng lại mà không có comment nào, các bạn hãy tự đọc và chiêm nghiệm...

-------------

THƯ GỬI ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI

Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 1994

Kính gửi: Đồng chí Đỗ Mười

Thưa Anh.

Trước hết, tôi xin cảm ơn Anh đã cho người đến thu ý kiến của tôi đề đạt với hội nghị giữa nhiệm kỳ. Tôi luôn quan tâm với vận mệnh của đất nước, nhưng với cái tuổi 87, tuổi gần đất xa trời, trí óc tôi không còn được minh mẫn như trước nữa, e có những điều suy nghĩ không được đúng chăng! Tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Lân và cùng nhau viết nên bản góp ý này.

Cũng may là tôi còn có vinh dự được nhiều anh em trí thức cũ và mới quý mến và tin cậy. Trong số đó có những đồng chí cũ của tôi ở Đảng Xã hội Việt Nam và một số anh em trí thức trẻ, kể cả mấy người là đảng viên cộng sản.

Vậy tôi xin trình bày với anh một số thắc mắc, băn khoăn của anh em để anh xem xét. Họ nói với tôi nhiều vấn đề nhưng chủ yếu là hai điều chính sau đây:

Một là mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng.

Hai là quan hệ giữa Đảng với trí thức.

Họ nói: "Đảng luôn tuyên bố là Đảng hoàn toàn vì dân, thậm chí là đầy tớ trung thành của dân. Nhưng trong thực tế, từ trung ương đến địa phương, người dân ngoài Đảng hoàn toàn bị lép vế, thậm chí như là thứ dân”.

Họ cho rằng số đảng viên so với toàn dân chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, nhưng từ ban lãnh đạo xã đến chính phủ trung ương, rất hiếm có người ngoài Đảng tham gia. Trong hội đồng nhân dân các cấp cũng như trong Quốc hội, có mấy ai là người ngoài Đảng.

Nhớ lại khi Bác Hồ mới về lãnh đạo đất nước, họ thấy trong Chính phủ của Bác cũng như ở các cơ sở, đa số là những người ngoài Đảng tin Bác và tin Đảng, tận tụy công tác đến cuối đời. Nhìn lại thấy rất ít người mắc khuyết điểm.

Đến nay thì từ chủ tịch xã, phường đến chánh, phó chủ nhiệm các khoa, trưởng phó phòng hành chính, tuyệt đại bộ phận đều phải là đảng viên. Mà buồn thay trong cái quốc nạn tham nhũng hiện nay thì có thể nói thủ phạm phần nhiều là những đảng viên, vì chỉ họ mới có quyền để mà tham nhũng!

Hôm trước, tôi có báo cáo với anh Phạm Văn Đồng là nhiều người rất thắc mắc về có ý định đưa ảnh bà Nguyễn Thị Định vào thờ trong đền Hai Bà Trưng. Anh Đồng đã cho đi điều tra. Tôi mong sẽ ngăn ngừa được những việc làm thiếu thận trọng như vậy cũng như việc xâm phạm Tháp Rùa trên Hồ Gươm.
Về vấn đề trí thức, anh chị em có nhiều thắc mắc. Họ hỏi tôi: Có phải trí thức ngày nay kém các bác ngày xưa mà trong chính phủ, các cơ quan, kể cả các viện khoa học, hầu như không có một người lãnh đạo nào là người ngoài Đảng.
Họ kể chuyện rằng hiện nay ở Trung Quốc, nhiều viện trưởng, chủ nhiệm khoa trường đại học là những Hoa Kiều ở ngoại quốc được mời về. Trong khi đó cũng có những Việt kiều đóng những vai quan trọng trong chính giới và nhất là trong các ngành kinh tế của các nước tư bản. Liệu Đảng ta có dám mời họ về giữ những nhiệm vụ như thế không?

Họ nói: Gần đây, Đảng tuyên bố trí thức là một trong ba thành phần cơ bản của nhân dân, nhưng sao trí thức ngoài Đảng lại không được Đảng tin tưởng? Trái lại, họ còn bị rẻ rúng nữa. Một nhà trí thức lớn như Trần Đức Thảo đã từng tranh đấu thắng lợi với một nhà tư tưởng trứ danh như Jean-Paul-Sartre mà chỉ vì nói thẳng trong vụ Nhân văn - Giai phẩm mà bị bỏ rơi trong bao nhiêu năm. Đến khi ông ta chết ở Pháp, được Pháp trọng thị, thì ta mới đề cao trong báo chí. Anh em cho đó là một việc đáng buồn! Một trí thức khác như Nguyễn Mạnh Tường, 22 tuổi đỗ hai bằng tiến sĩ ở Pháp, khi về nước tham gia kháng chiến được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và hoàn thành xuất sắc, nhưng chỉ vì phát biểu không đúng theo chủ trương của Đảng mà bị bắt ngồi xó trong bao nhiêu năm, đến nỗi trở thành một người bất mãn, khiến gần đây cho xuất bản quyển “Un excomunié” rất tệ hại.

Gần đây, một trí thức lớn là Nguyễn Khắc Viện đã có công to trong kháng chiến chống Pháp và trong phổ biến văn hoá Việt Nam, thế mà tuy đã là đảng viên, nhưng chỉ vì nói thẳng mà bị coi như một kẻ phản động.

Một trí thức lỗi lạc khác là Phan Đình Diệu, một nhà khoa học được nhiều trường Đại học trên thế giới ca tụng nhưng chỉ vì trình bày thẳng thắn những ý kiến của mình mà bị hắt hủi, đến nỗi các báo chí không được đăng những bài đáp lại những lời phê phán của người khác.

Chắc anh còn nhớ lại nội dung câu chuyện giữa chúng ta trong buổi trao tặng huân chương sao vàng cho Đảng Xã hội Việt Nam trước khi kết thúc 40 năm hoạt động. Tôi có nói với Anh tại sao tôi không gia nhập Đảng Cộng sản: “Hồ Chủ tịch đã giao cho tôi làm Phó tổng thư ký rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam. Bây giờ đã già rồi, tôi vào Đảng Cộng sản làm gì!”.

Sau khi tuyên bố thôi hoạt động thì chúng tôi an phận thủ thường. Tuy không nhắc lại chuyện cũ, nhưng cũng thật khó hiểu vì sao khi đăng tin cáo phó hoặc mừng thọ một số đảng viên Xã hội hay Dân chủ, kể cả các nguyên ủy viên Ban chấp hành Trung ương, thì báo chí ta không dám nói đến khía cạnh hoạt động này của họ. Trường hợp đưa tin mừng đại thọ 90 tuổi của anh Hoàng Minh Giám trên báo Nhân dân (có đăng ảnh anh đến thăm gia đình) là một ví dụ điển hình. Vì sao lại không dám nhắc đến việc làm Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của anh ấy trong mấy chục năm qua, nhưng lại nêu đã từng làm Phó chủ tịch Quốc hội (một chức vụ anh Giám chưa bao giờ làm). Tôi đã đích thân yêu cầu Báo Nhân Dân đính chính nhưng đã không được đáp ứng đúng mức. Việc viết lịch sử cách mạng Việt Nam gần đây, trong đó có lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thường quá chú trọng đến thành tích quy công cho Đảng, nhưng lại chưa nêu đúng mức hoặc bỏ qua những sai lầm, khuyết điểm (thậm chí có lúc nghiêm trọng) cũng như vai trò, đóng góp của quần chúng, những người ngoài đảng. Bản sơ thảo lịch Quốc hội khoá I là một ví dụ. Những bài viết về đăng trên một số báo gần đây không dám đề cập đến 40 năm của tôi trong Đảng Xã hội Việt Nam.
Tôi xin nêu thí dụ gần đây nhất: Nhà báo Hoàng Phong có viết một bài về sự nghiệp của tôi đăng trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều tại Pháp. Mặc dù rất thân, song cũng không dám đả động gì đến 40 năm làm Phó rồi Tổng thư ký Đảng Xã hội Việt Nam của tôi. Một số bạn thân có đề nghị tôi nhắc lại trong dịp này, những ý kiến mà tôi đã phát biểu ở Mặt trận và Quốc hội mà không được chấp nhận. Tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, chỉ đề nghị những việc gì Đảng nhận thấy sai thì phải sửa. Nếu Đảng tiếp tục đối xử với Anh Nguyễn Khắc Viện, Anh Phan Đình Diệu như hiện nay thì sẽ không được lòng tin ở trong nước cũng như trí thức Việt kiều ở ngoài nước. Trí thức Việt Nam khao khát độc lập, tự do, dân chủ, không thể bằng lòng với chế độ chưa có tự do báo chí - ngôn luận như hiện nay. Xin Đảng phải sáng suốt hơn các Đảng khác, phải thay chế độ “đảng trị” bằng chế độ “đức trị”.

Xin chân thành cảm ơn.

Kính chúc anh dồi dào sức khỏe, hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Kính thư

Đồng kính gửi:
- Các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị.
- Đồng chí Cố vấn Phạm Văn Đồng.”

Hình ảnh có thể có: 8 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và trong nhà




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét