Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn và “Đêm trước đổi mới”

 

Cố Tổng bí thư Lê Duẩn và “Đêm trước đổi mới”

Có lẽ đây là lần đầu tiên, GS kinh tế Trần Phương bộc bạch tâm sự về cố Tổng bí thư Lê Duẩn..

“Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới”.

Đó là nhận xét đầu tiên của GS. Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng.... Có lẽ đây là lần đầu tiên, GS kinh tế Trần Phương bộc bạch tâm sự về cố Tổng bí thư Lê Duẩn, người mà ông có hai mươi năm gần gũi và rất mực khâm phục, kính trọng.

Giữa những người có tư duy đổi mới kinh tế từ rất sớm thì ông là một trong số ít người có đủ bản lĩnh, thẳng thắn và hiểu biết để trao đổi, tranh luận với Tổng bí thư Lê Duẩn về những vấn đề kinh tế nổi cộm của đất nước lúc đó. GS Trần Phương cũng là người mà chúng tôi tìm đến gần đây nhất trong lộ trình tìm hiểu về những “điều chưa biết rõ” về “anh Ba Duẩn”.

Nói thẳng điều mình nghĩ...

Con đường dẫn Trần Phương đến gần Lê Duẩn lại bắt đầu từ bản tính “nói thẳng điều mình nghĩ” dù đó là điều đi ngược lại với suy nghĩ của đám đông. Ông kể...

Đầu năm 1965, Liên Xô công bố bản báo cáo về cải cách kinh tế của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cốt-sư-glin. Trong giới cán bộ cao cấp của Đảng ta, nhiều người đã nghi ngờ báo cáo này thể hiện tư tưởng xét lại. Lý do chính yếu khiến người ta phản bác là vì chủ trương giao quyền tự chủ cao hơn cho các xí nghiệp (tư tưởng của Việt Nam lúc đó vẫn đề cao tính kế hoạch hoá tập trung); thứ hai là tăng cường kích thích bằng lợi ích vật chất đối với người lao động (trong lúc tư tưởng của chúng ta vẫn cho rằng yếu tố tinh thần cách mạng mới là động lực của chủ nghĩa xã hội).

Trước những ý kiến phê phán gay gắt, anh Ba chỉ im lặng.

Sau đó, Anh triệu tập một cuộc trao đổi về báo cáo này tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân với sự tham gia của một số trí thức cao cấp. Hầu như mọi người đều lên án khuynh hướng xét lại. Tôi là người phát biểu cuối cùng. Thật sự, tôi rất lo khi phải nói rõ quan điểm của mình: Liên Xô đến lúc này không còn thích hợp với mô hình quản lý tập trung nữa. Một đất nước có đến 4 vạn xí nghiệp lớn và 4 vạn công trường xây dựng lớn thì không thể quản lý theo kiểu kế hoạch hoá tập trung. Phân cấp và phân quyền nên xem là một tất yếu lịch sử.

Và kết luận của anh Ba ngay sau đó đã khiến tôi giật mình: “Những căn cứ mà anh Trần Phương đưa ra là có sức thuyết phục”. Từ đó anh Ba chọn tôi làm người “giúp việc” và thường xuyên trao đổi với tôi những ý tưởng quan trọng về kinh tế.

Cuối năm 1965 và đầu năm 1966, tôi công bố một công trình nghiên cứu dưới nhan đề “Bàn về bước đi của công nghiệp hóa” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Trước một hội nghị gồm 200 cán bộ cao cấp, tôi giật mình khi anh Ba mở đầu bằng cách giơ cao tờ tạp chí và nói: “Các anh đã đọc bài này của anh Trần Phương chưa? Nên đọc”.

Hôm sau, Anh cho gọi tôi lên văn phòng. Cuộc trao đổi kéo dài suốt từ sáng đến chiều.Anh chất vấn tôi về mọi chi tiết của bài báo, yêu cầu tôi giải trình về mọi tư tưởng của Marx mà tôi dẫn ra trong bài. Luận điểm của tôi, nói một cách vắn tắt là: nếu 5 - 7 năm nữa mà ta đánh thắng Mỹ thì ta phải bắt đầu bằng việc phát triển nông nghiệp mới có lực để công nghiệp hóa.

Bây giờ nghe thì chẳng có gì mới mẻ cả nhưng ở thời điểm đó nếu nói lấy nông nghiệp làm then chốt để công nghiệp hóa là đi ngược với xu hướng lấy công nghiệp nặng làm then chốt để công nghiệp hóa.Sau một ngày tranh luận, tôi tưởng chừng như đã thuyết phục được Anh.

Nhưng cuối cùng, Anh hỏi: “Nếu dựa vào nội lực thì lập luận như anh là đúng. Nhưng nếu ta kiếm được nguồn vốn nước ngoài thì sao?”.Tôi ngớ người ra: “Thưa anh, nếu có được nguồn vốn nước ngoài thì cách đặt vấn đề phải khác. Nhưng hiện tôi chưa nhìn thấy nguồn nào cả”...

Tôi không ngờ sau năm 1975, trong chuyến đi làm việc với các nước XHCN, Anh Ba Duẩn đã được các nước anh em hứa cho vay 4 tỷ Rúp, một con số quá lớn so với giấc mơ của chúng ta. Với tầm nhìn xa trông rộng của mình, Anh đã tính hết cả. Lúc đó, tôi mới hiểu tại sao Anh đã dành cả ngày để tìm hiểu cặn kẽ kiến nghị của tôi.

Những bước đi đầu tiên theo hướng “cơ chế thị trường”

Có ý kiến cho rằng: Cuộc khủng hoảng của đất nước kéo dài cả mười năm, ông Lê Duẩn có biết không? Và ông có trách nhiệm đến đâu?

Trả lời câu hỏi này thì phải lật lại cả một thời kỳ lịch sử rất dài. Tôi chỉ xin điểm qua một số sự kiện.

Không những anh Ba biết tất cả, biết rất rõ mà còn tìm nhiều cách để thoát ra. Giữa năm 1976, trong một kỳ làm việc ở Đồ Sơn, Anh bảo tôi: “Tôi muốn anh chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Tình hình rối lắm”. Lúc đó, tôi đang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Kinh tế và thường giúp việc Anh với tư cách một nhà lý luận kinh tế. Vì nhu cầu công tác, tôi được điều đi nhiều cơ quan, trước khi được cử vào chức vụ theo ý định của Anh.

Nói ra điều này chỉ để chứng minh rằng anh Ba nắm rất rõ tình hình của ngành nội thương mà anh đánh giá là “rối lắm”. Tôi hiểu anh rất “bí” nên mới phải tính đến chuyện dùng một “nhà lý luận” như tôi vào chân “nội trợ” của xã hội.

Năm 1980, Anh gặp đồng chí Brêgiơnhep, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị cử một đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp Việt Nam gỡ “bí”. Đoàn bao gồm trên hai mươi người, đều là chuyên gia cao cấp của nhiều Bộ, do đồng chí Pascaxi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của nước Cộng hòa Mondavia, một nước nổi tiếng là đi đầu trong phong trào cải cách kinh tế ở Liên Xô lúc bấy giờ, làm Trưởng đoàn. Họ đã làm việc hơn nửa năm ở nước ta.

Song, kết luận cuối cùng của Đoàn cũng không vượt ra khỏi cơ chế kế hoạch hóa tập trung của thời đại đó. Việc thực hiện kiến nghị của đoàn không đem lại kết quả tích cực nào cả. Hồi đó, với tư cách là Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm thường trực của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tôi được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam để cùng làm việc với đoàn chuyên gia Liên Xô.

Mấy tháng sau, tôi được chuyển sang Bộ Nội thương, làm Bộ trưởng. Là người đã chứng kiến sự thất bại của cơ chế kế hoạch hóa tập trung do những đầu óc sáng láng nhất của Liên Xô đề ra, tôi kết luận là phải đi tìm một phương hướng khác cơ chế thị trường.

Tôi trình anh Ba và Bộ Chính trị một kiến nghị gọi là “Kiến nghị về cải tiến quản lý thương nghiệp”. Lập luận của tôi như sau: Với cơ chế “mua như cướp, bán như cho” thì ngành nội thương giống như một chiến sĩ ra trận mà chân tay bị trói, mọi vũ khí đều do các Bộ khác nắm giữ.

Tôi đề nghị cho phép ngành nội thương mua và bán theo giá thị trường. Bãi bỏ chế độ cung cấp theo tem phiếu, bãi bỏ đến đâu thì bù tiền vào lương cho cán bộ, nhân viên đến đó để duy trì mức sống của họ như cũ. Chỉ một kiến nghị đơn giản như thế thôi, vậy mà nó đã dấy lên một trận bão táp dữ dội. Bộ Chính trị triệu tập các Bộ trưởng đến họp suốt cả một ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước thì nói: Làm như thế này thì Nhà nước sẽ mất quyền phân phối.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thì nói: Ngân sách Nhà nước sẽ rối loạn.

Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước thì nói: Ngân hàng không đủ sức in tiền ra để đáp ứng lạm phát.

Anh Ba chủ trì hội nghị, vẻ mặt rất căng thẳng. Anh chỉ đặt câu hỏi mà không bình luận. Cuối hội nghị, anh kết luận: “Quy luật giá trị thì ta phải tôn trọng. Không thể hành động bất chấp quy luật khách quan. Đó là khoa học. Nhưng kế hoạch hóa thì cũng là quy luật của chủ nghĩa xã hội, cũng là khoa học. Chỉ nên giữ một số mặt hàng thiết yếu mua và bán theo giá cung cấp, còn lại thì cho phép thành lập ngành nội thương, mua và bán theo giá thị trường”.

Tôi nghe những lời kết luận của Anh mà vừa buồn vừa vui. Buồn vì Anh đã phải đi đến một giải pháp “thỏa hiệp” không triệt để. Vui vì dẫu sao cũng đã chọc được một lỗ thủng xuyên qua bức tường bê tông “bao cấp”. Tôi không trách Anh mà thông cảm với Anh. Anh không thể gạt bỏ tất cả các “bộ tham mưu” của Anh. Anh cũng không thể một lúc dứt bỏ hệ thống tư duy của một thời đại mà chính Anh cũng là một tác giả.

Phải đợi 10 năm sau nữa, khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì hệ thống tư duy này mới mất hẳn sức hấp dẫn của nó, nhường bước cho một hệ thống tư duy xã hội chủ nghĩa phù hợp hơn với thực tế lịch sử.

Cũng cần nhắc đến một số sự kiện khác. Năm 1981 cũng là năm có nhiều quyết sách “đổi mới”: chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán trong nông nghiệp, chỉ thị về 3 kế hoạch trong công nghiệp.

Cuối năm 1985, Bộ Chính trị có Nghị quyết rất quan trọng về nền kinh tế nhiều thành phần. Tất cả những bước đổi mới này đều được thực hiện dưới sự lãnh đạo của anh Ba và đó chính là nền tảng cho Nghị quyết của Đại hội VI Đổi Mới. Anh không có mặt trong Đại hội VI nhưng chính Anh là người đã chuẩn bị mọi quyết định cho Đại hội VI.

- Tôi có đọc trong một tài liệu nói rằng: Chính cố Tổng bí thư Lê Duẩn là người ủng hộ những nhân tố đổi mới nhưng ông đã không thể bảo vệ được một cách kiên quyết và Kim Ngọc là một ví dụ? - Tôi hỏi ông Phương.

- Theo tôi, đó là một nhận định không có cơ sở. Tôi nhớ có lần, vào một buổi sáng, khi nhóm trợ lý chúng tôi đang họp, anh Ba đi vào “quẳng” xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: “Các anh đọc đi!”. Rồi anh nhếch mép cười, đi ra...

Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài dài phê phán anh Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ của anh. Có lần, tôi hỏi Anh: “Tại sao Anh không công khai phản bác lại quan điểm bảo thủ của bài báo...”. Anh nói: “Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng...”.

Ai đó đã nói rằng anh Ba không bảo vệ được Kim Ngọc là không đúng. Sau bài báo đó, Kim Ngọc vẫn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.

- Rất nhiều thư bạn đọc nói rằng thời kỳ cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam là sai lầm của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Quan điểm của ông thế nào?

- Lúc đó, chính tôi là Phó trưởng ban cải tạo công thương nghiệp mà anh Nguyễn Văn Linh là Trưởng ban. Anh Linh và tôi được điều đi công việc khác vào đầu năm 1978. Tôi nghĩ những người thực hiện đã chưa hiểu đúng tư tưởng chỉ đạo của anh Ba. Chủ kiến của anh là phá bỏ thế độc quyền của một số “cá mập” kếch xù. Nhưng cách làm lại dẫn đến đạp nát cả rổ bát đĩa để đánh một con chuột.

Luôn lo lắng cho cuộc sống nhân dân

Chúng tôi và nguyên Phó thủ tướng Trần Phương đều nhắc những năm tháng khốn khó của thời “Đêm trước đổi mới”. Đúc kết của ông về “anh Ba Duẩn” là những lời gan ruột: “Những năm tháng cuối đời, anh Ba luôn bứt rứt vì cuộc sống của người dân”. Ông kể...

Giữa năm 1978, Trung Quốc thông báo không bán bông cho chúng ta nữa. Chỉ còn Liên Xô thì sản lượng vải sẽ giảm đi một nửa. Tôi đến báo cáo với anh Ba: “Chúng ta sẽ chỉ lo được cho dân hai năm một bộ quần áo...”.

Anh cật vấn tôi một hồi, mặt đỏ bừng và quăng cây bút bi xuống bàn - một việc mà tôi chưa từng thấy ở Anh bao giờ. “Cầm quyền mà không lo nổi cho dân một bộ quần áo thì cầm quyền là nghĩa thế nào? Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải lo đủ cho người dân một bộ quần áo”. Nói rồi, anh ra về thẳng.

Sáu tháng sau, tôi lại báo cáo với Anh: “Chúng tôi đã kiểm tra lại mọi nguồn lực. Nhưng vẫn không thực hiện nổi chỉ thị của Anh”. Anh ngồi im, vẻ mặt rất căng thẳng.Đó là thời kỳ mỗi người dân Việt Nam hưởng tiêu chuẩn hai năm một bộ quần áo... (Đó là những năm tháng mà trong cuốn nhật ký của bà Lê Thụy Nga ghi rằng: “...Anh nghĩ nhiều, viết nhiều, hình như trong anh đang có điều gì nung nấu ghê lắm...”).

Tôi vẫn nhớ, có lần trong những năm 60, trong một cuộc họp ở Đồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ: “Chúng ta cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi...”. Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói một lời. Tôi rất thông cảm với Anh về cái khó của Chính phủ. Muốn có rau muống thì phải có gạo. Muốn có nước lã (nước máy) thì phải có ngoại tệ.

Cả hai thứ đó, Chính phủ đều gặp khó khăn. Cả cuộc đời, nhất là những năm tháng cuối, anh Ba đã lo nghĩ quá nhiều về miếng cơm manh áo cho người dân...

- Nhưng tại sao, ở vị trí đứng đầu đất nước thời điểm đó, nếu là một người thực sự tài giỏi, ông sẽ có được những quyết sách để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế một cách nhanh chóng mà phải đợi đến năm 1985?

Ông Trần Phương trầm ngâm.

- Phải thấy anh Ba và những cộng sự của Anh đã “chòi đạp” đủ mọi hướng để đưa đất nước ra khỏi khó khăn chồng chất. Thế hệ của Anh, những nhà cách mạng Việt Nam đã được chứng kiến huyền thoại của Liên Xô chiến thắng phát xít một cách oai hùng như thế nào. Một đất nước nghèo khổ như Liên Xô sau đại chiến thế giới thứ nhất mà tạo ra tiềm lực kinh tế, làm thay đổi đất nước, đủ sức đánh bại phát xít Đức, Nhật thì mô hình CHXH Liên Xô quả là đã trở thành thần tượng duy nhất cho nhiều thế hệ cách mạng vô sản trên thế giới.

Theo tôi, Lê Duẩn cũng không thể là một ngoại lệ.

Trong bối cảnh chính trị lúc đó, nhiều nhà cộng sản xuất sắc của thế giới cũng đã không thoát ra khỏi khuôn khổ của mô hình kinh tế Liên Xô. Lê Duẩn cũng không ra khỏi những vạch chỉ sẵn của lịch sử. Những quyết sách đổi mới từng bước của Anh cũng đã đủ chứng tỏ tài thao lược và đầu óc sáng tạo của Anh “vượt thời đại” đến mức nào.Cuộc trao đổi về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn của nguyên Phó thủ tướng Trần Phương kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Có những điều ông nói chỉ để làm sáng tỏ lịch sử chứ không phù hợp với tư liệu của một bài báo.

- Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông có thể chia sẻ với chúng tôi những lời gan ruột nhất của ông về nhân vật này?

- Đó là một con người có đầu óc luôn sáng tạo và một trái tim nhân hậu. Cuộc kháng chiến chống Mỹ nếu không có Lê Duẩn thì không biết có thắng lợi như thế này không? Có kết thúc như thế này không? Và nếu không có Lê Duẩn thì cuộc đại cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông sẽ ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam như thế nào?

Tôi đánh giá Lê Duẩn từ hai góc độ đó.Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh lát cho con đường đổi mới, không nhiều người biết tới. Nhưng điều đó cũng phù hợp với con người Anh: Chỉ cần mình làm điều tốt cho Đảng, cho Dân mà không cần nghĩ rằng có được ghi nhận đến đâu...

BÍCH NGỌC

07/04/2007 13:16

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Chuyện Bác Hồ bị ốm thập tử nhất sinh được người dân và CIA cứu

 Chuyện Bác Hồ bị ốm thập tử nhất sinh được người dân và CIA cứu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Tháng 7/1945, ở Tân Trào, Tuyên Quang, do điều kiện sống hết sức kham khổ, ăn uống đạm bạc, thiếu thốn lại làm việc quá sức nên Bác Hồ lâm bệnh nặng. Cũng vào thời điểm đó, cao trào kháng Nhật đang cuộn dâng từ Bắc vào Nam, các địa phương đang chuẩn bị mọi lực lượng khởi nghĩa. Ấy vậy mà đúng lúc “dầu sôi lửa bỏng” thì Bác lại ốm. Nhìn Bác đau yếu, tôi lo lắng vô cùng.

Hồi đó, tôi làm việc dưới làng Tân Lập, hàng ngày vẫn lên báo cáo tình hình với Bác. Đã mấy hôm bị sốt, song Người vẫn gượng làm việc. Khi tôi hỏi thăm, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì!”. Một hôm lên gặp, thấy Bác yếu quá, người hốc hác chỉ con da bọc xương mà lại sốt liên tục, hỏi ra thuốc men không có, chỉ có mấy viên thuốc cảm và ký ninh, Bác đã uống mà không thấy đỡ. Thường thì Người chỉ nằm vào lúc nghỉ, thế mà bây giờ chịu nằm, đầu nóng hầm hập, sốt miên man và có lúc mê sảng. Thấy vậy, tôi rất lo. Đêm đó, tôi nói xin ở lại, Bác mở mắt nhìn tôi và hơi gật đầu.

Đêm đó trên lán Nà Nưa, Bác vừa tỉnh, vừa mê. Mỗi khi nhớ ra điều gì, Bác lại dặn tôi. Thấy mình yếu quá, Bác có ý muốn dặn lại về củng cố phong trào: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân”. Rồi Bác dặn: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.

Tôi hiểu tấm lòng khát khao cháy bỏng của Người đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Tôi hiểu việc đại sự rất gấp rồi. Hôm sau, tôi viết thư hỏa tốc về Trung ương báo cáo tình hình, chuẩn kế hoạch cho Tổng khởi nghĩa.

Tìm mọi cách chữa bệnh cho Bác Hồ

Đại tướng nói tiếp: Tôi cho anh em tìm hỏi bà con địa phương xem có thuốc men gì không để chữa bệnh cho Bác? Bà con nói gần đây có một ông lang chữa bệnh sốt nóng giỏi. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông lang già người Tày đến xem mạch, sờ trán Bác, rồi cho Bác ăn một thứ củ vừa đào trong rừng về, đem đốt cháy hòa vào cháo loãng. Bác tỉnh, hôm sau ăn thêm mấy lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại ngồi dậy làm việc được. Nhưng nói vậy, tôi thấy Bác vẫn còn yếu lắm…

Ngoài cụ lang người Tày, tôi còn cho người tìm y tá Nguyễn Việt Cường (tên thật là Nguyễn Đức Kính), sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ (xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đến tiêm thuốc chữa bệnh cho Bác. Rồi mời cả cụ Lang Páo, người ở xóm Nà Lẹng (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên) đến sắc thuốc uống và thuốc tắm để Bác đẩy lui căn bệnh sốt rét ác tính. Nhưng bệnh tình của Bác vẫn chưa dứt.

Thật may, đúng vào thời điểm đó, nhóm “Con Nai” của Hoa Kỳ nhảy dù xuống Tân Trào (Biệt đội The Deer Team, tên một nhóm đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS, tiền thân của CIA). Họ mang theo khá nhiều thuốc men tốt. Anh em đề xuất với tôi nói với Thomas, Trưởng nhóm cho người đến chữa bệnh cho Bác. Paul Hoagland, y sĩ của “Con Nai” được cử đến chẩn bệnh cho Bác và điều trị cho Bác bằng cách tiêm kháng sinh, uống thuốc ký ninh, thuốc trị đại tràng… Gặp thuốc tốt, Bác đã qua cơn trọng bệnh mười chết một sống.

Để tiếp tục hồi phục sức khỏe cho Bác, tôi quyết phải đi tìm các vị thuốc bổ có trong dân gian. Nghe tin ở Bản Cái (xã Thanh Định, huyện Định Hóa) có gia đình ông Ma Đình Tập và vợ là Ma Thị Mai có nhân sâm, tôi cho người đến tìm mua. Ông Tập khi đó làm Chánh tổng, nhà có của ăn của để từ thời các cụ để lại, trong đó có một vật được coi là vật báu gia truyền, là tài sản quý giá nhất của cả dòng họ Ma, đó là hộp sâm Cao Ly. Ông tích trữ nhân sâm phòng khi bệnh trọng.

Hôm đó, trời đã tối muộn, khi cả nhà ông Tập đang say giấc thì bỗng có tiếng gõ cửa. Ông Tập dậy mở cửa thì thấy có cán bộ đến hỏi mua sâm cho đoàn thể để bồi bổ sức khỏe cho một cán bộ thượng cấp. Ông bà đã tìm khóa mở chiếc hòm lấy ra chiếc tráp gỗ trong đó đựng nhân sâm. Trong tráp có một củ sâm nguyên vẹn dài khoảng 13cm và nửa củ sâm đang dùng dở. Không chút ngần ngại, gia đình đã trao toàn bộ số sâm để tặng cho “ông cán bộ cao tuổi” mà ông bà đoán là người rất quan trọng với cách mạng và không lấy tiền.

Nhờ có thuốc thang kịp thời và có nhân sâm bổi bổ, sức khỏe của Bác khá hơn và giờ Tổng khởi nghĩa đã đến. Ngày 14/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức, Bác vừa dứt cơn sốt đã tới chỉ đạo giành chính quyền từ Phát xít Nhật.

Ngày 22/8/1945, Bác rời Tân Trào về Hà Nội, khi đó Người chưa khỏi bệnh, còn mệt nhiều, có lúc phải nằm cáng. Ngày 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Bác triệu tập và chủ trì cuộc họp chuẩn bị ra Tuyên ngôn độc lập. Ngày 27/8/1945, Bác triệu tập cuộc họp của Ủy ban Dân tộc giải phóng và được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 28 và 29/8/1945, Bác tới làm việc tại số nhà 12 phố Ngô Quyền - trụ sở của Chính phủ lâm thời. Bác dành phần lớn thời gian soạn thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945 diễn ra cuộc mít tinh vô cùng trọng thể tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và ra mắt Chính phủ lâm thời.

Ngày trọng đại đó, tôi ghi nhớ suốt đời, không chỉ vì nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mà còn vì một chuyện rất đáng phấn khởi là nhìn thấy bệnh tình của Bác đã dứt, Người đã khỏe lại để chèo lái con thuyền cách mạng giành độc lập cho Việt Nam.

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và ngoài trời

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

THƯỢNG TƯỚNG LÊ KHẢ PHIÊU VỚI HIỆP ƯỚC BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG

 THƯỢNG TƯỚNG LÊ KHẢ PHIÊU - TỔNG BÍ THƯ BCHTW ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỚI HIỆP ƯỚC BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nguyên Tư lệnh Công binh
Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới.

Những năm vừa qua, từ khi Hiệp ước biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết năm 1999 đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này đăng trên các trang mạng xã hội. Một số phần tử xấu, các thế lực thù địch đã nói xấu, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam và đặc biệt là cá nhân Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là bán đất cho Trung Quốc . Khi Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên TBT Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từ trần, chúng càng ra sức xuyên tạc vu cáo nhằm bôi nhọ uy tín và danh dự của đồng chí Lê Khả Phiêu.

Với những gì đã biết, tìm hiểu, tôi viết bài về chính kiến của mình về vấn đề biên giới Việt - Trung và sự chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Năm 1988 tôi học ở Học Viện Lục quân, về thực tập làm Trung đoàn trưởng - Trung đoàn Công binh 89 của Quân đoàn 29 thời gian 3 tháng, đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu trên mặt trận vị xuyên Hà Giang.
Trong 10 năm công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh từ 1997 đến 2007, tham gia chỉ đạo rà phá bom mìn bảo đảm cho phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi đã đi suốt chiều dài hơn 1400 ki lô mét biên giới đất liền Việt - Trung.
Trong 7 năm làm Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới 2007 - 2014, tôi đi dọc biên giới Việt - Trung biết bao nhiêu lần, qua thực tế tìm hiểu, nắm được một số vẫn đề rất cơ bản về biên giới Việt - Trung và hiệp định biên giới Việt - Trung.
Cuối năm 2006, khi đến thăm Bác Lê Khả Phiêu, tặng Bác quyển sách Sức khỏe và Cuộc sống, tôi hỏi Bác nên hiểu rõ hơn về hiệp định biên giới Việt - Trung và sự chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
- Tìm hiểu qua các tài liệu báo chí

TỔNG HỢP

1. Điềm lại mấy nét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong quá trình lịch sử

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, trải qua hơn 4 nghìn năm lịch sử, Việt Nam liên tục bị các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ, xâm lược. Sau mỗi cuộc kháng chiến đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, các triều đình phong kiến Việt Nam đều phải sang cống nạp cho họ, thậm chí còn đúc cả tượng bằng vàng sang cống nạp, thực tế vẫn là nước "chư hầu" của Trung Quốc.

Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, hai nước mới có quan hệ hữu nghị anh em. Trung Quốc đã giúp Việt Nam rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng Chủ Nghĩa xã hội từ năm 1954 đến năm 1978.
Thế rồi mâu thuẫn, bất đồng diễn ra, ngày càng căng thẳng và đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra. Đặng Tiểu Bình đã huy động 60 vạn quân đánh Việt Nam vào ngày 17/2/1979. Cuộc chiến tranh xâm lược "Dạy cho Việt Nam một bài học" diễn ra trong 1 tháng, đến 18/3 Trung Quốc rút hết quân, nhưng họ vẫn xâm phạm biên giới, lấn chiếm, chiếm giữ hơn 60 điểm cao của Việt Nam và xung đột vũ trang vẫn diễn ra, kéo dài suốt 10 năm từ năm 1979 đến tháng 10 năm 1989, ác liệt nhất là khu vực Vị Xuyên - Hà Giang . Năm 1990 cuộc chiến mới thực sự kết thúc, rồi bình thường hoá quan hệ hai nước vào năm 1991.
Để tiến tới bình thường hoá quan hệ, phía Việt Nam có vai trò rất quan trọng của Đại tướng Lê Đức Anh - Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ông đã được Bộ chính trị phân công sang thăm Trung Quốc, gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân để chuẩn bị cho đoàn đại biểu cấp cao nhất của Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1991. Hai bên đã xúc tiến các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Ngày 7.11.1991, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã thỏa thuận với Chủ tịch, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân: “Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước”. Trong cùng ngày, hai bên đã ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước.
Sau đó hai bên tiến hành đàm phán về biên giới đất liền Việt Nam - Trung quốc cũng kéo đài 10 năm, từ 1989 đến 1999.
Việc ký Hiệp ước Biên giới Việt - Trung đã được nói và phân tích rất nhiều; các chuyên gia và những người trực tiếp tham gia sự kiện này đều thống nhất rằng: đây là những bước đi thận trọng, được cân nhắc rất kỹ lưỡng đảm bảo an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lợi hợp pháp của đất nước chúng ta. Tuy vậy, gần đây vẫn có những ý kiến cho rằng Việt Nam đã nhượng bộ, mất đất, âm ỉ dư luận không tốt và có tác hại nhiều mặt, xuyên tạc, kích động ....điều đó là không đúng. Tôi nhận thấy: về mặt chủ trương là rất đúng đắn, đàm phán, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì chặt chẽ. Vấn đề kỹ thuật có những sơ xuất do các chuyên viên của Việt Nam chưa lường hết được. Ví dụ phân giới trên sông hai bên thống nhất lấy điểm sâu nhất của dòng chảy làm biên giới, Trung Quốc đã cho xây kè nắn dòng sang phía ta , họ đã có các phương án chuẩn bị kỹ .... nên một số vị trí bị thiệt như thác Bản Giốc, rõ nhất là cửa Tục Lãm. Tôi đã đi dọc biên giới cùng đoàn công tác của Ban biên giới chính phủ, đã chứng kiến việc đấu tranh giữa nhân dân hai bên khu vực thác Bản Giốc, cửa sông Bắc Luân là hết sức căng thẳng và phức tạp, nhiều cuộc xô xát xảy ra. Họ xây kè nắn dòng chảy sang phía ta, ta xây kè dân họ ra ngăn cản, ném gạch đá sang, có một số trường hợp bị thương.... Tôi đi cùng Đại tướng Phạm Văn Trà ra cửa sông này, ông phê phán bộ phận làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc để Trung Quốc lấy mất toàn bộ cửa sông to, biên giới hiện nay ở giữa nhánh nhỏ phía Việt Nam, bây giờ tàu thuyền của dân Việt Nam muốn ra biển phải xin phép phía Trung Quốc. Sau hiệp ước ký kết, vấn đề này sẽ phải xử lý tiếp thông qua các nghị định thư phía Việt Nam đề xuất.

2. Xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình: Lần đầu tiên Đảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về việc này.
“Chiến lược An ninh quốc gia” đã có bộ phận chuyên trách gồm một số cán bộ của các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao thành bộ phận A47 để nghiên cứu về cơ cấu tổ chức.
Bộ phận đó trực tiếp phụ trách là đồng chí Nguyễn Đình Hương và chỉ đạo là TBT Lê Khả Phiêu.
Những năm đó tình hình kinh tế trong nước vô cùng khó khăn, do sự bao vây cấm vận của Mỹ và Phương Tây. An ninh chính trị nội bộ không được thuận lợi. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải ký được "Hiệp ước Biên giới Việt - Trung".

Về Hiệp ước Biên giới Việt - Trung.
Qua các chuyến công tác với Vụ Việt - Trung, Ban Biên giới Chính phủ khi khảo sát xây dựng kế hoạch rà phá bom mìn vật nổ bảo đảm cho phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi đã tiếp cận hiểu thêm các vấn đề.
Để có được cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, qua nhiều lần trao đổi, cuối cùng Hai Bên đã thống nhất là dùng Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất. Đây có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đã chấp nhận được nguyên tắc đầu tiên này, hai bên mới tiến hành ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đàm phán thì cả hai bên phải tuân thủ.
Thực tế Công ước Pháp - Thanh và những mốc biên giới đã cắm từ lâu, theo lịch sử đã có sự xê dịch, nhiều mốc nay không còn. Trải qua năm tháng có lúc hai bên bà con hữu hảo còn làm nương lấn sang nhau. Các cột mốc làm bằng các phiến đá phía Bắc chữ Hán, phía Nam chữ Pháp không ghi Việt Nam mà ghi là Anamit, cắm trực tiếp xuống đất, không xây chân đế. Trong những năm bất đồng, chiến tranh, dân Trung Quốc thường lợi dụng để di dời cột mốc sâu vào đất Việt Nam, gây ra tình hình rất phức tạp.
Hai bên sau khi đối chiều bản đồ, nếu những cột mốc, những vùng đất đã thống nhất việc triển khai thuận tiện. Còn lại những vùng đất hai bên không thống nhất được mới đi đến đàm phán. Trong đàm phán cái nào dễ thì đàm phán trước, khó thì đàm phán sau và những nơi “nhạy cảm" thì để sau cùng. Vùng đất mà hai bên còn ý kiến khác nhau lên đến hàng mấy trăm km2 ở các khu vực , Việt Nam gọi là điểm C ( tranh chấp) phức tạp giải quyết sau cùng.
Từ năm 1993 đến 1999, về đàm phán trên bộ đã có 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 3 vòng Nhóm soạn thảo Hiệp ước.
Cuối cùng năm 1999 hiệp ước biên giới Việt - Trung được ký kết. Việt Nam luôn nhắc tới tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai Đảng anh em mà giải quyết vấn đề biên giới và lãnh thổ bằng thương lượng ngoại giao, từng bước giải quyết trên tinh thần hữu nghị, anh em . Ngày 19 tháng 6 năm 2000, Quốc hội Việt Nam đã công bố nghị quyết về " Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ký ngày 30 tháng 12 năm 1999"
Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc" được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa X . Đây là một bước tiến rất quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

3. Phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Sau khi hiệp định biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết, hai bên đã tiến hành phân giới cắm mốc mốc ngoài thực địa theo nguyên tắc phân giới trước cắm mốc sau. Một quá trình vô cùng khó khăn phức tạp, kéo dài trong suốt gần 10 năm.
Bộ đội Công binh tiến hành rà phá bom mìn, phối hợp làm đường bảo đảm cho nhiệm vụ phân giới cắm mốc rất nguy hiểm gian nan, hàng chục người hi sinh, bị thương.
Ngày 31 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, hai Trưởng Đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc đã long trọng ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo đúng thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Trong đó Chính phủ Việt Nam trong các thông báo đã đánh giá kết quả phân giới cắm mốc rất cụ thể sâu sắc .
Đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt - Trung, chứng tỏ dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, hai Nhà nước xã hội chủ nghĩa, các vấn đề do lịch sử để lại sẽ được giải quyết hòa bình, công bằng, có tính đến lợi ích của nhau, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc có một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh được thể hiện rõ ràng trong Hiệp ước biên giới đất liền, bản đồ, các văn bản kèm theo và được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững trên thực địa, có giá trị trường tồn cho hai quốc gia, dân tộc, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.
Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ Tây sang Đông nối tiếp với đường phân định Vịnh Bắc Bộ (trong đó có 344 km đường biên giới đi theo 21 sông, suối chính); cắm được gần 2.000 cột mốc trong đó có hơn 1.500 cột mốc chính và hơn 400 cột mốc phụ, các cột mốc được xây dựng rất vững chắc, ổn định lâu dài. Chúng tôi làm đường Tuần tra biên giới cũng góp phần bảo đảm cho việc phân giới cắm mốc. Các cột mốc làm bằng đá hoa cương, đế bê tông rất vững chắc, ổn định vững bền . Việt Nam làm cột số chẵn, Trung Quốc làm cột số lẻ.
Hệ thống mốc giới này được đánh dấu, ghi nhận và mô tả phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học, chi tiết, được xác định theo phương pháp hiện đại, bảo đảm tính trung thực và bền vững lâu dài. Mỗi cột mốc đều có toạ độ vệ tinh hai bên ký vào và gửi lên Liên hợp quốc quản lý, điều này rất quan trọng về quản lý lâu qdài. Các chốt quân sự trên đường biên giới đều đã được dỡ bỏ.
Kết quả mà hai bê đạt được trong quá trình phân giới cắm mốc là công bằng, hợp lý, phù hợp với Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999, luật pháp và thực tiễn quốc tế, đáp ứng được các quan tâm của hai bên và cả hai bên chấp nhận được; đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước và quan hệ truyền thống hữu nghị Việt – Trung, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2008 có ý nghĩa to lớn:
- Thứ nhất, việc hoàn thành phân giới cắm mốc góp phần xây dựng một đường biên giới hoàn chỉnh, chính quy, hiện đại và bền vững, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng biên giới Việt - Trung hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới sau này. Một đường biên giới ổn định lâu dài có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đồng thời góp phần củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
- Thứ hai, với kết quả này chúng ta đã giải quyết được hai vấn đề lớn về biên giới lãnh thổ trong quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc (xác định biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ từ các Hiệp ước, Hiện định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ năm 2000), tạo điều kiện tập trung giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, tăng cường sự tin cậy giữa hai bên.
- Thứ ba, tiếp theo việc ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, việc hoàn thành phân giới cắm mốc là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, để nâng lên tầm cao hơn, lành mạnh và bền vững hơn, tạo cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài.
- Thứ tư, sự kiện này mở ra những cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương có chung biên giới mở rộng giao lưu hợp tác, tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại. Trong những năm qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đồng thời trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Ngay sau khi phân giới cắm mốc hoàn thành, ngày 2 tháng 1 năm 2009 tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Ninh đã được đưa vào hoạt động.
Thành quả trên có được trước hết là nhờ có sự quan tâm sát sao của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai Đảng và hai Nhà nước, quyết tâm hoàn thành phân giới cắm mốc trong năm 2008; những nỗ lực không mệt mỏi của hai Đoàn đàm phán chính phủ, của các lực lượng phân giới cắm mốc thuộc các Bộ, ngành: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính… và các địa phương có chung đường biên giới, cũng như của đông đảo đồng bào dân tộc các tỉnh biên giới đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để bảo đảm tiến độ phân giới cắm mốc. Có được thành quả trên cũng là nhờ sự kế thừa công lao của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước; sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ cho công tác này trong suốt quá trình phân giới cắm mốc. Đây cũng là thành quả của tinh thần độc lập tự chủ, nắm vững và vận dụng linh hoạt luật pháp quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm giải quyết hoà bình các tranh chấp về biên giới lãnh thổ của các nước khác.
Tiếp theo chỉ đạo của chính phủ, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc cùng xem xét hợp tác khai thác tiềm năng du lịch Thác Bản Giốc và ký Thoả thuận cấp Chính phủ về vấn đề này; thảo luận và ký một thoả thuận cấp Chính phủ về việc thiết lập khu vực tự do đi lại cho tàu thuyền của cư dân biên giới tại khu vực cửa sông Bắc Luân. ( những điểm bất lợi cho Việt Nam khi phân giới cắm mốc)
Năm 2009 Hai Bên đã tổ chức cuộc mít tinh tại cửa khẩu Thanh Thuỷ - Vị Xuyên - Hà Giang và ra tuyên bố chung : Hai bên đều thắng. Cuộc mít tinh được tổ chức ở nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc kéo dài suốt 10 năm, thể hiện quyết tâm của hai bên khép lại quá khứ, xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

VIỆT NAM ĐÃ THẮNG
Nhìn lại suốt hơn 4000 năm lịch sử, Việt Nam luôn bị Trung Quốc đô hộ và xâm lược, chưa bao giờ Việt Nam ký kết một hiệp ước về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc. Chỉ có Công ước Pháp - Thanh về biên giới An Nam - Trung Hoa do người Pháp danh nghĩa bảo hộ ký với triều đình Nhà Thanh.
Lần đầu tiên Việt Nam ký với Trung Quốc một hiệp ước biên giới hai bên ngang bằng nhau. Đây là một thắng lợi mang tính lịch sử, có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Nhìn lại quá trình để thấy
- Chiến tranh biên giới Việt - Trung do Trung Quốc gây ra kéo dài 10 năm, từ 1979 đến 1989
- Đàm phán để ký hiệp định biên giới kéo dài 10 năm, từ 1989 đến 1999
- Phân giới cắm mốc kéo dài 10 năm cho đến khi mít tinh hai bên cùng mừng thắng lợi, từ 1999 đến 2009.
+ Ba mươi năm một chặng đường giải quyết vấn đề Biên giới, cần phải nhìn nhận đánh giá cho đúng kết quả của sự kiện này. Bên cạnh một nước lớn, suốt hơn 4 nghìn năm lịch sử đã thấy. Làm được như thế là không hề đơn giản, một số người chưa hiểu, mắc mưu kẻ xấu, bọn phản động, các thế lực thù địch chống phá nên nghi ngờ, thiếu lòng tin.

4. Xây dựng Đường Tuần tra biên giới
Song song với quá trình phân giới cắm mốc, Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng Đường Tuần tra biên giới đất liền toàn quốc từ năm 2006. Các đơn vị Công binh, các doanh nghiệp xây dựng trong toàn quân đã khắc phục rất nhiều khó khăn tập trung xây dựng "Con đường mơ ước " đạt được nhiều kết quả thiết thực. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ưu tiên xây dựng ở một số khu vực trọng điểm. Đã hoàn thành thông tuyến biên giới từ Móng Cái/Quảng Ninh đến Cửa khẩu Chi Ma/Lạng Sơn, những khu vực nhạy cảm về đường biên mốc giới đã có đường TTBG như Quảng Ninh, các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định thuộc tỉnh Lạng Sơn; Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng;

Ý Nghĩa :

* Đối với mục tiêu an ninh quốc phòng: Đường Tuần tra biên giới được xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới; chống vượt biên, chống xâm nhập trái phép, buôn lậu, vận chuyển ma tuý qua biên giới; di chuyển, thành lập mới các đồn, trạm biên phòng, tạo điều kiện để từng bước giảm quân số các đồn biên phòng, góp phần củng cố các khu vực phòng thủ ở tuyến biên giới; bảo đảm cơ động cho các lực lượng và một số loại phương tiện quân sự trên các tuyến biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân giới cắm Mốc biên giới; ổn định tình hình an ninh ở một số khu vực nhạy cảm.
* Đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội: Đường Tuần tra biên giới được xây dựng kết nối với đường vành đai biên giới, đường dân sinh góp phần phát triển giao thông biên giới, tạo điều kiện cho nhiều địa phương đưa dân ra sát biên giới; tiếp tục phát triển các khu kinh tế quốc phòng, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá góp phần đưa ánh sáng văn hoá lên vùng cao biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào khu vực biên giới ví dụ như:
Tại Lạng Sơn: Từ khi có đường TTBG đã làm thay đổi lớn đời sống xã hội tại các xã Bắc Xa, Bính Xá… huyện Đình lập, trước đây khi chưa có đường TTBG đồng bào các xã này thường di cư vào Tây nguyên hoặc đi làm thuê bên kia biên giới mà không gắn bó và phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương mình. Từ khi có đường TTBG hàng hóa được lưu thông đồng bào trước đây di cư đi nơi khác nay đã trở về quê hương phát triển kinh tế tại địa phương bằng cách trồng thông lấy nhựa xuất khẩu, khai thác nhựa thông; thu nhập từ xuất khẩu nhựa thông của xã Bắc Xa năm 2010 đã đạt 64 tỷ đồng (theo báo cáo của Đồn Biên phòng Bắc Xa).
.........
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: Đường tuần tra biên giới là công trình có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, phát triển KT, VH, XH ở khu vực biên giới. Thủ tướng biểu dương các đơn vị thi công của Bộ quốc phòng và yêu cầu tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn I, thi công các dự án của đường tuần tra biên giới giai đoạn II đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Khi Đường TTBG được xây dựng xong sẽ tạo thành dải mốc cùng với hệ thống cột mốc góp phần xây dựng biên cương bền vững lâu dài. Tạo môi trường hoà bình, hữu nghị cùng phát triển giữa nhân dân hai mước Việt Nam và Trung Quốc.

Có sự chỉ đạo của Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng bí thư ban chấp hành trung ương Đảng, Hiệp ước biên giới Việt Nam - Trung Quốc được ký kết, từ đó đã có được biên giới hoà bình, hữu nghị ổn định như hiện nay.

Ngày 15 tháng 8 năm 2020

Viết nhân dịp dự lễ tang Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

(https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1097997483930505&id=100011607914231)

Thư Trần Trọng Kim gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947

 Thư Trần Trọng Kim gửi Hoàng Xuân Hãn năm 1947

(theo Nguyễn Đức Toàn)

Trần Trọng Kim (1887-1953) là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học, sử học có tiếng trong giới trí thức nước ta thời cận đại. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, như Nho giáo, Việt Nam sử lược, có đóng góp cho tri thức và nghiên cứu lịch sử văn hóa nước nhà. Trong khi tiếp xúc với văn bản Nam quốc địa dư chí, tôi phát hiện ra bức thư này nằm giữa tờ bìa ngoài gấp đôi đã bị phết hồ dán kín lại, do thời gian lâu ngày lớp hồ khô đi, trong lúc kiểm tra văn bản bức thư vô tình rơi ra. Được biết một số sách Hán Nôm có nguồn gốc từ thư viện riêng của gia đình GS. Hoàng Xuân Hãn. Bức thư này có lẽ đã đến tay cụ Hoàng và được cụ Hoàng dấu kín vào tờ bìa của cuốn Nam quốc địa dư chí, mà sau này được hiến tặng lại cho thư viện. Đối chiếu với tập hồi ký Một cơn gió bụi của cụ Trần đã được xuất bản trong những năm 60, chúng tôi nhận định đây chính xác là bút tích và giọng văn của cụ Lệ thần - Trần Trọng Kim, vì những nhân vật trong thư nhắc đến đều là những gương mặt trí thức chính trị đương thời với cụ. Ngày tháng, sự kiện, giọng văn và tư tưởng trong bức thư hoàn toàn phù hợp với ngày tháng, sự kiện, giọng văn, tư tưởng của cụ Trần trong tập hồi ký đã nêu trên.

Chúng tôi xin được giới thiệu nội dung bức thư như một phần di cảo bút tích của một nhà giáo, một học giả uyên bác và đức hạnh, một nhà nghiên cứu Nho giáo tân học cuối cùng, sau hơn nửa thế kỷ nằm im lìm trong một tập sách cũ. Thấy rõ thêm mối quan hệ giữa hai gương mặt trí thức lớn của nước ta trong lịch sử cận đại. Bên cạnh đó, đặt ra vấn đề thận trọng và nghiêm túc trong công tác bảo quản các tư liệu Hán Nôm của chúng ta hiện nay.

Bức thư gồm 2 tờ viết 2 mặt.

Nội dung như sau :
Sài Gòn, ngày 8 tháng 5, năm 1947 (1)

Ông Hãn (2)

Hôm ông Phan văn Giáo (3) đưa cái thư của ông vào cho tôi, tôi không gặp ông ấy. Tôi xem thư của ông, nhất là đoạn viết bằng chữ nôm, tôi biết rõ sự tình và tôi đã phiên dịch ra quốc-ngữ, gửi sang để Ngài (4) xem.

Gần đây tôi lại được thư khác của ông, do ông Giáo gửi lại cho tôi, đại khái cũng như thư trước. Cái tình thế nước ta bây giờ, tôi cũng hiểu đại khái như ông, cho nên trước khi tôi về, tôi đã dặn Ngài : Trừ khi có bằng-chứng chắc-chắn, thì ngài chớ nghe ai mà về. Sau khi tôi đã về đây rồi tôi lại viết thư ra nhắc lại lời dặn của tôi. Vậy sự ngài về chắc là không có.

Tôi sở dĩ về đây là vì Ngài và tôi ở bên ấy5, hoang-mang chẳng biết rõ gì cả, nhân có ông Cousseau (6) do ông D’argenlieu (7) sai sang gặp Ngài và tôi, nói Pháp sẵn lòng đổi thái-độ để cầu hoà-bình. Ngài thấy thế bảo tôi về tận nơi xem thái độ người Pháp có thật không, và nhân tiện xem ý tứ người Việt ta thế nào. Nếu làm được việc gì ích lợi cho nước và để cho dân đỡ khổ, thì ta cố làm cho trọn nghĩa-vụ của mình, nếu không thì lương-tâm ta cũng yên, vì đã cố hết sức mà không làm được (8).
Tôi về đây hôm 6 tháng hai tây (9), không gặp ông D’argenlieu, vì ông ấy sắp về Pháp. Ông ấy cho người bảo tôi chờ ông ấy sang sẽ nói chuyện. Tôi có gặp mấy người có chủ nhiệm về việc chính trị, nói chuyện thì tử-tế lắm và đồng ý hết cả. Nhưng xét ra họ nói một đường, làm một nẻo, toàn là những việc mưu-mô lừa dối cả. Lúc đầu tôi có xin cho tôi dược gặp ông, ông Hiền (10) và Khiêm (11), họ hứa sẽ cho vào ngay, nhưng mãi chẳng thấy ai vào. Tôi biết ý [tr1] cũng không hỏi nữa.

Tôi xem việc người Pháp làm, không thấy gì là chân thực. Họ thấy tôi giữ cái thái-độ khảng khái không chịu để họ lợi dụng, họ phao ra rằng tôi nhu-nhược và đa nghi không làm được việc. Họ cho những người Nam thân tín của họ đến nói muốn gặp tôi, tôi từ chối không gặp ai cả. Cũng vì thế tôi không muốn gặp ông Giáo. Tôi có nói với người Pháp rằng : Tôi về đây, là tin ở lời hứa hẹn của ông Cousseau là đại biểu của Thượng xứ Pháp, nay công việc không xong, thì cho tôi trả ra để bảo cho Ngài biết. Họ nói : Việc ấy cố nhiên rồi, nhưng ông hãy thong-thả chờ ít lâu. Họ nói thế, nhưng tôi biết là họ không cho tôi ra với Ngài, và họ lại cho người khác nói chuyện với Ngài (12).
Dù sao, tôi cũng không ân-hận vì việc tôi về đây. Có về đây mới biêt rõ sự thực. Biết rõ sự thực thì cái bụng tôi yên không áy náy như khi ở ngoài kia. Bây giờ tôi nhất định không làm gì cả. Nếu thời cục yên-ổn thì tôi về ngoài Bắc, néu không tì xoay xở ở tạm trong này, chờ khi khác sẽ liệu.

Còn về phương diện người mình, thì tôi thấy không có gì đáng vui. Phe nọ đảng kia lăng-nhăng chẳng đâu vào đâu cả. Ai cũng nói vì lòng ái-quốc, nhưng cái lòng ái-quốc của họ chỉ ở cửa miệng mà thôi, nhưng kỳ thực là vì địa-vị và quyền-lợi, thành ra tranh dành nhau, nghi-kỵ nhau rồi lăng-mã lẫn nhau. Tôi về đây chỉ gặp Thảo (13), Hoè (14) và Sâm (15). Tôi bảo Sâm nên tìm cách đoàn kết nhau thành khối, thì mới có thể đối phó với người ta được. Sâm cũng cho ý kiến ấy là phải. Song một độ thấy bẵng đi, không đến gặp tôi, rồi bất thình-lình xuất hiện ra Mặt trận quốc gia (16), mà không cho tôi biết. Mãi mấy hôm nay mới đến nói rằng vì sự đi lại khó khăn, nên không kịp nói cho tôi biết việc ấy. Tôi bảo hắn rằng : Việc ông làm đó, là việc nên làm, nhưng trước hết phải xếp đặt cho chu-đáo, phải có đủ các cơ-quan tuyên truyền và bênh-vực việc làm của mình. Nhất là phải giao-thông với Mặt trận kháng chiến (17), họ [tr2] có đồng ý, thì việc ông làm hoạ may mới có hiệu-quả. Nay việc chưa xếp đặt ra gì cả mà ông đã vội-vàng xướng xuất ra như thế, tôi e khó thành được. Hắn nói : Việc đã trót rồi, đã ném lao thì phải theo lao.

Tôi thấy tình thế có nhiều nỗi khó khăn quá, mà minh thì thân cô thế cô, không làm gì được, cho nên chỉ giữ cái dịa vị bàng-quan mà thôi, thật là:

身 在 南 蕃 無 所 預
心 懐 百 憂 復 千 慮
(Thân tại Nam phiên vô sở dự,
Tâm hoài bách ưu phục thiên lự.

= Thân ở cõi Nam không tham dự việc chính trị,
Lòng đã ôm trăm mối lo lắng lại thêm nghìn điều ưu lự)

Tôi vẫn biết việc chống với Pháp chỉ có V.M. mới làm nổi, nhưng vì chỉ tiếc họ quá thiên về chủ-nghĩa cọng-sản quá. Họ chỉ có một mục-đích là thi hành chủ nghĩa của họ, họ dùng đủ phương diện để đưa người ta vào cái chòng của họ. Sự hành-động của họ ở bên ta cũng như bọn cọng sản đã dùng ở bên Tàu và ở các nước khác, đều theo một lối đúng nhau như hệt. Họ không cần quốc-gia, không cần đạo-đức, nhưng có nhiều người tin ở nghĩa quốc-gia, thì họ lợi dụng cái nghĩa quốc-gia để đạt cái chủ-nghĩa của họ. Lừa dối xảo-quyệt đủ đường, cho nên người ta dễ mắc lừa lắm.

Nay V.M. đứng vào cái địa-vị chống Pháp, tất là có cái thanh-thế rất mạnh. Nếu họ biết đổi cái thái-độ hung tàn bạo ngược đi, và tìm cách thu dụng các đảng phái khác, để lập thành một khối, không khuynh hướng hẳn về Cọng sản, thì có cơ thành công được, nhưng bảo con chó sói trở nên con cừu, thì có thể được không? Dù sao, đối với viêc nước mình, V.M phải chịu cái tiếng 功 之 首 罪 之 魁 (Công chi thủ tội chi khôi = Công đứng đầu mà tội cũng đứng đầu). Đó là ý kiến riêng của tôi, còn các ông nghĩ thế nào tôi không biết.

Khi tôi ở Hương- cảng, ông Cousseau có cho tôi biết tin ông Oánh (18) bị Tây giết, tôi thương ông Oánh quá, có làm bài tuyệt- cú gửi về, nhờ ông đem điếu ông ấy:

Khóc bạn Nguyễn Băng Hồ
Đất khách mơ - màng những thở - than,
Mảng tin bác bị lũ hung tàn.
Ngắn dài giọt lệ lòng thương bạn,
Căm giận quân thù đã tím gan.

Ông Oánh sinh thời là một người trung hậu ngay chính, ở đời này thật là ít có. Chẳng may vì duyên nghiệp mà phải cái nạn tai bay vạ gió. Thôi [tr3] thì cũng là một cách ông ấy trả nợ nước.

Tôi muôn nhờ ông một tí việc, khi tôi đi, tôi còn một bản đánh máy tập Vũ trụ đại quân (19) gửi ông Oánh, nhờ ông thử hỏi nhà ông Oánh xem tập ấy có còn nữa không. Nếu còn, thì ông làm ơn giữ lấy cho tôi, kẻo công trình mất mấy năm trời mà mất đi, thì tiếc quá.

Nhờ ông nói với Khiêm, nhờ hắn đến qua chỗ nhà tôi ở Nhà Rượu (20), xem có ai coi giữ cái nhà đã bị đốt (21) đó không. Nếu có người coi, thì nhờ Khiêm thử vào trong nhà xem những sách vở có còn gì nữa, thì nhờ hắn nhặt đem về giữ lấy cho tôi. Còn cái nhà bên cạnh mà không hư hỏng lắm thì nhờ hắn xem có thể chữa sửa được không. Giá có thể chữa lại it nhiều rồi cho người ta tạm thuê để lấy tiền và cốt nhất là khi nào tôi có về được, mong còn có chỗ che sương che nắng.(Việc này không cần nữa, vì tôi đã gặp Khiêm ở đây rồi.) (22)

Ông có biết tin ông Bùi Kỷ23 bây giờ ở đâu không. Tôi về đây không có tin tức gì về đường nhà ông Bảng cả.

Nhà tôi và Chương24 đều có lời chúc ông bà được mạnh khoẻ. Tôi có lời thăm ông Hiền, Khiêm và Hoè và tất cả các bạn. Ông Hoè hôm ra Hà-nội có đến gặp tôi, nhưng vội quá, không viết được thư. Bây giờ ông Hoè ở đâu và làm gì?

Sau này ông có gửi thư cho tôi, nên để chờ khi nào có người chắc chắn vào đây, đưa đến cho tôi thì hơn. Không nên gửi người không được chắc chắn.
Nay kính thư
Trần Trọng Kim [tr4]

Chú thích :

1. 8/5/1947 : ngày viết thư. Một cơn gió bụi có ghi việc Cao uỷ Pháp là Bollaert ra Bắc : “ngày 8/5 mấy hôm trước khi ông Bollaert ra Bắc, ông Didier Michel hẹn đến gặp tôi”. Bức thư có lẽ được cụ Trần nhờ Didier Michel gửi hộ.

2. Ông Hãn: Chỉ Hoàng Xuân Hãn, nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục và Mỹ thuật của chính quyền Trần Trọng Kim trước Cách mạng tháng 8. Năm 1947 Hoàng Xuân Hãn còn đang ở Hà Nội.

3. Phan văn Giáo: Dược sĩ, chủ hiệu thuốc lớn ở Thanh Hoá, là nhà Tư sản nổi tiếng có tư tưởng thân Pháp. Bị bắt trong Cách mạng tháng 8, sau được thả ra. Sau năm 1945 tiến hành nhiều cuộc vận động để khôi phục chính thể quân chủ ở miền Nam.

4. Ngài : Chỉ vua Bảo Đại - Vĩnh Thuỵ, lúc này đã thoái vị. Sau được chính quyền cách mạng cử đi công cán Trung Quốc, thì ở lại không về và sang ở Hương Cảng. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd)

5. Bên ấy : Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra thì Trần Trọng Kim đang ở Huế. Bảo Đại thoái vị, ông về ở làng Tại Lại Thế gần thôn Vĩ Dạ, đóng cửa đọc sách không ra ngoài. Đầu năm 1946 thì về Hà Nội, không tham gia việc gì nữa. Sau khi Bảo Đại đi sang Trung Quốc, rồi ở lại không về. Cuối tháng 5/1946, quân Tầu Tưởng rút dần về nước. Tháng 6/1946, Trần Trọng Kim theo một số người của Quốc Dân đảng sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Bảo Đại, và gặp nhau ở Hương Cảng.

6. Cousseau : Quan cai trị, từng làm Công sứ ở nhiều tỉnh tại Bắc Kỳ, là người móc nối dàn xếp đưa Bảo Đại từ Hương Cảng về nước để thành lập chính phủ theo ý người Pháp. (Phạm Khắc Hoè. sđd)

7. D’argenlieu : Cao uỷ Pháp tại Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1947 thì về nước cho Bollaert sang thay. (sđd)

8. Trần Trọng Kim, sđd, tr166, 167...

9. hôm 6 tháng 2 tây : ngày Trần Trọng Kim về đến Sài Gòn. Một cơn gió bụi có ghi : “ngày 5 đến Sài Gòn, nhưng đến sáng mùng 6 mới lên bờ.”

10. ông Hiền : Luật sư Vũ Văn Hiền, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tài chính. Bị quân Pháp bắt giữ sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở Hà Nội cùng với Phạm Khắc Hoè, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xuân Chữ, ... sau được thả ra. (Phạm Khắc Hoè, sđd)

11. Khiêm : Có thể là Phạm Duy Khiêm, người cùng tham gia với Trần Trọng Kim soạn sách “Việt Nam văn phạm”.

12. Trần Trọng Kim lúc này đã không còn giá trị. Người Pháp muốn tách ông ra khỏi Bảo Đại để không thể gây ảnh hưởng, cản trở ý đồ thành lập một chính phủ theo ý muốn của người Pháp.

13. Thảo : Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), luật sư toà Thượng thẩm Sài Gòn, là một luật sư rất có uy tín, thường đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động cấp dưới, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Tư pháp, Phó chủ tịch hội đồng cố vấn chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Sau ra chiến khu tham gia thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ hoà bình Việt Nam, đi nhiều nước vận động chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, Uỷ viên trung ương mặt trận tổ quốc, Đại biểu quốc hội.

14. Hoè : Phạm Khắc Hoè, giữ chức Đổng chưởng lý văn phòng Ngự tiền của vua Bảo Đại. Sau này đi theo kháng chiến, bị Thực dân Pháp bắt đưa về miền Nam dụ dỗ quay trở lại phục vụ Bảo Đại không thành, phải thả ông ra ở Hà Nội, ông tìm cách trốn khỏi thành phố lên chiến khu, có viết tập hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”. Tập hồi ký này có nhắc đến việc ngày 16/4/1947, Phạm Khắc Hoè có đến chào từ biệt Trần Trọng Kim trước khi ra Hà Nội. Thư này viết sau khi Phạm Khắc Hoè đi Hà Nội gần một tháng (8/5/1947). (Phạm Khắc Hoè, sđd)

15. Sâm : Nguyễn Văn Sâm, Chủ tịch hội ký giả Nam Kỳ. Bị Thực dân Pháp an trí ở Sóc Trăng vì những hành động chống Pháp. Năm 1945, tham gia chính quyền Trần Trọng Kim, Hội viên hội đồng dự thảo Hiến pháp. Sau được phái đi làm Khâm sứ Nam Kỳ để tiếp thu Nam Kỳ được Nhật trao trả, chưa kịp thực hiện thì cách mạng tháng 8 bùng nổ. Là người tham gia thành lập Mặt trận quốc gia Việt Nam ở miền Nam, là thủ lĩnh đảng Việt Nam quốc dân độc lập, ông bị ám sát chết cuối năm 1947. (Nguyễn Quang Thắng, sđd)

16. Mặt trận quốc gia : Ngày 17-2-1947, Nguyễn Hải Thần, ông Nguyễn Tường Tam cùng một số nhân sĩ đã tiếp xúc với Bảo Đại và đã thành lập một Mặt Trận mệnh danh là Mặt Trận Quốc Gia nhóm tại Hương Cảng gồm: Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Dân Chủ Xã Hội Đảng, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn có mục đích lợi dụng Bảo Đại để tranh thủ độc lập nhưng Bảo Đại cũng như các nhà thực dân khác không chịu được sự "khó tính" của Mặt trận này nên đã gạt khéo Mặt trận ra ngoài và sau này, Bảo Đại về lập chính phủ chỉ có nhân viên của các nhóm tư bản và của đế quốc cộng tác mà thôi. Với những thành phần "Nam kỳ quốc" và bọn tay chân của đế quốc, Pháp tạo ra các chiêu bài độc lập, tính đánh lừa dân chúng Việt Nam nhưng đã thất bại. Nguyễn Văn Sâm chắc cũng tham gia trong mặt trận này.

17. Mặt trận kháng chiến : Chỉ Mặt trận kháng chiến của nhân dân miền Nam (?)

18. ông Oánh : Tức Nguyễn Quang Oánh (1888-1946), anh ruột Nguyễn Văn Ngọc (hiệu Ôn Như). Làm Thanh tra các trường Sơ học, Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, từng cùng Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ biên soạn sách Tiểu học Việt Nam văn phạm giáo khoa thư. Toàn quốc kháng chiến, ông bị giặc Pháp ập vào nhà bắn chết ngày 22/12/1946. (Trần Văn Giáp, sđd); Nguyễn Băng Hồ : Chỉ tên hiệu của ông Nguyễn Quang Oánh là Băng Hồ.

19. Vũ trụ đại quan : Một trong các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Kim. (Trần Văn Giáp, sđd)

20. Nhà Rượu : Trần Trọng Kim có nhà ở khu vực gần Nhà máy Rượu Hà Nội (phố Nguyễn Công Trứ). Tức là căn nhà 41 phố Hàng Chuối (Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb.Vĩnh Sơn, S., 1969)

21. “Cái nhà của tôi ở phố nhà Rượu cũng bị quân tự vệ đốt cháy. Thành ra bao nhiêu sách vở của tôi, có lắm quyển rất cổ rất quý, tích trữ trong mấy chục năm, đều hoá ra tro tất cả. Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì mà họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc vì Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức”. Trần Trọng Kim, sđd.

22. Tác giả tự đánh dấu, và ghi chú sang bên cạnh thư, nhắc việc này thôi vì đã nhờ được rồi.

23. Bùi Kỷ : Tức cụ Phó bảng Bùi Kỷ (1887-1960), Hội viên hội đồng cải cách giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim, cùng Trần Trọng Kim biên soạn nhiều tác phẩm : Truyện Thuý Kiều, Việt Nam văn phạm, Nho giáo. Chủ tịch Hội văn hoá kháng chiến liên khu 3, uỷ viên Hội Liên Việt liên khu, Chủ tịch hội hữu nghị Việt- Trung. (Trần Văn Giáp, sđd)

24. Chương : Luật sư Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao. (Trần Trọng Kim; Phạm Khắc Hoè, sđd).

24. Chương: Tên người, lúc đầu tôi chỉ tra cứu được 1 người tên Chương là Luật sư Trần Văn Chương, từng tham gia Nội các của chính quyền Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ trưởng bộ Ngoại giao. Đến hôm 9.2.2014, bài viết nhận được phản hồi từ bà Phạm Thị Lệ Hương, 1 Việt kiều Mỹ cung cấp thông tin sửa sai cho, tên Chương là tên con gái cụ Trần Trọng Kim, tức bà "Trần Thị Diệu Chương, vì trong thư Cụ Kim thường kêu các Cụ ngang tuổi là Ông… mà không nói tên trống không như thế này, vả lại Cụ viết “nhà tôi [tức là vợ của Cụ] và Chương đều có lời chúc ông bà…” thì chắc chắn phải là người trong gia đình Cụ. Con gái độc nhất của cụ tên là Trần Thị Diệu Chương, vẫn còn sống ở Pháp, năm nay cỡ 90 hay trên 90 tuổi 1 chút (ngang tuổi ông Bùi Diễm là con trai Cụ Bảng Bùi Kỷ là first cousin của bà Trần Diệu Chương, vì Cụ Bùi Kỷ là anh của Cụ bà Trần Trọng Kim).] Sở dĩ tôi dám quả quyết như thế này là vì tôi là người trong họ của Cụ bà Trần Trọng Kim, nên tôi đọc thư của Cụ Kim viết cho Cụ Hoàng Xuân Hãn tôi hiểu như thế. Tôi có hỏi thêm những người trong họ thì mấy nguời đó cũng nghĩ như tôi viết cho anh ở trên." (trích thư phản hồi của bà Phạm). Tôi xin sửa lại chú thích này theo ý kiến phản hồi của bà Phạm và xin trân trọng cám ơn bà.
_____________
.
Thư mục tham khảo
1.Lệ thần - Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, S,. 1969
2. Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, H,.1986
3. Nguyễn Quang Thắng, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. S,.1982
4. Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Hán Nôm II. H.,1987
5. La Sơn Yên Hồ - Hoàng Xuân Hãn. Nxb GD, H,. 1998 (2t)





"Chiếu thư" đầu hàng của Nhật hoàng đọc ngày 15/8/1945


"Chiếu thư" đầu hàng của Nhật hoàng đọc ngày 15/8/1945. Vì sĩ diện Vua Nhật không dùng từ "Chiếu thư đầu hàng" mà dùng từ "Chiếu thư kết thúc chiến tranh" (Chung chiến chiếu thư) tiếng Nhật: 大东亜戦争终结ノ诏书 Còn gọi là "Đình chiến chiếu thư"
.
Toàn bộ quân Nhật trên tất cả các chiến trường đều đã lập tức bỏ súng ngừng chiến đấu ngay sau khi nghe nhà vua đọc Chiếu thư này. Một số kẻ quá khích đã tự sát bằng súng hoặc tự mổ bụng.

Không có mô tả ảnh. 

tư liệu Hứa Hải Hoành

Một thân phận buồn! NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA NGUYỄN HỮU ĐANG - Phùng Quán

Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập

TTO - LTS: Nhiều bạn đọc đã yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm tư liệu về ông Nguyễn Hữu Đang, người trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, buổi lễ đơn giản mà trang nghiêm sẽ mãi mãi in dấu trong lịch sử Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu độc giả, TTO xin đăng lại nguyên văn bài viết "Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập" của nhà văn Phùng Quán.

Tôi là người viết văn nhưng lại đặc biệt say mê nghệ thuật kiến trúc. Đầu năm 1990, Đại hội kiến trúc sư toàn quốc, tôi có gửi một bức điện 300 chữ, chào mừng Đại hội. Mở đầu bức điện văn, tôi viết: “Nếu đất nước xây dựng một Đền đài Nghệ thuật, tôi xin được làm thủ từ. Ngày Lễ hội, tôi xin được trải chiếu để văn nghệ sĩ ngồi. Chiếu một tôi dành riêng cho các kiến trúc sư. Vì các anh chị là những người trước tiên đem lại vinh quang, niềm tự hào hoặc ô nhục cho xứ sở, bằng chính các tác phẩm kiến trúc của mình...”.

G528yonl.jpg

Lễ đài độc lập dựng giữa quảng trường Ba Đình, có công rất lớn của nhà tổ chức Nguyễn Hữu Đang. Ảnh: TƯ LIỆU

[Ở nhà tôi, ngoài hình ảnh](*) Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Đền Ăngco, Chùa Vàng Miến Điện, Cố cung, Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn... tôi có chừng vài chục tấm hình cắt ra từ các báo như Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Hà Nội Mới... chụp cảnh Lễ đài Độc lập với tổng thể vườn hoa Ba Đình trong ngày Mồng hai tháng Chín năm Một nghìn chín trăm bốn lăm.

Mỗi lần ngắm nhìn cái công trình kiến trúc mỏng mảnh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ - nếu chậm lại một giờ là hỏng - rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ. Lòng tôi dâng trào biết bao niềm cảm xúc và suy tưởng miên man ... về Tổ quốc và Nhân dân, về Cách mạng và Khởi nghĩa, về máu xương của lớp lớp anh hùng hào kiệt đã thấm đẫm giang sơn kể từ khi trên mặt đất xứ sở Việt Nam xuất hiện công trình kiến trúc mỏng manh này. Nó biến khỏi mặt đất, nhưng tầm vóc, hình dáng cùng với tổng thể kiến trúc của nó, đã tạc khắc đời đời vào ký ức của cả dân tộc...

Ba Đình nắng thu vàng rực rỡ, một biển người vừa bước từ đêm dài trăm năm nô lệ ra bình minh Độc lập Tự do, cờ hoa trong tay và câu hát trên môi... Người Hiệp sĩ vĩ đại của Nhân dân cùng khổ và hai triệu người chết đói, bước vào tuổi năm mươi lăm, râu đen, mắt sáng, lễ phục kaki... đứng trên lễ đài, mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng...”

Ai có thể tái tạo công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập cùng với tổng thể kì vĩ đó? Không một ai! Kể cả thánh thần... Theo ngu ý của tôi, Lễ đài Độc lập là cái cột mốc giữa đêm dài trăm năm nô lệ và bình minh của Độc lập Tự do của cả dân tộc. Kể từ khi trên mặt cỏ nắng Ba Đình mọc lên cái cột mốc này, số phận của cả dân tộc đã thay đổi, và số phận nhỏ bé, hèn mọn của cả thằng tôi cũng đã thay đổi. Từ một đứa trẻ chăn trâu mù chữ [tôi đã trở thành] một nhà văn... Cũng từ cái mốc kiến trúc mỏng manh này, cả dân tộc đã xuất phát, bước vào cuộc trường chinh sáng láng nhất, lâu dài nhất và dữ dội nhất của thế kỉ, với gánh nặng lịch sử trên vai: “Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”.

Ngắm nhìn một công trình kiến trúc như vậy, những người lính già dãi dầu chiến trận chúng tôi, làm sao không ứa lệ tự hào?

*

Vậy ai là tác giả cụ thể công trình kiến trúc Lễ đài Độc lập? Từ mấy chục năm nay, tôi luôn bị thôi thúc bởi niềm mong ước tìm hiểu cho ra. Nhưng cái khó bó cái khôn, và trong điều kiện và hoàn cảnh trắc trở của đời mình, tôi không sao thực hiện nổi niềm mong ước đó.

Thế rồi cách đây ba năm, tôi được một người bạn tặng tôi những tư liệu có liên quan đến sự kiện lịch sử mồng 2 tháng 9.1945 anh vừa tìm thấy trong Thư viện Quốc gia, Thư viện Bảo tàng Lịch sử, Viện Sử học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, và kho Lưu trữ Quốc gia. Trong số những bản sao chụp, có mấy tư liệu tôi đặc biệt chú ý:

Thư của Bộ tuyên truyền có tiêu đề VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ đề ngày 31.8.1945 gửi Thị trưởng Hà Nội, về việc tổ chức Ngày Độc lập (Đây là bản chính được đánh máy bằng giấy than đen trên giấy trắng, khổ rộng 130 mm X 210 mm, đóng dấu tròn với dòng chữ “Ngày Độc lập” và C.P.C.H.D.C. vòng quanh con dấu, một ngôi sao năm cánh ở giữa, nổi lên dòng chữ BAN TỔ CHỨC). Nội dung thư:

"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,

Bộ Tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2.9.1945 một “Ngày Độc lập”.

Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng, Ban tổ chức chúng tôi yêu cầu Ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ cho mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng Ngày Độc lập.

Kính thư,

Nguyễn Hữu Đang

Một thư khác của Ban Tổ chức “Ngày Độc lập” thuộc Bộ Thông tin và Tuyên truyền, đề ngày 31.8.1945. Hình thức và con dấu như trên. Nội dung thư:

"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,

Nhân “Ngày Độc lập”, chúng tôi yêu cầu Ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và hai bên những phố lân cận.

Còn về lễ chào Quốc kỳ, chúng tôi nhờ Ngài cho sửa soạn cho chúng tôi một chiếc cột cao 12 thước tây đủ cả giây và bánh xe (poulie); sẽ có chỉ thị về chỗ dựng cột cho phu toà Thị chính.

Kính thư,

Nguyễn Hữu Đang

Một thư khác, hình thức, tiêu đề và con dấu giống hai bức thư trên, với nội dung:

"Kính gửi ông Thị trưởng Hà Nội,

Muốn cho Ngày Độc lập tổ chức vào ngày 2.9.1945 tới đây được hoàn hảo, chúng tôi yêu cầu Ngài thông báo ngay cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình biết rằng Cụ nào trong nam giới hay nữ giới muốn đi dự lễ ấy sẽ đến họp ở Hội quán Khai trí hồi 13 giờ trước khi đi lên vườn hoa sau Sở tài chính.

Kính thư,

Nguyễn Hữu Đang

Sau khi đọc kỹ những tư liệu trên, tôi suy luận: ông Nguyễn Hữu Đang là Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập, vậy chắc ông phải biết ai là tác giả công trình kiến trúc Lễ đài. Cần phải tìm gặp ông để hỏi cho ra.

*

T0cL77Up.jpg
Chân dung Nguyễn Hữu Đang (ảnh chụp năm 1976, khi ông 63 tuổi) - Ảnh tư liệu

Nguyễn Hữu Đang thì tôi được biết mặt từ mấy chục năm trước, nhưng rất ít khi được chuyện trò với anh. Mỗi lần tôi được anh hỏi chuyện, tôi bối rối, sướng mê người, đầu không khiến mà chân cứ rụt về tư thế đứng nghiêm, như ngày còn làm trinh sát mỗi lần được Chính ủy Sư đoàn hỏi chuyện.

Tôi nghĩ bụng: Tôi là cái thá gì mà được một người như Nguyễn Hữu Đang hỏi chuyện? Nguyễn Hữu Đang, người tham gia hoạt động cách mạng từ khi tôi chưa đẻ; nhà hoạt động báo chí công khai của Đảng cùng thời với Trường Chinh, Trần Huy Liệu; một trong những người tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng thời với Phan Thanh, cụ Nguyễn Văn Tố. Một trong những người sáng lập và tổ chức Hội Văn hoá Cứu quốc cùng với Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi. Và cuối cùng là Trưởng ban Tổ chức ngày Đại lễ của đất nước: 2-9-1945.

Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại còn có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. - “Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó?”. “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch đã in sai nhiều quá”.

Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó không?”

Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể tôi muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết. Tôi nói khó với vợ: “Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này; lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang...” “Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”. “Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá... đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mình...”. “Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”. “Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”.

Vợ tôi đành trao cho tôi nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhẫn nhịn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào một việc không đâu! Tôi vội nhét mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.

Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp... Sáng 26 Tết, tôi có mặt tại thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở Văn hóa và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ: “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó...”.

Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó nổi tiếng, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt chó luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ bật dậy nói với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”.

Anh bạn trẻ đi đến gặp anh ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “Cám ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ có làm công tác ở đâu không ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội... về hưu đã gần chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc để biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...”.

Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương... cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về đó cũng vất vả đấy...”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy [cách đây mấy năm ông Đang này tự tiện đi] sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về...”.

Tôi tỏ ý sợ hãi gãi đầu gãi tai: “Chà... biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... đem tiền về trả lại thôi...”. Anh cán bộ xuê xoa: “Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào li rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...

*

Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường cũng như bớt xa... Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp I, II xã Vũ Công – nơi anh Đang tá túc – tôi vào cái quán bên đường uống ly rượu cho ấm bụng. Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà Nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu tràn ly và nói: “Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đấy, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tằn tiện khét tiếng cái xã Vũ Công này. Mới cách đây dăm hôm, ông ấy đèo sau xe cái giỏ tre ràng buộc rất kỹ. Ông ấy kể với tôi tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phè phè bò vào nhà mình. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên chợ bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá...”.

Tôi bật cười: “Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mini những mười mấy cây số để đổi lấy mấy lạng mỡ lá... Vui thật! Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt hiện ra trong trí nhớ tôi: Cuộc đời vui quá không buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm ly rượu nữa, giọng hào hiệp: “Ly này tôi đãi cụ!... Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ tam xà!”. Tôi cười ngất.

Anh Đang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi: “Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết...”. Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra sát sau lưng anh.

Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như vòng cùm sắt; chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng hình chữ C viết nghiêng...

Tôi chợt nhớ cách đây rất lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể. Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất kì một nhà tư sản Hà Nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng...

Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ, không con, không cửa không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ - chẳng hiểu để làm gì – như người bõ già trong truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên... Miên man nghĩ như vậy và tôi bật phì cười...

“Anh Đang!”, tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt, răng vàng sỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng... “Phùng Quán! Chú về đây từ lúc nào thế?”. Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ...

*

Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai.

Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu – trâu gõ mõ, chó leo thang – anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém... Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ cô độc.

Chính giữa gian chái kê cái tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như khoá nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp quần áo cũ làm gối.... Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Anh nói, giọng Lão Trang: “Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn hai chân nó là một con người”. Trên mặt bàn xếp kín các chai lọ, vỏ đồ hộp, vài con dao làm bằng mẩu [thép vụn.

Anh chỉ vào vài cái "hòm" được xếp bằng những viên gạch vỡ, như] thuyết minh viên giới thiệu hiện vật trong bảo tàng nghệ thuật: “Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ, sức nặng và độ bền của nó làm cho các loại chuột, mối, dán phải vị nể”. Bây giờ tôi mới hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì. Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ... Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lớp bụi tro...

Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. Anh giải thích: “Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang – anh cười - Chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng. Trong việc dở nào cũng có việc hay, và ngược lại”. “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn”. “Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam hẳn hoi, quà của Hội Nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái... Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”.

Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khoá tủ tìm chai rượu. Tôi liếc nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách... ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa: “Đây rồi! Bây giờ già hoá ra lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quí tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quí cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quí”.

Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: “Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà [vợ em ở nhà khi em hút xong, cô ấy] phải dọn nhặt đem đốt”. Anh kêu lên: “Thế có tiếc không! Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô, có vỏ bao thuốc lá ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy...”. “Hàng đối lưu?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Để tôi dọn cơm cho ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học”.

Tôi ngắm nhìn căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi: “Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?”. “Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó một thời gian. Nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai ba tạ thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết, Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà Nội biếu các chú... Khi bắt tay vào việc dịch thuật lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu ầm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn”.

Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ dán. “Đây là bàn ăn – anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng – Còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân mình nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt như thế này mà đem quẳng bụi tre... Tôi nhặt về, cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”.

Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào một đĩa, giới thiệu thực đơn: [“Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái. Nhờ ăn] thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khoẻ, còn khoẻ hơn cả chú”.

Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn mất một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc. “Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường bỏ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh tuý của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm”.

“Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?”, tôi hỏi. “Ấy chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp. Mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi đều nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc, nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái. Các loại khác 2 cóc, 3 nhái. Bởi vậy tôi mới nói là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp… Hôm nào chú về tôi gửi biếu cô, chú Cung, mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!”.

Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi: “Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây, vào lúc tết nhất sắp đến nơi?”. “Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà Nội, chúng em rất lo. Không biết anh ốm đau gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khoẻ mạnh, em rất mừng… Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi gì lại cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được…”.

Tôi lấy đưa anh xem số tài liệu liên quan đến ngày Đại lễ mồng 2 tháng 9 năm 1945, vừa sao chụp: [“Em suy luận ra anh là Trưởng] ban Tổ chức Ngày Độc lập như trong tư liệu hiện còn giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỉ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất… mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin”.

*

Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành… Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:

“Thấm thoắt thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua… Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8… Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một… Năm đó tôi bước vào tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào…

Hôm đó, tôi có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ chụp lấy tay tôi, nói: “Anh vào ngay đi, cụ Hồ đang đợi anh trong đó”. Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ.

Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách.

Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”.

Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.

“Như chú biết đấy - giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông Cụ động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kì tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”.

Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: “Chú còn cần gì nữa?”. “Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “Quyền gì, chú cứ nói đi!”. “Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...”. “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn – anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa rồi kể tiếp - Nội dung như sau: Ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng tít thật lớn chạy hết trang báo.

Sáng hôm sau, đồng bào tập hợp trong ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận: “Biết bao anh hùng, liệt nữ đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, đâu có lấy giấy biên nhận“, họ nói vậy. Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt tại đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó?

Một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là hoạ sĩ Lê Văn Đệ (1). Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay hoạ sĩ, nói: “Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể... Nói ví dụ nếu như không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần một kiến trúc sư phối hợp với anh”.

Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề, từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (2), cùng hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải cuộn giấy can cầm sẵn trên tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát v.v... Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức.

Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh: “Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh. [Các anh cần gì, chúng tôi] sẽ lo chạy đầy đủ, Hiện nay chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ (3), cần dùng bao nhiêu các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 9, tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.

Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như Cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng hai tháng Chín tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

*

“Ông Đang ơi! Ông Đang ơi!”, tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé chạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “Các cháu định đổi như thế nào?”. “Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”.

“Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói và dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác, “mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi, thì ông cũng đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi”. Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm lấy cái vỏ bao xem lại, cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.

Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào chú sẽ [khoẻ, bơi qua sông không cần phà] Tân Đệ”.

*

Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỉ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện nay tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây... Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo Tuyên ngôn Độc lập Cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu... Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản Tuyên ngôn, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng ... như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo tàng Lịch sử, không có bản thảo Tuyên ngôn Độc lập ... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đem coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”...

Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp: “Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không?”. Không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột rà máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”.

Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”

Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là bị cảm... Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:

...Mặt va giông chớpRạc mái phong lưuGót nhọc men về thung cũQuỳ dưới chân quêTrăm sự cúi đầuXin quê rộng lượngChút thổ phần bò xéo cuối thôn.

PHÙNG QUÁN - Tháng 12.1992 (4)

Phần viết thêm

Nấn ná mãi, sáng 29 Tết tôi phải rời thôn Trà Vy trở về Hà Nội. Đạp xe ngược gió trên con đường đất sống trâu dọc bờ sông Máng, tôi bỗng thấy lạnh kinh khủng. Hai ba lần, tôi ngoái lại nhìn làn khói mỏng trên cái chái bếp, bên dưới làn khói đó là một bậc hào kiệt của đất nước đang ngồi trầm tư vì thế sự giữa một đống giẻ rách, dép lốp đứt quai, đinh còng queo, chai lọ bụi bám đầy, những cái vỏ lon bia, những mẩu sắt han rỉ chẳng biết để làm gì. Hai mắt tôi tự nhiên cay lệ. Tôi chỉ muốn quay xe lại với anh nhưng sợ anh mắng. Từ chiều hôm qua, anh giục tôi suốt: "Sáng mai chú phải về. Tết nhất đến nơi. Chú không thể để cô ấy cúng tất niên một mình như cảnh nhà những người góa bụa cô đơn…"

Đăm đăm nhìn anh, tôi tự hỏi: "Trên thế gian này, không còn ai cô đơn hơn anh?". Tôi khẩn khoản: "Anh cùng về Hà Nội với em, ăn Tết cùng với nhà em, anh Cung có vui hơn không?". "Chú cứ về trước đi, chậm lắm sáng mồng hai Tết, tôi sẽ có mặt ở nhà chú hoặc ở nhà chú Cung". "Nhưng anh còn vướng víu gì ở đây mà không về cùng với em được?". "Chuyến này lên Hà Nội tôi sẽ ở lại. Tôi muốn tìm gặp lại anh em thời Truyền bá quốc ngữ xem ai còn ai mất, liên hệ với những anh em hiện đang sống ở nước ngoài như Hoàng Xuân Hãn. Ông ta có công lớn lắm đấy. Ông được Hội giao soạn thảo học chữ quốc ngữ theo lối mới, làm sao cho dễ học, dễ thuộc, dễ nhớ và ông đã soạn thảo rất thành công. Tài tình nhất là ông đã vần vè hoá được cách nhận diện các chữ cái :

i tờ giống móc cả haii ngắn có chấm, tờ dài có ngang

hoặc :

o tròn như quả trứng gàô thì đội mũ, ơ là thêm râu

Tôi ngạc nhiên: “Hồi còn giữ trâu ở làng quê, em học truyền bá quốc ngữ cũng thuộc lòng những câu vần vè đó. Nhưng em thật không ngờ tác giả của nó lại là nhà toán học nổi danh Hoàng Xuân Hãn”. “Đó chính là tấm lòng thương nước, thương dân của người trí thức chân chính”. Anh nói thêm: “Tấm lòng của họ đối với nước, với dân trong suốt như thuỷ tinh, không gợn chút bọt đặc quyền đặc lợi. Lần này lên Hà Nội, tôi có một mục đích là tổ chức một cuộc găp gỡ những người trước đây tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ. Chúng tôi sẽ ôn lại hồi ức và viết hồi ký. Mà muốn làm như vậy thì phải có

................................................

Chú thích:

(*): Bản in này căn cứ vào bản thảo 19 trang viết tay của Phùng Quán. Một vài trang chụp thiếu một hai dòng chót. Chúng tôi phải khôi phục lại đoạn câu bị mất nhưng vẫn để trong ngặc vuông (chú thích của NXB Văn Nghệ)

(1): Họa sĩ Lê Văn Đệ (theo tạp chí Bách Khoa Sài Gòn 1963) sang La Mã, được phong hoạ sư, được chính Giáo hoàng Pie XI giao cho trang hoàng điện Vatican (chú thích của tác giả)

(2): Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sau này có thời là Thứ trưởng Bộ Xây dựng (chú thích của tác giả)

(3): Số len này lấy được ngày 19-8-1945, khi tấn công chiếm Trại lính khố đỏ ở phố Hàng Bài (chú thích của tác giả)

(4): Năm 1993, ông Nguyễn Hữu Đang đã được cấp nhà ở Hà Nội và được hưởng lương hưu. Bài viết này giúp độc giả hiểu thêm về một chi tiết cụ thể của lịch sử Cách mạng tháng Tám và tấm lòng nhà văn Phùng Quán (chú thích của NXB Văn Nghệ)

(**) Bài viết trên được Phùng Quán viết xong tháng 12.1992, đến tháng 1.1995, trong lúc nằm trên giường bệnh, chưa hài lòng với những gì đã viết, Phùng Quán viết thêm bằng bút chì trong tư thế nằm ngửa viết lên giấy đặt dưới tấm ván treo úp xuống trước mặt ở đầu giường. Đây chính là những dòng cuối cùng của Phùng Quán. Di cảo do bà Vũ Thị Bội Trâm, vợ nhà văn Phùng Quán cung cấp.

PHÙNG QUÁN - Tháng 12.1992 (4)
-------------------------------------------
Bài dưới đây trên fb của Huong Vu (nguyên văn và còn thiếu so với Tuoitre

Một thân phận buồn !

NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI CỦA NGUYỄN HỮU ĐANG*
Bài của Nhà văn Phùng Quán

Cách đây khoảng mười lăm năm, anh từ cao nguyên Hà Giang trở về, tá túc tại quê nhà. Hàng năm vào dịp giáp Tết, lại thấy anh đáo lên Hà Nội trên chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô (cũ). Anh mang đến cho mấy bạn cũ mỗi người một cân gạo nếp. Một lần tôi cũng được anh cho một cân. Tôi cảm động và ngạc nhiên hỏi anh: “Anh kiếm đâu ra gạo nếp mà cho chúng em thế?”. Anh cười: “Mình sống ở nông thôn cũng phong lưu ra phết. Không những có gạo nếp biếu bạn, lại còn có cả thóc và rơm cho nông dân vay”. - “Hiện nay anh đang làm gì ở dưới đó?”. “Mình nghiên cứu Lão Trang và dịch lại cuốnLịch sử Đảng Cộng sản Liên xô qua bản tiếng Pháp. Đối chiếu thấy bản dịch đã in sai nhiều quá” .

Hai năm trở lại đây không thấy anh lên Hà Nội nữa. Mấy anh em quen cũ chúng tôi hỏi nhau: “Không biết anh Đang có gặp chuyện gì trắc trở dưới đó không?”

Nỗi lo lắng này thường xuyên ám ảnh tôi. Nhân thể tôi muốn tìm hiểu về công trình Lễ đài Độc lập, năm đó tôi nhất quyết phải về thăm anh, mặc dầu đã gần giáp Tết. Tôi nói khó với vợ: “Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này; lấy tiền tàu xe, ăn đường, về Thái Bình tìm thăm anh Đang...” “Nhưng tết nhất đến nơi rồi, chờ ra giêng anh đi có được không?”. “Anh bỗng nhiên thấy nóng ruột quá... đợi đến ra giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại một thân một mình...”. “Anh có biết địa chỉ của anh Đang không?”. “Anh chỉ biết anh ấy ở Thái Bình, địa chỉ cụ thể thì không biết”. “Cả cái tỉnh Thái Bình rộng mênh mông với hơn hai triệu dân, không có địa chỉ cụ thể làm sao anh tìm được?”. “Trời đất! Một người như anh Nguyễn Hữu Đang thì anh tin rằng về dưới đó hỏi đứa con nít nó cũng biết”. Vợ tôi đành trao cho tôi nửa số tiền lương hưu tháng cuối năm vừa lĩnh, với vẻ mặt nhẫn nhịn của người vợ phải trao cả một nửa sản nghiệp cho chồng tiêu hoang vào một việc không đâu! Tôi vội nhét mấy tờ giấy bạc vào túi, nhảy lên xe đạp, cắm đầu đạp thẳng ra ga vì sợ vợ thay đổi ý kiến.

Vừa đi tàu, vừa ô-tô, xe đạp... sáng 26 Tết, tôi có mặt tại thị xã Thái Bình. Để đỡ bớt thì giờ tìm kiếm, tôi hỏi đường đến Sở văn hoá và Hội văn nghệ tỉnh, hỏi địa chỉ của anh. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy nhiều anh chị em cán bộ ở hai cơ quan này không biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Có vài người biết nhưng lại rất lơ mơ: “Hình như ông ta ở Quỳnh Phụ, Kiến Xương hay Tiền Hải gì đó...”. Ở Hội văn nghệ tỉnh, tôi làm quen với một nhà thơ trẻ. Khi biết rõ ý định của tôi, anh hăng hái nói: “Cháu sẽ đưa chú ra cái quán thịt chó, ở đó thường có mấy anh cán bộ về hưu, (chắc sẽ hỏi ra”. Đến quán thịt chó, tôi đành móc) số tiền còm cõi trong túi, gọi một đĩa thịt chó luộc và hai chén rượu cho phải phép. Đợi chừng nửa tiếng, có một người đứng tuổi để chiếc xe cúp trước cửa, đi vào quán. Nhà thơ trẻ bật dậy nói với tôi: “Ông này ở cơ quan an ninh tỉnh, hỏi chắc biết”. Tôi vội níu tay anh lại, dặn nhỏ: “Cậu đừng giới thiệu mình là ai, sẽ rách việc”. “Biết rồi, biết rồi, chú không phải dặn”. Anh bạn trẻ đi đến gặp anh ta, nói cái gì đó, và chỉ tay về phía tôi. Anh cán bộ an ninh tươi cười bắt tay tôi, ngồi đối diện và niềm nở hỏi: “Xin lỗi cụ, năm nay cụ hưởng thọ bao nhiêu tuổi ạ?”. Tôi đoán chắc anh ta thấy tôi ăn vận nhếch nhác – áo quần bà ba nâu, chân dép lốp – râu tóc bạc trắng, nên hỏi vậy. Tôi liền nói phứa lên: “Cám ơn đồng chí – tôi cười – cũng thất thập cổ lai hi [4] rồi đồng chí ạ”. “Trước cụ công tác ở đâu ạ?”. “Tôi làm thường trực cho một cơ quan thương nghiệp trên Hà Nội... về hưu đã gần chục năm rồi”. “Cụ là thế nào với ông Nguyễn Hữu Đang ạ?”. “Tôi có quen biết gì ông ta đâu. Thậm chí cũng chưa biết mặt. Chẳng là ở tổ hưu của tôi có một cụ nghe đâu hồi bí mật cùng hoạt động với ông ta. Biết tin tôi về thăm đứa cháu họ công tác giáo viên ở Quỳnh Côi, ông cụ gửi tôi mười ngàn bạc để biếu ông ấy, mà giao hẹn phải đưa tận tay. Tôi tưởng ông ấy ở thị xã, hỏi loanh quanh mãi không ai biết...”.Anh cán bộ cười: “Ông ấy đâu có ở thị xã. Hiện ông ấy đang ở thôn Trà Vỵ, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương... cách đây gần hai chục cây số. Ngược gió này mà cụ đạp xe về đó cũng vất vả đấy...”. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh cán bộ trở nên cởi mở: “Nói để cụ biết, trước kia cái ông Đang ấy cũng là người hoạt động cách mạng có tên tuổi... Nhưng rồi ông ta giở chứng, làm báo làm văn chống đối Đảng và Nhà nước, bị xử phạt 15 năm tù ngồi, đưa lên giam trên trại tù Hà Giang. Mãn hạn tù, ông ta xin về cư trú tại quê quán. Tuy vậy (cách đây mấy năm ông Đang này tự tiện đi) sang Nam Định không có giấy đi đường, đến nhà một đối tượng mà công an đang theo dõi. Công an hai tỉnh liền phối hợp, hỏi giấy tờ đi đường của ông ta, rồi bắt giam giữ bốn tháng ở nhà lao hai tỉnh để cảnh cáo, và tổ chức khám nhà. Sau đó thả cho về...”. Tôi tỏ ý sợ hãi gãi đầu gãi tai: “Chà... biết rắc rối thế này thì tôi chẳng gặp ông ấy nữa... đem tiền về trả lại thôi...”. Anh cán bộ xuê xoa: “Không sao đâu cụ ạ, chính sách của ta bây giờ là đổi mới tư duy. Nghe đâu trên cũng đang sửa soạn cho ông ấy được hưởng lương hưu. Nếu cụ muốn về thăm ông ấy, cứ việc về. Tôi sẽ chỉ đường cho cụ”. Anh cán bộ chấm ngón tay vào li rượu, vẽ lên mặt bàn, chỉ vẽ cho tôi rất cặn kẽ con đường từ thị xã về chỗ anh Đang tá túc. Tôi đứng lên rối rít cảm ơn anh...

*Con đường đá mười mấy cây số chi chít ổ gà. Gió cuối đông buốt như kim châm táp thẳng vào mặt. Nhưng vừa đạp xe tôi vừa nghĩ ngợi miên man về sự thăng trầm của những kiếp người tình nguyện dấn thân vì nghĩa lớn, nên con đường cũng như bớt xa... Đến chỗ ngã ba rẽ vào trường phổ thông cấp I, II xã Vũ Công – Nơi anh Đang tá túc – tôi vào cái quán bên đường uống li rượu cho ấm bụng. Ông cụ chủ quán khi biết tôi từ Hà Nội về tìm thăm anh Đang, rót rượu tràn li và nói:“Ông ấy thỉnh thoảng vẫn ngang qua đấy, tôi đều mời vào uống nước. Ông ấy tằn tiện khét tiếng cái xã Vũ Công này. Mới cách đây dăm hôm, ông ấy đèo sau xe cái rỏ tre ràng buộc rất kỹ. Ông ấy kể với tôi tối qua bắt được con rắn gì dữ lắm, phun phè phè bò vào nhà mình. Định làm thịt ăn nhưng tiếc, chở lên chợ bán cho một tay buôn rắn độc, kiếm lấy mấy nghìn mua mấy lạng mỡ lá...”. Tôi bật phì cười: “Ông ấy bây giờ lại thêm cái tài bắt rắn độc, mà mất công đạp xe mini những mười mấy cây số để đổi lấy mấy lạng mỡ lá... Vui thật! Tôi có người bạn làm thơ tên là Tuân Nguyễn, chết lâu rồi, làm câu thơ nghe thật vô nghĩa, nhưng cứ bất chợt hiện ra trong trí nhớ tôi: Cuộc đời vui quá không buồn được!”. Ông chủ quán rót thêm li rượu nữa, giọng hào hiệp: “Li này tôi đãi cụ!... Mà khổ, ông ấy có bán được đâu. Chiều tối ông ấy đạp xe về phàn nàn: nó không chịu mua, nó bảo loại rắn này không nằm trong bộ tam xà!”. Tôi cười ngất.

Anh Đang ở gian đầu hồi cái nhà bếp của khu tập thể giáo viên, trước mặt là ao cá Bác Hồ của xã. Đứng bên kia bờ ao, một cô giáo chỉ cho tôi: “Bác ấy đang ngồi ở bậc cầu ao kia kìa! Đang cọ rửa cái gì mà chăm chú thế không biết...”. Tôi dắt xe đạp qua sân trường, vòng ra sát sau lưng anh. Anh đang dùng nắm rơm cọ rửa những viên gạch vỡ đôi, xếp thành chồng cao cạnh chỗ ngồi. Tôi đứng lặng nhìn anh. Đầu anh đội cái mũ cối méo mó, khoác cái ruột áo bông thủng be bét, quần lao động màu cháo lòng, hai ống chân ôm vòng hai dây cao su đen nom như vòng cùm sắt; chắc hẳn để nhét hai ống quần vào đó chống rét, lưng anh khòng hình chữ C viết nghiêng... Tôi chợt nhớ cách đây rất lâu, tôi được nghe những người cùng thời với anh kể. Hồi Mặt trận Bình dân, Nguyễn Hữu Đang là cán bộ Đảng được cử ra hoạt động công khai, ăn vận sang trọng như công tử loại một của Hà thành, thắt cà vạt đỏ chói, đi khắp Trung Nam Bắc diễn thuyết, oai phong, hùng biện, tuyên truyền cách mạng... Mỗi lần cách mạng cần tiền để hoạt động, Nguyễn Hữu Đang có thể đến bất kì một nhà tư sản Hà Nội nào giàu có, vay vàng, tiền. Mà những người này trao vàng, tiền cho anh đều không đòi hỏi một thứ giấy tờ gì, vì họ tin sâu sắc rằng trao vàng, tiền cho anh là trao tận tay cho cách mạng... Và bây giờ, anh ngồi đó, gần tám chục tuổi, không vợ, không con, không cửa không nhà, lưng khòng chữ C viết nghiêng, tỉ mỉ cọ rửa những viên gạch vỡ - chẳng hiểu để làm gì – như người bõ già trong truyện „Hương cuội“ của Nguyễn Tuân cọ rửa những viên cuội trắng để tẩm kẹo mạch nha vào dịp tất niên... Miên man nghĩ như vậy và tôi bật phì cười... “Anh Đang!”, tôi nghẹn ngào gọi. Anh quay lại, chớp chớp mắt, răng vàng sỉn, cùn mòn gần nửa vì năm tháng... “Phùng Quán! Chú về đây từ lúc nào thế?”. Hai anh em chúng tôi ôm chặt nhau giữa bậc cầu ao. Và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ...

*
Cái chái bếp căn hộ độc thân của anh rộng chỉ khoảng 5 mét vuông, chật kín những tư trang, đồ đạc. Mấy cây sào ngọn tre gác dọc ngang sát mái, treo vắt cả chục cái khăn mặt rách xơ như giẻ lau bát, áo may-ô thủng nát, quần lao động vá víu. Cạp quần đeo lủng lẳng một chùm lục lạc làm bằng vỏ hộp dầu cao Sao vàng xuyên thủng, buộc dây thép, bên trong có hòn sỏi nhỏ. Đụng vào, chùm lục lạc rung lên leng keng, nghe rất vui tai. Sau đó tôi được anh giải thích tác dụng của chùm lục lạc: Đi lại trong đường làng những đêm tối trời, anh thường bị cánh thanh niên đi xe đạp, xe máy phóng ẩu đâm sầm vào, làm anh ngã trẹo tay, sầy gối. Học tập sáng kiến của đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc, treo mõ vào cổ trâu –trâu gõ mõ, chó leo thang – anh Đang chế chùm lục lạc đeo vào cạp quần, báo hiệu có người để họ tránh xe. Tác dụng thứ hai, quan trọng không kém... Mỗi lần đạp xe trên đường vắng, nghe tiếng lục lạc loong coong ngang thắt lưng, tự nhiên cảm thấy đỡ cô độc. Chính giữa gian chái kê cái tủ gỗ tạp nhỏ, hai cánh mọt ruỗng không khép kín được, khoá một chiếc khoá lớn như khoá nhà kho. Trên nóc tủ, xếp một chồng mũ cối, mũ vải, mũ lá mà ở Hà Nội người ta thường quẳng vào các đống rác. Cạnh tủ là một cái giường cá nhân, bốn chân giường được thống cố thêm bốn chồng gạch. Trên giường một đống chăn bông trần rách thủng, và một xấp quần áo cũ làm gối.... Sát chân giường kê chiếc bàn xiêu vẹo chỉ có hai chân, hai chân kia được thay bằng hai sợi dây thép buộc treo vào tường. Anh nói, giọng Lão Trang: “Một cái bàn bốn chân là một con vật. Khi nó chỉ còn hai chân nó là một con người”. Trên mặt bàn xếp kín các chai lọ, vỏ đồ hộp, hai (... mất nửa dòng...) vài con dao làm bằng mẩu (... mất một dòng...) thuyết minh viên giới thiệu hiện vật trong bảo tàng nghệ thuật:“Nó là loại gạch nung rất già, gần đạt tới tiêu chuẩn của sành sứ cổ, sức nặng và độ bền của nó làm cho các loại chuột, mối, dán phải vị nể”. Bây giờ tôi mới hiểu anh cọ rửa những viên gạch vỡ để làm gì. Dưới gầm bàn là mấy chục đôi dép cao su hư nát, đứt quai, được bó thành từng bó, hai cái vại muối dưa rạn nứt, sứt miệng, một đống bản lề cửa, sắt vụn, đinh còng queo, mẩu dây thép han rỉ... Tất cả những đồ lề đó, phủ lên một lớp bụi tro... Lúc tôi bước vào, gian buồng mờ mịt khói. Anh giải thích: “Giờ này các cô giáo nấu ăn. Bếp tập thể ở sát bên kia tường. Tôi đã trộn rơm với bùn trát những khe hở sát mái, nhưng khói vẫn cứ lọt sang – anh cười - Chịu khói một chút nhưng cũng có cái lợi. Thỉnh thoảng lại được ngửi mùi xào nấu lẫn với khói, cái mũi được bồi dưỡng. Trong việc dở nào cũng có việc hay, và ngược lại”. “Để em đạp xe ra chợ mua cái gì về ăn”. “Thôi khỏi cần. Chú về chơi hôm nay là rất gặp may. Sáng nay tôi vừa chế biến được một mẻ thức ăn ngon vô địch. Chú nếm rồi sẽ biết. Cơm cũng có sẵn rồi. Tôi mới nấu lúc sáng, ủ vào lồng ủ rơm, còn nóng nguyên. À, tôi lại có cả rượu cho chú, rượu cam hẳn hoi, quà của Hội Nhà văn gửi biếu vào dịp Tết năm ngoái... Tôi chỉ mới mời mấy thầy giáo mấy chén, còn đủ cho chú say sưa suốt mấy ngày ở chơi”. Anh xăng xái lấy chùm chìa khoá buộc chung với chùm lục lạc, mở khoá tủ tìm chai rượu. Tôi liếc nhìn vào mấy ngăn tủ. Những xấp quần áo cũ nát để lẫn với những chồng báo, giấy má, sách... ố vàng. Ngăn dưới cùng để rất nhiều chai lọ, vỏ đồ hộp, vỏ lon bia, và nhiều chồng các loại bao thuốc lá. Anh lúi húi tìm một lúc khá lâu mới lôi ra được chai rượu cam còn già nửa: “Đây rồi! Bây giờ già hoá ra lẩm cẩm. Để chỗ này lại tìm sang chỗ kia”. Tôi cười, nói: “Nhìn anh, em cứ tưởng là một nhà quí tộc Nga thời Sa Hoàng, tự tay tìm chọn loại rượu quí cất giữ một trăm năm trong hầm rượu, để đãi khách quí”. Tôi chỉ những chồng vỏ bao thuốc lá, hỏi: “Anh chơi sưu tập vỏ bao thuốc lá à? Thế mà em (... mất một dòng...) vì phải dọn nhặt đem đốt”. Anh kêu lên: “Thế có tiếc không! Lần này chú về trên đó nhớ dặn cô, có vỏ bao thuốc là ngoại cứ cất giữ cho anh Đang, càng nhiều càng tốt. Nó là hàng đối lưu của tôi đấy...”. “Hàng đối lưu?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Để tôi dọn cơm cho ăn rồi tôi giảng cho chú nghe thế nào là hàng đối lưu. Tôi xem ra chú mù tịt về môn kinh tế chính trị học”. Tôi ngắm nhìn căn hộ độc thân đầy khói của anh, hỏi: “Hơn mười lăm năm qua anh vẫn sống ở gian buồng này à?”. “Ngày tôi mới về xã, tôi sống ở trại lợn của Hợp tác xã. Chẳng là cán bộ xã cũng thông cảm hoàn cảnh khó khăn của tôi, nên đề nghị tôi ra đó trông coi giúp như nhân viên thường trực của trại. Ở đó một thời gian. Nhà kho cũng thoáng mát, tôi có thể ăn ở, đọc sách, viết lách kết hợp với trông coi trại. Mỗi mùa hợp tác xã trả công điểm mấy chục cân thóc, mấy chục cân rơm làm chất đốt. Số thóc, rơm này tôi không phải dùng đến, trong mấy năm tiết kiệm được hai ba tạ thóc, hai trăm sáu chục cân rơm cho bà con vay. Ngoài ra, vào dịp tết, Hợp tác xã bồi dưỡng thêm ít thóc nếp, đem lên Hà Nội biếu các chú... Khi bắt tay vào việc dịch thuật lại cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, tiếng lợn kêu âm ĩ quá làm tôi mất tập trung tư tưởng, nên phải xin thôi công việc trông coi trại, chuyển về đây để được yên tĩnh hơn”.

Anh lôi dưới gầm giường ra một cái xô tôn thủng đáy, đặt lên miệng xô tấm gỗ dán. “Đây là bàn ăn – anh giới thiệu và vần tiếp ra hai cái vại muối dưa sứt miệng – Còn đây là ghế ngồi. Bà con nông dân mình nghèo mà phí phạm thế đấy. Hai cái vại còn tốt như thế này mà đem quẳng bụi tre... Tôi nhặt về, cọ rửa sạch sẽ, lật đít lên, làm thành cái ghế ngồi vừa vững chãi lại vừa mát. Chú ngồi thử mà xem, có khác gì ngồi trên đôn sứ đời Minh?”. Anh dọn ra hai cái đĩa, rồi chọn trong hai cái bát hương đậy viên gạch vỡ gắp ra năm sáu viên gì đó tròn tròn, đen xỉn, nom rất khả nghi. Anh chỉ vào một đĩa, giới thiệu thực đơn: (“Đĩa này là chả cóc, đĩa này là chả nhái. Nhờ ăn) thường xuyên hai thứ đặc sản này mà tôi rất khoẻ, còn khoẻ hơn cả chú”. Anh nhắc trong cái rổ phủ đầy rơm để ở góc nhà, xoong cơm đã ăn mất một góc mà anh giới thiệu vẫn nóng nguyên. Nói đúng hơn là một thứ cháo rất đặc, có thể xắn thành từng miếng như bánh đúc. “Ba năm trở lại đây, tôi phải ăn cơm nhão, nếu ăn cơm khô thì bị nghẹn. Tôi nấu cơm với nước vo gạo nên rất bổ. Chẳng là các cô giáo thường bỏ phí nước vo gạo. Tôi đưa cho các cô cái chậu, dặn đổ nước vo gạo vào đấy cho tôi, để tôi chắt ra nấu lẫn với cơm. Tinh tuý của gạo nằm trong nước vo, bỏ đi thật phí phạm”. “Nhưng cóc nhái đâu ra mà anh bồi dưỡng được thường xuyên thế?”, tôi hỏi. “Ấy chỗ này mới là bí quyết. Phải huy động lực lượng quần chúng, tức là các cháu thiếu nhi. Biết các cháu ở đây thích chơi vỏ bao thuốc lá, nhất là các loại vỏ bao đẹp. Mỗi lần lên thị xã hoặc sang Nam Định chơi, tôi đều nhặt nhạnh về, đổi cho các cháu lấy cóc, nhái. Cũng đề ra tiêu chuẩn hẳn hoi. Một vỏ bao ba số [5] đổi 3 con cóc hoặc 5 con nhái. Các loại khác 2 cóc, 3 nhái. Bởi vậy tôi mới nói là hàng đối lưu, chú hiểu chưa. Mỗi tháng tôi chỉ cần ba bốn chục cái vỏ bao là thừa chất đạm, mà là loại đạm cao cấp… Hôm nào chú về tôi gửi biếu cô, chú Cung [6] , mỗi nhà mấy viên nếm thử. Cô chú ăn thịt cóc của tôi rồi sẽ thấy các thứ thịt khác đều nhạt hoét!”.

Anh rót rượu, chọn gắp viên chả cóc, nhái bỏ vào bát cho tôi, ân cần, âu yếm, trang trọng, làm tôi ứa nước mắt. Anh hỏi:“Chú đi đâu mà lại lặn lội về tận đây, vào lúc tết nhất sắp đến nơi?”. “Em về đây chỉ một mục đích là thăm anh. Hơn hai năm nay không thấy anh lên Hà Nội, chúng em rất lo. Không biết anh ốm đau gì, liệu anh có còn sống không? Về đây thấy anh vẫn khoẻ mạnh, em rất mừng… Anh là nhân chứng của một quá khứ hào hùng của đất nước. Nếu anh chết đi, tàn lụi như cỏ cây, không nhắn gửi gì lại cho các thế hệ sinh sau, theo em là một tổn thất không gì bù đắp được…”. Tôi lấy đưa anh xem số tài liệu liên quan đến ngày Đại lễ mồng 2 tháng 9 năm 1945, vừa sao chụp: (“ Em suy luận ra anh là Trưởng)ban Tổ chức Ngày Độc lập như trong tư liệu hiện còn giữ được. Em muốn được tận tai nghe anh kể lại những kỉ niệm, những hồi ức mà anh cho là sâu sắc nhất… mà nếu anh không dùng đến thì cho em xin”.

Anh im lặng rất lâu, dùng đũa tém lại những mảnh vụn thịt cóc, nhái trong đĩa, gắp bỏ vào bát mình những mảnh khác rớt xuống mâm ván. Anh chăm chú nhìn vào cái đĩa đã tém gọn, như đang gắng đọc những hồi ức in lại trong lớp men sành… Anh chợt nói, mắt vẫn không rời cái đĩa:

“Thấm thoắt thế mà đã bốn mươi bảy năm trôi qua… Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó là ngày 28 tháng 8… Tại sao tôi nhớ, vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một… Năm đó tôi bước vào tuổi băm ba. Chính phủ cách mạng lâm thời họp tại Bắc Bộ phủ, để quyết định ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào… Hôm đó, tôi có việc cần phải giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Vừa bước lên mấy bậc thềm thì thấy cụ Nguyễn Văn Tố từ trong phòng họp đi ra. Cụ mừng rỡ chụp lấy tay tôi, nói: “Anh vào ngay đi, cụ Hồ đang đợi anh trong đó”. Tôi theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp mặt ông Cụ. Ông Cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống lên ba toong. Cụ Tố kéo tôi lại trước mặt Cụ, giới thiệu: “Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng ban Tổ chức ngày lễ”. Cụ Hồ nhìn tôi một lúc với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi – như muốn cân nhắc, đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi tôi với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần tôi đã được nghe: “Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày mồng hai tháng chín. Chú có đảm đương được việc tổ chức buổi lễ không?”. Tôi tính rất nhanh trong đầu: tháng 8 có 31 ngày, như vậy là chỉ còn 4 ngày nữa thôi... Tôi suy nghĩ cân nhắc trong từng phút. Hình dung ra tất cả những khó khăn như núi mà tôi phải vượt qua... để tổ chức được một ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Tôi nói với Cụ Hồ: “Thưa Cụ, việc cụ giao là (quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”). Anh Đang ngẩng phắt lên nhìn tôi. Vẻ già nua cùng quẫn trên con người anh như được trút bỏ hết. Dáng dấp oai phong, khí phách của người chiến sĩ cách mạng luôn luôn đứng ở hàng xung kích lại hiện nguyên hình.

“Như chú biết đấy - giọng anh vụt trở nên sang sảng – tôi là một nhà tuyên truyền, động viên thiên hạ, chuyên nghiệp. Thế mà lần này tôi lại bị ông cụ động viên một cách tài tình, bằng một lời thật ngắn gọn, giản dị! Nghe ông Cụ nói vậy lúc đó tôi thấy trong con người mình bừng bừng khí thế, muốn lập nên được những kì tích, những chiến công thật vang dội... Tôi nói với ông Cụ: “Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy con xin nhận nhiệm vụ. Con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách”. Cụ Hồ đứng lên, bắt tay tôi, dáng bộ, gương mặt nom rất vui vẻ, bằng lòng: “Thế thì chú trở về bắt tay ngay vào việc đi. Đến sáng ngày kia, chú đến đây báo cáo với tôi công việc được tiến hành như thế nào”. Tôi chào Cụ, ra về, lòng rạo rực lâng lâng... Nhưng khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ phủ, tôi chợt nghĩ ra một điều. Tôi liền quay trở lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó. Cụ hỏi ngay: “Chú còn cần gì nữa?”. “Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền...”. “Quyền gì, chú cứ nói đi!”. “Thưa Cụ, quyền được huy động tất cả những gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như về của...”. “Được, tôi trao cho chú cái quyền đó. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh!”.

Công việc đầu tiên là tôi thảo một thông cáo ngắn gọn – anh gắp thêm mấy viên chả cóc trong bát hương, bỏ ra đĩa rồi kể tiếp - Nội dung như sau: ngày 2 tháng 9 năm 1945. Chính phủ cách mạng lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên ngôn Độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn đóng góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức. Thông cáo được gửi ngay đến tất cả các báo hàng ngày, yêu cầu đăng lên trang nhất, với hàng tít thật lớn chạy hết trang báo (... mất một dòng ...)ngoài chật kín Hội quán. Người ghi tên vào các công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván. Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận: “Biết bao anh hùng, liệt nữ đóng góp cho nền độc lập của dân tộc, đâu có lấy giấy biên nhận“, họ nói vậy. Tôi mời mọi người dự cuộc họp chớp nhoáng, và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài Độc lập thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại này, tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ cách mạng lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào nào hiện có mặt tại đây có thể đảm nhiệm trọng trách đó? Một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sĩ, đeo kính trắng, bước ra nói: “Tôi là hoạ sĩ Lê Văn Đệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài. Trưa nay tôi sẽ mang bản phác thảo lễ đài đến ban tổ chức xem xét”. Tôi bắt tay hoạ sĩ, nói: “Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu và cũng nhiều lần được xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng Lễ đài Độc lập là một công trình kiến trúc, tuy dựng gấp rút, tạm thời, nhưng phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu của nó như sự vững chắc, sự hài hoà công trình với tổng thể... Nói ví dụ nếu như không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần một kiến trúc sư phối hợp với anh”. Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề, từ trong đám đông bước ra, tự giới thiệu: “Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh [7] , cùng hoạt động trong Hội Văn hoá Cứu quốc với anh Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài”. Anh Quỳnh trải cuộn giấy can cầm sẵn trên tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh lễ đài Độc Lập mà sau này chú được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ... Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng, mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gỗ, tổng diện tích mặt ván ốp lát v.v... Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, tôi xem xét, cân nhắc rồi đặt bút kí duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Tôi nói với anh Lê Văn Đệ và anh Ngô Huy Quỳnh: “Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh (Các anh cần gì, chúng tôi) sẽ lo chạy đầy đủ, Hiện nay chúng tôi có một kho ba ngàn thước len đỏ [8] , cần dùng bao nhiêu các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải được dựng xong trong vòng 48 giờ đồng hồ. Đúng 5 giờ sáng ngày mồng 2 tháng 9, tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ”.

Sáng ngày 31 tháng 8, tôi đến Bắc Bộ phủ gặp Cụ Hồ như Cụ đã chỉ thị. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn, đầy đủ về tất cả mọi việc có liên quan tới ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: “Chú phải nhớ ngày Mồng hai tháng Chín tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc Cách mạng tháng Tám, và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

*“Ông Đang ơi! Ông Đang ơi!”, tiếng con nít gọi nheo nhéo ngoài cửa, ngắt ngang câu chuyện của anh. Tôi nhìn ra, thấy hai chú bé chạc 9, 10 tuổi, mỗi chú cầm một cành tre, đầu cành tre thõng thượt một con rắn nước, mình nhỏ bằng chuôi dao, đầu bị đập dập còn rỉ máu tươi: “Ông có đổi rắn nước không ạ?”. Anh Đang bỏ đũa bước ra cửa, xem xét cẩn thận hai con rắn nước, rồi hỏi: “Các cháu định đổi như thế nào?”. “Ông cho cháu mỗi con hai cái vỏ bao ba số”. “Các chú đừng có giở thói bắt chẹt”, giọng nói vá dáng bộ của anh đã chuyển sang giọng của dịch vụ đổi chác, “Mỗi con rắn này chỉ giá trị bằng hai con cóc. Nhưng thôi, thì ông cũng đành chịu thiệt vậy, mỗi con một vỏ bao ba số, các chú có đổi thì đổi, không đổi thì thôi”. Hai chú bé ngần ngừ một lúc, rồi nói: “Chúng cháu đổi ạ”. Anh quay vào mở khoá tủ, chọn lấy ra hai cái vỏ bao ba số, đưa cho mỗi chú một chiếc, và cầm lấy hai con rắn. Hai chú bé cũng xem xét hai cái vỏ bao cẩn thận không kém ông Đang xem xét hai con rắn. Một chú nói: “Ông đổi cho cháu cái vỏ bao khác, cái này bên trong không có tờ giấy vàng”. Anh cầm lấy cái vỏ bao xem lại, cười: “Được, ông sẽ đổi cho vỏ bao khác. Sau này chú mà làm cán bộ thu mua thì Nhà nước sẽ không phải chịu thua thiệt”.

Anh cầm hai con rắn bỏ vào cái rổ con ở góc nhà, mặt tươi hẳn lên, như người buôn bán vừa vớ được món hời: “Thịt rắn còn bổ hơn thịt nhái. Tối mai tôi sẽ đãi chú món rắn om riềng mẻ. Ăn vào (... mất một dòng..) Tân Đệ.

*Tôi ở lại chơi với anh Đang ba ngày, thuê một anh phó nháy ở xã trên xuống chụp mấy pô ảnh làm kỉ niệm. Bữa cơm tiễn tôi, anh có vẻ buồn. Vừa dùng đũa tém tém mấy khúc rắn om mặn chát nổi muối trong đĩa, anh vừa nói: “Hiện nay tôi đang cố gắng hoàn thành thiên hồi ký thuật lại tất cả những gì có liên quan đến thế sự, kể từ khi tôi bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng gần đây... Trong hồi ký, tôi sẽ đề cập đến những việc mà từ trước đến nay tôi chưa hề tiết lộ với ai. Ví dụ như bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” Cụ Hồ viết... còn hay mất, nếu còn thì bây giờ đang ở đâu... Hoặc cụ định sửa hai câu trong bản “Tuyên ngôn”, nhưng không kịp vì bản chính đã đưa in mất rồi. Là Trưởng ban Tổ chức ngày lễ, tôi phải phụ trách việc in ấn những tài liệu có liên quan đến vận mệnh đất nước này, nhưng ... như chú biết đấy, hiện nay trong Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như Bảo tàng Lịch sử, không có bản thảo “Tuyên ngôn Độc lập” ... Tôi sợ sẽ làm không kịp mất, gần tám chục tuổi đầu rồi còn gì, mà lại không có điều kiện làm việc, ban đem coi như chịu chết, đèn đóm tù mù, đúng là đóm thật”... Anh im lặng một lúc lâu, rồi ngẩng lên nhìn tôi, hỏi tiếp: “Chú có biết điều lo lắng nhất của tôi hiện nay là gì không?”, không đợi tôi đoán, anh nói luôn: “Tôi lo nhất là không biết chết ở đâu. Lúc sống thì tôi ở nhờ nhà ai chẳng được, ở đây cũng như ở trên Hà Nội... Nhưng lúc chết thì người thân mấy cũng làm phiền người ta. Có ai muốn một người không phải ruột ra máu mủ lại nằm chết trong nhà mình? Ngay cả cái chái bếp này cũng vậy, tôi nằm chết sẽ làm phiền đến nhà trường, các thày các cô, các cháu học sinh... Bởi vậy mà hai năm nay tôi không muốn lên Hà Nội. Ở đây, tại quê hương bản quán, tôi đã chọn sẵn chỗ để nằm chết... Chú ra đây tôi chỉ cho, đứng ở đây cũng nhìn thấy...”.

Tôi theo anh ra đứng trên cái trụ xi măng cầu ao cá. Gió mùa đông bắc lạnh thấu xương thổi thốc vào mặt hai anh em. Anh chỉ tay về phía một búi tre gần cuối xóm, đơn độc giữa cánh đồng, ngọn tre đang vật vã trong gió buốt. “Đấy, dưới chân búi tre ấy có một chỗ trũng nhưng bằng phẳng, phủ đầy lá tre rụng, rất vừa người tôi... Tôi sẽ nằm đó chết để khỏi phải phiền ai... Tôi đã chọn con đường ngắn nhất để có thể bò kịp đến đó, trước khi nhắm mắt xuôi tay...”

Trở vào nhà, cả người tôi nổi gai, ớn lạnh, chắc là bị cảm... Tôi dốc hết rượu ra bát uống ực một hơi chống lạnh. Rượu vào lời ra, tôi cất giọng ngâm to mấy câu thơ của Phùng Cung gửi tôi mang về tặng anh:

Mặt ra giông chớp
Rạc mái phong lưu
Gót nhọc men về thung cũ
Quỳ dưới chân quê
Trăm sự cúi đầu
Xin quê rộng lương
Chút thổ phần bò xéo cuối thôn!

Phùng Quán
Tháng 12.1992

*Trích trong “ Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập” của Phùng Quán đã đăng trên Diễn đàn năm 1993. Đầu đề này là do Lâm Khang đặt.