Ngô Trần Đức
Cụ Hồ là ai? Đây
là một câu hỏi được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nêu lên từ lâu,
đã có nhiều lời giải khác nhau, đến nay vẫn tiếp tục có thêm những kiến
giải mới. Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh quả là một nhân vật đa dạng,
phong phú, hấp dẫn, có khả năng sống với nhiều thời đại. Vậy Cụ Hồ là ai? Là
dân tộc chủ nghĩa hay quốc tế chủ nghĩa? Là người mácxít hay người
theo đạo Khổng? Là cộng hòa, cộng sản hay xã hội dân chủ? Chủ nghĩa cộng
sản với Hồ Chí Minh là mục đích hay là phương tiện? v.v..
I. Lược qua một vài ý kiến tiêu biểu
Ph. Devillers trong lời Tựa cho cuốn “Hô Chi Minh à Paris 1917-1923” của Thu Trang-Gaspard, có nêu câu hỏi: Tại Đại hội Tours, Nguyễn Ái Quốc tin theo Luận cương của Lênin, bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc Tế 3, nhưng ông đã phải là người mácxít chưa? Ông có tin vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, một giai cấp lúc đó còn hết sức nhỏ bé về số lượng ở Đông Dương? Ông có tin vào học thuyết đấu tranh giai cấp và sự cần thiết phải xây dựng một nền chuyên chính vô sản hay chưa? Tại sao lúc nào ông cũng chỉ tập trung vào vấn đề thuộc địa, đặt nó lên trên tất cả các vấn đề khác?
“Ông tin vào lời kêu gọi “vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”,
bởi đối với ông, việc giải phóng đất nước bị chinh phục chỉ có thể tiến
hành bằng bạo lực chứ không thể bằng những cải cách rụt rè. Vậy, cần
làm rõ: sự lựa chọn đó xuất phát từ niềm tin trong hệ tư tưỏng, từ sự ngả theo hệ lý luận mácxit một cách sâu sắc hay chỉ là từ một nhu cầu thực tế? Nếu cách xử sự của Pháp khác đi thì phải chăng Người vẫn chỉ có một sự lựa chọn đó?”[1].
Alain Ruscio trong bài “Chân dung một người bônsêvich vàng”[2] cũng
nêu một câu hỏi: Nguyễn Ái Quốc có thật sự muốn trở thành một đảng viên
Xã hội không? Để trả lời, ông dẫn Trần Dân Tiên : Tôi vào Đảng Xã hội
Pháp “ chỉ vì đấy là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ
chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Theo Ruscio, nghiã là Nguyễn Ái Quốc chỉ nhắc đến lý tưởng cộng hoà
Pháp chứ không phải đến truyền thống chủ nghĩa xã hội Pháp hay Cách mạng
tháng Mười Nga? Tác phẩm chính trị đầu tiên mà Nguyễn dịch ra tiếng
Việt không phải là“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Mác - Enghen hay “Chủ nghĩa đế quốc, giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản” của Lênin, mà là “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu!
Cũng
theo Ruscio, nguờì ta không tìm thấy một dấu hiệu nào cho biết dự kiến
chính trị của Nguyễn Ái Quốc vào thời đó rằng sau khi giành được độc
lập sẽ xây dựng An Nam thành một nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa!
Pierre Brocheux, một sử gia Pháp đã hơn 50 năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, lại đưa ra một nhận định: “Hồ Chí Minh là một người theo đạo Khổng, ông ưa các giải pháp ôn hoà hơn là cực đoan”. Hồ
Chí Minh đã lên án các cuộc đánh người, giết người trong Cải Cách
Ruộng Đất, và gọi như thế là hành xử theo lối bọn đế quốc, là hành vi
tội phạm, là tội ác!
Theo Brocheux, Hồ Chí Minh có một lần viết về vụ Trăm hoa đua nở ở
Trung Quốc, có gọi các nhà văn - như Đinh Linh - là phái hữu; nhưng ông
không hề nhắc tới tên của bất cứ văn nghệ sĩ, trí thức nào của Viêt
Nam.[3]
GS Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi (Đại
học Waseda) trong tham luận tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ ba, nêu
vấn đề: “Có lẽ giá trị mà Hồ Chí Minh coi trọng nhất trong suốt cuộc đời
mình lànhững giá trị của nền cộng hoà mà cơ sở lý luận của nó là Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.Theo
ông, tinh thần cộng hoà Pháp mang tính lý tưởng rất cao, nó không quan
tâm đến con người đó là ai, sinh ra ở đâu, trong gia đình, dòng họ
nào,…vấn đề quan trọng là giá trị của bản thân con người đó có đủ khả
năng suy nghĩ một cách lý tính hay không?
Nền
cộng hoà được xây dựng bởi những cá nhân, theo quan điểm giá trị mới về
con người, rất khác với quan niệm của Nho giáo. Hồ Chí Minh là nhà
chính trị duy nhất ở châu Á đã nhận thức được một cách đúng đắn tinh
thần của nền cộng hòa Pháp và đã cố gắng đưa nó vào Việt Nam. Khi đã trở
thành người cộng sản, Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên đấu tranh cho độc lập dân
tộc, cho mục tiêu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Ông phân tich:
- Độc lập mà
Hồ Chí Minh muốn là một nhà nước có chủ quyền, theo quan niệm cận đại,
xây dựng một chế độ Dân chủ Cộng hòa, xây dựng con người mới gánh vác
công việc quốc gia.
- Tự do không đơn thuần chỉ là quyền tự do định đoạt chính sách đối nội, đối ngoại của một nhà nước độc lập, mà là quyền tự do của mỗi người dân được hưởng với khả năng và trách nhiệm của mình, của một chủ thể xây dựng nền cộng hòa.
- Hạnh phúc
nghĩa là mỗi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình và
phải biết chủ động tích cực đấu tranh để giành lấy hạnh phúc.
Như vậy, theo ông về mặt này, ông Hồ không phải là người cộng sản chính thống theo quan điểm Mác –Lênin.
Cho nên, nếu chỉ lấy ý thức hệ Mác-Lênin để lý giải cụ Hồ là không đầy
đủ, do còn thiếu cái nền văn hoá - tư tưởng phương Tây, do không nắm
được “tinh thần cộng hoà”, mà vẫn đóng khung trong cách nhìn “đấu tranh
giai cấp”. Bản thân ông Hồ, để nhận viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa
cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, ông đã phải phát ngôn và
hành động như một người cộng sản, đó là do thúc ép của hoàn cảnh lịch sử, mà ông không có sự lựa chọn nào khác!
Ngoài
ra, có một vài học giả Việt Nam, gần đây cũng đưa ra những nhận định
riêng của mình về Hồ Chí Minh . Có người cho rằng Hồ Chí Minh chỉ khoác áo cộng sản chứ không phải là người cộng sản, ông là người xã hội dân chủ từ gốc rễ.
GS
Hoàng Ngọc Hiến, phát biểu trong một hội thảo, cho rằng sự tiếp nhận
chủ nghĩa Mác ở Hồ Chí Minh là một quá trình, phải nghiên cứu quá trình
đó để xem Hồ Chí Minh đã tiếp biến chủ nghĩa Mác như thế nào? Theo GS
Hiến, Nguyễn Ái Quốc từng ở chung với Phan Văn Trường khoảng 6 tháng, đó
là Trường Đại học của Cụ Hồ! mà ông Trường lại là một người xã hội từ đầu đến chân! Tuy không nói thẳng ra, nhưng người nghe đều hiểu ý của ông: Hồ Chí Minh là một người xã hội dân chủ hơn là một người cộng sản.
Còn có thể dẫn thêm một vài ý kiến khác nữa, nhưng trên đây là mấy lập luận tiêu biểu. Vậy
Hồ Chí Minh là ai? Cộng sản hay Dân tộc? người yêu nước hay chiến sĩ
quốc tế? Cộng hòa, Cộng sản hay Xã hội dân chủ? Theo chủ nghĩa Mác hay
theo đạo Khổng, v.v..
II. Thử tìm lời giải cho câu hỏi: Cụ Hồ là ai ?
Để trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng, theo tôi, không thể chỉ dựa vào một, hai yếu tố nào đómột cách tách biệt để lập luận, lý giải, rồi khẳng định Cụ Hồ là ai. Theo thiển ý, phải
đặt mỗi yếu tố đó trong tổng thể cuộc đời Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí
Minh, văn hoá Hồ Chí Minh, phương pháp hành xử Hồ Chí Minh,…mới hiểu
đúng được thực chất con người Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một
nhà báo Mỹ, từ rất sớm đã đưa ra nhận xét: “Hồ Chí Minh là một trong số
những nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta: một chút Gandhi, một
chút Lênin,…nhưng hoàn toàn Việt Nam”[4]. Đây là một gợi ý cần được tham khảo.
Hồ
Chí Minh là người Việt Nam nhất trong những người Việt Nam, là sự kết
tinh những giá trị tiêu biểu nhất của văn hoá - lịch sử - đất nước và
con người Việt Nam. Do đó, muốn hiểu được Hồ Chí Minh, phải bắt đầu từ hiểu văn hoá và con người Việt Nam.
Đó là một nền văn hoá khoan dung, cởi mở, có khả năng dung hoá, tích hợp những yếu tố tích cực, tiến bộ từ
ngoài vào, không chút hẹp hòi, kỳ thị, miễn là nó không đi ngược lại
với bản chất nhân văn của văn hoá Việt Nam. Vì vậy, văn hoá Việt Nam sớm
có hiện tượng “tam giáo đồng nguyên”. Con người nông dân Việt
Nam ngày xưa vốn rất thực tế, họ có thể vừa thờ Thần, thờ Phật lại vừa
thờ cả ma quỷ (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề), không hoàn toàn
tin, nhưng để nó không trở thành kẻ thù của mình, không làm hại mình,
đơn giản vậy thôi. Cũng nên coi đó là một nét khôn ngoan trong phương pháp xử thế của người Việt xưa mà ta cần xem xét.
Khi
còn ở trong nước, Nuyễn Tất Thành đã được hấp thụ một nền Quốc học và
Khổng học khá cơ bản, đủ sức tạo cho anh một bản lĩnh văn hoá vững vàng
để có thể “hòa nhi bất đồng”.
Ra
nước ngoài, anh Thành có điều kiện đi nhiều, hiểu rộng, biết nhiều
ngoại ngữ, đến được nhiều nước, làm nhiều nghề, tiếp xúc với nhiều vĩ
nhân,…nghĩa là có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, gia nhập
nhiều tổ chức, vào nhiều hội, đoàn (Công đoàn lao động hải ngoại ở Anh,
các Hội du lịch, Hội nghệ thuật và khoa học, Câu lạc bộ Faubourg ở
Pháp, Đảng Xã hội. Sau khi đã vào Đảng Cộng sản rồi, vẫn tham gia Hội
Nhân quyền, rồi cả Hội Tam điểm, đến với chủ nghĩa Mác rồi vẫn đến với
chủ nghĩa Tôn Dật Tiên,…) để học cách tổ chức, khảo sát các cơ chế chính
trị - xã hội,…nhằm chắt lọc lấy cái hay, cái tốt, cái thích hợp, phục
vụ cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nước Việt Nam
độc lập trong tương lai.
Do vậy, Hồ Chí Minh được coi là biểu tượng của sự tích hợp văn hoá Đông-Tây. Nói
tích hợp nghĩa là biết tiếp thu có chọn lọc những giá trị từ bên ngoài
nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng bên cạnh sự thâu hoá những giá trị
chung của nhân loại. Cho nên không có gì lạ khi thấy trong văn hoá Hồ
Chí Minh chứa đựng những yếu tố tích cực của tinh thần cộng hoà Pháp,
dân chủ và nhân quyền Mỹ, tinh thần trọng đạo đức của Khổng giáo, đức từ
bi, cứu khổ, cứu nạn của Phật, lòng nhân ái của Chúa, phép biện chứng
của Mác, tinh thần cách mạng của Lênin, chủ thuyết Tam Dân của Tôn Dật
Tiên, v.v..mà vẫn hoàn toàn Việt Nam. Như ta đã thấy: khi còn ở
Pháp hay Nga, Nguyễn Ái Quốc có thể mặc Âu phục, đội mũ phớt, thắt
cravate, viết báo, đọc diễn văn với một văn phong rất “Tây”, nhưng khi
về Trung Quốc lại giản dị trong bộ quân phục Bát lộ quân; sang Thái Lan,
ở chùa, khoác áo cà sa; về đến Chỉ Thôn (Vân Nam) lại sẵn sàng viết và
đọc văn tế cầu hồn cho những kiều bào ta bị bom Nhật sát
hại:
Nam mô bồ tát đế tôn,
Tiếp dẫn linh hồn về Mạc tư khoa!
Người chiến thắng là người không “chấp nê”, mà có tinh thần “phá chấp”, biết thích ứng trước tình hình thực tế mà không để đánh mất mình - đúng như Hồ Chí Minh đã từng trả lời khi có người hỏi: ông là ai? -Tôi vẫn là tôi ngày trước, một người yêu nước.Vận dụng phương pháp trên vào tìm hiểu Cụ Hồ là ai, chúng tôi thử từng bước lý giải những vấn đề đang đặt ra.
1. Hồ Chí Minh có phải là người suốt đời theo lý tưởng cộng hoà?
Trở
lại ý kiến của GS Nhật Bản Tsuboi cho rằng “giá trị mà Hồ Chí Minh coi
trọng suốt đời mình là tinh thần cộng hoà, mà cơ sở của nó là Tự do,
Bình đẳng, Bác ái”, liệu có phải hoàn toàn như vậy không?
Đúng
là trên hành trình đi ra với văn hoá nhân loại, Hồ Chí Minh chịu ảnh
hưởng của văn hoá Pháp trước tiên và có lẽ nó cũng để lại những dấu ấn
sâu đậm trong nội dung và phong cách văn hoá của Cụ Hồ. Tại Pháp, Hồ Chí
Minh đã tiếp thu lý tưởng nhân quyền, dân quyền và pháp quyền của
các nhà Khai sáng Pháp, vận dụng nó vào cuộc đấu tranh, phê phán chế độ
thực dân, đòi các quyền ấy cho nhân dân các nước thuộc địa. Yêu sách 8 điểm, lời mở đầu Tuyên ngôn Độc lập 1945, bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946,…đều
in dấu ảnh hưởng các giá trị của nền cộng hoà Pháp, nó đã trở thành một
phần trong mục tiêu mà Hồ Chí Minh theo đuổi – nhưng đó có phải là cái
đích duy nhất và mục tiêu cuối cùng của ông hay không, thì vẫn cần phải
bàn thêm .
Theo tôi, cái giá trị lớn nhất mà Hồ Chí Minh theo đuổi suốt đời, như chính Người đã tuyên bố là “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”.
Điều quan trọng ấy rất tiếc lại không có trong bảng giá trị của nền
cộng hoà Pháp. Đó cũng là điều mà trong khi đàm phán, tranh luận với
chính giới Pháp năm 1946, Cụ đã chủ động bổ sung vào. Hồ Chí Minh có lần
nói: “Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức: Tự do, Bình đẳng, Bác ái, Độc lập”[5]. Thêm Độc lập vào để ràng buộc họ: “Nước Pháp muốn độc lập, không có lý gì lại muốn nước Việt Nam không độc lập?”
GS
Tsuboi đã lý giải khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái rất đúng với tinh
thần phương Tây, nhưng lại không thật đúng theo quan niệm của Hồ Chí
Minh.
Tự do theo tinh thần cộng hoà Pháp trước hết là tự do cá nhân, vì tiền đề của nền cộng hòa Pháp được xây dựng trên quan điểm giá trị về con người cá nhân, nhất là quyền tự do cá nhân.
Còn Hồ Chí Minh, trước hết vẫn là sản phẩm của nền văn hoá Việt Nam, văn hoá Phương Đông, vốn đề cao tinh thần cộng đồng, luôn đặt quốc gia, dân tộc lên trên cá nhân. Tự do theo tinh thần Hồ Chí Minh trước hết vẫn là tự do của toàn dân tộc chứ
chưa phải là tự do cá nhân, là giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách nô
lệ thực dân, được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình (chứ chưa
lấy giải phóng tự do cá nhân làm mục tiêu).
Bình đẳng hiểu theo tinh thần cộng hoà là chống lại mọi sự phân biệt đối xử về dân tộc, màu da, giới tinh,…Mỗi cá nhân sinh ra đều có giá trị như nhau, như Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ mà Hồ Chí Minh đã trích dẫn: ‘Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” và coi đó làquyền tự nhiên của con người: bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, về nhân phẩm, về cơ hội, nhất là bình đẳng trước pháp luật.
Bình đẳng là
một khái niệm không xa lạ với Hồ Chí Minh vì nó vốn là một lý tưởng,
một ước mơ ngàn đời của nhân dân lao động Việt Nam về một xã hội công
bằng, không còn áp bức bất công, không còn cách biệt giầu, nghèo…
Tuy nhiên, quan niệm của Hồ Chí Minh về bình đẳng cũng có nội dung khác với phương Tây: nếu tinh thần cộng hoà coi trọng quyền bình đẳng giữa các cá nhân thì Hồ Chí Minh lại nâng nó lên thành quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Từ Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, Hồ Chí Minh suy ra: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Bác ái (fraternité: có lẽ phải dịch là Hữu ái mới phù hợp, vì gốc của nó là từ frère, fraternel, nghĩa là tình anh em, tình đồng đội. Bác ái (philanthropie) có nghĩa quá rộng, nó đòi hỏi một tình cảm xuyên dân tộc, xuyên giai cấp, theo kiểu thuyết kiêm ái của Mặc tử, hay lòng bác ái của Chúa : phải yêu cả kẻ thù của mình!).
Hữu ái gần
với Hồ Chí Minh hơn, ông vốn từng là môn đệ của Khổng giáo, sớm thấm
nhuần tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, nên Hồ Chí Minh thường quen gọi
những ngưòi lao động, các dân tộc bị áp bức là anh em. (hỡi anh em ở các thuộc địa!, các dân tộc anh em, các nước anh em, vừa là đồng chí, vừa là anh em,…)
Tóm
lại, Hồ Chí Minh nhận thức Tự do, Bình đẳng, Bác ái qua lăng kính của
người dân bị áp bức châu Á chứ không theo tinh thần cách mạng tư sản
Pháp, nên ông chỉ coi đó là những yếu tố cần chứ chưa đủ. Vì vậy, không thể coi những giá trị của nền cộng hoà Pháp là mục tiêu theo đuổi suốt đời của Hồ Chí Minh .
2. Hồ Chí Minh có phải chỉ thuần túy là người theo chủ nghĩa dân tộc?
a. Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước nồng nhiệt
Điều này đã được khẳng định trong danh xưng của Cụ: Hồ Chí Minh trước sau vẫn là Nguyễn Ái Quốc= một người yêu nước. Năm 1960, vào lúc thịnh thời của chủ nghĩa xã hội, trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh đã viết: “Lúc
đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa
tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế Thứ ba. Từng bước một, trong cuộc
đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin vừa làm công tác thực tế,
dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa cộng sản
mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên
thế giới khỏi ách nô lệ”.
Như
vậy, Cụ Hồ đã nói rõ về con đường cách mạng của mình là từ chủ nghĩa
yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Do đó, trả lời câu hỏi Cụ Hồ là ai,
phải nhận thức được sứ mệnh kép đó, chứ không nên tách bạch một cách
cực đoan, siêu hình: hoặc chỉ là người này (theo chủ nghĩa dân tộc) hoặc
chỉ là người kia (theo chủ nghĩa quốc tế), chỉ là người mácxit hay chỉ
là người theo đạo Khổng. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn
hóa, nên không thể quy bộ mặt tinh thần của ông vào một dạng đơn nhất
nào. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó, vẫn cần thiết phải xác định đâu làmặt chủ thể trong nhân cách của Hồ Chí Minh.
Là
người nô lệ mất nước, ra đi tim đường cứu nước, khát vọng cháy bỏng mà
chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành mang theo là khát vọng giải phóng dân tộc và canh tân đất nước. Sau này, Hồ Chí Minh đã nói một câu thống thiết: “Tôi
chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là lo làm sao cho nước ta được
hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm
ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Yêu nước đã trở thành lẽ sống,
thành tiêu chuẩn chân lý để ông xét đoán con người và việc đời. Trước
sự phân liệt của Đảng Xã hội ở Đại hội Tours, có người hỏi: anh sẽ bỏ
phiếu cho Quốc tế nào? -Thế Quốc tế nào bênh vực các dân tộc thuộc địa?
Được trả lời là Quốc tế 3, anh quyết định bỏ phiếu tán thành gia nhập
Quốc tế 3. Đó không phải là một quyết định cảm tính, mà là theo lý
tưởng, theo mục tiêu cứu nước của anh. Vì sao có thể nói như vậy?
Trong
10 năm đầu, Nguyễn Tất Thành đã đi khắp thế giới, hướng đến mọi chân
trời để tìm đường thực hiện lý tưởng, nhưng không có bàn tay thân thiện
nào chìa ra với anh, vì vào hai thập niên đầu thế kỷ XX, vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa vẫn
còn là một vấn đề quá mới, quá lớn đối với thế giới, ngay Mác và
Enghen trước đó cũng chưa đưa ra được câu trả lời thật rõ ràng, còn các
Đảng Xã hội Quốc tế 2 lại chưa vượt qua được tâm lý dân tộc hẹp hòi, vì
lợi ích quốc gia, họ vẫn ủng hộ chính sách thuộc địa của nhà nước tư
bản. Mặt khác, cũng do cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc
địa chưa phát triển mạnh mẽ, thực tiễn thời đại chưa hé ra được lời giải
đáp rõ ràng.
Chỉ sau thắng lợi của Cách mạng tháng 10 Nga, với sự thành lập Quốc tế 3 và Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của
Lênin được công bố, tiếp theo là Đại hội Ba-cu, nêu cao tinh thần đoàn
kết anh em giữa các dân tộc phương Đông với giai cấp vô sản phương Tây,
rồi cùng với kinh nghiệm thực tiễn hoạt động và đấu tranh của bản
thân, Nguyễn Ái Quốc mới dần dần đi tới được nhận thức rằng: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[6]. Do đó, Nguyễn Ái Quốc đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa quốc tế.
Tuy nhiên, trong cái song đề đó, vẫn phải thấy mặt chính, mặt chủ thể của nó, đó là mặt nào? Có người nêu thắc mắc: tại
sao Nguyễn Ái Quốc lúc nào cũng chỉ đề cập đến vấn đề thuộc địa mà ít
hoặc không đề cập đến những vấn đề nóng bỏng khác trong phong trào cộng
sản quốc tế lúc bấy giờ, vậy ông là người cộng sản theo chủ nghĩa quốc
tế hay thuần túy chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc?
Thử
hỏi, một người dân mất nước, đang đi tìm đường cứu nước làm sao lại
không nói nhiều về vấn đề thuộc địa khi từng ngày, từng giờ chủ nghĩa
thực dân đang gieo tai họa, đau khổ lên cuộc sống của đồng bào mình, tại
sao lại không đề cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, vốn là
“động lực vĩ đại và duy nhất” của họ?
Hãy
nghe ý kiến của một người cộng sản phương Tây, ông Ch. Fourniau: “Vấn
đề duy nhất đặt ra là cần hiểu rõ tại sao và như thế nào mà một người
dân thuộc địa tất nhiên phải theo chủ nghĩa dân tộc? và tại sao lại tìm
được ở chủ nghĩa cộng sản như là con đường duy nhất để thực hiện độc lập
cho Tổ quốc mình?”[7]Tất
nhiên, chủ nghĩa dân tộc và “dân tộc chủ nghĩa” là hai khái niệm khác
nhau. J. Jaurès - lãnh tụ hàng đầu của Đảng Xã hội Pháp, từng nói đại ý:
Một ít chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta xa rời chủ nghĩa quốc tế, rất
nhiều chủ nghĩa yêu nước thì đưa ta vào trung tâm của chủ nghĩa quốc tế.
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chinh là biểu tượng cao đẹp của tinh thần
đó.
b. Hồ Chí Minh đồng thời là một chiến sĩ quốc tế trong sáng
Từ
người yêu nước trở thành người cộng sản, được tiếp nhận phương pháp làm
việc biện chứng, trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc được nâng cao thêm, tầm
nhìn thời đại được mở rộng hơn, bạn bè, đồng chí trở nên đông đảo hơn,
sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế cũng ngày càng to lớn và hiệu quả hơn,
triển vọng thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Việt Nam
cũng trở nên sáng sủa hơn.
Sau
khi trở thành người cộng sản, cùng với các thành viên khác gốc thuộc
địa, Nguyễn Aí Quốc đã kiến nghị với Đảng Cộng sản Pháp lập ra Ban nghiên cứu Thuộc địa, xuất bản báo Le Paria, tham gia sáng lập Hội liên hiệp Thuộc địa, kiến nghị với báo L’Humanité mở
chuyên mục thường xuyên về vấn đề thuộc địa. Tên tuổi Nguyễn Áí Quốc
trên các bài báo dần dần trở nên quen thuộc với các dân tộc bị áp bức
đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Nguyễn
Áí Quốc trở thành người cộng sản đồng thời cũng trở thành một chiến sĩ
quốc tế chân chính. Ông không chỉ quan tâm đến số phận các dân tộc Đông
Dương mà còn quan tâm tới số phận của tất cả những “người cùng khổ”
trên trái đất: ủng hộ nền độc lập của nhân dân Airơlen, bênh vực quyền
lợi của người Mỹ da đen, lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân gây ra ở
Đahômây, Angiêri, Mađagaxca,…
Có
thể nói, Nguyễn Ái Quốc là người có công lớn trong việc đấu tranh, bảo
vệ, phát triển và hiện thực hoá học thuyết Lênin về cách mạng thuộc địa
bằng thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tôc của Việt Nam và thắng
lợi của phong trào giải phóng dân tôc trên thế giới trong thế kỷ XX.
Chính
Đảng Cộng sản Pháp đã đánh giá rất cao những cống hiến của Nguyễn Ái
Quốc vào đường lối của Đảng Pháp trong vấn đề thuộc địa: “Nguyễn Ái
Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống
chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản
Pháp…Vậy thì hẳn rằng Người phải được coi là một trong những người thầy
của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”[8].
3. Hồ Chí Minh phải chăng là một người xã hội dân chủ?
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người yêu nước và chiến sĩ quốc tế, điều đó không ai có thể phủ nhận, nhưng liệu ông có phải là người xã hội dân chủ?
Hiện
nay, khi mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ Thụy Điển đang được ca ngợi,
có một số người lại cho rằng Hồ Chí Minh không phải là cộng sản, mà về
thực chất ông là người xã hội dân chủ từ trong gốc rễ!
a. Trước hết, cần nhìn lại xem có khi nào Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phủ nhận danh hiệu người cộng sản của mình không?
Trong
gần 50 năm làm người cộng sản, khi thuận lợi, lúc khó khăn, dù chi là
người thợ ảnh bình thường hay đã là vị chủ tịch nước, khi bị giam hãm
chốn ngục tù hay đã lên tới tuyệt đỉnh vinh quang,…Hồ Chí Minh lúc nào
cũng tỏ rõ là người cộng sản thuỷ chung, thắng không kiêu, khó không
nản, chưa từng thấy khi nào ông phủ nhận danh hiệu cộng sản của mình.
Tháng
8 năm 1944, được Trương Phát Khuê trả lại tự do sau hơn một năm cầm tù,
trước khi rời Liễu Châu, Hồ Chí Minh nói thẳng với Trương: “Tôi là một người cộng sản, nhưng
điều tôi quan tâm hiện nay là Tự do, Độc lập của Việt Nam chứ không
phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời đảm bảo đặc biệt với ông
rằng: chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50
năm tới”[9].
Giữa
năm 1946, ở Paris, một nhà báo cánh hữu muốn làm giảm thiện cảm của
những người Pháp không ưa chủ nghĩa cộng sản đối với Hồ Chí Minh, đã đưa
ra một câu hỏi: “Thưa Chủ tịch, Ngài có phải là cộng sản không?”,
Chủ tịch Hồ Chí Minh bình thản đi tới lẵng hoa bày trên bàn, rút ra
từng bông lần lượt đem tặng cho những người có mặt, trước hết là cho chị
em phụ nữ, và nói rằng: “Tôi làngười cộng sản như thế này này”(Je
suis communiste comme ça!). Hồ Chí Minh hiểu thâm ý của nhà báo Pháp
khi đưa ra câu hỏi không thân thiện nói trên, nghĩa là muốn mượn hình
ảnh người cộng sản đang bị bêu xấu trong các tấm áp phich xuất hiện trên
đường phố Paris thời bấy giờ để hạ uy tín của Hồ Chí Minh. Nhưng cử chỉ
văn hoá trang nhã, lịch thiệp của ông đã cho các quan khách thấy hình
ảnh một người cộng sản khác- một người cộng sản Việt Nam lịch thiệp, nhân ái, nhân văn.
Trước khi qua đời, Người đã dặn lại trong Di Chúc một điều có liên quan đến trách nhiệm đảng viên cộng sản của mình: “Đảng
ta là đảng cầm quyền,…phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng
đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Hồ Chí Minh đi theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng hiểu rất rõ việc thực
hiện lý tưởng cộng sản là một quá trình lịch sử lâu dài, chỉ khi nào đạt
tới trình độ phát triển rất cao về kinh tế, văn hóa, xã hội và con
người mới có điều kiện thực hiện. Đối với Việt Nam, Người khẳng định lý
tưởng đó còn quá xa, chưa thể thực hiện được trong vòng 50 năm tới; còn
đối với thế giới, thì Người cũng nói khi trả lời các nhà báo Pháp năm
1946 tại Paris, qua một sự so sánh: “Tất cả mọi người đều có quyền
nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các
Mác. Cách đây 2000 năm, Đức chúa Giêxu đã nói là chúng ta phải yêu mến
các kẻ thù của ta. Điều đó đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Còn đến bao giờ chủ nghĩa Các Mác thực hiện thì tôi không thể trả lời được”.[10] Như đã thấy: Hồ Chí Minh là một nhà chính trị tỉnh táo và trung thực.
b. Vậy Hồ Chí Minh là ai?
Cần
thấy rằng con đường cách mạng của Nguyễn Tất Thành khi ở Pháp đã phát
triển qua nhiều chặng. Khi mới chân ướt chân ráo tới Paris cuối năm
1911, trung thành với chiến lược canh tân của Phan Châu Trinh (có thể có
sự gợi ý và giúp đỡ của cụ Phan), anh Thành đã viết đơn xin vào Trường
Thuộc địa với hy vọng tranh thủ nâng cao học vấn để trở về giúp đồng
bào. Năm 1919, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, anh đưa Yêu sách 8 điểm gửi
Hội nghị Hòa bình Versailles, thí điểm dùng luật pháp tư sản và biện
pháp kiến nghị hòa bình để đòi các quyền dân chủ tối thiểu cho nhân dân
Việt Nam. Chắc không ai cho anh là người theo chủ nghĩa cải lương!
Trước
khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã từng tham gia Đảng Xã
hội Pháp Quốc Tế 2. Dù đã có cuộc chia tay ở Đại hội Tours, ông vẫn duy
trì quan hệ tốt đẹp với nhiều lãnh tụ và đảng viên Xã hội - những người
một thời đã dìu dắt, giúp đỡ ông trong buổi đầu chập chững khi ông mới
bước vào hoạt động chính trị trên đất Pháp. Chắc cũng không ai vì điều
này mà cho ông là ngườixã hội dân chủ từ gốc rễ?
Hay
là, do cách ứng xử ôn hòa của ông: biết tiến biết lui, biết liên minh,
đối thoại, kiên trì giải pháp hòa bình trong nhiều vấn đề quốc gia và
quốc tế, mà có thể khiến người ta nhìn nhận ông như là một người xã hội
dân chủ chăng?
Giải
đáp vấn đề này, cần nhắc lại một nguyên lý đơn giản: Chủ nghĩa
Mác-Lênin, cũng như mọi chủ thuyết chính trị hay tôn giáo khác, như Phật
giáo, Nho giáo khi được du nhập vào Việt Nam, ít nhiều cũng bị khúc xạ
bởi truyền thống văn hoá, tư tưởng, đạo đức, lối sống ,…của dân tộc Việt
Nam - một dân tộc có truyền thống nghìn năm văn hiến.
Gia nhập hàng ngũ mácxít, đương nhiên Nguyễn Ái Quốc chấp nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của
Mác. Nhưng xuất phát từ thực tế xã hội và văn hoá truyền thống Việt
Nam, ông không coi đấu tranh giai cấp là động lực duy nhất, càng không
tuyệt đối hoá nó, mà có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam.
Lý luận Mác-Lênin nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản,
nhưng Nguyễn Ái Quốc lại cho rằng: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt
Nam) không diễn ra giống như ở phương Tây”.“Chủ nghĩa dân tộc là một
động lực lớn của đất nước…Người ta không thể làm gì được cho người An
Nam nếu như không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời
sốngxã hội của họ”[11]. Trong
những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đã có lần phê phán
những biểu hiện giáo điều, tả khuynh của một số người mới từ nước ngoài
về: “Nghe người ta nói giai
cấp đấu tranh, mình cũng đề ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét
hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[12]. “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc”[13]. Về
chính quyền, Hồ Chí Minh không tuyên bố xây dựng nhà nước chuyên chính
vô sản mà chủ trương thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa, tiêu biểu cho
khối đại đoàn kết toàn dân.
Là người cộng sản, đương nhiên về nguyên tắc, Hồ Chí Minh thừa nhận học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Nhưng khi Nguyễn Ái Quốc bước vào hoạt động chính trị đầu thập niên 20
thế kỷ trước, thì giai cấp công nhân Việt Nam mới đang trên đường hình
thành, số lượng còn nhỏ bé, càng chưa thể có giai cấp công nhân công
nghiệp và cũng chưa thực sự xuất hiện trên vũ đài lịch sử như một lực
lượng chính trị. Khi đó, Nguyễn Ái Quốc đã từng viết một số bài về phong
trào công nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,…mà chưa có điều
kiện bàn nhiều về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam khi
nó chưa thật sự trưởng thành. Từ sau cách mạng tháng Tám, rồi bước vào
cuộc kháng chiến chống Pháp, thì Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”[14].
Những điều trình bày trên cho thấy Hồ Chí Minh hoàn toàn không có gì giống với các quan điểm cơ bản của chủ nghia xã hội dân chủ. Ông không phủ nhận đấu tranh giai cấp để đi vào con đường thoả hiệp với kẻ thù ; không từ bỏ con đường đấu tranh cách mạng để chấp nhận những cải cách bố thí nhỏ giọt của đế quốc, thực dân ; càng không tin rằng vận mệnh của Tổ quốc, tự do của nhân dân có thể giành lại chỉ bằng con đường đấu tranh nghị trường, v.v.
vốn là những quan điểm đặc trưng của những người xã hội dân chủ. Chính
vì bất mãn với thái độ của các lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp trong vấn đề
thuộc địa: “Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào viện bảo tàng”[15], nên
Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc Tế 3, trở thành
người chiến sĩ quốc tế nồng nhiệt, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập
của dân tộc mình và cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa.
Đó
là so sánh trên những điều thuộc về nguyên tắc, còn cung bực uyển
chuyển trong xử lý mỗi sự việc cụ thể là thuộc về sách lược, nó phụ
thuộc vào phong cách, khí chất của mỗi con người, vào nền tảng văn hóa
của họ.
Nhưng điều quan trọng không phải là lý giải xem Hồ Chí Minh là Xã hội Dân chủ hay Cộng sản, mà vấn đề cơ bản cần làm rõ: Ông là người cộng sản như thế nào? Bởi
trong những lãnh tụ cộng sản, có người chuyên quyền, độc đoán, giáo
điều, cơ hội “tả” khuynh,…lại cũng có những người như Antonio Gramsci,
lãnh tụ Đảng Cộng sản Italia, chủ trương thay thế khái niệm “chuyên
chính vô sản”(dictature du prolétariat) bằng khái niệm “bá quyền lãnh
đạo của giai cấp vô sản” (hégémonie du prolétariat), nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của trí tuệ và đạo đức hơn là bằng quyền lực nhà nước; hoặcnhư
Rosa Luxemburg - lãnh tụ Đảng Cộng sản Đức, bà cho rằng “chế độ tập
trung dân chủ là tập trung quyền lực vào một nhóm người, còn các tổ chức
khác chỉ là công cụ chấp hành của Trung Ương mà thôi”; theo bà, cải
lương cũng là sản phẩm của cách mạng, lựa chọn cải lương hay bạo lực là
tùy tình thế cách mạng, còn bạo lực chỉ là giải pháp cuối cùng, nó là
con dao hai lưỡi, rất khó sử dụng,…
Đó
là nói những lãnh tụ cộng sản chưa cầm quyền. Hồ Chí Minh là một lãnh
tụ đã cầm quyền suốt 24 năm, nhưng trước sau vẫn nhất quán là người cộng
sản yêu nước, thương dân, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên
trên lợi ích giai cấp và bộ phận, suốt đời tận tụy, khắc khổ nêu tấm
gương về người lãnh đạo - người đày tớ thật trung thành của nhân dân;
trong sạch, liêm khiết, đi tiên phong đấu tranh chống hủ bại: tham ô,
lãng phi, quan liêu trong điều kiện cầm quyền. Hồ Chí Minh là biểu tượng
của người cộng sản cầm quyền theo chính trị “vương đạo”: lãnh đạo bằng
thuyết phục và nêu gương, luôn nêu cao trí tuệ, đạo đức, dân chủ, coi
dân là chủ, lấy lợi ích và nguyện vọng của dân làm gốc. Cụ là người rất
“trí thức” nên biết quý trọng trí thức, tin dùng người tài, không gợn
một chút “kiêu ngạo cộng sản” nào. Cụ thường nói: “Cách mạng rất cần trí
thức và thực ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức…Không có trí
thức tham gia, công việc của cách mạng khó khăn thêm nhiều”[16].
Nhân cách của Cụ tỏa ra sức hấp dẫn đặc biệt đối với trí thức thuộc
nhiều xu hướng, cả trong Nam ngoài Bắc lẫn trí thức Việt kiều, lôi cuốn
được hầu hết những trí thức lớn của đất nước đi vào công cuộc kháng
chiến, kiến quốc; ai chưa kịp đến với Cụ thì cũng không khi nào chống
lại Cụ cả. Đó là “chìa khóa” đã giúp Hồ Chí Minh thành công. Học tập và
làm theo Hồ Chí Minh là phải phấn đấu thực hiện bằng được những điều đó.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng Hồ Chí Minh lại là một
minh chứng hùng hồn về vai trò của vĩ nhân trong lịch sử. Không có Hồ
Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khó có thể sớm giành được bá quyền
lãnh đạo của mình ngay từ sau năm 1945.
Tuy nhiên, cũng không thể quy những phẩm chất nói trên của Hồ Chí Minh chỉ do ông là môn đồ của Khổng giáo.
Không ai phủ nhận: xuất thân từ một gia đình nhà nho, từ nhỏ Nguyễn Tất
Thành đã thấm nhuần nhiều mệnh đề Nho giáo có giá trị chỉ đạo nhận thức
thế giới và xử lý các vấn đề xã hội-nhân sinh, (ví như đạo “Trung
Thứ”của Khổng-Mạnh: suy từ lòng mình để hiểu được lòng người, làm chính
trị như thế có thể đạt tới điều “nhân”). Nhưng ảnh hưởng của Khổng giáo
chỉ là một phần thôi, cái gốc làm nên nhân cách chính trị Hồ Chí Minh
chính là văn hóa Việt Nam, mà hạt nhân của nó là chủ nghĩa yêu nước, chủ
nghĩa nhân ái và chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam - được hình thành lâu đời
từ trong quá trình dựng nước và giữ nước.
c.
Hồ Chí Minh không phải là người cộng sản giáo điều mà là người cộng sản
nhân văn, có tư duy độc lập, sáng tạo, một nhà chính trị có đầu óc thực
tế.
Chỉ mới hơn một năm sống ở Maxkva, Nguyễn Áí Quốc đã đưa ra một luận điểm mà nhiều nhà cách mạng thế giới phải suy nghĩ: “Mác
đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết học nhất định của lịch
sử. Nhưng lịch sử nào?-Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gi? Đó chưa phải
là toàn thể nhân loại”[17] - (một phản ứng rất tinh, rất sớm với thuyết “Dĩ Âu vi trung” đang thịnh hành ở châu Âu lúc bấy giờ).
Nguyễn
Ái Quốc đã xuất phát từ truyền thống văn hoá Việt Nam để nhận thức và
vận dụng chủ nghĩa Mác. Ông là người cộng sản đầu tiên nhận ra và đánh
giá cao tiềm lực của cách mạng thuộc địa ở Phương Đông. Trong lúc các
đảng Cộng sản theo Quốc Tế 3 cho rằng: vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải quyết khi nào cách mạng vô sản giành được thắng lợi ở phương Tây. Cả Mác - Enghen, rồi Lênin cũng chưa nghĩ đến khả năng các dân tộc thuộc địa có thể tự giải phóng mình ngay giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.
Thế mà Nguyễn Ái Quốc lại “cả gan” đưa ra một luận điểm trái ngược, “phi kinh điển”,
so với các quan niệm trên! Từ sự phân tích những điều kiện kinh tế-
chính trị- xã hội…của châu Á (chế độ ruộng công, thuyết bình đẳng về tài
sản, chế độ giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, chế độ
phúc lợi cho người già, tư tưởng “dân vi quý”, sự lên án nghiêm khắc
thói ăn bám,…), Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định: “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á hơn là ở châu Âu”, nghĩa là cách mạng thuộc địa theo đường lối vô sản có thể nổ ra ở châu Á, nếu “chúng
ta có nhiệt tình tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp
đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột” thì họ sẽ trở thành một lực lượng khổng lồ “và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc” họ còn “có thể giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[18]. Đó
quả thật là một luận điểm táo bạo, mới mẻ, lạ lùng nữa, trước đó chưa
có ai nhìn ra và chưa ai dám khẳng định mạnh mẽ như thế !
Nhìn vào những đặc điểm của văn hoá chính trị Hồ Chí Minh, chúng ta đều nhận thấy đó chính là sản phẩm của văn hoá chính trị Việt Nam, phản ánh những giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam. Những
nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, thông qua Hồ Chí Minh,
cũng được lọc qua hệ giá trị đó. Khi Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng
viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. “Hiểu chủ
nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao
nhiêu sách mà sống không có tinh, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa
Mác-Lênin được” – thì đó chỉ là mượn danh nghĩa Mác-Lênin để truyền đạt tinh thần nhân văn - nhân nghĩa của văn hóa Việt Nam mà thôi!
III. Kết luận
Nêu
lại luận đề “Cụ Hồ là ai” để trao đổi, chúng tôi chỉ muốn góp thêm một
vài ý kiến để cùng tham khảo, vì hiểu rằng Hồ Chí Minh dù là dân tộc hay
quốc tế, cộng hòa hay cộng sản, xã hội dân chủ hay Khổng giáo,…đối với
các học giả nói trên, đều không quan trọng. Mỗi người từ chỗ đứng của
mình, rọi một cái nhìn để giúp hiểu được tính đa dạng, phong phú cuả một
vĩ nhân. Vĩ nhân nào cũng đều là sản phẩm của những điều kiện lịch sử-
xã hội nhất định, sở dĩ họ là vĩ nhân vì họ đã vượt lên được những hạn
chế của hoàn cảnh để trở thành người đi tiên phong trong thời đại của
mình. Ở một vĩ nhân như Hồ Chí Minh lại càng như vậy. Trên hành trình 30
năm tìm đường, Cụ đã đến nhiều nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, đã
tìm hiểu nhiều chủ thuyết, tự coi mình là học trò nhỏ của nhiều ông
thày lớn, nhưng Cụ biết chọn lọc để chỉ học lấy những “cái cần thiết cho chúng ta”, phục vụ cho “con đường giải phóng chúng ta”[19] phù
hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, chứ không hề “tiếp thu cả
gói” một cách giáo điều. Trong những hoàn cảnh bị o ép khắc nghiệt, Cụ
vẫn giữ được bản lĩnh, bản sắc của một nhà chính trị tầm vóc, không bị
bào mòn, hòa tan, không đầu hàng, khuất phục. Cụ đã nêu tấm gương bất
khuất của một dân tộc nhỏ trước những cường quốc lớn, ngay cả trong vấn
đề tiếp nhận văn hóa và tư tưởng.
Vậy cuối cùng, Cụ Hồ là ai?
Theo Voltaire, “nhà chính trị thực sự xứng đáng với tên gọi này là
người “biết chơi” và dần dà là người chiến thắng”. Theo tôi, Cụ Hồ là
nhà chính trị “biết chơi”, biết khéo tận dụng mọi cơ hội và phương tiện để thực hiện mục tiêu đấu tranh của
dân tộc. Cụ là người chiến thắng, vì nền tảng văn hóa của Cụ sâu rộng,
lý tưởng của Cụ cao cả, phẩm cách của Cụ trong sáng, phương pháp tư duy
của Cụ uyển chuyển, biết linh hoạt ứng biến trước mọi hoàn cảnh, như Cụ
thường nói “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khi “tình hình, nhiệm vụ đã thay đổi,… chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi cho hợp với tình hình mới”[20].Vì vậy, Cụ được thừa nhận là biểu tượng cho khát vọng Độc lập, Tự do, Lương tâm và Trí tuệ của
các dân tộc bị áp bức; được Tạp chí Time của Mỹ tổ chức bầu chọn vào
danh sách 20 nhà lãnh đạo có uy tín hàng đầu trong tổng số 100 nhân vật
được bầu chọn là những người nổi tiếng nhất thế giới trong thế kỷ XX[21].
Về phần Cụ, sứ mệnh đã hoàn thành. Trong 80 năm mất nước, bị nô lệ, có
biết bao cuộc đấu tranh anh hùng đã diễn ra, song tất cả đều thất bại;
với Cụ, ta đã có “một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất”; còn
“dân chủ, giàu mạnh và góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới” sẽ
được thực hiện ra sao, đó là trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo hôm nay,
của những người được coi là kế tục Cụ; nhưng để được như vậy, không chỉ
nhân danh Cụ mà cần ra sức học tập, thành tâm noi theo Cụ, cả về Tâm, Đức, Trí và Hành ./.
Chú thích
[1] Thu Trang-Gaspard: Hô Chi Minh à Paris (1917-1923). Preface de Ph. Devillers, p.13.
[2] Alain Ruscio: Nguyen Ai Quoc-Ho ChiMinh : Portrait d’un “Bolchevik jaune”, RevueCommunisme No 28, 4 me Trimestre 1990.
[3].Bài nói chuyện của Pierre Brocheux tại Toronto-Canada ngày 29-10-2003 về cuốn sách của ông: “Viêt Nam expose and New biography of Ho Chi Minh” .
[4] David Halberstam: “Ho”, Random House, New York, 1971.
[5] Hồ Chí Minh Toàn Tập, t. 4, tr. 458
[6] Luận
đè này đến năm 1959 mới được Hồ Chí Minh diễn đạt thành văn, nhưng nó
đã là sản phẩm tư duy của Nguyễn Ái Quốc được hình thành từ những điều
kiện lịch sử khách quan của những năm 20 TK XX. Cũng có thể xem đó là sự
lựa chọn của lịch sử.
[7] “Một nhà yêu nước và một nhà cách mạng mẫu mực”, trong Ho Chi Minh, notre camarade, Ed. Sociales Paris, 1970, p. 21.
[8] Ch. Fourniau : Ho Chi Minh, notre camarade, Ed. Sociales, Paris, 1970, tr. 31.
[9] Hồi ký của Trương Phát Khuê, đăng trên Tuần báo Liên hợp tạp chí ,Hồng Kông, 1962.
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, t,4, tr. 272.
[11] Hồ Chí Minh Toàn Tập, t. 1, tr. 464, 467.
[12] HCM Toàn tập, t.5, tr.272.
[13] XYZ: Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Ban Huấn luyện TƯ xb 1949. (Chưa có trong HCM Toàn tâp xb lần 2).
[14] Hồ Chí Minh Toàn Tập, sdd, t.6,tr. 458.
[15] Hồ Chí Minh Toàn Tập ,sdd, t.1,tr. 281.
[16] Hồ Chí Minh Toàn Tập, t.7, tr. 33 và t.5, tr.235 .
[17] Hồ Chí Minh Toàn Tập, t. 1, tr. 465.
[18] Hồ Chí Minh Toàn Tập, sdd , t.1, tr.36.
[19] Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, HCM Toàn Tập, t. 10, tr. 127.
[20] Hồ Chí Minh Toàn Tập, t.7, tr. 315.
[21] Chuẩn bị cho thời điểm kết thúc thế kỷ XX, tạo chí Time đã
phối hợp với hãng truyền hình CBS, đưa ra bảy triệu phiếu bầu, gửi đi
khắp các nước, để bầu chọn lấy 100 nhân vật được coi là có ảnh hưởng lớn
nhất, thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong thế kỷ XX. Số cuối tháng
12-1999, tạp chíTime đã công bố danh sách 100 nhân vật đó.
Hồ Chí Minh nằm trong số 20 nhà lãnh đạo có uy tín lớn nhất, bên cạnh
V.I.Lênin, M.Gandhi, W. Churchill, A. Khomeney, N. Mandela cùng nhiều
nhân vật nổi danh khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét