G.S Song Thành
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Thắng lợi của sự
nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc là thắng lợi
của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó cũng là
thắng lợi của ý chí, đạo đức, văn minh Việt Nam trước vũ khí, kỹ thuật và sự dã
man, tàn bạo của kẻ thù. Công lao đó trước hết thuộc về nhân dân Việt Nam
kiên cường, bất khuất, thế hệ nối tiếp thế hệ, đã vượt qua mọi gian khổ, hy
sinh chiến đấu liên tục, ròng rã 30 năm trời dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng
và với sự cổ vũ kỳ diệu của tư tưởng - đạo đức Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ánh
sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, tạo cơ sở thế giới quan và phương
pháp luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới và một nền đạo đức mới Việt
Nam. Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã cổ vũ, động viên các tiềm năng
tinh thần truyền thống Việt Nam để tạo ra một xã hội nhân cách mới. Xã hội nhân
cách đó được tạo dựng trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước của dân tộc kết hợp chủ
nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, từ đó đã sản sinh ra hàng triệu, hàng
triệu người con anh hùng của đất nước - những chiến sĩ cách mạng kiểu mới của
thời đại Hồ Chí Minh: trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh
vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, cần kiệm liêm chính,
chí công vô tư... Những cán bộ, đảng viên ưu tú của Đảng ta đã gương mẫu đi
tiên phong trong cuộc đấu tranh anh hùng đó và chính họ đã cùng với nhân dân
làm nên hiện tượng "kỳ diệu Việt Nam" trong thế kỷ 20, tiêu biểu cho
lương tâm, vinh dự và phẩm giá con người.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới, đạo đức mới trong
lịch sử dân tộc. Người đã làm rạng rỡ Tổ quốc ta, nhân dân ta, truyền thống
quang vinh của Đảng ta. Người nói: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh"
và chính Người là hiện thân của sự thống nhất đạo đức - văn minh" và chính
Người là hiện thân của sự thống nhất đạo đức = văn minh đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng
những để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang chưa từng có trong
lịch sử dân tộc, Người còn để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại, đó là tấm
gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất
trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí minh
là một tấm gương đạo đức của một vĩ nhân - một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một
người cộng sản vĩ đại, nhưng đó đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một
người bình thường, ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một
người công dân tốt hơn.
Vấn đề số một trong đạo đức của
một vĩ nhân - cũng như của một người bình thường là vấn đề lý tưởng, vấn đề lẽ
sống: Sống cho ai? Sống vì cái gì? "Không có gì quý hơn độc lập, tự
do", đó là lý tưởng, là lẽ sống mà cũng là học thuyết chính trị - đạo đức
của Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam. Ham muốn tột bậc của Người là làm sao
cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai
cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Chính ham muốn mãnh liệt ấy đã
tạo cho Người một ý chí, một nghị lực phi thường để "giàu sang không thể
quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục". Cho
đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ
là "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức
của một bậc đại trí, đại đồng, hy sinh chẳng quản, gian nguy không sờn. ở những
thời điểm then chốt của lịch sử, với tầm nhìn xa trông rộng của một
"phượng hoàng đại ngàn", Hồ Chí Minh đã sáng suốt và dũng cảm đi tới
những phán quyết lịch sử. Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đã đến, Người chỉ
thị: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc
lập" Vào giữa những năm 60, lợi dụng khó khăn của ta, khi phong trào cộng
sản quốc tế có xung đột và chia rẽ nghiêm trọng, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đổ hơn nửa
triệu quân vào miền nam Việt Nam và tăng cường cho không quân, hải quan ném
bom, bắn phá dữ dội miền băc, hòng đưa chúng ta trở lại thời kỳ đồ đá! Trước
tình thế đó, Người vẫn thể hiện quyết tâm và khí phách của toàn Đảng, toàn dân
ta: "Dù nó ném hóa biển cũng phải giải phóng miền nam cho kỳ được!"
(xem báo Nhân Dân ngày 24-5-1970). Thật "hiếm có một nhà lãnh đạo nào,
trong những giờ phút thử thách, lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên
mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy".
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức
của tinh thần: Thắng không kiêu, khó không nản. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một
chuỗi những năm tháng vô cùng gian khổ: hai lần ngồi tù, một lần lãnh án tử
hình; có giai đoạn hoạt động rất sôi nổi, được đánh giá cao, có giai đoạn bị
hiểu lầm, ngộ nhận, lâm vào cảnh "như là sống ở bên lề, ở bên ngoài của
Đảng (Xem Hồ Chí Minh Toàn tập, t.3, tr 90). Vượt qua được thử thách khổ ải, tù
đày đã rất khó, nhưng vượt qua được thử thách do bị hiểu lầm, nghi kị còn day
dứt hơn nhiều. Để kiên trì chân lý, giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, Người
đã bình tĩnh, chủ động vượt qua những năm tháng khó khăn đó. Lê-nin từng nói:
không sợ đói, không sợ chết, chỉ sợ không chiến thắng được phút yếu đuối của
bản thân. Trong khó khăn, Người vẫn luôn luôn "tự khuyên mình": muốn
nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao. Dù có lúc phải "hoá lệ thành
thơ" thì điều đó cũng chỉ vì nhân dân, vì Tổ quốc chứ không phải vì cảnh
ngộ cá nhân.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức
của một lãnh tụ hết lòng thương yêu, quý trọng đối với nhân dân, luôn luộn tin
tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, cho nên mọi chủ trương, chính sách
đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân,
"lấy dân làm gốc". Người giáo dục cán bộ phải nêu cao tinh thần phục
vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân, bởi "nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng
hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì"
Để làm tròn trách nhiệm là
người đầy tớ trung thành của nhân dân, Người dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm
lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân. của "những người không
quan trọng", không được lên mặt "quan cách mạng", cậy quyền cậy
thế, đè đầu cưỡi cổ dân. Mặc dù uy tín rất cao, có sức hấp dẫn rất lớn, được
toàn dân suy tôn là "Cha già của dân tộc" nhưng không bao giờ Người
xem mình đứng cao hơn nhân dân. Người coi việc phải gánh chức Chủ tịch cũng như
việc "người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra mật trận". Nhận được thư,
quà chúc mừng của nhân dân, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn tự tay viết
thư trả lời, cảm ơn một cách thân tình, chu đáo, nêu một tấm gương ứng xử rất
văn hóa, đầy khiêm nhường và kính trọng đối vớii nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức
nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực. Bác Hồ là "muôn vàn tình
thân yêu" đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình yêu thương đó, có chỗ cho
mọi người, không quên, không bỏ sót một ai. Trái tim mênh mông của người ôm
trọn mọi nỗi đau khổ của nhân dân. Người nói một cách cảm động: "Mỗi người,
mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi
người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". Tình thương yêu đó
được mở rộng đối với nhân dân lao động toàn thế giới. Đối với những người lầm
lạc, ngay cả đối với những người chống đối hay kẻ thù, Người cũng thể hiện một
lòng khoan dung, độ lượng hiếm có. Kẻ thù xâm lược đã gây nên bao tội ác man rợ
đối với nhân dân ta, nhưng khi chúng đã thất thế, đầu hàng hay bị bắt, Người
luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải đối xử với chúng một cách khoan hồng, phải làm
"cho thế giới biết rằng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi
giết người, cướp nước".
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức
chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi
thường. Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là "tư cách
của người cách mạng". Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện. Cũng như
V.I.Lê-nin, Người coi khinh mọi sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức
trang trọng. Một cốt cách giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Cuộc đời của Người,
từ một thợ ảnh bình thường ở ngõ hẻm Công-poanh đến khi làm Chủ tịch nước, sống
giữa thủ đô Hà Nội, vẫn là một cuộc đời thanh bạch, giản dị, tao nhã. Khách
nước ngoài vào thăm nhà sàn của Bác Hồ đã rất xúc động khi được biết Người
không hề có một chút của riêng. Đó là một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực
hành cần kiệm, liêm chính.
Nét nổi bật trong đạo đức Hồ
Chí Minh là sự khiêm tốn phi thường. Mặc dù có công lao rất lớn, Người không để
ai sùng bái cá nhân mình, mà luôn luôn nêu cao sự nghiệp anh hùng của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người nói: Quần chúng mới là người làm nên lịch
sử và lịch sử là lịch sử của chính họ chứ không phảl của một cá nhân anh hùng
nào.
Bấy nhiêu đức tính cao cả chung
đúc lại trong một con người đã làm cho tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên
siêu việt, vô song, "khó ai có thể vượt hơn. Nhưng với sự kết hợp những
đức tính đó, Người còn là tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo".
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã viết
nhiều về tấm gương đạo đức của V.I.Lê-nin. Rèn luyện theo tấm gương đó, Hồ Chí
Minh đã để lại cho dân tộc và nhân loại một tấm gương trọn vẹn, mười phân vẹn mười.
ở Hồ Chí Minh, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm,
giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. Do đó,
Người đã trở thành "tinh hoa và khí phách, lương tâm và vinh dự",
thành biểu tượng của đạo đức và văn minh, không phải chỉ của Đảng ta, dân tộc
ta, mà còn là biểu tượng của đạo đức - văn minh nhân loại. Đúng như bạn bè quốc
tế đã đánh giá: "Giữa lúc vàng thau lẫn lộn, đồng chí Hồ Chí Minh trở
thành trung tâm và tượng trưng cho cuộc xung đột lớn lao đang diễn ra giữa cái
cũ và cái mới, giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội? Sở dĩ bản anh hùng
ca Việt Nam thu hút được lòng yêu mến của hàng trăm triệu người trên thế giới,
chính là vì nó được tiêu biểu bởi nhân vật phi thường đó".
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
đã làm trong sáng thêm lương tâm của dân tộc và của loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét