Ngô Trần Đức
Sinh thời, trong một lần “tự bạch”, khi
trả lời câu hỏi của con gái về “câu cách ngôn mà cha thích nhất?”,
Marx đã chọn câu của Térence - nhà thơ La mã cổ đại:
“Không
có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi”.[1]
Cũng có thể nói như vậy về Cụ Hồ. Cụ vĩ đại, siêu việt, hơn thường,
nhưng Cụ không phải là ông thánh, một vì sao chỉ lấp lánh ở chân
trời xa! Cụ là một con người trần thế với tất cả khát vọng về hạnh
phúc và niềm vui được sống, được làm người trên thế gian này. Là một
con người nhân hậu, giản dị, Cụ gần gũi, thân thiết với tất cả mọi
người, không có gì thuộc về con người lại không vang vọng sâu xa
trong tâm hồn của Cụ.
Người Việt chúng ta không có truyền thống “tự bạch” như người phương
Tây ở thế kỷ trước, để qua đó có thể bộc bạch công khai tâm hồn mình
- những điều yêu ghét, mong mỏi, theo đuổi trong cuộc đời - như Marx
trả lời con gái. Nhưng cũng có lần, một phóng viên của tờ Frères
D’Armes
(Bạn chiến đấu) đã hỏi Cụ Hồ theo kiểu này:
-Thưa
Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất? - Điều ác.
-Thưa
Chủ tịch, Chủ tịch yêu gì nhất? -Điều thiện.
-Chủ
tịch cầu mong gì nhất? -Nền
độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.
-Thưa
Chủ tịch, Chủ tịch sợ gì nhất? -Chẳng sợ gì cả.
Một người yêu nước không
sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.[2]
Số câu hỏi ít, nội dung trả lời ngắn, tuy vậy cũng đã cho ta thấy
được điều cốt yếu nhất trong con người Cụ: theo đuổi những giá
trị phổ quát, có ý nghĩa toàn nhân loại: yêu điều thiện, ghét
điều ác, yêu nước mình đồng thời tôn trọng độc lập của tất cả các
nước, đó là một người chân chính, vì vậy không có gì phải sợ và nhất
thiết không được sợ gì! Từ điểm xuất phát này, chúng ta có thể từng
bước khám phá để hiểu được con người và phong cách Hồ Chí Minh.
Một tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có
tình.
Xem xét tính cách, phẩm chất của một
con người cũng như của một vĩ nhân, người ta thường bắt đầu từ xem
xét đặc điểm tư duy của họ, xuất phát điểm của tư duy khác nhau sẽ
dẫn đến những kết quả khác nhau. Trong đời sống, do địa vị xã hội,
lợi ích giai cấp và xu hướng cá nhân, mỗi người thường theo đuổi
những giá trị khác nhau. Cái mà anh cho là tốt đẹp, là lý tưởng chưa
hẳn đã là tốt đẹp và lý tưởng đối với tôi. Tuy nhiên, bên cạnh cái
riêng, cái giai cấp, vẫn tồn tại cái chung, cái nhân loại mà ở thời
nào, dân tộc nào cũng đều thừa nhận. Cụ Hồ từng viết: “Tuy
phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống
nhau: Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ”[3].
Như vậy, lành - dữ, thiện -
ác, chính - tà, tự do - độc lập, nhân ái - hòa bình, dân chủ - bình
đẳng,…là những phạm trù chung, có giá trị toàn nhân loại, không ai
có thể phủ nhận được.
Đặc điểm nổi bật của tư duy Hồ Chí Minh
là Cụ luôn luôn xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những
chân lý phổ biến, “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Để xây
dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Cụ thường không mấy đề cập đến địa
vị giai cấp, thành phần xuất thân,…của người dân, mà chỉ đưa ra
những chuẩn mực chung nhất, như là yêu nước - bán nước, thiện - ác,
chính - tà,…Cụ viết: “Trên
quả đất có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm
hai hạng: người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy
có trăm công, nghìn việc, song những công việc ấy có thể chia làm
hai thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính
là người thiện. Làm việc tà là người ác…Trừ bọn
Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta
phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải
yêu quý, kính trọng, giúp đỡ”[4].
Để đàm phán, thuyết phục đối phương đi
tới đồng thuận, Cụ Hồ luôn lập luận trên nguyên tắc về tính đồng
nhất của nguyên lý. Cụ viết: “Quyền độc lập, tự do, ở nước
nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của
toàn quốc dân mà xây dựng nên. Vậy nên, những người chân chính ham
chuộng độc lập, tự do của nước mình thì phải kính trọng độc lập tự
do của các dân tộc khác”. Cụ nói với Thủ tướng Pháp G. Bidault
(2-7-1946): “Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần:
triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên
tắc đạo đức: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tôi tin rằng
trong những điều kiện ấy, Hội nghị sắp tới sẽ đi đến những kết quả
tốt đẹp”[5].
“Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn
yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do… Chúng tôi cũng phải
được yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng
phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái
mà các bạn coi là lý tưởng, cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”[6].
Những chân lý này
không có biên giới, nó là lương tri của loài người, không bị chi
phối bởi một chủ thuyết nào cả. Việt Nam chiến đấu là để bảo vệ và
góp phần thức tỉnh lương tri ấy.
Tháng 5-1947, Paul Mus, đại diện của E.
Bolaert, lên Thái Nguyên gặp Cụ Hồ, đưa ra 3 điều kiện để ngưng
chiến: 1.đòi ta phải nộp hết vũ khí cho họ ; 2. đòi quyền cho họ
được tự do đi lại trên khắp nước Việt Nam; 3. đòi trao trả cho họ
những người lính Pháp phản chiến đã gia nhập hàng ngũ của chúng ta.
Thực chất, đó là một tối hậu thư đòi chúng ta phải đầu hàng! Cụ Hồ
hỏi lại P.Mus: “Các bạn là những người đã chiến đấu oanh liệt để bảo
vệ Tổ quốc, các bạn hãy đứng vào địa vị chúng tôi, các bạn có thể
nào chịu nhận những điều kiện như thế không?”[7]
Paul Mus phải thừa nhận rằng: nếu ở vào địa vị mình, ông cũng không
thể chấp nhận.
Một đặc điểm thứ hai của tư duy Hồ Chí Minh là Cụ rất dị ứng với
mọi biểu hiện của lối suy nghĩ cạn hẹp, phiến diện, một chiều.
Có một thời, thế hệ chúng tôi không tránh khỏi mang những nhược điểm
của lối tư duy ấy: cách mạng là đoạn tuyệt với mọi cái cũ, chủ nghĩa
xã hội hơn hẳn chủ nghĩa tư bản về mọi mặt, con người mới hơn hẳn
con người cũ, v.v… Cách suy nghĩ đó một thời đã đi vào thơ ca, tiểu
thuyết, đến mức nhiều người thành thật tin là như vậy:
Thuở Anh chưa ra đời,
Trái đất còn nức nở,
Nhân loại chửa thành người,
Đêm ngàn năm man rợ.
(Bài ca Tháng Mười)
(Bài ca Tháng Mười)
Khi ấy đâu có ai dám
thắc mắc: chẳng nhẽ cha ông ta với mấy nghìn năm văn hiến, cũng đều
là man rợ cả sao? Sau này, khi trưởng thành hơn, một nhà thơ khác đã
“phản tỉnh” về hiện tượng tư duy “ngây thơ, ngờ nghệch” của một thời, khi cứ chân thành nghĩ rằng:
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ,
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ?
[8]
Tất nhiên, lối suy nghĩ “ấu trĩ tả
khuynh” này hoàn toàn xa lạ với phong cách tư duy của Cụ Hồ.
Theo Cụ, lịch sử là một dòng chảy không ngừng, cách mạng là đột biến
trong liên tục, cái mới sinh ra từ cái cũ, có khi lật ngược cái cũ,
nhưng không vứt bỏ những yếu tố đúng đắn, hợp lý của cái cũ; chủ
nghĩa xã hội không phủ định sạch trơn mà kế thừa và phát huy tất cả
những giá trị văn hóa-văn minh của nhân loại từ các đời trước để
lại. Không phải cứ cách mạng thành công rồi thì con người bỗng tự
nhiên trở nên “thiên thần” và người đảng viên cộng sản được coi là
những người “có tính cách đặc biệt riêng, được cấu tạo bằng một
chất liệu đặc biệt riêng”- như một lãnh tụ của một Đảng cộng sản
trước đây đã từng nói.[9]
Cụ Hồ chống lại thói “kiêu ngạo cộng sản” ấy. Cụ nói: “Đảng
viên chúng ta là những người rất tầm thường, vì chúng ta là con của
giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, chúng ta chỉ biết trung
thành với giai cấp vô sản, quyết tâm đấu tranh cho nhân dân. Thế
thôi. Chính vì chúng ta rất tầm thường nên Đảng ta rất vĩ đại. Ngoài
lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi
ích nào khác”[10].
Tất nhiên, người cộng sản Việt Nam có
quyền tự hào chính đáng vì họ đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh
giải phóng lâu dài và gian khổ của dân tộc, bất chấp tù lao, máy
chém, chiến trường. Nhưng người cộng sản cũng là con người, nên có
ưu, có khuyết, có tốt, có xấu. Cụ nói: “Đảng
ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra…Cũng như
những người hàng ngày lội bùn mà trên mình họ có hơi bùn, có vết
bùn…Cần phải tắm rửa lâu mới sạch”.[11]…
“Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng
dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước…Muốn
làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”[12].
Như vậy, theo Cụ Hồ, “tính
cách đặc biệt riêng” nếu có của người cộng sản, chính là phải có
ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện và nêu gương suốt đời.
Chính trị là lĩnh vực đầy thiên kiến,
nên dễ phiến diện, cực đoan. Điều này hiếm thấy ở Cụ Hồ. Một nhà báo
Mỹ của tờ Newsweek phỏng vấn Hồ Chí Minh về hệ thống một đảng
có phải là tốt hay không, Cụ trả lời: “Đó
là điều tốt, nếu đảng tốt. Nếu không, đó là không tốt”.[13]Cả
trong cách nhìn về ông vua sáng lập triều Nguyễn cũng vậy, Cụ rất
khách quan. Hãy nghe Cụ nói về vua Gia Long trong bài “ Lời
than vãn của bà Trưng Trắc”: “Với
một tấm can trường vô song và một đức độ băng tuyết, giống như vàng
mười óng ánh muôn tia đã qua ngàn lần thử lửa, ông tổ mi là Gia
Long, tôn quý và tài ba bội phần, đã để lại, sau những cuộc thăng
trầm và đau khổ không sao kể xiết, một đất nước giàu có, một nhân
dân độc lập, một dân tộc được những kẻ mạnh kính nể, những kẻ yếu
yêu mến, một tương lai đầy sức sống và đầy triển vọng”.[14]
Theo Cụ Hồ, công việc chúng ta đang làm hôm nay - giải phóng dân
tộc, xây dựng xã hội mới, bảo vệ từng tấc núi, tấc biển của Tổ quốc,
không phải là cái gì đặc biệt, nó chỉ là sự nối tiếp sự nghiệp cha
ông đã mở ra từ mấy nghìn năm trước. Cụ nói:
“ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau
giữ lấy nước”. “Cuộc chiến đấu hiện thời của chúng ta chỉ là kết
tinh của cuộc trường kỳ đề kháng mà ông cha, anh em chúng ta đã tiếp
tục trong tám mươi năm Pháp thuộc.”[15]
Bản Tuyên ngôn Độc lập, theo Cụ, không phải chỉ là sự
kế thừa các bản “Yêu sách” và “Chương trình Việt Minh” do Cụ Hồ đã
viết vào năm 1919 và 1941 mà “còn là kết quả của những bản tuyên
ngôn khác của tiền bối như các cụ Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng,
Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và… của bao nhiêu sách báo, truyền đơn
bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám
mươi năm nay”. Nó “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và
bao nhiêu tính mạng đã hy sinh,…là kết quả của bao nhiêu hy vọng,
gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”[16],
kể cả những ông vua yêu nước. Rõ ràng là không một chút biệt phái,
không coi đó là công lao của riêng một bộ phận nào.
Tháng 12-1923, cuối buổi nói chuyện với
O. Mandelshtam ở Maxkva, Nguyễn Ái Quốc đã không quên nhắc đến ông
hoàng Duy Tân: Ở bên nước “chúng tôi còn có một cuộc “nổi dậy” nữa,
do vua An Nam trẻ tuổi Duy Tân phát động, chống lại việc đưa những
người nông dân của chúng tôi đến chiến trường của Pháp. Vua Duy Tân
đã chạy, bây giờ ông ấy đang sống lưu vong. Hãy kể về ông ấy nữa”.[17]
Trong tư duy cuả Cụ
Hồ luôn có sự kết hợp giưã dân và nước, giai cấp và dân tộc một cách
hàì hoà, không chút thiên lệch. Trong một dự thảo kế hoạch phát động
thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Pháp của Ban Thi đua TƯ gửi
lên Cụ, người viết có đề ra một khâủ hiệu “Tất cả cho tiền tuyến,
tất cả để chiến thắng”. Cụ gạch đi và bảo: không được chỉ nhìn
thấy một phía, “ích nước nhưng còn phải lợi dân nữa”, rôì Cụ
thay bằng: mục đích thi đua là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt,
diệt giặc ngoại xâm”. Sau này, thi đua đã bị biến dạng vì người
ta chỉ cốt sao có nhiều thành tích để báo cáo lên trên mà quên mất
lợi ích thiết thân cuả ngườ dân.
Vào cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, khi cuộc cách mạng ruộng đất
bắt đầu được phát động, vấn đề thành phần xuất thân, quan hệ gia
đình được đặt ra. Nhiều nhân sĩ, trí thức và không ít cán bộ, đảng
viên có bố mẹ, họ hàng là địa chủ (hoặc bị quy là địa chủ) bắt đầu
lo lắng, nhiều người hoang mang,…Hiểu được tâm trạng này, tại nhiều
Hội nghị, Cụ Hồ đã đả thông hoặc viết bài đăng báo: “Trước
khi ra đời, người ta không thể lựa chọn sinh ra ở giai cấp nào, gia
đình nào. Thành phần giai cấp có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng
con người, nhưng không phải là ảnh hưởng quyết định, không khắc phục
được…Điều quan trọng vẫn là do bản thân mỗi người cán bộ, đảng
viên,…nếu có chí khí kiên cường, tư tưởng vững chắc, lập trường dứt
khoát, quyết tâm phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân, thật thà thi
hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, thì nhất định
đánh tan được ảnh hưởng ấy và vẫn được Đảng, Chính phủ và nhân dân
tin cậy”.[18]
Rồi Cụ đưa ra dẫn chứng: nước ta cũng như các nước khác, vẫn có
những người là đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu
tiền đem giúp cho cách mạng hết, cam chịu tù đày. Trước kia, K. Marx
là con nhà quý phái, F. Engels là con nhà tư bản, nhưng hai ông đã
hiến dâng đời mình cho cách mạng, trở thành những người sáng lập chủ
nghĩa cộng sản. Hoặc như Bành Bái, người đầu tiên tổ chức và lãnh
đạo nông dân tỉnh Quảng Đông kịch liệt chống lại giai cấp địa chủ,
vốn xuất thân là con nhà đại địa chủ, đại phong kiến. Họ như những
đóa hoa sen, gốc rễ từ bùn đen, vươn lên mặt nước trong trẻo, hấp
thụ ánh sáng mặt trời, lại trở nên tươi đẹp, ngát hương. Con người
ta cũng như vậy, thành phần giai cấp xuất thân không thể ảnh hưởng
xấu đến những người thật thà cách mạng.
Tiếc rằng những ý kiến chân tình, sáng suốt ấy đã không được cấp
dưới quán triệt trong thực thi chính sách, để cho “chủ nghĩa thành
phần” khuynh loát, gây ra bao sai lầm đáng tiếc. Cách thuyết phục
của Marx-Lénine là thuyết phục bằng lý luận, theo con đường của văn
hóa phương Tây đã hình thành ngay từ thời Aristote. Hồ Chí Minh đi
theo con đường của các triết gia phương Đông, kết hợp lý trí với
tình cảm, tạo được sự thông cảm, giao cảm với đối tượng. Marx nói:
giai cấp vô sản đứng lên làm cách mạng, nếu mất, chỉ mất xiềng xích,
còn được, được cả thế giới! Còn Hồ Chí Minh lại hiểu: các nhân sĩ,
trí thức, viên chức cao cấp của chế độ cũ,…đi với cách mạng thì họ
mất rất nhiều: mất địa vị, danh vọng, tài sản, sự an nhàn, hưởng
thụ, có khi cũng phải hy sinh cả tính mạng (như các vị Nguyễn Văn
Tố, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch và nhiều người khác). Cách mạng là
sự nghiệp lâu dài, gian khổ, nếu đối xử kém chân tình, chu đáo, với
mặc cảm sẵn có, họ rất dễ xao lòng, mà cách mạng lại đang rất cần
đến uy tín, danh vọng và tài năng của họ. Ta mới hiểu vì sao Cụ Hồ
lại có sự quan tâm đối với trí thức cũ một cách ân cần, đầy ưu ái
đến như vậy.
Một đặc điểm nữa rất dễ thấy ở Hồ Chí Minh là phong cách hài hoà,
nhuần nhuyễn giữa văn hoá Đông - Tây: vừa thấu hiểu Nho- Phật-
Lão phương Đông, vừa am hiểu sâu sắc văn hoá Âu Tây, nhưng luôn luôn
giữ vững, yêu quý và tự hào về bản sắc văn hoá Việt Nam. Cụ Hoàng
Đạo Thuý đã khái quát được phong cách đặc sắc ấy trong một đoạn hồi
ký sau đây:
“Mấy nhà nho cũ thấy Cụ ngồi cạnh cái
hòm nhỏ như cái tráp, hí hoáy viết, bảo rằng Cụ là một ông đồ Nghệ.
Đeo kính vào nữa thì rõ ràng là một ông đốc học. Những người đi nước
ngoài về, hay quen đọc sách Tây, bảo Cụ cực kỳ văn minh, như người
châu Âu lịch sự ấy. Nghệ sĩ nghe Cụ nói về một tác phẩm, thấy ngay
rằng Cụ là một đồng sự của mình. Cụ tiếp cụ Võ Liêm Sơn, tặng quạt,
làm thơ tiễn, thì Cụ là một nhà đạo đức văn chương bậc thầy. Léo
Figuère nghe Cụ nói chuyện, cảm như là đến nhà một ông bác ở bên bờ
sông Seine. Tay nâng chén rượu chúc mừng, rất trang trọng, mà vung
cây đũa đánh nhịp cũng vô cùng là tự nhiên”.[19]
Tuỳ theo mỗi đối tượng tiếp
xúc mà Cụ Hồ có cách ứng xử thích hợp.
Cụ Hoàng kể: Năm 1951, cụ được tham dự một lớp học chính trị. Chiều
hôm đó, cụ đi sớm, qua một cánh đồng để được hưởng một chút nắng,
tay xách theo một cái đèn để tối còn soi đường về. Bỗng nghe phía
sau có tiếng hỏi: “Ông cụ đi tìm ai thế?”. Đúng là Cụ Chủ
tịch rồi! Không ngờ Cụ đến thăm lớp học, mà cũng đi đường này. Tôi
nghĩ ngay rằng: thấy tôi giữa ban ngày ban mặt mà lại xách một cái
đèn nên Cụ Chủ tịch mới mượn một điển tích trong triết học cổ đại Hy
Lạp để hỏi đùa tôi. Xưa nhà triết học Diogène thường giữa ban ngày
mà đốt đèn đi ra đường, thấy lạ, có người hỏi, ông bảo “để đi tìm
một
con người”! Tôi bèn thưa: “Thưa Cụ, may hơn Diogène, người ấy
tôi đã tìm thấy rồi!”.
Đúng là một cuộc đối thoại hóm hỉnh
mà thâm thuý giữa hai trí thức Tây học!
Người ta cũng thấy trong Cụ Hồ có sự
hài hoà giữa một ông Khổng và một ông Lão, một nhập thế, một xuất
thế mà vẫn chung sống được với nhau. Xuất thân trong một gia
đình khoa bảng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành hăm hở vào đời với
lý tưởng “phò đời. giúp nước”của Nho giáo và không phải nhà
nho nào đi theo cách mạng cũng thực hiện được lý tưởng “tu thân,
trị quốc” như Cụ. Nhưng không như mọi nho sĩ khác: học hành, đi thi
để thực hiện mong ước thường tình “nhất tử thụ quan, toàn gia tề
thiên lộc” (một người làm quan, cả họ được nhờ). Còn Cụ Hồ thì ngay
sau Cách mạng thành công, trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946,
Cụ đã nói: “Tôi tuyệt nhiên
không ham muốn công danh phú quý chút nào…Bao giờ đồng bào cho tôi
lui, thì tôi rất vui lòng lui…Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho
nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm
bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì vào
vòng danh lợi”.[20]
Cũng theo hồi ký của
cụ Hoàng, sau bữa cơm chiều ở chiến khu Tân Trào, các nhân viên CP
thường ra ngồi nghỉ dọc bên Ngòi Thia, riêng Cụ Hoàng tìm đến một
chỗ có nước chảy như thác. Một lát sau, Cụ Hồ cũng tìm đến ngồi bên,
chỉ dòng Thia, nói với cụ Hoàng: “Tôi yêu chỗ này lắm!”, rồi hỏi:
- Cụ hay đi khắp đất
nước, thế có thấy chỗ nào phong cảnh đẹp mà đất tốt không?
- Cụ định làm ruộng
ư? Ai cho Cụ nghỉ đấy!
- Đến một lúc nào
rồi cũng phải nghỉ chứ?
Tưởng cũng chỉ là
một ước ao thôi, ai ngờ sau Hiệp định Genève, trên đường từ Việt Bắc
về xuôi, nghỉ lại nơi một đồi thông xanh mướt dưới chân núi Ba Vì,
giáp với bờ sông Đà cát trắng, Cụ đã tự tìm được cho mình một vùng
“có non xanh, nước biếc” để sau này làm chỗ nghỉ dưỡng, “câu cá
trồng hoa” và thực lòng cũng muốn được gửi hồn cốt tại vùng sông núi
thanh tú vốn mang màu sắc huyền thoại này. Địa điểm đó nay đã trở
thành một di tích lịch sử, một địa chỉ văn hoá, đang thu hút nhiều
du khách đến thăm. Ngắm phong cảnh hữu tình, ai cũng thầm khen Cụ Hồ
quả là có con mắt và tâm hồn của một bậc thi hoạ phương Đông.
Vua Tự Đức có một nhận xét: “Lão giáo được một cái đúng là tôn tự
nhiên”. Cụ Hồ chịu ảnh hưởng của triết lý “theo tự nhiên” này của Lão Tử:
luôn chan hoà với thiên nhiên, không thích sống trong cảnh “gác tía,
lầu son”, thích ở nhà sàn lộng gió bốn phương, phục sức giản dị, ăn
uống đạm bạc. Những người được sống bên Cụ đều cho biết: chưa bao
giờ thấy Cụ phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than,
bình thản trước mọi diễn biến của đất trời, dung mạo lúc nào cũng
vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp
như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.
Trong thơ của Cụ có trăng có hoa, có mai vàng, tuyết trắng, chim
rừng về tổ, mây lượn tầng không, có hoàng hôn, nắng sớm,…Tất cả đều
được nhân cách hoá, giao hoà với con người: Tiếng suối trong như
tiếng hát xa, Trăng vào cửa sổ đòi thơ, Gối khuya ngon giấc bên song
trăng nhòm, Trần mà như thế khác gì tiên,…Nhưng vẫn có điều
khác: là tiên mà không thoát tục, vẫn luôn gắn với dân, với nước,
với cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân;
vẫn theo đuổi lý tưởng nhân văn cao cả, theo triết lý sống trong
sạch, cao thượng, không màng vinh hoa phú quý, coi tiền tài, quyền
lực, danh vị như áng phù vân.
Khi bước vào tuổi 70, sức khoẻ kém đi, tuy vẫn còn rất minh mẫn và
đang ở đỉnh cao của quyền lực, Cụ đã chủ động từng bước chuyển giao
nhiệm vụ cho lớp kế cận đã được Cụ đào tạo và chuẩn bị chu đáo. Tuy
danh nghĩa vẫn là Chủ tịch đảng, Chủ tịch nước nhưng không trực tiếp
điều hành nữa mà thường để Bộ Chính trị bàn bạc tập thể và quyết
định, Cụ chỉ góp ý, nhắc nhở và điều chỉnh khi cần thiết.
Không tham quyền cố vị, biết chuyển giao quyền lực đúng lúc, không
bao biện, làm thay, nhưng Cụ không cho phép mình nghỉ ngơi, vẫn hoạt
động không mệt mỏi cho dân, cho nước, nhưng đã siêu thoát khỏi vòng
danh lợi. Giữ nguyên nếp sống giản dị, vẫn áo nâu, túi vải, dép lốp,
Cụ dành thời gian đi xuống với dân, biểu dương người tốt, việc tốt,
bàn chuyện trồng cây gây rừng, săn sóc bữa ăn của công nhân, xuống
ruộng tát nước với bà con nông dân, đón tiếp các chiến sĩ từ mặt
trận miền Nam ra thăm, tặng lụa cho cụ già, vui tết Trung thu với
các cháu nhỏ,…Phơ phơ tóc bạc, vóc hạc mình gầy, Cụ hiện ra trong
tâm trí của người dân không phải như một vị Chủ tịch nước mà như một
“ông tiên” trong truyện cổ tích.
Từ thực tiễn nghiên cứu và khám phá về
Hồ Chí Minh, nhà sử học Pháp G. Boudarel đã sớm nhận ra ảnh hưởng
của Lão Tử trong nhân cách, đạo đức Cụ Hồ, nên đã mượn một câu trong
Đạo đức kinh làm kết luận cho bài viết về chân dung nhà chính
trị châu Á này: “Người tướng giỏi thì không dùng vũ lực, người chiến
đấu giỏi thì không nổi giận, người khéo thắng địch thì không cần
giao tranh mà vẫn thắng, người khéo dùng người thì đặt mình dưới
người ta. Đó là cái đức của sự không tranh”.[21]
Một
tấm lòng nhân ái, khoan dung, đại lượng
Cụ Hồ nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình, bác
ái”
và chính Cụ là tinh hoa của tinh thần khoan dung, nhân ái Việt Nam.
Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu hiện ở lòng yêu thương sâu sắc
đối với con người, ở cái nhin rộng lượng đối với những giá trị khác
biệt với mình, ở sự tôn trọng niềm tin của người khác, không áp đặt
quan điểm của mình lên người khác, xa lạ với mọi thái độ kỳ thị,
cuồng tín, giáo điều. Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh được xây dựng
trên nguyên tắc công lý, chính nghĩa, tự do, bình đẳng, nên
cũng không chấp nhận thỏa hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công,
với tất cả những gì chà đạp lên “quyền sống, quyền tự do và quyền
mưu cầu hạnh phúc” của mỗi con người và của các dân tộc.
Đối với thực dân xâm
lược,
khi họ đã dùng bạo lực của kẻ mạnh để xâm lược, đàn áp kẻ yếu thì
không có cách nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng
để giành lại độc lập và bảo vệ đất nước. Làm sao có thể “xin giặc rủ
lòng thương” mà có được độc lập? Đó là chân lý được đúc kết từ mấy
nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông truyền lại, từ các cuộc
khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trương Định, Nguyễn Trung
Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái
Học,… chứ đâu phải vay mượn từ học thuyết ngoại lai nào?
Do thiết tha với hòa
bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng ta càng nhân nhượng, kẻ thù
càng lấn tới, buộc ta phải cầm súng đứng lên tự vệ theo tinh thần “thà
hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô
lệ”. Tuy nhiên, trong chiến đấu, Cụ Hồ luôn giáo dục nhân dân ta
biết phân biệt bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân Pháp, giữa
bọn thực dân phản động Pháp với những người còn có lương tri trong
hàng ngũ của họ, nhằm chĩa mũi nhọn vào bọn đầu sỏ hiếu chiến nhất.
Cụ đã làm hết sức mình để tránh không gây ra mối hận thù đối với dân
tộc Pháp - một dân tộc mà Cụ luôn yêu mến và kính trọng.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc dụng binh cũng là việc nhân
nghĩa, nên Cụ đã tìm mọi cách để hạn chế đến mức thấp nhất những
thương vong trên chiến trường, cho cả quân ta và quân địch. Cụ nói:
“Trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu, người
Pháp hay người Việt đều là người”. Để chiến thắng, ta phải từng
bước tiêu hao sinh lực địch, nhưng mục tiêu của ta là đánh bại, đánh
sập ý chí xâm lược của họ, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” chứ
không coi việc đánh tiêu diệt hoàn toàn quân địch trên chiến trường
là biện pháp duy nhất dể kết thúc chiến tranh. Ta hiểu vì sao Cụ
không tán thành cách diễn đạt của một nhà thơ khi gọi trận đánh chết
nhiều người là “một trận đánh đẹp”. Cụ từng nói: “Đánh mà thắng
là giỏi, nhưng không đánh mà thắng lại càng giỏi hơn”. Theo tư
tưởng binh pháp cha ông, Cụ chủ trương “đánh vào lòng người là
hơn hết, đánh vào thành trì là thứ hai”, vì vậy Cụ rất coi trọng
binh vận và địch vận, coi “khéo ngụy vận cũng là một cách tiêu diệt
sinh lực địch”.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, lợi dụng tình hình còn rối ren, tù
trưởng dân tộc Mèo Vương Chí Sình ở Hà Giang nổi lên chống ta, giết
hại một số cán bộ và người dân. Quân dân ta chuẩn bị tấn công vào
sào huyệt của “vua Mèo”. Được tin, Cụ Hồ chỉ thị phải ngừng ngay
lại, sau đó đích thân gửi thư mời Vương Chí Sình về Hà Nội, tiếp đãi
tử tế, rồi kết nghĩa anh em, giới thiệu họ Vương ứng cử vào Quốc Hội
khóa I. Kết quả là dẹp yên được cuộc nổi loạn mà không mất một viên
đạn, một giọt máu nào.
Ngày 10-6-1947, được tin tướng Raoul Salan - người đã từng tháp tùng
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến sang thăm nước Pháp năm 1946 - vừa
được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, thay cho tướng
J.Valluy, Cụ Hồ liền gửi cho R. Salan một bức thư, trong đó có đoạn
viết:
“Chúng ta từng là những người bạn tốt…Nhưng hoàn cảnh ngoài ý
muốn đã biến chúng ta thành hai kẻ đối địch. Điều đó thật đáng
tiếc!...Về phần tôi, bổn phận thiêng liêng của một người dân yêu
nước buộc tôi phải chiến đấu vì Tổ quốc và đồng bào mình. Còn về
phía Ngài, trách nhiệm quân nhân cũng buộc Ngài phải làm những điều
mà trái tim Ngài không muốn…Vì chúng ta buộc phải chiến đấu, thì các
ngài hãy tỏ ra là những chiến binh hào hiệp, những đối thủ quân tử,
trong khi chờ đợi chúng ta lại trở thành bạn hữu của nhau…Vì tình
yêu thương con người, lòng nhân đạo và nhân danh tình bạn của chúng
ta, tôi yêu cầu Ngài nghiêm cấm binh lính Pháp sát hại dân lành, hãm
hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc, phá hủy nhà thờ, đền miếu như họ vẫn
làm từ trước tới nay.
Tôi bảo đảm với Ngài rằng binh lính và thường dân Pháp ở chỗ chúng
tôi được đối xử rất tử tế. Tôi hy vọng người của chúng tôi trong tay
các ngài cũng được đối xử như vậy”[22].
Có lẽ, trên thế giới, hiếm có một bức thư nào gửi cho tướng giặc
trước trận đánh lại được viết bằng một ngôn luận hòa ái, lịch thiệp,
cao thượng và chính trực đến như vậy. Từ bạn hữu, buộc phải thành
địch thủ, thì hãy chiến đấu một cách hào hiệp và quân tử, để sau
chiến đấu sẽ trở lại là những người bạn. Đó mới thực sự là cuộc
chiến đấu của những hiệp sĩ chân chính, vì những mục tiêu cao cả chứ
không vì hận thù dân tộc hay cá nhân.
Về phần mình, Cụ Hồ đã luôn nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ ta cần nêu
cao lý tưởng chính nghĩa, nhân đạo, hòa bình, phải có sự đối xử
khoan hồng với tù binh và kiều dân Pháp, để “làm cho thế giới
biết rằng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết
người, cướp nước”[23].
Một lần, đến thăm trại tù binh sau Chiến dịch Biên giới, thấy một
đại úy quân y Pháp ở trần, đang run lên vì cái lạnh của núi rừng
Việt Bắc, Cụ đã cới chiếc áo ngoài đang mặc, trao cho anh ta. Tinh
thần nhân đạo của Cụ Hồ có sức cảm hóa sâu sắc, đã có không ít sĩ
quan và binh lính Pháp phản chiến, bỏ ngũ hoặc chạy sang chiến đấu
dưới ngọn cờ đại nghĩa của Hồ Chí Minh.
Đối với nhân dân ta, Cụ Hồ khuyên phải đoàn
kết chặt chẽ và rộng rãi: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón
dài…Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế
này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta…Ta phải nhận rằng đã là
con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc…Đối với
những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm
hóa họ”[24].Để
làm thất bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, Cụ Hồ đã thu phục và
cảm hóa được nhiều nhân sĩ, trí thức, quan lại cao cấp của chế độ cũ
tham gia chính quyền mới, như cựu Khâm sai đại thần Phan Kế Toại,
Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh, Đốc lý Hà
Nội Trần Văn Lai,… và nhiều người khác. Được tin ông Trần Trọng Kim
- nguyên Thủ tướng Chính phủ bù nhìn do Nhật lập nên ngày 17-4-
1945, vừa từ Huế ra Hà Nội, Cụ Hồ liền cử ông Hoàng Minh Giám đi tìm
gặp, tiếc rằng khi tìm được đến nơi thì họ Trần đã cùng với gia đình
vừa rời bỏ ra nước ngoài.
Tưởng cũng cần nhắc lại rằng các cuộc
Cách mạng dân chủ tư sản Anh, Pháp, Nga nổ ra ở châu Âu các thế kỷ
trước, vua và hoàng hậu cùng nhiều người có vai vế trong hoàng tộc
đã không thoát khỏi số phận lên đoạn đầu đài! Riêng cuộc cách mạng
dân chủ ở Việt Nam, cựu hoàng Bảo Đại lại được Cụ Hồ mời ra Hà Nội
làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ. Ngày 5-9-1945, vừa tiếp Bảo Đại
đến chào buổi sáng, ngay chiều hôm đó, Cụ Hồ đã đến thăm ông Cố vấn
tại tư dinh ở 51 đường Gambetta. Hai con người, một cụ già cách mạng
gày gò, sương gió, khoác tay một ông hoàng còn trẻ, đày đặn, phương
phi cùng đi dạo, nói chuyện trong sân, tạo nên một hình ảnh tương
phản mà đoàn kết, hòa hợp dân tộc hiếm có trong cách mạng. Sau một
thời gian ở Hà Nội, Bảo Đại viết thư về cho mẹ, khoe: “Cụ Hồ tốt
lắm! Con ra đây được Cụ thương lắm! Cụ thương như con! Ả cứ yên tâm.
Không phải lo chi cho con cả”[25].
Ngày 16-3-1946, Cố
vấn Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn thân thiện của Chính phủ Việt Nam
thăm Trùng Khánh. Kết thúc chuyến đi, Bảo Đại tuyên bố: tôi ở lại đi
du lịch, không về nước. Cụ Hồ đã biết trước ý định ấy của ông Cố
vấn, nhưng vẫn tỏ ý lấy làm tiếc về sự lựa chọn của Bảo Đại. Từ cuối
1946 đến đầu 1948, Cụ Hồ đã có vài lần cải tổ Chính phủ, nhưng trong
danh sách Chính phủ mới, các bộ trưởng là thành viên cũ của Việt
quốc, Việt cách không bỏ chạy theo quân Tưởng, như Chu Bá Phượng, Bồ
Xuân Luật, vẫn được Cụ Hồ giữ lại, kể cả ông Cố vấn Vĩnh Thụy, vói
chú thích bên cạnh: “Đang ở nước ngoài vì việc riêng”! Không muốn
nhịp cầu bị cắt, Cụ Hồ đã nhiều lần thuyết phục Hội đồng Chính phủ
vẫn cứ gửi cho Bảo Đại một số tiền, như là phụ cấp cho ông Cố vấn
đang đi công tác! Theo ông Phạm Khắc Hòe kể lại, ông Phạm Ngọc Thạch
và ông đã từng được cử mang vàng và ngoại tệ sang cho Bảo Đại chi
tiêu. Có lẽ do đối xử quá tốt của Cụ Hồ nên Bảo Đại đã ngập ngừng
nhiều năm, đến cuối 1948 mới nhận lời Bolaert ra làm con bài cho
Pháp.
Ba mươi lăm năm sau, khi đã thất thế,
phải sống lưu vong ở nước ngoài, được hỏi: ông có ân hận gì không
khi nhận lời ra làm cố vấn cho Chính phủ Cụ Hồ, Bảo Đại trả lời:
“Không có ân hận gì cả về quyết định này, bởi lúc đó chẳng có ai,
chẳng có lực lượng nào đủ sức làm cho nước Việt Nam độc lập, vinh
hiển, ngoài lực lượng của Cụ Hồ”[26].
Cũng thời gian đó,
vào cuối năm 1945, Ngô Đình Diệm bị quân dân ta bắt ở nam Trung bộ,
giải ra Hà Nội. Biết việc này, với tư cách Chủ tịch Chính phủ, Cụ Hồ
quyết định trả lại tự do cho ông ta. Ngày 15-1-1946, Cụ tiếp riêng
Ngô Đình Diệm tại Bắc bộ phủ, thuyết phục ông ta đi với nhân dân,
tham gia vào việc nước, nhưng ông Diệm từ chối, tuyên bố: sẽ vẫn
tiếp tục chống Pháp, nhưng không thể đi với Việt Minh! Nhiều cán bộ
giúp việc quanh Cụ không đồng tình, cho ông Diệm là người thân
Nhật, rất nguy hiểm. Cụ Hồ đáp: Nếu ông ta thân Nhật, thì Nhật đã
tan tành rồi, còn chỗ nào mà thân nữa! Còn ông ta nói vẫn chống
Pháp, nhưng không đi với Việt Minh, thì cứ thả ông ta ra để ông ấy
chống Pháp theo kiểu của ông ấy!
Cuộc tiếp kiến đã để lại cho ông Diệm
một ấn tượng sâu sắc. Có lẽ vì vậy mà con người chống cộng cực đoan
này chưa một lần nào có lời lẽ thất lễ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau
này, trong một cuộc trò chuyện thân mật với anh Hai Nhạ tại Dinh Gia
Long, ông Diệm vẫn nhớ lại hình ảnh mảnh dẻ, giản dị, phong sương
của Cụ Hồ trong buổi tiếp: Cụ mặc quần soóc, chân đi dép cao su
trắng, với điếu thuốc lá trên môi, nhưng lời nói và cử chỉ thì rất
mực lịch thiệp. Ông Diệm có thốt ra với Vũ Ngọc Nhạ một câu: “Cụ
Hồ là bậc đại nghĩa, còn qua là người tiểu khí. Nhưng nếu qua nhận
lời cộng tác với cụ Hồ thì qua biết ăn nói thế nào với dòng họ
Ngô về cái chết của anh tôi và cháu tôi bởi tay Việt Minh”?[27]
Cũng có thể tin đó là một lời nói thực lòng.
Đối với các tôn giáo, Cụ Hồ thành thật tôn trọng đức tin của
người có đạo, khẳng định lẽ sống cao đẹp, những giá trị đạo đức-
nhân văn của các vị sáng lập, không hề bài bác, phủ định mà biết tìm
ra cái chung giữa lý tưởng của các tôn giáo với mục tiêu giải phóng
dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân mà chúng ta đang theo đuổi.
Về Đức Phật, Cụ viết: “Đức
Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn; muốn cứu chúng sinh ra
khỏi khổ nạn, Người phải hy sinh tranh đấu diệt lũ ác ma”[28].
Về Chúa Giêxu, Cụ viết: “Gần 20 thế kỷ trước, một vị thánh nhân
đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế, độ dân, hy sinh cho tự do,
bình đẳng”. Cuối bức thư chúc mừng lễ giáng sinh, Cụ hô: “Thượng
đế và Tổ quốc muôn năm!”[29].
Mùa hè năm 1946, tại Paris, Cụ Hồ tiếp môt nhóm linh mục công giáo
đến thăm, trong đó có linh mục Cao Văn Luận - một tín đồ công giáo
xác tín . Sau này, ông đã thuật lại trong hồi ký của mình lời của
Cụ Hồ trong buổi gặp: “Chính phủ bên nước nhà đang theo đuổi mục
tiêu tranh thủ độc lập, đem hạnh phúc lại cho toàn dân. Nhưng muốn
đem hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện xã hội chủ nghĩa. Giả
sử mà chúa Giêxu sinh ra vào thời đại này, trước sự đau khổ của
người đời như lúc này, mà Chúa muốn cứu vớt, thì chắc là cũng phải
theo xã hội chủ nghĩa”[30].
Cụ luôn nêu cao tinh thần khoan dung
tôn giáo, phấn đấu hết mình cho đoàn kết Lương - Giáo trong đại đoàn
kết dân tộc.Tại cuộc họp mặt các đại biểu tôn giáo, đảng phái tại
Chùa Bà Đá Hà Nội, mừng Chính phủ Liên hiệp Lâm thời vừa thành lập,
do Cố vấn Vĩnh Thụy chủ trì, Cụ Hồ nói: “Nước
Phật ngày xưa có những bốn đảng phái, làm ly tán lòng dân và hại Tổ
quốc. Nhưng nước Việt Nam ngày nay chỉ có một đảng phái là toàn dân
quyết tâm giành độc lập. Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ
Gia tô giáo tin ở Đức Chúa Trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng.
Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng. Nhưng đối với nhân
dân, chúng ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, chúng ta phải
làm nấy”[31]
.
Nói về khoan dung tôn giáo của Hồ Chí Minh, chính J. Sainteny thừa
nhận: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để thấy nơi
chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự
công kích, đa nghi, hoặc chế diễu bất kỳ một tôn giáo nào”[32].
Một
phong cách ứng xử chân thành, khiêm tốn, lịch lãm.
Trong cuộc đời oanh liệt và phong phú của mình, Cụ Hồ đã trải qua
bao bước thăng trầm của hoàn cảnh, với bao tình huống éo le, phức
tạp phải giải quyết; đã gặp gỡ, tiếp xúc với đủ hạng người sang hèn
trong xã hội, từ đồng bào trong nước đến bạn bè quốc tế năm châu, từ
những lãnh tụ hàng đầu của cách mạng thế giới đến những tên thực dân
cáo già quỷ quyệt,…qua đó Cụ đã để lại cho chúng ta một tấm gương
quý giá về văn hóa ứng xử.
Vĩ nhân, thật vĩ nhân, bao giờ cũng rất mực giản dị, khiêm tốn,
lịch lãm.
Cuộc đời cách mạng phi thường cùng tấm gương đạo đức vô song đã đưa
Cụ Hồ lên hàng những nguyên thủ quốc gia có uy tín và danh vọng lớn
trên thế giới. Tuy nhiên, trong những cuộc tiếp xúc, người ta lại
thấy Cụ luôn nhã nhặn, khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn
người khác nhưng lại quan tâm rất mực tế nhị và chu đáo đến những
người chung quanh.
Linh mục Cao Văn Luận có đôi lần được dự các buổi tiếp tân của Cụ Hồ
ở Paris năm 1946, phần đông thuộc lớp tinh hoa Pháp-Việt, kể lại:
“Cụ Hồ bước ra, bắt tay mọi người, nói chuyện phiếm. Tôi phải công
nhận Cụ Hồ là một người hiểu biết rộng rãi. Vấn đề gì Cụ cũng có thể
nói chuyện sơ qua và tỏ ra hiểu biết…Dù mọi người kính nể Cụ Hồ,
nhưng trong câu chuyện, đôi lúc cố ý, đôi lúc vô tình, họ không khỏi
nêu lên những vấn đề khó khăn, có thể làm cho người được hỏi lâm vào
thế kẹt. Tôi chưa lúc nào thấy Cụ Hồ bị kẹt như thế”. “Cụ Hồ nói
chuyện thân mật với các thiếu phụ, đàn bà Pháp rất tự nhiên. Cụ tự
tay hái những bông hồng đẹp nhất cài lên áo, lên tóc những bà mệnh
phụ tham dự kèm theo những lời khen áo đẹp, những câu ca tụng nước
Pháp… Người Pháp có cảm tình với Cụ nhiều lắm”[33].
Sau Hiệp định Genève, ông Sainteny được Chính phủ Pháp cử làm Tổng
Lãnh sự Pháp đầu tiên tại Hà Nội. Đối với ông, cuộc gặp lại đầu tiên
sau mười năm với kẻ chiến thắng, là một việc khó khăn. Ông kể:
“Chúng tôi cũng mất đến một phút nặng nề trôi qua, không, không đến
một phút đâu…có lẽ chỉ vài giây thôi, rồi Cụ Hồ tiến lại phía tôi mà
nói rằng: “Nào, chúng ta phải ôm hôn nhau đi chứ!”.Và chúng tôi đã
ôm hôn nhau. Chính lúc đó, Cụ nói với tôi: “Chúng ta đã đánh nhau,
đánh nhau quá nhiều, song rất trung chính. Bây giờ cần quên đi tất
cả những cái đó, cần cùng nhau làm việc…”[34].Thật
là một cách ứng xử tuyệt vời! Người chiến thắng không hề tỏ ra một
chút vênh vang, kênh kiệu nào mà chủ động giơ tay ra trước, nhanh
chóng xóa bỏ phút nặng nề cho đối phương bằng một cử chỉ chân thành,
lịch lãm.
Khách quốc tế từng một lần được tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều có một
cảm nhận chung: Cụ chủ động xóa bỏ mọi nghi thức, đến thẳng với trái
tim con người bằng một tình cảm thân mật, gần gũi, tự nhiên, không
chút gắng gượng. Chỉ một câu nói đùa, một cử chỉ thân mật, một lời
hỏi thăm chân tình,…Cụ đã xóa đi ngay mọi ngăn cách, tạo ra một
không khi thoải mái, ấm áp, như trong một gia đình.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Cụ Hồ có cuộc gặp mặt với các nhà
văn, nhà báo nước ngoài đã tham gia chỉến dịch. Cụ dùng tiếng Nga,
tiếng Pháp hỏi thăm tình hình sinh hoạt, sức khỏe của các nhà báo
phương Tây. Khi giới thiệu đến nhà văn Đới Hoàng, Cụ dùng tiếng
Trung Quốc hỏi: - “Ở Điện Biên Phủ, làm sao đồng chí ngã ngựa thế,
giờ đồng chí đã khỏi chưa?”. Nhà văn Đới Hoàng kể lại: “Khi nghe hỏi
thế, tôi không hề ngạc nhiên, vì đối với ai, Người cũng có tấm lòng
của người mẹ hiền. Nhưng tôi không khỏi không cảm động: một chuyện
nhỏ như thế mà sao cũng đến tai Người và Người lại nhớ lâu đến thế!”[35].
Mùa xuân 1969, Đoàn đại biểu
Ủy ban Việt Nam của CHDC Đức thăm Việt Nam, được đến chào Chủ
tịch Hồ Chí Minh. Lúc này sức khỏe của Cụ đã yếu đi nhiều. Thấy các
vị khách tỏ vẻ lo lắng, Cụ mỉm cười đôn hậu: “Các đ/c đừng lo, tôi
vẫn ăn ngủ, làm việc bình thường”. Rồi Cụ hỏi một cách thân mật:
-“Các chú có thấy lạnh không”? Tất cả đều trả lời “không”, vì với
người Đức, tháng giêng ở Việt Nam quả là không lạnh. -“Không lạnh,
nhưng rất nguy hiểm”. Nói xong, Cụ cởi chiếc khăn quàng của mình,
quàng cho ông Mác Dêphrin - Chủ tịch Ủy ban Việt Nam, hôm ấy
đang húng hắng ho. “Cử chỉ ấy làm cho ai nấy đều cảm động, nó thể
hiện tình cảm của một người cha đối với những đứa con từ xa về”[36].
Là một người hoạt động quốc tế lịch lãm nhưng Cụ Hồ không mấy câu nệ
về hình thức, không để bị ràng buộc bởi những nghi lễ ngoại giao
trang trọng, cứng nhắc mà thường có cách ứng xử linh hoạt, biến
hóa, đem lại hiệu quả thú vị, gây ngạc nhiên cho tất cả mọi
người.
Năm 1959, Cụ Hồ sang sân bay Gia Lâm đón Tổng thống Ấn Độ, khi đó Ấn
Độ đang giữ vai trò quan trọng là chủ tịch Ủy ban kiểm soát và giám
sát quốc tế ở Việt Nam. Vị tổng thống cao tuổi này đã đọc một bài
diễn văn không được hấp dẫn lắm trước quần chúng đón tiếp tại sân
bay. Bỗng người ta thấy Cụ Chủ tịch gạt người phiên dịch sang một
bên và nói: “Tổng thống phát biểu thì Chủ tịch phiên dịch mới hợp”.
Rồi bằng một cách khéo léo kỳ lạ, Cụ đã dịch những câu tiếng Anh tẻ
nhạt kia thành những câu tiếng Việt hấp dẫn, gây hào hứng, sôi nổi
cho người nghe. Tiếng hoan hô, vỗ tay nổi lên như sấm. Buổi đón tiếp
đã thành công mĩ mãn. Vị tổng thống nước bạn tỏ ra rất xúc động
trước nhiệt tình, mến khách của nhân dân Việt Nam .
Một nét đặc sắc trong văn hóa giao tiếp, nó cắt nghĩa sự thành công
và khả năng chinh phục của Cụ Hồ, là Cụ luôn xuất hiện với một nụ
cười, trong ánh mắt hoặc trên đôi môi. Ai đã đọc văn thơ Cụ đều
từng biết đến những nụ cười nhiều cung bậc trong Ngục trung
nhật ký. Trong ứng xử đời thường, sự hóm hỉnh, năng khiếu
hài hước ấy càng được thể hiện đa dạng, phong phú hơn, để đùa vui,
để nhắc nhở, châm biếm, giáo dục và nhất là để xóa đi cái cách bức,
cái trịnh trọng không cần thiết, nhằm tạo ra không khí giao hòa, gần
gũi giữa lãnh tụ với quần chúng.
Cụ Hồ rất thich vui với quần chúng. Phải nói Cụ là người vui tính và
dí dỏm nữa. Vì vậy, thường thấy mỗi khi Cụ Hồ xuất hiện ở đâu là ở
đó rộn lên niềm vui và tiếng cười hồ hởi không dứt. Những năm kháng
chiến ở Việt Bắc, để tạo ra không khí vui vẻ trong sinh hoạt kháng
chiến nơi “u tì quốc”, Cụ Hồ nói với cụ Hoàng Đạo Thuý tổ chức một
đêm lửa trại, vì cụ Hoàng vốn là một huynh trưởng Hướng đạo sinh
biết nhiều trò chơi. Cụ Hoàng ngần ngại: chỉ có mấy cụ già và mấy
ông bộ trưởng bận bịu, lửa trại khó vui lắm. Cụ Hồ đáp: sẽ vẫn vui
đấy. Cụ Hoàng nảy ý tinh nghịch: nếu tôi làm “trùm lửa” thì ai cũng
phải nghe tôi đấy!- Nhất định rồi! Cụ Hồ tủm tỉm cười, chắc đã hiểu
được ý cụ Hoàng.
Lửa trại bùng lên. Ngồi quanh Cụ Hồ là các cụ Tôn Đức Thắng, Phan Kế
Toại, Phạm Bá Trực,…vài chục ông bộ, thứ trưởng và các nhân viên CP.
Khai mạc lửa trại, cụ Hoàng đến trước mặt cụ Hồ, chắp tay: Xin mời
Cụ Chủ tịch hát mở đầu lửa trại! Thấy Cụ Hồ bị “bỏ bom”, mọi người
vừa thích thú, vừa lo ngại. Không chút ngần ngừ, Cụ nhẹ nhàng đứng
dậy, vừa đi quanh lửa trại, vừa lên tiếng hát: “Anh hùng xưa, nhớ
hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ, quên mình là mình
giúp nước…”. Già trẻ ai nấy con mắt long lanh, âu yếm nhìn Cụ
Chủ tịch của mình. Thế là cuộc lửa trại bắt đầu vui lên.
Một lần khác, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm “trùm lửa”, cũng muốn
thử trêu Cụ một cách trìu mến, xem Cụ có bí không.
Ông giang hai tay giả làm máy bay, miệng kêu “ù ù’ rồi “hạ cánh”,
chụm tay bắc loa: Alô, alô! Thưa đồng bào tp Hồ Chí Minh, Cụ Chủ
tịch bay vào thăm đồng bào, xin mời Cụ Chủ tịch ra nói chuyện…Cụ
nhổm dậy, nói ngay: “Thưa đồng bào, tôi đi máy bay vào, hơi bị mệt,
xin để bác sĩ Trần Duy Hưng thay tôi nói chuyện với đồng bào!” Lúc
đó, đâm ra chính ông trùm lửa bị bí chứ không phải là Cụ Hồ.
Năm 1955, Hà Nội vừa
giải phóng được ít lâu, Cụ Hồ đến thăm NHA MAY CO KHI GIA LAM. Tấm
biển trên cổng ra vào sơn chữ to nhưng không có dấu. Vào nhà máy, mở
đầu câu chuyện với anh chị em công nhân, bỗng Cụ hỏi: “Nhà máy các
cô, các chú ʻcó khỉʼ à?” Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu
thế nào mà Cụ lại hỏi về chuyện “khỉ” thế này! Không ai trả lời
được. Cụ giục: “Thế nào, trên biển nhà máy đề ʻcó khỉʼ cơ mà?”.- Dạ
thưa, có đâu ạ. Cụ cười: “Có đấy! Biển nhà máy cơ khí Gia Lâm của
các cô, các chú viết bằng chữ quốc ngữ mà không có dấu, nên Bác đọc
nhầm là “nhà máy có khỉ” mà khỉ lại… “già lắm”! Cuộc gặp gỡ đã được
mở đầu rất vui. Ai cũng được hưởng một trận cười sảng khoái và nhận
được một lời phê bình nhẹ nhàng mà thấm thía.
Mùa hè năm 1957, trong chuyến đi thăm Quảng Bình, Cụ Hồ và những
người cùng đi dùng bữa cơm trưa tại Đồng Hới. Bữa cơm có những món
đặc sản miền Trung: mắm tôm chua, rau muống chẻ, cá thu kho,…Mọi
người ăn uống một cách ngon lành, thích thú. Cụ Hồ chỉ tay sang bác
sĩ Nhữ Thế Bảo - bác sĩ riêng của mình - nói đùa: “Bác sĩ khuyên mọi
người nên ăn chín, uống sôi, còn bản thân mình thì ăn rau sống hơi
nhiều đấy”! Mọi người cười vang, bữa ăn càng thêm vui vẻ.
Không chỉ đùa vui người khác, đôi lúc Cụ cũng nói đùa về bản thân
mình. Những bài thơ “tự trào” trong Nhật ký trong tù
cho thấy Cụ đã đứng cao hơn mọi đau khổ, bệnh tật mà kẻ thù cố tình
đày đọa Cụ như thế nào, ta đã biết. Trong kháng chiến chống Pháp, có
lần Cụ đội mưa to, đi bộ hàng mấy cây số, đến thăm và động viên một
lớp học chính trị của trí thức. Giữa lúc mọi người đang thất vọng vì
thấy mưa rừng to quá, chắc Cụ không đến được, thì trong chiếc áo mưa
sũng nước, quần sắn quá đầu gối, nón lá đội đầu, Cụ hiện ra trong
niềm ngạc nhiên, hân hoan và vui sướng của tất cả mọi người. Tiếng
hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” rộn vang cả rừng núi.. Cụ bước lên diễn
đàn, giơ tay bảo ngừng, nói: “Muôn năm làm cái gì? Trăm năm đã là
quá. Còn bây giờ, Bác chỉ “muốn nằm” một tí thôi!”.
Năm 1946 tại Paris, sau khi đặt vòng hoa viếng mộ “người chiến sĩ vô
danh”, xe đưa Cụ qua đại lộ Champs - Élysées, trở về khách sạn. Vị
quan chức tháp tùng Cụ, nói: “Thưa Chủ tịch, đã có rất đông người
đang đứng xem Ngài đi qua!”.Cụ Hồ bật cười đáp: “Chắc hẳn là thế ông
ạ! Người ta muốn xem hề Charlot Việt Nam đấy mà!”.[37]
Chính ở đây bộc lộ một nét cao thượng trong nhân cách Hồ Chí Minh,
điều mà giới trí thức và chính khách phương Tây rất hâm mộ: ở Hồ Chí
Minh tuyệt nhiên không hề có một vết gợn nào của tệ sùng bái cá
nhân. Không ít người cầm quyền làm cho người dân bình thường khi
được dịp đến gần có cảm giác như bị nghẹt thở, nhưng với Hồ Chí Minh
thì, như một nhà thơ đã khái quát trong một câu thơ để đời: “Đến
bên Người, ta thở dễ dàng hơn”![38]
Cụ Hồ đã đem lại hình ảnh
mới về một vị Chủ tịch thực sự của nhân dân.
Sau những ngày được đến Việt Bắc, được gặp gỡ, tiếp xúc với Cụ Hồ
vào thời gian cuối cuả cuộc kháng chiến chống Pháp, kết thúc bàì bút
ký của mình, nhà báo Mỹ R. Shaplen đã viết: “Trong rừng Việt Bắc, Cụ
Hồ như một ông tiên. Nêú có ai bảo đây là một ngườì cộng sản thì tôi
có thể nói Cụ là một ngườì cộng sản khác với quan niệm mà ta vẫn
thường nghĩ và theo tôi có thể dùng một từ mới : một người cộng sản
phương Đông, một ngườì cộng sản Việt Nam”[39]./.
[1] Térence ( 190-159 TCN), nhà thơ, nhà
viết hài kịch Lamã cổ đại. Nguyên văn chữ la tinh: “Nihil
humani a me alienum puto”.
[2] Hồ Chí Minh TT, xuất bản lần 2,
1995-1996, t.5, tr. 428. Các trích dẫn của Hồ Chí Minh, đều
lấy từ lần xuất bản này.
[3] Hồ Chí Minh TT, sđd, t.4, tr.
350.
[4] Hồ Chí Minh TT, t. 5, tr. 643-644
[5] Hồ Chí Minh TT, t. 4, tr. 357 và
267. Trong Kinh Cựu ước cũng như trong
Tân ước và cả trong Tuyên ngôn nhân quyền và
dân quyền, sau trở thành Hiến pháp 1793 của
nước Pháp, ở điều 6, đều có một câu mang nội dung
tương tự: “Ne fais pas autrui ce que tu ne veux pas
qu’il te soit fait”(Chớ làm cho người khác điều ta không
muốn người khác làm cho mình).
[6] Hồ Chí Minh TT, t.4, tr. 65.
[7] Hồ Chí Minh TT, t. 5, tr. 129.
[8] Việt Phương: Cửa mở, Nxb
Văn Học, H,.1970, tr. 58.
[9] “Chúng ta, những người cộng sản, chúng
ta là những người có một tính cách đặc biệt riêng. Chúng ta
được cấu tạo bằng một chất liệu đặc biệt riêng. Chúng ta họp
thành đạo quân của nhà chiến lược vô sản vĩ đại- đạo quân
của đồng chí Lênin…” (Điếu văn của Staline đọc trong lễ truy
điệu Lênin, tháng 1-1924 tại Maxkva).
[10] Hồ Chí Minh TT, t. 9, tr.555.
[11] Hồ Chí Minh TT, t. 5, tr. 263.
[12] Hồ Chí Minh TT, t. 5, tr. 552.
[13] Bài đăng trên Newsweek ra ngày
25-04-1959. Dẫn lại theo P. Brocheux : “Ho Chí Minh,
a biography”, tr. 185.
[14] Nguyên văn tiêng Pháp: “Avec un
courage invincible et une vertu immaculée, qui furent comme
le vrai or qui brille avec mille éclairs après avoir subir
mille épreuves du feu, ton aïeul Gia Long, plusieurs fois
noble et valeureux, vous a laissé, après des péripéties et
des souffrances inocalculables, un pays riche, un peuple
indépendent, une nation respectée par les forts et aimée par
les faibles, un avenir plein de vie et d’évolution”. (Les
lamentations de Trung Trac, đăng trên L’Humanité,
ngày 22-06-1922 ). Bài này do Phạm Huy Thông dịch, lần đầu
tiên in trong “Truyện và Ký” của Nguyễn
Ái Quốc, nhưng dịch giả hay NXB Văn học, đã lược đi 2 đoạn,
trong đó có đọan này. NXB Sự Thật đã đưa nguyên văn bản dịch
cuả Phạm Huy Thông vào Hồ Chí Minh TT, t.1, xb lần thứ
nhất, năm 1980.
[15] Hồ Chí Minh TT, t.4, tr. 87.
[16] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện
về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Văn Học, 1970, tr.
110.
[17] Hồ Chí Minh TT, t. 1, tr. 479.
[18] Xem bài Hoa sen, Hồ Chí
Minh TT, t.8, tr. 139-140.
[19] Hoàng Đạo Thuý: Hồi ký “Theo
Bác”, viết năm 1985, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh .
[20] Hồ Chí Minh TT, s đ d, t. 4, tr. 161.
[21] Hommes d’état d’Asie et leur
politique, bài viết về Ho Chi Minh
của G. Boudarel, Académie de Paris, Université René Descartes, 2 – 1980, p. 129. Lời dịch tiếng Việt,
tôi dựa theo bản dịch của Thu Giang Nguyễn Duy Cần.
[22] Hồ Chí Minh TT,t. 5. tr. 141-142.
[23] Hồ Chí Minh TT, t. 4, tr. 28.
[24] Hồ Chí Minh TT,t. 4. tr. 246.
[25] Dẫn lại theo Phạm Khắc Hòe: “Từ
triều đình Huế đén chiến khu Việt Bắc”, Nxb Thuận Hóa,
Huế,1987, tr. 117.
[26] Trả lời phỏng vấn của GS Ngô Vĩnh
Long, trong phim “Việt Nam, một thiên lịch sử truyền hình”.
[27] Câu chuyện này do ông Trần Quốc Hương
(tức Mười Hương, nguyên Bí thư TƯ Đảng, người trực tiếp chỉ
đạo mạng lưới tình báo chiến lược ở Miền Nam thời chống Mỹ,
trong đó có Vũ Ngọc Nhạ), nói với tác giả trong một buổi làm
việc tại nhà riêng của ông ở tp Hồ Chí Minh, đầu năm 2004.
[28] Hồ Chí Minh TT, t.5, tr.197.
[29] Sđd, t. 4, tr. 490
[30] LM Cao Văn Luận: “Bên giòng
lịch sử 1940-1965”, Hồi ký, chương 8 “Ba lần gặp gỡ
Hồ Chí Minh”
(Theo bản trên mạng vantuyen.net/).
[31] Hồ Chí Minh TT, t. 4, tr. 148.
[32] J. Sainteny : “Đối diện với Hồ
Chí Minh “, Seghers, Paris, 1970, tr. 155-156.
[33] LM Cao Văn Luận: “Ba lần gặp gỡ
Hồ Chí Minh “, trong Hồi ký đã dẫn.
[34] J. Sainteny: “Un accord sans
lendemain”, Planète Action, Mars 1970, p.100.
[35] Đới Hoàng: Ấn tượng về Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Nxb Thông tục độc vật, Bắc Kinh, 1956,
tr.90 (Trung văn).
[36] Một giờ với đồng chí Hồ Chí
Minh, Nxb Thanh niên, H, 1985, tr.188-189.
[37] Dẫn theo Hữu Ngọc: Phác thảo
chân dung văn hóa Pháp, Nxb Ngoại văn, H, 1991,
tr..23.
[38] Việt Phương, Cửa mở,
sđd, tr. 96.
[39] Robert Shaplen : “The enigma of Ho
Chi Minh”, The Reporter, số ra ngaỳ 27-01-1955, từ trang
11 đến 20.
Tác giả gửi ngày 7-5-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét