GS SONG THÀNH
Một trong những di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là phải chăm lo “phát triển tinh thần yêu nước của dân ta”, làm cho lòng yêu nước của mỗi người không “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”, mà phải được đem ra “thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Hội nghị Trung ương tiếp theo đều nhấn mạnh: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, do đó phải khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, vật chất và tinh thần, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, tinh thần tự hào dân tộc… của toàn dân, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong thập kỷ tới.
Tìm hiểu sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam từ truyền thống đến thời đại Hồ Chí Minh, góp phần vào giáo dục, bồi dưỡng, phát triển tinh thần yêu nước của dân ta, tạo ra xung lực mới, đưa đất nước vượt qua khó khăn, ở thời điểm hiện nay, đang trở thành một chủ đề có tính thời sự.
Bài viết này bước đầu đề cập đến 3 nội dung cơ bản dưới đây.
I. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: từ truyền thống đến thời đại Hồ Chí Minh
1. Khái niệm về yêu nước và đặc trưng của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam
Yêu nước là một tình cảm tự nhiên của con người đối với quê hương xứ sở, với ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cùng với sự hình thành dân tộc và nhà nước dân tộc thì yêu nước từ một tình cảm, một yếu tố tâm lý xã hội đã tiến dần lên thành một ý thức xã hội. Ý thức đó khi đã phát triển thành một hệ thống thì tình cảm yêu nước có khả năng trở thành chủ nghĩa yêu nước - có giá trị như một hệ tư tưởng. (Nói có khả năng, vì không phải ở quốc gia, dân tộc nào, tình cảm yêu nước cũng phát triển thành chủ nghĩa yêu nước).
Vậy chủ nghĩa yêu nước là gì? Hiểu một cách đơn giản: chủ nghĩa yêu nước là một hệ thống quan điểm chỉ đạo tình cảm, thái độ, hành động, cách ứng xử… của mỗi người dân đối với Tổ quốc (trong xây dựng và bảo vệ đất nước).
Đối với người Việt Nam: chủ nghĩa yêu nước là một giá trị tinh thần cao quý, kết tinh những tư tưởng, tình cảm thiêng liêng nhất, là hệ chuẩn mực cao nhất trong bảng giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, đã trở thành một nguyên tắc chính trị - đạo đức - thẩm mỹ của con người Việt Nam.
Có thể nói chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt lịch sử tư tưởng nước ta, từ khi lập quốc cho tới nay. Ở Việt Nam, yêu nước vừa là tình cảm, vừa là tư tưởng mà cũng đồng thời là triết lý, “là kim chỉ nam cho hành động, là một tiêu chuẩn để nhận định đúng-sai, tốt-xấu, nên-chăng”(1) của người Việt Nam, như ý GS Trần Văn Giàu đã phát biểu.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã hình thành nên một hệ thống chuẩn mực, được biểu hiện qua mấy đặc trưng chủ yếu sau đây:
a. Tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. (Điều này được thể hiện qua những áng văn thơ, như bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt; như lời khẳng định của Lê Thánh Tông: một thước núi, một tấc sông… của tổ tiên, kẻ nào đem cho giặc sẽ phải tội chu di!…).
b. Niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và những truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc (được thể hiện qua những tác phẩm như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch ra trận của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”).
c. Yêu nước gắn liền với yêu dân, với tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan dung trong cộng đồng và hòa hiếu với các dân tộc lân bang…
Tóm lại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không đơn thuần chỉ là một tình cảm mà là một hệ thống tư tưởng phong phú, nhiều điểm còn chờ sự phát hiện, bổ sung của các nhà triết học và sử học.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã phát huy sức mạnh vô địch của nó trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20, trong điều kiện quá chênh lệch về tương quan lực lượng, dân tộc Việt Nam, với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đã làm nên 10 đại chiến công chống ngoại xâm, liên tiếp trong 10 thế kỷ. Đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lê Hoàn phá Tống lần thứ nhất, Lý Thường Kiệt phá Tống lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn ba lần đại thắng quân Nguyên, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh và Hồ Chí Minh cùng với quân dân cả nước lần lượt đánh bại hai đế quốc to. Đó là những chiến công hùng vĩ, được tạo nên bởi sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, mãi mãi rạng ngời trên trang sử nước nhà.
2. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là sự kế thừa toàn bộ những tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đồng thời là một bước phát triển mới so với chủ nghĩa yêu nước truyền thống.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống chịu sự chi phối nhất định của hệ tư tưởng phong kiến và phần nào của hệ tư tưởng tư sản, nên bên cạnh những giá trị tốt đẹp, vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định, như đầu óc dân tộc hẹp hòi, vị kỷ, chủng tộc chủ nghĩa… (Đến như văn thơ thời Đông Kinh nghĩa thục vẫn còn lưu truyền những định kiến lệch lạc, như: Giống vàng, giống trắng tinh anh, Giống đen, giống đỏ, giống xanh ngu hèn!).
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại được bổ sung và phát triển trong thế kỷ 20, nhờ kết hợp được tinh hoa dân tộc và giá trị thời đại, nên đã đạt tới một chất lượng mới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công đầu trong việc vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa khơi dậy được những truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc, vừa bổ sung thêm những nhân tố mới, nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên ngang tầm phát triển của thời đại. Vì vậy, cũng có thể gọi chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, như luật gia Vũ Đình Hòe đã từng đề xuất(2).
Trong bước đầu nghiên cứu, có thể sơ bộ nêu lên mấy nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh như sau:
a. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đã thực hiện được sự kết hợp thống nhất giữa lập trường dân tộc với lập trường giai cấp công nhân.
Chủ nghĩa yêu nước ở thời nào cũng chịu sự chi phối bởi hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, do đó, lần đầu tiên nó đạt tới sự hài hòa giữa lợi ích của dân tộc với lợi ích của nhân dân lao động. Nó khắc phục được tính hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ cùng những hạn chế khác của chủ nghĩa yêu nước phong kiến và tư sản (như chủ nghĩa đại dân tộc, chủ nghĩa sô vanh…).
b. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền lý tưởng độc lập dân tộc với khát vọng dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Người thường nói: Nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”(3). Vì vậy, yêu nước là phải phấn đấu làm sao cho nước độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành… Người nói một cách thống thiết: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(4).
c. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính.
Đây là một đặc trưng mới của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, được Người kiên trì giáo dục, thực hiện nhất quán và đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc sô vanh, chủ nghĩa quốc gia vị kỷ, chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc… Ngay từ khi mới bước chân ra nước ngoài, hòa mình vào phong trào công nhân và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, Người đã nêu cao tinh thần quốc tế chân chính:
“Rằng đây bốn biển một nhà,
Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”
(Nhật ký chìm tàu)
Dù thế giới ngày nay đã có nhiều thay đổi, chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại như một hệ thống thế giới, song đặc trưng này vẫn không thay đổi, bởi nếu đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế cao cả và trong sáng, thì chẳng những không còn là người cách mạng chân chính mà cũng không xứng đáng được coi là một dân tộc văn minh trong thế giới hội nhập, cùng phát triển hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, đầy biến động với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các xu hướng dân tộc vị kỷ, cực đoan, dẫn đến các cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc đẫm máu, có nguy cơ lôi cuốn loài người vào một cơn lốc bạo lực mới, chưa biết khi nào có thể chấm dứt được. Vì vậy, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên và nhân dân ta hiện nay, cần phải quán triệt cả ba nội dung nói trên, không được coi nhẹ một mặt nào.
II. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: hiện thân cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước hiện đại Việt Nam
1. Nguyễn Ái Quốc - một nhà yêu nước vĩ đại
Trước khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã là một người yêu nước nồng nhiệt. Con đường dẫn ông đến với chủ nghĩa Lênin cũng xuất phát từ lòng yêu nước. Vì nóng lòng cứu nước, nên khi nhận thấy Quốc tế 3 tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa bằng những hành động cụ thể, thiết thực, còn Quốc tế 2 chỉ dừng lại trên lời nói, nên ông đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế 3.
Tuy đã gia nhập hàng ngũ cộng sản, nhưng toàn bộ tâm niệm, ý chí và hoạt động của ông Nguyễn vẫn chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là cứu nước, giải phóng dân tộc. Viên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp e ngại trước hoạt động hăng say của ông, đã triệu tập ông Nguyễn lên gặp, vừa đe dọa vừa dụ dỗ, nhưng ông đã khảng khái đáp lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, tất cả những gì tôi hiểu”(5).
Thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc, vào giữa những năm 20 của thế kỷ trước, có người hỏi: “Ông là người cộng sản hay là người theo chủ nghĩa Tôn Dật Tiên?”. Ông trả lời: “Tôi vẫn là tôi ngày trước, một người yêu nước”(6). Ông Nguyễn luôn luôn công khai quan điểm và mục tiêu chính trị của mình. Ngay từ năm 1924, tại Moskva - trung tâm đầu não của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã dõng dạc khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước… Người ta sẽ không thể làm gì cho người An Nam nếu không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất của họ”(7).
Cần hiểu đúng khái niệm chủ nghĩa dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc dùng ở đây - như Mác đã nói - “không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản đã hiểu”. Chủ nghĩa dân tộc bản xứ mà Nguyễn Ái Quốc đề cập chính là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính của nhân dân Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Do sự phân hóa giai cấp ở Đông Dương và Việt Nam chưa diễn ra triệt để như ở phương Tây, các dân tộc thuộc địa còn phải đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, thì ở đó, đấu tranh dân tộc vẫn là một động lực lớn của lịch sử.
Từ lập luận đó, Nguyễn Ái Quốc kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế cộng sản: “Phát động chủ nghĩa dân tộc nhân danh Quốc tế cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi,… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế(8). Điều này, hoàn toàn trùng hợp với ý như Ăngghen đã nói: Những tư tưởng dân tộc chân chính trong phong trào công nhân bao giờ cũng là những tư tưởng quốc tế chân chính”(9).
Có thể thấy, xuất phát từ vị trí của người dân thuộc địa mất nước, từ truyền thống dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá rất cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, coi đó là một động lực lớn mà những người cách mạng phải nắm vững và giương cao, không để ngọn cờ dân tộc bị lợi dụng trong tay bất cứ lực lượng chính trị cơ hội nào khác.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(10). Đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa lại khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(11). Từ đó, Người yêu cầu Đảng phải ra sức “phát triển tinh thần yêu nước của dân ta”, phải làm cho tinh thần đó “được đem thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ ta: “Hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước, ghét giặc”,“Đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(12), vì vậy phải ra sức phát triển nó lên. Nói chuyện tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp (1950), Người đã phát biểu: “Trước hết phải đề cao lòng yêu nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng… Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ…”(13).
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong việc phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Người nói: “Sau 80 năm bị đô hộ, cái gì ta cũng thiếu thốn, chỉ có lòng yêu nước của dân ta là dồi dào”(14). Để xây dựng nền tài chính quốc gia và ngân sách quốc phòng, ngày 4-9-1945, Người ký sắc lệnh đặt ra “Quỹ Độc lập” và gửi thư kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng “Tuần lễ vàng” ủng hộ Chính phủ. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 17 đến 24-9-1945, nhân dân cả nước, đặc biệt ở các thành phố, đã tự nguyện đóng góp được 370kg vàng, 20 triệu đồng (tiền Đông Dương) vào Quỹ Độc lập và 40 triệu đồng vào Quỹ đảm bảo quốc phòng. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước dồi dào và sốt sắng của nhân dân.
Để đẩy mạnh kháng chiến mau đến thắng lợi, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “phong trào thi đua yêu nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi và cổ vũ của Người, một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi đã rầm rộ phát triển trong các ngành, các giới, các địa phương. Từ trong phong trào đó đã xuất hiện những điển hình xuất sắc, được tuyên dương Anh hùng lao động và Chiến sĩ thi đua toàn quốc, tiêu biểu như các anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa…
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: hiện thân cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước hiện đại Việt Nam
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được Người nâng cao lên một bước mới. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra vào lúc đế quốc Mỹ đem máy bay ra miền Bắc, ném bom, bắn phá, giết hại đồng bào ta, tàn phá đất nước ta. Lời kêu gọi của lãnh tụ kính yêu đã có sức lay động mạnh mẽ, biến sức mạnh của lòng yêu nước và chí căm thù của quân dân ta thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng vô song, đưa đến thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người còn căn dặn lại trong Di chúc: “Mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự anh dũng hy sinh của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một danh ngôn bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói đó đã kết nối chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh thành một thể thống nhất, trong sự phát triển liền mạch của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
2. Hồ Chí Minh - biểu tượng hài hòa của sự kết hợp dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế
Tham gia vào hàng ngũ mácxít, đương nhiên Nguyễn Ái Quốc chấp nhận học thuyết đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Nhưng từ tiếp nhận đến vận dụng sáng tạo vào hoạch định đường lối chiến lược, sách lược cho cách mạng Việt Nam lại phải biết xuất phát từ thực tiễn của đất nước: trình độ phát triển kinh tế-xã hội, sự phân hóa giai cấp, mục tiêu và tính chất của mỗi giai đoạn cách mạng…, không thể giáo điều, rập khuôn theo một công thức sẵn có nào mà có thể giành được thắng lợi.
Các đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển chủ trương làm cách mạng vô sản nên thường nhấn rất mạnh đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Sau khi Lênin qua đời, dưới sự chỉ đạo của Stalin, nhất là từ sau Đại hội VI Quốc tế cộng sản năm 1928, phong trào cộng sản ngày càng rơi vào khuynh hướng tả khuynh, hẹp hòi, biệt phái, đề cao bạo lực, không cho phép các đảng cộng sản được liên minh, hợp tác với các tổ chức dân chủ-xã hội và các lực lượng trung gian khác… nên đã không tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, không đẩy được phong trào cách mạng vô sản ở châu Âu tiến lên.
Ở Việt Nam - một nước thuộc địa nửa phong kiến - trước mắt phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, thắng lợi rồi mới có địa bàn để tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà dân tộc cách mạng thì chưa phân biệt giai cấp, “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Vì vậy, Người rất coi trọng phát huy vai trò của mặt trận dân tộc thống nhất, trên nền tảng liên minh công nông, ra sức tập hợp rộng rãi mọi thành phần yêu nước, tạo nên sức mạnh vô địch, nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập, thống nhất cho dân tộc.
Là người cộng sản, nhưng Nguyễn Ái Quốc lại không nhấn mạnh giai cấp một chiều, đôi lần còn phê phán những biểu hiện giáo điều, tả khuynh của một số người mới học từ nước ngoài về: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng đề ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”(15), “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là một điều ngu ngốc”(16).
Trong khi đó, Người lại hay nói nhiều đến Tổ quốc, đồng bào, con Hồng, cháu Lạc…, những câu chữ có sức lay động, thức tỉnh lòng yêu nước thương nòi của dân ta. Người viết Lịch sử nước ta(17), nêu cao những tấm gương yêu nước lẫm liệt của cha ông từ buổi đầu dựng nước, chống lại sự xâm lược liên tục, tàn bạo của bọn phong kiến phương Bắc, như Phù Đổng, An Dương Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… cho đến tên tuổi, công trạng của các vị anh hùng chống thực dân xâm lược Pháp ở buổi đầu, như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám…, đồng thời không quên nhắc đến các cuộc khởi nghĩa khác như Thái Nguyên (với Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến), Yên Bái (với Nguyễn Thái Học), Bắc Sơn, Đô Lương (với Đội Cung), Nam Kỳ... rồi kết luận:
Xét trong lịch sử Việt Nam,
Dân ta vốn cũng vẻ vang anh hùng.
Nhiều phen đánh Bắc, dẹp Đông,
Oanh oanh liệt liệt, con Rồng, cháu Tiên.
Sau ngày Cách mạng thành công, trong Tuyên ngôn Độc lập hay trong diễn văn đọc mỗi dịp kỷ niệm, bên cạnh tấm gương bất khuất của những người cộng sản, Người vẫn không quên nhắc đến tên tuổi và công lao của các bậc tiền bối khác, như Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và nhiều người khác. Người coi bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường…, là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam”(18).
Có thể thấy, với Hồ Chí Minh, yêu nước không phải là độc quyền của riêng ai, mà là phẩm chất quý báu của mọi tầng lớp nhân dân, vì vậy chúng ta phải làm mọi cách để cho tinh thần yêu nước ấy phát triển lên, được đem ra thực hành vào công cuộc xây dựng và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Đề cao lòng yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc”… Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế”(19). Là một người yêu nước, Người không chỉ quan tâm đến số phận của dân tộc mình mà còn quan tâm đến số phận của tất cả những “người cùng khổ” trên trái đất này: ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ireland, bênh vực quyền sống của những người Mỹ da đen, lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân gây ra ở Dahomey, Algeria, Madagascar…
Khi trở thành đảng viên cộng sản Pháp, Người đã kiến nghị với Đảng lập ra Ban nghiên cứu thuộc địa, xuất bản báo Le Paria, tham gia sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa, kiến nghị với báo L’Humanité mở chuyên mục thường xuyên về vấn đề thuộc địa. Tên tuổi Nguyễn Ái Quốc trên các bài báo tại Pháp đã dần dần trở nên quen thuộc với các dân tộc bị áp bức đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập dân tộc.
Thời kỳ hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với một số nhà cách mạng châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Triều Tiên, Indonesia, Miến Điện… thành lập “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông”, nhằm tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Ngày 16-9-1925, khi nổ ra cuộc bãi công lớn của hơn 20 vạn công nhân Hồng Kông, bỏ về Quảng Châu, Người đã nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh này, ngày đêm đi diễn thuyết, cổ vũ công nhân kiên trì bãi công cho đến khi thắng lợi. Báo Con Đường Công Nhân ra số đặc biệt ngày ấy, đã có bài viết ca ngợi Người An Nam tham gia đội tuyên truyền, coi đó là một biểu hiện cao đẹp của tinh thần quốc tế trong sáng(20).
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, noi theo chủ nghĩa quốc tế cao cả của Hồ Chí Minh, coi “giúp bạn là tự giúp mình”, bao thế hệ thanh niên ta đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp giải phóng của nhân dân hai nước anh em Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, tấm gương kết hợp hài hòa dân tộc và giai cấp, chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không phải thời nào cũng được hiểu đúng và nêu cao, trái lại có lúc từng bị ngộ nhận là đã xa rời học thuyết đấu tranh giai cấp, rơi vào chủ nghĩa quốc gia-dân tộc tư sản…, bản thân Người cũng bị vô hiệu hóa và bỏ rơi trong hàng chục năm!
Nhà sử học Trần Huy Liệu, một chiến sĩ cách mạng, từ hoạt động yêu nước trở thành người cộng sản, trong Hồi ký - chương viết về thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939 - đã sớm phát hiện ra nhược điểm tả khuynh này: “Chúng ta chủ trương làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng trên báo chí của chúng ta hồi ấy… đều chỉ nói đến giai cấp mà không nói đến dân tộc,… không phối hợp tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa vô sản quốc tế. Những tiếng “Đồng bào”, “Tổ quốc” không từng có trên các báo chí, trong cuộc nói chuyện hay trong truyền đơn. Gặp những ngày kỷ niệm quốc tế, như ngày Lao động 1-5, ngày Phụ nữ 8-3, ngày chống chiến tranh đế quốc 1-8, ngày Cách mạng tháng Mười 7-11… các báo của ta thường ra những số đặc biệt với nhiều công phu, nhưng còn những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc thì không hề nói động gì đến. Đọc báo Tin Tức, rất nhiều người truyền tụng bài thơ của Dương Lĩnh nói về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha… nhưng không có một bài thơ ca nào nói đến chiến công chống ngoại xâm của dân tộc ta”(21).
Hiện nay, khuynh hướng đó chưa phải đã hoàn toàn được khắc phục. Trong xử lý mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, mặt giai cấp hiện vẫn được ta coi trọng hơn; mặt dân tộc, kể cả chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, vẫn còn ít được nêu cao và phát huy đúng với tầm quan trọng của nó. Các anh hùng dân tộc lỗi lạc, các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm tiêu biểu trong lịch sử dân tộc còn ít được ta kỷ niệm và vinh danh.
Nói đúng ra, chúng ta vẫn chưa theo được tấm gương và cách làm của Hồ Chí Minh, chưa thực sự gắn kết hài hòa giai cấp với dân tộc. Tại Đại hội II 1951, khi Đảng Lao động Việt Nam ra công khai, Người đã nói: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(22). Sau này, nhiều lần Người vẫn thường nhắc lại: “Đảng ta là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc”(23). Chính vì chưa nhận thức đầy đủ sức mạnh của giai cấp nằm trong sức mạnh của dân tộc, quá thiên về mặt giai cấp, khiến cho khuynh hướng cơ hội giáo điều, “tả” khuynh vẫn chưa được tẩy sạch, còn ảnh hưởng nhất định đến sự củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Phải hiểu rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, hàng phút; một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng, hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế…”(24).
Vừa qua, sau chuyến thăm nước Mỹ về, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội, trong một phút cởi mở, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Tổng thống Mỹ đã có thư mời ông sang thăm Hoa Kỳ từ tháng 7-2012, nhưng phải ba năm sau, chuyến đi mới được thực hiện! Điều đó cho thấy, một mặt ta còn phải cân nhắc rất thận trọng mỗi bước đi trong chính sách đối ngoại ở bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, đồng thời cũng cho thấy còn phải có thời gian để thuyết phục lẫn nhau trong nội bộ. Việc ta gia nhập WTO chậm đi mất 10 năm, cũng chủ yếu là do những lực cản từ bên trong.
Vì vậy, chúng ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, đó là sự thống nhất, hài hòa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - một chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hướng theo những giá trị chung mà nhân loại đang theo đuổi. Trên lập trường bất biến đó, Người có thể linh hoạt ứng biến trước mọi thay đổi của tình hình khách quan. Đó cũng là học thuyết “dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh.
III. Giương cao hơn nữa “chủ nghĩa yêu nước Việt Nam” - nền tảng tinh thần, động lực phát triển của chúng ta
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới không còn hai phe, vấn đề ý thức hệ cũng không còn là nhân tố đối địch hàng đầu như trước kia. Trong thời đại hội nhập, cùng phát triển, người ta vừa tôn trọng sự khác biệt vừa đi tìm sự tương đồng trong những giá trị chung có tính toàn nhân loại, như: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tự do, dân chủ, nhân ái, khoan dung… Trong bối cảnh mới, mối quan hệ anh em, đồng chí, bạn-thù… cũng đã hoàn toàn khác xưa. Có nước lớn, sau khi từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, dựa vào thế mạnh kinh tế, quân sự và dân số, đã chuyển sang chủ nghĩa đại dân tộc, chủ nghĩa bành trướng-bá quyền, công khai bộc lộ dã tâm xâm lấn điên cuồng, ngang ngược chà đạp lên luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ta sẽ tựa vào đâu để tồn tại và tiến lên? - Không có con đường nào khác là phải tựa vào lòng dân, vào lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vào khối đại đoàn kết vững mạnh của toàn dân tộc. Muốn thế, ta phải phấn đấu làm sao để được dân tin, dân yêu, phải được lòng dân, bởi như người xưa đã nói “chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”, nếu dân “bất tín” thì “vô lập”!
Đất nước ta, sau 20 năm chia cắt, tuy đã có hòa bình, thống nhất được 40 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự có đoàn kết, hòa hợp dân tộc, chưa có sự đồng ý, đồng tình cao, vì chúng ta chưa tạo ra được một nền tảng chính trị-tinh thần chung trong đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Chúng ta đã có thể hòa giải với nước Mỹ theo phương châm “Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, thì cớ gì ta lại không thể dùng 16 chữ ấy để hòa giải với chính những đồng bào “con Lạc, cháu Hồng” của mình? Trong thời gian ở thăm New York, chiều ngày 9-7-2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc với khoảng 200 đại biểu Việt kiều tại Mỹ, qua họ, ông đã chuyển lời thăm hỏi đến cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm ăn tại Hoa Kỳ. Đó là một động thái hòa giải nhạy bén của một nhà lãnh đạo thức thời.
Theo suy nghĩ của người viết, hiện nay tuy đang còn tồn tại những thành kiến và nhận thức khác biệt, song trong căn cốt của mỗi người Việt “con Lạc, cháu Hồng” vẫn có một Tổ quốc chung, một hệ giá trị bất biến, tạo nên sự cố kết bền vững của dân tộc ta qua mấy nghìn năm lịch sử, đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - đó là cơ sở để “vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng”, là nền tảng tinh thần chung, rất cần được khai thác, phát huy để tạo ra sức mạnh của toàn dân tộc. Hòa hợp, hòa giải bên trong là điều kiện cơ bản để thực hiện hòa giải tốt với bên ngoài.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn tin tưởng: đã là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước. Trước hiện tình của quốc gia, là người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, không ai là không lo nghĩ: phải làm gì để góp phần đưa đất nước sớm thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển hiện nay? Đã có nhiều kiến giải được đưa ra: muốn thoát nghèo thì trước hết phải dần dần tự thoát ra khỏi sự ràng buộc của những “công thức, định đề” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói - “đã quá thời và sai hỏng”, hiện đang hạn chế, không cho chúng ta được nghĩ mới, làm mới để tiến kịp các nước đang phát triển. Mặt khác ta cũng phải thoát ra khỏi những câu chữ “hào nhoáng”, “viển vông”, theo kiểu “là đồng chí nhưng không là đồng minh”, nên lúc nào giở mặt, họ cũng có thể sẵn sàng giơ nắm đấm đe dọa “dạy cho Việt Nam một bài học”! Vì vậy, cái gọi là “lý tưởng tương thông”, là “đồng chí” cùng ý thức hệ, chỉ là những chiêu bài nhằm che đậy bản chất xâm lược, bành trướng cố hữu của họ. Không ai có đầu óc tỉnh táo lại có thể mù quáng tin vào cái gọi là quan hệ “đồng chí” cùng cái quyền lực“mềm” đầy giả trá mà họ đang bán rao!
Chuyến đi thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể được coi như là một cuộc hòa giải có tính lịch sử, mở ra trang mới trong quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ. Thái độ đàng hoàng, cởi mở, tự tin cùng với bài diễn văn đọc tại “Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế” (CSIS) - được coi là hay nhất của ông từ trước đến nay - đã đem lại nhiều hy vọng và tin tưởng trong nhân dân. Tuy nhiên, con đường gia nhập TPP (Hiệp định xuyên Thái Bình Dương) cũng còn dài, còn phải vượt qua nhiều trở ngại, gập ghềnh, đòi hỏi ta trước hết phải tự tạo ra nội lực cho mình, phải tự vượt lên chính mình.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt một chân vào lịch sử, mong rằng cùng với Đảng ta, ông sẽ vững vàng đi tiếp những bước mới, điều chỉnh lại chính sách - như Tổng bí thư Trường Chinh đã làm năm 1986 - để trở thành người khai mở cuộc đổi mới lần thứ hai, được bắt đầu từ Đại hội XII sẽ diễn ra đầu năm 2016. Hy vọng rằng sự đổi mới sẽ được đánh dấu bằng sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, với chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, sẽ được quán triệt trong cả tư duy và hành động, lý luận và thực tế, nói và làm. Mọi chủ trương, chính sách sẽ thấm nhuần cả tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh, chứ không phải chỉ nói riêng một mặt đạo đức như hiện nay.
Không có dòng sông nào chảy mãi nếu con người không biết khơi nguồn. Lòng yêu nước của nhân dân cũng có thể bị nguội lạnh đi nếu không được chăm lo nuôi dưỡng, để cho cả “một bầy sâu” ra sức đục khoét, làm cho nó trơ rễ, bật gốc, héo mòn đi. Vì vậy, giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”, lấy yêu nước làm nền tảng để “vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng”, tạo ra nội lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đang là một đòi hỏi cấp bách, một nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác chính trị-tư tưởng của chúng ta.
_____
(1) Trần Văn Giàu: Hệ tư tưởng yêu nước Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, số 16 (8-1998), tr.10.
(2) Vũ Đình Hòe: Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, Tia Sáng 4-5-2007.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.56.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.419.
(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 1970, tr.45.
(6) Hồ Chí Minh truyện, Trần Dân Tiên giả, Trương Niệm Thức dịch, Bát nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải 6-1949, tr.90.
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, xuất bản lần 2, 1995, t.1, tr.466-467.
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.1, tr.467.
(9) Mác-Ăngghen Toàn tập, t.33, tr.374 (bản Nga văn).
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.161.
(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.171.
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.246.
(13) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, NXB Lao Động, 1971, t.3, tr.138-142.
(14) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.26.
(15) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, tr.272.
(16) XYZ: Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, bản đánh máy, lưu tại Ban Huấn luyện Trung ương, chưa đưa vào Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần 2.
(17) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.3, tr.219-230.
(18) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 1970, tr.110.
(19) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.172.
(20) Theo Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, NXB Sao Mới, 8-1990, tr.59-65.
(21) Hồi ký Trần Huy Liệu, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991, tr.200.
(22) Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần II, 1951, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.6, tr.175.
(23) Bài nói tại Hội nghị chỉnh huấn tháng 1-1965, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.11, tr.372.
(24) Nói ngày 26-9-1945, Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.26.
Tháng 7-2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét