GS Song Thành
Học viện Chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh
(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một
sự nghiệp cách mạng vĩ đại, một di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Trong đó,
sự nghiệp báo chí gắn liền với sự nghiệp cách mạng là một phần quan trọng làm
nên sự nghiệp văn hóa của Người, góp phần làm ngời sáng nhân cách nhà báo cộng
sản lỗi lạc.
Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời
hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người. Có thể chia thành những
thời kỳ sau:
Thời kỳ đầu ở Paris(1917-1923)
Sống và hoạt động cách mạng tại thủ đô nước Pháp, nơi có đời
sống báo chí náo nhiệt bậc nhất châu Âu bấy giờ, Người biết được bản chất của
xã hội tư bản và tình hình chính trị - xã hội ở các nước thuộc địa, nên đã sớm
nhận ra tầm quan trọng của báo chí: là vũ khí sắc bén, một phương tiện hữu hiệu
để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, thức tỉnh các dân tộc thuộc địa; diễn
đàn để tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Vì vậy, Người đã
quyết tâm học tập, rèn luyện để sớm trở thành một nhà báo cách mạng, một chiến
sĩ trên mặt trận tư tưởng.
Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc tập viết những bài báo ngắn, đăng trên
các tờ L’Humanité, La vie Ouvrière, Journal du peuple…(bằng tiếng
Pháp) nhằm tố cáo, lên án những tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương và nhiều
thuộc địa khác, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp. Sau đó,
Người tham gia sáng lập, đồng thời làm chủ nhiệm kiêm chủ bútLe Paria (Người
cùng khổ). Số đầu tiên ra ngày 1-4-1922, dưới tên báo có phụ đề Diễn
đàn của các dân tộc thuộc địa(sau đổi thành Diễn đàn của vô sản
thuộc địa), với tuyên ngôn rõ ràng là giải phóng con người !
Nội dung các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên Le
Paria cũng như trên các báo của phong trào công nhân và lao động
Pháp bấy giờ đều tập trung vào một số chủ đề chính như: tố cáo nền “khai hóa”
giết người của bọn thực dân; kêu gọi các đảng cộng sản ở chính quốc giúp đỡ
phong trào đấu tranh giải phóng ở thuộc địa; phê phán bọn quan lại thực dân
cùng bọn vua quan bù nhìn, tay sai và vạch trần mối quan hệ giữa bọn cướp nước
và lũ bán nước giữa chúng.
Trước khi rời Pháp đi Liên Xô, Người đã cho đăng trên 30 bài
viết và tranh vẽ ký tên Nguyễn Ái Quốc. Những bài báo, luận văn chính trị,
truyện ký, tranh minh họa, biếm họa,…của Người đã góp phần tích cực vào cuộc
đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, gợi mở con đường đi tới giải phóng và xây
dựng tương lai, hạnh phúc của mình.
Bên cạnh tờ Le Paria bằng tiếng Pháp,
Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ đến việc xuất bản một tờ báo tiếng Việt cho người Việt
và đã từng viết bài cổ động cho nó. Song chưa kịp thực hiện thì Người được cử
đi Liên Xô.
Thời kỳ đầu ở Liên Xô (1923-1924)
Ngoài việc tiếp tục gửi bài, chăm lo cho sự tồn tại và phát
triển của tờ Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài gửi
đăng trên các báo và tập san của Liên Xô và Quốc tế Cộng sản, như: tờ Pravđa,
Rabôtnhitxa (Nữ công nhân), Guđok ( Tiếng còi), Inprekorr ( Tạp chí Thư tín
quốc tế), trả lời phỏng vấn các báo Ogoniok (Ngọn
lửa nhỏ, củaLiên Xô), L’Unità(báo Đoàn kết,
của Đảng Cộng sản Italia), v.v..
Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc thời gian này tập trung phản
ánh tình cảm sâu sắc, lòng biết ơn của nhân dân các dân tộc thuộc địa đối với
Lênin; thể hiện tinh thần dũng cảm đấu tranh chống tư tưởng sôvanh, coi thường
vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc; nhấn mạnh cách mạng thuộc địa phải ra
sức phát huy tính chủ động, sáng tạo, đón thời cơ, chớp thời cơ giành lấy chính
quyền, không thể ỷ lại, trông chờ vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính
quốc.
Cùng với những hoạt động khác, nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc
trên báo chí Liên Xô thời đó đã làm cho tên tuổi của Người được biết đến rộng
rãi trong nhân dân Xô viết và bạn bè quốc tế.
Thời kỳ hoạt động ở Quảng Châu và ở Xiêm (1924-1929)
Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva đi Quảng Châu, xây
dựng tổ chức, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng, gây dựng phong trào cách mạng
trong nước. Sau khi thành lập tổ chức “Hội Việt Nam cách mạng Thanh
niên”, Người cho ra báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội,
sử dụng nó như một vũ khí tuyên truyền sắc bén, bởi trong điều kiện hoạt động
bí mật, không có sách báo thì không thể chuyển tải các chủ trương của Hội đến
các tổ chức cơ sở và hội viên.
Báo Thanh Niên ra số đầu vào ngày 21-6-1925,
với các bài viết ngắn gọn của Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn… Cùng
với tác phẩm Đường cách mệnh, Báo Thanh niên đã có
vai trò to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự thành
lập Đảng sau này. Sau khi xuất bản Báo Thanh Niên, Người còn lập ra
Báo Công Nông (12-1926), Báo Lính kách mệnh, đều
bằng tiếng Việt, nhằm phục vụ đối tượng rộng rãi là công nông và binh lính
người Việt Nam đang sống trong tô giới Pháp ở Thượng Hải. Những tờ báo đó đã
góp phần vào việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, thực hiện nhiệm vụ lịch sử
là “người tuyên truyền, người cổ động tập thể, người tổ chức tập thể”,
như Lênin đã nói.
Khi Tưởng Giới Thạch đàn áp những người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc
phải trở lại, rồi tìm đường về Xiêm (Thái Lan), tiếp tục vận động cách mạng
trong đồng bào ta tại đó (từ mùa Thu 1928 đến cuối 1929). Tại Xiêm, Người đã
đổi tên BáoĐồng Thanh, cơ quan tuyên truyền của “Hội đồng bào thân ái”
(có từ năm 1927) thành Báo Thân Ái cho phù hợp với tên của
Hội. Nhờ sự chỉ đạo của Người, Báo Thân Ái đã có nội dung rõ
ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, góp phần tập hợp, đoàn kết, vận động xây dựng nếp sống
mới, cổ vũ tinh thần yêu nước trong kiều bào ta ở Xiêm.
Thời kỳ trở lại Liên Xô, quaTrung Quốc, trước khi về nước (1930-1941)
Tình hình thế giới biến chuyển, cuối năm 1938, Nguyễn Ái Quốc
được cử về nước, qua Trung Quốc. Thời gian này, Người đã viết 9 bài báo có nhan
đề chung là “Thư từ Trung Quốc”, gửi về đăng trên tờ Notre voix (Tiếng
nói chúng ta), tuần báo tiếng Pháp của Đảng xuất bản công khai tại Hà Nội, nêu
lên tinh thần dũng cảm và kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân Trung Quốc chống
Nhật, vạch rõ bộ mặt phá hoại của bọn trốt-kít Trung Quốc, qua đó nhắc nhở cán
bộ, đảng viên ta nâng cao cảnh giác với hoạt động của bọn này ở Việt Nam.
Năm 1940, Người tới Vân Nam, bắt liên lạc được với Ban Hải ngoại
của Đảng, viết nhiều bài cho tờ Truyền tin của tổ chức Đảng
xuất bản tại đây (sau Người đề nghị đổi tên báo là Đ.T. ,có
thểhiểu là Đấu tranh hay Đánh Tây đều được).
Không có khả năng về nước theo hướng này, Người quay lại Quảng Tây. Dưới bút
danh Bình Sơn, Người đã viết hơn 10 bài báo (bằng tiếng Trung) đăng trên Cứu
vong nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời kỳ chống Nhật,
khi đó đặt trụ sở tại Liễu Châu.
Ngày 28-1-1941, Bác Hồ vượt biên giới về Cao Bằng, để cùng với
Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 8 năm đó, Người
sáng lập Báo Việt Nam độc lập,gọi tắt làViệt Lập để
tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách, cổ động nhân dân các tỉnh Cao -
Bắc - Lạng tham gia các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Số đầu (đánh
số 101) ra ngày 1-8-1941, mỗi tháng ra 3 kỳ, mỗi kỳ in 400 bản. Tôn chỉ, mục
đích của báo đã nêu rõ trong số 1, được diễn đạt bằng văn vần để đồng bào dễ
nhớ. Báo Việt Lập thường có các mục: xã luận, tin trong nước,
tin thế giới, vườn văn, trả lời bạn đọc,…Lời văn ngắn gọn, giản dị, rõ ràng, dễ
hiểu, rất phù hợp với trình độ cán bộ và quần chúng vùng dân tộc thiểu số. Báo
còn có tranh minh họa do chính tay Người vẽ. Có thể nói Báo Việt Lập đã
thực sự góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng
Tám thành công.
Tháng 8 - 1942, với tên là Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc
công tác, bị chính quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm. Ra tù,
Người viết nhiều bài cho Liễu Châu báo (bằng tiếng Trung) nêu
rõ Hoa-Việt cần thiết phải liên minh, hợp tác cùng nhau chống phát xít Nhật;
nhấn mạnh quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa,…Những bài đó được giới nhân
sĩ, trí thức ở Hoa Nam rất hoan nghênh.
Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám thành công(1945-1969)
Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra bước ngoặt mới trong sự
nghiệp làm báo của Bác Hồ. Dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn thường xuyên
quan tâm chỉ đạo công tác báo chí và viết nhiều bài cho báo trong nước và nước
ngoài.
Từ năm 1946 đến năm 1954, theo thống kê chưa đầy đủ, Người đã
viết 135 bài cho báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ
Việt Minh, tờ báo hàng ngày, làm nhiệm vụ kịp thời thông tin tình hình
trong nước và thế giới; phân tích, bình luận để hướng dẫn dư luận. Ngoài ra,
Người còn viết 24 bài cho Báo Sự Thật, cơ quan Trung ương của Đảng
và viết một số bài khác cho tờ Sinh hoạt nội bộ, cho BáoVệ
quốc quân của quân đội.
Từ năm 1951, khi báo Nhân Dân ra đời, cho đến
năm 1969, Người đã viết cho báo Đảng 1.205 bài. Ngoài ra, còn viết nhiều bài
cho báo và tạp chí nước ngoài, như tờ Vì một nền hòa bình lâu dài, vì
một nền dân chủ nhân dân-cơ quan thông tin của các Đảng Cộng sản và Công
nhân quốc tế; Báo Pravđa của Liên Xô, Báo L’Humanité của
Đảng Cộng sản Pháp, Tạp chí Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội,
v.v..
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một gia tài
báo chí đồ sộ, phong phú, đa dạng về thể loại: chính luận, bút ký, truyện ngắn,
tiểu phẩm, thơ ca, hò vè, tranh minh họa-đả kích,…với số lượng hàng nghìn bài,
được đăng trên báo chí trong và ngoài nước; được ký dưới hàng trăm bút danh
(đến nay ta vẫn chưa có điều kiện sưu tầm, xác minh và thống kê đầy đủ, nhất là
các bài được viết và công bố ở nước ngoài).
Tất cả các tác phẩm báo chí của Người đều chỉ xoay quanh một đề
tài duy nhất là “chống thực dân đế quốc, tuyên truyền cho độc lập dân
tộc và chủ nghĩa xã hội” nhưng không hề trùng lặp, mà đều được thể
hiện một cách đa dạng, sinh động, mới mẻ cả về nội dung lẫn cách viết, thể hiện
một phong cách riêng, dù ký dưới bút danh nào, người đọc vẫn nhận ra đó là bài
viết của Người.
Những bài báo chính luận của Người thể hiện một tư duy sắc sảo,
có tính đột phá về lý luận, gây được tiếng vang rộng rãi trong bạn bè quốc tế.
Thành quả đó không phải chỉ do tài năng bẩm sinh mà là kết quả của một quá
trình kiên trì, gian khổ học tập, rèn luyện. Để viết báo giỏi, ngoài tài năng,
còn phải có kiến thức rộng, muốn thế - như lời Người từng nhắc nhở - mỗi người
làm báo phải biết ít nhất một ngoại ngữ để có thể tham khảo
thông tin, kinh nghiệm, thành tựu về nội dung và kỹ thuật làm báo của thế giới.
Bác Hồ là tấm gương sáng về mặt này: thạo tiếng Pháp, giỏi tiếng Anh, tiếng
Trung, biết tiếng Nga, ngoài ra còn có thể giao tiếp những điều thông thường
với khách nước ngoài bằng vài thứ tiếng khác nữa. Nhưng học nước ngoài không
phải là để rập khuôn, bắt chước mà học hỏi có chọn lọc, để nâng cao tri thức,
bản lĩnh, từ đó mà sáng tạo ra phong cách riêng, phù hợp với ngôn ngữ, tư duy
của người Việt Nam. Theo hướng đó, nhà báo Hồ Chí Minh đã hình thành cho mình
một phong cách báo chí không thể trộn lẫn: ngắn gọn, giản dị, lời ít, ý sâu,
diễn đạt trong sáng, hấp dẫn - một phong cách vừa bác học, vừa dân gian, hiện
đại mà lại rất Việt Nam.
“Lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí”(1), Người thường xuyên quan tâm
chỉ đạo, ân cần góp ý về nội dung và hình thức của báo chí cách mạng, mong sao
cho nó phát huy hết sức mạnh tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, dẫn đường cho quần
chúng trong cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập.
Ngày nay, với sự phát triển của dân trí, trình độ tư duy và ngôn
ngữ của dân ta đã được nâng cao, đã có thể nói và hiểu được nhiều vấn đề trừu
tượng. Tuy nhiên, những đặc điểm trong phong cách báo chí cùng những lời nhắc
nhở ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những bài học quý báu cho những
người làm công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền, giáo dục lý luận, “mỗi
tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của
quần chúng”(2).
__________________
(1) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb
Sự thật, H. 1971, tr. 57.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2011, tr.306
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét