Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Về nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trang bìa: Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 - 20-11-1987, Quyển 1: Nghị quyết.

Tại Nghị quyết quan trọng này, cùng với việc khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc... Ðại Hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người", đồng thời đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam" (2).
Ðây là một văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn quốc tế... Tuy nhiên, hơn 20 năm qua kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, hầu hết chúng ta mới chỉ được biết đến nội dung của văn kiện quan trọng này qua bản dịch tiếng Việt đăng trên một số sách, báo, tạp chí, website... Ðã có rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước và khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn được nhìn thấy văn bản gốc của Nghị quyết quan trọng này.
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý, bổ sung nhằm hoàn thiện nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong quá trình chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày, chúng tôi đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là "Tập biên bản của Ðại Hội đồng Khóa họp lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT", bản in tiếng Pháp.
Ðây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO(3), Khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga), được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pa-ri, vào năm 1988, trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(4).
Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990 nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn", tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, Tiến sĩ M.Át-mét (Modagat Ahmet) Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ðại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã khẳng định "Hội nghị UNESCO phiên thứ 24, đã quyết định Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Ðây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Ðiều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng". Tiến sĩ M.Át-mét coi việc được tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm về Hồ Chí Minh "là một niềm vinh dự" và nhấn mạnh rằng: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này"(5)...
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website... có những câu chữ không thống nhất, như: Ðại hội đồng = Phiên họp toàn thể; Nhìn lại = nhắc lại; Nhà văn hóa kiệt xuất = Nhà văn hóa lớn; Biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc = Biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; Yêu cầu = Ðề nghị... Sự khác nhau về câu chữ này, phải chăng là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh có khác nhau cho  nên việc trích dẫn giới thiệu có những câu chữ khác nhau, không thống nhất?

Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm
Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích từ Tập biên bản
của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 - 20-11-1987,
do UNESCO xuất bản năm 1988. tr.144)

Ðể có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra trưng bày, giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"18. 65 Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ðại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Ðại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch  Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,
Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,  
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Ðề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam".   
(1) Ðại Hội đồng UNESCO hai năm họp một lần. Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (Pháp), từ ngày 20-10 đến 20-11-1987. Ðoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Dy Niên dẫn đầu.(2) Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về  Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, 7-2009. 
(3) Theo chú thích về tập biên bản của Ðại hội đồng cho biết các biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO, Khóa họp lần thứ 24, được in thành ba quyển: Quyển Nghị quyết bao gồm các nghị quyết được Ðại hội đồng thông qua và danh sách các thành viên của Văn phòng Ðại hội đồng và văn phòng các ban và ủy ban (quyển 1); Quyển Các báo cáo, bao gồm các bản báo cáo của các ủy ban từ I đến V, ban Hành chính và Ủy ban pháp luật (quyển 2); Quyển Biên bản thảo luận, bao gồm các biên bản ghi lại bên lề các phiên họp toàn thể, danh sách các thành viên tham gia và các tài liệu (quyển 3);
(4) Tại khóa họp lần thứ 24 này, cùng với việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Ðại Hội đồng UNESCO còn ra các nghị quyết về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Phya Anuma Rajadhon (nhà văn người Thái-lan), 500 năm Ngày sinh Thomas Munzer (nhà Cải cách ở Ðức và của cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở châu Âu), 100 năm Ngày sinh Anton Semionovitch Makarenko (nhà văn và nhà giáo dục lớn của Liên Xô), 100 năm Ngày sinh Jawaharlai Nehru (nguyên Thủ tướng Ấn Ðộ) và 400 năm Ngày mất của Sinan (kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ).
 (5) UNESCO và UBKHXHVN: Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn". Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr. 20, 22.
PHẠM KHẢI
(Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Để có hiểu biết đúng đắn về Hồ Chí Minh ”Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”

PGS, TS. Bùi Đình Phong

 (TCTG)- Lâu nay, một bộ phận trong giới khoa học Việt Nam và không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa thật rõ, đầy đủ, đúng đắn một số điểm xung quanh Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người thì không biết có một Nghị quyết của UNESCO, tức tài liệu gốc. Hầu hết chỉ biết đến nội dung văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt, đăng sớm nhất trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990.
1. Có một Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh- “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”
Lâu nay, một bộ phận trong giới khoa học Việt Nam và không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa thật rõ, đầy đủ, đúng đắn một số điểm xung quanh Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người thì không biết có một Nghị quyết của UNESCO, tức tài liệu gốc. Hầu hết chỉ biết đến nội dung văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt, đăng sớm nhất trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990. Bản dịch này từ các thứ tiếng khác nhau nên vẫn còn độ chênh.
Ở ngoài nước, các thế lực thù địch tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc, cho rằng không có Nghị quyết của UNESCO !?.
Gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã công bố văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bản in tiếng Pháp “Tập biên bản của Đại hội đồng khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1: nghị quyết”(1).
Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pari, năm 1988.
“Quyển 1: nghị quyết” dày 220 trang, bao gồm các nghị quyết được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24. Tập nghị quyết này gồm 13 mục và phần phụ lục.
Trong Chương trình hành động giai đoạn 1988-1989, cùng với các Nghị quyết 24C/11.9 về Kỷ niệm 600 năm ngày mất của Khaeh Chamsoddne Mohammad Hafez Chirazi và Nghị quyết 24C/11.10 về Kỷ niệm 100 Ngày sinh của Fernando Pessoa, Đại hội đồng UNESCO khóa họp lần thứ 24 đã thông qua các nghị quyết về tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử, trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO triển khai các hoạt động tổ chức kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử tại các nước thành viên, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” đã được tổ chức trọng thể vào hai ngày 29 và 30 tháng 3-1990. Tại Hội thảo này, có mặt 70 đại biểu quốc tế thuộc 34 nước và hơn 1.000 đại biểu Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ M. At-mét (Medagat Ahmed), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Đây thật sự là một niềm vinh dự cho tôi được phát biểu trước các nhà trí thức và thông thái cao quý, có mặt ở đây ngày hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sĩ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ 20. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau... Tên gọi cuộc Hội thảo khoa học là “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này”(2).
Dưới đây là toàn văn bản dịch (từ bản tiếng Pháp) của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Mục “18. 65: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”(3).
2. Nhận thức đúng đắn về sự thống nhất, hòa quyện giữa Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhận thức được sự thống nhất, hòa quyện chất Anh hùng giải phóng dân tộc và chất của Nhà văn hóa kiệt xuất trong con người Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO cho thấy, nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một con người, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng, vì đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và độc lập. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó vừa là giá trị văn hóa vừa có ý nghĩa cách mạng sâu xa. Hồ Chí Minh là “một trong số ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(4).
Để nghiên cứu đúng đắn về Hồ Chí Minh, cần nắm chắc bối cảnh lịch sử, phân biệt rõ mục đích và con đường để đạt mục đích đó. Hồ Chí Minh trước hết là con người của dân tộc, gắn bó mật thiết với non sông ta, đất nước ta. Dân tộc Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đêm trước thành công của Cách mạng Tháng Tám đắm chìm trong đêm dài nô lệ. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, bằng cách làm này hay cách làm khác, theo con đường này hay con đường khác, đều chung một mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu thời là một thanh niên yêu nước, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Người không những giống mọi người Việt Nam về tinh thần yêu nước mà còn “sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Người đã từng theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Người được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Người cũng đã theo học lớp sơ đẳng Trường Tiểu học Đông Ba ở Huế và Trường Quốc học Huế. Người quan tâm tới nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt mục đích giải phóng dân tộc. Trước lúc đi ra nước ngoài tìm cách giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã tâm sự với một người bạn: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(5). Năm 1923, tâm sự với Ôxíp Manđenxtam, Người bộc lộ: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách báo của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(6).
Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh không chỉ là con người của dân tộc mà còn là của thế giới, của thời đại. Người khám phá thế giới, làm mọi cách để đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc, như có lúc Người đã nói một cách hình tượng “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Cũng như vậy, sau này, để đạt được mục tiêu tự do, hạnh phúc, có lúc Người nói: “Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).
Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, như mọi người đều biết, từ Mácxây, Nguyễn Tất Thành có viết một lá đơn đề ngày 15-9-1911 gửi Tổng thống nước Pháp lúc đó Armand Fallieres, xin học Trường Thuộc địa. Lá đơn này có trong Kho Lưu trữ nước Pháp, bộ phận Hải ngoại, phông Trường Thuộc địa, bìa số 27, hồ sơ số 11. Lần đầu tiên (năm 1983) tư liệu này được giới thiệu qua hệ thống đài phát thanh và truyền hình nước Pháp do Tuyren (H. deTurenne) thực hiện nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tiếp đó, tư liệu này được đề cập trong cuộc Hội thảo quốc tế tại Pari ngày 25-5-1983 dưới chủ đề: “Mác- Các chủ nghĩa Mác”. Sau đó, Nguyễn Thế Anh (nguyên là Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Mỹ- ngụy) và Vũ Ngự Chiêu (nguyên là sĩ quan ngụy, hiện ở Canađa) đã công bố toàn văn lá đơn trong số 1 tạp chí Đường mới, số tháng 6-1983 với một dụng ý xuyên tạc trắng trợn, cho rằng “Nguyễn Tất Thành lúc đầu có ý định xin vào học Trường Thuộc địa để sau ra làm việc cho Pháp, nhưng vì không được nhận vào học nên phải đi theo con đường cách mạng!?”. Gần đây, tháng 7-2009, DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh”, Vũ Ngự Chiêu lại nhắc lại sự kiện đó.
Chúng ta hoàn toàn không giấu giếm sự kiện này. Hơn hai mươi năm trước, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm đã có bài viết với tiêu đề: “Cần làm sáng tỏ một số điểm xung quanh lá đơn xin học của Nguyễn Tất Thành năm 1911”, đăng Tạp chí Cộng sản, số 5-1987. Vấn đề là ở chỗ, hiện nay một số người vẫn nghĩ rằng chúng ta không công bố lá đơn này, và quan trọng hơn là nhiều người không hiểu đúng việc làm của Nguyễn Tất Thành. Còn các thế lực thù địch thì cố tình bóp méo sự thật lịch sử.
Làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết phải nhận thức đúng đắn rằng đây là cách làm chứ không phải mục đích của Hồ Chí Minh. Có nhiều cách làm và con đường để đạt một mục đích. Cách làm này hoàn toàn hợp lôgic với cách làm và suy nghĩ từ trong nước của Nguyễn Tất Thành khi có ý định xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Sài Gòn, muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái rồi trở về giúp đồng bào chúng ta. Dõi theo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, phải đánh giá sự kiện này ở một cách nhìn khác với tầm cao hơn. Cụ thể là ngay từ rất sớm, Người đã biết khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học - công nghệ ở các nước tư bản để phục vụ cho đồng bào mình.
Thứ hai, phải đọc và suy ngẫm kỹ hình thức và nội dung lá đơn gửi Tổng thống một nước tư bản văn minh lúc bấy giờ. Trong lá đơn có câu: “Tôi muốn sẽ trở nên có ích đối với đồng bào của tôi, và đồng thời có thể giúp cho họ hưởng thụ được những lợi ích của học thức”(8).
Sự thật rõ như ban ngày mà những kẻ nuôi dụng tâm xấu vẫn ác ý cố tình xuyên tạc. Để hiểu rõ hơn về lá đơn, hãy đọc Êmơri (Daniel Hémery) - một nhà sử học Pháp chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cận - hiện đại Việt Nam tại Trường Đại học Pari VII, trong bài viết: “Về lá đơn xin vào học Trường Thuộc địa năm 1911 của người thanh niên Hồ Chí Minh”. Êmơri khẳng định: “Tuyệt đối không thể căn cứ vào lá đơn xin học năm 1911 để gán ghép cho Nguyễn Tất Thành ý định sau khi học xong sẽ trở thành người cộng tác với chính quyền thuộc địa”(9).
Bài viết đến đây tạm khép lại với một câu hỏi: “Tại sao người ta cố tình muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”? Câu trả lời từ một cách hiểu rất đơn giản và lôgic, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vẫn luôn luôn giữ được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân loại tiến bộ./.
———————
(1) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009 (Từ đây, những thông tin liên quan tới Nghị quyết đều dẫn từ tài liệu này)
(2) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.34-35.
(3) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, tài liệu đã dẫn, tr.57.
(4) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sdd, tr.37.
(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, tr.13.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.477.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr. 227.
(8), (9) GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2005, tr.275, 273


Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam

PGS. TS. Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

1. Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặc biệt quan tâm tới một nền lập hiến ở Việt Nam ?
Để đi tới xác lập một hệ thống quan điểm về nền lập hiến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình hoạt động cách mạng khoảng 35 năm trong và ngoài nước hết sức sôi nổi, phong phú. Đọc những bài viết của Hồ Chí Minh về lịch sử trước năm 1946, chúng ta có thể khẳng định rằng Người đã biết tới kiểu nhà nước phong kiến Việt Nam với những bộ sử, bộ luật nổi tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí… Hình thư (đời Lý), Quốc triều hình luật (đời Trần), bộ luật Hồng Đức(đời Lê). Chắc chắn Người đã biết tới tư tưởng về một nhà nước thân dân thời phong kiến hưng thịnh, cũng như những tư tưởng tiến bộ của Nho giáo về nhà nước. 
Ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để khám phá kiểu nhà nước tư sản phương Tây như Mỹ, Pháp, mô hình nhà nước ra đời từ thành quả của các cuộc cách mạng tư sản. Người cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu mô hình Nhà nước Xôviết, kiểu nhà nước ra đời từ thành quả của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, mà theo Người, đó là cuộc cách mạng thành công đến nơi, triệt để.
Trong hành trang trên đường trở về Tổ quốc sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh không chỉ nung nấu quyết định thực hiện sự nghiệp  giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mà Người còn mang theo một khát vọng xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hợp với hoàn cảnh nước ta. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, để thực sự có được một Hiến pháp rất Việt Nam năm 1946, tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền lập hiến phải trải qua một quá trình hình thành và phát triển gắn chặt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khởi đầu của quá trình đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam và sau đó là Việt Nam yêu cầu ca. Các nhà Hồ Chí Minh học, sử học có lý khi mô tả và đánh giá sự kiện này dưới cái nhìn tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh. Tuy chưa thể có được những quan điểm “lý tính” về một nền lập hiến, nhưng những khát vọng của Người về quyền con người, quyền dân tộc, đặc biệt những trăn trở về “thần linh pháp quyền” là những hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Điều cần nhấn mạnh là Hồ Chí Minh đã sớm có tầm nhìn về tầm quan trọng của lập hiến khi Người chưa phải là một người cộng sản. Tư tưởng đó trở thành nỗi trăn trở lớn của Người trong quá trình tổ chức lực lượng, mở lớp huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng. Trong các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Người đã truyền đạt tư tưởng về một “nhà nước của số đông, quyền  giao cho dân chúng số nhiều” cho các học viên. Khái niệm “số đông” đó, đến khi Đảng ra đời, được thể hiện ở mệnh đề “Chính phủ công nông binh”. Đọc những dòng này trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và một thời gian ngắn sau đó là sự ra đời của Xôviết Nghệ Tĩnh, người ta nhận ra rằng đó vẫn là mô hình Nhà nước Xôviết. Chúng ta hiểu điều đó vì những năm ba mươi, sau khi Lênin từ trần, tình hình cách mạng thế giới nghiêng về khuynh tả. Ngay sau khi về nước, với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, chủ trì Hội nghị Trung ương 8, triệu tập Đại hội quốc dân, tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước được xác lập một cách khá rõ ràng, bài bản. Hội nghị Trung ương 8, trên cơ sở khẳng định cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng” và đó là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, đã chủ trương “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hoà”[1]. Chương trình Mặt trận Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”[2]. Cuối năm 1944, tư tưởng về một chính phủ đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn dân đã được Hồ Chí Minh nêu trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”. Tất cả những trăn trở nêu trên được kết tinh trong “Đại hội quốc dân Tân Trào”, mà nổi bật, như vị Bộ trưởng tư pháp đầu tiên của nước ta-cụ Vũ Đình Hoè- khẳng định, thì Quốc dân Đại hội Tân Trào là Quốc hội lâm thời của nước ta, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và Chương trình 44 điểm, tức như “Hiến pháp lâm thời” hoặc tiền thân của Hiến pháp 1946. Theo cụ Vũ Đình Hoè: “Không phải chỉ đến khi Quốc hội chính thức ra đời sau Tổng tuyển cử (ngày 6-1-1946), mới xuất hiện chức năng lập pháp. Quốc dân Đại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc Hội) đã bắt đầu làm “luật” rồi, tuy mới là “luật lâm thời”. Đạo luật chính thức đầu tiên, đạo luật vĩ đại, mang nội dung chính trị pháp lý cao nhất là Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Đạo luật này còn cơ bản hơn cả Hiến Pháp. Toàn thể thành viên của Chính phủ lâm thời đã ký tên vào đó. Nó là nền tảng của Hiến pháp 1946, là “Vương miện dát kim cương” trên đầu Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”[3].
Muốn hiểu nền lập hiến Việt Nam, phải nhận thức quá trình thoát thai từ thực tiễn máu lửa chiến đấu của cả khối 20 triệu đồng bào. Sau 80 năm mong đợi, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, rồi năm năm thai nghén, mang nặng đẻ đau dẫn tới Đại hội quốc dân Tân Trào.
Sự kiện Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, nhìn dưới góc độ lập hiến, trước hết cần coi đây là một tư tưởng quan trọng về một nhà nước hợp hiến. Sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới không chỉ khẳng định tính hợp pháp, hợp hiến mà còn cho thấy một văn bản có tính lập hiến cao. Một ngày sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ba ngày sau, ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh 34 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để chuẩn bị trình Quốc hội. Đây là những văn bản có tính chất lập pháp đầu tiên để đến khi toàn dân bầu ra Quốc hội chính thức và Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức thì công tác lập pháp càng được đẩy mạnh.
2. Tư tưởng về nền lập hiến ở Việt Nam như thế nào?
Theo cụ Vũ Đình Hoè thì Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận viết “Lời nói đầu” của Hiến pháp 1946. “Lời nói đầu” thể hiện linh hồn của Hiến pháp, đó là:
- “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo;
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ,
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Hiến pháp phải đặt nền tảng cho một chế độ pháp quyền mà là pháp quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chế độ mới ra đời từ thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam sau tám mươi năm tranh đấu thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân và gạt bỏ chế độ vua quan.
Trên nền lịch sử dân tộc, một Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập và thống nhất, tiến bước trên đường vinh quang và hạnh phúc, hoà nhịp bước cùng trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại đã được xác lập.
Về mặt Chính thể, Hiến pháp xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Chính thể không chỉ là chế độ chính trị tiến bộ mà còn là sự thống nhất về lãnh thổ Trung Nam Bắc không thể phân chia.
Lần đầu tiên Hiến pháp đã xác lập một hệ thống những nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân, là những nguyên tắc hiến định (Chương II, có ba mục A, B, C). Nghĩa vụ gồm có “bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật, nghĩa vụ phải đi lính”. Quyền lợi (từ Điều 6 đến Điều 16): “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6). “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7). “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8). “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều 12). Các Điều 13, 14, 15, 16 bàn đến quyền của giới trí thức và lao động chân tay; về sơ học cưỡng bách, trường tư được mở tự do…Cũng liên quan tớí quyền lợi, nhưng thuộc lĩnh vực bầu cử, bãi miễn và phúc quyết, được đề cập từ Điều 17 đến Điều 21. Trong Mục này, đáng chú ý: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra” (Điều 20). “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều21).
Về tổ chức bộ máy, với trục tư duy xuyên suốt coi Hiến pháp là công cụ màu nhiệm để xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giữ nước, xây dựng đất nước vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân, Hiến pháp 1946 xác định cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước để tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành xã hội. Hiến pháp xác định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Điều 22). “Nghị viện đặt ra các pháp luật (tức là quyền lập pháp), biểu quyết ngân sách, những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, khi Nghị viện không họp, Ban Thường vụ có quyền biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ”…
Chính phủ trong tổ chức bộ máy, Hiến pháp 1946 khẳng định: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Điều 43). “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có phó Thủ tướng” (Điều 44).
Về bộ máy hành chính địa phương, Hiến pháp 1946 xác định có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính. Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên.
Về cơ quan tư pháp, Hiến pháp 1946 xác định có Toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm.
Tóm lại, Hiến pháp 1946 đã xác định chính thể, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nó không chỉ phù hợp và đúng đắn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mà còn có giá trị bền vững và ý nghĩa sâu xa tận hôm nay. Tinh thần và lõi cốt của Hiến pháp 1946 phản ánh nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân (mà Nghị viện nhân dân có quyền cao nhất - không phải duy nhất và tất cả); dân là chủ và dân làm chủ. Dân có quyền bãi miễn những đại biểu mình bầu ra. Ngược lại đại biểu do dân bầu ra - kể cả Chủ tịch nước - thì phải xác định  là do dân uỷ thác thì phải gắng sức làm. Bao giờ đồng bào cho lui thì phải vui lòng. Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử. Tiếp cận theo quan điểm của cụ Vũ Đình Hoè thì lý do cơ bản để Ban soạn thảo Điều lệ Tổng tuyển cử thảo ra được những điều khoản chặt chẽ, sắc bén là nhờ tư tưởng chủ đạo “Nhà nước toàn dân, Quốc hội toàn dân, Chính phủ toàn dân và cả Đảng cũng là Đảng toàn dân”.
3. Từ khi hoà bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một hình thế mới. Trong giai đoạn mới của cách mạng, năm 1959 Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. “Hiến pháp mới ghi rõ những thắng lợi cách mạng to lớn đã giành được trong thời gian qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới” (Lời nói đầu). Như vậy, cả Hiến pháp 1946 và 1959 đều nói đến cả hiện tại và tương lai (gần và xa). So với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 có nhiều điểm khẳng định lại Hiến pháp 1946, nhưng lại có giá trị lâu dài cho đến hôm nay. Chẳng hạn, khẳng định Hiến pháp thật sự dân chủ, là sức mạnh động viên nhân dân cả nước phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới. Hiến pháp không chỉ quy định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, mà còn quy địnhtrách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Nhà nước, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp mới nhằm mục tiêu cao cả là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Hiến pháp 1959 cũng nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, một khối Bắc Nam thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau không thể chia cắt, như tinh thần yêu nước, đoàn kết, chí khí đấu tranh và nhiệt tình lao động… Mục tiêu lâu dài mà Hiến pháp xác định là “xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hoà bình ở Đông Nam châu Á và thế giới”. Tất cả những điều đó được quy định trong chế độ kinh tế, chính trị và xã hội của nước ta, quan hệ bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc trong nước.
Điểm khác cơ bản xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ mới, đó là miền Bắc đang trong giai đoạn tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh để hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Những điểm khác này không chỉ phù hợp với tình hình lúc bấy giờ đang tập trung cải tạo nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn định hướng giá trị trong tình hình hiện nay.
4. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về nền lập hiến Việt Nam được phản ánh trong Hiến pháp 1946 và 1959, cũng như trong toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người nói riêng, vấn đề chúng ta cần quan tâm là giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới hiện nay như thế nào? Chỉ có trên cơ sở nhận thức đầy đủ, vận dụng sáng tạo, biết phát triển tư tưởng và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, gắn với thực tiễn (Việt Nam và thế giới) hiện nay, thì mới bảo vệ được tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc tới thắng lợi.
Về giá trị lý luận, nghiên cứu Hiến pháp 1992 thấy có một số nội dung trở lại với tinh thần của Hiến pháp 1946 và 1959, chứng tỏ giá trị bền vững của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Trước hết, đó là giá trị nhân văn, nói như cụ Vũ Đình Hoè, là pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Hiến pháp và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả vì con người. Thứ hai là giá trị khoa học. Cơ sở của Hiến pháp 1946 và 1959 là chắt lọc quan điểm lập hiến của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Thứ ba là tính chiến đấu (giá trị cách mạng). Hiến pháp và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xoá cái ác và trau dồi cái thiện, chống lại tất cả những hành vi của con người đi ngược lại lợi ích của dân tộc và nhân loại tiến bộ.
Về giá trị thực tiễn và định hướng phát huy giá trị thực tiễn trong tình hình hiện nay cần chú trọng xây dựng con người, tăng cường giáo dục văn hoá làm người, trong đó chú trọng giáo dục chữ tâm, theo lời dạy của Bác Hồ: “cách mạng tiên cách tâm”. Chú trọng giáo dục tính liêm, sỉ và tinh thần trách nhiệm của người có chức có quyền và gắn chặt với điều đó là văn hoá từ chức. Đọc kỹ Hiến pháp 1946 và 1959 và nghiên cứu quá trình Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện hiến pháp và pháp luật thấy cần thiết phải kết hợp chặt chẽ “đức trị” với “pháp trị”. Thực tiễn cho thấy chống tham nhũng không thể chỉ bằng giáo dục đạo đức, tư tưởng và nêu gương, mà phải bằng tính khoa học, tính nghiêm minh của pháp luật và bộ máy. Mọi tù mù đều dẫn tới tiêu cực. Bài học y án tử hình Trần Dụ Châu được nhân dân đồng tình, không chỉ cho thấy sự nghiêm minh của phép nước, mà còn thể hiện sự bình đẳng của công dân trước pháp luật. Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy phát huy thật sự dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thật sự trong dân chủ, trong tu dưỡng đạo đức, xây dựng nhà nước… như là một thuộc tính cơ bản của chế độ ta theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, nó xa lạ với thói giả dối, hình thức.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và phẩm chất đạo đức của Đảng, của cán bộ đảng viên và mỗi công dân là những nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình vận hành bộ máy của nhà nước pháp quyền, trong đó hệ thống chính trị (bao gồm cả cán bộ công chức) được coi là tấm gương của xã hội. Gương sáng thì dân soi, gương mờ thì dân quay lưng.
Tóm lại, tuy nghiên cứu hiến pháp và pháp luật, nhưng vấn đề cần nhận thức không chỉ bó hẹp trong đó, mà nó liên quan tới cả lĩnh vực văn hoá chính trị[4] , văn hoá lãnh đạo - quản lý[5] trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong văn hoá chính trị Hồ Chí Minh.




[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 127.
[2]. Dẫn trên, tr.150.
[3]. Báo Nhân dân cuối tuần, ngày 8-1-2006.
[4]. Xem: Bùi Đình Phong: “Văn hoá chính trị Hồ Chí Minh” trong Tạp chí Khoa học chính trị, số 5-2006.
[5]. Xem: Bùi Đình Phong: “Văn hoá lãnh đạo,quản lý trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong Tạp chí công tác tư tưởng lý luận của Ban tư tưởng- Văn hoá trung ương, số 8-2006.


Giá trị và giá trị học trong chuyển đổi quan niệm giá trị hiện nay

GS. Song Thành
VanVN.Net - Sự chuyển đổi kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mở cửa, hợp tác, giao lưu, hội nhập với nước ngoài từ sau đổi mới (1986) đến nay, không tránh khỏi kéo theo sự chuyển đổi của nhiều quan niệm giá trị về văn hóa, đạo đức, lối sống… trong xã hội, có lúc dẫn đến hiện tượng rối loạn về giá trị, thậm chí đã xuất hiện những hiện tượng phản giá trị, gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.
Để điều chỉnh nó, không thể chỉ thuần túy bằng các biện pháp quản lý hành chính, mà phải bằng giáo dục, nâng cao nhận thức, nghĩa là cần trang bị cho thế hệ trẻ hiện nay một giá trị quan khoa học, tiến bộ, hiện đại, nhân văn; phải đưa ra được một bảng giá trị mới, kết hợp trong đó cả xu thế đổi mới, phát triển của thời đại với tinh hoa truyền thống của dân tộc. Đây không phải chỉ là trách nhiệm của những người lãnh đạo, quản lý văn hóa, mà là trách nhiệm chung của nhà trường và xã hội, của các nhà nghiên cứu lý luận - sáng tác - phê bình, tổ chức và biểu diễn văn hóa - nghệ thuật, nói chung là những người có trách nhiệm trang bị giá trị quan đúng đắn, thông qua những món ăn tinh thần lành mạnh mà họ cung cấp cho xã hội, trước hết là cho lớp trẻ.
Giá trị quan - một bộ phận quan trọng của thế giới quan - xét đến cùng, là nhân tố quyết định tư duy và hành xử của con người. ở những thời kỳ xã hội diễn ra sự chuyển đổi có tính bước ngoặt như: từ chiến tranh sang hòa bình, từ nông thôn vào thành thị, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, từ một xã hội khép kín sang mở cửa,… đều là những bước chuyển rất lớn, tác động rất mạnh đến ý thức và hành vi của con người, dẫn đến những thay đổi nhất định về quan niệm giá trị. Trước đây, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, Người thường chủ động đón trước tình hình, kịp thời mở các lớp học tập, trang bị nhận thức, nêu ra những yêu cầu, chuẩn mực cần rèn luyện để mỗi người có thể vững vàng vượt qua những thử thách, tác động của hoàn cảnh mới.
Từ sau 1975 tới nay, nhiều biến cố lịch sử diễn ra quá nhanh, có sự kiện xảy ra quá bất ngờ, ngoài khả năng dự báo của chúng ta, khiến chúng ta không kịp chuẩn bị, chủ động đối phó. Thông thường, trong mỗi phong trào, mỗi cuộc vận động cách mạng , tư tưởng - văn hóa phải đi trước dọn đường, nhưng hiện nay dường như ta vẫn đang phải chạy theo sau. Công tác nghiên cứu - giảng dạy lý luận nói chung vẫn chưa khắc phục được nhược điểm mà nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra là còn lạc hậu, không theo kịp yêu cầu của thực tiễn, đôi lúc rơi vào khuynh hướng kinh viện, chưa thực sự quan tâm nghiên cứu, giải đáp những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong cuộc sống hàng ngày, nên khi xã hội xảy ra những hiện tượng tiêu cực, không quản lý được thì ta cấm! Cấm hay phạt không thể là giải pháp lâu dài, hiệu quả trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa - đạo đức - lối sống. Sự rối loạn về quan điểm giá trị trong một bộ phận xã hội hiện nay, rõ nhất là trong một số người trẻ thuộc giới showbiz, chỉ có thể được khắc phục bằng nhận thức, giáo dục và nêu gương. Nói cách khác, lẽ ra giá trị học từ sớm cần được đưa vào nghiên cứu, giảng dạy trong hệ thống giáo dục của chúng ta, bởi con người vốn hành động theo những định hướng giá trị mà họ theo đuổi, tư duy và hành xử của họ phụ thuộc rất nhiều vào cách họ hiểu cái gì là giá trị đích thực cần hướng theo, cái gì là phản giá trị cần phê phán, bác bỏ. Thiếu đi một sự hướng dẫn, họ không tránh khỏi bị lệch chuẩn.
Về giá trị và giá trị học
Khái niệm giá trị (value) đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử. Đầu tiên, nó được dùng trong kinh tế học để chỉ công năng, thuộc tính của vật phẩm đem ra trao đổi. Sau đó, nó đi dần vào các lĩnh vực hoạt động xã hội, trở thành một khái niệm phổ biến. Người ta thường chia giá trị ra làm ba loại hình lớn: giá trị vật chất (hay giá trị tự nhiên, như phong cảnh, tài nguyên, môi trường…), giá trị tinh thần (hay giá trị nhân văn, như văn hóa, đạo đức, tôn giáo…) và giá trị con người; trong đó giá trị con người - kẻ sáng tạo ra mọi giá trị - là quý giá nhất, vì con người chứa đựng giá trị nhân sinh (sinh mệnh) và giá trị sáng tạo (tất cả đều do con người làm ra, mọi giá trị vật chất và tinh thần đều chỉ là đối tượng hưởng thụ của con người).
Giá trị học (Axiologie) là một chuyên ngành của triết học chuyên nghiên cứu về bản chất của giá trị; về ý nghĩa, mục đích, giá trị cuộc sống con người; về các lĩnh vực giá trị khác nhau (giá trị văn hóa, khoa học, đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, chính trị, pháp luật,… và mối tương tác giữa chúng). Người đề xướng ra giá trị học là nhà logic học người Đức Lôtze, thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, ở phương Tây xuất hiện nhiều trường phái giá trị học, nói chung đều có khuynh hướng duy tâm, mỗi trường phái gắn liền với một học thuyết triết học, như chủ nghĩa Kant mới, hiện tượng học Husserl, chủ nghĩa Thomas mới,…
Chúng ta nghiên cứu giá trị học theo quan điểm của Marx, coi giá trị là kết quả của sự tác động tương hỗ giữa chủ thể và khách thể; là con đẻ của thực tiễn, hướng tới con người và phục vụ con người; coi quan niệm giá trị là hạt nhân của văn hóa, là bộ phận quan trọng của thế giới quan, là động lực cơ bản chỉ đạo hành vi của con người.
Chuyển đổi quan niệm giá trị là một vấn đề có tính quy luật
Hệ giá trị của một xã hội cũng như của mỗi con người luôn mang tính lịch sử. Là một hình thái của ý thức xã hội, mỗi hệ giá trị gắn liền với cơ sở kinh tế - chính trị - xã hội đẻ ra nó. Khi đời sống xã hội thay đổi, hệ giá trị đó không thể đứng yên. Quá trình chuyển đổi quan niệm giá trị này thường diễn ra theo hai hướng: chuyển đổi tiệm tiến và chuyển đổi đột biến.
Sự chuyển đổi đột biến thường diễn ra sau những biến động xã hội lớn, sau những cuộc cách mạng thay đổi chế độ xã hội, từ cũ sang mới, từ phong kiến sang tư bản, từ tư bản sang chế độ xã hội chủ nghĩa,… Trong điều kiện đó, các quan niệm giá trị không có sự cạnh tranh bình đẳng, mà dưới áp lực của ý thức hệ và thể chế chính trị, một số quan niệm cũ bị phê phán, đẩy lui,  nhiều quan niệm mới được hình thành và tiến lên địa vị chủ đạo.
Nói chuyển đổi giá trị quan không có nghĩa là xóa bỏ sạch trơn, một số giá trị cũ sẽ không còn vị trí như trước, nhưng nhiều giá trị khác vẫn được bảo lưu, bởi trong mỗi hệ giá trị, bên cạnh những nhân tố chịu sự chi phối của ý thức hệ giai cấp vẫn có những nhân tố mang giá trị dân tộc và giá trị nhân loại, nên vẫn nằm trong bảng giá trị mới, có khác chăng là thứ bậc quan trọng có thể được sắp xếp lại. Ví như, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc thời nào cũng vẫn là nhân tố đứng đầu bảng giá trị truyền thống Việt Nam, nhưng chủ nghĩa tập thể, mình vì mọi người, tinh thần quốc tế vô sản,… nay đã không còn được nhấn mạnh nhiều như trước.
Sự chuyển đổi giá trị quan ở nước ta từ sau cách mạng tháng Tám, nhất là từ sau 1954 khi miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đã diễn ra theo con đường đột biến. Nhưng từ khi đổi mới (1986), ta chấp nhận kinh tế thị trường, nhất là từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, nước ta  mở cửa, hợp tác làm ăn, giao lưu, hội nhập với tư bản nước ngoài, thì hệ thống quan niệm giá trị truyền thống cũng bắt đầu có biến động, một số  trở nên mờ nhạt rồi mất thiêng; trong khi một vài quan niệm giá trị cũ từng một thời bị phê phán lại có cơ trỗi dậy và từng bước lên ngôi. Hiện nay ở ta, một quá trình chuyển đổi tiệm tiến đang diễn ra. Đó cũng là hiện tượng bình thường, mang tính quy luật. Bởi hệ giá trị nào cũng được nảy sinh và củng cố trên một nền tảng chính trị - kinh tế - xã hội nhất định. Nếu cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của nó đang mất dần đi, trong khi các quan niệm mới được du nhập ào ạt từ nước ngoài vào lại có phần tương thích với đời sống kinh tế - xã hội đang diễn ra, thì vai trò và ảnh hưởng của những quan niệm đó có khả năng sẽ dần dần được thừa nhận và phát triển.
Trong quá trình chuyển đổi tiệm tiến hiện nay, một số quan niệm mới đã xuất hiện và dần được khẳng định, nhưng mặt trái của nó cũng đồng thời phát sinh:
- Cá nhân trở thành chủ thể của giá trị, mỗi con người từ nay trở nên năng động, sáng tạo hơn, biết tự phấn đấu vươn lên bằng bàn tay và khối óc của mình, nhờ đó đạt được hiệu quả cao hơn trong công việc. Song mặt trái của nó là sự quay lại với chủ nghĩa cá nhân cực đoan, vị kỷ, lấy cái “tôi” làm trung tâm, coi nhẹ tập thể, bỏ rơi đồng đội.
- Lấy hiệu quả thực tế làm mục tiêu của giá trị, tích cực truy tìm hiệu quả, coi hiệu quả và sự thành đạt là thước đo chính xác nhất về giá trị của mỗi hành động cũng như mỗi con người; nó vô cảm với mọi thói lãng mạn, viển vông, không thực tế,…Nói cách khác, quan niệm này đã từ bỏ vương quốc lý tưởng để chuyển sang vương quốc thực dụng, quá chú trọng vào mục tiêu vật chất.
- Đa dạng hóa sự lựa chọn giá trị, con người tìm ra nhiều hướng tiếp cận giá trị trong cuộc sống. Đây là một quan niệm tiến bộ, tích cực, mở ra chân trời rộng lớn cho mọi người tìm kiếm và khẳng định giá trị bản thân. Tuy nhiên, hiện nay, cơ chế xã hội, hệ thống pháp luật, chế độ phân phối, chưa tạo điều kiện để quan niệm này trở thành hiện thực phổ biến.
- Tương đối hóa tiêu chuẩn giá trị: chuyển sang kinh tế thị trường, đời sống kinh tế - xã hội nay đã trở nên đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều so với thời bao cấp; do đó cái nhìn về nhân cách, về giá trị con người cũng trở nên cởi mở, dân chủ, bình đẳng hơn, ai có năng lực gì đều có thể tìm được chỗ đứng thích hợp cho mình. Nhưng cùng với xu hướng phi chính trị hóa đó thì những vấn đề về lý tưởng, đạo đức, niềm tin,… cũng mất dần đi tác dụng điều chỉnh của chúng. Quan chức tham nhũng nay đã không còn cảm giác xấu hổ, kẻ giết người tàn bạo vẫn nhâng nháo trước pháp đình...
 ở thời điểm “quá độ” này, khi một số giá trị truyền thống đang mất dần đi vị trí thượng tôn, trong khi hệ thống quan niệm mới về giá trị chưa hình thành đồng bộ, đã là nguyên nhân gây nên hiện tượng mất thăng bằng, rối loạn về giá trị  như báo chí đã từng nêu lên và cảnh báo. Chính vì vậy, lúc này rất cần đến vai trò điều chỉnh của giá trị học.
Vai trò định hướng của giá trị học
Giá trị học là triết học về giá trị, có vai trò rất quan trọng trong chỉ đạo tư duy và hành động của con người, nhất là ở bối cảnh quan niệm giá trị đang diễn ra có phần hỗn loạn, thiếu đi một sự định hướng, con người có thể rơi vào ngộ nhận, mắc phải những hành động sai lầm, đáng tiếc.
Có một số người hiện vẫn chân thành lưu luyến mối quan hệ thân tình, ấm áp, chia sẻ, đùm bọc giữa người với người ở thời kỳ trước đây, và tỏ ra hoài nghi, thất vọng trước những quan niệm giá trị xa lạ với truyền thống dân tộc, đang lôi cuốn một lớp người chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất, hưởng lạc, chạy theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, dẫn đến lệch lạc về nhân cách. Họ thật tâm lo lắng rằng: liệu sự sụp đổ của hệ giá trị truyền thống - chứ không phải là sự sụp đổ về kinh tế - có thể là một nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của chế độ xã hội hay không? Trong khi đó một số khác thì rơi vào bế tắc, tuy thừa nhận một số giá trị cũ không còn phù hợp với hiện nay, nhưng cũng không tin vào những gì gọi là “giá trị mới” đang lây lan, do mất phương hướng, họ trở nên bi quan, chán nản, thất vọng, mất niềm tin vào lý tưởng, thờ ơ với chính trị, cảm thấy mọi cái hầu như đã trở nên vô nghĩa!
Lại có một số người, lại vẫn chạy theo những giá trị ảo, chạy theo hư danh, hư vinh. Bệnh háo danh vốn là di căn của thói trọng danh hơn trọng thực của xã hội nông nghiệp - nho giáo thời xưa. Đây là điều rất khác với tập quán phương Tây...
Liên quan đến các quan niệm về giá trị, ý thức về giá trị bản thân cũng cần được nhận thức đúng đắn, nếu huênh hoang vô lối sẽ trở thành kệch cỡm, nhưng tỏ ra quá khúm núm thì lại đánh mất giá trị của chính mình. Vấn đề này cũng đang cần có sự điều chỉnh. Giá trị bản thân là những gì tỏa ra từ nhân cách bên trong (trí tuệ, tâm hồn, cách đối nhân xử thế,…) chứ không phải từ những danh hiệu được khoác thêm vào...
Trên đây chưa phải là toàn bộ hiện trạng quan niệm giá trị đang diễn ra ở ta. gợi lên một vài sự việc chỉ muốn nói rằng không nên để chậm hơn nữa, vấn đề lựa chọn giá trị và xác lập hệ quan niệm giá trị mới đã đến lúc cần được đặt lên bàn nghị sự. Cần có những cuộc hội thảo, cần khẩn trương nghiên cứu, biên soạn “giáo trình giá trị học” để đưa vào nhà trường, cần hơn là lựa chọn những giá trị mới nào để xây dựng nên bảng giá trị đáp ứng được yêu cầu ở thời kỳ hiện nay? Đây quả là một thách thức không nhỏ đối với các nhà nghiên cứu triết học, giảng dạy lý luận ở ta, bởi lâu nay bộ môn giá trị học còn ít được quan tâm nghiên cứu.
Nhiều năm trước đây, GS Trần Văn Giàu trong công trình “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” (1980) đã từng đưa ra một bảng giá trị rất khái quát, gồm 7 điểm: Yêu nước, Cần cù, Anh hùng, Sáng tạo, Lạc quan, Thương người, Vì nghĩa. Ông coi đó là những giá trị truyền thống chứ không phải đương đại, tuy đã được bổ sung thêm bằng tấm gương Hồ Chí Minh - biểu tượng của các giá trị dân tộc và nhân loại. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng từng đưa ra quan niệm của mình. Hội nghị TƯ 5 khóa VIII (7-1998) ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, trong phần về xây dựng con người, cũng sơ bộ đưa ra một số giá trị, xuất phát từ hoàn cảnh lúc bấy giờ, như yêu nước, tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết cộng đồng; nhân ái, bao dung; có đầu óc thực tế; cần cù, sáng tạo; giản dị trong lối sống.
 Nay bối cảnh thế giới cũng như trong nước đã thay đổi rất nhiều, cần có một bảng giá trị mới kết hợp trong đó cả tinh hoa truyền thống dân tộc lẫn xu thế của thời đại toàn cầu hóa, để có thể hội nhập thành công mà không đánh mất giá trị, bản sắc của mình. Đây là một việc lâu dài và khó khăn, không dễ gì đạt ngay được sự nhất trí. Trước mắt, vai trò định hướng của giá trị học là cần trang bị cho giới trẻ một giá trị quan khoa học đúng đắn, giúp họ phân biệt được cái chân với cái giả, cái ảo với cái thực, cái giá trị với cái phản giá trị, cái được phép với cái không nên làm,…giúp họ có thể lựa chọn và theo đuổi những giá trị chân chính, để có thể sống đẹp, sống lương thiện trong một xã hội nhân ái, khoan dung, hòa hợp, biết tôn trọng sự đa dạng của các giá trị.
Lạm bàn về giá trị và sự chuyển đổi giá trị hiện nay có thể là một sự liều lĩnh, bởi đây là một vấn đề vừa mới, vừa phức tạp, hiểu biết của người viết còn hạn chế, nên không tránh khỏi có sai sót, mong được các bậc thức giả trao đổi và chỉ giáo thêm.



Giá trị nhân văn cao quí trong sự nghiệp văn hoá Hồ Chí Minh

GS. Song Thành
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới công nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất bằng cả một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Nguời đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường, mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả.
“Đổi người nô lệ thành người tự do", phát động lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của một dân tộc phần đông còn mù chữ và thất học vùng dậy đấu tranh giành độc lập, đó là một sự nghiệp gian nan và phi thường, đồng thời cũng là một sự nghiệp văn hóa vĩ đại. Bởi vì, giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt, là một sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa cao cả nhất, đầy đủ nhất, một ước mơ ngàn đời của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước.
Giành được độc lập rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng dân tộc mình lên một tầm văn hóa mới. Người đề nghị mở ngay chiến dịch chống giặc dốt. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem thói quen và những truyền thống lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. Người nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"... "Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta... phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”1
Người phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân; mỗi ngành, mỗi giới đều có phong trào riêng của mình. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới... chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Người đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam định hướng cho sự ra đời một nền đạo đức mới, một xã hội nhân cách mới. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã hội nhân cách - đạo đức ấy được tạo dựng trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, theo nhân cách luận của người chiến sĩ cách mạng kiểu mới: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... Sau khi đã lãnh đạo toàn dân giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Người đã đưa văn hóa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trong nền văn hóa thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn.
Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, Đông và Tây. Từ nhỏ, Người đã được hấp thụ một nền văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông sâu sắc. Trên đường học tập và nghiên cứu, Người đã từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa cách mạng Pháp. Chính trí tuệ siêu việt, vốn sống thực tế phong phú và vốn văn hóa rộng lớn đã dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, kết tinh thành tựu văn hóa của loài người. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch...; khi xuất hiện như một nhà báo phương Tây sành sỏi, khi lại trầm tĩnh, hàm súc như một thi sĩ cổ điển phương Đông. Trải qua mấy chục năm học tập và rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước vươn lên tầm cao của trí tuệ thời đại, để từ đó vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn Việt Nam - Hồ Chí Minh.
Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Thơ Hồ Chí Minh có bài viết bằng tiếng Việt, có bài viết bằng chữ Hán, song không bài thơ nào vắng bóng con người. Khát vọng tự do, công lý, cơm áo, hòa bình... sự cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đó là những nội dung chủ yếu trong thơ Hồ Chí Minh. Vì vậy, những bài thơ ngẫu hứng, sản phẩm của một thời, trong đó không ít bài đã ra đời trong cảnh tù đày, biệt xứ, đã trở thành "thơ của muôn đời”, đã làm "xáo trộn cả tâm hồn nhân loại" bởi những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.
Là một nhà thơ lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người đã tìm tòi và viết nhiều thể loại; tiểu thuyết du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, thư từ, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận. Ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu đặc sắc, đem lại những yếu tố rất mới, rất hiện đại và giữ nguyên giá trị trong sự đổi mới văn học hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người rất khiêm tốn, không nhận mình là nhà thơ, nhà văn, chỉ nhận mình là "người có nhiều duyên nợ với báo chí". Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Tất cả những gì Người viết ra đều là sự phản ánh trung thực, hồn nhiên vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc, vì vậy, tất cả đều hiện ra chân thực, giản dị, tự nhiên, vốn là những chuẩn mực tiêu biểu cho cái đẹp - cái hoàn thiện của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất bởi Người còn là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa. Người nhắc nhở phải giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận, mà kêu gọi phải ra sức nghiên cứu, học tập tinh hoa văn hóa của thế giới, xưa và nay. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Người từng thừa nhận mình là học trò của Các Mác, Giê-su, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, vì "các vị ấy đều có điểm chung giống nhau là mưu cầu hạnh phúc cho loài người... Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin họ sẽ chung sống thoải mái với nhau như những người bạn tốt". Đối với các tôn giáo, Người thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định ý tưởng cao đẹp và những giá trị nhân bản của các vị sáng lập ra các tôn giáo đó, không hề bài bác hay phủ định, mà biết khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì Người còn là hiện thân rực rỡ của văn hóa hòa bình, của đường lối ngoại giao hòa bình, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau.
Tóm lại, có thể khẳng định Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa thế giới. Nhiều chủ trương văn hóa được Người đề ra rất sớm - từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ 20, như: xóa mù chữ, trồng cây phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, yêu mến và kính trọng người già, v.v.. đến đầu những năm 90 đã được Liên hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng bao giá trị, giá trị đó, nói cho cùng, là giá trị văn hoá mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu"2
Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh vô cùng phong phú: có văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp-ứng xử, văn hóa khoan dung, văn hóa-văn nghệ… Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hóa phương Đông, văn hóa các tôn giáo, văn hóa dân chủ - cách mạng phương Tây, văn hóa mác-xít,... để trở thành văn hóa tiên tiến, mang những giá trị nhân văn sâu sắc, vốn là nội dung cốt lõi của văn hóa nhân loại.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là văn hóa yêu nước, thương dân, hướng tất cả vào phục vụ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; là văn hóa trọng dân “lấy dân làm gốc". Với tâm niệm "có dân là có tất cả", nên Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải lo "sao cho được lòng dân", phải phấn đấu trở thành người công bộc trung thành và tận tụy của nhân dân. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh vượt lên trên mọi sáo ngữ, giáo điều (nói nhiều làm ít, nói hay làm dở), đó là sự chung đúc những giá trị của các học thuyết trị nước tiến bộ mà các bậc anh hùng dân tộc, các minh quân, lương tướng đã theo đuổi trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Chính vì thế nó chứa đựng những giá trị nhân văn cao quý.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là văn hóa hành thiện, cổ vũ làm điều thiện, sống với nhau có tình, có nghĩa, muốn thế phải thực hiện cho tốt 8 chữ vàng : cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư biết kết hợp hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng, sống trung thực, giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm, ít lòng ham muốn về vật chất... nhờ đó mà có thể "sống oanh liệt, chết vẻ vang".
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Như một người từng đối đầu với Hồ Chí Minh - tướng Vanluy thừa nhận: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư, dưới con mắt những người chung quanh và những người đối thoại, Hồ Chí Minh là một người vô cùng đức độ”3. Thắng lợi của cách mạng, vinh quang của quyền lực, hay danh vọng của cá nhân không thể nào làm lu mờ tấm gương đạo đức của Người. Vì vậy, trong thế giới của những người cầm quyền, hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật hơn bao giờ hết.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, nói rộng ra là phương châm xử thế, Hồ Chí Minh luôn luôn là người trung hậu, thủy chung với nhân dân, với đồng chí, đồng bào và với bạn bè quốc tế: Người thấy rừng và thấy cả từng cây, không bỏ sót một ai cả, không quên bất cứ một nghĩa cử nào, dù nhỏ, đã từng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam; nhưng Hồ Chí Minh lại không bao giờ nhắc đến người cũ, chuyện cũ đã từng có lúc đối xử không đúng với Người; nếu có ai nhắc đến Người cũng gạt đi. Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh cực kỳ tinh tế, uyển chuyển, có lý có tình, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp.
Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh đã tranh thủ được trái tim, khối óc của bạn bè năm châu, làm cho kẻ thù cũng phải khâm phục.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống nhân ái, độ lượng Việt Nam và cũng là nét đặc trưng của văn hóa hòa bình trong thời đại ngày nay. Người nói: "Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái". Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những giá trị khoan dung của dân tộc và nhân loại, nâng lên thành một chất lượng mới, ở một tầm cao mới.
Là người cộng sản, Hồ Chí Minh có thái độ tôn trọng, không bao giờ tỏ ra kỳ thị, bài bác mà luôn luôn có ý thức khai thác, vận dụng những yếu tố tích cực của các học thuyết chính trị và tôn giáo như Nho, Phật, Lão, Thiện chúa giáo... vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở chữ "nhân" nhưng là một chữ nhân sáng suốt, có nguyên tắc, lấy công lý, chính nghĩa là nền tảng, chủ trương giải quyết những vấn đề dân tộc và quốc tế trên cơ sở "có lý, có tình".
Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là thái độ trân trọng đối với mọi giá trị văn hóa nhân loại, là không ngừng rộng mở, thâu hóa những yếu tố tích cực, tiến bộ và nhân văn của loài người để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là chấp nhận giao lưu và đối thoại bình đẳng về giá trị để đạt tới cái chung, cái nhân loại, để cùng tồn tại và phát triển. Trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, Người vấn đề cao văn hóa Pháp. Trong khi chống đế quốc Mỹ, Người vẫn ca ngợi truyền thống văn hóa dân chủ và cách mạng Mỹ.
Nói về văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh, nhà báo Mỹ Đ.Han-bơ-xtam đã thừa nhận: "Cụ Hồ đã làm được một điều đáng chú ý: biết dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ thù để chiến thắng"4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa cao đẹp và phong phú, trong đó không thể nhắctới những tư tưởng chỉ đạo của Người về xây dựng một nền văn hóa mới: dân tộc, khoa học và nhân văn, một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở", "làm cho ai cũng có lý tưởng, độc lập, tự chủ”, “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ", "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”5... Những phương châm đó vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo đối với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, cho hôm nay và cả mai sau.
Khẳng định những giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp văn hóa và con người Hồ Chí Minh, nhà báo G.La-cu-tuya - người được coi là một nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh hay nhất ở phương Tây, đã viết : “Đó là một tấm trí minh mẫn, ít ham thích bạo lực, một thái độ rất độc đáo về quan hệ giữa người với người, một trình độ văn hóa tự học khá rộng nhưng rất thông hiểu, một tinh thần hài hước, trong đó bám rễ vào các tập quán châu Á luôn luôn kết hợp với những ảnh hưởng phương Tây, một tinh thần thanh bạch, một sự khắc khổ tự nhiên được ý chí làm cho vững chắc thêm lên, một nghị lực có một không hai. Vâng, tất cả những nét đó trở thành bí quyết của Cụ Hồ trước những thử thách của đời sống xã hội"6.
Đúng như G.La-cu-tuya đã dự báo, tư tưởng và sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đã vượt qua những thử thách khắc nghiệp của lịch sử và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, đặc biệt là ở vào thời điểm hiện nay, trong một thế giới đang biến động và đầy lo âu: khi mà sự sa sút về đạo đức, sự phản trắc, lừa đảo, hãm hại lẫn nhau... đang có nguy cơ tăng lên; khi mà hình ảnh của một số lãnh tụ cầm quyền ở nơi này, nơi khác đang bị phê phán và hạ bệ, thì hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật lên trước con mắt của nhân loại hơn bao giờ hết.
Một nhà báo Vê-nê-xu-ê-la đã viết rất thuyết phục: "Bộ máy tuyên truyền của đế quốc và các thế lực phản động đã rất nổi tiếng trong nghệ thuật vu khống xấu xa, hòng làm mất uy tín những địch thủ của họ. Họ đã chi tiêu rất nhiều tiền hòng bôi nhọ trước dư luận quốc tế đối với những ai, bằng cách này hay cách khác chống lại sự thống trị của họ... Tất cả những lãnh tụ cộng sản nổi tiếng trên thế giới đều được các hãng thông tấn của họ dán cho những "nhãn hiệu" như là những kẻ cướp hoặc khủng bố đáng tội treo cổ! Duy chỉ có Bác Hồ, do tấm gương cuộc đời và đạo đức của Người, đã làm cho những kẻ chuyên nghề vu cáo phải kính nể"7.
-------------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tâp4, tr8.
2. Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H.1994, tr 126.
3. Valluy: Tình bạn thủy chung, Planète Action, tháng 3/1970, H. 1994, tr.38.
4. Xem Davud Halberstam: Ho, Random, Neu York, 1970
5. Hồ Chí Minh : về công tác văn hóa, văn hgệ, Nxb Sự thật, H.1970, tr. 70-71.
6. G. La-cu-tuya: Ho Chi Minh, Ed. Seuuil, Paris, 1967
7. Hê-rô-mi-ô: Ho Chi Minh- nhân vật kiệt xuất của toàn nhân loại, báo Diễn đàn nhân dân của Vê-nê-xu-ê-la, số 775, ra ngày 19/5/1990.