Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

Lê Giản - Trong sách Nợ tang bồng (Đại Định)

Bài viết về cụ lão thành cách mạng Lê Giản rút ra từ sách "Nợ tang bồng"

Đại Định

3. Lê Giản (1911 - 2003).

Còn có khi gọi là (Tô Gĩ, Tô Dĩ), người Hưng Yên, từng là người đứng đầu đầu tiên ngành Công an của chính quyền mới (Giám đốc Nha Công an Bắc bộ - Bộ trưởng Công an), Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Cuối đời, do trải nghiệm ông nhận thấy những điều ông từng tin tưởng mà dấn thân là sai lầm. Ông viết một loạt bài để thể hiện lập trường quan điểm mới của mình. Tuy bị đoàn thể tổ chức phê phán nhưng không quá bạo liệt, không khai trừ ông ra khỏi đảng, đối xử với ông có phần nhẹ nhàng hơn so với vài người phản tỉnh khác như với ông Trần Xuân Bách, Trần Độ chẳng hạn.
Cuối năm 2000, ông Lê Giản gửi cho BCT 4 lá thư liên tiếp. Khi đó trong các cuộc giao ban thông tin cho là do một số người bất mãn như Lê Đạt (một yếu nhân của Nhân Văn - Giai Phẩm) lợi dụng uy tín của ông, mượn danh ông để tán phát quan điểm của mình.
Tôi có quen biết con trai cụ Lê Giản là anh Tô Linh, Vụ trưởng vụ Khoa giáo phủ Thủ tướng. Tôi cũng nhiều lần trực tiếp được tiếp cận cụ, gần gũi cụ Lê Giản, nhất là trong các cuộc khai hội để đóng góp ý kiến khi các siêu VIP - tập thể các vị “dua” triệu tập (trong các cuộc khai hội này những cán bộ đang lên còn mải theo các vip đương quyền, tôi thường được phân công dự để ghi chép - tôi lại thích thú vì đến lúc này các vị nguyên lão thường nói thật). Tôi đã trực tiếp nghe nhiều điều từ cụ trong các lần được cụ cho gặp. Vì lý do riêng, tôi quan tâm về chuyện ông Tạ Đình Đề từ việc học những hai lớp điệp viên của Tàu Tưởng đến của Mỹ như cụ Lê Giản, đến chuyện vụ án Tạ Đình Đề, khi đó cụ là Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng ấn tướng lại là việc cụ nhận thức lại về những điều có tính chất chủ nghĩa, chủ thuyết, đường lối đã chọn mà bấy lâu nay cụ tin và theo đuổi, bảo vệ nó.
Tuy có ghi chép trong các lần tiếp cận, nhưng ở đây tôi chỉ viết về những điều cụ trăn trở thành văn dưới hình thức là các bức thư, các đề cương chuẩn bị phát biểu của cụ. Các lần khai hội loại này tôi thường có mặt với vai trò là thư ký. Sau khi phát biểu, các cụ thường giao bài (có khi chỉ là đề cương một vài trang viết tay) cho chúng tôi. Chính hội nghị loại này - nguyên lão hội nghị, các cụ nói nhiều điều, mà là nói thật.
Tháng 9 và tháng 10 năm 2000, cụ Lê Giản liên tiếp viết 4 lá thư. Tôi nghĩ, những bức thư này đang được lưu giữ trong các Trung tâm Văn khố quốc gia.
Các lá thư ông viết ngắn, chỉ nêu những vấn đề có tính chất khẳng định, ít phân tích lý luận dài dòng. Nhiều nội dung, khi ông đến họp với tư cách là lão thành cách mạng (ngày 12 tháng 10 năm 2000 chẳng hạn) ông đã nêu lại dựa trên một bản đề cương viết tay. Chung lại tư tưởng xuyên suốt trong các bức thư là đường hướng mà cách mạng đã chọn để dẫn dắt dân tộc là sai lầm, và ông cũng đề cập đến từng vấn đề cụ thể cần phải thay đổi như thế nào để phát triển đất nước. Những ý kiến của cụ rất tâm huyết, như chắt lọc từ trái tim và khối óc của mình dâng hiến cho dân, cho nước. Từ trái tim cụ chỉ có máu, không có nước lã càng không có nước bẩn.
Một lần cụ Lê Gản trực tiếp đến hội nghị lão thành và để lại mấy dòng dưới đây (thủ bút của cụ) khi cụ nghe tin có ngườu phê phán bất nhã cụ trong một buổi nói chuyện của một tuyên truyền viên của ban tuyên huấn tên Xuân Huyền ở khu tập thể Nam Đồng.
Đề cương chuẩn bị phát biểu của cụ Lê Giản (thủ bút)
Những vấn đề cơ bản ông Lê Giản nêu trong các bức thư:
Trong bức thư thứ nhất (đề ngày 15 - 9 - 2000) góp ý vào dự thảo văn kiện cho Đại hội IX có những nội dung: “Tránh việc quay trở lại những sai lầm trước đây đã từng đưa đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện kéo dài (1978 - 1989)”; cần “phát huy dân chủ”; “báo Nhân dân và các báo khác không chỉ đăng các ý kiến đồng tình, mà cần phải đăng cả các ý kiến trái ngược với dự thảo, thậm chí cả những kiến nghị đưa ra những dự án khác với dự thảo"; “trung ương đảng và báo Nhân dân nên biểu thị sự thành thực, lưu tâm lắng nghe một cách thực sự chứ không phải là một thủ đoạn chính trị, một thái độ khôn khéo tạm thời”; “tôi nghe nói, Hội đồng toàn quốc ĐCS Pháp trong kỳ Đại hội lần thứ 29, còn dám đưa ra cho toàn đảng không phải chỉ 1 dự án mà là 4 dự án để cho các đảng bộ cơ sở thảo luận thoải mái, sâu rộng mà không sợ kẻ địch lợi dụng quấy rối”.
Trong bức thư thứ hai (đề ngày 22 - 9 - 2000) cũng góp ý với các báo cáo chuẩn bị đại hôi IX ông viết: “Tạm gác lại khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội”; “thay đổi tên nước, không gọi là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên lấy tên là Việt Nam, hoặc Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Trong bức thư thứ ba (đề ngày 30 - 9 - 2000) tiếp tục góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị, sau khi phân tích đã nêu ra một loạt kiến nghị, ngoài những nội dung quen thuộc đã được ông đề cập trong các thư trước, lần này có vài nội dung cụ thể sát sườn vào văn bản dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị trình trong Đại hội IX: “Bỏ cụm từ đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường”; “ bỏ cụm từ chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu… sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối”; “bỏ cụm từ kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”; “bỏ cụm từ tính chất của thời đại vẫn không thay đổi” …
Và ông cũng nêu một số nội dung có tính chất bổ sung: Cần bổ sung khái niệm “nhà nước pháp quyền”;
“Đổi mới ngay lập tức công tác nghiên cứu lý luận:
a/ Thay đổi các cán bộ hiện đang phụ trách công tác lý luận, tổ chức lại các cơ quan lý luận và tạp chí lý luận;
b/ Tranh thủ giới trí thức trong và ngoài đảng tham gia nghiên cứu khoa học một cách thực sự dân chủ, tránh bệnh biệt phái giáo điều quan phương;
c/ Đặt chương trình nghiên cứu khoa học một cách rõ ràng tránh áp đặt một cách duy ý chí: “chỉ cho phép nghiên cứu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, không cho phép nghiên cứu các con đường đi tới dân giầu nước mạnh”;
d/ Phải có tạp chí hoặc thông tin đăng công khai các ý kiến, quan điểm, dự án khác nhau, không nên dìm đi, giấu đi các ý kiến trái ngược với các nhà cầm quyền”.
Trong bức thư thứ 4 (đề ngày 6 - 10 - 2000) ông Lê Giản tiếp tục những quan điểm tư tưởng đã nêu ở các bức thư trước và có đi sâu phân tích. Vì vậy ở đây xin ghi lại toàn văn để có thể hiểu tư duy của vị lão thành cách mạng đã một thời “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”.
Kính gửi BCT, trong thư số 4 này, tôi kiến nghị: Đại hội IX “cần phải và chỉ nên nêu cao Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta” với các căn cứ sau đây:
1. Từ năm 1930 cho tới nay, Đảng ta đã từng bổ sung, điều chỉnh hệ tư tưởng chỉ đạo của đảng.
Nếu trong Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (10 - 1930) đã nêu “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa C.Mác và Lênin làm gốc…”.
Đến Đại hội II (1951), Điều lệ của Đảng đã đưa cả lý luận của Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
Từ Đại hội III đến Đại hội VI, Đảng lại lấy chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
Đến Đại hội VII (và sau đó đến Đại hội VIII), Đảng lại bổ sung lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.
Cách đặt vấn đề của Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Điều lệ coi như giữ nguyên như cũ, và không có một cố gắng gì đi sâu nghiên cứu, tổng kết trong khi xã hội đang chuyển biến mạnh mẽ, thực tiễn đấu tranh đang hết sức phong phú, có nhiều điểm mới so với trước kia.
Tôi nghĩ rằng, để chuẩn bị tốt cho Đại hội IX Đảng ta cần để công phu tổng kết lại lịch sử đấu tranh mấy chục năm qua để xem xét cách đặt vấn đề nền tảng tư tưởng trước đây có cần nghiên cứu điều chỉnh gì không.
2. Tôi được bạn bè cho biết cách nêu nền tảng tư tưởng của các Đảng cộng sản trên thế giới cũng rất khác nhau.
Rất nhiều Đảng đã bỏ cả chủ nghĩa Lê - Nin, chỉ còn lại chủ nghĩa Mác; có Đảng chỉ nêu chủ nghĩa xã hội khoa học mà không nêu người sáng lập.
Đảng Trung Quốc nêu cả chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông, và lý luận Đặng Tiểu Bình.
Đảng Pháp từ Đại hội 29, 30, đã thôi không dùng từ chủ nghĩa xã hội, mà chỉ bàn đến chủ nghĩa cộng sản, và trong văn kiện không nhắc gì tới chủ nghĩa Mác.
Do vậy Đảng ta cũng cần để công sức đi vào nghiên cứu kỹ vấn đề này, xuất phát từ kết quả và kinh nghiệm thực tế của phong trào cách mạng nước ta trong mấy chục năm qua.
Tôi xin phép kiểm điểm lại vai trò, tác dụng của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam, trên 2 lĩnh vực:
- Đấu tranh giành độc lập dân tộc,
- Đấu tranh để phát triển kinh tế, xã hội vì tự do, dân chủ, hạnh phúc của nhân dân.
3. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam, khi tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin, đã học được rất nhiều điều bổ ích, rất quan trọng. Có thể nêu lên một số nét chủ yếu sau đây:
a) Những người yêu nước Việt Nam đã nhìn rõ sức mạnh cách mạng to lớn ở trong nước ở trong các tầng lớp lao động đông đảo nhất, nghèo khổ nhất, nhưng lại kiên cường nhất là nông dân, công nhân, và các tầng lớp lao động khác.
b) Những người yêu nước Việt Nam đã tìm thấy nguồn sức mạnh to lớn ở ngoài nước, ở sự liên minh với phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển, ở sự liên minh với phong trào cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc.
c) Những người yêu nước Việt Nam có điều kiện nhận thức rõ bộ mặt thực, chỗ mạnh, chỗ yếu của bọn đế quốc, thực dân dưới bề ngoài văn minh và hùng hổ.
d) Những người yêu nước Việt Nam có thể hình dung một xã hội tương lai đẹp đẽ, không có người bóc lột người, trong đó mọi người có thể phát huy được các khả năng của mình, đó là một thiên đường trên trần gian này.
d) Những người yêu nước Việt Nam học được kinh nghiệm tổ chức Đảng chính trị gồm những người yêu nước giác ngộ nhất, những người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, biết hoạt động bí mật, biết tổ chức quần chúng đứng lên lật đổ ách thống trị của bọn thực dân.
Đó là những bài học quý giá, cực kỳ bổ ích cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
4. Nhưng khi đánh giá nguồn gốc, nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến mấy chục năm qua, thì cần phải thấy rõ:
a) Cái chủ yếu tạo nên sức mạnh trí tuệ, tinh thần, và sức mạnh vật chất của nhân dân ta là ở văn hóa Việt Nam, ở lòng yêu nước Việt Nam, ở tư duy Việt Nam, ở cách ứng xử đùm bọc, thương người của con người Việt Nam, tức là ở truyền thống ngàn đời của tổ tiên ta để lại, từ 1000 năm chống Bắc thuộc, trải qua những chiến thắng của Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, trải qua đấu tranh của phong trào Cần Vương, của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…
Tinh hoa ấy của Việt Nam được thể hiện ở Hồ Chí Minh và những người yêu nước của nước ta.
b) Trong khi tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài, bên cạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lê nin và phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh và những người yêu nước Việt Nam còn chú trọng học tập cả kinh nghiệm của Đại cách mạng Pháp 1789 của các nhà tư tưởng ưu tú của nước Pháp, của Tôn Trung Sơn, của cách mạng Mỹ, của Đạo Nho, của Đạo Phật, Đạo Cơ đốc giáo… với một thái độ khiêm tốn phát hiện những điều có ích cho nhân dân Việt Nam, không hề sùng bái một cách lệ thuộc bất kể một học thuyết ngoại lai nào.
c) Trong quá trình học tập chủ nghĩa Mác - Lê nin, một số người cộng sản Việt Nam cũng đã phạm phải một số sai lầm, gây tổn thất cho cách mạng Việt Nam, như: Sai lầm của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là đồng chí Trần Phú đã phê phán đả kích chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, và đưa ra một đường lối tả khuynh, dẫn tới sai lầm trong Xô viết Nghệ Tĩnh (1931), sai lầm về chủ trương mở cuộc cải cách ruộng đất (1954 - 1955) ở miền Bắc, trong khi 85% ruộng đất đã chia cho dân cày.
(Tư tương này - “chỉ nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh” cũng là tư tưởng của Võ Nguyên Giáp nêu ra từ đầu những năm 90 thế kỷ trước và bị những nhà LL của đảng như NĐB phê phán là nêu cao tư tưởng HCM cũng đồng nghĩa là nhằm hạ thấp tư tưởng Mác - Lênin).
5. Trên lĩnh vực để đấu tranh phát triển kinh tế, xã hội, thì tình hình khác hẳn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau khi giành được độc lập dân tộc trong cả nước, xuất phát từ học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin về “cách mạng không ngừng”, về “chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa”, ngay trong Đại hội IV, Đảng đã quyết định cả nước đi vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với một lòng tin tưởng sắt đá là chỉ trong vòng 3 hoặc 4 kế hoạch 5 năm là có thể hoàn thành thời kỳ quá độ và sẽ xuất hiện chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Như bức thư số 3 đã nêu rõ, việc thực hiện đường lối cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo như sự chỉ dẫn của học thuyết Mác - Lênin không những không mang lại kết quả, mà ngược lại đưa đất nước rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện và kéo dài (1978 - 1988). Với sự nỗ lực cố gắng của Đảng, dựa trên sáng kiến của nhân dân, đất nước đã đi vào đổi mới, vượt qua khủng hoảng, dành được những thắng lợi to lớn như dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu. Nội dung của quá trình đổi mới, chủ yếu là sự từ bỏ những nguyên lý cơ bản của mô hình chủ nghĩa xã hội mác xít, trở lại và phát huy những kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc và tiếp thu những bài học hay của thế giới hiện đại.
Qua cuộc khủng hoảng và qua sự nghiệp đổi mới, rõ ràng học thuyết Mác - Lênin chưa cho chúng ta những bài học bổ ích như trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đồng thời sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác cũng chứng minh sự không đúng của học thuyết Mác về xã hội xã hội chủ nghĩa.
Xã hội xã hội chủ nghĩa trong chủ nghĩa Mác, là nói về một mẫu hình xã hội hậu tư bản, sản sinh trên cơ sở chế độ TBCN đã trải qua 200 năm hình thành và phát triển (kể từ thế kỷ 16, 17) ở Âu châu.
Mô hình CNXH Mác xít về bản chất là mô hình xa lạ, không phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị của Việt Nam.
6. Do đó, người Việt Nam phải đi tìm con đường đi tới dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính ở đây ta càng cần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, khi người nói tới xã hội tốt đẹp tới đây của dân tộc: “Nước độc lập mà dân không hưởng tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”. “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giầu nước mạnh”. Cách lý giải của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, không giống với nội dung của mô hình chủ nghĩa xã hội Mác xít được diễn đạt trong các sách kinh điển và các sách giáo khoa: Nào là công hữu hóa, xóa chế độ tư hữu, nào là kế hoạch hóa có chỉ huy từ TW, xóa bỏ nền kinh tế hàng hóa, nào là đấu tranh giai cấp giữa 2 con đường, nào là chuyên chính vô sản với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa…
Nhiều nhà lý luận “chính thống” (ăn lương, ăn KX, KC) ở nước ta đã phạm một sai lầm cực lớn khi cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là một cách hiểu rất sai lầm.
Theo tôi, tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết và chủ yếu nhất, là thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam, là thể hiện tinh hoa của tư duy và tâm hồn Việt Nam, là tiếp nối truyền thống lòng yêu nước, tình thương con người của xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh là người con của dân tộc Việt Nam, đã kế thừa và nâng cao bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã học tập những điều có ích trong học thuyết Mác - Lênin, và các học thuyết tiến bộ khác, các nền văn hóa khác trên thế giới, và truyền bá vào Việt Nam, nhưng không hề là tín đồ cuồng tín của bất cứ một học thuyết nào.
7. Giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều điểm khác biệt khá quan trọng.
a) Trong khi Mác bàn về sự chuyển hóa từ một xã hội tư bản phát triển để chuyển sang xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh lại phải giải quyết nhiệm vụ của mộ đất nước còn quá nghèo khổ từng bước đi lên thoát nạn nghèo hèn.
b) Trong khi Mác lấy đấu tranh giai cấp làm động lực thúc đẩy xã hội thì Hồ Chí Minh lại lấy đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân để đẩy xã hội tiến lên.
c) Trong khi Mác lấy đấu tranh làm hạnh phúc, thì Hồ Chí Minh lại lấy tình thương, tư tưởng đùm bộc, nhường cơm sẻ áo làm hạnh phúc.
d) Trong khi Mác đề xướng chuyên chính vô sản và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thì Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh nền dân chủ nhân dân, với nhà nước do dân, vì dân, của dân.
e) Trong khi Mác nói đến Đảng chỉ là của giai cấp vô sản thì Hồ Chí Minh lại nêu Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là Đảng của dân tộc Việt Nam.
(Cần lấy các chính sách cụ thể, các phong trào cách mạng cụ thể để soi rọi xem quan điểm của ông Trần Độ xác thực đến mức nào?)
Sở dĩ có những điểm khác nhau quan trọng trên đây là do những khác nhau về sự xuất thân, về điều kiện đấu tranh, và hoàn cảnh lịch sử.
a) Nếu Mác xuất thân từ lớp tư sản, trí thức của một nước tư bản, thì Hồ Chí Minh lại xuất thân từ lớp trí thức của một dân tộc nô lệ (quan lại dù nhỏ và bất phùng thời).
b) Nếu Mác tắm mình trong cuộc đấu tranh giai cấp công nhân chống lại tư sản, thì Hồ Chí Minh lại tắm mình trong đấu tranh của cả một dân tộc đang bị đế quốc thống trị.
c) Nếu Mác thừa nhận văn hóa của Tây phương là chính, thì Hồ Chí Minh lại thừa nhận văn hóa của Đông phương, của Việt Nam, và sau đó của cả Tây phương.
d) Nếu như quá trình hoạt động của Mác về cơ bản là thuận lợi, thì đời hoạt động của Hồ Chí Minh lại long đong, vất vả, ba chìm bảy nổi.
8. Đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh về thực chất là nêu cao bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nêu cao tư duy truyền thống Việt Nam, nêu cao lòng yêu nước Việt Nam.
Đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, không có nghĩa là phủ nhận chủ nghĩa Mác.
Đảng ta có thái độ trân trọng nghiêm túc, khách quan đối với chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta phải tổ chức việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, cố rút ra các điều bổ ích, nhưng cần tránh lệch lạc coi như quốc giáo, là tư tưởng chủ đạo của toàn dân tộc. Trong công tác giáo dục cho thanh niên, thì chớ nên chỉ cho phép học chủ nghĩa Mác - Lênin, không cho nghiên cứu tham khảo các học thuyết khác trên thế giới. Phải mở rộng sự hiểu biết của giới trí thức và thanh niên ở nước ta.
9. Cuối cùng tôi xin nhắc lại đề nghị của tôi trong Đại hội IX: “Cần phải và chỉ nên lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng ta”.
Đến ngày 12 tháng 10 năm 2000 những quan điểm nêu trong 4 bức thư nói trên đã đươc ông tóm tắt lại và trực tiếp đọc trước cuộc họp do BCT triệu tập các lão thành cách mạng và có phát triển thêm (viết tay chữ to - việc này dập tắt ý kiến cho rằng các lá thư của ông Lê Giản là do bọn phản động lợi dụng ông để tán phát quan điểm và có ý ám chỉ là Lê Đạt). Sau khi đọc, ông gửi lại bài viết cho tôi - tác giả sách này, thư ký cuộc họp. Nội dung chính như sau:
Trước hết ông phản bác đường lối kinh tế, ông viết: “Chúng ta không thể đặt vấn đề CNH, HĐH, bảo đảm độc lập tự chủ trong kinh tế theo các quan điểm của ĐH – IV, VII, VIII đã nêu trước đây (cách mạng QHSX mở đường, KHKT là then chốt, CCVS phải nắm vững), cần phải chuyển hướng toàn bộ các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, hành chính sang một quỹ đạo mới đi thẳng vào nền kinh tế tri thức ”.
Và ông đề nghị “tạm gác lại khẩu hiệu CNXH” và lần này ông nêu một số lý do: 1/ Trong di chúc của chủ tịch HCM… người đã không nói đến CNXH trong mục tiêu của đất nước Việt Nam; 2/ Trong 70 năm đã nhiều lần Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đã tạm gác khẩu hiệu CNXH ví như: khi thành lập mặt trận Việt Minh, ngày lễ 2 - 9 - 1945 khi đọc tuyên ngôn Đọc lập, cương lĩnh MTDTGP miền Nam 1962, trong nghị quyết của BCT số 07/NQTW ngày 11 - 7 - 1993 khi nói về nhiệm vụ chung của MTDTTN cũng không nói gì đến CNXH; 3/ xuất phát từ luận điểm của Mác… mà sự vận động thực tế của các nước tư bản phát triển… thì trong thế kỷ 20 đã chứng minh luận điểm của Mác là không đúng; 4/ tất cả các nước đã đi vào mô hình CNXH Mác xít trong thế kỷ 20 đều không thành công, phần lớn đã tan vỡ, kể cả Liên Xô, thành trì của phe XHCN, tình hình đó không phải thoái trào tạm thời của CNXH, mà quan trọng hơn đó là bài học chứng tỏ mô hình CNXH Mác xít không phù hợp với quy luật của sự phát triển xã hội; 5/ hàng 100 nước trên thế giới kể cả nhiều nước kém phát triển trước đó, không đi theo CNXH đã vượt ta theo GDP bình quân đầu người hoặc chỉ số phát triển con người; 6/ mô hình CNXH Mác xít thể hiện bằng đường lối của ĐH IV của Đảng thực tế đã đẩy đất nước ta vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội toàn diện và kéo dài suốt 10 năm trước đây (1978 - 1988); 7/ thực tế CNXH là gì cho tới nay vẫn là một ẩn số; 8/ nếu ta cứ chủ trương nêu khẩu hiệu CNXH trong tình hình hiện nay thì khó thực hiện được chiến lược ĐĐ kết toàn dân, khó có thể tranh thủ được sự ủng hộ của số đông kiều bào và do đó sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Và ông một lần nữa kiến nghị: “Cần phải và chỉ nên nêu cao tư tưởng HCM là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng ta” với một loạt căn cứ.
Xuyên suốt 4 bức thư ông Lê Giản gửi cho các siêu VIP đương quyền, cũng như phát biểu trực tiếp trong cuộc họp do BCT triệu tập, ông Lê Gian nhất quán quan điểm cho rằng đương lối đã chọn là đường lối sai lầm và đòi thay đổi đường lối xây dựng đất nước. Những quan điểm của ông trái với các quan điểm “chính thống” hiện hành về những vấn đề cơ bản, nhưng ông không bị các VIP đương quyền gọi đến khuyên bảo và phê phán trực diện kiểu như đối với Trần Độ, Hoàng Hữu Nhân.
Trong tang lễ ông Trần Độ, bất chấp sự ngăn cản, ông Lê Giản trở thành thành viên tích cực - là chỗ dựa cho không ít người đến viếng với bức trướng:
Tướng quân Trần Độ
Nhân văn danh tướng
Trí dũng vẹn toàn
(các lá thư khác của cụ Lê Giản chỉ lựa chọn nội dung vắn tắt. Riêng lá thư thứ tư cụ Lê Giản viết kỹ có tính lý luận và lịch sử, nên đăng toàn văn).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét