Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Hoàng Tùng phát biểu đóng góp ý kiến với Tiểu ban Báo cáo chính trị Đại hội IX về định hướng viết báo cáo chính trị.

Hoàng Tùng phát biểu đóng góp ý kiến với Tiểu ban Báo cáo chính trị Đại hội IX về định hướng viết báo cáo chính trị.

Đại Định

Xin gửi đến bạn đọc bài viết về ông Hoàng Tùng rút ra từ chương "Nợ đời, đời nợ" sách "Nợ tang bồng".

10. Hoàng Tùng (1920 - 2010).
Tên thật là Trần Khánh Thọ, người Hà Nam, từng là Ủy viên BBT, Chánh văn phòng TW, Tổng biên tập báo Nhân Dân nhiều năm. Vốn là cây viết hàng đầu của hệ thống. Sau khi tham chính ông cũng có nhiều trăn trở. Những tư duy “mới” của ông thể hiện trong các bài viết như “Những kỷ niệm về Bác Hồ” tới 19 trang đánh máy giấy A4 nói về nhiều điều liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử hiện đại; “Thời đại mới, tư duy mới”….các bài nói trong các buổi thuyết trình của ông - các bài này phần lớn đã được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Ta tiếp cận mấy bài đưới đây là những bài chưa thấy công bố để có tư liệu giúp cho việc nhận biết tư duy của ông sau khi tham chính.
Góp ý kiến về định hướng Báo cáo chính trị Đại hội IX
Đầu tháng 12 - 1999, ông Hoàng Tùng phát biểu đóng góp ý kiến với Tiểu ban Báo cáo chính trị Đại hội IX về định hướng viết báo cáo chính trị.
( “Kỹ thuật là then chốt mà không chơi với Mỹ thì lấy đâu ra mà then chốt”. Trong khi nói, ông Hoàng Tùng nói ý này, nhưng Tiểu ban lược đi mất nên bài ghi của Tiểu ban không có đoạn này. Tôi với tư cách là người có tham dự buổi khai hôi, xin được bổ sung).
Vấn đề thứ nhất: Đại hội chúng ta sắp họp: Muốn gọi cái tên, tức là cho nó một chủ đề trung tâm vấn đề đang tranh luận là con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nghĩa là từ những lời nói rải rác bấy lâu nay xuất phát từ tình hình đất dước và thế giới để xác định đường đi. Trước mắt không nên ngày nào và lúc nào cũng nói, nó là cái gì và đi như thế nào. Trước hết là đổi mới cách làm Đại hội Đảng. Ta đã trải qua mấy lần Đại hội, lần này theo phong cách này là hay nhất, đường cách mạng không phải là do đại hội thông qua, do một nhóm người mà nói cho đúng là Cụ Hồ thảo ra. Nhưng đấy chính là nền tảng của lý luận cách mạng của Việt Nam ta, làm xong cách mạng dân tộc rồi chuẩn bị điều kiện đi vào chủ nghĩa xã hội. Cái tư tưởng lớn ấy là thực tế, lý luận và thực tiễn đều chứng minh. Ở trên thế giới ai cũng ca ngợi ta là sự nghiệp giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, chứ đã có phải là nhà cộng sản vĩ đại đâu. Sau đó các hội nghị hợp nhất 3 đảng không có tính đại hội, không gọi là đại hội, nhưng mang tính chất đại hội vì là thành lập. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng thành lập bằng cuộc hội nghị 5 - 7 người. Nhiều khi đại hội không có vị trí đại hội, không có tính lịch sử bằng Hội nghị TW, thậm chí hội nghị chỉ có 2 ông TW mà quyết định cả vận mệnh cách mạng. Cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ, dân quyền sau đó đưa phủ định cái chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt của cụ Hồ, nhưng cuối cùng đến Hội nghị thứ 8 năm 1941, cụ Hồ lại lấy lại và phát triển trong thời kỳ mới là con đường giải phóng dân tộc với lại cương lĩnh cứu quốc bằng 2 trang giấy mà chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng 8 thành công, chứ nếu cứ đi con đường của cách mạng tư sản dân quyền thì không được. Hội nghị lúc bấy giờ ngôn ngữ gọi là điều chỉnh chiến lược, thực chất là thay đổi chiến lược, mục tiêu không thay đổi. Hội nghị ấy có tính quan trọng, lịch sử hơn các đại hội sau này. Năm 1951 tại Đại hội lần thứ II, Hồ Chí Minh phát biểu một bài khai mạc ngắn gọn 1 trang. Có người nói với tôi: tưởng rằng là cái gì, ai ngờ cái núi đẻ ra con chuột. Nhưng thật sự là cái then chốt nhất. Còn bàn về lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tôi cho là hết sức đúng đắn, từ Đại hội III trở đi đến các đại hội sau này, trừ Đại hội VI thì đều làm theo công thức của Liên Xô, cho nên tất cả những đại hội ấy chỉ mang theo tính hình thức. Cho nên phải đưa ra một phương hướng, một giải pháp, một chiến lược trong một thời kỳ nhất định, đấy là chức năng của đại hội. Còn báo cáo kinh tế không nên làm như bản kế hoạch nhà nước, mà đề ra ngắn gọn những tư tưởng lớn, những mục tiêu lớn, chính sách lớn. Báo cáo chính trị lần này tập trung giải quyết những vấn đề về con đường phát triển của đất nước tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa, mục đích là tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Vấn đề thứ hai: Việt Nam trong thế kỷ 20 tổng kết những sự kiện lớn, những biến đổi lớn, triển vọng tiền đồ của thế kỷ 21. Nội dung thời đại mới mà lấy cái lý luận hay là quan điểm của loài người đã hình thành mà không ai bắt buộc, thời kỳ đồ đá, đồ đồng, thời kỳ cơ khí, thời đại công nghiệp cao khoa học - kỹ thuật mà đấy là nền tảng của mọi xã hội. Chính sức sản xuất, công cuộc sản xuất nó quyết định tất cả, làm đảo lộn toàn bộ cả cuộc sống. Đấy là một quan điểm của con người Mác - xít, bây giờ nó sẽ đảo lộn, đảo lộn như thế nào thì ngắn gọn, nhưng mà có tầm vóc, khái quát cao.
Vấn đề thứ ba: Chiến lược phát triển, thời kỳ, bước đi hiện nay trong 20 năm sẽ là 20 năm gì, các đồng chí hỏi thế thì anh trả lời cho tôi rõ là nhiệm vụ trung tâm là kinh tế có phải không? Tôi nói kinh tế cũng đúng, nhưng phải nói đúng như Mác tức là sau khi giành lại được chính quyền rồi, nhất là những nước kinh tế lạc hậu, công nghệ lạc hậu thì phát triển sức sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, để tạo ra nền tảng sản xuất cho quan hệ sản xuất mới, hình thức kinh tế mới, nền chính trị mới và nền văn hóa mới, cố nhiên có kế thừa của văn hóa dân tộc, nhất là con người mới…Nếu biết làm đúng, như nó làm theo việc xây dựng 30 công ty độc quyền chiếm 80% của cải xã hội, ta làm ngược lại 80% của cải thuộc về xã hội và các hình thái kinh tế khác nhau, còn 20% có thể xài như tư bản, buộc anh tư bản phục vụ chủ nghĩa xã hội, chứ không phải buộc anh xã hội chủ nghĩa phục vụ anh chủ nghĩa tư bản. Phải đi qua con đường, hình thức tư bản chủ nghĩa nhà nước để đi lên chủ nghĩa xã hội, ông thày nói thế. Chúng ta hiểu thời đại này phải ra làm sao? Nói khái quát nhưng mà đầy đủ tức là anh trình bày các quan điểm của anh về chặng đầu. Cái trên là toàn bộ cái quá trình, cái dưới là thời đại mới là để chuyển tiếp làm tiền đề cho việc giải trình cái trước mắt. Kinh tế thị trường có phải là tư bản chủ nghĩa không? Không phải, có từ thời Tam hoàng Ngũ đế.
Vấn đề thứ tư: Nhà nước của dân, là do dân, vì dân, chính là tư tưởng của Bác mà nói theo ngôn ngữ của Hồ Chí Minh, trong đó có ẩn ý những khái niệm mà người đã chứng kiến, nhất là ở Liên Xô. Ta làm thật sự có phải cái nhà nước này là đúng không? Cái nhà nước kiểu này mới là nhà nước chuẩn bị cho chủ nghĩa xã hội. Cho đến thủ tiêu nhà nước, cách mạng chủ nghĩa cộng sản mục tiêu cuối cùng là để thủ tiêu nhà nước, cái sự người cai trị người bằng cái quản lý vật chất. Cách làm thí dụ trong cuộc bầu cử hội đồng nhân dân ba cấp có thật đúng của dân, do dân không? Nhà nước của dân, do dân và vì dân xin hãy làm đúng như lời Hồ Chí Minh. Nhiều vấn đề chỉ nói khái quát, mà nhất là phải làm cho thật đúng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Sự phân công giữa Đảng và nhà nước phải nâng cao, phải thật sự coi trọng chính quyền, phải nêu cao chính quyền. Những người lãnh đạo chính quyền xuất hiện trước, người lãnh đạo của Đảng thì đứng đằng sau, khi cần lắm mới đưa ra. Cái gì cũng bí thư đảng, từ trên xuống dưới toàn là Đảng, cái gì cũng thấy Đảng. Như vậy chưa phải cách làm của Hồ Chí Minh.
Vấn đề thứ năm: Đảng cầm quyền, lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền, tôi cho là hết sức xuất sắc, hết sức quan trọng, hết sức đúng đắn. Trong tình hình có thay đổi nhưng điều ấy không hề sai chỉ có những biện pháp. Những chính sách thì phải phù hợp với tình hình mới của đất nước, đất nước của những người tự do. Mình từ một phong trào giai cấp, trở thành phong tào dân tộc, từ một người lãnh đạo một dân tộc nô lệ, thành một dân tộc làm chủ đất nước mà cứ như khi nói cách đây bảy tám mươi năm hay là 150 năm về trước. Thế thì không phải chủ nghĩa duy vật biện chứng. Hãy giải quyết những vấn đề đang đặt ra, nếu có báo cáo xây dựng Đảng, hoặc sửa đổi Điều lệ Đảng thì anh bảo đảm luận về xây dựng đảng của Đảng Cộng sản cầm quyền. Nhà nước của một xã hội tự do và của những người dân tự do, bây giờ làm gì có giai cấp vô sản, thế mình là giai cấp tư bản à, mình là người chủ, mà người chủ lại đứng đầu mình. Trí thức là con em chúng ta cả, mà lại là một anh em bạn đường gép vào. Mà cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng trí tuệ này thì người I tờ và lao động chân tay làm được không. Những vấn đề nói ra sợ mất lập trường Mác - xít không? Mác - xít quá đi chứ, bây giờ ai là chủ của khoa học – kỹ thuật phải rõ ràng. Dân tộc và nhân dân không bao giờ xa, giai cấp công nhân có, nhưng bây giờ sự phân tầng xã hội không thành những giai cấp đối lập hay xa cách như trước mà xích gần lại. Mấy năm mình phải xây dựng cho được trong quá trình này một dân tộc tú tài, cái nền tảng vì nước vì dân là tú tài. Trên này là các ông cử, ông tiến sĩ theo cái hình tháp. Còn vấn đề tranh luận, anh nào không có quyền lãnh đạo thì nhấn mạnh quyền dân chủ, anh nào có quyền lãnh đạo thì thích nhấn mạnh tập trung. Nêu sách dân chủ và tập trung ra thì muôn đời tranh luận, thế thì về tính chất, nguyên tắc, tổ chức sinh hoạt là cái nền của nó là dân chủ, còn nguyên tắc điều hành thì có cơ quan điều hành cùng do đại hội bầu ra và nó phải chấp hành cái đó nếu anh đi chệch thì sẽ bị xuống dốc, tức là tập trung trong quá trình điều hành, chứ không phải là lúc nào cũng là điều hành.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét