Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Vị trí Trần Phú trong lịch sử Đảng ta và cách mạng nước ta (Bài nói của ông Hoàng Tùng nhân 100 năm ngày sinh của Trần Phú)

 Bài nói của ông Hoàng Tùng nhân 100 năm ngày sinh của Trần Phú

Đại Định

Với trải nghiệm của mình trong suốt thời gian dài tham chính, ông trăn trở nhiều điều. Nhân được mời phát biểu cảm tưởng trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của TBT Trần Phú, ông chuẩn bị bài: “Vị trí Trần Phú trong lịch sử Đảng ta và cách mạng nước ta” .
(Ông Hoàng Tùng được Ban tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Phú mời phát biểu. Nhận lời mời, ông đã viết một bài gửi đến Ban tổ chức lễ kỷ niệm để định đọc. Bài viết được các siêu VIP đương quyền góp ý và yêu cầu sửa. Nên bài đọc chính thức được sửa lại theo hướng đề cao khí tiết, phẩm chất cộng sản của Trần Phú, không đả động gì đến vấn đề cương lĩnh 1930. Đọc xong bài, ông rời bục, LQV, một vụ trưởng khi đó rìu ông xuống. Ông nói với LQV: Trần Phú dl - không tiện nhắc lại nên phải viết tắt. Sau này, Văn phòng TW mời ông Hoàng Tùng đến nói chuyện với tuổi trẻ của cơ quan, nhưng trước khi đến ngày gặp thì được biết TBT NĐM nói đến quan điểm của Hoàng Tùng khi ông nói chuyện ở chỗ này chỗ khác, về một vài bài viết của ông không được các siêu VIP tán thành. Cuộc gặp không được thực hiện).
(ảnh trang đầu bài viết có thủ bút của cán bộ phụ trách tổ chức mít tinh)
Đưới đây là bài viết định đọc trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trần Phú chưa có sự sửa chữa gì (còn bài đọc tại cuộc mít tinh, bạn đọc dễ dàng tìm thấy trong các báo chính thống khi đó):

Vị trí Trần Phú trong lịch sử Đảng ta và cách mạng nước ta
(Bài nói của ông Hoàng Tùng nhân 100 năm ngày sinh của Trần Phú)
Hoàng Tùng

Sinh năm 1904, lúc Hồ Chí Minh 14 tuổi, học song bậc cao đẳng tiểu học, ông là giáo viên trường tiểu học thị xã Vinh. Trong thời gian này, ở nước ta, sau thất bại của cuộc binh biến Thái Nguyên, phong trào chống Pháp lắng xuống tưởng chừng nguội lạnh, sau vụ Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát viên toàn quyền Pháp trên đường đi Nhật Bản, ghé lại thành phố Quảng Châu. Ném lầm vào một người Pháp khác, người anh hùng của chúng ta chạy ra bờ sông và nhảy xuống nước thẳm tự vẫn giữa năm 1924.
Vụ mưu sát ấy có tiếng vang lớn trong nước và người mình ở ngoài.
Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu tháng 11 năm 1924. Người nhanh chóng liên hệ với nhóm Tâm Tâm Xã gồm mấy thanh niên ta sang Trung Quốc theo Phan Bội Châu - lúc này cụ ở Hàng Châu làm nghề viết báo.
Nguyễn giáo dục nhóm thanh niên này, phần đông là người Nghệ An. Họ đồng ý thành lập Hội Cách mạng thanh niên, Nguyễn lại qua Hồ Tùng Mậu viết thư gợi ý cụ Phan về nước thành lập Việt Nam quốc dân Đảng theo cương lĩnh mới của Tôn Trung Sơn. Đến Tô giới Pháp ở Thượng Hải, cụ Phan bị hai học trò của mình là Phan Bá Ngọc (con PĐP) và Lê Dư phản bội, chỉ cho mật thám Pháp bắt đưa về nước… Ba nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh ở Pháp cũng về Sài Gòn.
Ở trong nước, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học lập ra Việt Nam quốc dân Đảng.
Ở Trung Kỳ, mấy nhà yêu nước thuộc nhóm trí thức mới lập ra Đảng Hưng Nam, sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng do Đào Duy Anh đứng đầu. Trần Phú là một người lãnh đạo của đảng này sau chuyển sang Đảng Cộng sản và được cử đi Liên Xô học.
Cuộc đấu tranh về con đường cách mạng cứu nước nhà diễn ra sôi nổi khắp cả nước, kéo dài 5 năm (1925 - 1930).
Do tác động của đảng Cộng sản Pháp, những người lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ, Kỳ bộ Nam kỳ của Hội thanh niên, giải thể Hội thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng. Tổng bộ thanh niên chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn.
Trước tình hình đó, Hồ Tùng Mậu sang Xiêm tìm Nguyễn về Hồng Kông để tìm cách thống nhất 3 tổ chức cộng sản lại. Tại Hội nghị hợp nhất họp ở Hồng Kông ngày 3 - 2 - 1930, Nguyễn Ái Quốc trình bày Chính cương, chiến lược, sách lược vắn tắt và được Hội nghị thông qua. Như vậy, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là cương lĩnh này, bản Cương lính viết đầy đủ sau này, khi công bố chỉ còn mấy câu.
Sau khi xem thư báo cáo và các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc gửi sang Matxcơva, Ban Thư ký Quốc tế cộng sản nhận xét rằng: Tư tưởng Cương lĩnh này là sai lầm, dân tộc chủ nghĩa, cải lương, hữu khuynh, phải viết lại và đổi cả tên lại là Đảng Cộng sản Đông Dương. Quốc tế ủng hộ Trần Phú và mấy người vừa học xong một lớp ở Liên Xô về viết lại Cương lĩnh. Tháng tư, Trần Phú về đến Hà Nội cùng với Trịnh Đình Cửu (triệu tập viên của Trung ương lâm thời), Nguyễn Thế Rục viết Cương lĩnh mới, theo mẫu của Đại hội VI Quốc tế Cộng Sản năm 1928 thể hiện quan niệm của Stalin trình bày trong cuốn “Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin”. Tháng 7, một hội nghị bầu Trần Phú làm Tổng bí thư. Tháng 10, Trần Phú đi Hồng Kông tham khảo ý kiến Nguyễn Ái Quốc và đến Thượng Hải báo cáo với Noulène, Trưởng ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản vừa được thông qua. Về nước, tháng 3 - 1931 Trần Phú triệu tập Hội nghị Trung ương (mở rộng) bàn và quyết định tổ chức bộ máy của Trung ương. Cuộc họp kéo dài 10 ngày và bị mật thám của địch bắt gọn. Cùng với cuộc khủng bố trắng bắt đầu từ đầu tháng 9 năm 1930, đến đây toàn bộ hệ thống tổ chức cách mạng bị địch phá vỡ, thoái trào kéo dài đến cuối năm 1934, khi Ủy ban hải ngoại do Lê Hồng Phong đứng đầu nắm quyền lãnh đạo, quyết định sử dụng những hình thức thích hợp để từng bước khôi phục phong trào quần chúng.
Tháng 3 - 1935, Hà Huy Tập thay Lê Hồng Phong triệu tập Đại hội lần thứ nhất. Đại hội chỉ bàn những công tác cụ thể và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới.
Tháng 6, Hà Huy Tập về nước giữa lúc ấy mấy trăm tù chính trị Cộng sản được trả lại tự do. Một cao trào dân chủ được phát động, chiến tranh thế giới bùng nổ, Nam kỳ khởi nghĩa. Một cuộc khủng bố dữ dội lại diễn ra ở cả nước. Hệ thống tổ chức của Đảng và quần chúng lại bị phá vỡ. Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước đưa ra Cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và thắng lợi (năm 1943 Quốc tế Cộng sản tự giải tán).
Như vậy, con đường cách mạng của Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc đề xuất năm 1925, thể hiện trong Cương lĩnh vắn tắt năm 1930, Cương lĩnh do Trần Phú soạn thảo theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản chưa kịp phổ biến. Năm 1936 Đảng ta chủ trương thực hiện mặt trận dân chủ với tư sản và trí thức (trên cơ sở công nông). Năm 1938 Trung ương Đảng quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, năm 1941 là cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đến năm 1945 mới thắng lợi.
(Trong những năm 1930, nhiều đảng viên ta học Cương lĩnh Trần Phú theo cuốn “Những nguyên lý của Stalin” phát biểu năm 1924).
Chính cương vắn tắt viết khá đầy đủ, không phải như bản cắt xén đã in (Bảo tàng cách mạng giữ bản đầy đủ).
Trần Phú xứng đáng được kính trọng mãi mãi, trước hết ông là lãnh tụ cộng sản đầu tiên nêu cao khí tiết cách mạng trước quân thù và tinh thần kiên quyết cách mạng đến hơi thở cuối cùng.
Hiên ngang trước quân thù, không nói nửa lời có hại cho Đảng và cách mạng, kể cả thách thức chúng bằng hành động, Trần Phú nêu cao một tấm gương lớn gần như đầu tiên trong phong trào Cộng sản quốc tế. Tấm gương của ông có ý nghĩa to lớn đối với các lớp đảng viên từ đó đến nay và cả từ nay về sau nữa. Ông là niềm vinh quang của toàn Đảng và nhân dân ta, kiểu Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu ngày xưa.
Sau Trần Phú có Lý Tự Trọng, các lãnh tụ của Đảng khi ra trường bắn như Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ…và cao hơn tất cả là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hai lần bị đầy đọa ở nhà tù đế quốc và phản động, ý chí cách mạng vẫn trong sáng, kiên cường, coi thường cái chết. Người cộng sản Việt Nam như vậy đó.
Nói thêm: Trong lịch sử cách mạng từ khi chủ nghĩa Mác ra đời chưa từng xảy ra một cuộc cách mạng tư sản dân chủ. Chuyên chính vô sản không thể kết hợp với dân chủ tư sản.
Là những thỏa hiệp với Quốc dân đảng. Chế độ dân chủ nhân dân bị bóp chết ngay ở Đông Âu và Trung Quốc.
Hình thức quá độ do Mác đề xướng chưa trở thành hiện thực.
Trần Phú viết lại Cương lĩnh do Quốc tế Cộng sản buộc phải làm và chỉ mấy năm sau Đảng ta đã thay đổi, trở lại Cương lĩnh của Hồ Chí Minh, Cương lĩnh này không có ảnh hưởng gì đối với ba cao trào cách mạng: 1930, 1936, 1939 và cao trào cứu quốc tổng khởi nghĩa. Ảnh hưởng của Stalin và Mao Trạch Đông trực tiếp đối với cải cách ruộng đất và đi ngay vào chế độ công hữu.
Sự thật lịch sử là như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét