Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

50 NĂM NHÌN LẠI CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 QUA MỘT SỐ VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG

 

50 NĂM NHÌN LẠI CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY

TẾT MẬU THÂN NĂM 1968 QUA MỘT SỐ VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG

 

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền

 

Tóm tắt:

Xuân năm 2018 này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta long trọng kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Với tinh thần “ôn cố tri tân” bài viết trình bày về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thông qua một số văn kiện chủ yếu của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) – nguồn sử liệu quan trọng và tin cậy để tìm hiểu về lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Từ những văn kiện cho thấy, quan điểm của Đảng lúc bấy giờ về tổng tiến công và nổi dậy trong năm 1968 là thực hiện một cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa. Đó là một cuộc tổng tiến công chiến lược kết hợp đồng thời tiến công quân sự với tiến công chính trị và ngoại giao, kết hợp với khởi nghĩa của quần chúng nhân dân, thực hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt địch nhằm cướp chính quyền của giặc và xây dựng chính quyền mới. Những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại chiến lược “chiến trành cục bộ” của Mỹ - Ngụy là cơ sở quan trọng để Đảng xác định hướng tổng công kích vào các thành thị. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân có ý nghĩa bước ngoặt, tạo điều kiện và tiền đề quan trọng dẫn tới chiến thắng cuối cùng vào mùa xuân năm 1975.

1. Vấn đề về tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968

Tổng khởi nghĩa đã diễn ra trong Cách mạng tháng Tám (1945), nhưng vừa tổng khởi nghĩa và tổng công kích thì chưa có tiền lệ. Để đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thành công, chúng ta sẽ tổng công kích đồng thời với tổng khởi nghĩa hay tổng tiến công và nổi dậy? Điều này được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn giải thích (1/1968): “Chúng ta cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quan niệm mới. Ta có khởi nghĩa từng phần tiến lên, phấn đấu từ du kích chiến tranh nhân dân tiến lên đấu tranh quân sự, chính trị song song, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa… Khởi nghĩa mới giải quyết về chính trị, quân sự chưa mạnh đâu, sau phải đánh giặc nữa, đánh lâu mới thắng được… thế giới chỉ có công kích hay khởi nghĩa không thôi. Công kích, khởi nghĩa là việc riêng biệt của Việt Nam làm bây giờ… Cuộc khởi nghĩa của ta không phải chỉ cướp chính quyền đô thị, mà còn để đánh giặc, để chiến đấu, để phá hết tất cả lực lượng của nó, đồng thời xây dựng chính quyền[i]. Nghi quyết Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1/1968) một lần nữa nêu rõ quan điểm của Đảng về tổng công kích, tổng khởi nghĩa: “Cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt và phức tạp, kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị, thực hành ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược và phối hợp với tiến công ngoại giao. Đó là một giai đoạn bao gồm nhiều chiến dịch lớn của lực lượng vũ trang cách mạng ở các vùng chiến lược quan trọng kết hợp với những cuộc nổi dậy dưới nhiều hình thức của quần chúng nhân dân cách mạng ở các thành thị và vùng nông thôn còn bị tạm chiếm, bao gồm những cuộc công kích kết hợp với những cuộc khởi nghĩa tại “đô thành” của địch và các thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố X, Y, Z, nơi tập trung bộ máy quân sự và hành chính đầu não của địch[ii]. Trong Nghị quyết này Đảng ta nhấn mạnh: “Tổng công kích và tổng khởi nghĩa là một quá trình liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt và đánh đổ địch về quân sự và chính trị, đồng thời cũng là quá trình địch phản kích ác liệt để giành giật và chiếm lại những vị trí chiến lược quan trọng đã mất[iii].

2. Điều kiện cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào các đô thị trong Tết Mậu Thân 1968

Từ năm 1965, Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”, dùng sức mạnh của quân Mỹ cùng đồng minh và quân đội Việt Nam Cộng hòa để mở các cuộc hành bình lớn nhằm “bẻ gãy xương sống Việt Cộng” ở miền Nam. Lần đầu tiên, sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đem lực lượng quân nhiều nhất đi xâm lược với kế hoạch 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, phá kế hoạch mùa mưa của ta, “chặn chiều hướng thua” bảo đảm triển khai nhanh lực lượng quân viễn chinh Mỹ; Giai đoạn 2, mở các cuộc phản công chiến lược tìm diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; Giai đoạn 3, hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ về nước vào cuối năm 1967, đồng thời dùng không quân và hải quân leo thang đánh phá, “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá” để đè bẹp cách mạng Việt Nam. Biện pháp quân sự chủ yếu ở miền Nam là chiến lược hai gọng kìm “tìm và diệt”, sau đó là “tìm diệt  bình định” với hy vọng trong vòng khoảng 30 tháng sẽ thành công. Tuy nhiên, chiến lược này đã bị chúng ta từng bước đánh bại.

Ngay từ khi bước vào cuộc chiến chống lại “chiến tranh cục bộ”, Đảng ta đã chú ý đến độ thị. Bức điện mật của Bộ Chính trị (22/4/1966) chỉ rõ: “Ở miền Nam, mấy năm nay, phong trào quần chúng ở đô thị luôn dựa vào các mâu thuẫn trong nội bộ địch mà vùng lên. Tình hình ấy sau này cũng còn như vậy,… điều kiện cơ bản để làm tan rã ngụy quân, ngụy quyền, chủ yếu là ngụy quân, là đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt quân Mỹ và quân ngụy kết hợp chặt chẽ với công tác địch vận và câc cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn của hàng triệu quần chúng ở đô thị”[iv]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục lần thứ tư (3/1966) cũng nhận định: “Ở một số đô thị lớn, hình thức phá kìm kẹp bằng chính trị và vũ trang của quần chúng đã bắt đầu xuất hiện… và có kết quả tốt[v]. Tuy vậy, cho đến năm 1966, Đảng ta vẫn chưa xác định hướng tổng công kích chủ yếu của ta là các đô thi. Nghị quyết của Khu ủy Khu V (20/3/1966) cho biết tình hình công tác thành thị từ Huế đến Nha Trang vẫn còn nhiều nhược điểm: “nói chung đặt ra chậm, chỉ đạo công tác thành, thị chưa sâu sát. Trừ Huế, các thành, thị khác đều chưa xác định tư tưởng xây dựng lực lượng lãnh đạo và hoạt động bên trong là chính[vi].

Để tạo ra thời cơ, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết (10/11/1966), xác định nhiệm vụ lúc này là: “toàn bộ công tác đô thị phải nhằm đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ra sức xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang tích cực chuẩn bị về mọi mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và vật chất đặng kip với đấu tranh quân sự tiến lên thực hiện tổng công kích tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến[vii].

Mặc dù đạt được nhiều thắng lợi nhưng Đảng nhận thấy đến đầu năm 1967 tình hình vẫn chưa cho phép chúng ta chĩa mũi nhọn vào các đô thị. Trong bản Đề cương báo cáo tại Hội nghị Trung ương bàn về một số vấn đề chỉ đạo chiến lược (1/1967), Đảng đã nhận thấy “lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn[viii]. Điều này được khẳng định lại trong Nghị quyết của Bộ Chính trị (27/1/1967): “Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị chưa tiến kịp với đấu tranh quân sự. Công tác đô thị chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình ngày càng phát triển nhanh chóng. Về tác chiến và xây dựng lực lượng, chúng ta chưa phát huy hết khả năng của chiến tranh du kích, chưa chú trọng trang bị đủ vũ khí tốt cho du kích và bộ đội địa phương để đẩy mạnh chiến tranh di kích hơn nữa, chưa xây dựng bộ đội chủ lực mạnh cả về chất lượng và số lượng, trang thiết bị và thể lực để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới[ix]. Trung ương Cục cho biết thêm: “Thời gian qua, công tác đô thị của ta có một số tiến bộ nhưng nhìn chung cón yếu, chưa theo kịp tình hình. Do đó trước mắt, ta phải hết sức khẩn trương tăng cường chỉ đạo công tác đô thị tận dụng những thuận lợi, khả năng to lớn hiện nay để làm cho phong trào đô thị có bước chuyển biến mạnh[x]. Dựa trên diễn tiến tình hình, đầu năm 1967, Đảng dự đoán Mỹ có thể tăng số quân lên tới 60, 70 vạn hoặc hơn nữa vào những năm 1967 - 1968 “nhằm đánh nhanh, thắng nhanh[xi]. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (5/1967), Trung ương Cục miền Nam dự đoán: “Trên chiến trường miền Nam, trong năm 1967 - 1968 Mỹ sẽ ra sức tăng quân, tăng vũ khí phương tiện để… đẩy mạnh chiến lược hai gọng kìm,,... sẽ đưa cuộc “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam lên đến mức cao hơn, làm cho tình trạng chiến tranh ở cả hai miền nước ta càng thêm ác liệt hơn[xii]. Từ đó, Trung ương Cục nhấn mạnh, “Công tác đô thị sắp tới có một ý nghĩa đăc biệt quan trọng[xiii]Như vậy, những thắng lợi của ta trong việc đập tan những cuộc hành binh hai mùa khô và những thất bại của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa trong bắn phá miền Bắc. Hơn nữa, theo báo cáo của Trung ương Cục thì từ giữa năm 1967, “tình hình ở các đô thi hiện nay đang có nhiều thuận lợi cho ta tiến hành nhiều kiểu cách phá kìm kẹp dưới nhiều mức độ ở ngoại ô các đô thị, tạo ra một tình thế thuận lợi để tiến lên tổng công kích tổng khởi nghĩa[xiv]. Đây chính là cơ sở quan trọng để Đảng quyết tâm tập trung hướng tấn công vào đô thị.

3. Vấn đề về thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong Tết Mậu Thân 1968

Việc xác định thời cơ cho một cuộc tổng tiến công và nổi dậy có vai trò quan trọng. Nắm đúng thời cơ, chúng ta sẽ thắng lợi, ít hao người tốn của. Đúng như Nguyễn Trãi xưa kia từng khẳng định: “Được thời mà có thế thì biến mất làm còn, hoá nhỏ thành lớn; mất thời mà không thế thì trở mạnh ra yếu, đổi yên làm nguy, chỉ ở trong khoảng trở bàn tay mà thôi[xv].

Khi bàn về sự cần thiết của tổng công kích, trong bài phát biểu của mình (1/1968), Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định, ta “phải chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa, có khả năng đè bẹp ý chí xâm lược của nó; làm nó tan rã thật sự, nó phải đi đến ngồi với ta[xvi]. Nhưng vấn đề là chọn thời điểm nào cho đúng? Nếu chọn đúng thời cơ, chúng ta sẽ giành thắng lợi nhanh chóng, ít tổn thất và ngược lại. Trong Nghi quyết Hội nghị lần thứ 14, Trung ương Đảng nhận thức: “Tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa không phải trong điều kiệu kẻ địch đã kiệt quệ mà là trong những điều kiện như: về mặt quân sự, địch còn trên một triệu quân và một tiềm lực chiến tranh lớn, nhưng đội quân đó đã liên tiếp thất bại về chiến lược và chiến thuật, quân số tuy đông nhưng tinh thần bạc nhược và bắt đầu suy sụp; về mặt chính trị, địch đang lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng, chúng tỏ ra không thể thống trị nhân dân miền Nam được nữa và nhân dân miền Nam cũng không chịu sống dưới ách thống trị của chúng nữa; lực lượng vũ trang của ta lớn mạnh về mọi mặt, đôi quân chính trị quần chúng của ta rất hùng hậu; đại bộ phận quần chúng nhân dân trong các vùng tạm chiến đã được rèn luyện và thử thách qua nhiều năm đấu tranh gay go và đã tỏ rõ quyết tâm cách mạng[xvii].

Đầu năm 1968: “về so sánh lực lượng: 1962 - 1963, địch 5 ta 1; nhưng từ 1965 đến bây giờ: Mỹ nửa triệu người nữa, tất cả, đến bây giờ, địch 3, ta 1. Đó là số quân đấy, nhưng về lực lượng cơ động, bây giờ ta 1, địch 0,5… Như vậy ta mới nói về quân sự, nói vài con số như vậy rõ ràng đó là về quân sự nó thua rồi. Còn về mặt chính trị, chưa bao giờ địch lại rối loạn, thua như bây giờ… Chưa lúc nào, mâu thuẫn trong nội bộ nó và quần chúng đô thị chống lại chúng mạnh như bây giờ… Chưa có nước nào bị cô lập ghê gớm như Mỹ bây giờ trên thế giới[xviii]. Đảng khẳng định lúc này ta đã làm chủ được vùng đô thị: “Mùa mưa vừa rồi, ta đã đánh hơn 40 thị trấn, thị xã lớn nhỏ. Đó là chuyện mới, ta đánh vào Huế và nhiều thị trấn khác. Tình hình xưa nay, ta đã chuyển hướng như vậy từng bước tiên lên[xix]. Về khả năng, “ta vào Sài Gòn đánh vài ba tháng ta ra cũng được, không có chuyện gì… về quân sự, Trung ương nói, ở miền Nam cũng như ở cả nước, chưa có lúc nào ta sung sức như bây giờ, ta vững như bây giờ, khí giới có thể đánh hàng năm trời, lương thực cũng vậy… Còn về chính trị,… Hiện nay ở đô thị, đã có từng chòm, phường ấp ta làm chủ. Hầu hết đô thị đều sôi nổi, coi như bây giờ không có con đường nào khác, phải khởi nghĩa, phải đánh đổ Mỹ”[xx]Bí thư thứ nhât Lê Duẩn khẳng đinh: “Tiền đề đã có rồi. Chính trị, quân sự ở đô thị đã lên rồi, bố trí lực lượng xung quanh đô thị đã làm rồi, các mũi nhọn quân sự được ta đẩy lên… Vì vậy, chính bây giờ chúng ta không đề ra cái này là bỏ lỡ cơ hội, rồi phong trào sẽ lừng chừng, sẽ nguy hiểm, lúc đang thắng thế này”[xxi]Nghi quyết Hội nghị lần thứ 14 (1/1968) Trung ương cũng nhận định: “Mỹ đã phải chuyển sang thực hiện chiến lược hai gọng kìm vừa tìm diệt vừa bình định… Đó là sự chuyển hướng từ thế phản công chiến lược sang thế bị động phòng ngữ về chiến lược; đó là một bước thụt lùi về chiến lược của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam… Việc đế quốc Mỹ phải chuyển sang thế bị động phòng ngự về chiến lược trong “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, cộng với sự thất bại cơ bản của chúng trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, là một thất bại lớn về chiến lược của đế quốc Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam[xxii]. Đặc biệt, Đảng khẳng định quân ta đang đánh bại bước phát triển cao trong “chiến tranh cục bộ” của Mỹ: “Chúng ta đã thắng cả về chiến lược lẫn chiến thuật và thế lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết… Hàng triệu quần chúng sôi sục cách mạng và sẵn sàng vùng lên, sẵn sàng hy sinh tất cả… Nhân dân lao động miền Nam, nhất là công nhân ở Sài Gòn – Chợ Lớn, đang vùng dậy mạnh mẽ, mở ra một khí thế mới đấu tranh quyết liệt chống Mỹ và tay sai trong các thành thị”[xxiii]. Ngược lại, “quân ngụy hiện nay không còn đủ sức làm nhiệm vụ “bình định”, còn Mỹ và quân chư hầu thì không thể làm được nhiệm vụ “tìm diệt” có hiệu quả nữa[xxiv]. Mặc dù còn một số khó khăn nhưng với quyết tâm cao độ, Trung ương Đảng vẫn khẳng định: “Nhưng điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và lợi thế, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn[xxv]. Nghi quyết Hội nghị lần thứ 14 kết luận: “Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giảnh thắng lợi quyết định[xxvi].

Như vậy, theo Đảng ta thì thời cơ sẽ xuất hiện khi hội tụ đủ các yếu tố sau:

- Kẻ địch đã kiệt quệ, lâm vào khủng hoảng trầm trọng;

- Nhân dân không chịu sống dưới ách thống trị nữa;

- Lực lượng của ta lớn mạnh về mọi mặt;

- Quần chúng nhân dân trong các vùng tạm chiến đã tỏ rõ quyết tâm cách mạng.

Xét trong hoàn cảnh thực tế, nếu chúng ta tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào thời điểm Tết Mậu Thân, chúng ta còn tạo ra được những yếu tố bất ngờ:

- Bất ngờ về thời gian. Tết là thời điểm nhạy cảm, quân đội Sài Gòn nghỉ phép nhiều, quân Mỹ và đồng minh cũng vừa qua lễ Noel và tết dương lịch nên tinh thần chiến đấu có giảm sút, lực lượng thường trực cũng xuống mức thấp nhất;

- Bất ngờ về mục tiêu. Để che dấu và đánh lạc hướng phán đoán của địch, chiều ngày 20/1/1968 chúng ta mở chiến dịch Khe Sanh, ngay sau đó tập trung tấn công toàn bộ các đô thị và căn cứ quan trọng sẽ tạo ra bất ngờ lớn cho địch;

- Bất ngờ về quy mô. Chúng ta biết rằng, cuối 1967 đầu 1968, giới chức Mỹ - Chính quyền Sài Gòn tỏ ra rất lạc quan không thể biết thực lực của ta, cho rằng chúng ta chỉ có thể tấn công quy mô nhỏ mà thôi. Trong cuộc họp kín với Ủy ban quân lực ngày 16/11/1967, Westmoreland còn tự tin khẳng định “có thể giành thắng lợi trong 2 năm[xxvii]. Người phụ trách chương trình bình định ở Việt Nam lúc này là Robert Komer cũng tuyên bố trong cuộc họp báo ở Sài Gòn ngày 24/1/1968: “chúng ta bắt đầu năm 1968 trong tư thế thuận lợi hơn bất kì thời gian nào trước đây[xxviii]. Vì vậy, nếu ta tổng nổi dậy, tổng công kích trên khắp chiến trường miền Nam, đặc biệt là đầu não của chúng, chắc chắn sẽ làm cho địch choáng váng, mất tinh thần.

Trước khi mở màn cuộc tổng tấn công, Đảng ta dự đoán 3 khả năng xảy ra:

a, Khả năng thứ nhất là ta giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, những cuộc công kích và khởi nghĩa của ta cuối cùng thành công ở các thành thị lớn,… đè bẹp ý chí xâm lược của địch, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo những mục tiêu và yêu cầu của ta.

b, Khả năng thứ hai là tuy ta giành được những thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng địch cố gắng tập trung và tăng viện thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại và giữ được những vị trí quan trọng.

c, Khả năng thứ ba là Mỹ động viên và tăng cường thêm nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc, sang Campuchia và ở Lào, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng[xxix].

Chúng ta nhận định: “Nếu tình hình diễn biến theo khả năng thứ hai, thì do những thắng lợi quan trọng mà chúng ta đã giành được, lực lượng ta không những không hề bị giảm sút, mà trái lại còn mạnh lên gấp bội về quân sự và chính trị[xxx].

Dự kiến thời gian diễn ra cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đồng chí Lê Duẩn nói: “có thể 3 tháng, 6 tháng, 1 năm… Cuộc này nếu ta làm tốt, ta đánh 2, 3, 4 tháng,… nếu ta đánh 3, 4, 5 tháng, nó đem quân vào, ta giữ không nổi, ta ra, không có vấn đề gì, lực lượng ta sẽ mạnh hơn, ta không mất mà sức ta tăng gấp 2, 3. Nếu mà giữ được thì kết thúc”[xxxi]. Nghi quyết Hội nghị lần thứ 14 cho rằng: “Giai đoạn tổng công kích và tổng khởi nghĩa sẽ kéo dài trong một thời gian nào đó hoặc có thể rút ngắn hơn, điều ấy tùy thuộc vào sự cố gắng chủ quan của ta và sự đối phó của địch. Nhưng trong tình hình địch chuyển vào thế bị động phòng ngự và đang tiến thoái lưỡng nan về chiến lược như hiện nay thì những cố gắng chủ quan và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của ta có tác dụng quyết định trực tiếp[xxxii]. Như vậy, theo Đảng ta thì thời cơ đã xuất hiện vào thời điểm tết Mậu Thân và sẽ tồn tại một thời gian tương đối dài, phụ thuộc chủ yếu vào hành động của chúng ta.

4. Chủ trương và nhiệm vụ của Đảng Lao Động Việt Nam

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng chủ trương: “không chỉ phát động tổng công kích, mà còn đồng thời phát động tổng khởi nghĩa, tức là dùng lực lượng vũ trang mạnh của ta đánh vào các binh đoàn chủ lực của địch, đánh mạnh vào “đô thành” và các thành phố khác, tạo điều kiện cho hàng triệu quần chúng ở thành thị và các vùng nông thôn còn tạm bị chiếm nổi dậy khởi nghĩa, phối hợp với các lực lượng vũ trang của ta để tiêu diệt và làm tan rã quân địch, đánh đổ các cơ quan đầu não của ngụy quyền, làm rối loại và tê liệt tận gốc bộ máy chiến tranh của Mỹ và Ngụy, biến hậu phương và dự trữ chiến lược của địch thành hậu phương và dự trữ chiến lược của ta, vừa liên tục tiến công tiêu diệt địch, vừa không ngững phát triển lực lượng ta về chính trị và quân sự, làm thay đổi mau chóng lực lượng so sánh một cách có lợi cho ta, không có lợi cho địch và giành thắng lợi quyết định về ta[xxxiii].

Về nhiệm vụ, Trung ương Đảng chỉ rõ:

“a, Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

b, Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam.

c, Trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, còn ta thì bảo vệ được miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà[xxxiv]… “Đặc biệt, cuộc tiên công của các lực lượng vũ trang và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân ở các thành thị lớn là mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định đối với toàn bộ chiến trường và toàn cuộc chiến tranh. Vì thế, tất cả những cuộc công kích và khởi nghĩa ở các vùng khác trên chiến trường miền Nam đều có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các thành thị và trợ lực đầy đủ cho các cuộc công kích và khởi nghĩa ở các thành thị lớn”[xxxv]Bên cạnh đó, “phải biết điều động lực lượng quân sự của địch ra các chiến trường quan trọng và sử dụng những quả đấm mạnh đánh quỵ các binh đoàn chủ lực của địch, đồng thời biết kịp thời phản công tiêu diệt địch[xxxvi].

Nhiệm vụ cụ thể về quân sự, “phải có kế hoạch kéo cho được lực lượng cơ động của địch ra ngoài để tiêu diệt và đánh mạnh vào các đơn vị chủ lực lượng của địch; mặt khác phải nhằm đúng hướng công kích chủ yếu là các thành thị,… Khi công kích vào các thành thị, phải lập tức kết hợp phát động quần chúng khởi nghĩa, nhanh chóng tổ chức và vũ trang quần chúng, lãnh đạo quần chúng tham gia vũ trang, đập tan chính quyền và các ổ đề kháng của địch, tước vũ khí địch, nhanh chóng tổ chức tốt việc phòng thủ thành phố,… Cần dựa trên cơ sở hàng triệu quần chúng khởi nghĩa vũ trang,… làm thay đổi hẳn lực lượng so sánh giữa ta và địch trong một thời gian ngắn… phải thừa thắng xông lên, kiên quyết và liên tục truy kích quân địch cho đến toàn thắng”. Về chính trị, “phải nhanh chóng tổ chức chính quyền cách mạng của nhân dân. Chính quyền cấp huyện, quận, khu phố, xã phải do ta nắm hoàn toàn và phải dựa hẳn vào sức mạnh của nhân dân lao động. Ở trên, phải kịp thời thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc[xxxvii].

5. Kết quả, ý nghĩa của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân

Chúng ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa to lớn đặc biệt trong giai đoạn thứ nhất của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Cuộc tổng công kích Mậu Thân được mở màn từ đêm 29 rạng sáng 30/1/1968 (đêm mùng 1 Tết) chúng ta đã tấn công. Sang đêm 30 rạng sáng 31/1/1968, chúng ta đồng loạt tấn công trên toàn chiến trường, tập trung vào các đô thị[xxxviii]. Với lực lượng “ước chừng 84.000 người đã đột nhập vào 5 trên 6 thành phố, 36 trên 44 thị xã, 36 trên 242 huyện lỵ, 25 sân bay, nhiều kho tàng, ấp chiến lược, trụ sở chính qyền, trạm cảnh sát[xxxix]. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục mở rộng lần thứ 5 (3/1968) ghi về thắng lợi của ta trong đợt 1: “Ta đã tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã độ 1/3 quân Ngụy, làm cho quân Ngụy gặp khó khăn rất nghiêm trọng,… làm cho sức chiến đấu và tinh thần của quân Mỹ bị giám sút rõ rệt,… đẩy ngụy quyền tới chỗ rệu rã;… thực hiện quyền làm chủ một thời gian nhứt định với mức độ khác nhau. Hiện nay vẫn đứng vững trên các vùng ven và duy trì thế hoạt động liên tục vây ép các vùng đô thị và căn cứ của địch”.[xl]

Cuộc tấn công làm địch thực sự choáng váng, Tổng thống Johnson buộc phải tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ thứ hai đồng thời chấp nhận sẽ chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chịu ngồi vào bàn đàm phán. Ngày 1/3/1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MacNamara bị cách chức, sau đó Westmoreland cũng bị bãi quyền. Clark Clifford nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay MacNamara tỏ ra hoang mang: “Tôi không biết bao giờ cuộc chiến tranh kết thúc, không biết nó kết thúc bằng cách nào,… Không biết liệu bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mỹ[xli]. Cuộc tổng công kích đã buộc chuyển chiến lược “tìm diệt” sang “quét và giữ” và đã làm lay chuyển ý chí xâm lược của Mỹ. Nghị quyết của Bộ Chíh trị (8/1968) khẳng định: “Thắng lợi to lớn nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh” [xlii]. Ngày 1/11/1968, Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá miền Bắc, “đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ[xliii]. Năm 1973, khi đánh giá về ý nghĩa của cuộc tổng công kích, một lần nữa Trung ương Đảng khẳng định: “Thắng lợi của cuộc tiến công Tết Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ,… Ta đã giành thắng lợi to lớn này chỉ sau ba năm, kể từ khi địch chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, trong lúc địch đã có trên 20 vạn quân Mỹ, Ngụy và quân chư hầu trên chiến trường, … Sự kiện này chứng minh rực rỡ sức mạnh của phong trào cách mạng của quần chúng và sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở miền Nam[xliv].

Mặc dù giành được thắng lợi nhưng cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vẫn có những hạn chế.

Về khách quan, cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa diễn ra giữa cuộc chiến tranh trong điều kiện địch còn đông, được trang bị nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, mặc dù lúng túng về chiến lược, bị động về chiến thuật song trên thực tế vẫn chưa rơi vào tình trạng hoang mang đến cực độ. “Tổng số quân Mỹ - Ngụy và Đồng minh là 1.298.000[xlv]. “Trên chiến trường miền Đông, tính riêng khối chủ lực, 3 sư đoàn chủ lực quân giải phóng phải đối đầu với lực lượng tương đương 9 sư đoàn Mỹ - Ngụy, Đồng minh[xlvi]. Rõ ràng lực lượng so sánh thực tế chưa cho phép chúng ta giành thắng lợi quyết định trong chớp nhoáng.

Về chủ quan, trước khi tiến hành tổng công kích, Trung ương Đảng đã nhận thấy “Trong các vấn đề bổ sung tại chỗ lực lượng vũ trang, đánh tiêu diệt những đơn vị lớn của Mỹ, xây dựng thực lực chính trị và chỉ đạo phong trào thành thị. Chúng ta cũng còn có những khó khăn nhất định về hậu cần, về giao thông vận tại, về công tác ngụy vận, địch vận[xlvii]. Ngay khi cuộc tổng công kích đang trong ở cao trào (2/1968), Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã nhận thấy nguyên nhân của khuyết điểm “chủ yếu là do về mặt chỉ đạo chỉ huy, ta còn phạm khuyết điểm chủ quan đơn giản, tính toán kế hoạch chưa thật cụ thể tỉ mỉ và chưa dự kiến hết các tình huống có thể xảy ra, tác phong thâm nhập kiểm tra trong giai đoạn chuẩn bị chưa chu đáo[xlviii]. Trong Nghị quyết này, chúng ta cũng đã xác nhận cuộc tấn công của ta “chưa đạt yêu cầu về quân sự và chính trị. Nhiều tiểu đoàn mũi nhọn chưa vào được nội thành để tiếp sức cho các đội biệt động, do đó chưa dứt điểm các mục tiêu chính. Quân sự phối hợp chưa chặt, đánh chưa tốt nên chưa thành đòn xéo mạnh để quần chúng đứng lên khởi nghĩa[xlix]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này viết: “Do nhận thức và đánh giá chưa thật sát đúng tình hình, nên lúc chiến tranh đang diễn ra quyết liệt, địch còn khá mạnh là không sát thực tế. Cuộc tổng khởi nghĩa đã không diễn ra. Ta đã kéo dài cuộc Tổng tiến công vào các đô thị trong khi yếu tố bất ngờ không còn, địch đã củng cố. Ta đã chậm chuyển hướng về nông thôn rộng lớn  … Khuyết điểm, sai lầm ấy đã gây cho ta những tổn thất và khó khăn về sau” [l]. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thời điểm đó là Phó Bí thư Trung ương Cục, kiêm Bí thư “khu trọng điểm”) cũng xác nhận: “Đúng là do ta giữ bí mật tuyệt đối để giáng đòn bất ngờ cho địch, quần chúng không nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ khóm phường cùng lúc với lực lượng biệt động và các tiều đoàn chủ lực đánh vào các cứ điểm quy định[li]. Đồng chí Trần Bạch Đằng (thời điểm đó giữ chức Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khu Trung tâm trong Mậu Thân, Phó bí thư Đảng ủy Tiền phương Nam, Bí thư Thành ủy Sài Gòn) cho biết tình hình ở vùng Sài Gòn – Gia Định: “Thời điểm đó, chúng tôi gặp một khó khăn rất lớn,… một số Khu ủy viên bị bắt,.. và một số cán bộ cốt cán khác, một mảng tổ chức quần chúng bị thiệt hại nặng do tên Ba Trà, Bảy Nhỏ, Ca Vĩnh Phối phản[lii]. Ngay cả ở miền Bắc, “những thành tích đó rõ ràng là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng… Công tác động viên sức người, sức của cho tiền tuyến chưa tập trung, chưa khẩn trương đúng mức cần thiết[liii]. Vì vậy, mặc dù chúng ta “đã và giữ được trong một thời gian nhất định, đã gây cho địch những tổn thất nhất định về sinh lực và cơ sở, làm tê liệt và,… đặc biệt đã làm cho tinh thần bè lũ Mỹ - Ngụy hoang mang dao động đến cực độ” nhưng từ tháng 2 “ta đã lỡ một một thời cơ cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ” [liv]. 50 năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy, Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết thêm: “Cũng chính vì rất bí mật, nên có những trục trặc. Ví dụ, ở Sài Gòn biệt động thành đánh rất mạnh vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu… nhưng lực lượng quân chủ lực chỉ đánh vòng ngoài nên hỗ trợ không được mấy. Đó là điều đáng tiếc nhưng phổ biến cụ thể sẽ bị lộ không đánh được. Chính điều này cũng dẫn đến sơ hở, bộc lộ hết các cơ sở lực lượng bí mật trong nội thành, sau này rất khó khăn để gầy dựng lại”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng đinh:  “Nhiều người ngoài cuộc và một số cán bộ miền Bắc trước đây không ra chiến trường, hỏi "tại sao hết quân nhưng vẫn đánh?". Họ không hiểu rằng mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều có mục đích. Ở đây là vì Mỹ lần lữa, nên ta phải đánh để buộc Mỹ vào Hiệp định Paris. Khi đạt rồi thì đấy là thắng lợi, dù hy sinh đến mấy cũng là thắng lợi”[lv].

 

Nghị Quyết của Bộ Chính trị (8/1968) đã nêu rõ: “Chúng ta đã chưa đạt được những yêu cầu đã đề ra về quân sự và chính trị,… Công kích quân sự và sự nổi dậy của quần chúng ở các thành thị, nhất là ở các thành thị lớn, chưa đủ mạnh hoặc chưa giữ vững được thế tiến công liên tục. Huế lúc đầu thắng lớn nhưng không duy trì được thế tiến công thường xuyên. Sài Gòn lúc đầu có một số trận vang dội, về sau đã giữ vững và phát triển được thế tiến công thường xuyên, nhưng nổi dậy của quần chúng vẫn còn yếu. Đà Nẵng chưa phát huy được những khả năng của mình; Việc giải phóng nông thôn chưa đạt yêu cầu. chúng ta đã giải phóng thêm 2 triệu dân, làm chủ hoàn toàn hai phần ba các ấp ở nông thôn. Tuy nhiên, số xã chưa được giải phóng hoàn toàn còn nhiều, địch còn chiếm đóng hầu hết các quận lỵ; Các lực lượng vũ trang của ta chưa thực hiện được chủ trương đánh những trận lớn, tiêu diệt những đơn vị lớn của địch; Công tác vận đông binh sĩ địch, gây binh biến và khởi nghĩa trong quân đội địch còn yếu. Đồng thời ta cũng chưa làm tốt công tác chống địch bắt lính, chưa hạn chế và triệt được nguồn bổ sung của chúng; Công tác bảo đảm vật chất đã có những cố gắng lớn và thành công lớn, nhưng trên những hướng nhất định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chiến trường. Công tác hậu cần có những tiến bộ lớn nhưng cũng còn nhiều khuyết điểm, tuyến chiến lược chưa thật vững, tuyến chiến dịch còn yếu[lvi]. Đảng cho rằng, nguyên nhân khách quan là: “Ta tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong điều kiện địch còn trên một triệu quân và rất ngoan cố, ta phải giải quyết những vấn đề mới, rất phức tạp chưa thể nhận thức đầy đủ ngay từ đầu, thời gian hành động lại rất gấp, ảnh hưởng tới việc hoàn thành công tác chuẩn bị về các mặt[lvii]. Về chủ quan, Đảng chỉ rõ: “Việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị có nhiều thiếu sót. Nhiều địa phương chưa nắm thật vững quan niệm tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình, có nơi chưa nắm thật vững phương hướng chiến lược; chưa nắm thật vững phương châm kết hợp quân sự và chính trị, kết hợp tiến công và khởi nghĩa, v.v..; Đánh giá địch nhìn chung căn bản là đúng, nhưng trên từng chiến trường có những điểm đánh giá chưa chính xác, chưa đánh giá đúng mức âm mưa và khả năng của của địch đánh phá các tuyến vận chuyển của ta; Việc chỉ huy tác chiến của đội chủ lực trên một số chiến trường còn có khuyết điểm, nhược điểm; Tổ chức chỉ huy và lãnh đạo chưa kịp yêu cầu của nhiệm vụ to lớn và phức tạp của tổng công kích, tổng khởi nghĩa[lviii]. Sau 5 năm nhìn lại, Đảng ta thừa nhận đã “chủ quan trong việc đánh giá tình hình, đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó; nhất là sau đợt tiến công Tết Mậu Thân, ta không kịp thời kiểm điểm rút kinh nghiệm ngay để đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời; ta chậm thấy cố gắng mới của địch và những khó khăn lúc đó của ta… Mặc dù có những khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ[lix].

Thời điểm trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, có khoảng một nữa triệu quân Mỹ và chư hầu cùng với đó là hơn 1 triệu quân của Việt Nam Cộng hòa. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân để cho Mỹ thấy rằng không những chúng ta đủ sức đánh lớn mà có thể đánh kéo dài nếu Mỹ còn chiến tranh, muốn giải quyết buộc Mỹ phải bước vào Hiệp định Paris. Có thể nói, thời điểm đó cũng là thời điểm chín muồi để bước vào Hiệp định Paris, bởi có nhiều quốc gia vận động, bản thân Mỹ cũng muốn (ban đầu không muốn). Qua đó có thể thấy, chúng ta tổ chức cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân chính là để buộc Mỹ phải vào Hiệp định Paris. Có Hiệp định Paris rồi Mỹ mới cút dẫn đến Ngụy nhào, chúng ta mới thực hiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Phải có đường lối kháng chiến đúng đắn, nghệ thuật chiến tranh nhân dân độc lập, sáng tạo. Để giành thắng lợi, phải nắm vững chiến lược và luôn bám sát thực tế, xuất phát từ thực tiễn để kịp thời đưa ra chủ trương đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo. Bênh cạnh đó, phải biết ta biết địch, nhận định đúng và xác định đúng, chớp thời cơ kịp thời. Đó là những bài học từ cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Sau 50 năm nhìn lại, những bài học này vẫn còn nguyên giá trị của nó./.



Chú thích:

Khoa LLCT&KTĐC - Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh.

[i] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 29, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 7.

[ii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 29, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 46.

[iii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 29, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 47.

[iv] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 106.

[v] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 320.

[vi] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 137.

[vii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 551.

[viii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 106.

[ix] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 143.

[x] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 551.

[xi] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 150.

[xii] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Đảng, toàn tập, tâp 27, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét