Sự lãnh đạo của Đảng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
NDĐT - Thắng lợi Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 do Trung ương Đảng, Bộ Chính trị - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh, trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo cụ thể trên tất cả các phương diện chính trị, quân sự và ngoại giao, trong nước và quốc tế.
1. Phương châm “đánh chắc tiến chắc”
Ngay từ tháng 1-1953, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ tư khoá II từ ngày 25 tới ngày 30 để đưa ra các quyết sách quan trọng về cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954. Trong Báo cáo khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sáng rõ tình hình thế giới và trong nước, đồng thời đề ra những nhiệm vụ cụ thể trong kháng chiến, kiến quốc. Cùng với sự khẳng định những mặt tiến bộ của quân đội ta sau những lớp chỉnh huấn, Bác Hồ cũng đã thẳng thắn phê bình: “Tuy vậy, một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, ăn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, chế độ tài chính không chặt chẽ, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy”[1]. Trong “chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự”, Người yêu cầu phải làm 10 việc cụ thể, trong đó có: “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội” và “xây dựng pháo binh.”[2]
Cũng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương bốn khoá II, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trình bày Báo cáo của Trung ương Đảng, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo và phương châm đánh chắc, tiến chắc cho toàn bộ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954: “Về vấn đề chỉ đạo chiến tranh, phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng của ta là trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh. Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn.
Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn…
Bởi vậy, về chiến lược, chủ lực của ta phải lấy vận động chiến làm chính, nhưng vận động chiến cơ động, linh hoạt. Dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt.”[3]
Như vậy, phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” và “dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt” cho toàn bộ chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 đã được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh xác định và chỉ đạo ngay từ đầu năm 1953.
Trước đó, trong “Thư gửi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh về kế hoạch đánh địch ở Nghĩa Lộ” ngày 18-12-1952, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên quyết thực hiện phương châm “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc”:
“Đồng chí Hưng (Võ Nguyên Giáp) và Ninh,
Báo cáo ngày 12 tháng Mười của các anh, đã nhận được. Sau khi Bộ Chính trị nghiên cứu, trả lời như sau:
Các đồng chí vẫn nên làm theo tinh thần bức điện ngày 7 tháng Mười của đồng chí Thận… Tóm lại, dù sao cũng phải chuẩn bị đầy đủ, đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, không đánh thì thôi, đánh thì phải thắng.”[4]
Quan điểm chỉ đạo “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” của Tổng Bí thư Trường Chinh được hình thành trong suốt quá trình lãnh đạo thực hiện chủ trương kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính đã được nêu lên từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi - ấn hành năm 1947. Đó là sự tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng và chiến đấu của quân và dân ta.
Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954: “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” và “dùng vận động chiến cơ động, linh hoạt tiêu diệt từng miếng một của địch, không phải đánh ào ạt, tiêu diệt luôn một lượt” chính là hệ quả logic của quá trình tổng kết thực tiễn chiến đấu thành công và chưa thành công của quân đội ta qua các chiến dịch. Đồng thời, đó cũng là sự khái quát lý luận quân sự cách mạng Việt Nam trên cơ sở kế thừa di sản tư tưởng quân sự độc đáo của dân tộc như “dĩ đoạn binh, chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (Nguyễn Trãi), v.v. kết hợp với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện “chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều.”
Về vai trò lãnh đạo và chỉ đạo công tác quân sự của Tổng Bí thư Trường Chinh trong kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Bác Hồ là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể về lý luận với cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi, là do anh Trường Chinh. Trên cương vị Tổng Bí thư, anh Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo những công tác chung mà còn rất coi trọng chỉ đạo công tác quân sự. Có nhiều hội nghị quân sự anh Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lúc bấy giờ.”[5]
2. Chuẩn bị hướng chiến lược Tây Bắc
Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa II, tháng 1-1953, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tập trung xác định hướng trọng điểm của chiến cuộc Đông-Xuân 53-54 để chỉ đạo các địa phương chuẩn bị làm đường vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường vì hậu cần chiến dịch luôn phải đi trước một bước. Ngày 15-6-1953, Ban Bí thư đã có Chỉ thị “Về việc lãnh đạo công tác làm cầu đường giao thông vận tải” do Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Chỉ thị nêu rõ: “Hiện nay nhu cầu kháng chiến ngày càng nhiều, khối hàng phải vận chuyển tăng lên rất nhanh. Nhưng đường cầu, phà hiện nay rất xấu: đường hẹp, lầy, dốc, nhiều quãng ngoặt quá hẹp, xe đi vừa chậm vừa tốn dầu, hại máy, nhiều dốc cao không lên nổi, quãng ngoặt không quanh được; phà, cầu thì yếu, mục gẫy… Địch tăng cường phá hoại… Nhất là khi ta chuẩn bị những chiến dịch và trong thời gian có chiến dịch của ta, địch càng ra sức phá hoại rất dữ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển theo kế hoạch. Trước tình hình như thế, nhiều tỉnh vẫn chưa nhận rõ tầm quan trọng của công tác làm cầu đường…
Nhiệm vụ hiện nay là phải làm những đường tốt cần thiết để đảm bảo việc vận chuyển quân sự, để sẻ bớt gánh nặng vận chuyển cho dân và đồng thời cũng để mở rộng việc vận chuyển kinh tế. Do đó cấp ủy Liên khu Việt Bắc và các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Liên khu 4 và tỉnh Thanh Hóa, Liên khu 3 và tỉnh Hòa Bình, các cấp ủy phải tăng cường việc lãnh đạo công tác đường cầu, điều động những cán bộ tích cực, có năng lực phụ trách các công tác ấy để thực hiện cho kỳ được kế hoạch…”[6]
Từ các địa danh được nêu trong Chỉ thị này của Ban Bí thư, có thể thấy rõ ý định của Bộ Chính trị về hướng tiến công chiến lược của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 là khu vực rừng núi phía Bắc gần với Lào và Trung Quốc. Do có kế hoạch sát đúng từ rất sớm và nhờ sự chỉ đạo cụ thể, sát sao của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nên ta đã chủ động triển khai xây dựng được các tuyến đường cần thiết, bảo đảm vận chuyển hậu cần phục vụ cho Mặt trận Điện Biên Phủ sau này.
Cùng với việc lãnh đạo và chỉ đạo sửa chữa, xây dựng mới và hoàn thiện các tuyến đường giao thông, cầu phà vận chuyển bảo đảm hậu cần cho mặt trận trọng điểm, tháng 7-1953, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ủy ban chi viện tiền tuyến, nhằm huy động tối đa sức người, sức của của hậu phương, bảo đảm các nhu cầu vật chất cho chiến trường trọng điểm sắp tới.[7] Vấn đề đặt ra là nơi nào sẽ là chiến trường trọng điểm của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954?
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy trình bày hai phương án tác chiến: “một là tập trung toàn bộ hoặc phấn lớn chủ lực đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ; hai là điều động lực lượng mở các cuộc tiến công trên nhiều hướng chiến trường để phá kế hoạch tập trung lực lượng cơ động của địch - được coi là xương sống của Kế hoạch Navarre.”[8]
Vì hành động của địch chưa rõ rệt, Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.” Quán triệt quan điểm chỉ đạo tác chiến của Hội nghị Trung ương 4 khóa II, tháng 1-1953, Nghị quyết Bộ Chính trị đã khẳng định các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và tác chiến là: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Đồng thời, Bộ Chính trị đã quyết định chọn hướng chính là Tây Bắc, các hướng khác là hướng phối hợp, nhằm tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc.[9]
Nghị quyết này của Bộ Chính trị đã được quán triệt rất sớm tới các cấp, các ngành để mở đường đi tới những thắng lợi lịch sử trong đông xuân 1953-1954.[10] Sau Hội nghị Bộ Chính trị vào cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã tiếp tục lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai khẩn trương các công tác chuẩn bị chiến trường, tổ chức lực lượng, bảo đảm hậu cần cung cấp phục vụ chiến trường trọng điểm theo phương châm chuẩn bị lực lượng và bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phải đi trước một bước. Trên thực tế, Tổng Bí thư Trường Chinh đã dự liệu và chỉ đạo triển khai công tác này từ tháng 4-1953.
Ngày 9-11-1953, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị: “Về tích cực chuẩn bị phá âm mưu địch đánh ra vùng tự do” do Tổng Bí thư Trường Chinh ký, yêu cầu các địa phương, các ngành các cấp phải tập trung cao độ mọi mặt vào nhiệm vụ trung tâm là phục vụ tiền tuyến. Chỉ thị nêu rõ: “Việc phục vụ tiền tuyến và việc chuẩn bị để phá âm mưu địch đánh ra vùng tự do là hai nhiệm vụ trong yếu cấp thiết hơn hết và quan hệ mật thiết với nhau. Do đó trong việc phân phối lực lượng, phân phối cán bộ, khi địch chưa đánh ra, nếu gặp khó khăn phải đặt việc phục vụ tiền tuyến lên trên hết…”[11]
3. Chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh đã ra lệnh cho Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, một bộ phận của các Đại đoàn 325 và 304 tiến sang Trung Lào. Được tin quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, Tổng Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - tướng Henrry Navarre đã lập tức cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và điều lực lượng ở Bắc Bộ sang đứng chân ở Trung Lào với hy vọng giữ Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào. Một tình huống chiến lược mới đã xuất hiện: địch bị động đối phó và đã chọn lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm chuẩn bị cho trận đánh quyết định cuối cùng.[12]
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Tổng Chỉ huy Henrry Navarre đã cho tăng lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn pháo. Tổng số binh lực địch ở đó lúc cao nhất là 16.200 tên, được bố trí trong 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm để yểm hộ lẫn nhau. Phân khu Trung tâm được các trung tâm đề kháng của địch trên các ngọn đồi phía đông bảo hộ một cách đắc lực, có các lực lượng cơ động, các căn cứ pháo binh và cơ giới, có sở chỉ huy. Sân bay chính của Điện Biên Phủ cũng ngay ở đấy. Toàn bộ tổ chức phòng ngự quy mô rộng lớn của tập đoàn cứ điểm này đều nằm trong công sự và giao thông hào chìm dưới mặt đất. Cả Pháp và Mỹ đều thống nhất đánh giá đây là: “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, một “con nhím” hoàn hảo được tổ chức phòng ngự theo kiểu hiện đại.[13]
Ngày 6-12-1953, sau khi phân tích kỹ tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ ở Việt Nam; đánh giá mức độ, khả năng chuẩn bị cung cấp cho mặt trận và thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội, Bí thư Tổng Quân ủy đã được chỉ định trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương. Đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách các vấn đề về đường sá và cung cấp của chiến dịch. Nhiều nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ nổi tiếng như: bác sĩ Tôn Thất Tùng, Vũ Đình Tụng, Họa sĩ Tô Ngọc Vân (hy sinh trên đường ra trận), nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, v.v. đã lên đường ra mặt trận.[14]
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”[15], và căn dặn: “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.”[16]
Ngày 14-1-1954, phát biểu kết luận tại Hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẳng định:
“1. Ở Điện Biên Phủ địch có 13 tiểu đoàn, bố trí thành tập đoàn cứ điểm...
2. Căn cứ vào địch tình như vậy, kế hoạch tác chiến của ta là tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực từ phía tây đột phá, đánh nhanh vào tung thâm Mường Thanh, đồng thời từ phía đông giáp công…
3. Kế hoạch đó là đúng
Vì chúng ta tập trung binh hỏa lực mạnh nhất của ta đánh vào chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất của địch…”[17]
Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình chiến trường, ngày 30-1-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có thư:
“Kính gửi: Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và Chính trị Bộ
Chúng tôi đã nghiên cứu chủ trương tác chiến mới của ta ở Điện Biên Phủ và chủ trương quân sự của ta trên các chiến trường toàn quốc với đồng chí Quốc, nay xin phân bốn điểm báo cáo như sau:
1. Chủ trương tác chiến mới ở Điện Biên Phủ
Ngày 25, bộ đội ta đã đến đủ ở vị trí tập kết, phần lớn pháo binh cũng đã vào trận địa. Chúng tôi nghiên cứu lại lần cuối cùng tình hình địch ta để ra lệnh nổ súng thì nhận thấy:
a) Địch tăng đến 15 tiểu đoàn, một số pháo, sự bố trí ở phía bắc và tây đã mạnh hơn trước; vị trí Hồng Cúm ở phía nam trước chỉ có 2 tiểu đoàn thì nay có 4 tiểu đoàn, thêm 12 khẩu lựu pháo, có trường bay mới làm, biến thành một tập đoàn cứ điểm thứ hai để yểm hộ cho Mường Thanh.
b) Lựu pháo và cao pháo của ta bố trí ở Bắc và Tây Bắc chỉ hợp với kế hoạch đánh nhanh, không hợp với kế hoạch đánh từng bước, vì từ đường ôtô kéo vào phải dùng trên 1 đại đoàn bộ binh kéo trong 8 đêm (trước báo cáo là chỉ cần 2 đêm), nếu chiến sự phát triển không thuận lợi thì tiến lui đều khó.
c) Việc chuẩn bị về mọi mặt đều phải tăng cường mới bảo đảm đánh lâu được.
Chúng tôi nhận thấy đối với một kẻ địch đã tăng cường như ở Điện Biên Phủ thì phải dùng cách đánh tiêu diệt từng bước, trong giai đoạn đầu tiêu diệt sinh lực chúng ở ngoại vi, đồng thời tìm cách tiêu hao chúng, khống chế sân bay để hạn chế hoặc triệt đường tiếp tế của chúng trong một thời gian khá dài. Vì vậy, chúng tôi quyết định:
a) Tạm đình ngày nổ súng, điều chỉnh lại bộ đội cho hợp với kế hoạch mới…
5. Đề nghị Hồ Chủ tịch và Chính trị Bộ cho chỉ thị về sự nhận định tình hình và chủ trương quân sự nói trên.
HƯNG”[18]
Ngày 3-2-1954, Ban Bí thư đã có Điện chỉ đạo:
“Kính gửi anh Sáu (Võ Nguyên Giáp)
1. Bộ Chính trị đã nghiên cứu bản kế hoạch hoạt động do các anh đề nghị. Bộ Chính trị chuẩn y toàn bộ kế hoạch ấy và đã bàn với anh Dũng (Văn Tiến Dũng), anh Trân (Nguyễn Văn Trân) về việc huy động nhân lực, vật lực.
Đã điện ra ngoài mấy việc cần như xin ngay 100 xe và thức ăn…”[19]
Để thực hiện kế hoạch mới chuyển từ phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta phải bố trí lại thế trận và binh lực, kéo pháo và rút quân ra. Trong thời gian này, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã liên tục chỉ đạo các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở miền Nam phải nỗ lực chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch, giam chân địch và căng địch ra để chúng không thể chi viện được cho cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh chống bắt lính và tiếp tục huy động nhân lực, vật lực phục vụ Chiến dịch Điện Biên.
Ngày 13-3-1954, sau khi mọi công tác chuẩn bị lại ở mặt trận Điện Biên Phủ đã được hoàn thành xong theo phương châm tác chiến “đánh chắc tiến chắc” của Hội nghị Trung ương 4 khoá II từ tháng 1-1953, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu mở màn với đợt tiến công thứ nhất vào hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập.
Ngày 14-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có Điện “Gửi: Bác và Bộ Chính trị”, báo cáo trận đánh đầu tiên và kết quả ban đầu. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 3/13 DBLE, bắt 250 tù binh.[20]
Ngày 15-3-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiếp tục có điện “Kính gửi: Bác và Bộ Chính trị”, báo cáo sơ bộ trận đánh thứ hai và kết quả. Ta đã bắn rơi 3 phi cơ và bắt 300 tù binh. Cùng ngày, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng đã có điện “Kính gửi Trung ương - Đồng kính gửi anh Thao (Nguyễn Chí Thanh), anh Dũng (Văn Tiến Dũng)”, báo cáo trận đánh tiêu diệt vị trí đồi Độc Lập và kết quả trận đánh. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn bộ binh Angiêri số 7, bắt sống 350 tên địch, tiêu diệt hơn 200 địch, trong đó có tên quan tư, không có tên nào chạy thoát, ta thu toàn bộ vũ khí trong đó có 8 khẩu 120 ly.[21]
Ngày 29-3-1954, trước khi mở cuộc tiến công đợt 2, Tổng Quân ủy đã có một văn bản quan trọng gửi cán bộ và chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ:
“Tổng Quân ủy gửi tất cả các đồng chí
… Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động nhất là trong những giờ phút gay go quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng mãnh, đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng giao cho...”[22]
Ngày 30-3-1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ra lệnh tiến công đợt hai vào các ngọn đồi phía đông theo chủ trương “đánh nhanh giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão” của Tổng Quân ủy. Cuộc chiến giữa ta và địch diễn ra rất gay go, quyết liệt. Riêng tại đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất ở phía đông, ta với địch giành nhau từng tấc đất.
Kết thúc đợt 2 tấn công theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão” của Tổng Quân ủy, ta chưa đạt được mục tiêu đặt ra, chỉ mới chiếm được một nửa đồi A1 - cứ điểm hỏa lực quan trọng nhất ở phía đông. Còn đồi C1, ta đã chiếm được sau 45 phút chiến đấu đầu tiên, nhưng sau đó địch cho quân phản kích, đánh chiếm lại vào ngày 9 - 4. Sau 4 ngày đêm chiến đấu, ta cũng chỉ chiếm lại được một nửa đồi C1, địch chiếm một nửa.[23] Tình hình tư tưởng ở các đơn vị có vấn đề hữu khuynh, hoang mang, dao động, thiếu tin tưởng và thiếu quyết tâm… gây ảnh hướng lớn tới sức chiến đấu của bộ đội và việc thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến dịch. Trước tình hình đó, ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị đã ra hai Nghị quyết quan trọng. Nghị quyết thứ nhất là nghị quyết “Về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, phê phán các biểu hiện chủ quan khinh địch, tự mãn và yêu cầu cần phải tiếp tục chấn chỉnh, quán triệt sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Nghị quyết chỉ rõ:
“1. Hai đợt tấn công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tiêu diệt hơn 2/5 sinh lực địch…
Những thắng lợi đó chứng tỏ sự chỉ đạo đúng của Trung ương và sự trưởng thành của quân đội. Trung ương rất vui mừng nhận thấy các cấp ủy, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cố gắng và tiến bộ nhiều…
Nhưng vì cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm: chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, còn ngại thương vong mỏi mệt, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy cho nên đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần…”[24]
Trong số các nhiệm vụ đề ra, Nghị quyết lại tiếp tục khẳng định:
“… b) Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”[25]
Nghị quyết thứ hai là nghị quyết “Về tiếp tục động viên nhân lực, vật lực cho mặt trận Điện Biên Phủ để dành toàn thắng Chiến dịch này”. Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu phải tiếp tục thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Nghị quyết chỉ rõ:
“… Cán bộ và chiến sĩ Điện Biên Phủ phải tiếp tục thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chắc” để hoàn thành nhiệm vụ…
Để đảm bảo cho chiến dịch toàn thắng, các cấp ủy Đảng, các địa phương phải:…Nghiêm chỉnh thi hành triệt để và nhanh chóng mọi mệnh lệnh động viên nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến của Chính phủ và của Bộ Tổng tư lệnh ở địa phương mình…”[26]
Ngày 21-4-1954, Ban Bí thư cũng đã có thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp, chỉ rõ âm mưu và các hành động đối phó của địch sắp tới, đồng thời yêu cầu phải quán triệt thật sâu sắc phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Bức thư nêu rõ:
“… Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của anh về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể:
- Rút kinh nghiệm chống giữ đồi A mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm;
- Tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta;
- Ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm.
Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp.
Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng.
Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc tiến chắc”; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến.”[27]
Như vậy, liên tiếp trong hai nghị quyết quan trọng trên của Bộ Chính trị và thư của Ban Bí thư gửi đồng chí Võ Nguyễn Giáp, đều có yêu cầu Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ phải tiếp tục thấu triệt, nắm vững và thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Tiếp thu sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong Báo cáo tại Hội nghị các Bí thư Đại Đoàn ủy và các đồng chí phụ trách các Tổng cục ở Mặt trận Điện Biên Phủ ngày 29-4-1954, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã truyền đạt:
“… a) Căn cứ vào quyết tâm của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, căn cứ vào tình hình địch, ta hiện nay, nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là ra sức tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, thắt chặt trận địa bao vây hơn nữa để đạt đến mục đích triệt tiếp viện và tiếp tế của địch, tạo điều kiện đầy đủ để tiêu diệt toàn bộ quân địch…
b) Muốn thực hiện nhiệm vụ đó thì phải nắm vững phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời phải tích cực tranh thủ thời gian…”[28]
Ngày 1-5-1954, ta bắt đầu đợt tiến công thứ ba. Do Đảng uỷ và Bộ Chí huy chiến dịch quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã được khẳng định lại trong hai nghị quyết Bộ Chính trị và chỉ thị của Ban Bí thư, nên tới ngày 7-5-1954, ta giành được thắng lợi hoàn toàn.
Như vậy, từ quá trình chuẩn bị mọi mặt và triển khai thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 1/1953 đến tháng 5/1954, có thể thấy rõ sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng đối với quân đội. Trí tuệ lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng cùng sự chỉ đạo cụ thể, trực tiếp, toàn diện, sát sao, liên tục của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh trong đó có phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và “xây dựng pháo binh” là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
-----------------------
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 7, tr. 12
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 7, tr. 13,15
[3] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14, tr. 59 (trong bài này, những chỗ in nghiêng và in đậm không giống với nguyên tác là do tác giả muốn nhấn mạnh)
[4] Trường Chinh: Tuyển tập, I (1937-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 906-907 (đồng chí Hưng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Thận là Tổng Bí thư Trường Chinh)
[5] Trường Chinh: Một nhân cách lớn - Một lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31
[6] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14,
tr. 243-244
[7] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 194
[8] Xem: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 10, Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 223-224
[9] Xem: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 193; Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 10 - Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 224
[10] Xem: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 193
[11] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14, tr. 354
[12] Xem: Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 10 - Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 88-89
[13] Xem: Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 196-197, 203
[14] Xem: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 10, Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 89-90
[15] Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 66
[16] Võ Nguyên Giáp: Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 66
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 201-203 (đồng chí Quốc là Cố vấn quân sự Trung Quốc)
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 214-220 (đồng chí Quốc là đồng chí Vi Quốc Thanh, Hưng là Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 221(anh Sáu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Dũng là đồng chí Văn Tiến Dũng, anh Trân là đồng chí Nguyễn Văn Trân)
[20] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 251-252
[21] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 254-256
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, t.15, tr. 434
[23] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị : Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và Bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 205
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 87-88
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 88
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 286-287
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.15, tr. 92-93
[28] Đảng Cộng sản Việt Nam: Điện Biên Phủ - Hội nghị Giơnevơ, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 294-295