Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Đừng quá tự tin vào phát thanh viên - Kiến thức tài xế.

 Đừng quá tự tin vào phát thanh viên - Kiến thức tài xế.

(Từ cuốn sách "Nghệ thuật tư duy rành mạch" của tác giả Rolf Dobelli)
Sau khi nhận giải Nobel vật lý năm 1918, Max Planck đi công tác vòng quanh nước Đức. Ở bất cứ nơi đâu ông được mời, ông đều trình bày cùng một bài giảng về thuyết cơ học lượng tử mới. Dần dà, tài xế của ông đã học thuộc lòng cả bài giảng ấy: “Cứ phải trình bày mãi một bài phát biểu chắc là chán lắm nhỉ, thưa giáo sư Planck. Hay là đến Munich tôi trình bày hộ ông nhé? Ông có thể ngồi ở hàng ghế đầu tiên và đội chiếc mũ tài xế của tôi. Như vậy cả hai ta đều có dịp được trải nghiệm.”
Planck thích ý tưởng đó, nên buổi chiều hôm ấy chàng tài xế được dịp trình bày một bài giảng thật dài về cơ học lượng tử trước một nhóm thính giả khả kính. Sau đó, một giáo sư vật lý đứng lên đặt câu hỏi. Chàng tài xế bèn chống chế: “Tôi chưa từng nghĩ rằng một người đến từ thành phố phát triển như Munich lại đặt câu hỏi đơn giản đến vậy! Tài xế của tôi sẽ trả lời câu hỏi này.”
Theo lời Charlie Munger, một trong những nhà đầu tư xuất sắc nhất trên thế giới (và tôi đã nghe câu chuyện này từ ông), thì có hai dạng kiến thức.
Dạng thứ nhất là kiến thức thật sự. Chúng ta thấy nó ở những người đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để hiểu một đề tài.
Dạng thứ hai là kiến thức tài xế - những kiến thức mà người ta học chỉ để thuyết trình. Có thể những người đó có chất giọng tuyệt hay hoặc mái tóc bóng bẩy, nhưng thứ kiến thức họ trình bày không phải là của chính họ. Họ thốt ra những lời lẽ trơn tru như thể đang đọc một kịch bản vậy.
Rủi thay, việc phân biệt đâu là kiến thức thực sự và kiến thức tài xế càng lúc càng trở nên khó khăn.
Tuy thế, với các phát thanh viên, điều này thực dễ dàng. Họ là các diễn viên. Chấm hết. Ai cũng biết điều đó. Thế nhưng cho đến giờ, tôi vẫn còn ngạc nhiên vì sao những người đọc kịch bản chải chuốt ấy lại được kính trọng đến vậy, chưa kể số tiền họ kiếm được thông qua việc dẫn dắt các nhóm thảo luận về những đề tài họ chẳng hiểu rõ.
Với các nhà báo, bạn khó phân biệt hơn. Một số người quả có học được kiến thức thật sự. Thường thì họ là những phóng viên kỳ cựu chuyên trách một mảng đề tài cụ thể trong nhiều năm. Họ thực sự bỏ công bỏ sức để hiểu được mức độ phức tạp của một vấn đề và truyền đạt lại chúng. Họ thường viết những bài báo dài trong đó nhấn mạnh đến sự đa dạng của các tình huống và những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, phần đông các nhà báo rơi vào nhóm tài xế. Họ tự sáng tạo ra các bài viết, hoặc thường là từ việc tra cứu Google. Những bài viết của họ ngắn, một chiều, và - như để bù đắp cho kiến thức chắp vá của họ - đầy giọng tự mãn.
Tính nông cạn tương tự cũng có thể thấy trong kinh doanh.
Một công ty càng lớn, thì người ta càng trông đợi vị CEO của công ty đó sở hữu phẩm chất của một “ngôi sao”. Lòng tận tụy, nghiêm túc, và đáng tin cậy không được coi trọng mấy, ít nhất là ở vị trí cấp cao. Thường thì các cổ đông và phóng viên kinh tế tin rằng khả năng thể hiện bản thân sẽ mang đến kết quả tốt hơn, một điều hiển nhiên là không đúng.
Để đề phòng hiệu ứng tài xế, Warren Buffett, đối tác kinh doanh của Munger, đã đưa ra một khái niệm tuyệt vời gọi là “vòng tròn hiểu biết”: bên trong vòng tròn là thứ bạn hiểu rất rõ; những gì bên ngoài thì bạn chỉ hiểu lơ mơ.
Một trong những lời khuyên tuyệt vời nhất của Munger là: “Bạn phải giữ vững vị trí của mình trong vòng tròn hiểu biết. Bạn phải biết mình hiểu được những gì và không hiểu được những gì. Vòng tròn của bạn lớn đến đâu không phải là điều tối quan trọng. Điều tối quan trọng là bạn biết được chu vi của vòng tròn đó.”
Munger còn gạch chân những dòng này: “Vì thế bạn phải tìm ra năng khiếu của mình là gì. Nếu chỉ chơi trò chơi mà những người khác có năng khiếu còn bạn thì không, bạn sẽ thua chỏng gọng. Và đó là một dự báo gần như chắc chắn đúng mà bạn có thể đưa ra. Bạn phải tìm ra chu vi vòng tròn của mình và chỉ nên chơi trong vòng tròn hiểu biết ấy.”
Kết luận: Hãy đề phòng kiến thức tài xế. Đừng nhầm lẫn người phát ngôn của một công ty, người dẫn chương trình, phát thanh viên, một kẻ khéo miệng, người bán rong nhiều lời, hoặc những kẻ thích ba hoa chích chòe với những người thực sự hiểu biết.
Làm thế nào để nhận biết sự khác biệt? Có một dấu hiệu rõ ràng: những chuyên gia thực sự biết được giới hạn của điều họ biết và những gì họ không biết. Nếu họ nhận thấy mình đã rơi ra khỏi vòng tròn hiểu biết của bản thân, họ sẽ im lặng hoặc chỉ nói, “tôi không biết”. Họ thốt ra điều đó một cách thản nhiên, thậm chí còn có chút kiêu hãnh. Còn những gã tài xế sẽ nói cho chúng ta nghe đủ thứ ngoại trừ câu nói đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét