Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Một không gian tự do cho sự phát triển của cá nhân

 

Một không gian tự do cho sự phát triển của cá nhân

02:00 CH @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười, 2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng lời bất hủ của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Suốt hơn nửa thế kỷ qua mọi người chúng ta đều chân thành xúc động khi đọc những lời hào hùng này. Có nghĩa là bằng trái tim chúng ta đã tiếp thu những giá trị đó; thế nhưng việc tiếp thu chúng bằng lý trí vẫn còn là việc phải bàn thảo vì có thể có nhiều cách diễn giải những "lời bất hủ" ấy.

Bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776
Những lời bất hủ trên đã được viết ra trong tinh thần của thời đại Khai Minh ở phương Tây hướng tới sự khẳng định các giá trị nhân bản nhằm giải phóng con người cá nhân khỏi các định kiến bất công của xã hội đẳng cấp. Nhà soạn nhạc thiên tài W. A. Mozart năm 1778 đã biến vở kịch Đám cưới Figaro của Beaumarchais thành vở nhạc kịch bất hủ thể hiện tinh thần của thời đại. Ông đã để cho Figaro chất vấn nhà quý tộc Almavia rằng ông đã làm gì để có được sự giàu có, đẳng cấp và địa vị, và sau đó Figaro tự trả lời: "Ông chỉ có mất công sinh ra đời mà thôi, không có gì hơn". Vở nhạc kịch là một bản tụng ca trữ tình cho yêu sách của con người cá nhân tự khẳng định mình, đòi quyền giành lấy chỗ đứng trong xã hội bằng lao động cần cù và tài năng sáng tạo của bản thân.
Như vậy, "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng" hàm ý sự đòi hỏi bình đẳng về phẩm giá của mỗi người trong xã hội chống lại mọi kỳ thị đều dựa trên đẳng cấp, là sự đòi hỏi bình đẳng về cơ hội cho mọi người có thể giành lấy chỗ đứng của mình bằng lao động và tài năng của bản thân. Sự đòi hỏi bình đẳng về phẩm giá dẫn tới yêu cầu xây dựng một nhà nước dân chủ dựa trên khái niệm công dân với sự bình đẳng trước pháp luật. Sự đòi hỏi bình đẳng về cơ hội dẫn tới lý tưởng về mục tiêu của con người là "sự phát triển cao nhất và hài hòa nhất hướng tới một toàn thể trọn vẹn và nhất quán" và để cho lý tưởng ấy thành hiện thực thì càn phải có "sự tự do và tính đa dạng của các tình huống" (Wilhlm von Humboldt, 1767-1835). Do đó, "quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc" cho mỗi cá nhân hàm nghĩa một không gian tự do cần thiết cho sự phát triển của cá nhân. Phạm vi của không gian ấy được quy định bởi ranh giới cho sự can thiệp của quyền lực mà xã hội có thể vận dụng hợp pháp đối với cá nhân thông quan phương tiện luật pháp hay dư luận xã hội. Ranh giới ấy, theo cách hiểu của J. S. Mill (1806-1873), chính là nội dung của quyền tự do cá nhân. Trong tác phẩm On liberty (1895) được coi là một kiệt tác về chủ đề này ông đã đưa ra nguyên lý sau đây: "Nguyên lý ấy là: mục đích duy nhất mà nhân loại, cá nhân hay tập thể, nhắm tới trong việc can thiệp vào tự do hành động của bất cứ số thành viên nào, phải là sự tự - bảo - hộ (self-protection). Tức là quyền lực có thể vận dụng chính đáng đối với bất cứ thành viên nào của một cộng đồng văn minh chống lại ý chí của anh ta, chỉ khi nó nhằm mục tiêu ngăn chặn tổn hại cho những người khác. Điều tốt lành cho chính anh ta, dù là vật thể hay tinh thần, không phải là sự bảo đảm thích đáng. Anh ta không thể bị cưỡng ép một cách hợp pháp phải làm hay phải nhẫn nhịn điều gì, với lý do cái đó sẽ làm cho anh ta được hạnh phúc hơn, với lý do theo ý kiến của những người khác thì làm thế là khôn ngoan, hay thậm chí đúng đắn. Đó là những lý do tốt để trách móc, biện luận, thuyết phục hay kêu nài với anh ta, nhưng không phải để cưỡng bức anh ta hay trừng trị cho anh ta khổ sở trong trường hợp anh ta cứ làm khác. Để biện minh cho việc muốn ngăn cản anh ta thì hành vi của anh ta phải là toan tính gây điều xấu cho ai đó. Chỉ có cái phần cư xử của một ai đó liên can đến những người khá mới phải chịu sự ước thúc của xã hội. Trong phần cư xử giới hạn liên can đến bản thân anh ta, sự độc lập của anh ta như một quyền năng là tuyệt đối. Con người cá nhân là chúa tể đối với chính bản thân anh ta, đối với thân thể và tâm hồn của riêng anh ta". J. S. Mill cho rằng quyền tự do ấy là cần thiết để xã hội phát triển trong hạnh phúc của các thành viên. Mỗi con người là một vũ trụ, không ai giống ai, cho nên cần có sự đa dạng của các tình huống và điều kiện để mỗi người có thể phát triển hết khả năng của mình. Ông viết: "Cùng một lối sống, đối với người này là phấn khởi lành mạnh, phát huy được mọi khả năng hoạt động và đem lại niềm vui tột độ, trong khi đối với người khác nó lại như gánh nặng phải khiêng vác đi, làm ngưng trệ và đè nát mọi cuộc sống nội tâm. Đó là những khác biệt của con người trong nguồn vui, trong sự cảm ứng với nỗi đau, và đó là tác dụng của các điều kiện khác nhau về vật chất và tinh thần lên con người; cho nên nếu không có sự đa dạng trong các kiểu cách sống của con người, thì con người chẳng những không chia sẻ được hạnh phúc với nhau mà còn không vươn lên được hết tầm vóc trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ mà bản chất con người có khả năng đạt tới".
Có mối tương quan mật thiệt giữa sự tôn trọng quyền tự do cá nhân và hiện tượng "trăm hoa đua nở" của các nhân tài trong xã hội, mặc dù trong lịch sử văn minh phương Tây chưa bao giờ quyền tự do ấy được dành cho toàn thể dân chúng mà chỉ có một số tầng lớp nhất định được thụ hưởng nó. Các cá nhân thiên tài là những người có cá tính nhiều hơn người thường, vì vậy họ thường khó thích nghi với một vài khuôn mẫu nghèo nàn mà tập quán xã hội muốn áp đặt cho họ. Nếu họ không đủ mạnh mẽ và chịu khuất phục khiến cho tài năng của họ không phát triển được thì họ cũng chẳng có ích cho xã hội được bao nhiêu. Nếu họ có tính cách mạnh mẽ vượt lên được thì họ sẽ trở thành dấu ấn của xã hội. Trong tiểu luận Bàn thêm về bi kịch Vũ Như Tô, ông Phạm Vĩnh Cư đã có nhận xét rất xác đáng như sau: "... thiên tài ở cấp cao nhất cũng đồng đẳng với dân tộc và có khi cao hơn: Homère là cha chứ không phải là con của văn minh Hy Lạp, Shakespeare và Goethe là hiện thân tinh thần của nước Anh và nước Đức, không có Tolstoi và Dostoievxki thì không có nước Nga, như chính người Nga khẳng định..." (Vũ Như Tô tác phẩm và dư luận, NXB Văn học 2002). Quan niệm như thế về vai trò quan trọng của thiểu số nhân tài đối với xã hội không hề hàm ý coi thường số đông những người bình thường. Các thiết chế dân chủ đảm bảo rằng thiên tài dù xuất chúng đến đâu cũng chỉ có quyền tự do đề xuất các ý kiến mình. Quyền quyết định tốt hậu phải thuộc về số đông, dù cho quyết định của số đông không phải lúc nào cũng đúng.

Trên thực tế các xã hội phương Tây đều tiếp thu nguyên lý quyền tự do cá nhân trong tinh thần nói trên, song việc xác định ranh giới cụ thể như thế nào cho quyền tự do thì lại không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt thể hiện tính đa dạng của các bản sắc dân tộc trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa thích hợp cho mỗi cộng đồng. Quyền tự do cho cá nhân được tôn sùng trong các xã hội phương Tây quả đã là động lực cho sự phát triển xã hội của họ trong giai đoạn lịch sử cận đại. Song người ta cũng nhanh chóng nhận ra rằng đề cao quá đáng quyền tự do sẽ dẫn tới phân hóa xã hội và gia tăng sự cách biệt giàu nghèo. Kết quả đó lại là sự phủ định ngay chính giá trị bình đẳng và là mối đe doạ cho sự phát triển bền vững của xã hội. Hoạt động kinh tế vốn không thuộc phạm vi điều chỉnh của nguyên lý quyền tự do vì nó mang tính xã hội rõ rệt, song các lý thuyết gia kinh tế thế kỷ 19 đã quá đề cao tác dụng tốt của tự do cạnh tranh trong kinh tế. Sự thái quá đó cũng là một nguyên nhân của cuộc khủng hoảng xảy ra vào thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Sau thế chiến thứ hai các xã hội phương Tây đã có nhiều điều chỉnh nhằm hóa giải mâu thuẫn trên: giá trị Bác Ái được đề cao cùng với việc thiết lập các chế độ phúc lợi xã hội để giúp đỡ các cá nhân sa cơ lỡ bước. Người ta cũng dần dần hiểu ra rằng bộ ba giá trị Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái vừa bổ sung cho nhau vừa đối chọi nhau và không thể hy sinhmột giá trị này mà lại không làm tổn hại tới các giá trị kia (E. Morin, 1993). Vai trò điều tiết của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế được thừa nhận.

Trong di sản văn hóa Trung Hoa không phải không có các tư tưởng gần gũi với các ý niệm bình đẳng và tự do. Trang Tử viết thiên Tề vật luận khẳng định vạn vật tuyệt đối bình đanửg, không có quý tiện,không có thị phi. Quách Tượng đời Ngụy Tấn cho rằng mỗi người có bản tính riêng, vì vậy không nên tìm cách bắt chước các hiền nhân ngày xưa mà mình phải là chính mình; nếu coi thường những khả năng của tiêng mình để bắt chước những khả năng của người khác thì sẽ là phi lý. Tuy nhiên, quan điểm chính thống của Nho giáo không chấp nhận các tư tưởng này mà coi sự bất bình đẳng xã hội là phù hợp với tự nhiên. Không có ý niệm con người cá nhân mà chỉ có con người phận vị. Nhân cách độc lập của con người không được thừa nhận như một giá trị chung, do đó cũng không thể có ý niệm về ranh giới cho sự can thiệp của xã hội vào cuộc sống cá nhân.Trong quá khứ lịch sử nước ta, chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến thường không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng của người dân; công việc đó là của các vị chức sắc trong làng xã. Các thiết chế làng xã kiểm soát chặt chẽ cuộc sống cá nhân của các thành viên đã sản sinh ra mô hình nhân cách "con người tiểu kỷ, cảm chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh..." (Trần Đình Hượu, 1988). Các thiết chế ấy không cho phép một cá tính độc đáo nào tồn tại.

Không phải đến bây giờ người Việt Nam mới biết tới các giá trị Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái. Song có lẽ chúngta tiếp thu các giá trị ấy chủ yếu là ở bình diện cảm xúc nảy sinh từ các tác phẩm văn chương của phương Tây thế kỷ 19 mà không thông qua các nhận thức trên cơ sở tri thức triết học. Cho nên phần đông dân chúng không có được hiểu biết rõ ràng về các khái niệm này. Trên thực tế khái niệm tự do được hiểu với ý nghĩa tích cực chỉ trong hàm nghĩa lật đổ ách thống trị của vua chúa phong kiến và bọn cai trị thực dân; còn trong đời sống thì từ ngữ tự do thường mang hàm nghĩa xấu giống như vô kỷ luật, vô tổ chức. Người ta có thể nhận mình là yêu tự do, nhưng lại không thừa nhận không gian riêng tư của cá nhân và sẵn sàng nhân danh điều thiện để can thiệp thô bạo vào những vấn đề thuộc tự do cá nhân. Khái niệm bình đẳng được đồng nghĩa với chủ nghĩa bình quân trong kinh tế, ý niệm công dân rất mờ nhạt dù cho nước ta đã trở thành dân chủ cộng hòa từ năm 1945. Do vậy mà quan hệ giữa dân chúng và chính quyền đến tận bây giờ vẫn là xin cho và ban phát; do vậy mà tài sản công và ngân sách nhà nước vẫn bị coi là "của chùa" chứ không phải là mồ hôi nước mắt do các công dân đóng góp. Sự thiếu vắng nhận thức về giá trị bình đẳng phẩm giá của mọi công dân khiến cho thói quen "a dua người quyền quý" (X. T. T., báo Tiếng Dân, 1929) vẫn còn phổ biến trong xã hội, dù cho xã hội ngày nay đã không còn là xã hội đẳng cấp phong kiến như xưa nữa.

Hệ tư tưởng đẳng cấp của Nho giáo và các tập tục lạc hậu sinh ra từ cơ cấu làng xã không mabg tính tuyệt đối mà luôn bị phản kháng lại bởi tính nhân bản vốn là đặc điểm chung của home spanies. Tính nhân bản thể hiện lương tri của con người bao hàm các yếu tố mang tính thống nhất của nhân loại trong sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng. Sẽ là thừa nếu liệt kê ra đây những đức tính truyền thống của người Việt đã được duy trì và phát triển trong tiến trình lịch sử của mình, bởi vì người ta cũng có thể tìm thấy những đức tính ấy ở các cộng đồng khác, bất chấp các dị biệt văn hóa. Tính thống nhất nhân học này cho ta cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ tiếp thu một cách đúng đắn các giá trị bất hủ mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong bản tuyên ngôn lịch sử thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét