Những kỷ niệm về Lê Duẩn
Hồi ký của Trần Quỳnh
===
Năm 1960 tôi nhận được quyết định thôi Phó giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương để qua làm Phó Văn phòng Trung ương Đảng. Việc đầu tiên tôi được Ban bí thư giao là trực tiếp làm việc với anh Ba Duẩn về vấn đề quan hệ quốc tế. Trước đó không bao lâu anh Ba dự cuộc gặp mặt một số Đảng cộng sản và công nhân ở Bucarest nhân Đại hội Đảng cộng sản Rumani. Theo báo cáo của Lê Duẩn với Bác và Bộ chính trị thì ở cuộc gặp mặt đã xảy ra tranh cãi gay gắt giữa đoàn đại biểu Đảng cộng sản Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình cầm đầu với đoàn đại biểu Đảng cộng sản Liên Xô do đích thân Tổng bí thư Khơ-rút-sốp cầm đầu. Khơ-rút-sốp lên án Mao Trạch Đông và Đảng cộng sản Trung Quốc là đi chệch chủ nghĩa Mác Lênin, chống lại phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và yêu cầu các Đảng có mặt khai trừ Đảng cộng sản Trung Quốc ra khỏi phong trào. Tại cuộc gặp mặt các Đảng tham gia đều tán thành Khơ-rút-sốp, chỉ riêng Lê Duẩn thay mặt Đảng ta không đồng ý. Thành thử đề nghị của Khơ-rút-sốp không nhận được sự nhất trí và không được thông qua. Cần lưu ý rằng trong cuộc gặp mặt Bucarest, cả Triều Tiên lẫn Anbani đều ủng hộ Khơ-rút-sốp. Nghe Lê Duẩn báo cáo diễn biến cuộc gặp mặt Bucarest, Bác Hồ rất buồn. Bác dặn các anh trong Bộ chính trị không được nói tình hình không hay này cho ai biết cả, ngay cả đối với các Ủy viên Trung ương Đảng. Bác nói Bác hy vọng một ngày nào đó những "bất đồng" giữa các Đảng, đặc biệt là giữa Liên Xô và Trung Quốc sẽ được khắc phục, Liên Xô và Trung Quốc sẽ đoàn kết trở lại. Liên Xô và Trung Quốc đoàn kết thì các Đảng khác sẽ đoàn kết.
Nhớ lại thời kỳ từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến năm 1960, Đảng ta và nhân dân ta ngày đêm để hết tâm trí lo đánh thắng giặc Pháp và sau Hiệp nghị Genève 1954, để hết tâm trí lo xây dựng miền Bắc, đấu tranh chống địch ở miền Nam, thống nhất tổ quốc. Không còn thì giờ và cũng không có điều kiện để theo dõi tình hình nội bộ Liên Xô và Trung Quốc. Chúng ta coi Liên Xô và Trung Quốc như những ông thánh không thể sai lầm (như người công giáo nói Giáo hoàng là "Infaillible"). Chúng ta mong mọi việc đều êm đẹp, trong các nước ấy và trong quan hệ giữa các nước ấy. Nói đến sai lầm của Liên Xô hay là của Trung Quốc là một điều tối kỵ. Chả thế mà trong hội nghị Bộ chính trị Trung ương khóa II tại Việt Bắc năm 1954 để phổ biến chủ trương sẽ ký hiệp nghị Genève, khi các anh em Khu 5 và Nam bộ không đồng tình lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tập kết tạm thời quân đội ta và Pháp thì các đ/c Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu đưa ra một luận điểm để trấn an: "Vĩ tuyến 17 là ý kiến của Liên Xô và Trung Quốc, hai bộ óc vĩ đại sáng suốt nhất của thời đại", chúng ta nên chấp hành thôi.
Cú sốc lớn đầu tiên đối với Đảng ta là tại Đại hội 20 Đảng cộng sản Liên Xô Khơ-rút-sốp chống sùng bái cá nhân, báo cáo công khai sai lầm và độc ác của Stalin, người mà khi chết chúng ta đã làm lễ truy điệu khắp nước trong các vùng giải phóng cũng như trong các chiến khu: nước mắt dầm dề. Về Đại hội 20, chúng ta hầu như chấp nhận sự đánh giá của Trung Quốc: Stalin công 7 tội 3. Chúng ta cũng mới nghĩ rằng bất đồng của 2 nước lớn về đánh giá Stalin là do Trung Quốc cho rằng chống sùng bái cá nhân Stalin là gián tiếp phê phán Trung Quốc là sùng bái cá nhân Mao Trạch Đông.
Sau đó thì đối với Bộ chính trị và Trung ương Đảng và cả Đảng ta, vấn đề được xếp lại một bên, để tập trung lo cho cuộc đấu tranh sinh tử gay gắt giải phóng Miền Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc.
Về phần tôi, trong những năm đi nghiên cứu học tập tại Viện Mác Lênin của Trung Quốc ở Bắc Kinh và qua trò chuyện hàng ngày với các cố vấn Trung Quốc ta mời sang giúp ý kiến về quản lý trường và giảng lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc tại trường Nguyễn Ái Quốc, tôi hiểu được một số bất hòa, khó chịu lẫn nhau giữa Liên Xô và Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh của Đảng cộng sản Trung Quốc chống Quốc Dân Đảng Trung Quốc và chống Nhật, Trung Quốc cho rằng Stalin có những chỉ đạo sai lầm nghiêm trọng làm tổn hại lớn đến Đảng cộng sản Trung Quốc: đó là những sai lầm hữu khuynh của Trần Độc Từ, Trương Quốc Đào, và đặc biệt là những sai lầm "tả khuynh" của Vương Minh, Lý Lập Tam, làm cho Đảng cộng sản Trung Quốc mất sạch căn cứ địa Tỉnh Cương Sơn và phải làm cuộc Vạn Lý Trường Chinh lên Diên An. Những người ấy là do quốc tế cộng sản, về thực chất là do Stalin, chỉ định làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc và đường lối sai lầm của họ chính là do Stalin chỉ thị. Lại nữa trong suốt cuộc chiến tranh chống Nhật, Liên Xô chỉ chi viện cho Quốc Dân Đảng, chỉ sau này khi giải phóng Mãn Châu, Liên Xô mới trao vũ khí tịch thu được của đội quân Quan đông của Nhật cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Sự đánh giá của Trung Quốc về Stalin 7 công 3 tội, trong 3 tội có tội đối với Đảng cộng sản Trung Quốc. Chưa nói đến việc Liên Xô mặc nhiên hợp pháp hóa việc Nga hoàng đã chiếm một phần rất lớn lãnh thổ Trung Quốc, theo các Hiệp định bất bình đẳng với các Hoàng đế Trung Quốc. Năm 1950 sau khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Stalin mời Mao Trạch Đông sang mạc Tư Khoa giảng hòa về những chuyện cũ và để bù lại, Liên Xô đã có sự viện trợ kinh tế ồ ạt để cho Trung Quốc phát triển nhanh để "trò sẽ hơn thầy" (lời của Stalin nói với Mao Trạch Đông). Quan hệ giữa hai nước sau cuộc gặp Stalin-Mao tiến triển tốt đẹp. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng nhanh chóng một loạt công trình công nghiệp nặng then chốt: nhiều nhà máy cơ khí nặng như nhà máy kéo Thẩm Dương công suất 100 ngàn chiếc 45 ngựa/năm. Nhà máy ôtô tải Trường Xuân công suất 100 ngàn chiếc/năm. Nhà máy luyện cán thép An Sơn 4 triệu tấn/năm. Các nhà máy công cụ nặng Thẩm Dương và hàng loạt nhà máy lớn khác, Stalin nói với Mao là Liên Xô đã trao cho Trung Quốc những kỹ thuật tiên tiến hơn những nhà máy hiện có của Liên Xô với mong mỏi là Trung Quốc tiến nhanh hơn Liên Xô (học trò hơn thầy như trên đã nói). Có lẽ nên kể thêm một vài công trình khác: cầu xe lửa và xe hơi hai tầng bắc qua sông Trường Giang (kiểu như cầu Thăng Long ta bây giờ), khảo sát để thiết kế và xây dựng nhà máy thủy điện Tam Môn Hiệp lớn nhất thế giớiv.v... Xem sự hợp tác giữa hai nước rộng lớn như vậy, chúng ta ai còn hoài nghi gì nữa về mối quan hệ giữa hai ông anh lớn?
Nhưng vào khoảng những năm cuối của thập kỷ 50, một loạt sự kiện quan trọng xảy ra ở Trung Quốc trong đó đáng kể nhất là cuộc đại nhảy vọt và việc thành lập phổ biến các công xã nhân dân do Mao Trạch Đông khởi xướng. Những người thuộc thế hệ chúng tôi không ai quên việc Trung Quốc đăng báo Trung Quốc đã đạt được năng xuất lúa 40, 50 tấn/héc-ta/vụ bằng phương pháp kỹ thuật cấy thật dày. Báo đăng các bức ảnh cả đoàn người đứng trên ruộng lúa, lúa dày nhiều bông và hạt đến mức người đứng trên lúa nhảy múa mà lúa không đổ (đó là những hình ảnh giả tạo, họ nhổ và xếp đứng khít nhau các khóm lúa đã chín giống như một số lúa địa phương ở ta xếp lúa để đưa trâu lên đạp cho hạt lúa rụng ra). Mao nói là với năng suất đạt được như vậy, chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ thừa lương thực đến mức mà phải chia đất ruộng ra làm ba phần: 1/3 trồng lúa, 1/3 trồng rừng, 1/3 làm vườn hoa. Một hình ảnh khác là cả nước thi đua làm sắt thép, nhà nhà làm sắt thép, công xã làm sắt thép, cơ quan làm sắt thép, không có than thì lấy cả thóc làm chất đốt. Trung Quốc sẽ đạt sản lượng hàng trăm triệu tấn sắt thép không bao lâu nữa. Mao nói rằng kỹ thuật của Liên Xô là kỹ thuật tư bản, kỹ thuật của Trung Quốc là kỹ thuật cộng sản. Trung Quốc sẽ tiến vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa trước Liên Xô, công nhân Trung Quốc không tuân thủ các qui trình qui phạm kỹ thuật do chuyên gia Liên Xô lập ra theo mẫu của Liên Xô, họ mở các phong trào thi đua áp dụng kỹ thuật cộng sản giữa công nhân Trung Quốc và chuyên gia Liên Xô. Kết quả thi đua công nhân Trung Quốc luôn luôn được cờ đỏ, chuyên gia Liên Xô luôn luôn phải nhận cờ vàng và cờ xanh.
Trước tình hình trên, trong nhiều phát biểu, Khơ-rút-sốp nói cái chủ nghĩa cộng sản mà Trung Quốc định đi tới trước Liên Xô là chủ nghĩa cộng sản mặc quần đùi và ăn cháo, Khơ-rút-sốp phê phán công xã nhân dân và đại nhảy vọt là chủ nghĩa phiêu lưu tiểu tư sản. Tệ hơn nữa là trong một buổi chiêu đãi có đại sứ Trung Quốc dự, Khơ-rút-sốp đã nói Mao là ông già lẩm cẩm rồi, nên nghỉ đi thôi. Kho-rút-sốp đã đụng đến cái tối kỵ của Trung Quốc. Vì đối với Trung Quốc, có thể chịu được sự nhận xét này nọ nhưng đụng đến Mao là không thể tha thứ được. Thế là xảy ra chuyện Trung Quốc đuổi và Liên Xô rút chuyên gia về nước. Rồi Liên Xô xóa án xét lại cho Nam Tư do Stalin phán quyết, thiết lập lại quan hệ về cả mặt Đảng và Nhà nước với Nam Tư. Trung Quốc phản kích lại bằng bản tuyên ngôn dài "Bàn về chuyên chính vô sản và chủ nghĩa xét lại Nam Tư". Điều khá lạ lùng là trong các ủy viên Trung ương Đảng ta, ngay cả trong Bộ chính trị, nếu không phải là tất cả, thì hầu hết đều không hay biết gì về tình hình "bất hòa" trên đây giữa hai Đảng lớn nhất. Xin trở lại với năm 1960, với cuộc gặp mặt Bucarest. Không đạt được mục đích trong cuộc gặp mặt Khơ-rút-sốp đề nghị triệu tập vào mùa thu năm 1960 tại Mạc Tư Khoa một hội nghị của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao gồm tất cả các Đảng cộng sản và công nhân để vạch ra đường lối của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đề nghị này được các Đảng có mặt tán thành. Hội nghị gồm hai giai đoạn, giai đoạn trù bị để thảo văn kiện và giai đoạn chính thức để thông qua văn kiện. Bộ chính trị quyết định cữ một đoàn đi dự hội nghị Mạc Tư Khoa gồm 3 người: Lê Duẩn bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh ủy viên Bộ chính trị, 3 cây lý luận cừ khôi nhất của Đảng lúc bấy giờ. Lê Duẩn lại là người có tài ngoại giao khôn khéo nữa. Thư ký của đoàn gồm 2 người: Trần Quang Huy, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa III, chủ nhiệm tạp chí lý luận của Đảng "Học Tập" và tôi (Trần Quỳnh). Sau khi nghe Bác dặn dò, chủ yếu là phải giảng hòa để đoàn kết Liên Xô và Trung Quốc, đoàn lên đường.
Vào thời điểm bấy giờ phong trào cách mạng Miền Nam đang bước sang một giai đoạn mới. Dưới ánh sáng của NQ 15 (khóa II) của Trung ương Đảng, (mà cốt lõi là giải phóng Miền Nam không thể thực hiện bằng Tổng tuyển cử trong cả nước như Hội nghị Genève năm 1954 qui định, mà phải thực hiện bằng con đường cách mạng bạo lực), nhân dân Miền Nam bị trói buộc và căm thù bị dồn nén lại mấy năm trời bởi chủ trương chờ tổng tuyển cử, nay tư tưởng được giải phóng, đã vùng lên với khí thế xung thiên, nhất tề vùng dậy phá tan ngụy quyền làm chủ ấp xã trên qui mô lớn, bằng bạo lực chính trị là chính có kết hợp ở một mức độ nào đó với bạo lực vũ trang. Ở đây nhân tiện xin nói thêm là NQ 15 là do Lê Duẩn khởi thảo dựa trên "đề cương cách mạng Miền Nam" mà Lê Duẩn đã cùng thảo luận và bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo ở Miền Nam. Khi Lê Duẩn còn sống, trong Đảng ai cũng biết sự thật là như thế, không thấy ai nói khác, và đó là sự thật. Nhưng nực cười thay sau khi Lê Duẩn đã qua đời, có người tự vỗ ngực tuyên bố NQ 15 là sản phẩm trí tuệ của mình, chúng ta có dịp nói kỹ vấn đề này sau.
Đoàn chúng tôi lên đường đi Mạc Tư Khoa theo tuyến Bắc Kinh - Iếc-kút - Mạc Tư Khoa. Lúc bấy giờ đi Mạc Tư Khoa từ Việt Nam bằng máy bay phải qua Bắc Kinh, chưa có tuyến bay khác. Đi bằng máy bay cánh quạt loại nhỏ IL14. Phải mất một ngày mới đến Bắc Kinh. Lần đầu tiên đi máy bay tôi bị say máy bay nôn thốc nôn tháo đến Bắc Kinh không ăn uống gì được, nằm ngủ li bì. Vài hôm sau từ Bắc Kinh đi Iếc-kút cũng bằng máy bay IL14, có ghé Ulan-Bato. Quãng đường từ Iếc-kút đến Mạc Tư Khoa đi bằng máy bay Tu 104, máy bay phản lực chở khách đầu tiên trên thế giới. Tu 104 bay rất nhanh và rất êm. Chiều đã đến Mạc Tư Khoa (nửa đường có ghé qua Omsk). Lúc bấy giờ từ Iếc-kút đến Omsk, dưới đất toàn là một màu xanh đậm của rừng thông bạt ngàn, đôi chỗ xen lẫn với những đám rừng bạch dương (Trung Quốc gọi là bạch hoa dương), thân trắng. (Năm 1986 có dịp bay từ Mạc Tư Khoa đi Viễn Đông Liên Xô, tôi thấy rừng thông không còn bao nhiêu, thế mới biết sức phá rừng ghê gớm của con người).
Lần đầu tiên tôi sang một nước Châu Ấu (tuy Liên Xô là nước Ấu-Á, nhưng Mạc Tư Khoa ở phần Châu Ấu). Tôi muốn xem người Châu Ấu sống ra sao, ăn ở như thế nào. Dọc đường tôi chăm chú nhìn đường đã hầu như vắng bóng người và xe cộ, hai bên đường nhà cao tầng liền kế san sát, cửa sổ có ánh điện, tầng trệt kẻ các biển mà tôi chưa hiểu.
Tôi quên mất tên người đón đoàn chúng tôi ở sân bay. Đ/c ấy đã quen Lê Duẩn vì đã gặp mấy lần ở Mạc Tư Khoa và Bucarest. Người hướng dẫn đoàn chúng tôi là Zelenxốp, chuyên viên Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Anh ấy nói tiếng Việt chưa tốt lắm (từ câu, chữ cho đến phát âm). Anh ấy lúc bấy giờ đang làm luận án phó tiến sĩ kinh tế về đề tài Việt Nam. Đoàn chúng tôi được đưa về ở một biệt thự trong rừng, phía tây thành phố, cách trung tâm độ 20km (gọi là biệt thự bên kia sông). Sau này trong những chuyến đi Liên Xô khác, tôi ở đấy mấy lần). Biệt thự hai tầng khá xinh, có tiền sảnh, phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, phòng chiếu phim và chơi bi-a và nhiều phòng ở. Rừng Mạc Tư Khoa về mùa thu thật là đẹp. Lá cây thi đua khoe màu lộng lẫy, từ màu vàng đến màu đỏ, qua nhiều nấc trung gian của các cây phong, cây sồi, cây bạch dương, xen lẫn với màu xanh của những cây thông quanh năm lá không rụng. Trong rừng quanh nhà có nhiều lối đi tráng nhựa. Đi dạo trong rừng thật là tuyệt. Trong nhà sưởi ấm, ra vườn dạo chơi thấy mát, trong người khoan khoái dễ chịu vô cùng.
Ồn định xong sinh hoạt, chúng tôi nhận được dự thảo văn kiện (do phía Đảng chủ nhà - Đảng cộng sản Liên Xô soạn thảo) bằng tiếng Nga và đã được dịch sang tiếng Việt. Đó là bản "dự thảo về tuyên bố của hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân". Lê Duẩn đề nghị 2 anh Trường Chinh và Nguyễn Chí Thanh cố gắng xem kỹ và đặc biệt là hai thư ký phải xem thật kỹ.
Tôi biết là ra đi để đến dự hội nghị, đối với Lê Duẩn, cuộc cách mạng đang lên mạnh thành phong trào đồng khởi ở Miền Nam là nỗi lo âu canh cánh bên lòng. Trước khi đi, anh đã dặn kỹ các đồng chí trong ban bí thư thuờng xuyên điện cho anh biết tình hình trong nước, đặc biệt là tình hình Miền Nam. Đêm nằm anh vẫn suy nghĩ về Miền Nam, sáng dậy gặp chúng tôi, câu chuyện anh nói đầu tiên là những suy nghĩ mới về Miền Nam đã đến với anh đêm hôm qua, tôi hiểu điều đó chứng tỏ anh ngủ rất ít và có thể không ngủ. Tuy vậy người anh rất tỉnh táo, và anh gặp chúng tôi là để giải bày tâm sự, để đối thoại nhưng thực ra là độc thoại, để thông qua đối thoại mà định hình ý nghĩ của anh. Tôi không nói về Bác Hồ. Tôi muốn nói có một người khác cả ngày lẫn đêm, lúc ăn cũng như lúc ngủ, không bao giờ không nghĩ đến Miền Nam. Thời điểm lúc bây giờ, cũng như mấy năm trước đó và mãi đến sau này, cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, con người ấy, không một phút nào - tôi nói một phút là đúng nghĩa 1 giây nhân sáu mươi, đúng nghĩa 60 giây, không lo lắng cho Miền Nam, phấn khởi trước mọi thắng lợi, lòng đau như cắt trước mọi thất bại và tổn thất tạm thời. Nhưng không bao giờ người ấy phô trương, dàn cảnh vui buồn, mừng rỡ và đau khổ của mình, dàn cảch chăm lo đến cách mạng Miền Nam cho người ta quay phim chụp ảnh đăng báo. Người đó là Lê Duẩn. Trái với một số người, Lê Duẩn ít khi, nếu không phải là không bao giờ, cố ý bố trí chụp ảnh anh để tuyên truyền. Sau này khi hiểu về anh nhiều hơn, tôi thấy với cương vị là người được Bộ chính trị và Bác Hồ phân công phụ trách chỉ đạo cuộc cách mạng Miền Nam, anh là người rất quyết đoán, những chủ trương đối với cách mạng Miền Nam mà anh cho là đúng, anh kiên trì đến cùng, đến mức như "cứng đầu". Anh thường nói với tôi: cái gì có lợi cho cách mạng thì khó mấy mình cũng làm, ai phản đối, thậm chí chửi mình, mình cũng cứ làm. Làm cách mạng là vì sự nghiệp cách mạng mà làm, đâu có phải vì lợi ích và danh vọng cá nhân. Có khá nhiều người cho rằng Lê Duẩn hay thay đổi ý kiến, cái đó đúng. Vì anh rất biện chứng, anh nắm phép biện chứng rất vững. Đầu óc anh luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn thấy cái mới. Hôm nay nói nói thế này, đêm nằm suy nghĩ lại thấy ý hôm qua chưa đúng, chưa toàn diện, sáng ngày sau anh nói khác lại ngay. Có chủ trương rồi, nhưng tình hình thay đổi, anh phát biểu lại ngay. Anh không cố chấp. Anh hay lấy Lênin làm ví dụ, nhất là thời gian từ cách mạng tháng 2 đến cách mạng tháng 10 năm 1917. Lênin đã thay đổi khẩu hiệu đấu tranh mấy lần. Tháng 2: "Toàn bộ chính quyền về tay Xô viết". Tháng 7: rút lại khẩu hiệu ấy đề ra cách mạng XHCN bằng bạo lực. Tháng 8: khẩu hiệu tích cực chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 9: lại đưa ra khẩu hiệu "tất cả chính quyền về tay Xô viết". Tháng 10: khởi nghĩa vũ trang. hay đang làm kinh tế cộng sản thời chiến, chuyển sang chính sách tân kinh tế (NEP). Những vấn đề này sau này tôi sẽ có dịp nói kỹ. Bây giờ ta trở lại với công việc ở biệt thự ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cả đoàn nhận được tài liệu hội nghị độ một ngày. Sáng sớm hôm sau, anh Ba vào phòng anh Huy và tôi (2 chúng tôi ở chung một phòng 2 giường, còn các anh thì mỗi người một phòng). Anh hỏi hai chú đọc xong tài liệu chưa? Chúng tôi chưa kịp trả lời thì anh nói ngay: Chúng ta dự hội nghị này phải đạt cho được hai mục đích: một là có một văn kiện của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có lợi cho cuộc cách mạng Miền Nam của ta, điều đó rất quan trọng, vì đấy là tiếng nói chung của tất cả những người cộng sản trên thế giới, trong đó có 2 nước lớn. Hai là phải chận đứng ý đồ phân liệt, vì điều đó rất có hại cho ta và gây thiệt hại khó lường cho cách mạng thế giới. Tôi xem qua thấy văn kiện không đạt được 2 điều ấy. Vậy hai chú phải đọc cho thật kỹ và chẩn bị ý kiến cho đoàn ta phát biểu trước hội nghị. Rồi anh chuyển sang nói về cách mạng Miền Nam, anh phân tích toàn diện cuộc đấu tranh ở Miền Nam, từ lực lượng so sánh đến phương pháp đấu tranh, và anh nói một cách cương quyết: Ta nhất định thắng Mỹ - Diệm. Anh nói tiếp về cách đánh giá và thái độ của các nước lớn và các Đảng ở các nước tư bản đối với cuộc cách mạng của chúng ta. Họ nghĩ ta là nước nhỏ, cách mạng nước ta không phải là một nhân tố đáng kể trong các nhân tố quan trọng quyết định chiều hướng phát triển của thế giới. Ta nghĩ rằng chiến thắng Điện Biên Phủ của ta đã đánh một đòn trí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ và mở đầu quá trình tan rã của nó. Nhưng Liên Xô và Trung Quốc thì nghĩ khác. Liên Xô cho ta thắng được là nhờ vũ khí, khí tài của Liên Xô, còn Trung Quốc thì còn cho rằng thắng lợi của ta đạt được còn là do họ chỉ huy dùm cho ta. Ta thắng chỉ đỡ cho họ một mối lo thôi. Nhất là đối với Liên Xô và các Đảng ở các nước tư bản phát triển, họ cho rằng chính sự lớn mạnh của Liên Xô, của phong trào các nước tư bản lớn mới là những nhân tố có tác dụng quyết định nhất.
Chúng tôi được thông báo là tổng số các Đảng đến tham dự hội nghị là 81. Vắng mặt là những Đảng hoạt động bí mật đặc biệt là trong các nước đang phát triển. Cầm đầu các đoàn là các đồng chí đứng hàng thứ nhất, thứ hai của Đảng. Cầm đầu đoàn Liên Xô là Xuxlốp, đoàn Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình, đoàn Pháp là Jacques Duclos (hay Gaston Plissonnie). Những nhân vật nổi bật khác là Ponomanov (Liên Xô), Khang Sinh (Trung Quốc). Hội nghị họp tại phòng lớn (phòng khánh tiết) của cung điện Kremlin, một căn phòng thật mênh mông và lộng lẫy. Phía các cửa sổ là phía quay ra ngoài trời, các cửa sổ đều buông rèm dày 2, 3 lớp, ánh sáng bên ngoài không lọt vào được. Tuy vậy, phòng họp được các chùm đèn treo khổng lồ và các đèn gắn vào các cột và vào các phía tường chiếu sáng như cảnh ngoài trời, rất sáng nhưng không chói mắt. Một hệ thống thông gió làm cho không khí phòng luôn luôn mát mẽ. Các bàn họp bố trí theo hình vuông. Dãy trước là bàn của các trưởng đoàn và đoàn, dãy sau là của các thư ký, các nhân viên khác tháp tùng các đoàn. Các đoàn viên chính thức, các thư ký đi từ nhà ở đến chỗ họp bằng xe Hải Ấu. Đó là xe mới nhất bấy giờ của Liên Xô, thay đổi tốc độ tự động. Đoàn ta đi một xe là vừa. Ghế cuối cùng đủ 3 anh, 2 ghế giữa đó là 2 thư ký của đoàn và phiên dịch. Phía trước bên cạnh lái xe là Zelenxốp. Đường đi được bố trí khá khoa học. Bằng điện thoại, công an đã kịp thời biết xe đoàn sắp đến ra lệnh cho các chốt ngã tư bật đèn xanh. Thành thử, từ nhà đến Kremli, gặp toàn là đèn xanh. Những nơi đi ngược chiều cũng bật đèn xanh cho đoàn đi. Từ nhà ra đi chỉ vèo mười mấy phút là đến nơi. Không bao giờ đến sớm và muộn. Khi tôi nói thời tiết mùa thu Mạc Tư Khoa rất đẹp là tôi muốn nói về rừng và cây. Còn trời thì luôn luôn đầy mây, lại mưa, mưa không lớn nhưng mưa cả ngày giống như cuối xuân đầu hè ở Hà Nội.
Mỗi ngày họp suốt từ 10 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm. Ắn giữa buổi và ăn trưa tại điện Kremli. Tôi quên nói là bên cạnh phòng họp, có nhiều phòng ăn nhỏ. Ở đây luôn luôn có người phục vụ. Có đủ loại thức ăn. Nguội có, nóng có. Thịt có, cá có. Trái cây đủ loại. Rượu, cà phê, chè, nước suối. Đang họp thấy khát hoặc đói có thể sang phòng ăn, vừa ăn vừa thư giản. Hội nghị kéo dài gần một tháng. Ngày nào cũng giống ngày nào, đi họp trời mới sáng, khi rời phòng họp tưởng còn ban ngày, hóa ra màn đêm buông xuống đã lâu, thành phố từ lâu đã lên đèn, mình ngồi trong phòng họp, mất cảm giác về ngày và đêm. Mấy hôm đầu buồn ngủ, nhưng sau quen dần.
Xuxlôp khai mạc cuộc họp. Chào mừng các đại biểu, giới thiệu thành viên của từng đoàn. Cám ơn tất cả đã đến dự. Xuxlôp nói là Liên Xô, phía chủ nhà có dự thảo văn kiện trình đại hội, Đảng nào có ý kiến gì, có tài liệu gì khác thì xin trình cho đại hội xem xét. Các đoàn lần lượt phát biểu ý kiến, đều tán thành lấy tài liệu của Liên Xô làm cơ sở để thảo luận. Các đoàn cử đoàn Liên Xô làm chủ tịch hội nghị, điểu khiển cuộc thảo luận. Cách thảo luận là lấy nguyên vẹn từng đoạn một của dự thảo, rồi từng đoàn nêu lên ý kiến của mình, nêu ra phương án cụ thể sửa chữ, hoặc sửa cụm từ, câu hoặc cả đoạn, nghĩa là không phải tranh luận trực tiếp từng quan điểm mà tranh luận quan điểm qua cách sửa từ, cụm từ và câu. Nói chung là thế nhưng có lúc lại trực tiếp tranh luận về quan điểm, phê phán lẫn nhau về quan điểm. Sau khi đoàn phát biểu, ban thư ký của hội nghị (Liên Xô phụ trách) in ngay cả đoạn mà đoàn đề nghị sửa đổi, phát ngay cho mỗi đoàn xem. Sau khi tất cả các đoàn phát biểu xong, đoàn Liên Xô phát biểu và dự thảo lại đoạn văn ấy có tính đến các ý kiến của các đoàn và đưa ra hỏi ý kiến của các đoàn. Nếu tất cả đồng ý thì cho qua, nếu có ý kiến khác thì tiếp tục thảo luận lại những ý khác nhau ấy. Có những cụm từ, đoạn văn thảo luận đi thảo luận lại mãi mấy buổi liền. Cuối cùng không nhất trí được thì gác lại, để về sau thảo luận lại, và nếu cũng không nhất trí được thì đưa ra hội nghị chính thức các nhà lãnh đạo cao nhất của các Đảng. Nguyên tắc của hội nghị là phải đạt được sự nhất trí chứ không phải biểu quyết theo đa số để thông qua.
Những vấn đề mà văn kiện của Liên Xô đưa ra để thảo luận là: Nhận định về thời đại; Vấn đề chiến tranh và hòa bình; Vấn đề tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước; Vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; Vấn đề đấu tranh của giai cấp công nhân; Vấn đề phong trào giải phóng dân tộc; Vấn đề quan hệ giữa các Đảng cộng sản và công nhân; Vấn đề xét lại và giáo điều.... Điều đáng chú ý nhất là văn kiện của Liên Xô xem rất nhẹ vai trò của đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc của đế quốc, đối với tiến trình phát triển của xã hội loài người trong thời đại hiện nay. Văn kiện quá cường điệu vai trò của vũ khí hạt nhân, sự lo sợ về nguy cơ chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh sự bức thiết của công cuộc bảo vệ hòa bình; vì sự xuất hiện khả năng hủy diệt của vũ khí hạt nhân. Mặt khác cũng vì một cuộc chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân sẽ hủy diệt cả nhân loại, một điều mà ai cũng muốn tránh cho nên lần đầu tiên đã xuất hiện khả năng ngăn ngừa chiến tranh. Yếu tố vũ khí hạt nhân làm nản lòng những kẻ hiếu chiến được nêu lên một cách nỗi bật, trong lúc đó tác dụng đẩy lùi nguy cơ chiến tranh của cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc không được coi trọng đúng mức. Các cuộc chiến tranh dù là cục bộ cũng có thể phát triển thành chiến tranh hạt nhân hủy diệt cho nên các nước có chế độ xã hội khác nhau chỉ có một con đường là chung sống hòa bình. Đối với các cuộc chiến tranh cách mạng cũng vậy, chiến tranh dù nhỏ cũng sẽ phát triển thành chiến tranh lớn, chiến tranh hạt nhân, một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh đồng, cho nên cần hết sức tránh dùng phương pháp đấu tranh vũ trang. Vả lại với sự thay đổi lực lượng so sánh trên thế giới, với sự lớn mạnh của cộng đồng các nước XHCN, với việc Mỹ mất độc quyền về vũ khí hạt nhân, với cuộc cách mạng khoa học mới mà hệ quả là sự phát triển ngày càng cao của các lực lượng sản xuất đem đến những thay đổi căn bản trong các nước tư bản v.v... đã xuất hiện khả năng quá độ hòa bình lên CNXH trong lòng các nước tư bản. Vì những lẽ trên đây, giữa các nước thuộc cộng đồng XHCN và các nước tư bản vấn đề ai thắng ai sẽ giải quyết bằng thi đua hòa bình, xây dựng kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo ra tính ưu việt chế độ, chế độ nào trong cuộc thi đua ấy tỏ ra ưu việt hơn sẽ cuốn hút được đa số nhân dân và sẽ chiến thắng.
Rõ ràng văn kiện của phía Liên Xô là một cương lĩnh thủ tiêu đấu tranh giai cấp ở toàn quyền, trong phạm vi từng nước cũng như trong phạm vi toàn thế giới, là một cương lĩnh của chủ nghĩa xét lại.
Và để bảo vệ cho quan điểm xét lại này, trong văn kiện của Liên Xô có một mục nói về nguy cơ của chủ nghĩa giáo điều trong phong trào cộng sản quốc tế. Trong hội nghị khi Trung Quốc nói đến chủ nghĩa xét lại hiện đại thì đó là một cách ám chỉ Liên Xô, và ngược lại khi Liên Xô nói đến chủ nghĩa giáo điều thì đó là ám chỉ Trung Quốc. Ở thời điểm hội nghị, Đảng ta chưa được phong tặng danh hiệu giáo điều.
Rõ ràng là những quan điểm trên đây nếu được thông qua sẽ là một đòn mạnh đánh vào cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam của ta. Cuộc đấu tranh ấy lúc bấy giờ còn mang tính chất chính trị, dùng bạo lực chính trị tiến hành khởi nghĩa từng phần, đập tan ách kìm kẹp của địch làm chủ nhiều vùng nông thôn. Tuy rằng cuộc đồng khởi đó đã có những nhân tố bạo lực vũ trang, nhưng bạo lực chính trị vẫn là chính. Cách mạng còn tương đối "hòa bình". Nhưng Lê Duẩn dự kiến là nhân tố vũ trang sẽ tăng lên và đóng vai trò càng quan trọng hơn. Ta chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa cục bộ kết hợp công kích cục bộ tiến lên tổng công kích tổng khởi nghĩa. Nếu tổng khởi nghĩa tổng công kích thắng lợi, nhưng địch phản kích lại thì cũng khó tránh chiến tranh để giữ thành quả của cách mạng. Cuộc cách mạng tháng 10 Nga và cuộc cách mạng tháng 8 của ta diễn ra tương đối "hòa bình", nhưng sau đó ta phải đánh Pháp 9 năm mới đến Điện Biên Phủ. Sau cách mạng tháng 10 Nga, Nga cũng phải trải qua 3 năm nội chiến.
Với tình hình cách mạng Việt Nam như thế, rồi đây chúng ta sẽ bị lên án là hiếu chiến không chừng bị khai trừ ra khỏi phong trào cộng sản và công nhân quốc tế như Nam Tư đã bị khi tiến hành xây dựng CNXH theo mô hình khác. Nói chung, ta không phản đối chung sống hòa bình, đó là chung sống hòa bình giữa Liên Xô và Mỹ, giữa cộng đồng XHCN và phe tư bản chủ nghĩa, giữa các nước độc lập có chế độ xã hội khác nhau. Song không thể có chung sống hòa bình giữa nước xâm lược và dân tộc bị áp bức, bị xâm lược.
Anh Thanh nói thêm: Đây là thuyết "hội tụ" của bọn học giả tư sản. Chúng ta kiên quyết không chịu.
Tình hình tranh cải căng thẳng trong hội nghị không thể tránh khỏi. Đầu tiên là Trung Quốc, vì những lý do riêng của họ, họ phản đối cái mà về sau này họ gọi gọn là 3 "hòa" (chung sống hòa bình, thi đua hòa bình, quá độ hòa bình), chưa nói đến các vấn đề khác, họ đang trong tình trạng chiến tranh với Ần Độ, đang chủ trương giải phóng Đài Loan. Cái làm họ giận dữ nhất là chống chủ nghĩa giáo điều. Họ hiểu đó là ám chỉ phong trào công xã nhân dân, cuộc đại nhảy vọt, 3 ngọn cờ hồng và công kích đích thân họ Mao. Vì vậy, từ đầu đến cuối họ phát biểu với thái độ lên án Liên Xô rất gay gắt. Họ gọi quan điểm của Liên Xô là chủ nghĩa xét lại hiện đại, để phân biệt với chủ nghĩa xét lại của Nam Tư.
Về phía ta, lập trường của ta do Lê Duẩn nêu ra và được Nguyễn Chí Thanh nhất trí, đã rõ ràng. Nhưng cái phiền toái cho đoàn ta là trên nhiều vấn đề mà quan điểm của Liên Xô có sai trái thì Trường Chinh lại tán thành.
Trong khi anh Trần Quang Huy và tôi chuẩn bị những bài phát biểu cho đoàn, theo sự chỉ đạo của Lê Duẩn thì Trường Chinh nhắn Vũ Tuấn đến gặp. Vũ Tuấn lúc ấy đang học tại trường Đảng Liên Xô. Vũ Tuấn được Trường Chinh chỉ thị là phải họp bàn với các anh khác đang cùng học ở trường Đảng thảo luận và chuẩn bị các bài phát biểu cho anh ấy. Vũ Tuấn và các bạn của anh ấy, được nghe giảng ở trường và tất nhiên là các bài giảng và tài liệu nghiên cứu cho học viên đều thể hiện các quan điểm của Đảng Liên Xô, và đều tiếp thu các quan điểm ấy. Thành thử mỗi buổi sáng (chúng tôi và các anh lãnh đạo phải dậy sớm ngược với tập quán của người Nga, để nghe đọc các bài phát biểu do 2 chúng tôi, Huy và tôi chuẩn bị ban đêm). Khi thảo luận nội dung phát biểu của đoàn thì Trường Chinh có sẵn đề nghị về nội dung phát biểu. Giữa ba anh lãnh đạo phải trao đổi khá gay go với nhau. Nhưng cuối cùng phương án của Trường Chinh lúc nào cũng không được chấp nhận. Vì Trường Chinh bị thiểu số, vả lại Lê Duẩn là trưởng đoàn. Lê Duẩn đồng ý sửa lại một số câu văn, một số chữ cho có vẻ là tiếp thu ý kiến của Trường Chinh, nhưng về thực chất thì tinh thần của bài phát biểu của đoàn không thay đổi.
Tôi hiểu vì sao Trường Chinh hành động như vậy. Một là anh ấy rất "căm" Trung Quốc vì anh cho rằng Trung Quốc đã xúi anh phạm sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức cớ đó mà bị kỷ luật, buộc phải thôi giữ chức Tổng bí thư lúc bấy giờ, đó là lý do chính. Hai là anh ấy không bằng lòng với Lê Duẩn vì Lê Duẩn đã thay thế anh làm bí thư thứ nhất của Đảng, sự không bằng lòng này sau này bộc lộ ra một cách mãnh liệt, vấn đề này sau này sẽ nói. Cũng vì vậy mà đoạn tài liệu của Liên Xô về vấn đề "giáo điều và xét lại" thì anh ấy phê phán rất gay gắt và lên án rất mạnh mẽ chủ nghĩa giáo điều như trong dự thảo văn kiện của Liên Xô, mà ai cũng biết do ta phê phán và lên án Trung Quốc. Anh ấy viết chủ nghĩa giáo điều biểu hiện ở chủ trương công xã nhân dân, đại nhảy vọt, trong việc không thấy sự biến đổi của thế giới mà vẫn bám lấy cái ý kiến đấu tranh giai cấp chiến tranh cách mạng.
Chúng ta thử tưởng tượng nếu đoàn ta chấp nhận phát biểu của Trường Chinh thì quan hệ giữa ta và Trung Quốc sẽ thế nào, quan hệ với một nước cùng chung biên giới với ta ở sau lưng ta, một nước mà lãnh tụ đã từng tuyên bố: "ai tốt với tôi một, tôi sẽ tốt lại hai; ai xấu với tôi một, tôi sẽ xấu lại mười"? Vì những lý do lý luận, và cũng vì những lý do thực tiễn hay thực dụng, Lê Duẩn không thể đồng tình với đề án của Trường Chinh. Nguyễn Chí Thanh cũng đồng ý với Lê Duẩn. Nội dung phát biểu của đoàn ta trong hội nghị có thể tóm tắt như sau:
Về thời đại, chúng ta đồng ý nội dung cơ bản của thời đại là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới bắt đầu tư cách mạng tháng 10 Nga v.v... Ý kiến quan trọng nhất của chúng ta là: "Ba dòng thác cách mạng của thời đại đang ở thế tấn công". Ba dòng thác ấy là: "Cuộc đấu tranh để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội phát triển của các nước XHCN - Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước đế quốc và tư bản nhằm chống lại mưu mô và hành động xâm lược và gây chiến của các thế lực phản động, chống áp bức bóc lột, giành dân chủ và tiến bộ xã hội - Cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc". Vì vậy khi nói về những nhân tố quyết định nội dung chủ yếu, những phương hướng chủ yếu và những đặc điểm chủ yếu của thời đại ngày nay thì ngoài vai trò của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội phát triển trong các nước XHCN, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong các nước tư bản, ta đề nghị nói thêm và nhấn mạnh vai trò của phong trào đấu tranh của các nước Á, Phi, Mỹ Latinh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Về chiến tranh và hòa bình. Chiến tranh bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Khi đế quốc nắm độc quyền về vũ khí hạt nhân chúng trở nên hiếu chiến hơn, và nguy cơ chiến tranh tăng lên. Nhưng do những biến đổi trong lực lượng so sánh trên hướng quốc tế, cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng XHCN, cùng với việc Liên Xô (lúc ấy Trung Quốc chưa công bố là có vũ khí hạt nhân), phá thế độc quyền của Mỹ và một số nước đế quốc chủ nghĩa khác về vũ khí hạt nhân, cùng với việc Liên Xô và các nước trong cộng đồng XHCN đạt được thế cân bằng với các nước đế quốc về lực lượng quân sự, cùng với ý thức giác ngộ, và phong trào đấu tranh ngày càng mạnh của phong trào công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào chống chiến tranh đòi hòa bình của nhân dân thế giới... đã xuất hiện khả năng hiện thực ngăn ngừa chiến tranh thế giới mới. Tuy vậy, chiến tranh thế giới vẫn chưa bị loại trừ hẳn. Ta đồng ý ngày nay chủ nghĩa đế quốc không thể muốn làm gì thì làm như trước. Nhưng nếu những mâu thuẩn giữa chủ nghĩa tư bản và các nước XHCN, cũng như giữa các nước đế quốc với nhau phát triển đến mức không điều hòa được bằng các biện pháp khác thì chưa thể loại trừ hẳn khả năng chủ nghĩa đế quốc dùng biện pháp chiến tranh để giải quyết. Vì vậy phải luôn luôn cảnh giác. Có khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới không có nghĩa là có khả năng và cần ngăn ngừa mọi cuộc chiến tranh. Các cuộc chiến tranh cục bộ vẫn có thể xảy ra. Chủ trương ngăn ngừa chiến tranh thế giới không có nghĩa là, và tuyệt đối không có nghĩa là, ngăn cản các cuộc chiến tranh giải phóng, các cuộc chiến tranh để bảo vệ thành quả cách mạng. Hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng mọi cuộc chiến tranh cục bộ, chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ thành quả cách mạng của các nước đều sẽ biến thành chiến tranh thế giới. Nhận định này sẽ dẫn đến lên án và ngăn chặn các dân tộc dùng chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh cách mạng để tự giải phóng và bảo vệ các thành quả cách mạng của mình, trói buộc chân tay của các dân tộc đó.
Chúng ta không đánh giá thấp tiềm năng hủy diệt vô cùng to lớn của vũ khí hạt nhân, nhưng chúng ta không đặt tác dụng của việc tạo được thế cân bằng về vũ khí hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ lên vị trí quá cao, thậm chí là quyết định nhất trong việc tạo ra khả năng ngăn ngừa chiến tranh thế giới mới. Chúng ta cũng phản đối thái độ sợ sệt quá đáng chiến tranh hạt nhân, cho rằng mọi cuộc chiến tranh đều có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Theo ta vũ khí hạt nhân có vai trò răn đe, vì nếu chiến tranh hạt nhân giữa hai phía xảy ra, thì dù chỉ một phía sử dụng vũ khí hạt nhân (điều này chắc là không thể có) cả hai phía đều bị chung số phận: bị tiêu diệt. Cho nên nếu phải tiến hành chiến tranh, thì các bên chỉ dùng vũ khí qui ước. Và cũng vì vậy mà chúng ta nghĩ rằng khả năng xảy ra chiến tranh thế giới bằng vũ khí qui ước không phải đã hoàn toàn loại trừ. Các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh để bảo vệ thành quả cách mạng không thể trở thành chiến tranh thế giới. Chủ nghĩa đế quốc là nguồn gốc của chiến tranh. Bảo vệ hòa bình không đơn thuần và không phải chủ yếu là chung sống hòa bình và thi đua hòa bình, mà cơ bản là một cuộc đấu tranh cách mạng. Cần đẩy mạnh cuộc tiến công của ba dòng thác cách mạng, đẩy lùi từng bước, đánh đỏ từng bộ phận chủ nghĩa đế quốc, làm cho chủ nghĩa đế quốc bị suy yếu khả năng gây chiến của chúng ngày càng giảm sút. Và nếu các cuộc cách mạng tiến công tiến hành tốt, có hiệu quả thì đến một lúc nào đó, chủ nghĩa đế quốc sẽ bị suy yếu đến mức mà chúng không còn là mối đe dọa cho hòa bình. Tăng cường lực lượng về mọi mặt hệ thống xã hội chủ nghĩa làm chỗ dựa vững chắc cho các cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc; đẩy mạnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh vào sân sau của chủ nghĩa đế quốc và tư bản. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản đòi các quyền lợi cơ bản, vì dân chủ và tiến bộ xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chiến tranh đế quốc, đồng thời chung sống hòa bình và thi đua hòa bình, đó là nội dung chủ yếu của cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình thế giới. Chúng ta không thể có hòa bình bằng cách nhân nhượng vô nguyên tắc chủ nghĩa đế quốc, đồng thời phải tránh những hành động phiêu lưu, mạo hiểm. Ngay từ hội nghị Băng Đung, chúng ta cũng đã cùng các nước đề ra 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Chung sống hòa bình là chung sống giữa các nước XHCN và các nước đế quốc, tư bản, chung sống giữa các nước mới được giải phóng khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới với nhau. Không thể có chung sống hòa bình giữa chủ nghĩa đế quốc và những dân tộc và giai cấp bị chúng áp bức và bóc lột.
Các Mác có nêu ra khả năng quá độ lên CNXH bằng con đường hòa bình, trong những hoàn cảnh nhất định, bằng cách "mua lại" chủ nghĩa tư bản, khi lực lượng so sánh giữa chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi thế giới và trong từng nước đã chênh lệch đến mức mà các giai cấp thống trị thấy chuyển chính quyền cho nhân dân lao động, là có lợi hơn cho chúng hơn là chống cự để bị lực lượng hùng hậu của nhân dân đè bẹp. Cũng có thể xảy ra tình hình là cách mạng XHCN đã thắng lợi ở hầu hết các nước tư bản; chỉ còn lại một vài nước lẻ loi, ở đó có khả năng dành thắng lợi cho cách mạng một cách hòa bình. Nhưng nay chưa đến lúc có tình hình như thế. Chủ nghĩa đế quốc, tư bản còn mạnh, chúng cố bám lấy quyền lợi của chúng và chúng thấy khả năng có thể bám lấy quyền lợi. Hơn nữa chúng muốn bành trướng ra các nước khác. Do đó chỉ có cách dùng bạo lực cách mạng bao gồm bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang mới thắng được sự ngoan cố của chủ nghĩa đế quốc, đè bẹp sự kháng cự của chúng, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Nói cách mạng hòa bình là nói cách mạng diễn ra tương đối ít đổ máu nhưng đó không phải là sự quá độ hòa bình theo cách nghĩ của Liên Xô. Kinh nghiệm bản thân chúng ta cho thấy cuộc cách mạng tháng 8 của Việt Nam xảy ra một cách tương đối hòa bình do lực lượng thống trị lúc bấy giờ là quân đội Nhật đã bị quân đội Liên Xô đánh tan, nước Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, quân đội Nhật ở Việt Nam thấy chống cự lại cách mạng Việt Nam vô ích. Song sau khi ta giành được chính quyền rồi thì lập tức quân Pháp nhảy vào hòng lập lại chế độ đô hộ thực dân của Pháp, buộc ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng ròng rã 9 năm mới đuổi được thực dân Pháp ra khỏi một nửa nước. Có ý kiến cho rằng ngày nay dưới sự tác động của cách mạng khoa học kỹ thuật, lực lượng sản xuất trong cả 2 phe phát triển với tốc độ cao xưa nay chưa từng có, kéo theo sự thay đổi quan hệ sản xuất theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, sự khác biệt giữa chế độ XHCN và chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như sai lệch giữa lợi ích của giai cấp tư bản và giai cấp công nhân và các từng lớp lao động khác ngày càng thu hẹp lại, sự tương đồng ngày càng lớn, đến một lúc nào đó giai cấp tư bản tự thấy sự tồn tại của chúng là lỗi thời, lúc đó chúng dễ dàng chấp nhận chuyển nền thống trị của chúng cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Về ý kiến đó, chúng ta cho rằng, ngày được nói trên đây còn xa vời, và đến lúc đó chưa rõ sự tranh chấp giữa đại đa số nhân dân và giai cấp tư bản sẽ được giải quyết ra sao: trước mặt sự cách biệt giữa 2 chế độ xã hội còn rất lớn, sự cách biệt giữa lợi ích của giai cấp tư bản và đa số nhân dân cũng còn rất lớn. Trong tình hình trước mắt, để chiến thắng sự ngoan cố của giai cấp tư bản trong việc bám chặt lấy quyền lợi của chúng, chỉ có con đường là làm cách mạng, là sử dụng bạo lực cách mạng. Cuộc đấu tranh giai cấp còn gay go, quyết liệt. Đề ra chủ trương quá độ hòa bình lên CNXH như là một tất yếu của lịch sử là thủ tiêu đấu tranh giai cấp, thủ tiêu cách mạng, trói tay trói chân giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Sợ cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dẫn đến chiến tranh cục bộ và cuối cùng là chiến tranh thế giới là không có căn cứ. Mở rộng khái niệm quá độ hòa bình sang các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc càng không đúng và có hại.
Về thi đua hòa bình, ta đề nghị xem đó là một khẩu hiệu để vạch trần những hành động hiếu chiến, phá hoại các nước XHCN bằng nhiều thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta cho rằng giữa các nước XHCN và tư bản chủ nghĩa là một cuộc đấu tranh ai thắng ai bằng cách xây dựng tốt CNXH, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa của nhân dân, làm cho CNXH ngày càng tỏ rõ tính ưu việt về mọi mặt của mình, bằng cách không ngừng tăng cường khả năng quốc phòng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích và tấn công của chủ nghĩa tư bản, bằng cách giúp đỡ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư sản chủ nghĩa giành dân chủ và tiến bộ xã hội, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc. Giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không thể có thi đua hòa bình. Gói cả những trường hợp như Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam vào phạm trù thi đua hòa bình là giải giáp nhân dân cả 2 miền đang dùng bạo lực cách mạng để đánh đổ ngụy quyền Miền Nam và can thiệp Mỹ, thống nhất đất nước.
Vấn đề chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại. Chúng ta cho rằng chủ nghĩa giáo điều hay chủ nghĩa xét lại đều là xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, đều là nguy cơ hiện thực trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chủ nghĩa giáo điều không nắm vững quan điểm duy vật biện chứng để xem xét tình hình, không nắm vững nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, để xử lý và giải quyết các vấn đề thực tiễn của cách mạng. Nó bám lấy những công thức sẵn có, nó bắt chước một cách máy móc kinh nghiệm thực tiễn của các Đảng, chứ không xuất phát từ thực tiễn của đất nước mình để giải quyết những vấn đề do cách mạng nước mình đề ra. Chủ nghĩa xét lại từ bỏ đấu tranh giai cấp, từ bỏ chuyên chính vô sản. Các Đảng cộng sản và công nhân muốn đưa cuộc đấu tranh cách mạng của nước mình đi vào con đường đúng đắn, thắng lợi, cần đấu tranh chống cả hai khuynh hướng giáo điều và xét lại. Như vậy là chúng ta dừng lại ở khái niệm chung chung, không muốn đổ dầu thêm vào không khí căng thẳng của hội nghị. Nói lên sự không đồng tình của ta về các sai lầm lệch lạc của Liên Xô về các vấn đề lý luận về thời đại, chiến tranh và hòa bình, về cách mạng v.v... ta ý thức rằng ta vẫn ở trong giới hạn cho phép trong quan hệ giữa ta và Liên Xô. Ta chống các quan điểm xét lại của Đảng cộng sản chứ không phải chống Đảng cộng sản Liên Xô và chống Liên Xô. Trong nội bộ một Đảng cũng như giữa các Đảng, đấu tranh tư tưởng là chuyện bình thường, thực tiễn sẽ chứng minh ai đúng ai sai, nhưng nếu nêu quá cụ thể những biểu hiện của chủ nghĩa xét lại thì chẳng khác nào chỉ tay vào Liên Xô: "Anh là tên xét lại". Nếu làm như thế thì trong quan hệ giữa ta và Liên Xô khó lòng duy trì ở mức độ có găng một chút nhưng vẫn tương đối bình thường. Đối với Trung Quốc cũng vậy, tuy là không đồng tình với nhiều hành động và lý luận của Trung Quốc nhưng việc Trung Quốc phê phán chủ nghĩa xét lại của Liên Xô, phê phán các quan điểm của Liên Xô thủ tiêu đấu tranh giai cấp, hòa bình chủ nghĩa... là có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam của nhân dân ta, vả lại Trung Quốc là đối tượng bị Liên Xô và các Đảng khác ở các nước tư bản lên án kịch liệt và đã bị Khơ-rút-sốp dọa khai trừ ra khỏi phong trào cộng sản quốc tế, nguy cơ phân liệt của phong trào treo lơ lửng trên hội nghị, cho nên ta tránh nêu những biểu hiện cụ thể làm cho người ta có thể hiểu là ta ám chỉ Trung Quốc. Nếu ta làm như vậy, ta sẽ mang nước đến đổ vào cối xay của Khơ-rút-sốp và của các Đảng trên.
Cuối cùng đoàn ta kêu gọi sự đoàn kết trong phe XHCN và trong phong trào cộng sản quốc tế.
Như trên đã nói, phản đối dự thảo của phía Liên Xô gay gắt nhất là đoàn Trung Quốc. Hai người Đặng Tiểu Bình và Khang Sinh thay nhau phát biểu, thái độ chung là không khoan nhượng về những vấn đề chính.
Các Đảng cộng sản và công nhân các nước XHCN Đông Ấu, các Đảng cộng sản ở các nước tư bản Ấu Châu và Mỹ Châu.... đều cùng chung lập trường với Liên Xô.
Đáng chú ý nhất là các Đảng Triều Tiên, Albani và Indonexia. Họ không tán thành dự thảo của Liên Xô, nhưng không đứng chung một mặt trận với Trung Quốc. Vì họ ngại đối đầu với Liên Xô. Họ lấy Việt Nam làm chuẩn. Trên từng vấn đề họ đều hỏi ta nên phát biểu thế nào, họ xin cho họ xem trước dự thảo phát biểu của ta rồi họ căn cứ vào tinh thần phát biểu của ta mà soạn ra phát biểu của họ. Trước hội nghị 81 Đảng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Indonexia Aidit đã từng sang thăm nước ta sau khi thăm Liên Xô và Trung Quốc. Hội đàm xong với Đảng ta, trao đổi ý kiến với Lê Duẩn, Aidit tuyên bố với ta rằng Indonexia không thể đi theo con đường của Liên Xô cũng như không thể đi theo con đường của Trung Quốc, mà sẽ noi theo con đường của Việt Nam vì nó là thích hợp nhất đối với cách mạng Indonexia.
Về sau này, 3 Đảng trên đều xa lánh ta, xích gần với Trung Quốc kết thành mặt trận với Trung Quốc. Đây là chuyện sẽ được đề cập ở những phần sau của hồi ức này.
Hội nghị trù bị đã kết thúc sau gần một tháng tranh luận với một văn kiện có bổ sung, sửa đổi, tiếp thu ý kiến của nhiều đoàn nhưng về những vấn đề cơ bản nhất vẫn tồn tại những bất đồng.
Hội nghị chính thức tiến hành sau đó hai tuần, lần này các chủ tịch, tổng bí thư, bí thư thứ nhất của các Đảng đều đến dự trừ Mao Trạch Đông, do Lưu Thiếu Kỳ thay mặt. Sau hai tuần thảo luận, hiệp thương, trên các vấn đề có bất đồng lớn, các bên đều giữ vững lập trường của mình. Lời kêu gọi đoàn kết của Bác Hồ ta, của một vài lãnh tụ khác đều không lay chuyển được Liên Xô và Trung Quốc. Song để tránh sự phân liệt công khai, cuối cùng đã đạt được một văn kiện có tính chất thỏa hiệp trên một số vấn đề, lời lẽ có thể hiểu thế này hoặc thế kia. Và văn kiện "Tuyên bố của Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân ở Mạc Tư Khoa" ấy được ký.
… còn nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét