Ben Kiernan là giáo sư về quan hệ quốc tế  Đại học Yale, Hoa Kỳ và là Giám đốc Dự án nghiên cứu về diệt chủng. Ông là tác giả của nhiều đầu sách về Đông Nam Á.

“Học thuyết Pol Pot”

Năm 1976, Tạp chí Tung Padevat (Ngọn cờ cách mạng) của Đảng Cộng sản Campuchia do Pol Pot cầm đầu đưa ra một góc nhìn rất khác biệt về quan hệ Campuchia-Việt Nam. Tạp chí này cho rằng, đó là cuộc đấu tranh liên tục, không ngừng giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng. Số ra tháng 6-1976 của tạp chí này viết: “Chúng ta cần phải xác định một lập trường rằng kẻ địch sẽ tiếp tục tồn tại khoảng 10-20-30 năm nữa. Cuộc đấu tranh dân tộc cũng là đấu tranh giai cấp; nói gọn lại, cuộc đấu tranh giữa các lực lượng cách mạng và phản cách mạng sẽ tiếp diễn… Khi chúng ta mạnh, kẻ địch yếu; khi chúng yếu, chúng ta mạnh” (trang 21).

“Kẻ địch” mà Tung Padevat nêu ám chỉ Việt Nam.

Cùng kỳ, Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã nhất trí ký một hiệp định biên giới vào tháng 6-1976. Từ ngày 4 đến 18-5-1976, những đàm phán sơ bộ ở Phnôm Pênh đã thống nhất thành lập các ban liên lạc về biên giới trên bộ, nhưng chưa thỏa thuận được đường biên giới trên biển. Sau đó, phía Campuchia đã trì hoãn vô thời hạn cuộc gặp cấp cao dự kiến vào tháng 6 như đã nói ở trên. Nhưng điều cần nhận thấy là trong giai đoạn đàm phán sơ bộ, các va chạm trên biên giới đã giảm bớt. Một thứ trưởng và phóng viên Việt Nam thăm Campuchia đã tường thuật một cách tích cực về cuộc tái thiết kinh tế trên đất nước này. Các đoàn đại biểu phụ nữ của hai nước đã trao đổi những chuyến thăm. Hai bên đã có thỏa thuận về đường bay giữa hai nước. Điều lạ là chế độ Pol Pot khi dẫn lịch sử “gây hấn” với Việt Nam lại không hề nói về những sự kiện quan trọng này. Số ra tháng 6-1976 của Tạp chí Tung Padevat có đoạn viết: “Từ tháng 3-1976, tình hình trở nên dịu đi. Cùng kỳ, chúng ta đã tiêu diệt kẻ thù (ý nói người Việt sinh sống ở Campuchia và các lực lượng phản kháng Pol Pot trong nước và trong đảng) và phân tán chúng một cách rải rác…” (trang 20). “Chúng ta muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội nhanh chóng, chúng ta muốn biến đổi đất nước của chúng ta nhanh chóng, chúng ta muốn dân tộc ta vinh quang nhanh chóng. Nhưng đặc biệt, cần ngăn chặn kẻ thù làm hại chúng ta. Ngay cả bây giờ, kẻ thù đã không thể gây ảnh hưởng lên chúng ta (trang 42)… Kẻ thù đang chần chừ trước chúng ta (trang 44)… Chúng ta tin tưởng rằng có thể xây dựng nhanh một tiềm lực mạnh cho đất nước. Việc kẻ thù tiến công chúng ta là không thể xảy ra…” (trang 51).

Một cuốn sách khác của Ben Kiernan “Chế độ Pol Pot: Chủng tộc, quyền bính và diệt chủng ở Campuchia dưới thời Khmer Đỏ 1975-1979”, NXB Đại học Yale, Hoa Kỳ, năm 2005.

Cũng tạp chí này ra tháng 4-1977 viết: “… Kẻ thù của chúng ta đã không còn sở hữu một đội quân thứ năm trong nội bộ đảng và trong nhân dân của chúng ta, để xúi giục các hoạt động phản cách mạng với mục tiêu lật đổ chế độ, hủy hoại cuộc cách mạng của chúng ta, xóa bỏ Đảng Cộng sản ở Campuchia, nô dịch người Campuchia, ném quân đội chúng ta vào hỗn loạn và tiêu diệt nền dân chủ của chúng ta. Trên một bình diện khác, họ lại không còn khả năng tiến công chúng ta về quân sự từ bên ngoài. Chúng ta phải chủ động tiến công chúng liên tục trên bất kỳ địa hình nào, đồng thời chấp hành tỉ mỉ các chủ trương của đảng, cả trên mặt trận nội chính lẫn trên mặt trận ngoại giao… Chúng ta cần đánh địch tới từ bên ngoài, tác chiến trên mọi chiến trường và dưới tất cả các hình thức”.

Sau thắng lợi năm 1975, Khmer Đỏ đã tìm cách chinh phạt một phần của Campuchia Krom và gây ra những tội ác khủng khiếp đối với một số lớn những thường dân Việt Nam (kể cả người già, phụ nữ, trẻ em). Chính quyền Pol Pot đã gạt bỏ tất cả các đề xuất giải quyết bằng hòa bình mà Hà Nội đưa ra trong nhiều dịp, đặc biệt là ngày 5-2-1978…

Năm 1978, Son Sen, Phó thủ tướng phụ trách quốc phòng cho hay, “quân đội cách mạng Campuchia vinh quang” của ông ta đã có khả năng đối đầu dễ dàng với quân đội của Tướng Giáp, còn quân đội Thái Lan của Kukrit Pramoj (Thủ tướng Thái Lan lúc đó) thì chẳng đáng kể gì…

Xung đột với Thái Lan và Lào

Các vụ xô xát nghiêm trọng dọc theo đường biên giữa vùng Đông Bắc Thái Lan với Campuchia đã bắt đầu từ năm 1977. Điều này chắc do tập đoàn Pol Pot đã củng cố được quyền lực tới mức át được những chống đối trong nội bộ đảng. Những cuộc tiến công của Khmer Đỏ có đặc trưng là chủ nghĩa quân phiệt cục súc, tàn bạo, hoàn toàn khác với phương thức hoạt động của những người cộng sản ở các vùng khác của Thái Lan, lúc đó là thuyết phục về chính trị để giành được sự ủng hộ của quần chúng.

Cùng lúc này, Campuchia bắt đầu va chạm với người láng giềng Lào. Sau một chuyến thăm vào tháng 1-1978, Nayan Chanda, tác giả cuốn sách “Khi anh em thành kẻ thù: Chiến tranh nối chiến tranh” xuất bản ở phương Tây năm 1986 viết trong Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, số ra ngày 12-12-1978: Tới nay, tình thế ở biên giới Lào-Campuchia đã xấu đi rõ rệt.

Gây hấn với Việt Nam

Đầu năm 1977, các cuộc tiến công của Khmer Đỏ sang Việt Nam trở nên khốc liệt nhất và ngày càng có hệ thống. Hiện giới nghiên cứu nhìn nhận rằng, các cuộc tiến công do phía Campuchia khởi phát này diễn ra trong suốt năm đó, chủ yếu là đột kích vào các làng và bắn pháo vào các thị trấn. Thương vong của phía Việt Nam là cực kỳ nặng nề. Việc tổng hợp những báo cáo nhiều trang trên báo chí và của Trung tâm Lưu trữ Keesing đã đem lại thống kê sau đây về cuộc xung đột.

Tình hình xấu đi một cách trầm trọng từ tháng 3-1977. Theo một tài liệu chính thức do phía Việt Nam công bố ngày 6-1-1978, quân Khmer Đỏ đã đột kích vào các tỉnh Kiên Giang và An Giang của Việt Nam  từ ngày 15 đến 18-3 và từ ngày 25 đến 28-3-1977 trên một khu vực gần 100km, trải dài từ Hà Tiên (Kiên Giang) tới Tịnh Biên (An Giang). Các đơn vị mạnh của Khmer Đỏ đã tiến đánh các đồn biên phòng của Việt Nam và các làng ven biên giới từ ngày 30-4 đến 19-5-1977, giết hại 222 thường dân; bắn pháo vào Châu Đốc, tỉnh lỵ của An Giang. Quy mô của các cuộc tiến công tăng vọt vào nửa sau của tháng 9-1977, trùng với thời kỳ Pol Pot đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên. Thông cáo của Việt Nam ngày 6-1-1978 được xác nhận bởi các báo cáo từ các nguồn tình báo của Mỹ cho hay, từ ngày 24-9 cho đến cuối tháng 11-1977 trở đi, quân đội Khmer Đỏ gồm 4 sư đoàn đã khởi phát các cuộc tiến công lên toàn dải biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh, làm cho hơn 1.000 dân thường Việt Nam chết hoặc bị thương.

Cuộc phản công của Việt Nam bắt đầu từ tháng 12-1977 đến tháng 1-1978. Sau đó, Việt Nam đề xuất thương lượng, cụ thể là cả hai bên đều lui lại cách biên giới 5km để tránh những hành vi gây hấn qua đường biên giới. Những người cộng sản Việt Nam đã chịu nhún nhường vì nguyện vọng có miền biên cương hòa bình. Nếu Pol Pot chấp nhận đề xuất mà Hà Nội đưa ra ngày 5-2-1978, chế độ của ông ta hẳn còn có cơ sống sót. Điều này có nghĩa là tập đoàn Pol Pot phải từ bỏ các chính sách chống Việt Nam đã bộc lộ rõ rệt trước đó. Nhưng với sự hỗ trợ của thế lực bên ngoài, với ý đồ giành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với bất ổn trong nội bộ đảng cầm quyền ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot đã không từ bỏ các chính sách đó. Họ từ chối đề xuất của Việt Nam, đẩy cuộc xung đột rơi vào vòng xoáy của “cuộc đấu tranh không ngừng” mà Tạp chí Tung Padevat đã viết ở trên và kết cục như thế nào thì mọi người đã rõ.

BEN KIERNAN

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)