Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

CHÌA KHÓA HỌC NÂNG CAO CON NGƯỜI LÀ: NÓI

 CHÌA KHÓA HỌC NÂNG CAO CON NGƯỜI LÀ: NÓI

( Nói là xương sống hạt nhân cơ bản của văn hóa con người)
Paul Nguyễn Hoàng Đức
*****
Vừa rồi Pháp là một trong vài chiếc nôi văn minh châu Âu và thế giới có tiến hành cải cách giáo dục với vài điều chính:
1- Không cho học sinh đem điện thoại đến trường: vì các em sẽ sao nhãng việc liên kết bạn bè, cá nhân và tập thể.
2- Dạy nói, hùng biện và đối thoại: để học trò học biết văn hóa đối thoại trao đổi lẫn nhau cũng như đưa ra thông điệp của mình.
3- Hát đồng ca: để tạo ra hiệu ứng tập thể và xã hội…
Ở đây, tôi xin bàn đến điểm chính là NÓI.
Nói tức là ngôn ngữ. Song song với nó cũng là chữ viết. Tóm lại: Nói là chữ viết không mực được thực hiện bằng miệng. Còn Chữ Viết là Nói bằng mực được thực hiện bằng tay (vì thế chúng ta sẽ không quá tách dời nói và viết).
Triết gia tổ phụ Aristote nói: “Trong việc học mọi ngành nghề, thì học chữ vẫn là lâu nhất!” Tại sao vậy? Vì học chữ tức là xây dựng chữ nghĩa, tư duy, lý thuyết và học thuyết để từ đó dẫn dắt những hành động chuyên ngành của mình. Vì công thức của mọi thành công ở đời mà người phương Tây rút ra là: 1- nắm vững lý thuyết, 2- thực hiện thành thục. Thời trước, các bác sĩ của Việt Nam muốn giỏi tay nghề, thì hiển nhiên phải giỏi tiếng Pháp. Xa hơn nữa các thầy thuốc Đông y giỏi thì phải thạo tiếng Tàu.
Triết gia tổ phụ Platon cũng nói: “Con người tư duy bằng ngôn ngữ, vì khi tư duy, người ta đặt câu hỏi rồi trả lời trong não, đều là ngôn ngữ cả”. Và Platon chính thức đặt ngôn ngữ lên cao nhất trong các môn khoa học. Ông nói: Chỉ có Biện chứng pháp (Biện là Nói. Biện Chứng pháp là cách Nói) mới bàn định được về thiện – ác, rồi đạo đức của con người. Trong khi đó, đạo đức với con người là cao nhất, thì biện chứng pháp cũng là cao nhất!
Người Việt cũng nghĩ nhiều về ngôn ngữ. Chẳng hạn coi thường đám ăn nói ú ớ bất tài “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, rồi “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết!” nghĩa là ra cửa quan là nơi công đường, người ta phải ăn nói, trình bày cho cho quan phủ có học nghe, nên lộ ra ngay tài ăn nói. Và: “Miệng kẻ sang có gang có thép, đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm”, có nghĩa: với người có học, biết nói năng đàng hoàng đĩnh đạc, thì họ mang sức mạnh như gang thép, còn thứ vớ vẩn thì nhìn xấu xí… Người Việt cũng xác định: “Học ăn, học Nói” là tiêu chí đầu tiên của con người.
Triết gia Platon cũng khẳng định Biện chứng pháp là khoa học (dường như thuần khiết) duy nhất nhưng cao nhất của con người. Trong tất cả các môn khoa học, thì ngay cả việc chứng minh các phát minh hay công thức, người ta đều phải Nói, phải dựa trên logic – cũng tức là nói để biện giải hay minh định có lý: tại sao lại là như vậy.
Việc người Pháp đề cao dạy trẻ con Nói và đối thoại, nghĩa là trau dồi cho các trò kỹ năng trực tiếp làm người. Ở đó các trò xây dựng văn hóa đối thoại, nhường và nghe nhau nói để tìm ra cái Lý của mọi việc. Trong khi đó người châu Á xưa nay chẳng bao giờ dạy người ta ăn nói, trình bày hay đối thoại. Đối thoại nghĩa là phải: có người nói, có người nghe. Á Đông thường để các cụ già nói trước, cha chú rồi thủ trưởng thường cậy tuổi, cậy quyền ăn nói hiếp đáp kẻ dưới, chẳng hạn thường bảo “ngươi tuổi gì mà nói” hay “còn chưa đến lượt ngươi”… Còn nhiều loại chém gió huyên thuyên bát sát, tranh nói cả buổi mà chẳng có ý tưởng nào. Người Việt cũng có một thói xấu là: “Được ăn, được nói, được gói mang về”. Cái gì cũng chia đều, khi gặp mặt nhau, không chỉ tranh ăn, còn tranh nói… coi như tôi có suất được nói giống mọi người được ăn, thế là trong đầu chẳng có ý tưởng gì cũng nói lấy được. Nói để che lấp cái khôn ngoan của người khác bằng sự huyên thuyên của mình. Vì thế người Pháp dạy các trò nói và văn hóa đối thoại là hết sức cần thiết. Ở đó trẻ em vừa xây dựng lý trí khả lý, lại vừa làm quen với chia sẻ cộng đồng, đó cũng là óc dân chủ biết tôn trọng ý kiến của người khác.
Người Việt rất đề cao ngôn ngữ trong câu ca dao:
Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
Còn người Ả Rập thì xác tín mạnh mẽ qua châm ngôn: “Mực của học giả còn quí hơn máu kẻ tử đạo”. Việt Nam chúng ta hiện nay, hình như chưa có bộ môn dạy trẻ con Nói, hùng biện… cũng có nghĩa chúng ta chưa dạy học trò làm người căn bản cũng như người vươn đến đỉnh cao. Từ triết lý của các triết gia cũng như Pháp là quốc gia văn minh, tôi viết bài này để nhắc nhở rằng: Chúng ta còn chưa dạy môn khoa học đích thực cao nhất là Nói – Hùng biện – cũng là Biện chứng pháp cho học trò. Nếu không biết nói năng chững chạc, đĩnh đạc, thì các thảo dân của chúng ta sao có thể gột bỏ những xó máy cóc cáy để trở thành ông chủ - công dân lập hiến tầm cao?!
Paul Đức 18/10/2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét