BỘ TRƯỞNG NGUYỄN ĐÌNH LỘC
Kế hoạch hôm nay đi thăm cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc không thực hiện được. Tôi ngồi nhà viết tản mạn vài câu chuyện vặt về Ông. Xin post lên đây, ai thích thì đọc nhé.
1/ Một Bộ trưởng khác người
Đầu năm 1993 chúng tôi trở về nước từ Liên Xô (cũ). Lúc này Thầy Lộc đã về làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp được hai năm. Về cái sự làm Bộ trưởng của Thầy Lộc cũng khá thú vị. Tôi có cái may mắn được chứng kiến “hiện tượng lạ” của Ngành Tư pháp suốt 20 năm: Hai đời bộ trưởng liền nhau không là “trung ủy”. Mặc dầu vậy, tôi và hầu hết mọi người trong giới luật gia Việt Nam rất mừng vì Đảng và Nhà nước ta đã chọn đúng hiền tài để góp phần đắc lực cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ đổi mới. Tôi nghe kể rằng trước khi được “đưa về” làm Bộ trưởng Tư pháp, Thầy Lộc vẫn chưa biết gì cả. Trong một lần Thầy giảng bài ở đâu đó, có người hỏi: Có phải Thầy sắp về làm Bộ trưởng Tư pháp không? Thầy trả lời rằng không biết!. Về sau, trong một lần mấy người ngồi uống bia hơi với Bộ trưởng Lộc, vui mồm hỏi rằng “Anh lên bộ trưởng có phải mất gì không?”. Trả lời: Nói thật là tớ chẳng mất một điếu thuốc!. Sau này có lãnh đạo nghe được câu nói đó đã rất khó chịu với Bộ trưởng Lộc. Thì ra ở đời còn có một thứ “bất công” khác mà chỉ người trong cuộc mới biết: Cùng chức bộ trưởng như nhau nhưng có người phải mất tiền, có người “không mất một điếu thuốc” là sao?. Nếu như ở thời buổi hiện nay thì “hiện tượng” này chỉ có thể xảy ra đối với các “hoàng tử đỏ” - những người đem lại “hồng phúc cho dân tộc” mà thôi. Không chỉ có thế, khi hết nhiệm kỳ thứ nhất có kẻ rắp tâm chiếm bằng được chiếc ghế Bộ trưởng của Ông,mọi việc tưởng chừng như đã an bài và kẻ đó đã mở tiệc ăn mừng, cắt đặt nhân sự ... vậy mà đến “phút tám chín” cấp trên vẫn quyết Ông Nguyễn Đình Lộc làm tiếp nhiệm kỳ Bộ trưởng thứ hai. Thế là “Kẻ đảo chính” mất cả chì lẫn chài, ra đi trong nhục nhã.
2/ Một Bộ trưởng khắt khe, cần mẫn trong công việc
Không chỉ tôi mà hầu hết anh em cấp vụ dưới thời Bộ trưởng Lộc đều có chung nhận xét rằng làm việc với Ông rất mệt nhưng trưởng thành lên rất nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật. Không chỉ là người có trí tuệ uyên bác mà còn là một cây viết luật rất chuyên nghiệp nên ông đòi hỏi mọi người rất khắt khe. Có một lần, từ cuộc họp Chính phủ về, Ông cho gọi một vị Vụ trưởng lên làm việc ngay giữa ban trưa. Ông mang cái Dự thảo nghị định ra cùng trao đổi với vị Vụ trưởng về một vài chỗ câu , từ còn “chưa ổn” rồi Ông cầm bút để chỉnh sửa. Vị Vụ trưởng phần muốn để cho Ông có thời gian nghỉ trưa, phần cho rằng đó là việc của chính mình nên buột miệng: Thôi ! Anh nghỉ đi ! Việc này là của em. Ông dừng bút, nhìn vị Vụ trưởng rồi nói:
Việc của cậu nhưng tớ là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ và Thủ tướng nha!. Nói xong Ông vừa cười vừa viết tiếp.
Một lần, sau buổi họp giao ban cấp vụ kết thúc lúc 5 giờ chiều, Ông vội vàng ôm áo, xách cặp chạy ra xe đang nổ máy chờ sẵn. Thấy tôi Ông bảo: - Tớ đi Quảng Bình đây!. Bác định đi cả đêm sao? - Tôi hỏi. Ông trả lời tỉnh bơ: - Vào Thanh Hoá ăn tối rồi đi luôn để kịp sáng mai làm việc.
3/ Bộ trưởng phát biểu không cần giấy
Để ý qua các cuộc họp giao ban khi đến phần kết luận của Bộ trưởng chẳng bao giờ thấy Ông cầm đến giấy tờ, sổ sách gì cả. Mọi người bảo Ông là “nói vo”. Ông nói vo nhưng rành rọt từng vấn đề, từng ý tứ và không bao giờ Ông quên những điều mình đã kết luận. Việc thể hiện thành giấy trắng, mực đen là việc của Thư ký.
Ngay cả Hội nghị tổng kết công tác của Ngành Tư pháp, khi phát biểu kết luận Ông cũng chẳng mấy khi nhìn vào Bản đánh máy đã được Tổ thư ký chuẩn bị công phu. Ông cứ đứng vậy, mắt nhìn thẳng xuống Hội trường, miệng nói mà như đọc. Đôi khi cần nhấn mạnh vấn đề nào đó trong Kết luận của mình thì Ông dừng lại vài giây rồi nói: “Chỗ này tôi xin nhấn mạnh một chút...” hoặc “Chỗ này tôi xin mở rộng ý một chút...” rồi Ông lại tiếp tục nói rành rọt, suôn sẻ như đọc. Một lần trong Hội nghị tổng kết ngành, khi giải đáp những vướng mắc của các địa phương, sau khi nêu một câu hỏi của địa phương nào đó, Ông dừng lại một chút rồi nói: “Vấn đề này tôi còn nhớ trong Hội nghị lần trước tôi đã giải đáp như thế này ...”. Lúc ấy, ngồi cạnh tôi là một vị Giám đốc Sở bèn lắc đầu “ Chịu Cụ thôi ! Nhớ dai thế !”.
4/ Bộ trưởng ham đọc sách
Còn nhớ hồi đầu 1993, tôi và Lê Mạnh Luân (sau này là Phó Ban Nội chính Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại Taskent) vừa từ Liên Xô (cũ ) về nước đến thăm Thầy tại Bộ Tư pháp. Khi đến cổng Bộ mới nhớ ra và hỏi nhau có quà gì tặng Thầy không?. Luân mở cặp ra thì có chiếc cà vạt, tôi thì có quyển sách. Hai thằng cười bảo: Đúng “gu” của Thầy rồi. Khi gặp thầy, sau “màn chào hỏi” và chúc mừng thì Bộ trưởng hỏi độp ngay một câu: Các cậu vừa bên đó về có mang theo được nhiều sách không? Tôi vội vàng mở cặp lấy ra quyển sách tiếng Nga nói về Stalin để giới thiệu với Thầy. Ông cầm xem tên và bìa quyển sách rồi bảo: Cho tớ mượn nhé! Chiều mai tớ đi Pháp, lên máy bay tớ đọc. Ông còn nói thêm: Tớ mượn thôi! Tớ không xin đâu!.
Sau này tôi có lệ cứ chừng 27 - 28 Tết âm lịch là đến chúc Tết Thầy và kèm theo quà là một quyển sách và một chai rượu vang để Thầy thư giãn trong những ngày nghỉ Tết. Sách thì tôi nhờ Nhà văn Đoàn Tử Huyến, bạn thân của tôi chọn cho trong số những quyển sách văn học nổi tiếng nhất thế giới của năm đó. Nếu là Tác phẩm đoạt Giải Nobel thì càng tốt. Có lần tôi mang tặng Ông mấy tập “Lịch sử Trung Quốc 5000 năm”. Đó là những tập sách kể về lịch sử Trung Quốc thông qua các câu chuyện lịch sử nổi tiếng có thật. Ông xem lướt qua rồi hỏi tôi: - Thất đã đi Trung Quốc chưa nhỉ?. Tôi nói vui rằng đi chính thức theo Đoàn công tác thì chưa nhưng đi du lịch sang vùng giáp biên ngồi nhậu với mấy ông Tầu trong chợ thì nhiều rồi.
Ông trầm ngâm một lúc rồi bảo tôi: Vậy là tốt! Mình không thể học theo cách của Trung Quốc được đâu! Họ là đất nước một tỷ tư dân cơ mà!. Sau này tôi hiểu thâm ý của Ông mà không tiện nói ra đây. Nhưng qua đợt dịch Covid 19 cùng với cách xử lý của Chính quyền
Trung Quốc tôi càng hiểu sâu thêm cái ý của Ông.
5/ Niềm vui nhân đôi
Đó là khoảng cuối năm 1999. Chỉ nhớ hồi ấy xảy ra một trận lụt rất lớn ở Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Sau lụt thì phong trào ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt rầm rộ khắp cả nước. Một hôm, tôi được Văn phòng báo cho biết là có khách nước ngoài xin gặp. Theo quy định của Bộ thì tiếp khách nước ngoài phải có ít nhất hai người. Tôi cùng cô Thu Hằng (chuyên viên) xuống tiếp. Khách là ông Phạm Bá Ngà, Việt kiều ở Pháp về cùng Đoàn cứu trợ của “Hội hạt gạo Việt Nam”. Nhân thể ông Ngà muốn nhận một đứa trẻ Việt Nam làm con nuôi nên Ông muốn nhờ Bộ Tư pháp hỗ trợ. Tôi thấy việc ông Ngà trình bày là phù hợp với pháp luật nên hứa là sẽ có công văn cho địa phương. Kết thúc tiếp khách Ô Ngà tặng tôi một túi quà. Tôi nói với Ông: Tôi là công chức nhà nước, lại là công chức Bộ Tư pháp trong khi Pháp lệnh cán bộ công chức (hồi ấy chưa có Luật) không cho phép chúng tôi nhận quà biếu. Ô Ngà nói: Đây là quà của Ông tặng tôi với tư cách cá nhân. Tôi bảo: Nhưng lúc này tôi đang thi hành công vụ nên không thể nói là cá nhân được. Ông ấy lại bảo tôi là hãy bước ra bên ngoài cổng Bộ (25A Cát Linh) để nhận quà với tư cách cá nhân. Tôi bảo: Bây giờ đang trong giờ hành chính, tôi không thể ra ngoài cổng nếu không phải là thi hành công vụ. Ông Ngà đuối lý đứng thẫn thờ rồi Ông nói thật rằng: Khi ông ở Pháp về, nhiều bạn bè khuyên Ông rằng về Việt Nam đến bất kỳ cơ quan hành chính nào cũng phải có quà thì mới được việc; nay tôi không nhận quà thì có nghĩa là tôi sẽ không giải quyết việc cho Ông. Tôi thấy Ông tội nghiệp quá nên bảo Ông mở túi quà ra để tôi chọn một món quà nhỏ nhất. Ông Ngà mở túi ra tôi thấy có một gói kẹo. Tôi bảo tôi xin gói kẹo này và đem cho cô Thu Hằng mang lên chia cho mọi người. Thế là vui vẻ hai bên chủ - khách. Khi cô Hằng mang gói kẹo lên Vụ mở ra thì hoá ra không phải là kẹo mà là một hộp xì gà. Thế là mỗi anh em nam giới được chia một điếu. Chừng dăm ngày sau, buổi sáng đến Cơ quan, tôi gặp Bộ trưởng Lộc tại sảnh. Ông bảo tôi ghé qua phòng Ông ở tầng hai có chút việc. Tôi theo Ông vào phòng, sau khi Ông tự tay rót trà mà chị phục vụ đã pha sẵn, đưa tận tay cho tôi. Tôi thấy cử chỉ của Ông hơi “lạ” nhưng không dám hỏi. Sau khi tôi nhấp ngụm trà, Ông cất giọng: Vừa rồi Thất có tiếp Ông Phạm Bá Ngà phải không? Tôi trả lời là có tiếp và nhân đó báo cáo Ông về công việc của Ông Ngà nhưng Bộ trưởng cắt ngang lời tôi và bảo: Tôi biết rồi! Ông Ngà đã nói với tôi. Nhưng hôm nay tôi gọi Thất vào đây là để cám ơn Thất vì đã xử sự rất tốt nên Bộ trưởng cũng được thơm lây. Ông ấy (tức Ông Ngà) đã cám ơn tôi vì có những cấp dưới tuyệt vời. Nói ra những lời ấy tôi thấy nét mặt của Bộ trưởng rất xúc động. Tôi hiểu Ông đang mơ gì về một nền công vụ./.
Trần Thất
Nguyên Vụ trưởng, Bộ Tư pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét