Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Phan Châu Trinh đi trước thời mình sống

Phan Châu Trinh đi trước thời mình sống

(Bài viết nhân ngày giỗ thứ 90 cụ Phan Châu Trinh: 24-3-2016)
20160528131843phanchautrinh.JPG
Nguyễn Ngọc Lanh
  1. Nhân 90 năm ngày mất của nhân vật
Dân ta quen lấy ngày mất của tiền nhân để tưởng nhớ. Hôm nay, 24-3-2016 là ngày giỗ – hơn nữa là ngày giỗ thứ 90 – của cụ Phan Châu Trinh, tôi xin thắp nén nhang bằng cách nêu vắn tắt những gì tôi đã thu nhận được – và tỉnh ngộ ra – khi tìm hiểu di sản mấy ngàn trang của Cụ. Tôi thử nhìn các sỹ phu thời Cụ và thời sau này như những nhà trí thức, qua tư tưởng và hành vi của các vị ấy. Nếu có nhiều cách tiếp cận vấn đề thì đây là một cách.
Trong loạt bài đã đăng, hai cụ Phan (Sào Nam, Tây Hồ) được xem là tiêu biểu của lớp trí thức thế hệ 2 với sứ mệnh tự nhiên là kế tục con đường cứu nước của thế hệ 1 (Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch), nhưng trong hoàn cảnh khác hẳn trước. Nếu thế hệ 1 chứng kiến và bất lực trước cuộc xâm lược của Pháp, thì thế hệ 2 phải xoay trở khi nước đã mất hẳn, chế độ thực dân đã được thực hiện ngày một vững chắc, khó bề đảo ngược.  
– Lẽ thường, giặc vào cõi thì phải đánh, giặc chiếm nước thì phải đuổi. Đánh và đuổi kẻ cướp ắt phải dùng bạo lực. Ngàn năm, cứ lặp đi, lặp lại như vậy, chuyện dùng bạo lực để giữ độc lập và giành lại độc lập đã thành lẽ thường. Với giặc Hán, cùng trình độ văn minh với ta (nông nghiệp, phong kiến) cách làm này là duy nhất đúng; đúng cả ngàn năm.
Nhưng với giặc Pháp thì khác.
Ngay từ đầu, rất không dễ nhận ra sự khác biệt này. Đó là: Đám giặc mới có sức mạnh của nền văn minh công nghiệp, vượt ta tới 3 hay 4 thế kỷ. Hơn nữa, chúng xuất phát từ một chế độ “dân chủ gấp triệu lần” chế độ của ta vào thời đó. Nếu cứ theo “lẽ thường” mà cố đánh lại chúng bằng bạo lực, hẳn nhiên sẽ tốn xương, phí máu, vô ích – như Lịch Sử cận đại nước ta đã cho thấy.
Trong Trận giữ thành Hà Nội lần 1 (1873), danh tướng Nguyễn Tri Phương với 7000 quân, vẫn để mất thành sau vài giờ. Trong khi đó, Pháp chỉ sử dụng 300 lính. Có đời thuở nào mà 300 thằng giặc bắt sống 2000 chiến sĩ ta làm tù binh?
Khi triều đình còn huy động được mọi nguồn lực trong tay để đánh những trận lớn (như trận cố thủ ở đồn Kỳ Hòa, hoặc trận tấn công đồn Mang Cá) mà vẫn thua thảm hại, thì khi nước đã mất các cuộc nổi dậy tại một địa phương cô lập khó mà tránh khỏi thất bại.
Trải qua hàng trăm cuộc kháng cự (lớn và nhỏ), diễn ra suốt trong nửa thế kỷ, với xương máu đổ ra không ít, cụ Phan Bội Châu vẫn chủ trương dùng bạo lực giành lại độc lập. Chẳng qua, đó chỉ là cách nghĩ, cách làm rất “thường tình” của bất cứ ai yêu nước. Nhưng chính Cụ từng nói: Không thể dùng gươm giáo cổ lỗ chống lại súng ống hiện đại. Thế thì Cụ sẽ nhờ Nhật giúp cho. Chứ sao? Phải tới cuối đời, Cụ mới tỏ ý hối hận, tự nhận sai lầm.
Duy nhất, có một nhân vật nhận ra: “Bạo động tất chết”, “Vọng ngoại ắt ngu”, và nếu cứ theo đuổi bạo lực, thì “Nhân dân sẽ không thể đủ nước mắt để khóc anh hùng“… Đó là cụ Phan Châu Trinh: Cụ chủ trương đấu tranh ôn hòa.
Điều gây kinh ngạc cho hậu thế là nhân vật này – dù trong đầu chưa có khái niệm về cách mạng tư sản; lại càng không biết tí gì về quy luật thay thế nhau của các nền văn minh; vậy mà vẫn suy nghĩ và hành động hợp quy luật chung, hợp xu thế thời đại và hợp với tình hình thực tế của đất nước. Hợp ở thế kỷ 20, sang đến thế kỷ 21 cũng vẫn hợp. Hiện nay, dân trí, dân khí, dân sinh vẫn là vấn đề lớn và thời sự không kém cách nay trăm năm. Để rồi xem!
  1. Bỏ lỡ cơ hội canh tân, hay là nó chưa bao giờ xuất hiện?
Lịch Sử sau năm 1945 cứ nằng nặc nói rằng vua Tự Đức bỏ lỡ cơ hội canh tân.
Thật ra, trong cuộc nội chiến với Tây Sơn, cụ Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã tiếp xúc với kỹ thuật tiên tiến của phương Tây; trong tay cụ đã có cả một đội quân đánh thuê được tuyển mộ từ Pháp và châu Âu, với trang bị “tàu đồng, súng sắt”. Các tướng của Nguyễn Ánh cũng vậy. Họ cùng chiến đấu với các sĩ quan Pháp, cùng sử dụng các vũ khí hiện đại. Nhất là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh. Mới 4 tuổi đầu, nhưng hoàng tử đã sang Pháp, sống ở Pháp nhiều năm, nói được tiếng Pháp, tiếp thu giáo dục, văn hóa Pháp. Và cũng từng vào sinh ra tử. Nhưng tiếc thay, ông mất sớm, chưa kịp làm vua.
Tiếp xúc với phương Tây sớm như vậy, liệu trong đầu óc vua Gia Long có nảy ra ý nghĩ nào liên quan tới canh tân đất nước hay không? Không đâu. Khi lên ngôi, điều vua Gia Long cần là chính danh và chính thống. Mặt khác, vua cũng nhận ra dã tâm của chính quyền Pháp. Cụ thể là họ không giúp gì cho ông đánh dẹp Tây Sơn, nhưng vẫn vin vào cái Hiệp Định 1789 (không hề được thi hành) để đòi chiếm Đà Nẵng và Côn Lôn của ta. Đừng hòng nhé! Từ tình thế như trên, Gia Long chọn Nho Giáo làm quốc đạo, để được vua Thanh phong cho 4 chữ “An Nam Quốc Vương” đặng có chính danh, chính thống. Ông trọng đãi, nhưng không trọng dụng các sĩ quan Pháp (tuyển mộ) đã giúp ông trong chinh chiến. Ông sử dụng các vị thâm nho, kể cả giao cho họ dạy thế tử Đảm – sau này là vua Minh Mệnh. Kế tục vị vua này là các vua Thiệu Trị và Tự Đức lại càng thấm nhuần đạo Nho. Nói “Gia Long cõng rắn cắn gà nhà” thì hơi bậy. Nhưng nay ta có thể phê phán ông vẫn giữ ý thức hệ phong kiến, khiến ta mất nước. Đúng, và rất đúng. Nhưng càng đúng, nếu nói rằng chẳng có ông vua nào ở châu Á, tại thời điểm đó, lại không làm như Gia Long – kể cả ông vua Nhật. Sao nay ta cứ hạch tội vua ta?
Tính từ khi Gia Long lên ngôi (1802) tới hết triều Tự Đức (1883), dài cả thảy 81 năm, đạo Nho luôn luôn là thế lực tinh thần độc tôn. Phế bỏ đạo Nho chỉ có giai cấp tư sản mới làm nổi; nhưng xã hội ta chưa có nó. Trong khoảng thời gian này, các nước châu Âu tấp nập sang châu Á buôn bán. Giai đoạn có thể “cứu vãn” dài tới 50 năm (1802-1858), đủ để ta giao lưu hữu nghị, giao thương và học hỏi họ, đặng canh tân đất nước. Nhưng khác với Nhật Bản, đạo Nho ở nước ta vẫn thâm căn, là yếu tố quan trọng ngăn cản sự hình thành giai cấp tư sản, đặng làm cách mạng qua phong trào canh tân. Nói khác: Cơ hội chưa xuất hiện.
Chú thích. Thời nay, muốn hình dung tình hình xã hội (gồm dân trí, dân khí, dân sinh) thời Tự Đức không khó. Từ 1,5 thế kỷ trước, Nhật đã chính thức bỏ Âm Lịch, chuyển sang ăn tết theo Dương Lịch (1872). Bởi vì, giao thương với phương Tây thì dùng lịch của họ sẽ thêm dễ dàng, thuận lợi. Nay, chế độ chính trị của Việt Nam – theo tên gọi trong Hiến Pháp – đã dân chủ ngàn lần hơn phong kiến và tư bản. Dân chủ và dân trí hỗ trợ nhau. Vậy, cứ trưng cầu ý dân thử coi: Liệu ta có bỏ được Âm Lịch? Không khó để suy luận ra dân trí thời nay và thời Tự Đức.
Sau đó, là giai đoạn Pháp thực hiện ý đồ thôn tính nước ta, mở đầu bằng cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1858. Ấy vậy mà tới 3 năm sau (1861) cụ Nguyễn Trường Tộ mới gửi lên vua những bản điều trần đầu tiên. Chỉ có thể nhận định là “muộn mất rồi”. Từ đó, chưa đầy 30 năm sau, ta lúng túng đối phó, rồi mất nước.
Như vậy, cơ hội canh tân chưa bao giờ xuất hiện.
Nói khác, tình hình xã hội chưa “chín” để giai cấp tư sản ra đời, đặng lãnh đạo cách mạng tư sản ở nước ta. Đây là tình trạng chung của cả châu Á, trừ Nhật. Một cách tổng quát, văn minh nông nghiệp ở nước ta – và nói chung ở cả châu Á – không thể nhảy cái “rụp” lên văn minh công nghiệp. Cũng do vậy, cách mạng ở Nhật quả là thần kỳ. Các nhân vật tạo ra cuộc cách mạng này xứng đáng được gọi là vĩ nhân. Vị vua chấp nhận canh tân nước Nhật đáng gọi là Minh Trị. Trải qua canh tân, dân trí Nhật tăng tiến, dân khí cương cường, dân sinh sung mãn, người dân Nhật xứng đáng hưởng độc lập, tự do; tự làm chủ vận mệnh… 
  1. Thực chất, “canh tân” là gì?
Đó cuộc cách mạng, là từ bỏ ý thức hệ đã quá lạc hậu, đã trở thành phản động.
Từ “canh tân”, hay “duy tân” – thế kỷ 19 quen dùng – có xuất xứ từ cuộc cách mạng tư sản ở Nhật. Ngày nay, được gọi là “đổi mới”, “cải cách”… nhưng thực chất ra sao, cần được làm rõ. Dẫu cứ huênh hoang gọi là “đổi mới toàn diện” (và gì gì đi nữa), cũng chưa hẳn đã “mới” hơn canh tân thuở xưa – nếu vẫn khư khư giữ lại cái ý thức hệ đã lạc hậu. Canh Tân ở Nhật thực chất là cuộc cách mạng thay đổi ý thức hệ, xóa bỏ Nho giáo; xóa bỏ chế độ phong kiến, thay bằng chế độ tư bản – là chế độ thừa nhận quyền tư hữu và các quyền tự do cá nhân khác; đồng thời thực hiện ba quyền tách nhau. Xu thế thời đại là vậy. Nhìn rộng hơn, canh tân là biện pháp thoát từ văn minh nông nghiệp, lên văn minh công nghiệp.
Chú thích. Cụ Phan Bội Châu chủ trương đuổi Pháp, giành độc lập, nhưng vẫn duy trì chế độ quân chủ. Cụ nói (ý), lấy lại được nước rồi, ta tha hồ canh tân. Khốn nỗi, canh tân chính là làm cách mạng tư sản, xóa bỏ chế độ quân chủ. Như vậy, cụ tự mâu thuẫn. Về sau, cụ nhận ra, và sửa đổi khi thành lập Hội Quang Phục (1912). Một tôn chỉ của Hội là “kiến lập dân quốc”. Đây là bước chuyển biến lớn. Chuyển biến lớn hơn nữa, khi cụ viết bài về “Pháp-Việt đề huề” (1919).
  1. Lúng túng của thế hệ trí thức đầu tiên
Cụ Nguyễn Trường Tộ sống dưới thời Thiệu Trị – Tự Đức, thọ 42 tuổi. Năm 32 tuổi, cụ gửi ba bản điều trần đầu tiên lên vua (1861). Từ đó, chỉ còn 10 năm cuối đời, nhưng cụ kịp gửi liên tiếp tới 30 bản điều trần nữa. Gửi dồn dập, nghĩ ra điều gì cần canh tân là kịp gửi ngay một hoặc vài-ba bản điều trần: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa, giáo dục… mà bất cần biết vua (dẫu muốn thực hiện) sẽ kiếm đâu ra nguồn lực và thời gian để làm theo ý Cụ. Mặt khác, muốn canh tân đất nước cần có hòa bình và có giao hảo (để học hỏi và thực hiện những điều học được). Khốn nỗi, lúc này Pháp đã bước sang giai đoạn gây hấn, quyết chiếm nước ta. Do vậy, cũng trong 10 năm còn lại này, cụ chứng kiến Pháp dùng bạo lực chiếm của ta 3 tỉnh miền đông Nam Bộ, khiến 3 tình miền tây bị cô lập, rồi bị chiếm nốt. Lúc này, cụ lại gửi điều trần bàn kế chống Pháp. Tất cả, chỉ là đề ra những giải pháp tình thế, và tất cả đều bất cập. Cụ mất 2 năm trước khi Pháp đem quân ra thôn tính nốt Bắc Kỳ.
Khi cụ Nguyễn Lộ Trạch lớn lên thì cụ Trường Tộ đã mất. Tuy nhiên, đây là người thay thế và tiếp nối rất xứng đáng. Nghĩa là, kết quả vẫn không thay đổi: Tình hình mọi mặt không cho phép thực hiện những ý đồ thiếu thực tế, chưa phù hợp hoàn cảnh. Thế hệ 2 không có điều kiện tiếp xúc với các bản điều trần của cụ Trường Tộ (chỉ gửi lên vua), nên họ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi đọc các bài của cụ Lộ Trạch đang được lưu hành rộng rãi. Có thể kể những người chịu ảnh hưởng: Phan Bội ChâuNguyễn Thượng HiềnTrần Quý CápHuỳnh Thúc KhángVũ Phạm HàmTrương Gia Mô, v.v… Cái hay là cụ Lộ Trạch đã vận dụng “tân thư” khi viết các bài: Thời vụ sách (I và II), Thiên hạ đại thế luận...
Nếu nói, thế hệ trí thức 1 cứ “luẩn quẩn” giữa đấu tranh ôn hòa và bạo lực thì “Thời vụ sách” (II) thể hiện điều này khá rõ.
Chú thíchThời Vụ Sách (II) gồm 6 nội dung chính:
– Dời kinh đô về vùng hiểm địa ở Thanh Hóa làm nơi chỉ đạo cuộc chiến chống Pháp
– Luyện quân, mua sắm vũ khí mới.
– Giữ vững các thành trì, đồn lũy hiện có bằng quân tinh nhuệ.
– Lập đồn điền ở rừng núi, đưa quân tới: Vừa bảo vệ, vừa sản xuất lương thực;
– Đưa người tài ra nước ngoài để học các môn khoa học và cơ khí
– Mở rộng ngoại giao, hòa hiếu với các nước đang là kẻ thù của Pháp.
  1. Làm sao mà tránh nổi chuyện “mất nước”?
Chỉ cần ôn lại các trận đánh cũng đủ rõ. Tất nhiên, các tấm gương xả thân vì nước trong công cuộc chống Pháp cần được ngợi ca. Môn Lịch Sử sau 1945 ở nước ta đã làm (không những) rất tốt – mà còn quá tốt – nhiệm vụ chính trị này. Mạt sát cũng quan trọng không kém. Triều Nguyễn bị lên án là “hèn hạ”, “bạc nhược”, “chủ bại”… Rốt lại, là mắc tội làm mất nước, thậm chí là tội bán nước. Khi nhận ra cả châu Á chịu thua chủ nghĩa tư bản – chỉ Nhật thoát nạn – nhà Nguyễn bị môn Lịch Sử quy thêm tội không chịu nghe cụ Nguyễn Trường Tộ, bỏ lỡ cơ hội canh tân…
Thực ra, khi Pháp bắt đầu nổ súng đánh Đà Nẵng, phe chủ chiến vẫn từ đầu chí cuối chiếm ưu thế. Không thể nói ngược lại chỉ nhằm lên án. Triều đình đã cử ra những vị tướng tài giỏi nhất và trung dũng nhất, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực cho cuộc chiến. Lại huy động được cả quân Cờ Đen và không quên cầu cứu nhà Thanh. Nhiều vạn quân Thanh đã sang ta chiến đấu. Chỉ có điều, dù phòng ngự hay tấn công, quân số của ta đều nhiều gấp bội quân địch. Và hầu như đều thua. Khi đã lâm vào tình thế tuyệt vọng, một số người bên ta bắt đầu nêu ý kiến “không nên hy sinh vô ích nữa”. Sau này, họ bị Lịch Sử (sau 1945) gọi là “bọn chủ bại” và bị lên án nặng nề. 
     – Rất ít trận ta thắng, thường chỉ là những trận nhỏ. Xin đưa ra hai ví dụ về thua rất lớn và thắng rất “không lớn” – nhưng được ca ngợi nhiều.
Năm 1873 cụ Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội, với số quân 7000 (nhiều gấp 23 lần quân Pháp), nhưng thành vẫn mất. Sau trân thua lớn này, ta thắng một trận nhỏ. Ngay sau khi chiếm thành, bọn Pháp cho một toán 20 lính truy kích 500 quân Cờ Đen, đến Cầu Giấy, bị quân Cờ Đen phục kích. Pháp thua, sĩ quan chỉ huy bị giết.
Năm 1882, cụ Hoàng Diệu giữ thành bằng 9000 quân, thành vẫn mất. Năm sau, từ Hà Nội Pháp lại đánh ra, lại bị phục kích ở Cầu Giấy, Pháp bị thiệt hại lớn, nhiều sĩ quan chỉ huy của Pháp bị giết.
     – Nhưng những trận thua thì rất lớn, rất quyết định
Nay nhắc lại 2 trận tiêu biểu, đều thất bại lớn: Trận mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc (1861); trong đó quân ta cố thủ trong đồn; và trận cuối cùng (1885) trong đó ta chủ động tấn công. Cố thủ hay tấn công, ta đều thất bại rất lớn.
– Trận cố thủ đại đồn Kỳ HòaTrước khi củng cố đồn Kỳ Hòa, ta thử tấn công đồn Cây Mai, do 160 quân địch chiếm đóng. Hiểu rõ ý nghĩa trận đánh, bên ta phải huy động tới 3000 quân, tấn công liều chết, mới chiếm được đồn nhỏ này.  Qua tương quan như trên, danh tướng Nguyễn Tri Phương hiểu rằng phải đem toàn lực củng cố và nghênh chiến ở đồn Kỳ Hòa. Có thể coi đây là trận chính quy và chính thức mở đầu công cuộc kháng Pháp. Nếu thắng, lòng tin sẽ phục hồi, Nếu bại, bên ta sẽ suy sụp tinh thần. Như vậy, triều đình rất ý thức trận Kỳ Hòa là cuộc đọ sức mang tính thắng-bại cho toàn cục trong tương lai; do vậy đã huy động tối đa mọi nguồn lực: Số quân tham gia; số danh tướng được cắt cử, số nhân công phục vụ và số tiền bạc đã bỏ ra… đều đạt mức kỷ lục. Đồn lũy Kỳ Hòa có từ lâu, nay được mở rộng, gia cố suốt 2 năm trời, được bảo vệ bằng 21 ngàn quân chính quy và 10 ngàn quân địa phương. Điều ngược đời là – dù phải đánh công kiên – nhưng phía Pháp chỉ cần 4 ngàn quân là đủ thắng. Càng ngược đời, dù có thành cao hào sâu bảo vệ, che chở, mà quân ta vẫn thương vong nhiều gấp 3 lần quân địch. Hơn nữa, số quân đông hơn, lại có lợi thế về địa hình, mà chỉ cầm cự được 40 giờ là vỡ trận. Vũ khí quân ta tin tưởng và hy vọng là voi chiến, nay nghe mà nực cười.
– Trận tấn công đồn Mang CáPháp đã chiếm kinh thành Huế, đặt tòa Khâm Sứ và đóng quân ở Mang Cá. Ta huy động toàn lực, do đích thân phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết chỉ huy đánh vào hai nơi này. Đây là trận quyết chiến cuối cùng. Kết quả: Ta thất bại hoàn toàn.
Trích wikipedia: Kiểm điểm lại trận đánh tại Kinh thành đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), thất bại hoàn toàn về phía triều đình Huế. Pháp chỉ chết có 16 người, bị thương 80 người. Quân Nam chết đến 1200-1500 người. Quân Pháp khi chiếm được kho vũ khí thu được 812 súng thần công, 16.000 súng hỏa mai… Quân Pháp chiếm được một số lớn của cải mà triều đình chưa kịp chuyển đi, gồm 2,6 tấn vàng và 30 tấn bạc, trong số này chỉ có một phần rất nhỏ sau này được hoàn lại cho triều đình Huế. Còn lại, số 700.000 lạng bạc phải được 5 lính Pháp đóng hòm trong 5 ngày mới xong và chở về Pháp. Sáng ngày 23, vua Hàm Nghi rút lui khỏi Huế, ra Quảng Trị.
  1. Trí thức thế hệ 2
Đến năm 1884 – 1885, với hai “hòa ước” mà triều Nguyễn buộc phải ký với Pháp, nước ta coi như mất hẳn. Đây là thời điểm cả hai cụ Phan chưa bước vào tuổi thành niên. Lớn lên, các cụ thấy các cuộc nổi dậy chỉ khu trú trong một địa phương hẹp và sớm muộn đều bị đàn áp.
Thế hệ 2 vẫn đứng trước các câu hỏi: Đấu tranh bằng bạo lực hay ôn hòaMục tiêu Độc Lập và Canh Tân, cái nào phải thực hiện trước?.
Các cụ ta còn đang vật lộn với các câu hỏi, thì điều trớ trêu đã hiện ra lù lù trước mắt mọi người: Chính thực dân Pháp (chưa cần dẹp yên các cuộc nổi dậy) đã tự mình canh tân đất nước này với quy mô và tốc độ gấp 5 hay gấp 10 mơ ước của cụ Nguyễn Trưởng Tộ. Không nói các công trình mọc lên dễ thấy, kê ra vô số… Còn cái khó thấy – nhưng chưa từng có và rất tiến bộ, cũng chẳng thiếu: thị trường, công ty, đấu thầu, bầu cử, hội đồng… Trí thức thế hệ 2 có cách nhìn ngược nhau về hiện tượng này. Về sau, hai bên căm ghét nhau, tàn bạo với nhau cũng từ hai cách nhìn này.
Thật ra, dùng bạo lực chẳng qua là tâm thức đã nằm sẵn trong trái tim (tình cảm) người Việt từ ngàn năm trước, chẳng có gì mới. Còn đấu tranh ôn hòa là bài học rút ra từ bộ não (lí trí, suy xét) rút ra từ quá trình 50 năm thất bại. Cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh là đại diện cho mỗi phái. Tranh luận giữa hai quan điểm sẽ tới chỗ phải giải đáp một câu hỏi nữa: Khi nước đã mất hẳn vào tay một cường quốc văn minh hơn ta, liệu dùng bạo lực có thể giành lại độc lập hay không?. Hai phái trả lời khác nhau với câu hỏi này. Đã quyết chiến, dẫu thực lực không đủ, thì cứ sang Nhật, sang Tàu, sang Nga mà cầu cứu.
Chú thích: Những điều trớ trêu
– Trớ trêu 1: Cùng yêu nước, nhưng vẫn tàn sát nhau. Nếu thời thế buộc thế hệ 1 phải có các giải pháp tình thế, khi thì ôn hòa (kiến nghị canh tân), lúc thì bạo lực (bàn kế chống giặc), thì đến thế hệ 2 đã có sự tách biệt rõ ràng. Phái nọ không thừa nhận biện pháp của phái kia, dẫn đến chia rẽ, kỳ thị, rồi chống đối nhau. Cuối cùng, đến thế hệ 3 và 4 phái bạo lực đã đối xử tàn bạo với phái kia.
– Trớ trêu 2: Phe bạo lực giành được chính quyền. Kinh nghiệm từ vô số những thất bại khi dùng bạo lực suốt cả nửa thế kỷ, cộng với sự lập luận bằng lí trí, chỉ có một kết luận được rút ra: Không thể dùng bạo lực giành lại độc lập. Chính cụ Phan Bội Châu lúc cuối đời cũng hối hận khi viết trong Tự Phán rằng: Cụ đã làm tốn kém thủ cấp của các chí sĩ; làm phí phạm huyết tủy của nghĩa dân… ở mức “không biết bao nhiêu mà kể“.
Ấy vậy, nhưng điều trớ trêu đã xảy ra: Phái bạo lực giành được chính quyền vào năm 1945.
  1. Cụ Phan Bội Châu đã “tự diễn biến”
“Tự diễn biến” là từ ngữ phổ biến thời nay, để nói lên tình trạng những cá nhân tự mình từ bỏ một niềm tin chính trị (thiêng liêng) đã theo đuổi lâu năm, vì tự thấy nó không còn phù hợp, kể cả đã lạc hậu. Nhưng cách đây trên một trăm năm, cụ Phan Bội Châu đã làm gương cho con cháu: Chính cụ đã “tự diễn biến”.
– Từ chỗ “vọng Nhật” nhưng khi nhóm Đông Du của cụ bị Nhật trục xuất, rồi lại thấy Nhật xâm lược và đô hộ Cao Ly, cụ Phan cho rằng Nhật sẽ thi hành chính sách đế quốc, mà Đông Dương sẽ là mục tiêu chiếm đóng. Nước Nhật ở gần, nước Pháp ở xa, do vậy Pháp sẽ không thể giữ nổi Đông Dương nếu không liên kết với người Việt tiến hành cải cách xã hội, để được dân ủng hộ, đặng chống Nhật… Thực dân Pháp đã rất mừng khi cụ nhận định như vậy.
– Khi thành lập Hội Quang Phục năm 1912, cụ Phan Bội Châu tuy đã ở tuổi 45, nhưng trái tim vẫn ngùn ngụt lửa bạo động. Tôn chỉ của Hội vẫn là lấy máu giành lại độc lập. Hành động của Hội vẫn là khủng bố, ám sát, kêu gọi nổi dậy… Dù vậy, bộ óc cụ đã có sản phẩm mới: Tôn chỉ của Hội không còn nhắc đến tôn phò quân chủ nữa, mà là Kiến lập Việt Nam dân quốc.
– Năm 1918, cụ viết Pháp-Việt đề huề chính kiến thư, còn gọi là Pháp-Việt đề huề luận. Nội dung rất gần gũi với cách làm của cụ Phan Châu Trinh. Mười năm sau (lúc Cụ bị quản chế ở Huế), một nhà xuất bản ở quốc nội vẫn còn in lại nó.
phap viet due hue
Nhiều ý kiến coi đây là bước thay đổi lớn: Từ quyết liệt chống Pháp, cụ chuyển sang hợp tác với Pháp, nghĩa là đã nghiêng rất nhiều về phía đấu tranh ôn hòa. Tuy nhiên, có lúc cụ biện bạch rằng: đó là để lừa Pháp. Lời thanh minh ít thuyết phục, nghe khá miễn cưỡng. Đã có nhiều bài về chủ đề này, với kết luận chung là: Không nhiều thì ít, cụ Phan Bội Châu đã “tự diễn biến”. Xin giới thiệu 2 bài
  1. Cụ Phan Châu Trinh: Từ đầu, đã nhìn ra vai trò “dân trí” 
Chú thíchChâu hay Chu nếu viết bằng chữ Hán chỉ là một (). Ở miền Nam, khi chúa Nguyễn Phúc Chu lên ngôi (1691), dân phải kiêng húy (đọc thành “châu”); còn dân Bắc vẫn đọc là “chu” như cũ. Chúng ta nên chọn cách đọc nào? Có lẽ, cứ để tùy thói quen (Nam và Bắc); không cần câu nệ. Tuy nhiên, cụ Phan quê ở Quảng Nam; sinh thời Cụ tự xưng, hoặc khi người xung quanh đọc tên cụ, đều là Phan Châu Trinh. Thời nay, đã có chữ quốc ngữ, nên tôn trọng cách đọc này và cứ theo đó mà viết.
Trong chuyến nam du 1905 cụ Phan Châu Trinh (cùng hai cụ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) đã gặp gỡ nhiều trí thức cùng thế hệ (Lê Khiết, Nguyễn Quý Anh, Hồ Tá Bang… vận động duy tân. Về sau, ba cụ được gọi là “Quảng Nam Tam Kiệt”. Sâu sắc nhất, các cụ (tuy nho học uyên thâm) vẫn nhận ra giáo dục theo đạo Nho rất lạc hậu. Từ đó, việc đầu tiên và cả đời của cụ Phan và hai cụ kia là “khai dân trí”. Ngay năm sau (1906) một mình cụ Phan “bắc du”, đi khắp nơi, gặp gỡ các vị cùng thế hệ (Ngô Đức Kế, Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Đào Nguyên Cẩn, Hoàng Hoa Thám…). Nhưng tiếp xúc lâu nhất (nhiều tháng), bàn bạc và tranh luận nhiều nhất, là với cụ Phan Bội Châu trong dịp hai cụ cùng sang Nhật.
Một cụ háo hức đánh Pháp, chỉ nhìn ra sức mạnh vật chất của Nhật, chỉ thấy Nhật cũng “da vàng” như ta; cũng viết chữ Hán như ta. Do vậy, Cụ hi vọng Nhật sẽ (vì ghét “da trắng”) mà giúp ta đuổi Pháp. Còn Cụ kia nhìn ra cái gốc của sức mạnh vật chất mà Nhật đang sở hữu bắt nguồn từ dân trí (cụ ví von: dân trí ta như con chim sẻ non, dân trí Nhật như con chim cắt già).
Đây chính là thời điểm mà hai Cụ băt đầu “mỗi người đi một ngả đường”.
Về nước, năm 1907: Cụ gây dựng Phong trào Duy Tân tại miền Trung, phát triển rất nhanh; trong đó có việc lập 40 trường ở nông thôn. Khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh do cụ đưa ra từ đấy, được Cụ theo đuổi suốt đời. Cũng năm 1907, Cụ Phan lại ra Bắc, gặp gỡ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn; Cụ viết bài Vấn đề hiện nay (nguyên văn chữ Hán là “Hiện trạng vấn đề“), đăng trên tờ báo của Cụ Vĩnh, trong đó nêu rõ: Vấn đề lớn nhất hiện nay là Dân Trí. Cụ đặc biệt quan tâm tới Đông Kinh Nghĩa Thục: nhận lời tới diễn thuyết và giảng bài… Cũng dịp này, cụ nói dứt khoát: “Chớ bạo động, bạo động tất chếtsau đó bổ sung: “Chớ vọng ngoại, vọng ngoại ắt ngu“. Và “Không gì bằng học“.
Chú thích. Dân trí, theo quan niệm của cụ Phan, không chỉ là học vấn (đỗ đạt), mà là học gì, học thế nào. Cụ thể, bỏ lối học cũ (tầm chương, trích cú); bỏ chữ Hán, dùng quốc ngữ. Học thiết thực, học để làm, để bài trừ xa xỉ, hủ tục, mê tín. Hiểu biết về các quyền của mình…
Chấn dân khí: đánh thức óc tự cường, tự lực. Quan trọng nhất là giúp dân biết rõ mình có quyền gì, có nghĩa vụ gì để dám đấu tranh…
Về dân sinh: hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, thương mại (mở trường dạy chữ, dạy nghề; khai hoang, trồng trọt; buôn bán, sản xuất hàng nội hóa…) để nâng cao đời sống. Cả 4 nghề: Sĩ, Nông, Công, Thương đều cần phát triển.  
  1. Vạ lây, và hai điều trớ trêu
Phong trào Duy Tân do Tam Kiệt Quảng Nam gây dựng, phát triển mạnh ở Trung Kỳ, với các nội dung không những phù hợp pháp luật ở Đông Dương,  mà còn phù hợp với chủ trương “khai hóa” từ nước Pháp cho các thuộc địa – dù chế độ thực dân ở Đông Dương (do lợi ích riêng) có thể thi hành hoặc thi hành nửa vời, kể cả lờ tịt. Mức độ thi hành còn phụ thuộc vào dân trí và dân khí của dân ta. Đây là phong trào công khai, ôn hòa, do vậy còn gọi là “Minh Xã”, tới lúc này (1808) đã tồn tại được 2 năm. Trước đó, cụ Phan Bội Châu cũng tổ chức ở cùng địa phương (Quảng Nam) một “hội kín” (Ám Xã) là Hội Duy Tân, tới 1908 đã được 4 năm. Đây là hội yêu nước theo cách bạo động; do vậy, bị chính quyền theo dõi chặt chẽ. Phong Trào và Hội không chống nhau, mà thân thiện và hỗ trợ nhau.
Điều trớ trêu, không hiểu do đâu, mà sổ sách của Sở Mật Thám Trung Kỳ lại ghi (nhầm?) cụ Nguyễn Hàm (phó hội trưởng Duy Tân) là lãnh đạo Phong Trào Duy Tân. Mầm vạ lây khởi đầu từ đây. Và thành hiện thực khi phong trào xin giảm thuế ở Trung Kỳ trở thành “chống thuế”. Cụ thể: Năm 1908, dân Trung Kỳ đấu tranh xin giảm thuế, lúc đầu ôn hòa, càng về sau càng thêm yếu tố bạo động. Nhiều người cho rằng “hẳn là có thêm bàn tay của Hội nữa”. Do vậy, bị đàn áp.
Trớ trêu nữa là Cụ Phan Chu Trinh đang ở Hà Nội, chẳng liên quan tới “vụ chống thuế” vẫn cứ bị bắt, bị giải về Quảng Nam, bị Nam Triều tuyên án tử hình, sau giảm xuống mức tù chung thân “không bao giờ ân xá”. Sự kiện này khiến Cụ càng quyết liệt chống quân chủ. May, tòa án thực dân không nghiêm khắc như vậy. Hơn nữa, họ điều tra minh bạch, không tìm ra chứng cứ, liền tha. Dẫu sao, đây là một tai họa, nhưng chính nhờ cái án này mà về sau Lịch Sử nước ta không nỡ phê phán cụ như những người đấu tranh ôn hòa khác. Vả chăng, tới 1945, cụ đã từ trần được 20 năm, không còn làm phiền ai nữa.
Chú thích. Từ 1906 đến 1925 = 20 năm. Tranh luận về cách đấu tranh giữa hai cụ Phan xảy ra từ năm 1906. Từ đó hai cụ xa nhau 20 năm, mỗi người một phương trời. Sau tranh luận 2 năm về lý lẽ, đã xảy ra sự khác biệt rất cụ thể về hành động. Vụ chống thuế ở Trung Kỳ từ ôn hòa ban đầu, nhanh chóng đi tới quá khích, bạo động – đã gây tai họa cho rất nhiều người, gồm nhiều án tử hình (hàng chục, có cụ Trần Quý Cáp), nhiều án tù đầy (hàng trăm). Sau đó, thực dân tách cụ Phan Châu Trinh khỏi đất nước, đưa Cụ sang sống ở Pháp cho tới 1925, lại về nước và mất ngay năm sau. Cụ Phan Bội Châu không dám về nước, cứ ở Tàu (và Xiêm) cũng tới 1925 thì bị dẫn độ về nước, bị quản chế đến khi mất (1940). Cụ thừa nhận mình hoàn toàn thất bại, nói: “Than ôi! Cuộc đời của tôi là một trăm thất bại mà không một thành công“. Nhưng quan trọng hơn, cụ đã thừa nhận sai lầm. Lịch Sử nước ta chỉ nhấn mạnh và đề cao thời kỳ “sắt máu” của Cụ, mà hầu như không nói gì về sự kiện Cụ nhiều lần tự nhận thất bại và sai lầm.
10- Cứ tưởng hình ảnh đã bị đóng chốt vào lịch sử
Sách giáo khoa Lịch Sử bậc phổ thông (ai cũng từng học) ca ngợi với mức độ rất khác nhau giữa hai cụ Phan. Đã đành, các tác giả viết theo quan điểm đề cao cách mạng bạo lực, do vậy đề cao cụ Phan Bội Châu tới mức bất cần để ý tới những lời cụ đã cãi lại họ ra sao.
Bên cạnh đó, các tác giả sách viết mạnh bạo, tự tin về đánh giá (hơi bị thấp) cụ Phan Châu Trinh bởi vì dựa vào hai nhận xét của hai nhân vật đầy uy tín trong hàng ngũ các nhà cách mạng bạo lực.
          1- Cụ Nguyễn Ái Quốc, sau này thành lãnh tụ, thì phê bình cách đấu tranh ôn hòa của cụ Phan Châu Trinh là “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”.
          2- Còn cụ Trần Văn Giàu bằng uy tín sử học cao ngất ngưởng thì phê phán chủ trương cụ Phan Châu Trinh: Đó là chủ nghĩa cải lương…
Chú Thích.
– Hai cụ Nguyễn Ái Quốc và Trần Văn Giàu, ngoài chuyện đều thuộc phái đấu tranh bằng bạo lực, còn giống nhau ở chỗ đều đã có thời gian sống ở Pháp và ở Nga. Dưới đây sẽ còn phải đề cập lại chuyện này
– Dưới quan điểm đấu tranh cách mạng bằng bạo lực, thì “chủ nghĩa cải lương” cực kỳ xấu xa, nguy hiểm. Hãy xem Lenin phê phán Berstein và Kautsky (rất nhiều tài liệu, dễ lấy) vốn là đàn anh của mình trong Quốc Tế CS là đủ biết. Chả là, hai vị này thôi đấu tranh bạo lực, chuyển sang đấu tranh ôn hòa, khiến cụ Lenin phải lộn tiết. Ở nước ta, có thể xem lời lẽ phê phán nặng nề của cụ Hà Huy Tập đối với chủ nghĩa cải lương. Ít năm sau, cụ phê luôn cả bề trên của mình là cụ Nguyễn Ái Quốc.
Bình luận về cụ Phan, học sinh phổ thông cứ viết câu có “tuy” và “nhưng”, sẽ được coi như đạt yêu cầu về nhân vật lịch sử này: Tuy có lòng yêu nước nhưng nhân vậy này đã sa vào chủ nghĩa cải lương… Qua câu đó, vị trí của cụ trong môn Lịch Sử nước ta, rõ ràng không lấy gì làm cao cho lắm. Ấy là còn may cho cụ. Lẽ ra, cụ còn bị phê phán nặng nề hơn, nhưng may, cái bản án tử hình và những năm tù Côn Đảo đã cứu vãn thanh danh cụ
Như vậy, ai chẳng tưởng vị trí Cụ đã an bài. Nhưng gần đây, sự kiện ra đời của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong “nhận thức lại” và “tỉnh ngộ” của hậu thế về tầm cỡ lớn lao thật sự của nhân vật này.
  1. Hậu thế tỉnh ngộ ra nhiều điều
     a- Ươm mầm cách mạng tư sản ở Việt Nam
Trước 1885 chế độ nước ta là phong kiến, mà là phong kiến châu Á – nó lạc hậu và trì trệ hơn nhiều so với chế độ cùng tên bên châu Âu. Trở thành thuộc địa của Pháp, xu hướng phát triển tự nhiên ở nước ta là tiến nhanh hơn tới chế độ tư bản. Tiến nhanh, nhưng “nhanh nhiều” hay “nhanh ít” còn có vai trò của con người. Những nhà yêu nước kiểu trung quân (tôn phò ngôi vua) có vai trò làm “bớt nhanh” quá trình này. Ví dụ, các cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu… Còn những nhà yêu nước chủ trương “bỏ qua” chế độ tư bản để “tiến thẳng” lên Utopia tưởng là sẽ đưa nước ta sải bước về phía trước, thực tế là làm chậm quá trình tiến hóa, kể cả kéo lùi. Chả là, chế độ tư bản phù hợp với văn minh công nghiệp còn rất lâu mới hết tuổi thọ do Trời ban cho. Không thế lực nào “xóa bỏ” được nó, huống hồ “bỏ qua” nó. Rồi xem.
Xin nói câu cuối, có lẽ và có thể liên quan tới một loạt bài mới: Chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” chính là tạo ra các điều kiện xã hội, đủ chín để cách mạng diễn ra một cách hòa bình. Nói khác, nó ươm mầm cho một xã hội mới – trong đó con người từ thân phận thần dân trở thành công dân.
Đáng bái phục, là người đề xuất 9 chữ vắn tắt nói trên thật ra chưa có điều kiện để hiểu, hoặc hiểu đầy đủ, về cách mạng tư bản chủ nghĩa.
     b- Ngay từ lúc chưa sang Pháp
– Những người Việt sống nhiều năm ở Pháp, tiếp thu giáo dục Pháp, nhận ra chế độ dân chủ là tốt, đều chủ trương đấu tranh ôn hòa. Đây là cách đấu tranh chấp nhận sự khác biệt, đầy khoan dung, không gây đổ vỡ. Ngược lại, yêu nước mà tiếp thu lý luận cách mạng bạo lực đều trở thành những chiến sĩ “sắt máu”. Kiên cường, dám hy sinh, nhưng cũng cực đoan, cố chấp. Họ coi xâm lược và thực dân là một: cả hai tội ác như nhau, cần lên án tuốt, tiêu diệt tuốt…
– Riêng cụ Phan là người đi trước tất cả. Chẳng cần sang Pháp, ngay từ đầu cụ đã chủ trương đấu tranh ôn hòa, và rất hiệu quả. Cứ xem lại Phong trào Duy Tân (Minh Xã) là đủ rõ. Sớm nhất, cụ đã đề cập tới Dân chủ, Lập hiến…
Chú Thích. Sống ở Pháp, nhưng mới được một năm đã bị trục xuất, cụ Trần Văn Giàu chưa kịp nhận ra những ưu việt của chế độ dân chủ thì cụ đã bị trục xuất. Sau đó nhiều năm sống và học (rất giỏi) lý luận cách mạng bạo lực ở Liên Xô, cụ trở thành nhà lý luận cách mạng bạo lực rất tầm cỡ ở nước ta. Trong thực hành, cụ áp dụng nó triệt để khi cụ lãnh đạo cướp chính quyền ở Sài Gòn. Còn cụ Nguyễn Ái Quốc đã sống lâu năm ở Pháp, do vậy sau đó dù sang Liên Xô, cụ không sao đồng hóa nổi lý luận ở đây. Cụ là nhà cách mạng bạo lực “ôn hòa nhất”. Chính vậy, sẽ tới lúc cụ rất khó sống giữa đám hậu duệ cực kỳ “sắt máu” (thiết huyết: chữ của cụ Phan Bội Châu). Bi hài là các nhà cách mạng “sắt máu” với kẻ thù (gồm cả phái ôn hòa) đối xử với nhau cũng “sắt máu”. Cụ Trần Văn Giàu để lại quyển Hồi Ký chỉ nhằm thanh minh rằng mình bị các đồng chỉ đối xử “sắt máu” (oan).
c- Phân biệt được “quân xâm lược” với “bọn thực dân”
Cụ Phan là người đầu tiên phân biệt được “quân xâm lược” với “bọn thực dân”. Cụ không coi thực dân là “giặc” mà là đám người muốn lập nghiệp lâu dài ở thuộc địa. Họ đại diện một nền văn minh cao hơn, lẽ ra ta cần nhiều thế kỷ mới đạt được như họ. Nhưng nếu chịu học, sẽ đỡ tốn thời gian dài bằng nhiều kiếp người. Thực dân muốn kiến tạo một môi trường xã hội tốt đẹp cho chính cuộc sống của mình; bởi vì họ xuất xứ từ một nước có chế độ chính trị rất dân chủ, mức sống cao. Thực dân cũng có nhiệm vụ thực hiện chủ trương “khai hóa” mà chính quốc muốn thực thi ở thuộc địa. Nhưng xa chính quốc, họ thực hiện đến đâu, còn tùy thuộc vào lợi ích nhóm… Bởi vậy “học Pháp” phải đi đôi với đấu tranh. Chủ trương “Chi Bằng Học” của cụ Phan thể hiện một viễn kiến thật kỳ lạ vì đã lờ mờ nhận ra một nền văn minh mới, khác xa văn minh nông nghiệp.
d- Thái độ phái ôn hòa và bạo lực trước giáo huấn của 2 cụ: Mác và Lê
Cụ Mác coi Lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp. Vậy thì, Sĩ, Nông, Công, Thương là 4 giai cấp, phải đấu tranh với nhau. Phát kiến rung chuyển này là món ăn trí tuệ, hấp dẫn tới mức khiến phái bạo lực toàn cầu có thể nuốt không cần nhai. Thế là, hai giai cấp lao động cơ bắp (Công, Nông) liên minh nhau để diệt Thương (tư sản) và cải tạo Sĩ (trí thức) – cũng được các nhà cách mạng nước ta răm rắp làm theo. Và còn làm quá.
– Nhưng trước Mác rất lâu, cụ Lê (Quý Đôn) lại quan niệm Sĩ, Nông, Công, Thương là 4 nghề. Các nghề đều cần cho xã hội. Chúng phải hợp tác để kiến tạo một xã hội yên ổn, giàu, năng động và phát triển, đi lên. Danh ngôn 16 chữ cua cụ: Phi Nông bất ổn, phi Công bất phú, phi Thương bất hoạt, phi Sĩ bất hưng.
Cụ Phan làm theo tổ tiên. Trong danh ngôn “chín chữ” của cụ Phan, có tới ba chữ Dân, nhưng tịnh không hàm ý giai cấp. Khi thực hiện “khai dân trí”, cụ Phan nhằm vào giới lao động chân tay (Công và Nông) vốn có dân trí thấp nhất, cho đến tận hôm nay vẫn thấp nhất.
     e- Dân trí thấp: Không ngoài dự báo và nỗi lo của cụ Phan
Trớ trêu là năm 1945 phái bạo lực giành được chính quyền. Điều này trái với “lý thuyết” rút ra từ những thất bại ngày trước. Thực ra, đây là nhờ nắm bắt được cơ hội mà “cướp” được chính quyền. Thế cũng đủ để gọi là thiên tài rồi. Cụ Hồ có công rất lớn với đảng CS. Nếu chính quyền của Cụ hết lòng vì dân, thì đúng là “công trời biển” với dân.
Tuy nhiên, lý thuyết vẫn… đúng. Hoàn toàn không phải các nhà cách mạng bạo lực nước ta đã gây dựng được một lực lượng có thể quét sạch thực dân, phát xít (ra biển) mà đây là do các kẻ thù đã thanh toán nhau, rồi đứa sống sót (phát xít) cũng bị phe Đồng Minh thanh toán nốt. Rốt cuộc Việt Minh quá thừa bạo lực để làm đổ kềnh cái chính phủ Trần Trọng Kim (không cảnh sát, không quân đội).
Nhưng dân trí ta lúc này rất thấp (95-99% mù chữ). Khẩu hiệu thích hợp nhất để lôi kéo dân “rùng rùng đi theo cách mạng” là hứa hẹn những lợi ích vật chất sơ đẳng nhất, tầm thường nhất, thiết thân nhất (cơm, áo, gạo, tiền)… Chứ đừng dại mà nhấn mạnh “tự do tư tưởng”, “tự do báo chí” khi 99% dân số mù chữ. Nỗi lo của cụ Phan (ngay khi cụ còn ngồi tù Côn Đảo) thể hiện bằng câu (ý): Một dân tộc dẫu được độc lập nhờ cơ may, nhưng dân trí chưa khai mở, dân khí chưa chấn hưng… chưa xứng đáng để thụ hưởng nền độc lập, thì rốt cuộc dân tộc ấy vẫn chỉ là đám nô lệ có ông chủ mới… Thời điểm này (1908) Cụ Hồ mới đủ tuổi thành niên. Sau năm 1945, nếu cụ Hồ thực hiện chín chữ vàng của cụ Phan, cụ sẽ sống mãi cùng cụ Phan.
     f- Tâm niệm cụ Hồ 
Cụ Hồ tâm niệm một điều liên quan tới 9 chữ vàng: Giành độc lập là để dân có tự do. Tâm niệm này phù hợp với câu cụ nói ra miệng: Nước độc lập mà dân chưa tự do, độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Để xem, tâm trạng cụ ra sao.
Trong Tuyên Ngôn với quốc dân và thế giới do cụ soạn thảo, Cụ hai lần nhắc tới tự do. Một lần, ngay ở đầu văn bản; lần sau (ở giữa văn bản) cụ còn đặt Tự Do trước cả Độc Lập.
Thực tế, ngay năm 1945 cụ đã phát động phong trào xóa nạn mù chữ, phong trào Đời Sống Mới (giữ vệ sinh, bài trừ hủ tục…), phong trào tăng gia sản xuất… Cụ soạn Hiến Pháp ghi các quyền dân, nhưng điều lạ lùng là cụ nói những câu dễ hiểu để người dân biết rõ mình có quyền gì. Ví dụ: Dân chủ chẳng qua là để dân được mở miệng ra mà nói; hoặc Dân chủ là dân làm chủ, thế thì chính phủ là đầy tớ. Chủ có quyền đuổi đầy tớ nếu làm hại chủ. Thế thì, nếu có các đấng đầy tớ biết chắc rằng “ông chủ” không thể đuổi được mình, sẽ tới lúc họ cưỡi lên lưng chủ. Thay vì nói “chi bằng học” (dân khó hiểu), cụ nói (với học sinh): Nước ta sau này có thể sánh vai với các nước khác hay không, phần lớn là nhờ công học tập của các cháu… Còn nhiều.
Ước gì các cụ trên 80 tuổi (nay không còn nhiều) hãy viết lại cho con cháu biết đầy đủ những điêu như đã nói ở trên. Dù viết đủ đến đâu, xét ra, tất cả những điều mà cụ Hồ đã làm ở thời đó cũng chỉ gói ghém trong chín chữ vàng cụ Phan để lại. Xin bái phục cụ Phan…
Ấy thế mà chục năm sau, cụ Hồ lại nhắc: “Nước độc lập mà dân chưa tự do, độc lập cũng chẳng ý nghĩa gì“. Từ tâm trạng nào? Cụ muốn nhắc nhở đảng của cụ? Hay là cụ than vãn về những quyền dân ghi trong Hiến Pháp cứ nằm ườn ra đó?
Cái “chục năm” (nói trên) chính là khoảng thời gian để cụ Hồ từ vị trí chủ tịch – có thể tự ý làm những gì cụ muốn (kể cả giải thể đảng) bị tụt xuống vị trí “chủ tịch ban chấp hành trung ương”. Phiếu của Cụ lúc này chỉ giá trị bằng 01. Cụ hết quyền, hầu như suốt đời thuộc phe thiểu số trong đảng. Quanh cụ, tuy là đàn em, đàn cháu, nhưng số lượng đông gấp chục. Về tả khuynh (“sắt máu”) cũng gấp chục. Về sự sốt ruột thực hiện mô hình XHCN xô viết ngay ở Việt Nam cũng gấp chục…
Loạt bài đã đăng chưa đề cập đủ về trí thức thế hệ 3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét