Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Minh triết Hồ Chí Minh về con người, nhân cách và giáo dục

MINH TRIẾT HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI, NHÂN CÁCH VÀ GIÁO DỤC
08.2011
"Minh triết được hiểu là sự thông tuệ, là trí tuệ phát triển ở một trình độ cao được gắn vào việc giải quyết hữu hiệu thực tế cuộc sống. Trên con đường tìm hiểu và dự báo về một xã hội tương lai ấy, thiết nghĩ nên tìm hiểu minh triết Hồ Chí Minh về con người và về nhân cách con người".Đó là nội dung bài viết " Minh triết Hồ Chí Minh về con người, nhân cách và giáo dục". của GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu toàn văn bài viết của Giáo sư cùng Bạn đọc:
  MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Con người, phẩm hạnh làm người và hạnh phúc con người là vấn đề cổ xưa nhất và cũng là vấn đề thời đại bức thiết; hầu hết các nhà khoa học đều bàn đến và bàn một cách sâu sắc nhất, song cũng đã để lại những câu hỏi khó giải quyết nhất. Từ xa xưa, trước Công nguyên, những triết gia phương Tây có tìm đến lời giải về con người hạnh phúc. Đúng là, con người ngàn năm về trước đã mong mỏi mình giàu có, khỏe mạnh, dũng cảm để hạnh phúc. Socrates nhìn nhận vấn đề này bằng trí tuệ thông thái của ông: Người điêu khắc không biết sử dụng dao trổ, người thợ mộc không biết sử dụng cưa đục thì sẽ làm hỏng việc. Người có sức khỏe, có tiền của, có danh vị mà không biết sử dụng cái mình có thì sao đạt tới hạnh phúc. Theo ông, phải biết dùng cái có trong tay, và biết dùng có nghĩa là có tri thức. Tri thức mới là cái chi phối hết thảy. Tri thức tạo ra trí tuệ. Trên thế giới không có cái Thiện và cái Ác. Chỉ có cái trí tuệ là thiệnngu muội là ác mà thôi.
Trước Socrates hơn một trăm năm, ở Ên Độ cổ đại xuất hiện Sakumuni (Thích Ca Mâu Ni). Cảm thấy cuộc đời là bể khổ, Thích ca xuất giá theo Đạo để tìm đến sự giác ngộ. Đắc Đạo dưới cây Bồ Đề, Thích ca trở thành Đức Phật. Điều mà Người ngộ sâu sắc nhất là, cái gì đã sinh ra đều sẽ chết. Để giải thoát mình, cần không ngừng nỗ lực. Được giải thoát tức là ra khỏi mọi khổ ải, cũng nghĩa là hạnh phúc, còn nỗ lực là vươn lên không ngừng qua quá trình giới, định, tuệ. Giới là giới luật, tự răn mình, từ bỏ ý thích, định là giữ cho tâm ý vững vàng, tuệ là sáng suốt, phân biệt thực tướng của sự vật, hiểu rõ nhân quả.
Tóm lại, trong triết học cổ đại phương Đông, sự hoàn thiện con người vẫn là hướng tới trí tuệ minh mẫn.
Đã mấy nghìn năm đi qua, loài người vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề con người như mong muốn, trong khi thiên hạ cũng không ít lý luận triết học và các triết lý khác nhau. Xã hội vẫn đang tiến lên với gia tốc ngày càng lớn, nhưng giải phóng con người vẫn như đang chậm chạp từng bước, khiến cho lý luận đang cố đuổi theo thực tiễn mà vẫn không kịp.
Hãy nhìn lại những nền văn minh mà nhân loại đã trải qua:
Cách chúng ta trên 10.000 năm, kinh tế nông nghiệp xuất hiện, đẩy phương thức hái lượm, săn bắn vào quá khứ. Trên 10.000 năm con người lao động bằng cơ bắp, cực kỳ khó nhọc mà đời sống lại quá thấp. Ngoài sức lực cơ bắp, con người chỉ biết dựa vào sức kéo của súc vật và những dạng năng lượng sơ cấp. Trong nền văn minh nông nghiệp này, sự thống trị xã hội là chế độ chuyên chế phong kiến thần quyền và tôn giáo. Người dân bị bóc lột thậm tệ, thân phận của họ là nô lệ. Tri thức được sử dụng trong sản xuất ở mức độ hết sức thấp kém.
Chế độ phong kiến bắt đầu tan rã từ thời kỳ Phục Hưng. Cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất mở đầu với sự xuất hiện máy hơi nước. Hình ảnh cối xay gió trên cánh đồng châu Âu bị mờ đi. Sức lao động được giải phóng một phần, nhưng chủ nghĩa tư bản sơ khai cũng vẫn đồng nghĩa với sự bót lột tàn bạo vì những lợi nhuận của nhà tư sản.
Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật lần thứ hai đã bắt đầu bằng sự xuất hiện động cơ đốt trong. Việc sử dụng điện, kim loại và những phương tiện giao thông mới là một bước tiến về tri thức của loài người, đánh dấu sự ra đời của nền văn minh công nghiệp. Văn minh công nghiệp đã nhìn nhận khoa học và công nghệ như một động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, những tri thức mới trong xã hội đã tăng lên vượt bậc so với xã hội nông nghiệp.
Sự phát triển công nghiệp với sự khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên cùng với sự tranh giành thị trường, cạnh tranh xã hội đã đặt xã hội công nghiệp trước những thách thức về tài nguyên, môi trường, thị trường và bất bình đẳng xã hội. Sự phân hóa xã hội ngày càng gia tăng cùng với sự sáng tạo vũ bão trong khoa học và công nghệ. Điều này cũng có nghĩa là khối lượng tri thức đang gia tăng từng ngày. Người ta tính rằng, ngày nay cứ khoảng 3 năm thì khối lượng tri thức tăng lên gấp đôi([1])
 Trong thế kỷ XX, lượng thông tin mới bằng 90% tổng lượng thông tin đã có trong lịch sử nhân loại.
Cuối thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã làm xuất hiện và phát triển hệ thống công nghệ cao như máy tính, công nghệ vi điện tử, quang điện tử, laser, vật liệu mới, gen, hạt nhân, v.v... Một nền kinh tế mới bắt đầu hình thành và từng bước thay thế nền kinh tế công nghiệp. Người ta gọi nền kinh tế này bằng nhiều tên mà qua đó ta hiểu sâu hơn về bản chất và đặc điểm của nó: “Nền kinh tế dựa trên tri thức” (Knowledge - based Economy), “Nền kinh tế dựa trên ý tưởng” (Idea - based Economy), “Nền kinh tế học hỏi” (Learning Economy), “Nền kinh tế thông tin” (Information Economy), “Nền kinh tế công nghiệp cao” (High - technology Economy), “Nền kinh tế mạng” (Network Economy), “Nền kinh tế số hóa” (Digital Economy), “Nền kinh tế không gian điều khiển học” (Cyber Economy), “Nền kinh tế sinh học - số hóa” (Biodigital Economy), “Nền kinh tế mới” (New Economy), v.v...; nhưng dù được gọi bằng cái tái tên nào chăng nữa, chúng ta vẫn thấy đó là nền kinh tế dựa vào những tiền đề của nền công nghiệp đã tạo ra để sản xuất những tri thức mới như một hàng hóa đặc biệt, mang lại cho hàng hóa công nghiệp những hàm lượng tri thức cao, hình thành những ngành nghề mới và đem lại giá trị gia tăng cao hơn hẳn so với hàng hóa công nghiệp trước đây. Chúng ta gọi nó bằng cái tên mà nhiều người dùng nhất: “Kinh tế tri thức”  (Knowledge Economy).
Trong nền kinh tế tri thức, việc sản xuất ra tri thức phải dựa vào giáo dục, dựa vào việc học tập của con người. Xã hội đã phát triển khá mạnh, song trên thực tế, bước vào thế kỷ XXI, khi kinh tế tri thức đã bắt đầu phát triển ở một số quốc gia trên thế giới, khi lượng tri thức mới của loài người đã gia tăng với tốc độ chưa từng thấy thì cũng là thời điểm mà thế giới bất ổn hơn bao giờ hết: Các cuộc xung đột và đổ máu giữa các sắc tộc vẫn tiếp diễn và gia tăng, nạn khủng bố đang mở rộng dần, chiến tranh hạt nhân vẫn đang rình rập, cuộc khủng hoảng chính trị tại nhiều quốc gia xem ra vẫn còn nhiều điều bế tắc, chưa thể giải quyết ngay được, sự suy thoái kinh tế vẫn luôn đe dọa. Tri thức nhiều hơn trước, nhưng xã hội lại bất ổn và khó lường hết những bất trắc cho từng con người và cả nhân loại.
Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta nhớ tới câu nói bất hủ của F.Rabelais:
“Tri thức mà không có lương tri thì chỉ là sự tàn hoại của tâm hồn” (Science sans conscience n’est que ruire de l’âme).
Như vậy, nếu Socrates cho rằng, tri thức chi phối tất cả thì nó sẽ đúng cả với trường hợp phát triển lẫn trường hợp suy thoái. Xã hội tri thức là bậc cao mà lần đầu tiên loài người bắt đầu với tới, nhưng xã hội tri thức liệu có giải quyết được những hỗn độn đang xảy ra cùng với những thành quả công nghệ cao mà loài người có trong tay ngày càng nhiều?
Rõ ràng, bậc thang tiến hóa của xã hội loài người ngày càng được nâng mức phát triển hơn, thời gian sinh thành và kết thúc của nền kinh tế tương ứng với mỗi giai đoạn phát triển xã hội được rút ngắn, song khi sắp đặt chân tới xã hội tri thức, con người đã nghĩ đến một xã hội tiếp theo. Nếu kinh tế tri thức không đủ sức giải quyết vấn đề lương tri, thì phải tiến tới một xã hội cao hơn, mặc dù xã hội tri thức còn đang trên con đường trở thành hiện thực. Logic của vấn đề là trên tri thức chính là minh triết. Nhiều người đã nghĩ đến viễn tưởng đó.

Ở đây, minh triết được hiểu là sự thông tuệ, là trí tuệ phát triển ở một trình độ cao được gắn vào việc giải quyết hữu hiệu thực tế cuộc sống. Trên con đường tìm hiểu và dự báo về một xã hội tương lai ấy, thiết nghĩ nên tìm hiểu minh triết Hồ Chí Minh về con người và về nhân cách con người. Phải chăng, từ đó ta hiểu nên đi vào kinh tế tri thức như thế nào để hy vọng hé mở một ánh sáng đằng sau kinh tế tri thức mà hiện vẫn đang mờ ảo trước chúng ta.
I. BÀN QUA KHÁI NIỆM MINH TRIẾT
Ở đây, chúng tôi không bàn tới sự khác biệt giữa ba khái niệm triết học, triết lý và minh triết, coi như vấn đề này đã được giải quyết ở chỗ khác, vào thời điểm khác rồi. Hơn nữa, chúng tôi chỉ nói đến khái niệm Minh triết Hồ Chí Minh theo cách hiểu của mình, và cụ thể hơn là Minh triết Hồ Chí Minh về con người và về nhân cách con người mà chúng tôi, những người làm giáo dục, đã chiêm nghiệm như thế nào mà thôi.
Chữ Minh ở đây nói về sự sáng suốt, sự thông thái, sự sâu sắc, còn chữ Triết nói đến trí tuệ dựa trên những tri thức uyên bác. Hai chữ Minh triết bao hàm ý nghĩa triết học, nhưng không phải là lý luận triết học, mà là triết học hành động, triết học cải tạo thế giới cụ thể. Trí tuệ ở đây không phải là trình độ thông tuệ chỉ về lý luận, mà ở trình độ giải quyết những công việc, trước hết, với Hồ Chí Minh, là những công việc cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và nhân loại. Minh triết Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự ứng xử khôn khéo, tài tình những mối quan hệ trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị, quân sự, … trong nước và trên thế giới.
Khởi nguồn của Minh triết thường là linh cảm, một hiện tượng tâm lý của con người: Đó là những tư tưởng mới chợt nảy sinh khi con người tri giác một hiện tượng. Quả táo từ trên cây rụng xuống, có hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người quan sát thấy. Song, trong sự tri giác của Isaac Newton, quả táo rơi đã làm loé lên trong tư duy của ông về lực hấp dẫn nào đó đối với quả táo. Từ đây, Newton đã phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn.
Nằm trong bồn tắm, ai cũng thấy hình như cơ thể mình nhẹ hơn lúc ở trên cạn. Có cái gì đấy đẩy cơ thể. Song, cả triệu người thấy như vậy, và rồi hình như nó là chuyện tự nhiên. Nhưng, với Archimèdes, một lần nằm trong bồn tắm, một tư tưởng mới loé sáng. Archimèdes sung sướng reo lên. Eureka! Eureka! Ông đã tìm ra một lời giải cho một bài toán mà ông từng nát óc suy nghĩ, từ đó xây dựng nên nguyên lý Archimedes.
Tư tưởng mới loé sáng không phải là một ngẫu nhiên. Nó chỉ là một Insight (bừng hiểu), song để có sự hiểu ra, phải có một quá trình nung nấu. Cả Newton lẫn Archimèdes, sự suy nghĩ một vấn đề nào đó đã làm co họ canh cánh trong lòng, và khi tri giác một hiện tượng nào đó có mối liên hệ ẩn tàng với điều mà các ông quan tâm, một linh cảm xuất hiện.
Hồ Chí Minh cũng vậy. Người bôn ba bốn bể năm châu để tìm lời giải về cứu con người, cứu dân tộc, cứu nhân loại ra khỏi tình trạng làm nô lệ, bị bóc lột đến cùng cực. Lúc rời bến Nhà Rồng, bài toán đặt ra với Người đang là một ẩn số mà các nhà yêu nước trước Người hoặc cùng thời với Người đều không tìm ra lời giải. Một cuộc tìm kiếm đáp số vô cùng nhọc nhằn, đầy ắp những nung nấu. Chỉ đến khi gặp Chủ nghĩa Lênin, một linh cảm đã loé sáng. “Eureka” đã nảy sinh. Người viết: Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Song, từ những linh cảm quan trọng như vậy để đi đến một bộ óc thông tuệ mà ta gọi là Minh triết là một quá trình lâu dài mà sự học hỏi cộng với sự tu dưỡng đạo đức để có nó phải đo bằng cả cuộc đời.
Trên thế giới, nhiều người nghiên cứu Hồ Chí Minh đã dùng rất nhiều thuật ngữ khác nhau về tư tưởng vĩ đại của Người, song họ không dùng thuật ngữ Minh triết. Euruta Motoo (Nhật Bản) cho rằng, Hồ Chí Minh không để lại những trước tác đồ sộ, nhưng Người thể hiện một bản sắc riêng trong tư tưởng, và quan trọng hơn, trong cả đời phục vụ trọn vẹn cho cách mạng, Hồ Chí Minh không có một sai lầm nào. Tác giả đánh giá như thế có nghĩa là, tư tưởng Hồ Chí Minh không được trình bày thành một hệ thống trong trước tác này hay trước tác khác, nhưng trong thực tế đấu tranh cách mạng, sự sáng suốt, thông tuệ Hồ Chí Minh thể hiện trong từng việc mà Người tiến hành để đưa sự nghiệp đến thành công, không có một sai sót nào tạo nên một vết mờ, dù là nhỏ trong những hào quang do Người mang lại.
Chúng ta nhớ có một thời kỳ khi trào lưu xã hội chủ nghĩa đang dâng cao, người ta dùng những thuật ngũ khác nhau để tôn vinh các lãnh tụ: Chủ nghĩa Marx, Chủ nghĩa Lénine, tư tưởng Mao Trạch Đông, còn Hồ Chí Minh, người ta chỉ nói đến tác phong của Người.... Đó là chuyện cũ. Sau này, Đảng Cộng sản Việt Nam có nói đến đạo đức Hồ Chí Minh. Điêu này cho thấy, nhiều người đã coi việc đưa ra những học thuyết hoặc có những luận thuyết được trình bày trong những tác phẩm mới được gọi là nhà lý luận hoặc nhà tư tưởng. Đây là cách đánh giá của họ. Nhưng, nếu tư tưởng mang vào chỉ đạo cách mạng, cải tạo thực tế mà sai lầm, chắc không thể coi là một nhà tư tưởng sáng suốt hoặc một trí tuệ thông thái được. Do vậy, những suy nghĩ để vận dụng lý luận vào thực tiễn mà đúng trong mọi trường hợp thì đó là tư tưởng sáng suốt, là minh triết, và trong trường hợp Hồ Chí Minh, ta phải nói Người là một nhà tư tưởng.
Hồ Chí Minh thể hiện tư tưởng của mình trong phong trào cách mạng. Mỗi quyết định của Người đều đi tới một thành công, mỗi lời kêu gọi của Người đều được hàng chục triệu người dân hưởng ứng, tạo nên sức mạnh vĩ đại. Cho nên, trong lúc gay go ác liệt nhất, người dân Việt Nam vẫn sẵn sàng “đốt cả dãy Trường Sơn” để tạo cơ hội, sẵn sàng chịu những thành phố “bị san bằng” để có những thành công, và khi thành công sẽ có điều kiện dựng xây lại bằng năm, bằng mười khi trước.
Do vậy, E.Cobeliev (Nga) đã nhận xét rằng, Hồ Chí Minh có uy tín vô hạn đối với nhân dân, là biểu tượng cho sự uyên bác cộng sản chủ nghĩa ở châu Á. J.Lacouture (Pháp) thì đánh giá rằng, với nhân dân, Hồ Chí Minh vừa là người cộng sản hiện sinh vừa là người cộng sản cơ cấu, vừa là người phát sinh vừa là người bảo vệ, vừa là dân tộc vừa là cách mạng.
Nhà khoa học người Ên Độ - ông Mauroi viết rằng: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn giải thoát những lớp người yếu hèn lao khổ của các dân tộc bị chà đạp, giải thoát bằng chính ý thức về lực lượng của mình”. Giải thoát con người, dù cho một hoặc một ít người đã là vĩ đại, đã là anh hùng, mà Hồ Chí Minh thì được nhân dân các nước bị thực dân áp bức coi như một biểu tượng, một hướng đi của cuộc cách mạng do họ tiến hành. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh phải được đánh giá là vô cùng vĩ đại.
Tôi nhớ nhà Phật có câu: Giải thoát cho một người còn hơn xây chín cảnh chùa. Cảnh chùa ở đây chắc chắn được hiểu là một biểu tượng của sự an lành, phúc đức, bình yên. Hồ Chí Minh xuất hiện ở đất nước ta, cùng với những đồng chí của mình, đã cứu nhân dân ra khỏi cuộc sống nô lệ, và đã tạo nên những “cảnh chùa” trên khắp đất nước ta, tạo nên sự đổi đời của cả một dân tộc. Nước Việt Nam ngày nay là kết quả của Minh triết Hồ Chí Minh và Minh triết Việt. Không phải là ngạo mạn nếu như nói rằng, ở không ít nơi, nhiều dân tộc chưa thoát khỏi cảnh đói rét, khốn cùng là do còn thiếu một ngọn đuốc trí tuệ thông thái soi đường. Ở Việt Nam, nơi do khí thiêng sông núi mà có được trí tuệ Hồ Chí Minh, cộng với trí tuệ của dân tộc Việt Nam và trí tuệ của Đảng, dân tộc ta đã được giải phóng.
Trong triết học phương Đông, bàn về Minh triết, người ta nói đến Parajna, tức là trí tuệ, trí năng, sự suy tưởng liên quan đến trực giác, trải nghiệm. Nhưng, nếu so sánh với Minh triết Hồ Chí Minh thì ở người trí năng luôn gắn vào những hoạt động chứ không chỉ gắn với sự giải thích. Hơn nữa, hoạt động đó lại luôn luôn lấy việc giải phóng con người làm cứu cánh. Trần Văn Giàu, người nghiên cứu rất sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, đã viết ra một điều có thể giúp chúng ta hiểu rõ thêm bản chất Minh triết của Hồ Chí Minh.
“Tầm cỡ của một hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay là ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ, mà chung quy lại là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang sống trên quả đất này và chắc chắn còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ Chí Minh thuộc loại hiền triết đó, vì đó mà Cụ lớn”.
Nhà Phật kêu gọi con người từ bỏ mọi ham muốn, xa lánh trần tục, hướng tới một chân trời cực lạc mà mọi người sống trên đời không bao giờ nhìn thấy, nó giúp người ta đắm chìm trong suy tưởng, hướng vào sự giải thoát, không bị rơi vào vòng luân hồi. Những nhà tu hành sống cuộc đời khổ hạnh, bỏ mọi ham muốn, dập tắt mọi nhu cầu, không làm điều ác, dù là nhỏ như làm đau con sâu cái kiến.
Minh triết Hồ Chí Minh hướng vào xây dựng một thế giới hạnh phúc, một thế giới “cực lạc” trong đời thường, và như vậy, con người phải đấu tranh với thiên nhiên, với chế độ bóc lột, với bệnh tật. Hồ Chí Minh kêu gọi con người phải hướng đến thế giới hòa bình, tự do, hạnh phúc. Người tổ chức nhân dân xây dựng thế giới đó, để hạnh phúc ngay trong thực tại chứ không phải là một thế giới trong trí tưởng tượng. Sống để vươn tới thế giới như vậy, con người phải nỗ lực, phải biết yêu cuộc sống, dành quyền sống cho mình. Hồ Chí Minh nói rằng, Người chỉ có một ham muốn: Ham học, ham làm, ham tiến bộ. Cả đời, Người đã thể hiện điều này, và đó chính là nguồn gốc, là bản chất của sự thông tuệ tuyệt vời của Người.
II. QUAN NIỆM HỒ CHÍ MINH VỀ CON NGƯỜI VÀ NHÂN CÁCH
1. Quan niệm “làm người” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Ở đây, ta không bàn về vấn đề con người từ đâu đến, sự sinh thành của con người từ tự nhiên theo quy luật nào, chủ nghĩa duy vật khác với chủ nghĩa duy tâm khi bàn về bản chất con người là ở chỗ nào.... Chuyện đó thuộc chuyên đề khác. Vấn đề ở đây là, con người được sinh ra trong xã hội, sống giữa những mối quan hệ xã hội, phải thực hiện nhiều vai trò cần thiết trong những mối quan hệ ấy. Vậy, con người cần sống ra sao, cần làm gì để làm tốt phận sự của mình trong các quan hệ xã hội. Nói khác đi, con người sinh ra phải sống ra sao để LÀM NGƯỜI đúng với nghĩa chân chính của từ CON NGƯỜI.
Dân tộc Việt Nam hết sức coi trọng việc làm người. Ngày xưa, dù giàu hay nghèo, người dân không chỉ quan tâm dạy dỗ con cái theo gia giáo, gia phong, mà còn đưa con tới trường học, nghèo thì cho con xin được Thánh hiền “dăm ba chữ” để ít nhiều hiểu được đạo lý làm người, giàu thì cho con ăn học, dùi mài kinh sử để “trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”.
Trong xã hội “thần dân”, làm người phải trung với vua, hiếu với cha mẹ. Lãnh đạo cách mạng dân chủ nhân dân, lật đổ chế độ phong kiến, đế quốc, Hồ Chí Minh cho rằng, làm người trung hiếu thì phải:
Sự dân nguyện tận hiếu
Sự quốc nguyện tận trung
(1960)
Tức là:
Thờ dân trọn đạo hiếu
Thờ nước vẹn lòng trung.
Song, lời dạy trên đây của Người mới chỉ là tinh thần chung của đạo lý làm người trong một nước độc lập và tự do. Theo Hồ Chí Minh, để làm người, đối với dân phải thực hiện 3 điều:
- Thờ phụng dân (lấy Dân làm gốc - Dân vi bản);
- Học hỏi dân (Học hỏi trong đời sống xã hội, trong phong trào cách mạng);
- Phục vụ dân (làm nô bộc cho dân).
a) Thờ phụng dân là phải hết lòng hết sức làm việc vì lợi ích của dân. Trong lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử Quốc hội khóa I (1946), Hồ Chí Minh viết:
Vì lợi nước, quên lợi nhà.
Vì lợi chung, quên lợi riêng.
Với người đời, việc đặt lợi ích theo thứ tự nào là chuyện nói thì dễ, làm cực khó, phải thờ dân trong tâm thì mới được đủ lý trí mà bỏ những gì có lợi cho mình, nhưng không có lợi cho dân.
Biết đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng là một nhận thức sâu sắc về quyền lợi, về nghĩa vụ. Nhận thức đó dựa trên cơ sở của một phẩm chất đạo đức là không tham tiền của, danh vị, không sợ khó khăn vất vả. Dân theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh bởi họ hiểu rằng, Hồ Chí Minh bảo vệ lợi ích của họ và vì lợi ích của họ. Nói mà dân không nghe, về thực chất, là họ không tin rằng anh không xuất phát từ lợi ích riêng tư, rằng anh là kẻ nói một đằng làm một nẻo, kêu gọi mọi người đừng tham nhưng lại vơ vét cho cái túi của mình.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh chữ LIÊM. Theo người, Liêm là trong sạch, không tham lam. Nội hàm của chữ Liêm mà người dùng khác với chữ Liêm trong chế độ phong kiên trước đây. Ngày xưa, chữ Liêm chỉ dùng cho quan lại, còn ngày nay, chữ Liêm phải là điều ai ai cũng thực hành như một nét đạo lý làm người vậy.
Bàn về chữ Liêm, Người nêu lên những ví dụ cụ thể:
“Người cán bộ cậy quyền thế mà khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư;
Người buôn bán mua một bán mười, hoặc mua gian bán lận, chợ đen chợ đỏ, tích trữ đầu cơ;
Người có tiền cho vay cắt cổ bóp hầu bóp họng đồng bào;
Người làm ruộng không ra công đào mương mà lấy cắp nước ruộng của láng giềng;
Người làm nghề (bất kỳ nghề gì) nhân lúc khó khăn mà bắt chẹt đồng bào;
Người cờ bạc, chỉ mong xoay của người làm của mình, v.v...
Đều là tham lam, đều là bất liêm.
Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình, là tham danh đạo vị.
Gặp việc phải mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham dật úy lao.
Gặp giặc mà rụt rè, không dám đánh là tham sinh úy tử.
Đều trái với chữ Liêm”.
b) Học hỏi dân là một phẩm chất đạo đức trong đạo làm người. Điều này nói lên thái độ tôn trọng dân, lễ phép với dân, khiêm tốn trước nhân dân, không được đối xử với dân theo cách hạ mục vô nhân. Mặt khác, học hỏi dân là làm theo những truyền thống tốt đẹp của dân, tham khảo kinh nghiệm trong dân, noi theo những người tốt, việt tốt của dân.
Tháng 01-1953, nói chuyện với sinh viên trường Đại học nhân dân, Người khuyên nhủ:
“Trường này là Trường Đại học nhân dân, các cháu học với các thày giáo, đồng thời phải học nhân dân. Trong bộ đội ta, trong dân công và những ngành hoạt động khác, có những thanh niên gương mẫu. Điều đó chứng tỏ rằng thanh niên ta nói chung rất hăng hái, rất tốt. Vài ví dụ: trong bộ đội có những thanh niên anh hùng như La Văn Cầu, Giáp Văn Khương, Nguyễn Thị Chiên, v.v...; ở công trường đường xe lửa có những chiến sĩ gương mẫu như Lê Văn Quy, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Trọng Tùng, Lê Văn Phát và nhiều thanh niên khác. Trong thời kỳ kháng chiến, họ là những chiến sĩ du kích anh dũng. Ngày nay trong công cuộc khôi phục kinh tế nước nhà, họ là những chiến sĩ lao động anh dũng. Thanh niên ở các công trường, các nhà máy khác cũng vậy. Như đoàn thanh niên xung phong gặp việc gì khó, việc gì cần, họ cũng đều xung phong. Mong các cháu noi theo những gương thanh niên kiểu mẫu ấy, các cháu cũng thi đua học tập, thi đua tiến bộ, xung phong công tác xã hội, để góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước, để xứng đáng là lớp đầu tàu của Trường Đại học nhân dân, để rèn luyện thành chủ nhân xứng đáng tương lai của nước nhà”.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến trí tuệ và sáng kiến của quần chúng và yêu cầu các cấp lãnh đạo phải khuyến khích, giúp đỡ, phát huy, hướng dẫn, vun trồng để đạt tới sự phát triển trí tuệ và sáng kiến trong dân. Hồ Chí Minh luôn học hỏi người dân qua các phong trào của dân. Với Người, thực tế lao động sản xuất, đấu tranh cách mạng là môi trường học tập lớn nhất, là nơi để hun đúc, rèn giũa con người. Ngày trước, Lê Quý Đôn có một kết luận rất đúng về học Đạo, tức là học để xây dựng cho mình những quan niệm đúng đắn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Theo lời của Lê Quý Đông thì Đạo ở ngay trong mọi sự vật, do đó “Đạo xa đến tận trời, Đạo lan khắp mặt đất, Đạo gần thì hằng ngày thường ở các công việc, chẳng công việc gì không có lý của Đạo. Với đạo ấy, con người theo học để mở mang học vấn, trau dồi tri thức, hiểu kỹ từ tình đến mệnh của trời, tức là nắm được các quan hệ xã hội, các quy luật trời đất”.
Hồ Chí Minh cũng có một quan niệm về Đạo như vậy, nhưng Người luôn cho rằng, học Đạo để phục vụ nhân dân:
Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân.
Như vậy, học hỏi là con đường lớn, mà theo con đường đó, con người phải có tâm trong sáng, phải học để phục vụ dân, đấu tranh cho lợi ích của dân. Một lần, đi thăm Indonesia, Hồ Chí Minh đến nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Patgia Giavan. Đoạn trích dưới đây trong bài nói đã thể hiện học dân, học trong xã hội, học trong cuộc sống của Người.
“Tôi sẽ nói vài lời với các bạn. Khi còn trẻ tôi không có dịp đến trường học. Tôi đã đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi.
Trường học ấy đã dạy cho tôi  khoa học xã hội, dạy cho tôi cách yêu, cách ghét; dạy cho tôi yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình, căm ghét áp bức ích kỷ.
Trường học ấy dạy cho tôi khoa học quân sự. Với gậy tầm vông, nhân dân tôi đã đánh bại quân đội đế quốc Pháp và giành tự do với chiến thắng Điện Biên Phủ. Trường học ấy dạy tôi lịch sử. Tôi thấy trên 50 năm qua tất cả nhân dân bị áp bức như Indonesia, Ên Độ, Việt Nam, v.v... ngày càng đi lên.
Trường học ấy dạy cho tôi chính trị. Chính trị là gì? Theo như tôi biết, đó là sự đoàn kết nhân dân....Sự đoàn kết trong nước và sự đoàn kết giữa các nước anh em sẽ vĩnh viễn thanh toán bọn đế quốc.
Khoa học là gì? Nó có nghĩa khi trở thành hữu ích cho nhân dân...Các cháu sinh viên yêu quý! Các cháu sẽ là những nhà khoa học tương lai, không phải là những ông quan sống ở trên và ở cách xa nhân dân, mà để làm việc  cho nhân dân!...”.
(Hồ Chí Minh, 1959).
c) Phục vụ dân là mục đích hoạt động của Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên và mọi người lao động. Dân là gốc (Dân vi bản), dân là trước hết và trên hết. Hồ Chí Minh yêu cầu con người đứng trước nhiệm vụ, đứng trước việc làm bao giờ cũng phải trả lời câu hỏi đầu tiên: “Việc này có lợi gì cho dân?” và câu hỏi thứ hai là: “Ta phải làm việc này như thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho dân?”.
Tại Báo Sự thật, số ra 140 ngày 02-9-1950, trong bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”, Hồ Chí Minh viết một cách giản dị, cực kỳ dễ hiểu nhưng cũng vô cùng sâu sắc:
“Nhiệm vụ của Chính phủ ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân”.
Phục vụ dân là một cụm từ nói thì dễ, mà làm thì khó. Hồ Chí Minh nêu cao tấm gương tận tụy với dân, nhưng Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, nếu không ý thức đầy đủ về nhiệm vụ làm nô bộc cho dân thì vì những lợi ích cá nhân, con người sẽ chỉ chăm lo thu vén riêng tư bằng những hành động bất liêm như tham ô, hách dịch, cửa quyền, mệnh lệnh, áp đặt những gì mình muốn, coi dân như “củ khoai”, như “tôm tép” mà thôi. Phục vụ dân nhiều khi đối với một số cán bộ chỉ là câu cửa miệng. Đây là một hiện tượng có thể coi là vấn nạn.
Thái độ của người làm nô bộc trước người chủ phải như thế nào?
Chắc mọi người dễ nhất trí với nhau rằng:
Một là, phải cung kính chủ nhân;
Hai là, phải làm việc hết lòng vì chủ nhân;
Ba là, phải tỏ lòng biết ơn chủ nhân;
Bốn là, không cầu cạnh, trông mong vào ơn, lộc từ chủ nhân.
Năm là, phải thật thà, trung thành, không ăn cắp, tư lợi.
Ngày xưa, quan niệm này cũng đã từng được nhắc tới. Có lần, Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử: “Sử dân kính, trung dĩ khuyến, như chi hà?” (Muốn khiến dân cung kính, trung thành và cổ vũ lẫn nhau, nên làm thế nào?). Khổng Tử đáp: “Lâm chi dĩ trang, tắc kính; hiếu từ, tắc trang; cử thiện nhi giáo bất năng, tắc khuyến” (Đối xử dân với thái độ trang trọng thì dân sẽ cung kính; hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu mọi người thì dân sẽ trung thành; cất nhắc người đức hạnh tài năng, dạy người yếu kém năng lực thì dân sẽ cổ vũ lẫn nhau).
Hồ Chí Minh không chỉ kính trọng dân, mà tôn thờ dân, mọi việc làm là vì dân:
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Có không ít người nói rằng, Cụ Hồ là Thánh rồi, không theo Cụ được. Do vậy, trước khi rời khỏi công việc để hưu trí, họ xây dựng biệt thự lớn, biệt thự nhỏ. Dân trông thấy họ đi ôtô sang trọng đã nói với nhau rằng, ông ấy là đầy tớ của dân đấy. Chắc câu này không xuất phát từ lòng cung kính.
Làm bạn với cụ già hái củi và chơi với trẻ chăn trâu mà Hồ Chí Minh nói trên kia thể hiện lòng yêu kính, hết lòng vì dân. Thái độ đó đã giúp cho Hồ Chí Minh giữ được sự thông tuệ của mình, làm cho minh sống mãi trong lòng dân. Đó là Minh triết của nhà cách mạng.
Dân khóc Hồ Chí Minh khi Người từ biệt nhân dân và thương Hồ Chí Minh đến giờ phút lâm chung vẫn trăn trở một điều: Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa (Di chúc, 1969). 
Hồ Chí Minh lớn lao, vĩ đại bởi cả đời làm đầy tớ dân mà lúc chết đi vẫn chưa có được cái nhà nho nhỏ của riêng mình và không có dịp nào thăm đồng bào miền Nam: “Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
(Tôi hiến cả cuộc đời tôi cho dân tộc. Báo Nhân dân số 5643 ngày 27-9-1969)
2. Tư tưởng “Học tập suốt đời” của Hồ Chí Minh
Người đời bàn đến việc học tập có đến cả ngàn năm. Học đã trở thành một đạo lý đối với nhiều người cũng như với nhiều dân tộc. Nhưng, nhìn nhận việc học như thế nào, cần nghiên cứu ý kiến của một số nhà hiền triết, một số học giả và nhà khoa học để từ đó, thấy rõ hơn Minh triết Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Nhà Phật có 14 điều răn dạy chúng sinh, trong đó, điều thứ 10 nói rằng, “Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ”, chắc chắn rằng, chỉ có học hành và tu dưỡng thì mới có tài sản này. Thực ra, tu dưỡng cũng là một hình thức học mà thôi. Cho nên cái tài sản quan trọng nhất của con người mà nhà Phật đã chỉ ra phải qua con đường học tập thì mới trở thành hiện thực.
Song, học như thế nào lại phục thuộc vào sự hiểu biết về thực chất của học vấn.
Ngày xưa, Tuân Tử đã có lời bàn:
“Không lên núi cao thì không biết cái cao của trời như thế nào. Không xuống khe sâu thì không biết cái dầy của đất như thế nào. Không học thì không biết cái lớn lao của học vấn như thế nào?”.
Học vấn của loài người lớn lao nên con người phải học. Song, trong cuộc sống, có rất nhiều việc muốn giải quyết cũng cần phải học. Do đó, con người mới ngộ ra rằng, học để mà làm, học đi đôi với làm, không học thì không làm được điều gì cả.
Khổng Tử có lần nói rằng:
“Ngộ thường chung bất thực
Chung dạ bất tẩm, dĩ tư.
Vô ích, bất như học dã”.
(Ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ, dành trọn thời gian để suy nghĩ. Nhưng vô ích, không bằng học tập).
Đúng như Khổng Tử nói, suy nghĩ mà không học thì mờ mịt, không tìm được cách giải quyết vấn đề. Nghĩ mà không ra thì sẽ quẫn, tức là cứ lần mò, lần quẩn trong công việc. Chỉ có học mới đem lại sự mở mang trí tuệ. Đó là con đường đi tới sự thông tuệ để tạo nên Minh triết.
Một lần, V.I Lénine đến nói chuyện tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Liên Xô. Ông kêu gọi thanh niên phấn đấu trở thành người cộng sản và nói rằng, để trở thành người cộng sản thì phải làm giàu trí nhớ của mình bằng tổng kiến thức của nhân loại. Cuối cùng, ông nêu ra khẩu hiệu nổi tiếng:
HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI
Chúng tôi hiểu rằng, với Lénine, con người chỉ trở thành chân chính khi nhận thức được học tập là việc làm thường ngày và mãi mãi. Ông không chấp nhận những người cộng sản ít học, ít tri thức, và lại càng không quan niệm có người lười biếng mà lại có thể trở thành người cộng sản. Tuy nhiên, hiểu thế nào là làm giàu trí nhớ bằng tổng kiến thức của nhân loại thì bản thân chúng tôi không hiểu. Tri thức của nhân loại hiện nay đã nhiều đến mức mà không ai dám nói rằng mình đã biết hết rồi.
Học để mà biết nhiều hơn, để tri thiên mệnh (Khổng Tử) với ý nghĩa là nắm được quy luật của trời đất, của đời sống xã hội. Tuy nhiên, muốn học mãi thì phải có điều kiện. Điều kiện này là sức khỏe và đạo đức. Chiêm nghiệm cuộc đời con người, đại văn hào A.Tchekhov nói rằng: “Cần có trí tuệ minh mẫn, đạo đức trong sáng và thân thể khỏe mạnh”.
Trong thực tế, không ít người đã tách việc học hành với việc chăm lo sức khỏe, do đó, đã không đạt được sự học hành mỹ mãn. Hồ Chí Minh đã nhắc chúng ta điều này: “Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt; mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khoẻ…. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.
(Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1946)
Học tập Hồ Chí Minh, chúng ta cần làm theo Người về học tập hàng ngày, và do đó, phải biết tập luyện sức khỏe hàng ngày. Kinh nghiệm cho thấy rằng, có rất nhiều người khi không thành đạt hoặc khi về già mới nuối tiếc rằng, mình đã bỏ phí thời gian sống vào những việc khác mà lơ là việc học tập. Từ xưa, Chu Hi đã có một tổng kết sâu sắc về điều này:
Ở đời có ba điều đáng tiếc:
Một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư.
Thực ra đời này chẳng học thì trước là ngu muội, và không cẩn thận thì sau là hư hỏng.
Hồ Chí Minh chủ trương ngày nào cũng học bởi Người hiểu rằng, làm cách mạng dứt khoát không thể dốt nát được, do vậy phải học để theo kịp thời cuộc, không bị tụt lại trước công việc đang tiến triển hàng ngày, không học sẽ bị công việc gạt lại phía sau.
“Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến kịp nhân dân”.
(Hồ Chí Minh - 1956).
Trên kia, chúng ta đã thấy tư tưởng học hỏi dân của Hồ Chí Minh. Từ xưa, những người làm quan, hầu như không ai lại nghĩ dân là ông thầy của mình.  Cách mạng thành công, cán bộ cũng thường nói đến vận động dân, hướng dẫn dân, giác ngộ dân…chứ làm gì có ý thức học dân.
Đến đây, một lần nữa ta lại thấy có một tư tưởng mới, một quan niệm rất mới về học tập của Hồ Chí Minh: học để tiến bộ kịp nhân dân. Song, đây là vấn đề triết lý và cũng là vấn đề đạo lý. Đi ngược lại với quyền lợi của dân, của đất nước là một sự suy thoái về tinh thần và trước sau thì phong trào cách mạng cũng gạt họ lại.
Học tập suốt đời hiện là một xu thế của thời đại. Kinh tế tri thức buộc con người phải lấy việc học hỏi suốt đời như một phương thức sống. Học tập suốt đời là quá trình học tập không phân biệt tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội, cương vị công tác, trình độ đào tạo. Kêu gọi nhân dân học tập suốt đời lúc này cần quán triệt tư tưởng học suốt đời của Hồ Chí Minh. Song, có một vấn đề nên đặt ra thành một nguyên tắc sống và hoạt động cho cán bộ và đảng viên cộng sản: cán bộ càng ở cấp cao, đảng viên càng có tuổi đảng cao thì càng phải gương mẫu học tập, học không ngừng và lôi cuốn mọi người cùng làm theo lời dạy của Hồ Chí Minh.
“Học không bao giờ cùng.
Học mãi để tiến bộ mãi.
Càng tiến bộ, càng thấy cần phải học thêm”.
(Hồ Chí Minh, tháng 4-1949)
Để giúp nhau học tập suốt đời, nên theo cách học, cách dạy để chống mù chữ mà Hồ Chí Minh nêu ra những năm đầu cách mạng: người biết chữ dạy người chưa biết chữ, chồng biết chữ dạy vợ chưa biết chữ, anh biết chữ dạy em  chưa biết chữ, chủ nhà biết chữ thì dạy người giúp việc chưa biết chữ… Ai cũng học và ai cũng dạy.
Ngày nay, chúng ta tuyên bố Việt Nam ra khỏi nạn mù chữ, nhưng vẫn nhiều người mù kỹ thuật, mù nghề, mù máy tính, mù ngoại ngữ… Học tập Hồ Chí Minh một cách thiết thực nên bắt đầu từ việc tổ chức học tập suốt đời trong xã hội với khẩu hiệu “người người học tập, nhà nhà học tập, ngày ngày học tập” theo tinh thần ai cũng học tập và ai cũng tham gia giáo dục.
Công việc này tưởng đơn giản, song thực hiện rất khó bởi nó đòi hỏi sự nỗ lực của từng nhân cách. Vì thế mà ngày xưa Khổng Tử đã nhắc nhở thiên hạ rằng:
Học nhi bất yếm
Hối nhân bất quyện
(Học không biết chán, Dạy không biết mỏi).
Người đời nay không làm được như vậy sao?
Xin lưu ý rằng, Hồ Chí Minh đã cho treo khẩu hiệu “Học không biết chán, Dạy không biết mỏi” trên tường một hội trường ở chiến khu Việt Bắc, nơi Người đặt cơ quan làm việc. Gesrges Boudarel là một nhà giáo, năm 1947 đã dạy ở Sài Gòn, phản ứng sự xâm lăng phi nghĩa của thực dân Pháp, ông chạy sang hàng ngũ kháng chiến Việt Nam, được đưa ra Việt Bắc, làm việc tại Ban Địch vận. Hồ Chí Minh đã chỉ vào khẩu hiệu này và bảo với Boudarel rằng: “Chỉ có những cuộc cách mạng chân chính mới biết thừa hưởng tri thức quy báu do các thế thệ đã qua truyền lại”.
3. Tinh thần “tu kỷ” của Hồ Chí Minh
Trong 14 điều Phật dạy thì điều đầu tiên là: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Nội dung lời dạy ấy là một triết lý sâu sắc. Có kẻ thù, cuộc sống không an toàn. Song, trong những kẻ hại ta, những tư tưởng ích kỷ, những ý nghĩ xấu xa, những mưu mô độc ác, những dục vọng thấp kém, sự tham lam và vô liêm sỉ….là kẻ thù nguy hiểm nhất. Nó vô hình nhưng lại có khả năng đưa con người đi tới những tội lỗi, làm cho con người bị chết trong sự chê bai, nguyền rủa của người đời.
Ở phương Đông có châm ngôn: “Đánh thắng kẻ phản trắc trên núi còn dễ hơn đánh kẻ phản trắc trong tâm”. Quả là chí lí, bởi nhận ra điều xấu ở người khác dễ hơn nhận ra cái xấu trong chính mình. Trong xã hội, một hiện tượng rất phổ biến là, con người thường đòi hỏi cao ở người khác nhưng lại rất dễ dãi với mình. Người khác phạm sai lầm thì lên án, chỉ trích, muốn dìm họ xuống đất đen, nhưng bản thân làm việc ám muội thì cho là bình thường. Kẻ móc túi ngoài chợ được vài chục nghìn đồng có thể bị đánh chí chết nếu bị bắt quả tang. Người móc túi của dân cả tỷ đồng không hề động lòng và không có một giây xám hối. Tệ hơn nữa, có khi họ còn nhân danh “quan” cách mạng, lên án kẻ ăn cắp một số tiền nhỏ bằng một phần triệu số tiền chính họ đã vơ vét.
Về điều này, Thích Ca đã nói với chúng sinh: “Đánh thắng một vạn quân không bằng tự thắng lòng mình”.
Những thánh nhân, những bậc hiền triết, những nhà tư tưởng đều đề cao việc nghiêm khắc đối với bản thân để làm người. Khổng Tử đã từng nói:
“Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, nghĩa là, người quân tử thì đặt ra yêu cầu nghiêm khắc với mình, còn kẻ tiểu nhân lại đặt ra yêu cầu nghiêm khắc với người khác. Và đây là một quan niệm chi phối quá trình tu kỷ của Khổng Tử. Theo ông, có ba điều nguy hiểm trong con người, dễ dẫn họ đến chỗ bại hoại là kiêu xa dâm đãng, buông thả du đãng, yến tiệc hoan lạc (Lạc kiêu lạc, lạc dật du, lạc yến lạc).
Về vấn đề này Gandhi - người mà nhân dân Ên Độ coi là Thánh - đã có một câu nổi tiếng:
“Ngoài ta ra, không có ai có thể hại được ta”.
Gandhi tin vào một điều: Làm một con người đạo đức thì luôn luôn có bầu bạn, có người ủng hộ, bảo vệ cho mình. Chính đạo làm quân tử của Khổng Tử cũng nêu rõ ý đó: Đã là quân tử thì không lẻ loi, chỉ có kẻ tiểu nhân là sẽ cô độc. Vậy thì, Ta sống hay Ta chết, Ta hạnh phúc hay Ta bị hại là do chính Ta mà thôi. Triết lý ở đây là: Đức bất cô, tất hữu lân (người có đức không bị lẻ loi, tất sẽ có người hợp đạo gần gũi, thân cận - Khổng Tử).
Chúng ta quay về minh triết của Hồ Chí Minh trong vấn đề tu dưỡng bản thân. Theo Người, “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”.
Hồ Chí Minh chia con người thành hai hạng người, người Thiện và người Ác. Để phân biệt hai hạng người này, phải căn cứ vào việc làm của họ. Người Thiện thì làm việc Chính, còn người Ác thì làm việc .
Chính là làm việc siêng năng, cần mẫn, trong sạch, tiết kiệm…
Tà là làm việc một cách lười biếng, xa xỉ, tham lam.
Bắt tay vào công việc, trước hết phải trả lời câu hỏi: Việc này có chính đáng không? Có mang lại cho đồng bào, đồng chí và người thân những điều tốt lành không? Việc này có gì là vụ lợi, thiếu trong sáng không và nó tác hại cho người khác, cho xã hội, cho chính chúng ta không?
Hồ Chí Minh dặn cán bộ, đảng viên rằng:
Việc thiện thì nhỏ mấy cũng làm.
Việc ác thì nhỏ mấy cũng tránh.
Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của dân tộc, của đất nước, lại trong điều kiện xã hội khó khăn, gian khổ trăm bề do các cuộc chiến tàn khốc kéo dài từ thập kỷ này sang thập kỷ khác, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, tu kỷ là việc làm hằng ngày của lãnh tụ. Người xưa đã từng tổng kết Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Về phương diện này, Hồ Chí Minh là người thực hiện tu kỷ vô cùng mẫu mực, và cũng do hết lòng tu kỷ mà Hồ Chí Minh trở thành chính nhân quân tử, nhân dân không chỉ tin tưởng nơi Người, mà còn tôn thờ Người như một vị cứu tinh của mình.
Khổng Tử đã từng nói:
Tu kỷ dĩ an nhân
Tu kỷ dĩ an bách tính.
(Sửa mình để an dân. Sửa mình để làm yên trăm họ).
Hồ Chí Minh tu thân thông qua việc học tập suốt đời, tận tụy phục vụ nhân dân suốt đời, giữ gìn phầm chất người cách mạng được trong sáng suốt đời. Người cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng thì phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xâu xa thì còn làm nổi việc gì?”
(Hồ Chí Minh - Tư cách và đạo đức cách mạng. Sửa đổi lối làm việc)
Theo Hồ Chí Minh, trong con người có cái Thiện và cái Ác, trong việc làm có cái Tốt và cái Xấu, cái Hay và cái Dở. Vấn đề là phải biết TỰ PHÊ BÌNH để biết bỏ cái xấu, cái dở, phát huy cái hay, cái tốt. Cho nên, đừng sợ khuyết điểm, mà quan trọng là có đủ bản lĩnh sửa chữa khuyết điểm không mà thôi.
Người nói, đối với mình phải “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những điều mình đã làm để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình, đồng thời phải hoan nghênh  người khác phê bình.
Tự mình phải Chính trước, mới giúp người khác Chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”.
Ở đây, ta thấy vấn đề tu thân của Hồ Chí Minh đã gắn liền với vấn đề chính thân, bởi người tự nhận là nô bộc của dân, nhưng lại có nghĩa vụ chấp chính trước dân. Cho nên, tu thân thống nhất với chính thân là việc làm hàng ngày mà Hồ Chí Minh thực hiện hết sức nghiêm túc.
Sénèque có câu nói hay: “Chẳng ai cười kẻ tự chê cười mình”.
Nhà văn Honoré de Balzac thì khẳng định: “Khi công nhận cái yếu của mình, con người trở nên mạnh mẽ”.
Khổng Tử thì nói: “Quá nhi bất cải, thị vị quá hỹ” (có sai lầm mà không sửa đổi, như thế gọi là sai lầm thật sự).
Trong một lá thư gửi một người Việt sống ở nước ngoài, Hồ Chí Minh viết: “Bất cứ một người lao động nào, dù là thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể là sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không”.
(Thư gửi ông H.bằng tiếng Pháp, ngày 9-4-1925).
Vậy thì, ta không sợ sai, chỉ sợ thấy sai mà không sửa.
4. Quan điểm “Nhân cách” của Hồ Chí Minh
Khái niệm nhân cách được tâm lý học, giáo dục học và xã hội học bàn đến nhiều nhất. Có đến hàng trăm định nghĩa về nhân cách đã được đưa lên sách báo. Tuy nhiên, trong các công trình nghiên cứu, khái niệm nhân cách được hiểu như là những phẩm chất, những thuộc tính tâm lý mà nhờ đó, con người trở thành chính họ, trở thành chủ thể của hoạt động và giao lưu, thể hiện trong đời sống hàng ngày những đặc điểm tâm lý riêng, không lặp lại người khác (mà ta gọi là cá tính).
Trong những trước tác của mình, Karl Marx hầu như không nói đến khái niệm nhân cách. Ông cho rằng, con người mang trong nó những năng lực tinh thần và những năng lực thể chất. Quan niệm này có ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm của Hồ Chí Minh sau này.
Marx chỉ nói đến bản chất con người trong hệ thống quan điểm triết học của ông. Đọc Luận cương về L. Feuerbach ta thấy Marx viết ngắn gọn như sau:
“Trong tính hiện thực của nó (con người - tác giả ghi chú) bản chất con người là sự tổng hòa những quan hệ xã hội”.
Có những người suy ra rằng, Marx nói đến nhân cách. Cách suy ra đó là sai lầm. Ở đây, Marx muốn chỉ ra rằng, khác với con vật, mà bản chất của nó nằm trong chính cơ thể nó, ở con người, bản chất lại phải được xem xét trong những quan hệ xã hội. Theo quan điểm duy vật biện chứng, sự tiến hóa của các loại vật, trong đó, động vật có vú là bậc trên cao của phát triển, đều do các quy luật sinh vật chế ước. Con người đã vượt ra khỏi phạm vi này và họ đã tiến hóa theo phương thức khác. Sự tiến hóa của con người bị chi phối bởi quy luật xã hội - lịch sử.
Do vậy, con vật được nuôi dạy sẽ có thể tinh khôn hơn, nhưng để có được ý thức như con người thì chúng không có điều kiện nào nữa.
V.I. Lénine cũng không nói đến khái niệm nhân cách con người thành một hệ thống lý luận. Ông chỉ nói rằng, nhân cách con người không chỉ là cái thế giới tinh thần, mà còn phải xét đến những yếu tố sinh lý - thể chất. Lénine luôn nhấn mạnh đến những phẩm chất cần có của người hoạt động cách mạng. Theo ông, những nô lệ không cúi chịu sự áp bức của ông chủ, đứng lên chống lại sự áp bức thì đó là người cách mạng. Những nô lệ cam chịu sự bóc lột và hành hạ của ông chủ thì xứng đáng được coi là kẻ nô lệ. Còn những nô lệ ca ngợi sự bóc lột của ông chủ thì phải coi đó là hạng ti tiện, vô liêm sỉ.
Đứng trên lập trường mác - xít, Lucien Sève cho rằng, nhân cách là những quan hệ xã hội giữa những cách xử sự (giữa những hành vi). Sève xem xét nhân cách trong những hoạt động, những hành động của con người. Con người không hoạt động thì không thể bàn gì đến nhân cách của họ.
Là một người uyêu thâm Nho học, nắm chắc triết học phương Đông, Hồ Chí Minh nói đến nhân cách con người bao giờ cũng xét quan hệ “con người – xã hội”, xét tương quan  giữa con người với dân với nước. Có một nét nào đó trong cách hiểu của Hồ Chí Minh gần với Khổng Tử. Trong quan niệm về phẩm chất người quân tử, Khổng Tử dùng chữ Hiền Tài. Người hiền tài là người có được sự tín phục của dân. Ông nói:
“Bằng vào thông minh tài trí đủ để đạt được lộc vị mà không thể lấy nhân đức để giữ nó, dù đạt được nó, cũng sẽ mất đi. Bằng vào thông minh tài trí đủ để đạt được nó, có thể lấy nhân đức để giữ nó, nhưng không trang nghiêm khi đến với dân, thì dân sẽ không kính. Bằng vào sự thông minh tài trí đủ để đạt được nó, có thể lấy nhân đức giữ được nó, trang nghiêm khi đến với dân, nhưng không dùng lễ để cổ vũ dân, thì cũng coi như chưa hoàn thiện”.
Tôi muốn dẫn câu Khổng Tử trên đây để đối chiếu với quan điểm nhân cách của Hồ Chí Minh.
Nhân cách, theo quan điểm Hồ Chí Minh, bao gồm Đức và Tài. Đức là gốc, Tài là quan trọng. Đức phải có trước tài.
Nói tóm tắt là như vậy.
Theo Người, Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một trong bốn đức đó thì đạo đức con người chưa hoàn thiện.
Người nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng tăng”.
(Hồ Chí Minh bàn về nhân cách và đạo đức cách mạng)
Những tính tốt là nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.
Đạo đức không phải từ trên trời rơi xuống. Phải tu dưỡng để có nó.
Đạo đức phải thể hiện ở hành động, không thể có thứ đạo đức trong lời nói mà thôi.
Đạo đức phải đi đôi với tài năng. Đạo đức mà không có tài năng thì vô dụng.
Sách Minh tâm bảo giám dạy rằng:
Nhất sinh hành thiện, thiện do bất túc
Nhất nhật hành ác, ác tự hữu dư.
(Cả đời làm điều thiện mà điều thiện chưa đủ
Một ngày làm điều ác thì điều ác đã thừa).
Hồ Chí Minh hằng ngày làm điều thiện, dù nhỏ nhất, nhưng thường xuyên, không gián đoạn. Chỉ riêng việc cứu đói năm 1945, Người đã thực hiện đều đặn mỗi bữa bớt một nắm gạo, mỗi tuần bớt một bữa ăn, dành gạo cho dân đang đói.
Với Hồ Chí Minh, tu dưỡng hằng ngày để trau dồi đạo đức, học tập hằng ngày để bổ sung tri thức, nâng cao học vấn: Đạo đức đi đôi với trí tuệ, thể hiện trong từng hành động chăm lo lợi ích cho dân mới đạt tới hiền tài.
Hồ Chí Minh cho rằng, năng lực và tài năng thể hiện ở học đi đôi với hành, mà học thì phải thực hiện suốt đời, do đó, hành cũng phải suốt đời.
Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiếp bộ kịp nhân dân”.
(Hồ Chí Minh, 1956)
III. MINH TRIẾT HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC
Đứng về quyền lợi của dân, Hồ Chí Minh đấu tranh cho ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, nhưng đứng về trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm sự học cho dân, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền giáo dục dân chủ và cách mạng, thể hiện ở mấy quan điểm sau đây:
1. Một nền giáo dục cưỡng bức, không có học phí
Vào nửa đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh ở Pháp và có dịp tiếp xúc với nền văn hóa Pháp cũng như văn hóa châu Âu. Người rất chú ý đến quan điểm của Jean Jacques Rousseau với Dân ước (Contrat social) hoặc Montesquieu với Vạn pháp tinh lý (Espsit des lois), v.v…, những tư tưởng mới mẻ ở nước Nga mang đến sự hình thành tinh thần thời đại của Cách mạng tháng Mười, v.v…
Khi viết Revendications du peuple Anamite (Yêu sách của nhân dân An – Nam), Hồ Chí Minh nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp cho người bản xứ. Hồ Chí Minh mơ ước một ngày nào đó ở Việt Nam, mọi trẻ em đều được học, được chăm sóc tinh thần và thể chất, được học hỏi ở các thư viện, cung văn hóa, được nghỉ hè ở các “cung điện”…  mà không phải đóng bất cứ một lệ phí nào.
Trong Chương trình Việt Minh, về văn hóa giáo dục, Hồ Chí Minh ghi lên hàng đầu: Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực cơ sở. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình.
Trong Chương trình còn có điều khoản nói đến việc học hành của học sinh: Bỏ học phí, bỏ khai sinh hạn tuổi.
Muốn ai cũng được học hành thì phải thấy học phí là một rào cản, nó hạn chế người đi học và gạt bỏ người nghèo ra khỏi học đường. Chính vì vậy, bỏ học phí là một mục tiêu mà Hồ Chí Minh hết sức coi trọng.
Để phổ biến 10 chính sách của Việt Minh, Hồ Chí Minh viết một bài thơ lục bát, hết sức giản dị, hết sức dễ hiểu, nhưng thể hiện rất đầy đủ tư tưởng dân chủ, bình quyền, trợ giúp tiền cho người nghèo.
Thanh niên có trường học nhiều,
Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho.
Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền.
Người tàn tật, kẻ lão niên,
Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho.
Trẻ em bố mẹ khỏi lo,
Dạy nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy.
Muốn làm đạt mục đích này,
Chúng ta trước phải ra tay kết đoàn.
(1941)
2. Một nền giáo dục phát triển hoàn toàn năng lực sẵn có của con người
Như trên đã bàn, ta thấy Hồ Chí Minh cho rằng, nhân cách con người gồm hai mặt Đức và Tài. Đức và Tài được thể hiện trong hoạt động sản xuất, trong bảo vệ Tổ quốc, trong ứng xử và giao lưu giữa người với người, giữa người với xã hội và trong ứng xử với chính mình. Nói khái quát, Đức và Tài thể hiện trong năng lực thể hiện những quan hệ xã hội.
Theo Hồ Chí Minh, ra đời, ai cũng có những năng lực đang tiềm tàng bên trong, theo cách nói của Người, đó là những năng lực sẵn có trong con người. Nếu giáo dục tốt sẽ làm cho những năng lực sẵn có ấy trở thành sức mạnh bản chất của con người. Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, nền giáo dục cách mạng sẽ làm nảy nở và phát triển đầy đủ những tiềm năng bên trong của con người.
Trong thư gửi cho học sinh cả nước nhân ngày khai trường đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người viết:
“Trước đây, cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được các may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Sự phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có trong con người bao hàm những ý sau đây:
- Thứ nhất, đó là tư tưởng cơ bản về sự phát triển toàn diện con người với tư cách là một nhân cách. Nhiều người, kể cả những người làm công tác dạy học đã hiểu rằng, những môn học thuộc lĩnh vực Trí dục, Đức dục, Mỹ dục, Thể dục và Lao động được dạy đầy đủ là đã thể hiện được sự phát triển toàn diện của học sinh. Thực ra, đó chỉ là nội dung học một cách đại trà, tối thiểu làm cơ sở cho quá trình phát triển toàn diện mà thôi. Phát triển toàn diện hiểu theo chủ nghĩa nhân văn là sự phát triển tận lực những tiềm năng bên trong con người, là giải phóng và phát triển được hết năng lực tinh thần và thể chất của họ. Một người có thể trở thành đại văn hào như Lev Tostoi hay Alexandre Dumas nhưng lại chỉ được học hành để trở thành một thư lại, hoặc họ có thể trở thành nhà hóa học như Lomonosov mà lại chỉ làm được công việc trông coi phòng thí nghiệm…thì chưa thể nói đến phát triển hết những gì bên trong họ.
- Hai là, một nền giáo dục dân chủ thật sự mới giải phóng thực sự cho con người. Hồ Chí Minh mong muốn nền giáo dục ấy, một nền giáo dục biết trân trọng con người, chăm lo vun trồng nhân cách con người vì lợi ích trăm năm của dân tộc, của quốc gia.
Ngày nay, chúng ta nói mãi về Đổi mới sự nghiệp giáo dục, nhưng cứ mỗi lần đưa ra một sáng kiến được gói trong vỏ bọc có nhãn hiệu Đổi mới thì chỉ gồm tăng học phí, thay đổi cách thi để dễ quản lý, tăng các quy định để khó có thể mở trường tư, hạn chế việc mở ra các dịch vụ giáo dục cho dân… Hiện nay, trẻ con (và cả người lớn) muốn đi học, muốn được học đều đang đứng trước một câu hỏi: “Có tiền không mà muốn đi học?  Điều này có nghĩa là: có tiền đến đâu thì học đến đó, và như vậy còn gì để hy vọng giáo dục giúp con người phát triển toàn diện, làm nảy nở hoàn toàn những năng lực sẵn có.
3. Một nền giáo dục coi trọng giáo dục đạo đức và tư tưởng - chính trị
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức hành động, không phải là đạo đức trên lý thuyết. Những gì gọi là đạo đức phải thể hiện ở việc làm, ở thái độ và những quan hệ cụ thể.
Nói chuyện với các cháu nhỏ, với thanh niên, với cán bộ, đảng viên, với người cao tuổi, Hồ Chí Minh luôn nhắc đến đạo đức, nhắc nhở phải học hành để tu dưỡng đạo đức. Nhưng cùng với vấn đề học đạo đức, đến nhà trường cần coi trọng giáo dục đạo đức.
Người nói:
“Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài thì phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích cho ai”.
“Về giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng phải khác. Thời trước giáo dục gõ đầu trẻ để kiếm cơm. Có cơm chùa thì đánh chuông, hết cơm chùa thì không đánh chuông. Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô, các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này tốt, làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau”.
(Hồ Chí Minh - Bài nói tại Trại hè giáo viên cấp I, tháng 3-1956)
Nhà trường nói riêng và giáo dục nói chung hiện nay hình như lại quay về cảnh “ăn cơm chùa thì đánh chuông; chùa hết cơm thì không đánh chuông”.
Đó là một sự tụt lùi của giáo dục.
TIỂU KẾT
1. Minh triết Hồ Chí Minh về con người, về nhân cách, về giáo dục là một vấn đề đòi hỏi phải để nhiều năm nghiên cứu, có khi phải để cả đời mà chưa chắc công trình đã có kết quả hoàn chỉnh.
Chúng tôi quan niệm rằng, viết chuyên đề này chỉ là để tham gia vào nội dung của một Hội thảo. Do vậy, chúng tôi chỉ nói lên những điều mà chúng tôi muốn nói nhất do trong lòng có những bức xúc trước thời cuộc. Trong khóa X của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên phải tập trung học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Suốt bốn năm học tập, giáo dục của chúng ta hầu như chẳng có gì mới dưới hào quang của Minh triết Hồ Chí Minh. Dân vẫn kêu rất nhiều về giáo dục, và có vẻ kêu nhiều hơn trong vài năm qua. Vậy, tác dụng học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh tới đổi mới và chấn hứng giáo dục là gì? Bức xúc của chúng tôi là như vậy.
2. Ngày xưa, Tăng Tử bị bệnh, Mạnh Kính Tử đến thăm. Tăng Tử muốn những lời mình trăng trối được chú ý nên nói rằng: “Điểu chi tương tử kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện” (dịch rằng: Con chim sắp chết tiếng kêu bi ai; Con người sắp qua đời nói lời tốt lành). Hồ Chí Minh ra đi, để lại một Di chúc cho toàn Đảng, toàn dân. Trong Di chúc, có rất nhiều điều mà chúng ta phải tiếp tục thực hiện ngay trong nửa đầu thế XXI này, trước hết là vấn đề đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau.
Đứng bên ngoài để xem xét những công việc của giáo dục trong xã hội,  thấy rằng, việc đào tạo thế hệ trẻ ngày nay có những điều bất cập. Đó là:
- Ngày càng buông lỏng giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ trường phổ thông đến trường đại học, người dạy giờ đây ít khi thấy mình có trách nhiệm xây dựng con người xã hội chủ nghĩa để có chủ nghĩa xã hội.
- Giáo dục của chúng ta ngày nay ít quan tâm đến người nghèo, đến trẻ em nghèo. Trẻ sống trong vùng kinh tế khó khăn, nhất là ở miền núi, miền biển xa xôi hẻo lánh đang quá thiệt thòi về những cơ hội và những điều kiện tiếp cận với giáo dục. Chế độ học phí hiện hành đã làm cho không biết bao nhiêu trẻ em và thanh niên không phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có trong các em.
- Cho con cái theo học các trường học có sự đầu tư của người nước ngoài không phải là một cái “mốt” của người giàu, trong đó có rất đông cán bộ, đảng viên có trình độ học vấn và có cương vị xã hội nhất định. Cái chính là họ không tin vào nhà trường của ta dạy dỗ một cách tử tế cho con em mình. Nói khác đi, giáo dục của chúng ta đang mất dần uy tín với những vị phụ huynh học sinh. Nhiều người còn tích luỹ tiền để học xong phổ thông, con em họ sẽ đi học ở Hoa Kỳ, Anh, Canada, Australia, Pháp, Đức, v.v… Không rõ hệ thống giáo dục các nước trên thế giới, nhất là ở các nước tư bản chủ nghĩa, có mục tiêu đào tạo cán bộ người Việt Nam cho Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không?
- Hồ Chí Minh luôn nhắc cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ mấy điều có tính nguyên tắc trong học tập:
Học đi đôi với hành. Học được điều hay phải mang vào ứng dụng trong sản xuất, trong hoạt động xã hội để phục vụ tốt hơn lợi ích của dân. Điều này thì nhà trường hiện nay thực hiện quá tồi, hay không chịu thực hiện thì đúng hơn. Bây giờ chữ Hành được hiểu là ĐI THI: học để đi thi. Thi là mục tiêu của học, bằng cấp là hướng phấn đấu phải đạt cho bằng được.
Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Nhà trường hiện nay đóng khung trong bốn bức tường kín. Suốt từ lớp Một đến lớp Mười Hai, học sinh không hề đi qua nhà mày, công trường, doanh nghiệp, không có bất cứ một tiết học nào gắn với sản xuất, với lao động của công nông. Giáo dục nhà trường trượt dài theo đường mòn khoa cử với phương thức dạy chữ là chính, dạy nghề trong trường phổ thông là để kiếm hai điểm tính vào tổng số điểm thi tốt nghiệp.
Đạo đức phải thể hiện trong hoạt động. Chúng ta làm rất dở điều này. Chúng ta đang cổ vũ nói đạo đức cho thật hay, còn việc làm có thể hiện đạo đức hay không thì không cần thiết.
Từ ý kiến trên, chúng tôi muốn kiến nghị rằng:
a) Nên phát động một cuộc vận động toàn dân thực hiện những điều chưa làm được trong Di chúc của Hồ Chí Minh. Nên xem lại còn điều gì tồn tại rồi đặt kế hoạch ngắn hạn và dài hạn thực hiện cho kỳ được.
b) Chuyển cuộc vận động “Học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh thành cuộc vận động “Mỗi ngày làm một việc thiện theo gương Bác Hồ vĩ  đại”.

GS-TS Phạm Tất Dong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét