Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Hồ Chí Minh 1930 - 1951

Nguyễn Ái Quốc từ 1930 đến 1941

Nguyễn Ngọc Lanh
Từ 1920 đến 1930: Mười năm, chỉ mục tiêu Độc Lập
– Khi còn ở Pháp (1917-1923), Nguyễn Ái Quốc vào đảng Xã Hội nhưng thật sự chưa hiểu gì về lý tưởng của đảng này, ngay cả những từ ngữ chính trị liên quan cụ cũng chưa hiểu hết. Cụ hồn nhiên thể hiện một suy nghĩ rất tréo ngoe: Tôi tham gia Quốc Tế Cộng Sản 2 để thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa tư bản (!).
Chú thích. Đảng Xã Hội Pháp thuộc Quốc Tế Cộng Sản 2, do Marx và Engels thành lập, có mục tiêu đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Ấy thế mà cụ Nguyễn khi trả lời câu hỏi “vì sao vào đảng này” lại nói rằng: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Rõ khổ! Té ra cụ chưa hiểu rằng cái “lý tưởng cao quý” mà cụ nhấn mạnh là của cách mạng tư sản (!) mà đảng Xã Hội muốn vứt bỏ, để thay thế bằng một lý tưởng cao hơn. Tóm lại, vào đảng Xã Hội chỉ là cái vỏ, còn cái mục tiêu là độc lập dân tộc. Trình độ thế mà cũng được kết nạp!.
Sốt ruột, cụ Nguyễn tự thấy rằng cứ ngồi ở Paris thì có viết bao nhiêu bài tố cáo thực dân ở tận Đông Dương vẫn chẳng đem lại kết quả gì. May quá! Khi kiếm được bản Luận Cương của Lenin về giải phóng thuộc địa, cụ nhận ra một điều: Quốc Tế 2 của Engels không quan tâm gì tới thuộc địa, nhưng Quốc Tế 3 của Lenin lại có chủ trương rất rõ ràng. Tuy chưa hiểu đầy đủ bản Luận Cương này, cụ Nguyễn vẫn bỏ QT2, để theo QT3 – tức là vào đảng CS Pháp.
Trình độ “giác ngộ lý tưởng CS” và mục tiêu thật sự của mình đã được thể hiện khi cụ trả lời câu hỏi của một nữ đảng viên “vì sao tán thành QT3”, như sau: “Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”… 
– Năm 1923-1924 khi sống ở Moscou, ngoài việc dự một lớp ngắn ngày về lý luận; còn phần lớn thời gian cụ Nguyễn dùng để phát ngôn trong mọi dịp (diễn thuyết, tham luận, viết báo, đề nghị) với chủ đề duy nhất là kêu gọi, thúc đẩy phong trào Cộng Sản quan tâm tới nhiệm vụ giải phóng thuộc địa. Lúc nào cụ cũng lôi cái Luận Cương của Lenin ra để buộc mọi người, mọi tổ chức. Cuối cùng, cụ nhận ra một điều: Quốc Tế 3 tuy quan tâm giải phóng thuộc địa, nhưng lại hiểu rất ít về tình hình phương đông và hoàn cảnh đấu tranh giành độc lập ở đó. Đây chính là lý do số 1 để cụ viết bản báo cáo nhan đề Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ gửi QT3. Ngày nay, nếu đọc lại bản Báo Cáo này, thì ngoài “tình hình”, cụ Nguyễn còn đề cập lý luận, nêu ra sự thiếu sót của chủ nghĩa Marx và đề nghị bổ sung nó. Các sự kiện sau đó cho thấy: QT3, nhất là từ Đại Hội 1928, không coi trọng Báo Cáo này, cả về thực tiễn và lý luận. Hơn nữa, những người lãnh đạo QT3, nhất là Stalin bắt đầu nghi ngờ Nguyễn Ái Quốc “chẳng qua chỉ ái quốc” chứ chưa xứng đáng là một chiến sĩ cộng sản quốc tế.
Chú Thích. Gần đây, việc phát hiện toàn văn bản Báo cáo Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ được coi là sự kiện lớn của đảng CSVN. Đảng CS coi (nguyên văn) “Đây là một tác phẩm lý luận xuất sắc về đường lối và phương pháp cách mạng Việt Nam, với hai luận điểm: 1) Cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước phương Đông và ở Việt Nam không diễn ra giống như ở phương Tây; 2) Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc rút ra luận điểm thứ ba: Phải vận dụng sáng tạo và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với thực tiễn của mỗi nước.
– Nhưng xin nói thật: Với những người kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, theo đúng tinh thần Stalinst, thì lý luận của cụ Nguyễn là “xét lại” (tội quá nặng). Do vậy, hành động của cụ sẽ dẫn đến thủ tiêu đấu tranh giai ấp và thỏa hiệp với kẻ thù (hai tội cực nặng).
– Năm 1924, sau nhiều lần đề nghị, cụ được cử làm phiên dịch cho phái đoàn cố vấn Liên Xô bên cạnh chính phủ Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch). Đây là chức vụ công khai, để có lương. Còn nhiệm vụ tự giao (hoặc được giao) của cụ Nguyễn là gây dựng phong trào cách mạng. Lúc này các tổ chức yêu nước của cụ Phan Bội Châu đang trên đà rệu rã và phân hóa; nhất là sau năm 1925 (cụ Phan bị bắt). Ví dụ, từ vài năm trước, một tổ chức thanh niên đã tách ra khỏi Hội Quang Phục (tự lấy tên là Tâm Tâm Xã). Nhân đó, năm 1925, cụ Nguyễn đã vận động những người thích hợp ở Tâm Tâm Xã để thành lập Hội Thanh Niên cách mạng đồng chí.
Chú thích. Tuy nhiên, cần nhắc lại tình hình khi đó: a) Năm 1925 dường như chưa có cụm từ ” chủ nghĩa Mác-Lênin”. b) Năm 1925 cụ là bí thư (nhân vật số 2, đồng sáng lập) của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông, do Liêu Trọng Khải, một cộng sự thân tín của Tôn Dật Tiên, làm hội trưởng và ông làm bí thư; tóm lại, vẫn cứ luẩn quẩn với độc laaph dân tộc. c) Năm 1925, không cần bí mật, lén lút, cụ Phan Văn Trường đã công bố trên báo bản Tuyên Ngôn Cộng Sản.
Các bài giảng cho tổ chức thanh niên nói trên được tập hợp lại trong cuốn sách nhỏ, tên là Đường Kách Mệnh (1927). Một số thanh niên trong nước cũng sang Quảng Châu dự lớp, trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong… sau này trở thành tổng bí thư. Với Hội Thanh Niên, sau này Lịch Sử Đảng coi cụ là người có vinh dự đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.
– Cũng năm 1927, nội chiến Quốc-Cộng xảy ra, phái đoàn Liên Xô về nước. Cụ Nguyễn sang Xiêm (Thái Lan) hoạt động cách mạng 2 năm ở đây. Trong 2 năm đó, các nhóm (đảng) Cộng Sản trong nước tự thành lập, nhưng mâu thuẫn nhau.
Chú thích. Nếu đọc nguyên văn Đường Cách Mệnh (1927), ta thấy sau phần Tổng Quan (cách viết rất dễ hiểu, đơn giản, nhưng khá hệ thống), cụ đi đến kết luận là Việt Nam nên làm cách mạng dân tộc, trong đó Sĩ, Nông, Công, Thương và toàn dân hợp lực đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho đất nước. Cụ “chết” chính là ở chỗ này.
Tuy Stalin đã đặt ra cái tên “chủ nghĩa Mác-Lenin” từ 1925, nhưng tên này chưa bén mảng vào Đường Kách Mệnh. Tất nhiên sách có nêu tên Lenin, nhưng đó là khi trích dẫn một câu nói của ông – chứ không có “chủ nghĩa Lênin” nào trong sách hết. Còn Các Mác, sách có nhắc tới, nhưng cũng chỉ dùng làm minh họa cho định nghĩa cách mệnh là gì (?); ví dụ, Mác được coi là “nhà cách mạng về kinh tế” đứng ngang với Galilê (cách mệnh về khoa học); Stêphenxông (cách mệnh về cơ khí); Đácuyn (cách mệnh sinh học)… Sách chia cách mệnh thành hai loại: Cách mệnh thế giới (công, nông đứng lên đánh đổ chế độ tư bản) và cách mệnh dân tộc (toàn dân đứng lên đánh đổ chế độ thực dân). Sách của cụ nói: Hai loại cách mạng này liên quan nhau; ở chỗ, nếu ta đánh đuổi thực dân Pháp, tư bản Pháp bên chính quốc sẽ yếu đi, cách mạng bên Pháp sẽ dễ thành công… Về sau, cụ Trần Phú nói khác hẳn: Cách mạng Việt Nam làm cả hai nhiệm vụ: Trước, làm cách mạng quốc gia; sau, làm cách mạng quốc tế.
Mười năm tiếp: Khổ vì mục tiêu độc lập
– Năm 1930: Đầu năm lên mây, cuối năm xuống bùn
Năm 1930, cụ Nguyễn triệu tập hai hội nghị. Đầu năm, cụ chủ trì, tha hồ nói và giới thiệu các văn bản “con đẻ” của mình. Cuối năm, cụ đau khổ nhìn người ta ra nghị quyết “thủ tiêu” chúng.
– Tháng 2-1930 Nguyễn Ái Quốc – lấy tư cách là phái viên của QTCS – triệu tập và chủ trì một hội nghị gồm 4 đại biểu trong nước và 3 đại biểu hải ngoại, thay mặt tổng số 211 đảng viên. Nay có thể gọi là hội nghị “hợp nhất” (ba tổ chức) và “thành lập đảng CSVN. Các văn bản Chính cương vắn tắtSách lược vắn tắtChương trình tóm tắt do chính cụ soạn thảo được giới thiệu. Tinh thần cơ bản là đoàn kết mọi lực lượng để trước hết chống thực dân. Các đại biểu có nhiệm vụ phổ biến tài liệu trong toàn đảng. Uy tín cụ Nguyễn lên cao tuyệt đối.
Chú thích. Chỉ có 4 đại biểu sang Hồng Công mà phải phổ biến tài liệu theo từng cấp, tới các chi bộ nằm rải rác trong 3 miền rộng mênh mông… Do vậy, có thể nghĩ rằng phải mất nhiều tháng. Ấy thế mà chưa đầy 3 tháng sau – dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Trung Kỳ – đã nổ ra bãi công (ngày 1-5) ở Bến Thủy, lan ra thành phong trào chống đối ở hai tỉnh Nghệ-Tĩnh… Với khẩu hiệu “Trí, Phú, Địa, Hào: đào tận gốc, trốc tận rễ” thì đây là cuộc bạo động chẳng mang tính chất “đoàn kết nội bộ nhân dân” một tý nào. Câu hỏi là: Xứ ủy Trung Kỳ đã nhận được 3 văn bản nói trên chưa (?) mà lại hành động ngược lại, nghĩa là rất khớp với Luận Cương của cụ Trần Phú. Khi cụ Trần Phú phê phán Luận Cương của cụ Nguyễn và trình bày Luận Cương của bản thân (tháng 10-1930), thì cuộc bạo động ở Nghệ-Tĩnh đã diễn ra được 5 tháng và còn tiếp tục. Hiện nay, theo Wikipedia, thì cụ Trần Phú là nhân vật số 1 lãnh đạo Xô Viết Nghệ Tĩnhvà cái khẩu hiệu “sắt máu” nói trên chính là do cụ Trần Phú đưa ra.
– Tám tháng sau, trong Hội Nghị trung ương đảng CSVN – cũng do Nguyễn Ái Quốtriệu tập – trong số đại biểu tham dự, đáng chú ý là có cụ Trần Phú, mới về nước sau khi tốt nghiệp trường đại học Phương Đông (được Nguyễn Ái Quốc đề nghị bổ sung vào ban chấp hành trung ương); do vậy, được hội nghị coi như người quán triệt mọi chủ trương, đường lối của QTCS khi đó – mà lúc này đảng CSVN cũng đang rất mong được QTCS công nhận. Cụ Trần Phú vận dụng những điều đã học để phê phán tất cả các văn bản của cụ Nguyễn, ngay trước mặt cụ – theo cách “vuốt mặt không cần nể mũi” – nhưng lại rất được hội nghị lắng nghe, thán phục. Cuối cùng, Hội Nghị thông qua một Nghị Quyết “thủ tiêu” các văn bản trên, để Luận Cương mới do Trần Phú soạn thảo trở thành chính thức. Tác giả của nó được bầu làm tổng bí thư. Việc đổi tên từ đảng CSVN thành đảng CS Đông Dương là chủ trương của QTCS.
Nay, đọc nguyên văn hai Luận Cương (của cụ Nguyễn và cụ Trần) ta hiểu tại sao cụ Trần Phú đề ra cái khẩu hiệu “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ…” – rất đắc dụng trong phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh.
Chú thích1) Quan hệ tình cảm giữa Nguyễn Ái Quốc – Trần Phú. Trước đó 3 năm cụ Trần Phú từ trong nước sang Quảng Châu gặp cụ Nguyễn, dự lớp, nghe giảng “đường cách mệnh” và được giới thiệu sang Nga học tiếp. Giữa họ, đúng là quan hệ như hai thầy-trò thân thiết, và hai người đồng chí chân thành.
2) Quan hệ lập trường giữa Nguyễn Ái Quốc – Trần Phú. Đó là lập trường giữa đấu tranh giai cấp và thủ tiêu đấu tranh giai cấp (đoàn kết vô nguyên tắc). Đó cũng là lập trường giữa triệt để cách mạng và cải lương, thỏa hiệp. Đó còn “tính đảng” của đảng viên, gồm tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số… Bởi vậy, thời nay chúng ta không nên dựa vào đạo đức thường tình mà phê phán cụ Trần Phú… một khi cụ coi lập trường, lý tưởng, quan điểm và tính đảng là cao nhất. Cho tới năm 1930, cụ Nguyễn vẫn luẩn quẩn trong lý tưởng độc lập dân tộc; làm sao cao cả bằng lý tưởng thế giới đại đồng của cụ Trần Phú?
3) Để cắt nghĩa, có lẽ cần thấy hoàn cảnh và môi trường có ảnh hưởng tới tính cách con người. Các cụ Stalin, Mao Trạch Đông, Trần Phú… chưa bao giờ có thời gian thật sự sống trong xã hội dân chủ do nền văn minh công nghiệp đem lại. Xã hội tiểu nông lại khác hẳn.
1930-1931: Đường lối “sắt-máu” được thử nghiệm tại Nghệ-Tĩnh
Chính thức mà nói, Luận Cương “thủ tiêu đấu tranh giai cấp” (của cụ Nguyễn Ái Quốc) sau 10 tháng mới bị thay thế bằng Luận Cương của cụ Trần Phú. Với Luận Cương mới, thì chỉ có Công-Nông là lực lượng cách mạng, các giai cấp còn lại (tuốt luốt) đều là kẻ thù, hoặc không đáng tin cậy. Tuy nhiên, trên thực tế sự thay thế chẳng cần đợi lâu đến vậy. Trước khi Hội Nghị trung ương họp (tháng 10-1930) thì ở Nghệ-Tĩnh đã nổ ra bạo động. Đáng chú ý là các cụ chỉ đạo Xô Viết Nghệ-Tĩnh (như Trần PhúNguyễn Đức CảnhNguyễn Phong SắcLê Mao) khi đó đều rất trẻ (22-28 tuổi); đều là trí thức bản xứ và đều hy sinh hoặc mất ngay sau đó.
Chú Thích. Trước Xô Viết Nghệ-Tĩnh, còn có cuộc khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2-1930). Sinh viên Việt Nam tại Paris có cuộc biểu tình (ngày 20-5) phản đối bản án tử hình lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Nhưng cũng tại Paris, chưa rõ vì sao không có hành động nào trong giới sinh viên Việt Nam phản đối nhà cầm quyền Pháp khi Xô Viết Nghệ-Tĩnh cũng bị đàn áp rất dã man, nhiều vị lãnh đạo cũng bị tử hình và cũng hiên ngang, bất khuất ở pháp trường. Chính quyền xã trong cuộc nổi dậy được gọi là “xã bộ nông” (từ Hán-Việt), nhưng được báo cáo với QTCS là các “xô viết” (từ Nga, hầu như chẳng người Việt nào hiểu – kể cả sinh viên thời nay)..
Đảng CS thừa nhận: cụ Nguyễn “đã chết” năm 1932?
Dịp đảng CS được 3 tuổi, cụ Hà Huy Tập viết một bài kỷ niệm, đồng thời cũng là Báo Cáo thành tích – gửi Đông Phương Bộ (Quốc Tế CS). Không khó để tìm đọc toàn bàinhưng khi đọc cần hiểu đó là bài đã dịch sang tiếng Việt. Còn nguyên bản là tiếng Pháp – giống như mọi văn bản khác của đảng mỗi khi gửi QTCS. Vậy, xin cứ đọc đến cuối bài sẽ thấy chú thích: Gửi “Đông Phương bộ và các thuộc địa“. Và “Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng. Bản dịch từ tiếng Pháp“. Sau vài câu mở đầu, ta bắt gặp câu sau đây: Đảng Cộng sản Đông Dương vừa được thống nhất vào đêm trước của cuộc bãi công có tính chất khởi nghĩa của các phu đồn điền Phú Riềng, bởi ba nhóm cộng sản của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của người sáng lập của nó là đồng chí Nguyễn ái Quốc, đã bị ám sát vào giữa năm 1932 trong các nhà tù địa ngục của Hồng Công. Nhiều người đọc đến đây là… thôi, mừng húm, vì đã có được cái cần có. Đây là bằng chứng được đảng CS chính thức thừa nhận rằng cụ Nguyễn đã chết. Thực ra, tin này do luật sư Loseby tung ra để cụ Nguyễn (sau khi thoát bị kết án ở Hồng Công) khỏi bị truy lùng tiếp.
Chú thích. Báo L’Humanité của đảng CS Pháp đăng lại tin vào ngày 9 tháng 8 năm 1932: “Nguyen Ai Quoc, le vaillant fondateur du P.C. indochinois est mort emprisonné“. Năm sau, 1933, ngày 15-2, báo Cahiers du Bolchévisme tại Mạc Tư Khoa đăng tin đồng chí Nguyễn Ái Kvak đã hy sinh trong nhà tù Hồng Kong vào ngày 26-6-1932.. Rồi có cả lễ truy điệu ở Nga… Năm 1969; ngay sau khi cụ Hồ chết, báo New York Time ngày 6-9-1969 đã đăng bài phỏng vấn bà vợ của luật sư Loseby (Lúc này ông Loseby đã chết).  Bà Loseby xác nhận rằng tin Nguyễn Tất Thành bị chết trong tù là do chính luật sư Loseby tung ra để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám Pháp, nhằm giúp cho cụ Nguyễn không bị mật vụ của Pháp theo dõi để bắt sau khi được thả ra khỏi nhà giam.
Chính do vậy, đến khi cụ Nguyễn lặn lội tới được nước Nga (cuối 1933 hoặc đầu 1934) thì tin này cũng… tịt. Phải đoàn cố vẫn Nga (bên cạnh chính phủ Trung Quốc) về nước năm 1927, nay (sau 5 năm) vẫn nhận ra Nguyễn Ái Quốc “bằng xương, bằng thịt”… chưa chết. Nhưng mà không; mãi tận 76 năm sau (1932-2008), ông phó giáo sư Hồ Tuấn Hùng ở Đài Loan, vẫn bắt Nguyễn Ái Quốc phải… chết hẳn, để đưa ông nội mình (là cụ Hồ Tập Chương) thay thế vai trò và chức vụ cụ Nguyễn Ái Quốc – lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh. Hai luồng dư luận ăn theo là… 1) tiếp tay ông PGS Hùng chứng minh cụ Hồ Chí Minh không phải cụ Nguyễn Ái Quốc; và 2) gán tội ác cho cụ Hồ Tập Chương – bằng cách chứng minh rằng cụ này tìm mọi cách “diệt khẩu” tất cả những ai có điều kiện nhận ra Tập Chương đang đóng giả Ái Quốc (!).
Chú thích. 1) Chuyện tào lao (từ ngữ do cụ Vũ Thư Hiên dùng) về cụ Tập Chương đóng vai cụ Ái Quốc đến nay chưa hết. Chỉ cần gõ “hồ tập chương” sẽ được google cung cấp những kết quả đưa lên mạng internet rất gần đây: 2015.
2) Trong Báo Cáo nói trên, dù để truy điệu Nguyễn Ái Quốc, Cụ Hà Huy Tập vẫn không quên kể tội. Hãy đọc câu: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc…    
3) Nghiên cứu một nhân vật lịch sử, lẽ ra phải dựa vào chuỗi sự kiện (phát ngôn, bài viết và hành vi…) để xác định tư tưởng chủ lưu của nhân vật. Trong những tình huống cụ thể, nhân vật lịch sử có thể, hoặc buộc phải, có phát ngôn, hành động xa dời tư tưởng chủ lưu của mình. Đó chỉ là tạm thời. Nhưng do định kiến, người ta rất dễ cắt nghĩa các sự kiện sao cho phù hợp với ý riêng, với lòng yêu ghét… Cực đoan hơn nữa, đó là xét đoán sự kiện theo con mắt của người hầu phòng với những nhân vật mà chúng ta không ưa. Người hầu phòng rất thích tẩn mẩn khám phá những chuyện riêng tư của đối tượng. Và thích kháo chuyện; kích thích tò mò. Nếu đối tượng bị căm ghét, họ sẽ cắt nghĩa sự việc theo chiều hướng họ muốn. Các cụ nay trên 70 tuổi đều biết trước 1964 báo chí miền Bắc đã dùng con mắt của người hầu phòng mô tả cụ Ngô Đình Diệm, khiến người đọc hiểu rằng… có sự “tằng tịu” giữa cụ Ngô và bà em dâu (Lệ Xuân). Nghề hầu phòng không xấu. Nhưng trong chính trị thì khác. 
Mắc nạn ở Hồng Công
Dưới cái tên Tống Văn Sơ, khi hoạt động ở Hồng Công, cụ Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ (1931). Cảnh sát Pháp ở Đông Dương sẵn sàng chi tiền để được giao cụ Nguyễn – với cái án tử hình vắng mặt tuyên hai năm trước. May mắn, cụ được luật sư Loseby cãi trắng án (ngày 28 tháng 12 năm 1932) và giúp trốn khỏi nơi này. Vụ án này được tác giả Bùi Quang Minh tổng hợp và viết lại rất đầy đủ (Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931) hiện còn lưu trên Chungta.com – một website rất nổi tiếng và bổ ích. Thiết tưởng, không cần nói gì thêm.
Chú thíchVì sao cụ Nguyễn thoát án? Câu trả lời đầu tiên hẳn phải là “nhờ tài năng và tấm lòng của cụ luật sư Loseby và các cộng tác viên của cụ. Vì sao vị luật sư tận tình với bị cáo đến vậy, mặc dù cãi miễn phí? Vì lương tâm nghề nghiệp và vì biết rõ bị cáo là người hoạt động cách mạng, muốn giải phóng dân tộc mình khỏi ách thực dân. Cụ Loseby cũng rất ý thức rằng nếu không thoát án lần này, bị cáo cũng hết đường sống… Còn có thể hỏi nhiều câu khác.
Tuy nhiên, chớ quên cái gốc: Tòa án nước Anh là độc lập; bộ Luật nước Anh được toàn dân chấp nhận. Nếu không thế, dẫu 100 cụ Loseby cũng không cãi nổi với 1 quan tòa.
Suýt chết ở Liên Xô và rồi thoát vòng cương tỏa (1934-1941)
Thoát chết ở Hồng Công, Nguyễn Ái Quốc chỉ còn đường quay lại Liên Xô. Sau Hội Nghị trung ương tháng 10-1930, uy tín cụ giảm sút. Ở lại Trung Quốc thì không còn danh nghĩa phái viên QTCS, hơn nữa mâu thuẫn Quốc-Cộng Trung Hoa đã thành nội chiến, không dễ hoạt động như trước. Chân ướt chân ráo, vừa tới Liên Xô lại bị cụ Hà Huy Tập không những viết bài phê phán (31-3-1935), mà còn tố cáo cái tội mất cảnh giác gây thiệt hại cho cách mạng. Ngay năm sau, Liên Xô tiến hành cuộc đại thanh trừngsố đảng viên bị bắt là 1,5 triệu (giết 50%, còn lại tù đầy). Hầu hết những người quen biết và cùng công tác với Nguyễn Ái Quốc đều bị khủng bố. Bản thân cụ Nguyễn bị tình nghi về chuyện “thoát án ở Hồng Công sao mà quá dễ dàng” (?). Sự việc lớn đến nỗi Quốc Tế CS phải thành lập Ban Kiểm Tra sự kiện Nguyễn Ái Quốc. Điều may mắn là Ban Kiểm Tra này khách quan và công tâm, mặc dù nhận được những văn bản “chết người” do cụ Hà Huy Tập gửi tới. Sau 5 năm, trong bối cảnh chiến tranh thế giới sắp xảy ra, đường lối của Quốc Tế 3 tỏ ra hòa dịu hơn. Cụ Nguyễn được phép sang hoạt động ở Trung Quốc. Quả là qua cơn ác mộng.
Chú thích. Thư ngày 31-3-1935 gửi QTCS, cụ Huy Tập viết: “… các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương của đảng Thanh niên và của đ/c Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản… Chúng tôi đề nghị đ/c Lin viết một quyển sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”.
– Tư liệu về sự đe dọa sinh mạng chính trị (cũng như mạng sống) đối với cụ Nguyễn rất đủ và rất dễ kiếm. Ví dụ, có thư tố cáo Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm chính về việc hơn 100 Đảng viên của Đảng Cách mạng Thanh niên bị bắt do việc Nguyễn Ái Quốc biết Lâm Đức Thụ trước đây là kẻ phản bội mà vẫn tiếp tục sử dụng; Nguyễn Ái Quốc rất sai lầm khi yêu cầu mỗi học viên cung cấp hai ảnh, họ tên, địa chỉ, họ tên cha mẹ, ông bà nói chung những người sinh thành và địa chỉ chính xác của 2 đến 10 bạn thân. Những bức ảnh của các học viên do Nguyễn Ái Quốc và Lâm Đức Thụ yêu cầu đều vào tay mật thám... Xin nhắc lại một câu đã viết ở trên: Điều may mắn là Ban Kiểm Tra này khách quan và công tâm, mặc dù nhận được những văn bản “chết người” do cụ Hà Huy Tập gửi tới. Và cũng xin nói thêm: Cụ Hà Huy Tập cũng khách quan và công tâm, chớ không có thù riêng với cụ Nguyễn. Cụ Hà chỉ thật lòng vận dụng những gì cụ tiếp thu từ lý luận đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản khi đối chiếu điều đã học với những gì do cụ Nguyễn Ái Quốc viết ra. Còn những tin tức “chết người” cũng không phải do cụ bịa đặt, mà là “nghe được” và có nhiệm vụ báo cáo lên cấp trên rằng “nghe được”.
– 1938 – 1941: sang Trung Quốc, về Việt Nam
– Năm 1938, cụ Nguyễn trở lại Trung Quốc. Tư liệu khá đầy đủ. Lần này, cụ đóng vai thiếu tá Bát Lộ Quân (đạo quân thứ 8 của đảng CS Trung Quốc) công tác ở Quế Lâm và vài nơi khác thuộc địa bàn mà đảng CS Trung Quốc còn có ảnh hưởng. Lúc này, Quốc-Cộng đã hợp tác chống Nhật. Điều may mắn, trong mấy năm hoạt động, cụ Nguyễn Ái Quốc gặp và được sự giúp đỡ của một chí sĩ yêu nước là cụ Hồ Học Lãm, lúc này là sĩ quan cao cấp của quân đội Quốc Dân Đảng. Trong Hồi ký về cha mình, bà Hồ Mộ La (nay còn sống, con gái chí sĩ) có nhiều chỗ đề cập đến quan hệ giữa hai cụ: Thân thiết, sâu đậm và tin tưởng. Một ví dụ. Cụ Nguyễn nhờ cụ Hồ Học Lãm xin cho một thanh niên là Lê Thiết Hùng vào học trường quân sự Hoàng Phố. Sau này ông Thiết Hùng thành con rể cụ Học Lãm, có nói với gia đình vợ về nhận định của cụ Nguyễn Ái Quốc: Cụ Hồ Học Lãm (lúc đó đang đứng đầu hội Việt Minh), rất thích hợp để làm chủ tịch nước khi chúng ta giành được độc lập. Nhưng cụ Hồ Học Lãm đã mất từ khá lâu, trước khi ông Lê Thiết Hùng được chính phủ cụ Hồ phong thiếu tướng sớm nhất (ngay năm 1945). Tác giả cuốn hồi ký (về cha mình) không nói tên hiệu của thân phụ là Hồ Chí Minh như dư luận bàn tán.
Chú thích. Cụ Hồ Học Lãm, do địa vị hợp pháp của mình, đã xin phép chính phủ Tưởng Giới Thạch thành lập một hội lấy tên là hội Việt Nam Độc lập Vận động Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh). Hiểu sang tiếng Việt, đây là hội của những người cùng hợp sức “vận động cho nên độc lập của Việt Nam”. Thực chất, đó là nơi an toàn để các nhà cách mạng Việt Nam có thể hoạt động ở Trung Quốc – dưới dang nghĩa hội viên Việt Minh. Vài năm sau, ở trong nước cụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này là Hồ Chí Minh) cũng lập một Hội cùng tên; nhưng bỏ hai chữ “vận động”, vì thực chất đây là mặt trận rộng lớn, gồm nhiều đoàn thể, có phạm vi hoạt động cả nước. Dự kiến: sẽ tới lúc cụ Hồ Học lãm về nước, đứng đầu Hội này, để sau đó đủ danh nghĩa và uy tín trở thành chủ tịch nước. Nhưng dự kiến không thành.
Đầu tháng 1-1941, cụ Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng từ Việt Nam sang gặp cụ Nguyễn Ái Quốc để báo cáo kết quả xây dựng và củng cố “khu an toàn” Cao Bằng và đề nghị cụ Nguyễn về nước – cũng đúng với dự định của cụ Nguyễn.
Năm 1940: Kết thúc hẳn sự tồn tại Luận Cương 10-1930
Sau thất bại của cuộc bạo động ở Nghệ-Tĩnh, đảng CS Đông Dương thiệt hại rất nặng nề, rơi vào thời kỳ thoái trào. Có những năm, ở trong nước không có nổi ban chấp hành trung ương, mà “Ban Hải Ngoại” phải đóng vai trò này. Suốt 10 năm, đảng không tổ chức được cuộc nổi dậy vũ trang nào. May mắn, khi Mặt Trận Nhân Dân bên Pháp lên cầm quyền (1936), nhiều đảng viên ở VN được tha tù; một bộ phận hoạt động nửa công khai (ra báo, ứng cử vào các cơ quan dân cử…), nhờ vậy đảng phục hồi. Ban chấp hành trung ương do cụ Nguyễn Văn Cừ đứng đầu, trên thực tế đã thực hiện nhiều nội dung Luận Cương “đoàn kết” của Nguyễn Ái Quốc. Sức mạnh dân tộc hướng mũi nhọn vào đế quốc, thực dân, mà tạm quên mục tiêu diệt địa chủ, phong kiến. Nhưng tới năm 1940, một hành động tả khuynh lại gây thiệt hại lớn – nặng nề hơn thất bại trong cuộc bạo động Nghệ-Tĩnh trước đây. Đó là cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ, do xứ ủy Nam Kỳ chủ trương. Qua đây, có nhận xét rằng cấp ủy Trung và Nam Kỳ tả khuynh rất nặng, so với Bắc Kỳ. Trung Ương đảng (đóng ở Bắc Kỳ) đã chỉ thị hoãn khởi nghĩa vì dự kiến sẽ thất bại (tình thế chưa chín, chuẩn bị chưa đủ), nhưng không kịp. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Không những các nhà lãnh đạo trực tiếp cuộc nổi dậy bị tử hình, lưu đầy, mà nhiều vị khác cấp cao khác cũng bị xử trí nặng nề vì “chịu trách nhiệm về mặt tinh thần”.
Mười năm tiếp theo: Trong 60 năm hoạt động cách mạng, thì 50 năm bất như ý, nhưng có 10 năm (1941-1951) cụ Nguyễn Ái Quốc, dưới tên Hồ Chí Minh, được toàn tâm và toàn quyền (huy động toàn lực dân tộc) thực hiện tư tưởng chủ đạo của mình. Đó là giành lại độc lập cho đất nước. Cụ cũng chịu trách nhiệm về dân trí, dân khí, dân sinh sao cho cho xứng với nền độc lập.    

Hồ Chí Minh từ 1941 đến 1951

Đình Tân Trào (họp Quốc Dân Đại Hội
Đình Tân Trào (họp Quốc Dân Đại Hội)
Nguyễn Ngọc Lanh
Vào bài. Tư liệu liên quan với bài này rất phong phú, dễ tìm kiếm; nhưng chính do vậy cần chọn lọc để bài không quá dài và không lạc khỏi chủ đề. Cụ Nguyễn Ái Quốc cùng thời với các trí thức trong “bộ ngũ” (Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi) đều thuộc thế hệ 3. Nghĩa là, nước đã mất từ khi các vị chưa sinh ra. Khi các vị trưởng thành, thực dân Pháp đã đặt được hệ thống cai trị vững chắc trên đất nước ta và chính họ đã thực hiện giấc mơ canh tân của cụ Nguyễn Trường Tộ. Mất nước, nhiệm vụ giữ độc lập chuyển thành giành lại độc lập, tất nhiên phải dùng bạo lực; còn nhiệm vụ canh tân đất nước chuyển thành nhiệm vụ học hỏi thực dân để khai dân trí, đòi cải cách xã hội; đặng dần dần thu hồi độc lập… (chỉ có thể bằng cách ôn hòa). Cách này tốn rất nhiều thời gian, nhưng trình độ người dân dần dần được nâng cao, xứng đáng thụ hưởng và bảo vệ độc lập, tự do. Một người, một tổ chức không thể thực hiện đồng thời cả hai phương pháp. Do vậy, câu hỏi từ thời cụ Nguyễn Trường Tộ vẫn được đặt ra: Nhiệm vụ nào phải làm trước, nhiệm vụ nào có thể làm sau… “Bộ ngũ” kế tục con đường do Phan Chu Trinh vạch ra, còn cụ Nguyễn theo con đường Phan Bội Châu. Nhưng cụ Nguyễn khác cụ Phan Bội Châu là đã được sống trong xã hội văn minh công nghiệp với nền dân chủ đang ngày càng hoàn thiện. Do vậy, cách bạo động cũng ít cực đoan hơn.
Cuối năm 1930 cương lĩnh (chính cương) bạo động “có chừng mực” của cụ Nguyễn bị phê phán là “thủ tiêu đấu tranh”, và bị thay bằng cương lĩnh “sắt máu” của cụ Trần Phú. Chính cái cương lĩnh này khi vừa mới thực thi đã kịp gây thiệt hại lớn sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi sau 10 năm nhen nhóm lực lượng lại bị tổn thất sau Khởi Nghĩa Nam Kỳ – tới mức những vị lãnh đạo sống sót phải mời cụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đặt cụ lên vị trí lãnh đạo “độc tôn, toàn diện và tuyệt đối”. Nói khác, đó chính là vị trí của chủ tịch đảng (suy tôn, mà không cần qua bầu cử) – y hệt vị trí của các cụ Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành… (khi sống, quyền như vua; khi chết được xây lăng). Nhưng có hai điều cần phải phân biệt giữa cụ Hồ với các cụ này. Đó là: 1- Các cụ Stalin, Mao, Kim nhất thiết phải trừ khử các bạn chiến đấu ngang tầm, ngang công lao, ngang tuổi tác với mình để làm chủ tịch đảng; còn cụ Hồ thì không cần làm như vậy, vì cụ duy nhất thuộc thế hệ trước, cũng là người sáng lập đảng. 2- Các cụ Stal, Mao, Kim giữ vị trí chủ tịch đảng tới khi chết; nhưng cụ Hồ (sau khi bị Stalin quở trách) chỉ còn là chủ tịch ban chấp hành trung ương. Cần phân biệt chủ tịch đảng (được mấy triệu đảng viên suy tôn) với chủ tịch ban chấp hành trung ương (chỉ đứng đầu vài trăm người). Nói khác, kể từ năm 1951, cụ Hồ cũng phải bỏ phiếu như mọi vị trong ban chấp hành trung ương, và giá trị lá phiếu của cụ Hồ chỉ là 01 / mấy trăm phiếu của những người khác. Cụ liên miên thuộc phe thiểu số. Bài này nói về thời kỳ đắc ý nhất của cụ: 1941-51. Sau đó là thời kỳ bất như ý, đến cuối đời. 
Phế bỏ Cương Lĩnh “sắt máu”. Tự đổi tên là Hồ Chí Minh
Ra đi năm 1911, sau 30 năm cụ Nguyễn Ái Quốc được đón về Việt Nam ngày 28 tháng 1 năm 1941. Thời nay, tùy nhãn quan chính trị, người ta có thể nhận định khác nhau về quãng đời 30 năm này của cụ, nhưng không một giáo sư sử học nào, và không cuốn đại từ điển nào, lại không kết luận cụ là người yêu nước. Năm sau, cụ lấy tên là Hồ Chí Minh; do vậy, bài này dùng tên mới (cụ Hồ) thay cho tên cũ của cụ Nguyễn.
Sau thất bại của 3 cuộc nổi dậy liên tiếp (Bắc SơnNam Kỳ  Đô Lương), thực dân Pháp – khi đã dàn xếp xong với Nhật – quay sang đánh phá khốc liệt các tổ chức đảng CS và ráo riết lùng bắt đảng viên. Để giữ bí mật, cụ Hồ được sắp xếp sống ở một hang núi thuộc bản Pác Bó; rất hẻo lánh. Trong khi chờ đợi triệu tập hội nghị trung ương, cụ mở các lớp huấn luyện tại chỗ và lập các hội, như Nông Dân, Phụ Lão, Phụ Nữ… Đây là ba thành phần mà cụ gặp gỡ đầu tiên khi về nước. Tên gọi các hội đều có 2 chữ “Cứu Quốc”, rất phù hợp với tư tưởng chủ lưu từ 20-30 năm trước của cụ. Sau 3 tháng chắp mối, Hội Nghị trung ương (lần 8) khai mạc ngày 10-5-1941 – mở rộng tới xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ. Nói “hội nghị” tưởng là to, thật ra rất ít người dự (dưới 10?) nói lên sự thoái trào. Quyết định quan trọng nhất là thành lập một đồng minh (mang tính chất mặt trận), với mục tiêu duy nhất là độc lập. Còn mục tiêu cách mạng thổ địa hãy gạt sang một bên. Tên của mặt trận – được gọi theo ngữ pháp Hán-Việt (rất thông dụng trước 1945) – là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh; cụ Hồ đề nghị gọi tắt là Việt MinhNó thay cho cái “Mặt trận phản đế” thành lập 10 năm trước đó. Chỉ riêng cái tên “phản đế” (chống đế quốc – chuyện của cả thế giới) đã đủ thấy sự huênh hoang và cực tả. Việt Nam cứ tự lo chuyện độc lập cho chính mình cái đã. Việt Minh tập hợp rộng rãi nhân dân, ngoài các đoàn thể, còn thu nhận các cá nhân: nhân sĩ, trí thức, nhà tư sản, điền chủ (miễn là chấp nhận chống thực dân Pháp, giành độc lập). Theo tiêu chuẩn này, bà Nguyễn Thị Năm, ông Trịnh Văn Bô… đều có thể được kết nạp. Lễ thành lập Việt Minh diễn ra ngày 19-5, sau này được cụ Hồ lấy làm ngày sinh của mình. Từ nay cụ Hồ nghiễm nhiên được coi là Chủ Tịch Đảng và suốt 10 năm (1941-1951), cụ có thực quyền quyết định mọi chủ trương và chỉ chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Nhà sàn họp Hội Nghị TƯ8
Nhà sàn họp Hội Nghị TƯ8
Chú thích. Sau cuộc nổi dậy ở Nam Kỳ, một loạt các nhân vật “sắt máu” nhất đã hy sinh – mà trước đó 10 năm họ phê phán cụ Nguyễn Ái Quốc không chút nể nang. Họ vắng mặt vĩnh viễn là điều may mắn tạm thời cho cụ, nhưng chỉ kéo dài cho tới năm 1951 – là thời điểm Stalin buộc cụ Hồ phải tái lập đảng CS và làm Cải Cách Ruộng Đất. Đến lúc này (1941) các vị kỳ cựu còn lại, tuy đã chốt chặt chủ nghĩa Mác-Lenin trong óc (trong đó, nhiều người đã thụ giáo ở Nga), đành phải chấp nhận đường lối đoàn kết toàn dân, trước tiên chĩa mũi nhọn vào Pháp, Nhật, giành lấy độc lập cái đã. Chuyện đấu tranh giai cấp và làm “thổ địa cách mạng” tính sau. Hội nghị trung ương 8 họp ở một nhà sàn tiều tụy, nhỏ xíu, nằm trơ trọi, hẻo lánh (nay đã cắm biển di tích), nói lên hoàn cảnh bi đát nhiều mặt khi đó.
Tình hình biến chuyển nhanh
Việt Minh phát triển rất mạnh, do đường lối phù hợp và do tình hình thế giới: Pháp đã mất nước; số phận thực dân ở Đông Dương thật bấp bênh; Nhật bắt đầu thua các nước Đồng Minh. Nhờ vậy, Việt Minh lập được cơ sở rộng rãi ở khu Việt Bắc và lan khắp nước. Nhiều cá nhân trí thức, tư sản, điền chủ cũng có mặt. Ví dụ, Trịnh Văn Bô,  Trần Duy HưngDương Đức HiềnVăn CaoĐỗ Đình Thiện… Sau khi Nhật đảo chính Pháp, phong trào càng mạnh mẽ, được dân chúng trông mong. Sau khi Nhật làm đảo chính, phong trào phát triển đột biến. Nông thôn sáu tỉnh phía Bắc đã do Việt Minh làm chủ (lập khu giải phóng). Một Hội Nghị quân sự đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang, gọi chung là Giải Phóng Quân. Như vậy, chỉ sau 4 năm (1941-1945), cụ Hồ đã triệu tập được một cuộc họp lớn chưa từng có, gọi là Đại Hội Quốc Dân với nhiều thành phần tiêu biểu, nơi họp phải là ngôi đình – nói lên sự hồi phục và lớn mạnh của phong trào; cũng nói lên đường lối đúng của cụ Hồ được các cấp của đảng CS răm rắp thực hiện. Chính từ Đại Hội này, Ủy Ban Khởi Nghĩa ra đời và ban hành Quân Lệnh số 1 khắp cả nước.  
Chú thích. Vài quyết định của đại hội. 1) Cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, được coi là Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch và có một Ủy ban Thường trực gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.  2) Lập 2) Lập Ủy Ban Khởi Nghĩa; Ủy Ban này đã ban hành Quân Lệnh số 1, gửi Việt Minh các địa phương trong cả nước. 3) Quy định quốc kỳ (nền đỏ sao vàng) và quốc ca (Tiến quân ca).
Chủ tịch đảng đã quyết định những gì?
– Trước khởi nghĩa (Việt Minh chưa ra công khai)
Được coi như chủ tịch đảng, các quyết định và các chỉ thị của cụ Hồ đều được đảng thi hành đầy đủ. Nếu có đưa ra Hội Nghị trung ương cũng chỉ là thủ tục. Trong thời gian 1941-1945 không có đại hội đảng, chỉ có chuyện bổ sung thêm người vào ban chấp hành trung ương và bầu cụ Trường Chinh làm tổng bí thư, nhưng linh hồn của cuộc họp là cụ Hồ. Ngày nay, đọc Lịch Sử (và Lịch Sử Đảng) ta thấy uy tín tuyệt đối của cụ thời 41-45. Kết quả tổng hợp của những quyết định và chỉ thị của cụ Hồ là dẫn đến cái Đại Hội Quốc Dân nói trên. Đại hội này chấm dứt thời kỳ (gọi là) “tiền khởi nghĩa”, chuyển sang khởi nghĩa và thời cơ chỉ gói trong một-hai tuần lễ. Có thể nói gọn: Mấy chục năm nung nấu mục tiêu Độc Lập, nay là lúc cụ Hồ có toàn quyền, toàn lực thực hiện nó. Ví dụ, trong bối cảnh tháng 7-1945, khi cụ nhận ra thời cơ, cụ nói (chỉ thị): Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập“. Nói khác, đây là giành độc lập bằng bất cứ giá nào. Trước đó, tháng 5-1945, khi dự định viết Tuyên Ngôn độc lập, cụ đã hỏi ý kiến một “người bạn Mỹ”, mà không hỏi bất cứ đồng chí nào khác xung quanh cụ. Nói khác: Cụ tin rằng cuộc khởi nghĩa sẽ thành công (phải lo soạn Hiến Pháp đi).
Đến đây, ngoài việc nhìn cụ Hồ như một trí thức chủ trương bạo động giành độc lập, còn phải nhìn cụ là một nhà hoạt động chính trị – giống cụ Phạm Quỳnh. Hai cụ kiên định mục tiêu như nhau, tuy nhiên, sự lọc lõi, quyền biến và can trường thì không giống nhau.
– Xin nói hai việc vặt, mà chủ tịch đảng quyết định ở thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đó là phế bỏ một quyết định “tập thể” của cấp dưới và tự ý tranh thủ hợp tác với Mỹ.
           – Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc (giấy tờ tùy thân là Hồ Chí Minh) sang Trung Quốc để liên hệ với các tổ chức cách mạng người Việt Nam và với Đồng Minh (Mỹ), đã bị chính quyền địa phương bắt giữ 13 tháng. Ở nhà, các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… (vẫn còn chút máu bạo lực) tự ý phát động cuộc chiến tranh du kích chống Pháp-Nhật ở Cao-Lạng. Việc bốc đồng này có thể “nướng” hết quân. Lẽ ra, phải xây dựng các đoàn thể quần chúng bằng tuyên truyền, giác ngộ để tạo ra lực lượng chính trị hùng hậu; còn lực lượng quân sự non nớt, chỉ để tự vệ, mà chưa thể “phát động chiến tranh” với quân chính quy của thực dân và phát xít. May, cụ Hồ về nước kịp chấn chỉnh điều này. Cụ chỉ cho phép trưng dụng 34 người từ các đơn vị tự vệ địa phương để lập ra trung đội “tuyên truyền giải phóng quân“, nhưng vẫn phải lấy nhiệm vụ chính trị làm đầu. Phải khá lâu về sau mới có quyết định hợp nhất tất cả các đơn vị vũ trang thành một tổ chức thống nhất, lấy tên là Quân Giải Phóng (lúc đó gọi là “Giải Phóng Quân”).
           – Cũng trước ngày khởi nghĩa, cụ tự ý “đi quá xa” khi đặt quan hệ với Mỹ, qua việc liên hệ mật thiết với đơn vị tình báo OSS. Dù cùng Mỹ đứng trong phe Đồng Minh chống phát xít, nhưng Liên Xô không cho phép các đảng Cộng Sản cộng tác với Mỹ tới mức như cụ Hồ thân thiết với OSS.
– Sau khởi nghĩa
Cụ Hồ quyết định nhiều việc ở chức vụ thủ tướng và chủ tịch nước, công khai, nay vẫn lưu lại kết quả. Xin đơn cử:
           – Tháng 11-1945 khi đảng CS đang tranh chấp gay gắt về quyền lực với hai đảng khác (Việt Quốc  Việt Cáchtheo chân quân Trung Quốc sang ta) thì  cụ lại tuyên bố giải thể đảng Cộng Sản (thực ra, là chuyển sang hoạt động bí mật như trước đó 3 tháng). Stalin không thể tha thứ việc làm này.
Chú thích. Dư luận chung quốc nội thời đó là không ưa – mà sợ – cộng sản, nhưng lại rất tín nhiệm Việt Minh. Thái độ quốc tế cũng e dè cụ Hồ vì biết rõ Hồ là Cộng Sản. Còn Việt Quốc, Việt Cách thì hàng ngày tuyên truyền ra rả và thẳng thừng rằng “Việt Minh còn cộng sản hơn cả Nga Xô”. Điều này có thể đúng tới 70%, vì rất nhiều nhân vật của Việt Minh thời đó cũng chưa biết rằng mình hoạt động dưới sự lãnh đạo của Cộng Sản. Họ tham gia Việt Minh thuần túy là yêu nước. Trong tình thế bất lợi như vậy, cụ Hồ tuyên bố “giải thể đảng”. Về sau, khi biết chuyện này, Stalin rất bực tức và bắt cụ thành lập lại đảng và hoạt động công khai. Đó là năm 1951. Để lấy lòng Stalin và Mao Trạch Đông, năm 1951 văn kiện Đại Hội thành lập đảng Lao Động ghi rõ: “Đảng theo chủ nghĩa Mác-Angghen-Lenin-Stalin” và “tư tưởng Mao Trạch Đông”. Để xóa cái án “xét lại” (khi chê chủ nghĩa Marx trong bài viết năm 1924) cụ Hồ nói như đinh đóng cột giữa Đại Hội: “Tôi chẳng có lý luận gì hết”. 
          – Ngay sau khởi nghĩa tháng tám, cụ thành lập chính phủ lâm thời, mà thành phần chủ yếu là những nhân vật đã được bầu chọn ở Đại Hội Quốc Dândo vậy có rất nhiều đảng viên CS. Cái chính phủ thành lập vội vã này (ngày 28-8-1945) là để 5 ngày sau kịp có mặt trên lễ đài – ra mắt quốc dân – trong ngày tuyên bố Việt Nam độc lập (2-9-1945). Nhưng qua mấy lần cải tổ về sau, những thành phần mà cụ Trần Phú muốn “đào tận gốc” lại chiếm đa số trong chính phủ mới. Cụ Hồ công khai từ bỏ lập trường giai cấp, chuyển sang “thỏa hiệp”, nhưng như vậy giữ được nền độc lập non trẻ đang rơi vào tình huống rất chênh vênh.
          – Khi viết Tuyên Ngôn Độc Lập cho nước ta, cụ chỉ tham khảo Tuyên Ngôn và Hiến Pháp của Hoa Kỳ; mà không thèm nhớ gì tới các tuyên ngôn của chính quyền Xô Viết khi nó ra đời (1917) – mặc dù cụ đã từng sống khá lâu ở Liên Xô. Liều lĩnh nhất là cụ cho một người “bạn Mỹ” xem trước bản thảo và đề nghị góp ý; trong khi đó cụ lờ hẳn các đồng chí của cụ; trong đó có nhiều người từng thụ giáo chủ nghĩa Mác-Lenin ở Nga…
Chú thích. Xin trích nguyên văn một đoạn ở một bài viết gần đây; để tham khảo:
Ngày 29 tháng 8, cụ Hồ Chí Minh mời Thiếu tá Patti đến gặp, tại nhà của ông bà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô tại phố Hàng Đào, để thông báo 2 việc quan trọng:
        1- Ngày mai, 30 tháng 8, Hoàng đế Bảo Đại sẽ thoái vị.
        2- Ngày mồng 2 tháng 9, sẽ trở thành ngày Độc lập của VN.
Và cụ Hồ Chí Minh muốn tham khảo lần cuối ông Patti về bản Tuyên Ngôn độc lập của VN.
Thực ra, từ tháng 5 năm 1945, khi Dan Phelan nhảy dù xuống Tân Trào, cụ Hồ Chí Minh đã cho ông Dan Phelan biết Cụ Hồ đang ấp ủ viết bản Tuyên Ngôn Độc lập của nước VN, và đã hỏi ý kiến của ông Phelan về bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Theo ông Dan Phelan nhớ lại: thật ra khi hỏi ông Phelan, Cụ Hồ đã biết rất rõ nội dung bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776. Sau đó, ông Dan có chuyển cho Việt Minh cả bản Hiến pháp Mỹ, và Luật Nhân quyền Mỹ.
Như vậy Thiếu tá Patti là người Mỹ thứ hai được cụ Hồ tham khảo về bản Tuyên Ngôn độc lập của VN. Vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong các bức ảnh về ngày mồng 2 tháng 9 đó, trên khán đài mà Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, có hình ảnh Cựu hoàng Bảo Đại, đứng phía sau Bác Hồ, và ảnh ông Patti, cao lớn, mặc quân phục xám, đội mũ ca-lô, đứng bên cạnh Bác Hồ.
Sau khi Bác Hồ đọc xong bản Tuyên ngôn độc lập của VN, với lời nói dản dị đi vào lòng người “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không”, ông Võ Nguyên Giáp đọc diễn văn về các vấn đề của Chính phủ lâm thời. Trong diễn văn đó, có đoạn ông Võ Nguyên Giáp nói về nước Mỹ:
     “-Mỹ là một nước dân chủ, không có tham vọng về lãnh thổ, nhưng đã góp phần đặc biệt đánh bại kẻ thù của chúng ta, phát-xít Nhật. Vì thế, chúng ta coi Mỹ như người bạn tốt.”
      Khi chuẩn bị kết thúc diễn văn này, ông Giáp nói về Tổng thống Mỹ Roosevelt : “Như Ngài Roosevelt đã từng nói, áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết ý nghĩa của tự do”.
Khi đó, trong những ngày Cách mạng tháng 8 sôi sục ấy, ở Hà Nội có 59 người Mỹ, hầu hết là các nhân viên OSS. Họ được Việt Minh và nhân dân VN đón tiếp nồng nhiệt.
Cũng ngay trong tháng 9 năm 1945, Bác Hồ cho thành lập Hội Hữu nghị Việt-Mỹ. Quan hệ VN-Mỹ chưa bao giờ tốt như vậy.
          – Cuộc tổng tuyển cử (6-1-1946) năm 1946, mọi người tha hồ tranh cử, tha hồ vận động. Đây là hiện thực “tự do ứng cử, bầu cư” mà cụ thấy tận mắt khi sống 6 năm ở Pháp. Hà Nội được bầu 6 (theo số dân) nhưng có tới 75 vị ứng cử. Số nghị sĩ không cộng sản chiếm đa số. Sau này, có 70 nghị sĩ thuộc đảng Việt Quốc và Việt Cách được bổ sung khiến cho tỷ lệ nghị sĩ cộng sản càng giảm. Ây vậy, cụ Hồ lại trịnh trọng phát biểu tại phiên khai mạc rằng đây là quốc hội tiêu biểu cho đoàn kết; không đại diện cho đảng phái nào, mà đại diện toàn dân.
Chú thích. Chính cách thức bầu cử đã tạo ra được một quốc hội mà sản phẩm tiêu biểu của nó là Hiến Pháp 1946 bất tử – bản Hiến Pháp tôn trọng người dân hơn tất cả các bản Hiến Pháp sau này. Đây là bản Hiến Pháp có câu “không phân biệt giầu-nghèo” (ý: giai cấp), hơn nữa, nó không cho phép cái từ “giai cấp” được bén mảng vào. Trưởng Ban soạn thảo Hiến Pháp 1946 chính là cụ Hồ, nhưng cụ bất cần biết hiến pháp Liên Xô có đặc trưng gì. Hơn nữa, ở vị trí là chủ tịch đảng, cụ bất cần có cuộc họp “nội bộ” nào góp ý cho Hiến Pháp trước khi đưa ra Quốc Hội thông qua. Điều lạ lùng là các nghị sĩ cộng sản đều giơ tay tán thành hiến pháp. Chỉ có 2 phiếu chống, nhưng đều là của người “không cộng sản: cụ Nguyễn Sơn Hà và cụ Phạm Gia Đỗ.
Cứ tưởng rằng… nhưng không phải (!)
Nước Nhật đầu hàng phe Đồng Minh ngày 15-8, chỉ cần 1-2 tuần là quân Trung Quốc, Anh kịp vào nước ta để giải giáp quân Nhật. “Nếu” lúc đó nước ta đã có một chính phủ chống Nhật, tuyên bố độc lập, được lòng dân (do tổng tuyển cử đưa lên) thì đó chính là vị “chủ nhà” hợp lệ, đủ tư cách tiếp khách. Việt Minh đã thực hiện rất trọn vẹn cái chữ “nếu” này. Trong Tuyên Ngôn Độc Lập có câu tranh thủ sự ủng hộ của Đồng Minh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Chỉ sau khởi nghĩa 14 ngày, đã có một chính phủ, đã có bản Tuyên Ngôn độc lập, đã thành chủ nhà đón tiếp quân Đồng Minh, chúng ta phải nhìn cụ Hồ là con người chính trị, đầy khả năng và rất quyền biến.
Cứ tưởng rằng mọi chuyện sẽ êm đẹp; nhưng không phải. Nguyên nhân chỉ có một: Pháp quyết chiếm lại thuộc địa cũ: Đông Dương.
– Chính phủ Trần Trọng Kim. Nước Nhật sắp thua, tình hình trong nước và ngoài nước biến chuyển dồn dập, mau lẹ. Phe Đồng Minh đã phân công Trung Quốc và Anh vào Đông Dương giải giáp (năm 1945 gọi là “tước khí giới”) quân Nhật, lấy vĩ tuyến 16 để chia nhiệm vụ. Đồng Minh cũng tuyên bố: Tất cả các chính quyền do Nhật dựng lên (không chống Nhật) đều bất hợp pháp. Ở Việt Nam, chính phủ của cụ Trần Trọng Kim rơi vào trường hợp này. Đây là chính phủ yêu nước, nhưng không có thành tích chống Pháp, càng không có thành tích chống Nhật. Còn chính quyền của Việt Minh (đã tạo dựng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc) té ra lại được coi là hợp pháp – vì đã chống cả Pháp thực dân và Nhật phát xít. Mà chống bằng xương máu hẳn hoi. Điều mà Việt Minh cần là lập thêm thành tích với phe Đồng Minh. Cụ thể là hưởng ứng lời kêu gọi của Đồng Minh, chống Nhật, lật đổ chính quyền do Nhật dựng lên. Tất nhiên, điều này phải thực hiện trước khi quân Anh kịp vào Nam Kỳ (Pháp sẽ theo vào để chiếm lại thuộc địa) và trước khi “Hoa quân nhập Việt” mang theo các đảng phái thân Trung Quốc, sẽ cạnh tranh với Việt Minh.
Chú thích. Chính do vậy, khi quân Nhật (vốn không ưa Việt Minh) thông báo với chính phủ Trần Trọng Kim “sẵn sàng trấn áp, nếu Việt Minh định làm đảo chính” đã bị từ chối. Một phần, đây là chính phủ yêu nước, không muốn để người nước ngoài làm Việt bị đổ máu; một phần khác, nếu chính phủ này nhờ Nhật đàn áp người Việt sẽ nguy hiểm cho bản thân mình – một khi quân Đồng Minh có mặt ở nước ta. Cũng chính do vậy, khi cụ Trần Trọng Kim đề nghị Việt Minh “hợp tác”, làm sao Việt Minh dám nhận lời (để bỗng chốc thành kẻ thù của Đồng Minh)?
– Chuyện “Hoa quân nhập Việt”
Các nhà yêu nước sau khi chống Pháp thất bại (Đông Du, hội Quang Phục, Việt Nam Quốc Dân Đảng…) đã ở lại Trung Quốc hoặc sang lánh nạn, tiếp tục hoạt động. Thiếu sót của các vị là không gây cơ sở trong nước, không nắm được dân; nhưng bù lại, họ được chính phủ Quốc Dân Đảng ủng hộ vì ý thức hệ tương tự nhau. Chính phủ này nói chung không ưa thực dân Pháp ở Việt Nam – vì quan niệm rằng “Trung Quốc mất Việt Nam (chư hầu truyền thống) vào tay Pháp”. Từ lâu, Trung Quốc đã có chủ trương “Hoa quân nhập Việt” đem theo các nhà yêu nước cùng ý thức hệ đặng thành lập một chính quyền thân Trung Quốc. Chủ trương đã thành hiện thực năm 1945, khi Trung Quốc được phân công vào miền Bắc nước ta tước khí giới quân Nhật. Dịp này, họ chủ trương “diệt cộng, cầm Hồ” (giam giữ Hồ), khiến Việt Minh thấy rõ nguy cơ với mình.
Chú thích. Các nhà yêu nước xu hướng cộng sản cũng trú ngụ trên đất Trung Quốc nhưng thường không công khai mục tiêu; nhất là thời kỳ Quốc-Cộng chống nhau kịch liệt. Khi các tổ chức Việt Quốc và Việt Cách (theo quân Trung Quốc) về nước, họ chiếm được một số thị xã (tỉnh lỵ) biên giới. Nhưng không may, khi đó Việt Minh đã có tiếng tăm cả nước, được lòng dân, đã thành lập xong chính phủ lâm thời (28-8-1945) và chính thức ra mắt quốc dân ngày 2-9-1945. Cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai phe thuộc hai ý thức hệ có lúc tạm hòa hoãn, có lúc gay gắt, đổ máu. Ở miền Bắc, khi quân đội Trung Quốc rút khỏi nước ta, phe quốc gia không còn hậu thuẫn, đã hoàn toàn thất thế. Ở miền Nam, quân Anh cũng rút, nhưng quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng và đánh ra miền Trung và cả Tây Nguyên.
Nhượng bộ và nhượng bộ để tránh chiến tranh
Đến nay, rất đủ tư liệu khẳng định tổng thống Pháp De Gaull quyết chiếm lại Đông Dương, mặc dù cụ Hồ tìm mọi cách tránh cuộc chiến tranh này. Cụ thật sự làm công việc ngoại giao; và tự mình có hai quyết định lớn: ký với Pháp Hiệp Định 6 tháng 3  Tạm ước Việt – Pháp ngày 14-9trong đó có sự nhân nhượng và lần sau nhân nhượng nhiều hơn. Trong Lời Kêu Gọi Kháng Chiến, có câu: Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Chú thích. Rất đủ tư liệu nói lên quyết tâm của tổng thống Pháp De Gaull chiếm lại Đông Dương; bất kể đối phương nhượng bộ đến đâu. Về sau, Lịch Sử đánh giá chủ trương của ông này là “mù quáng”, ví dụ trong tác phẩm “L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine“. Chủ trương sai lầm của De Gaull đưa đến các hệ quả:
1) Năm 1948-49 chính phủ Pháp thấy rằng không thể thằng Việt Minh và tái chiếm Đông Dương trước sự kháng chiến của Việt Minh, đã đồng ý trao lại độc lập cho… vua Bảo Đại (!). Thử hỏi, liệu Việt Minh có thể ngừng chống Pháp, quy thuận Bảo Đại để được “hưởng độc lập” do Pháp ban cho hay không?
2) Khi Cộng Sản Trung Quốc nắm chính quyền, Việt Nam chỉ có cách cầu viện Xô, Trung.
3) Pháp thua trận cuối ở Điện Biên Phủ, dẫn đến mất nốt cả thuộc địa cuối cùng là Algerie. Các nhà sử học thế giới coi chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quốc tế “xóa bỏ chế độ thuộc địa” trên toàn cầu. Từ thời điểm này không còn cường quốc nào muốn duy trì chế độ thực dân, buộc phải tiếp tục trao trả độc lập cho các thuộc địa. Cụ Hồ trở thành biểu tượng đấu tranh tranh giải phóng thuộc địa. Trong dịp tang lễ cụ Hồ (2-9-1969) có tới mấy trăm điện văn chia buồn, hầu hết nhắc tới vai trò này. Nhưng xin nói thêm: Đây là vai trò bất đắc dĩ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét