Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Những tác phẩm về tiểu sử Hồ Chí Minh xuất hiện sau ngày độc lập

Những tác phẩm về tiểu sử Hồ Chí Minh xuất hiện sau ngày độc lập

  •   SONG THÀNH
  • Thứ sáu, 19 Tháng 5 2017 10:43
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Từ trước tới nay,nhiều công trình nghiên cứu tiểu sử Hồ Chí Minh đã ra đời, trong đó có những công trình đồ sộ, được đánh giá cao, được dịch ra tiếng nước ngoài, giúp cho thế giới ngày càng hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người. Thành quả đó là sự tích hợp trí tuệ và công lao của nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Hôm nay, chúng tôi muốn điểm lại những ấn phẩm đầu tiên viết về tiểu sử Hồ Chí Minh được ra đời sớm nhất, chỉ ít ngày sau lễ Tuyên bố độc lập 2 tháng 9 năm 1945, với mong muốn giúp bạn đọc được tiếp cận với những cuốn sách cũ nay đã trở nên khó tìm.
Có một điều cần nói ngay: tác giả đầu tiên viết tiểu sử Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh lại không phải là người Việt Nam mà là một người nước ngoài, nhà báo Pháp Jean Dorsènne. Giữa năm 1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông, sự kiện này đã làm chấn động dư luận Pháp và Đông Dương. “Vụ án Hồng Kông” thu hút ngay sự chú ý của nhà báo tên tuổi này, ông lập tức sang tận nơi tìm hiểu, vào nhà tù để gặp gỡ và phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc. Cuộc đời bôn ba cứu nước đầy sóng gió của nhà cách mạng huyền thoại này lập tức chinh phục được cảm tình và lòng khâm phục của nhà báo Pháp.
Sau đó, ông trở lại Việt Nam, tìm đọc hồ sơ lưu trữ của Sở mật thám Đông Dương về Nguyễn Ái Quốc, tham khảo thêm tư liệu ở Thư khố Paris cùng những quan sát và ấn tượng trực tiếp thu lượm được khi gặp gỡ và đối thoại với nhân vật kỳ lạ này, ông bắt tay vào viết cuốn “Faudrait-il évacuer l’Indochine ?”(Liệu có phải rút khỏi Đông Dương?)-một tiên liệu khá sớm!
Cần nói ngay, đây không hoàn toàn là một cuốn tiểu sử, tác giả không có tham vọng này, song dựa vào những tư liệu khai thác được ở Pháp và  Đông Dương, cùng với những cảm nhận riêng của mình, lần đầu tiên ông đã đưa ra một bản phác thảo tiểu sử - tất nhiên là chỉ tới thời điểm ấy - nhưng nhờ đó mà bạn đọc rộng rãi ở Pháp và châu Âu đã có thể sớm biết đến tên tuổi và quá trình hoạt động của một nhà cách mạng lừng danh từng bị cảnh sát đế quốc săn đuổi, chẳng may vừa bị sa lưới cảnh sát Anh tại Hồng Kông và đang trong nguy cơ có thể bị trao lại cho thực dân Pháp.
Sau phần tóm tắt tiểu sử (chừng hơn 20 trang, sẽ nói rõ ở phần sau),  cuốn sách có nhiều đoạn tác giả không dấu được cảm tình và sự thán phục của mình: “…Trên cái trán cao rộng là những món tóc hất ra phía sau, đôi mắt hiền dịu và sâu lắng phản ánh lên một trong những nỗi đau buồn không sao dứt nổi,…với đôi gò má cao, nhô ra,… một nếp nhăn cay đắng như làm biến dạng đi một chút cái miệng của ông”… “Bệnh ho lao không tha thứ ông và nếu như quyết nghị của tòa án Luân Đôn đến kịp thời thì Nguyễn Ái Quốc, con người hiền hậu, sáng rực với đôi bàn tay nhuộm đỏ này, sẽ sống”.
Tác giả không kiệm lời đánh giá nhân vật của mình: “Với vóc người đau ốm ấy, với điều kiện vật chất bó buộc tưởng như không vượt qua nổi ấy, Người đã sống một cuộc đời khổ hạnh, như một nhà tu hành, chỉ nghĩ đến sự thành đạt của lý tưởng”.[1] Tiếc rằng, cuốn sách này đến nay vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra mắt quốc dân trong lễ tuyên bố độc lập, một câu hỏi lớn được đặt ra trong dân chúng: Hồ Chí Minh là ai? Sao không thấy ông Nguyễn Ái Quốc? Nay ông ấy ở đâu, còn sống hay  đã mất? Sự khao khát tìm hiểu của người dân về lãnh tụ “huyền thoại” của dân tộc đã là nguyên nhân thúc đẩy sự sớm xuất hiện một số ấn phẩm đầu tiên nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mệnh Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Cuốn sách ra mắt sớm nhất là “Nguyễn Ái Quốc và làn sóng đỏ trên đất Việt (1929-1932)” của Tam Thanh, do Quang Trung Thư xã xuất bản tháng 12-1945, 170 trang [2]. Cuốn sách chia làm 3 phần:
-Phần 1. Thân thế và sự nghiệp của ông Nguyễn Ái Quốc, tác giả chia làm 10 tiểu mục: Những cuộc vận động giải phóng; Buổi thiếu thời của ông Nguyễn Ái Quốc; Ông Nguyễn Ái Quốc ở Pháp; Bắt đầu hành động; Sang Mạc tư khoa; Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội; “Thanh Niên” và “Tân Việt”; “Thanh Niên” hoàn toàn nhuộm đỏ; Việt Nam cộng sản đảng ra đời; Những  ngày điêu linh của một nhà đại cách mệnh.
Phần này Tam Thanh chủ yếu lấy lại tư liệu từ cuốn sách của Jean Dor-sènne, ta hiểu vì sao cuốn sách của tác giả lại chỉ đóng khung trong thời gian từ 1929-1932? (phần này khoảng hơn 20 trang đánh máy).
-Phần 2. Cuộc đấu tranh. Tên là như vậy, nhưng tác giả không biết gì hơn những điều J. Dorsènne đã viết về sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, nên phần này chỉ nói về các vụ án chính quyền thuộc địa đã bắt giam, xét xử và kết tội các chiến sĩ cách mạng ở trong nước mà tác giả lượm lặt được trên báo chí công khai đương thời; từ vụ Thị Nhu, Thị Uyển, Dương Hạc Đính, Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân, Kim Tôn,…đến lớp sau là Hạ Bá Cang, Lý Tự Trọng, Ngô Đức Trì, Trần Phú, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Hữu Căn (Phi Vân), …rồi Đặng Xuân Khu, Khuất Duy Tiến, Lê Duẩn,…cùng nhiều vụ án khác nữa. Đáng tiếc là tác giả chỉ mới liệt kê theo báo chí đưa tin chứ không tường thuật được nội dung và diễn biến của các vụ án, nhất là những câu đối đáp khảng khái của các chiến sĩ cách mạng trước lời buộc tội của tòa án đế quốc và sự hy sinh lẫm liệt sau đó của nhiều người.
 Trong phần 2 này, tuy là sách viết về Nguyễn Ái Quốc mà tác giả không có một câu, một dòng nào về Nguyễn Ái Quốc, kể cả Vụ án Hồng Kông. Điều này chứng tỏ tác giả chỉ là người biết chớp thời cơ, lượm lặt tư liệu trên báo chí rồi vội vàng cho in thành sách, chứ không phải là một người nghiên cứu, điều tra thực thụ, có phương pháp và cách hành văn đúng với thể loại tiểu sử.
-Phần 3. Mạc tư khoa-Đông Dương. Phần này chủ yếu nói đến mối liên lạc giữa Mạc tư khoa và cách mạng Đông Dương, sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản thông qua Ban Phương Đông ở Thượng Hải, việc tổ chức, đưa người sang Mạc tư khoa học tập và dự các hội nghị do Quốc tế cộng sản tổ chức, mà không nói được điều gì cụ thể thêm về những hoạt động chỉ đạo và vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào cách mạng trong nước từ sau 1932.
Tóm lại, cuốn sách là một sự tập hợp vội vàng, lộn xộn và chắp vá, tác giả tỏ ra là người ngoài cuộc, không mấy am hiểu về chính trị và cách mạng, có thể nguyên chỉ là một nhà báo hay nhân viên sở lưu trữ của chính quyền thuộc địa, có sẵn tư liệu trong tay, tập hợp lại rồi đưa in, nên ít giá trị tham khảo (trừ phần 1 lấy từ cuốn sách của J. Dorsènne).
Ba tháng sau, xuất hiện cuốn sách thứ hai, nhan đề “Thân thế và sự nghiệp nhà cách mệnh NGUYỄN ÁI QUỐC, tên tác giả đề là Việt Nam (?), chỉ vỏn vẹn có 16 trang khổ 16x24, do Bảo Ngọc văn đoàn xuất bản lần đầu, tháng 3-1946. Sách gồm Lời nói đầu và 13 tiết: 1. Gia đình và học đường; 2. Xuất dương; 3. Làm bồi tầu; 4. Ở Ba-lê; 5. Hoạt động chính trị ở Pháp; 6. Hoạt động ở Mạctư khoa; 7. Hoạt động ở Quảng Châu; 8. Hoạt động ở Xiêm; 9. Nhà lãnh tụ; 10. Gây phong trào; 11. Bị bắt và bị ốm chết.; 12. Phục sinh; 13. Tên họ là gì?(Tiết này có 2 mục: Ông Nguyễn Ái Quốc tên thật là gì? và Có người đã chết thay cho ông Nguyễn Ái Quốc).
Tác giả cuốn sách là ai mà lại ký bút danh là Việt Nam? Chỉ với 16 trang với “co” chữ nhỏ, tác giả đã giúp cho người đọc hiểu được một cách khái quát, nhưng khá đầy đủ, những sự kiện chính trong cuộc đời cách mạng sôi nổi và phong phú của Nguyễn Ái Quốc, một bản tiểu sử có phân tích, lý giải, từ những nhân tố tạo nên lòng yêu nước, chí hướng cách mạng buổi đầu, quá trình tìm đường cứu nước, những hoạt động chính trị sôi nổi ở Paris, Maxkva, Quảng Châu,…đến khi trở thành lãnh tụ xuất sắc, đầy uy tín, sáng lập nên Đảng cộng sản Việt Nam, gây phong trào cách mạng từ Bắc đến Nam, đứng ra hiệu triệu Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giành được thắng lợi vẻ vang trong cả nước,…Đối với đông đảo người đọc còn ít chữ vào thuở ấy, đang khao khát tìm hiểu về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thì đây là một tài liệu ra mắt kịp thời, ngắn gọn, đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, cả về tính chân thực lẫn ngôn ngữ và phương pháp thể hiện.
Cuốn sách cung cấp cho người đọc những chi tiết, vào thời điểm ấy không phải ai cũng biết được, như khi nói về quan điểm và chí hướng của cụ Bảng Sắc, về trình độ học vấn của mình (chỉ học hết bậc Cao tiểu), xuất dương khi mới 19 tuổi (năm 1911), về cuộc sống vật chất khổ hạnh, thiếu thốn khi ở Paris, v.v.. được tác giả kể ra không chút mặc cảm về sự nghèo nàn, cơ cực của mình ở giữa một thủ đô hoa lệ bậc nhất của phương Tây,…
Sức hấp dẫn của cuốn sách còn ở giọng kể và cách hành văn rất mới: giản dị, tự nhiên, không chút tô điểm, làm  ra vẻ trang trọng; đặc biệt câu văn thường ngắn gọn, chấm câu táo bạo, không chút câu nệ, cốt ở sự mạch lạc, sáng sủa - như ta đã thấy trong Lời nói đầu được dẫn ở trên. Vì vậy, cuốn sách được độc giả nhiệt liệt hoan nghênh, chỉ một tháng sau, cuốn sách đã được tái bản.
Tiếp theo, khoảng tháng 7-1946, Nhà xuất bản Ánh Hồng cho ra mắt bạn đọc cuốn “Nhà lãnh đạo dân tộc Việt Nam - GIÀ HỒ” của hai tác giả Minh Tú và Anh Tú. Đây là một cuốn tiểu sử viết bằng thơ, thể song thất lục bát, gồm 268 câu, có lẽ để dành cho đông đảo quần chúng khi đó còn chưa biết chữ. Cuốn sách mở đầu bằng 4 câu:
                                                Đây tiểu sử già Hồ Chủ tịch
                                                Một người đang nhắm đích, lựa chiều
                                                Trong cơn sóng gió hiểm nghèo,
                                                Lái thuyền độc lập, vững chèo qua sông.
Truyện thơ dẫn dắt người đọc đi từ quê hương, gia đình, hoàn cảnh mất nước, quá trình xông pha tìm đường cứu nước,…cho đến khi cách mạng thành công, ca ngợi tài năng, đạo đức, công lao, sự nghiệp, …của Già Hồ. Lời thơ trau chuốt, vần điệu êm ái, dễ thuộc, dễ truyền bá trong đồng bào hoặc còn ít chữ hoặc chưa biết chữ ở nông thôn. Đó là một cách làm hay, có điều đến nay chưa rõ tác giả là ai? Cuối cùng, truyện được kết bằng 4 câu:             
                                                Vậy cùng cất tiếng vang ta chúc
                                                Cho người gây hạnh phúc quốc gia”
                                                Già Hồ thọ với sơn hà
                                                Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm !
Tháng 5-1947, xuất hiện cuốn “Le Président Ho Chi Minh” (Chủ tịch Hồ Chí Minh) viết bằng tiếng Pháp, do Phòng thông tin thuộc cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris xuất bản, không có tên tác giả[3], có lẽ để nhằm giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người nước ngoài, trong đó có đồng bào Việt kiều ta ở Pháp.
Trong Lời nói đầu của cuốn sách (4 trang), người viết khẳng định: tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ tượng trưng cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, mà trước khi có tên gọi đó, thì người chiến sĩ bị truy nã khắp thế giới ấy cũng đã tượng trưng cho Việt Nam cả trong cái thời kỳ oanh liệt hôm qua. Cái gì đã làm cho Hồ Chí Minh vượt hẳn ra ngoài đám quần anh mà Việt Nam không bao giờ thiếu ? Theo tác giả, địa vị siêu việt của Hồ Chí Minh có lẽ là ở chỗ đã phối hợp được đạo đức chân thành và sâu rộng với trí tuệ sáng suốt và tinh vi, để trong cái rối rắm và éo le của thời cuộc, đã tìm ra một đường lối đúng đắn, dẫn tới thành công, đó là đường lối giải phóng quốc gia thống nhất với giải phóng xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân, cương quyết đi với Đồng Minh, thân thiện với tất cả các nước dân chủ, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, đi tới độc lập, thống nhất, trong một xã hội tự mình kiến thiết lấy, mỗi người đều cần kiệm liêm chính, hạnh phúc sẽ là một thực tế bảo đảm chứ không phải là một ảo vọng xa xôi,…
Chỉ với mấy dòng ngắn ngủi mà vẽ lên được đầy đủ và đúng đắn chân dung chính trị của Hồ Chí Minh, thật là một sự khái quát tài tình. Những trang viết sau đó là những mẩu chuyện, sự kiện cụ thể về hình dáng, đức độ, tính tình của vị Chủ tịch; đặc biệt là về tình cảm thân thiết của Người đối với đồng bào, chiến sĩ, với trẻ em, về đức khoan dung đối với những người lầm lạc,..tiếp theo là kể lại tình cảm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả nhân dân Pháp đối với vị lãnh tụ Việt Nam, một lãnh tụ thực sự là của dân. Điều đáng chú ý là những lời ca ngợi này không phải do tác giả trực tiếp viết ra, mà đều được thể hiện thông qua những trích dẫn từ báo chí Pháp đã viết về Người trong thời gian Người ở thăm nước Pháp. Thông qua những trích dẫn khách quan đó, cuốn sách đã đưa lại cho người đọc một hình ảnh sinh động về người lãnh tụ kiểu mới của quần chúng trong thời đại ngày nay.
Tháng 6-1949, cuốn “Hồ Chí Minh truyện” của tác giả Trần Dân Tiên được dịch và in ở Thượng Hải, khi Trung Quốc chưa giải phóng. Nhưng phải sau 1954 về Hà Nội, các nhà nghiên cứu mới được biết đến cuốn sách này ở Việt Nam. Tại sao cuốn sách không in và xuất bản ở trong nước mà lại đem xuất bản ở nước ngoài?
Thu đông 1947, ta bẻ gãy cuộc tiến công 2 gọng kìm của Pháp lên Việt Bắc, nhưng xuýt nữa họ bắt được cơ quan đầu não của ta. Nếu Pháp đủ sức mở cuộc tiến công lần thứ 2, liên minh được với Tưởng, dưới đánh lên, trên đánh xuống, thì cuộc kháng chiến của ta có nguy cơ thất bại. Điều đó buộc ta phải tranh thủ cầu hòa với Chính phủ Tưởng Giới Thạch, chí ít cũng nhằm trung lập hóa vai trò của họ. Nên cuối năm 1948, đầu 1949, một phái đoàn bí mật được cử sang Trung Quốc, tới Nam Kinh, Thượng Hải, tất nhiên với “lễ vật” hậu hĩnh. Đến nay, chuyến đi vẫn chưa được giải mã, nên chưa thể nói cụ thể, chỉ biết rằng trong chuyến đi đó có mang theo bản thảo cuốn “Tiểu sử Hồ Chủ tịch” để dịch và xuất bản tại Trung Quốc.
Cuốn tiểu sử này được ra mắt chủ yếu nhằm thực hiện sách lược đối ngoại, bởi vào thời gian này, Hồ Chí Minh đang đứng giữa hai làn đạn: các Chính phủ phương Tây coi Người là cộng sản nên chống lại; còn nước Nga xô viết, vì ở xa, thiếu thông tin, nên cho Hồ Chí Minh đã xa rời học thuyết đấu tranh giai cấp, rơi vào khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, có vẻ đang muốn “ve vãn” phương Tây, nên cũng không công nhận Chính phủ Cụ Hồ. Để tránh hiểm họa, cần cầu thân với Tưởng, muốn thế phải làm giảm nghi ngờ của họ về con người Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong cuốn “Hồ Chí Minh truyện” dịch sang Trung văn, tác giả muốn cho người đọc thấy Hồ Chí Minh có quan hệ thân tình với Trung Quốc về nhiều mặt.
Theo nhà sử học Mỹ Sophie Queen Judge thì  cuốn “Tiểu sử Hồ Chủ tịch”này đã được Chi hội Liên Việt của Việt kiều tại Paris xuất bản năm 1949, mà tên tác giả trên bìa sách lại ghi là Trần Ngọc Danh? Cũng theo nhà sử học này thì cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên được in ở Việt Nam sau này có nội dung giống như cuốn sách mang tên Trần Ngọc Danh xuất bản ở Paris năm 1949. Theo lời kể của đồng chí Trần Quang Huy, nguyên Chánh Văn phòng TƯ Đảng thời kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc,  cho biết ông cũng đã nhận được một bản tiểu sử đó, do Việt kiều hay cơ quan đại diện Chính phủ ta từ Paris gửi về.
Người viết bài này chưa có điều kiện tiếp cận với bản in năm 1949, nhưng đã được đọc bản in năm 1951, khi sách được Hội Việt kiều tái bản. Bìa sách vẫn ghi tên tác giả là Nghị sĩ Trần Ngọc Danh, tên sách: “Tiểu sử Hồ Chí Minh”, khổ sách cỡ 12x17, không ghi tên Nhà xuất bản, nơi in, chỉ ghi năm tái bản: 1951. Sách được chia ra thành nhiều chương nhỏ, mỗi chương có tiêu đề riêng, in thành 3 tập mỏng. Nội dung, về cơ bản như cuốn “Những mẩu chuyện,…” hiện nay. Vậy Trần Ngọc Danh liệu có thể là tác giả của công trình tiểu sử này hay không?
Theo ý kiến của người viết bài này thì việc đề tên tác giả là Nghị sĩ Trần Ngọc Danh chưa biết do đâu, nhưng ông có thực là tác giả hay không thì cần phải bàn. Thứ nhất, Trần Ngọc Danh ít hoặc không có điều kiện sống, làm việc gần gũi với Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Khi ông sang Maxkva, vào học Trường Phương Đông thì Nguyễn Ái Quốc đã về Quảng Châu, khi ông tốt nghiệp về qua Quảng Châu thì Nguyễn Ái Quốc đang bị ngồi tù ở Hồng Kông, khi về đến nước thì ông bị bắt rồi đầy ra Côn Đảo. Sau cách mạng thành công, ông tham gia Xứ ủy Nam bộ, ít lâu sau được cử làm Phó rồi làm Trưởng Cơ quan đại diện Chính phủ ta ở Paris, thay ông Hoàng Minh Giám về nước công tác. Vì vậy, ông không có điều kiện sống gần nên khó có hiểu biết nhiều về Hồ Chí Minh để viết nên một cuốn tiểu sử sinh động, phong phú và hấp dẫn như vậy.
Thứ hai, Trần Ngọc Danh vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của Trần Phú và của Đảng cộng sản Pháp hồi bấy giờ, coi vấn đề dân tộc và giaỉ phóng dân tộc thuộc phạm trù cách mạng tư sản, nên không tán thành cuộc kháng chiến chống Pháp của ta. Khi chiến tranh nổ ra, cơ quan đại diện Chính phủ ta ở Paris bị phía Pháp gây khó dễ, Trần Ngọc Danh dao động, năm 1949, tự ý bỏ nhiệm sở, trốn sang Praha với vợ. Tại đây, ông viết 2 bức thư gửi Staline phê phán đường lối chính trị cơ hội của Hồ Chí Minh: công khai giải tán Đảng, từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản và học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, đi theo đường lối dân tộc tư sản, trở thành người chống Đảng, thù nghịch với Liên Xô,…
 Một người như thế làm sao có thể viết nên cuốn sách ca ngợi Hồ Chí Minh một cách đầy ngưỡng mộ và thành kính như ta đã thấy. Chính bà S. Q. Judge cũng thấy băn khoăn: sách xuất bản lần đầu năm 1949, khi Trần Ngọc Danh đã tự ý bỏ nhiệm sở, trốn sang Praha, rồi bị kỷ luật, sao vẫn được để tên là tác giả cuốn sách? Theo tôi, có thể do Hội Việt kiều khi đó chưa nắm được thông tin đầy đủ về ông. 
Theo Hoàng Văn Hoan viết trong “Giọt nước trong biển cả” (bản tiếng Việt), thì: “Năm 1949, các đồng chí ta đã dịch cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” ra tiếng Thái, vận động một người Thái viết lời tựa và xuất bản để giới thiệu lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta với nhân dân Thái Lan” [4]. Cuốn này hiện vẫn chưa từng được biết ở Việt Nam. Những điều nói trên cho thấy 3 bản “Tiểu sử Hồ Chí Minh” đều được dịch ra và công bố ở Trung Quốc, Pháp, Thái Lan  nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị đối ngoại, chứ không phải như các luận điệu xằng bậy cho  rằng Hồ Chí Minh cũng chẳng khiêm tốn gì, đã tự mình viết tiểu sử để ca ngợi mình (?)  Phải sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 8 năm 1955, cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên mới được Nhà xuất bản Văn Nghệ cho ra mắt. Lần đầu tiên, nhân dân ta được biết tường tận về những chi tiết chân thực trong cuộc đời cách mạng gian nan và phong phú của Bác Hồ. Như tác giả đã nói rõ: Đây không phải là một cuốn tiểu sử, mà chỉ là “một quyển truyện giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Tuy nhiên, do tính tính chân thực và cách thể hiện hấp dẫn, cuốn sách có giá trị như một tài liệu lịch sử và không ai không thừa nhận vị trí đặc biệt của nó trong chuyên ngành tiểu sử ở nước ta.
Từ khi ra đời đến nay, cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, riêng nhà xuất bản Văn Học đã in lại trên 10 lần, mỗi lần hàng vạn cuốn, trong lần in thứ bảy năm 1970, in tới 120 ngàn cuốn. Từ năm 1975 đến nay, Nhà xuất bản CTQG (Sự Thật) đã in lại cuốn sách này 8 lần, mỗi lần mấy ngàn cuốn, lần mới nhất gần đây (1-2015) in 3000 cuốn. Đó là chưa kể đến các nhà xuất bản khác, như Thanh Niên, nxb Trẻ tp Hồ Chí Minh, …cũng đã từng in. Trong lịch sử ngành xuất bản của nước ta, đây là tác phẩm giữ một kỷ lục chưa từng có: được in đi, in lại nhiều lần nhất, với số lượng lớn nhất. Ngoài bản tiếng Việt, cuốn sách còn được nhà xuất bản Ngoại văn dịch ra tiếng Nga, tiếng Pháp,…nhằm giới thiệu với độc giả nước ngoài.
Tới đây, một vấn đề được đặt ra là: vậy tác giả cuốn sách, ông Trần Dân Tiên là ai mà đạt tới thành công xuất sắc như vậy, sức hấp dẫn của tác phẩm đến từ đâu, do tài năng của tác giả hay do cuộc đời phi thường của nhân vật? Đây là câu hỏi được đặt ra khá sớm, ngay từ khi người đọc biết đến bản dịch Trung văn cuốn “Hồ Chí Minh truyện” được xuất bản ở Thượng Hải tháng 6-1949 với tên tác giả là Trần Dân Tiên; và thật khó hiểu, cũng vào thời điểm ấy, cuốn “Tiểu sử Hồ Chủ tịch” được xuất bản ở Paris lại vẫn có tên tác giả là Trần Ngọc Danh?  Hai người có phải là một không? Điều này, chúng tôi đã chứng minh ở trên là không phải. Vậy Trần Dân Tiên là bút danh của ai? Điều này chưa bao giờ được trao đổi công khai trên báo chí.
Gần đây, trên tuần báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh (trang điện tử) đã mạnh dạn đưa ra cuộc trao đổi chung quanh vấn đề “Trần Dân Tiên là ai?”- một chủ đề nhạy cảm. Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã thu hút được sự hưởng ứng của nhiều người, hàng chục bài viết đã được đăng lên, tựu trung chia làm hai phái khẳng định và phủ định.
Phái khẳng định dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, trong “Tác phẩm Văn của CT Hồ Chí Minh”: “Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”.[5] Có người khác dẫn ý kiến của Bùi Tín khẳng định “cuốn sách ấy là do chính ông Hồ viết ra”. Ý kiến của nhà sử học Mỹ S. Q. Judge cũng được trích dẫn, theo bà ấy “mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên nhưng người ta tin rằng thực ra nó là một cuốn tự truyện”,v.v..
Phái phủ nhận Trần Dân Tiên không phải là bút danh của Hồ Chí Minh vẫn nhiều hơn, với lập luận như sau:
-Trong bảng danh mục hơn 170 bút danh của Bác Hồ do Bảo tàng Hồ Chí Minh công bố, không có bút danh Trần Dân Tiên.
-Cụ Hồ là người khiêm tốn, không dại gì tự viết sách ca ngợi mình để mang tiếng mãi về sau. Nếu Cụ muốn viết sách về mình thì không thiếu gì người sẵn sàng giúp Cụ chấp bút.
-Khoảng thời gian từ cuối 1945 đến đầu 1948 là thời kỳ vận nước đang “nghìn cân treo sợi tóc”, phải liên tục đối phó với thù trong, giặc ngoài, một ngày Cụ phải làm việc từ 12 đến 14 tiếng, lại phải thường xuyên thay đổi chỗ ngủ về đêm, còn thời giờ đâu, tâm trạng nào mà nghĩ tới việc viết tiểu sử ?. Bà Lady Borton, một nhà văn Mỹ đã gắn bó lâu năm với Việt Nam, từng viết nhiều tác phẩm về Bác Hồ, cũng khẳng định: Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Người chưa bao giờ dùng bút danh ấy.
Cụ Nguyễn Khôi, chuyên viên cao cấp, từng làm bí thư chi bộ có các vị Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt,…cùng sinh hoạt, đã cung cấp thêm một thông tin mới: Cụ Hoàng Quốc Việt, khi ấy là Thường vụ TƯ, gợi ý với ông Trần Huy Liệu-Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền: nên viết bài về Bác. Ông Liệu giao nhiệm vụ này cho ông Vũ Đình Huỳnh-khi ấy là trợ lý của Bác viết, ông Liệu sửa chữa, bổ sung, hai ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt duyệt lại rồi thông qua. Sách được gửi đi dịch và xuất bản ở nước ngoài.Thông tin này hiện chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng và lai lịch bút danh Trần Dân Tiên cũng còn ít được bàn đến trong cuộc trao đổi.
Cuộc tranh  luận chưa làm sáng tỏ thêm vấn đề được bao nhiêu, song sự quan tâm của các bậc trí thức, văn nhân, học giả đối với cuốn “Những mẩu chuyện…” đã khẳng định ý nghĩa, giá trị bền vững của tác phẩm. Bất kể tác giả của nó là ai, thì việc xuất bản tác phẩm này vẫn thực sự là một việc làm cần thiết, kịp thời, trong sáng, vô tư vì Tổ quốc và cách mạng./.


[1] J. Dorsènne: “Faudrait-il évacuer l’Indochine”, Nxb Mới, Paris, 1932., tr. 74-75. Cuốn sách này hiện vân lưu trữ tại Thư viện QG Hà Nội.
[2] Người viết chỉ có bản sao đánh máy, không có bản phôtôcopy, nên số trang có thể so le với bản chính.
[3] Nguyên văn tiếng Pháp : “Le President Ho Chi Minh”, Brochure publiée par le Service d’Information de RDV, Bureau de Paris, Mai 1947.
[4] Hoàng Văn Hoan “Giọt nước trong biển cả”, nxb Tin Việt Nam., tiếng Viêt, tr. 304.
[5] Cuốn “Những sự kiện lịch sử Đảng”, ST, 1976, t. 1, tr. 672 mà ông Hà Minh Dức dựa vào chưa phải là sách nghiên cứu mà mới chỉ là một công trình tư liệu, tập hợp những sự kiện chuẩn bị cho việc nghiên cứu, một vài sự kiện trong đó đưa ra hơi vội, thiếu cơ sở khoa học., sau này đã bị lược bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét