Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Chiếc xe chống đạn nào đã được sử dụng phục vụ Bác Hồ? (thêm về những chiếc xe nữa)

Chiếc xe chống đạn nào đã được sử dụng phục vụ Bác Hồ?

Nguyễn Thành Quang
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Hình ảnh chiếc xe ZIS đặt ở Khu Di tích.ZIS là một trong những dòng xe chống đạn nổi tiếng được sử dụng trong thời Stalin. Năm 1936, chiếc xe chống đạn ZIS 101 được xuất xưởng với số lượng có hạn (04 chiếc). Chiều dài xe 5.750mm, chiều rộng 1.890mm, chiều cao:1.870mm. Chiều dài cơ sở của xe 3605mm. Với trọng lượng lên tới 2.550kg, xe có thể đạt vận tốc tối đa 115km/h và mức tiêu thụ xăng là 25.5lít/100km.
Năm 1938-1939, seri ZIS 102 ra đời với vận tốc tối đa đạt 125km/h và lượng nhiên liệu tiêu thụ không đổi. Điều đặc biệt là dòng xe chống đạn của ZIS thường được sản xuất với số lượng ít. Tới năm 1945, ZIS cải tiến tốc độ xe lên tới 140km/h và giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ còn 23lít/100km.
Năm 1945, ZIS 115 phiên bản kế tiếp của ZIS 110 được xuất xưởng với số lượng nhỏ 32 chiếc. Nếu nhìn bề ngoài chúng ta thấy rất ít điểm khác biệt giữa hai phiên bản liền kề này của ZIS. So với phiên bản 110, phiên bản mới sở hữu hệ thống đèn cải tiến hơn. Một chiếc đèn sương mù được đặt chính giữa cùng với hai chiếc đèn báo hiệu đặt hai bên giúp lái xe dễ quan sát khi đi trong những tuyến đường nhiều sương mù cũng như di chuyển dễ dàng trong đêm. Lốp xe ZIS 115 có kích thước lớn hơn phiên bản cũ, đường kính bánh xe là 17 inch (431.8mm) và chiều rộng của bánh xe là 5 inch (127mm). Trong phiên bản này đường viền trắng ở lốp xe cũng được bỏ qua. Đó là những điểm khác biệt chính bên ngoài so với phiên bản 110.
ZIS 115 có chiều rộng 2m; dài 6,2m và được bọc thép chống đạn I-100 dày tới 8mm; lớp kính dày 7,5cm làm cho chiếc xe có thể chống đỡ được đầu đạn và mảnh đạn của vũ khí hạng nhẹ. Đặc biệt hơn là gầm xe cũng được bọc lớp chống đạn nhằm đối phó với các loại bom mìn được cài ở mặt đất.
Không chỉ có vậy, nội thất bên trong xe cũng đặc biệt với lớp vải đắt tiền. Hệ thống cửa được bọc lưới và điều khiển lên xuống bằng thanh trượt. Xe cũng được trang bị hệ thống điều hòa không khí. Bộ phận làm lạnh được đặt dưới capo, luồng khí làm mát được truyền vào cabin từ hai bên cửa xe.
Vận tốc tối đa có thể đạt được của xe là 120km/h. Tuy nhiên để vận hành được khối thép khổng lồ này, ta cần tới 27lít nhiên liệu cho 100km.
Năm 1954, Đảng Cộng sản Liên Xô tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một phiên bản của ZIS-115. “Pháo đài” di động với trọng lượng 2.575kg (khi không tải) và mã lực 53 này được vận chuyển theo đường sắt từ Liên Xô qua ga Bằng Tường-Trung Quốc để về tới Việt Nam. Theo tài liệu lưu trữ của Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Chấn, người Liên khu V, khi đó là Chánh văn phòng Trung ương Đảng cùng với hai đồng chí Hoàn và Dương được giao nhiệm vụ đi nhận xe. 
Các nhân chứng kể lại: “Đảng cộng sản Liên Xô còn tặng cả một thùng phụ tùng để sửa chữa xe khi xe hỏng. Quá trình vận chuyển xe về Hà Nội rất vất vả, có nhiều đoạn lầy lội các đồng chí phải kích để lấy đà cho xe đi lên”. Khi về đến Hà Nội, các đồng chí lái xe phải đi thử một thời gian đến tháng 12/1954 mới chính thức đăng kí với biển số HN481. Số máy 1102447. Xe bằng kim loại, dài 5m92, rộng 1m82 cao 1m75 (đo từ chính giữa). Trọng lượng xe khi không có hàng là 2575kg, mã lực 52, cửa kính dày 8cm. Phía trước có 3 đèn, đường kính 20cm, ở giữa gắn miếng kim loại có chữ “ZUC”. Bốn lốp xe bằng cao su màu đen, đường kính mỗi lốp xe là 77cm.
Trong thời gian đầu các đồng chí Hoàn, Hiếu và Dương phụ trách lái ZIS 115, sau đó xe được chuyển giao lại cho đồng chí Nền và Mùi. Trong thời gian phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 12 năm 1954 đến năm 1969 xe chạy được 15.788km.
1. Theo một bài viết trên trang Web và sách giới thiệu về hiện vật của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, “Sau hòa bình lập lại năm 1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gửi tặng Bộ Chính trị và Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hai chiếc ô tô được thiết kế và chế tạo đặc biệt dành cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ngày 8/12/1954, Văn phòng Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tiếp nhận chiếc xe mang số hiệu 001-Số đăng ký 707.
… Một trong hai chiếc xe đã được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam là chiếc xe dành riêng phục vụ Bác Hồ, mang biển số HN707. Chiếc xe còn lại phục vụ đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị.
 Xe HN 707 đã được dùng phục vụ Bác trong các chuyến công tác ngắn và dài ngày. Đây là chiếc xe được thiết kế và chế tạo đặc biệt, được bọc thép với cửa kính của xe dày 5cm có khả năng chống đạn do vậy có độ an toàn rất cao. Xe sơn màu đen, được thiết kế độc đáo: với động cơ 8 máy, đường kính xy lanh90, hành trình QN:118 và công suất: 140 mã lực. Khoảng cách từ bánh trước đến bánh sau: 3m76, xe có chiều dài 6m10cm. Xe ghi rõ năm sản xuất và ngày sử dụng:
Năm sản xuất:  1950
Ngày sử dụng: 8/12/1954
Ngày đăng ký: 12/8/1958
Chiếc xe này đã phục vụ Bác Hồ từ năm 1954 cho đến năm 1969, khi Người qua đời. Do đó, được gìn giữ như kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác suốt 15 năm  sau ngày Miền Bắc nước ta được giải phóng…
Là hiện vật có lịch sử đặc biệt quý hiếm chiếc xe mang biển số HN 707 được trưng bày trong khuôn viên của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.”
2. Trước đó, trong cuốn sách “Bác Hồ với chiến sĩ cảnh vệ” do Nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 2000, có bài “Những chiếc xe phục vụ Bác Hồ trong chiến tranh”, trích hồi ký của đồng chí Trần Hữu Diệt, do Cao Bá Sánh ghi có đoạn viết “Là lái xe nhiều năm trong lực lượng Cảnh vệ, niềm vinh dự lớn của tôi được nhiều lần lái xe phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Kỷ niệm sâu sắc nhất nhưngcũng là khuyết điểm để lại dấu ấn trong tôi nhưng ít người biết đến là lần để chiếc “Zik”của Bác đâm vào tàu điện. Hôm đó khoảng 3 giờ sáng ngày 27-7-1967 theo kế hoạch thì 7 giờ sáng Bác và Bộ Chính trị, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ sẽ đặt vòng hoa và viếng ở nghĩa trang Mai Dịch. Hồi đó cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ ác liệt lắm. Có ngày Hà Nội phải báo động hàng chục lần. Có lần máy bay địch bị lực lượng phòng không của ta bắn bị thương, chúng vội phóng tên lửa trút bom bừa bãi để thoát ra biển Đông.
Theo kế hoạch bảo vệ thì hôm đó phải dùng tới chiếc “Zik” biển số Hà Nội-189 để đề phòng bất trắc. Vì chiếc xe này có cả một lịch sử khá lý thú. Đó là chiếc xe mà Nhà nước Liên Xô (cũ) tặng Bác khi miền Bắc lập lại hòa bình năm 1954, Bác và Trung ương Chính phủ về tiếp quản Hà Nội. Theo các đồng chí nước bạn kể lại thì chiếc xe đó đã được sản xuất bằng loại thép đặc biệt, có khả năng chịu lực cao. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, loại xe đó ở nước bạn chỉ có hai chiếc. Sau chiến tranh sản xuất thêm 3 chiếc nữa nhưng chỉ chuyên dùng để bảo vệ nguyên thủ nước bạn khi cần thiết. Bạn rất kính trọng Bác và cũng vì trách nhiệm quốc tế cao cả nên đã tặng Bác một chiếc như vậy. Trọng lượng chiếc xe nạng tới 3 tấn. Gầm xe được cấu tạo bằng loại thép chịu lực dán nhiều lớp, vỏ xe nóc xe cũng là những lá thép đặc chủng được dán ép bằng áp lực cao. Kính xe phía sau, hai bên và phía trước cũng là những lớp kính mỏng đặc biệt được dán ép lại có chiều dày tới 15cm, nếu bị mảnh bom bắn thẳng ở cự ly gần cũng không thủng. Xe nặng là vậy nhưng tay lái nhẹ bình thường như những chiếc xe du lịch khác. Chỉ khác là xe hơi dài, khoảng 4-5 mét và lốp đơn, suốt những năm sử dụng tôi chưa thấy phải bơm lần nào. Loại lốp đó nếu bị bắn vào vẫn chạy được bình thường. Bạn cũng cho biết bất cứ lúc nào cần phụ tùng thay thế bạn sẽ đáp ứng ngay. Anh em chúng tôi thường gọi đùa là cái “lô cốt thép di động”. Nó thiết thực góp phần bảo vệ an toàn Bác Hồ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt..”.
Qua các tài liệu trên, chúng tôi thấy có những thông tin trùng nhau như: chiếc xe đã dùng để phục vụ Bác Hồ là do Đảng và Nhà nước Liên Xô trao tặng, được thiết kế và chế tạo đặc biệt để phục vụ các nguyên thủ nhà nước. Tuy nhiên vẫn có những thông tin không thống nhất về chiếc xe chống đạn đã được sử dụng phục vụ Bác Hồ cũng như về những người đã từng lái xe phục vụ Bác. Chúng tôi mong được các nhà nghiên cứu, bạn đọc đóng góp ý kiến, cung cấp thêm thông tin để hiểu đúng những chi tiết sau:
- Chiếc xe nào là chiếc xe chống đạn đã được sử dụng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xe mang biển số HN 707, HN 481 hay chiếc mang biển số HN189?
- Chiếc xe thứ hai trong tài liệu của tác giả Nguyễn Sỹ Nam được lưu giữ ở đâu, biển số như thế nào?
- Biển số HN 189 và HN 481 là của 02 chiếc xe, hay đó là hai biển số được sử dụng thay đổi cho 01 chiếc xe phục vụ Bác?
- Đồng chí Trần Hữu Diệt có phải là người đã từng lái chiếc xe chống đạn phục vụ Bác Hồ không hay đó là một biệt danh khác của một trong những đồng chí lái xe phục vụ Bác theo thông tin ở trang 92-94, Nội san Thông tin tư liệu số IX, tháng 5 năm 2011 do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xuất bản.
- See more at: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/ArticleDetail.aspx?articleid=85&sitepageid=417#sthash.WmmMAfi9.dpuf

Đôi điều suy nghĩ về vấn đề bảo quản những chiếc xe ô tô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng ở kho K80

 
Nguyễn Thị Xuân - Nguyễn Thị Tám
Phòng Bảo quản Di tích
Công tác Bảo quản hiện vật là một trong sáu khâu công tác quan trọng của nghiệp vụ Bảo tồn Bảo tàng, và đây cũng là khâu quyết định sự trường tồn của mỗi di tích nói chung và của khu Di tích Phủ chủ tịch nói riêng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để bảo quản, gìn giữ, luân chuyển các tài liệu, hiện vật phục vụ công tác trưng bày và phát huy tác dụng, những hiện vật này của Người hiện nay đang được lưu giữ ở kho K80. Đến năm 2010 cùng với dự án xây dựng nhà chiếu phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hạng mục nhà làm việc của cán bộ Khu di tích, kho K80 được sửa lại phòng phía bên trái, để đưa hai chiếc ô tô đang bảo quản tại gara ô tô tầng 1 căn nhà hai tầng cạnh Di tích Phòng họp Bộ chính trị về với mục đích là kho mở.
 1 Chiếc xe COMMANCADRE  (GAT 450A) của Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam năm 1964. Xe được phân phối cho Bộ Y tế và được chuyển từ Bộ Y tế về Ty Y tế Đường sắt sử dụng một thời gian sau đó Ty Y tế mới giao xe cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Từ ngày 28/6/1965, xe được sử dụng để phục vụ Bác trong những chuyến Người đi thăm các địa phương xa Hà Nội. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời chiếc xe ô tô đã được vào sổ kiểm kê bước đầu. Trước khi được giao về Văn phòng Phủ Chủ tịch, xe được sơn màu sữa, sau sơn lại màu phòng không ngụy trang với họa tiết vải rằn ri. Thân xe hình chữ nhật, rộng 1m62; dài 4m15; cao 1m80. Xe được làm bằng kim loại. Xe có 4 cửa (2 cửa trước và 2 cửa sau). Xe mang biển số HNA378, có số máy là 41230; công suất là 65 mã lực. Trọng lượng xe không tải hàng là 1735 kg. Đầu xe có 3 đèn pha, mỗi chiếc có đường kính 18 cm, 2/3 phía trên của đèn bọc sắt, sơn đen, có tác dụng làm giảm ánh sáng.
Hai đèn xi nhan có đường kính khoảng hơn 8 cm. Trên đầu xe có một khung sắt lợp lá cọ ngụy trang. Xe đã được bảo quản một lần vào năm 1976.
2. Chiếc xe M20 của Ba Lan sản xuất có tên gọi WARIZAWA, xe được nhập năm 1954. Ban đầu xe được sử dụng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó được chuyển sang Tòa án tối cao sử dụng một thời gian và từ ngày 15-10-1962 xe mới được chuyển lại về Văn phòng Phủ Chủ tịch. Xe được làm bằng kim loại, có 4 cửa (mỗi bên xe 2 cửa). Trọng lượng xe không tải là 1362 kg. Xe chở được khoảng 5 người với tổng tải trọng khoảng 250 kg. Công suất xe là 50 mã lực. Xe mang biển số HN 526.
Hiện nay hai chiếc xe đang được bảo quản ở gian phòng phía bên trái kho K80. Mặt trước và đầu hồi phía bên trái của kho đã được lắp bằng kính cường lực và treo rèm bên trong. Kho đã được đầu tư trang thiết bị bảo quản cần thiết như máy đo độ ẩm, nhiệt độ, máy điều hòa… để tạo môi trường ổn định cho việc bảo quản hiện vật. Tuy vậy, công tác bảo quản gặp rất nhiều khó khăn. Về mặt khách quan, khí hậu nước ta nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao lại luôn dao động như: năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho nhiệt độ tăng rất cao so với trung bình hàng năm. Hà Nội đã trải qua đợt nắng nóng kéo dài 31 ngày liên tiếp, đỉnh điểm là ngày 29/5 khi nền nhiệt ngoài trời lên đến 430C. Khi đó, vị trí tường bên trái kho do bị ảnh hưởng trực tiếp của ánh nắng mặt trời hướng Đông chiếu xiên vào vách kính nên đến khoảng 13 giờ toàn bộ vách kính cường lực bên trái bị rạn, nứt hình mắt lưới, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường lưu giữ bên trong của hiện vật, gây ra hiện tượng rạn, nứt, bong lớp sơn phủ bề mặt trên thân xe ô tô.
 Chúng ta đều biết, nhiệt độ và độ ẩm có tác động rất lớn đối với các chất liệu hiện vật, nếu độ ẩm cao trong thời gian dài trên 70% thì sẽ gây tình trạng:
* Nấm và mốc hình thành trên những bề mặt giấy, da và những chất hữu cơ.
* Thay đổi tình trạng căng hoặc làm giãn các chiều của các chất liệu xenxulô, prôtêin,…
* Ăn mòn những chất có chứa sắt và hợp kim đồng.
* Ngưng tụ nước tổng hợp có hại trên bề mặt khi nhiệt độ ở xung quanh rơi xuống tới mức dưới độ ngưng.
Đối với những ngày có nhiệt độ cao, nắng nóng, các tài liệu hiện vật sẽ bị:
+ Khô và giòn (đối với những hiện vật bằng xenxulô, protein) và cong, vênh dẫn đến nứt và vỡ (đối với những hiện vật đồ mộc hay đồ vật có chứa gỗ).
+ Khô những lớp keo và những lớp bổ trợ.
+ Bong tróc những hiện vật bằng kim loại phủ sơn.
Hoặc là nếu nhiệt độ và độ ẩm luôn dao động hay thay đổi quá đột ngột, các tài liệu, hiện vật bằng giấy như sách, báo, bản đồ sẽ 
bị biến màu, giòn và dễ gãy, các hiện vật thuộc nhóm hữu cơ sẽ bị thay đổi tính chất màu, hiện vật bằng kim loại cũng có thể bị hư hỏng cơ học như nứt, lõm, gẫy, các hiện vật bằng gỗ sẽ bị giãn nở và co gây ra tình trạng cong vênh, vỡ, nứt. Vì vậy, một hiện vật có được bảo tồn trong tương lai hay không phụ thuộc phần lớn vào điều kiện nó được lưu giữ như thế nào? Môi trường mà nó tiếp xúc trong suốt quãng thời gian tồn tại.
Điều kiện tốt cho hiện vật kim loại ở kho, cần luôn duy trì khí hậu khô ráo ở nhiệt độ (t0) lý tưởng là 200C và độ ẩm (H%) tương đối 45-55% RH, để có thể giảm thiểu nguy cơ hư hỏng cơ học, giảm thiểu ăn mòn.
Do vậy, cần có một môi trường ổn định để làm chậm lại quá trình hư hỏng hiện vật, việc điều chỉnh môi trường khu vực lưu giữ hiện vật là việc làm có tầm quan trọng sống còn đối với sự an toàn hiện vật. Qua thực tế theo dõi nhiệt độ, độ ẩm của kho K80, chúng tôi thấy nhiệt độ trong kho luôn ở mức từ 21-250C, còn độ ẩm xê dịch ở biên độ từ 65- 85%.
Từ thực trạng của Kho K80, chúng tôi xin có một số kiến nghị, mong muốn được góp phần vào công tác bảo quản và gìn giữ tốt hơn hai chiếc ô tô nói riêng và các tài liệu hiện vật của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nói chung:
- Mặt trước cửa kho Ô tô nên lắp thêm cửa cuốn để tránh ánh sáng mặt trời và các yếu tố bụi bẩn, các chất ô nhiễm di chuyển trong không khí bằng đường khe cửa lọt vào trong đồng thời cũng góp phần vào việc bảo vệ an toàn hiện vật.

* Nên thay lại toàn bộ mành cuộn kiểu kho mở như hiện nay bằng các tấm rèm vải dày màu tối.
* Mặc dù, vách kính tường bên trái kho sau khi rạn nứt đã được tháo dỡ và khắc phục bằng tường gạch, nhưng nếu điều kiện cho phép nên lắp đặt lớp cách nhiệt ở mặt tường bên trái kho nhằm giảm tác động hun nóng của mặt trời và sự thay đổi đột ngột của thời tiết theo mùa.
* Cần lắp thêm thiết bị hút ẩm và quạt thông gió để xử lý độ ẩm và đẩy các tạp chất khí trong nhà.
Cần lắp đặt hệ thống kỹ thuật bảo quản như đã triển khai ở di tích Nhà 54 và Nhà trưng bày xe ô tô để không khí, nhiệt độ và độ ẩm kho được duy trì ở chế độ chuẩn bằng hệ thống kỹ thuật hiện đại, đồng bộ có độ tin cậy cao.
* Cần đầu tư bồi dưỡng và đào tạo chuyên sâu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo quản đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
* Cần làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu bảo quản khoa học.
Trên đây là một số suy nghĩ nhỏ của chúng tôi trước vấn đề lớn: Bảo vệ, bảo quản gìn giữ các hiện vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại mãi trường tồn theo thời gian.
- See more at: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/articledetail.aspx?articleid=863&sitepageid=543#sthash.QMSUNNbU.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét