Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

HỒ CHÍ MINH VÀ QUÁ TRÌNH THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM – LIÊN XÔ (1945-1950)

HỒ CHÍ MINH VÀ QUÁ TRÌNH THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM – LIÊN XÔ (1945-1950)


1. Vào đề

    Vào nữa thế kỷ XX, khu vực Đông Nam Á đi vào lịch sử như biểu tượng của cuộc đấu tranh chống các cường quốc. Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến lớn lớn và đẫm máu trong lịch sử nhân loại, và đây cũng là cuộc chiến đầu tiên mà người Mỹ nếm lấy thất bại. Nguồn gốc của cuộc chiến này đến từ những chuyển biến chính trị vào giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì thế, nếu muốn tìm hiểu rõ về cuộc Chiến tranh Việt Nam, trước hết cần phải hiểu từ nguồn gốc bắt đầu nó, tức là những chuyển biến trong giai đoạn 1945-1950. Đặc biệt là quá trình thiết lập mối quan hệ Việt – Xô, nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy Mỹ can thiệp sâu vào vấn đề Đông Dương.

   Trong lịch sử nghiên cứu của Liên Xô, chủ đề này không được chú ý một cách rõ ràng. Trước đây khi đề cập đến vấn đề này, các nhà nghiên cứu Xô viết lẫn Việt Nam thường viết theo lối quan hệ hữu hảo, đã lược bỏ một số sự kiện lịch sử, cũng như là những quan điểm chính trị của các quốc gia lúc bấy giờ. Điều đó làm chúng ta chưa thể hiểu biết chính xác về bối cảnh lịch sử nói chung, tiến trình lịch sử của mối quan hệ Việt – Xô nói riêng. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Nga hiện đại như I.V. Bukharkin, A.A. Sokolov, I.A. Ognetov, I.A. Konoreva, I.N. Selivanov đã có những đóng góp mới cho chủ đề thông qua một số tác phẩm như: “I.V. Bukharkin, Kremlin và Hồ Chí Minh: 1945-1969, Tạp chí Новая и Новейшая история 1998, số 3”; “A.A. Sokolov, Quốc tế cộng sản và Việt Nam: Đào tạo những cán bộ chính trị Việt Nam tại các trường đại học cộng sản Liên Xô, 1998”; “I.A. Konoreva, Liên Xô và Đông Dương: 1943-1976, Nxb Đại học quốc gia Kursk, 2011”, … Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nga hiện đại, chủ đề này chưa được nghiên cứu đầy đủ, nguyên nhân quan trọng nhất đó là các tài liệu được giải mật hiện nay vẫn còn khá hạn chế, chưa đầy đủ, nhiều tư liệu vẫn còn ở chế độ bí mật chưa thể tiếp cận.

   Những năm gần đây, một số nguồn tài liệu mới đã được giải mật, xuất hiện trong kho lưu trữ Nga lẫn nước ngoài: đặc biệt phải kể đến tài liệu tối mật của Lầu Năm Góc giải mật hồi 2011 (bản đầy đủ), việc mở cửa một số thời điểm của Cơ quan lưu trữ Liên bang Nga cũng đã cho phép các nhà nghiên cứu tiếp xúc với những tài liệu mới. Những tài liệu mới này phần nào hé mở cho chúng ta những bức tranh chung về các sự kiện lịch sử, về tiến trình phát triển của mối quan hệ Việt – Xô, để từ đây chúng ta có thể hiểu một cách đúng đắn hơn về mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

   Để làm rõ quá trình này, chúng ta sẽ đi từng bước để tìm hiểu.

2. Hồ Chí Minh – Quốc gia hay Cộng sản?

   Lịch sử giành độc lập của dân tộc Việt Nam gắn với tên tuổi của vị chủ tịch nước được nhân dân Việt Nam kính mến – Hồ Chỉ Minh. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên được thiết lập ở Đông Nam Á. Nhưng mãi 5 năm sau, Chính phủ Xô viết mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 30 tháng 1 năm 1950. Thời kỳ Xô viết, quá trình hình thành quan hệ Việt Nam – Liên Xô được đề cập đến gần như là không có bất kỳ trở ngại và khó khăn nào. Còn đối với góc tiếp cận của các học giả phương Tây, họ cho rằng vào năm 1945-1946, Hồ Chí Minh đang do dự trong chính sách đối ngoại của mình, trong đó là việc lựa chọn thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị với Mỹ, với Pháp hay với Liên Xô.

   Sự hợp tác giữa Hồ Chí Minh với OSS (cơ quan tình báo của Mỹ) trước năm 1945 là một trang bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử chính thống Liên Xô. Trong lịch sử quan hệ Việt – Xô, giới nghiên cứu Liên Xô đề cập đến tên tuổi Hồ Chí Minh – gắn liền với thuật ngữ - người bạn trung thành của nhân dân Liên Xô, người học trò trung thành của V.I. Lenin. Trong cuốn sách của Y.Y. Mikheev “Người Mỹ ở Đông Dương: Phê bình học thuyết và chính sách của Mỹ” (1972), tác giả viết: “Để thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp tác với Mỹ, những liên lạc viên đã được gửi đến Hà Nội, đặc biệt là tướng Gallagher, Thiếu tá Patti và những người khác. Song giới lãnh đạo Việt Nam đã từ chối những đề nghị từ Mỹ” (1). Cuốn sách của S.I. Divilkovsky và I.A. Ognetov, “Con đường dẫn đến Chiến thắng” cũng đã đề cập với nội dung tương tự như: “Ngày 22/8/1945, một nhóm chuyên gia OSS – Mỹ đã đến Hà Nội dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Patti, người đã tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ sẵn sàng ủng hộ sự độc lập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để đổi lấy các quyền lợi cho người Mỹ tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo của Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã từ chối sự giúp đỡ như vậy từ Washington, coi đây là một nỗ lực nhằm áp đặt chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ đối với người Việt Nam, thay vì chủ nghĩa thực dân Pháp” (2).

   Thực tế lịch sử đã đôi khác so với những gì các công trình nghiên cứu trước đây dưới thời Xô viết đề cập tới. Thực tế, tính phức tạp của quan hệ quốc tế lúc bấy giờ đã đặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng vào một vị trí cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương và người lãnh đạo của họ - Hồ Chí Minh phải có những quyết định mang tính sách lược nhằm bảo vệ và củng cố chính quyền còn non trẻ, bảo vệ và củng cố nhà nước của nhân dân đầu tiên trong lịch sử; bảo vệ và củng cố nền độc lập còn quá non trẻ của một dân tộc vừa chịu hơn cảnh hơn 80 năm nô lệ.

   Sự bắt đầu hợp tác của Việt Minh với OSS, theo tài liệu chính thống của Lầu Năm Góc là năm 1944 (3). Những cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra tại văn phòng đại diện của Mỹ tại Côn Minh, Trung Quốc. Theo các tài liệu OSS, Hồ Chí Minh rất thân thiện với người Mỹ, giữa tháng 7 năm 1945, những người lãnh đạo của Việt Minh đã cố gắng thiết lập quan hệ với Mỹ thông qua thiếu tá Thomas Alison. Trong các cuộc hội đàm, Hồ Chí Minh nêu một số vấn đề liên quan đến vận mệnh tương lai của đất nước Việt Nam: cần tổ chức một cuộc bầu cử tự do tại Việt Nam; Tài nguyên của Việt Nam phải thuộc quyền sỡ hữu của nhân dân Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam cần được giải quyết trong thời gian 10 năm (theo tinh thần Đông Dương thuộc khu vực quản trị Quốc tế do Mỹ và Liên Xô ủng hộ) sau khi chiến tranh kết thúc (4). Tuy nhiên cuộc hội đàm sớm dẫn đến bế tắc. Người Mỹ thời điểm đấy biết không ít thông tin về khu vực Đông Dương và các phong trào độc lập dân tộc, nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong Mặt trận Thái Bình Dương. Các nhà ngoại giao và phân tích của Mỹ luôn coi trọng khu vực này. Trong cuộc gặp ngày 26/8/1945, trong cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh và thiếu tá A. Patti, người Mỹ cho biết rằng họ biết Hồ Chí Minh là ai và quan ngại về điều đó. Người Mỹ biết rằng Hồ Chí Minh không phải ai khác, đó là Nguyễn Ái Quốc, một nhà cách mạng của giai cấp vô sản, người chiến sĩ cộng sản được đào tạo tại Trường Đại học Cộng sản Phương Đông mang tên I.V. Stalin và sau đó học tại Trường Quốc tế Lenin – nơi đào tạo các lãnh tụ của phong trào cộng sản thế giới – nơi đích thân Stalin là giảng viên trực tiếp hướng dẫn các học viên một số vấn đề lý luận cách mạng.

   Có thể nói, tiểu sử Hồ Chí Minh không phải là một bí mật đối với tình báo Mỹ, sự nhắc lại thân thế Nguyễn Ái Quốc của người Mỹ đã đặt Hồ Chí Minh vào một tình huống khá khó khăn. Lúc này nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc là trên hết. Hồ Chí Minh đã trả lời rằng, ông là một người theo chủ nghĩa xã hội tiến bộ (5), tuy nhiên Việt Minh không phải là cộng sản, và họ sẵn sàng hợp tác thương mại với Mỹ (6). Ngày 30 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh và Patti đã gặp nhau lần cuối. Tại cuộc gặp lần này, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bày tỏ thiện chí mong muốn hợp tác với người Mỹ, ông còn nhắc lại những tuyên bố của Mỹ về việc tôn trọng nền độc lập quốc gia và hỗ trợ các dân tộc giành độc lập tại Hội nghị Tehran và Potsdam. Thiếu tá Patti đã bày tỏ sự cảm mến đối với Hồ Chí Minh, song ông cũng không thể làm gì khác vì Nhà trắng lúc này đang coi Hồ Chí Minh là một chi nhánh của Điện Kremli – tức họ chắc chắn rằng ông là một Bolshevikis, rằng hình thức dân tộc này chỉ là sách lược của những người cộng sản Việt Nam.

   Cựu đặc vụ OSS – C. Fenn, trong hồi ức của mình ông viết, những nhà lãnh đạo của nước Việt Nam mới đã cố gắng hết sức để đạt được sự thiện chí của người Mỹ. Tuy nhiên, những người lãnh đạo của Mỹ đã phớt lờ, và khả năng xem xét Hồ Chí Minh có thể là đồng minh hay không đã bị bỏ lỡ (7). Những nhân viên tình báo như ông, cảm thấy có dấu hiệu rất tích cực khi tiếp xúc với vị chủ tịch nước Việt Nam, tuy nhiên những nhà lãnh đạo OSS lại dường như không cảm thông điều đó. Trong bản ghi nhớ gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ James Byrnes, người đứng đầu OSS lúc đó là William Donovan đã nhận định về Việt Minh rằng, đó hoàn toàn là tổ chức của những người cộng sản (8).

   Sau khi các cuộc tiếp xúc giữa OSS và Việt Minh chấm dứt vào tháng 9 năm 1945, liên lạc giữa chính phủ Việt Nam và Mỹ cũng chấm dứt. Tuy nhiên, ngày 11 tháng 9 năm 1946, Đại sứ Mỹ tại Pháp Peter Caffery đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ James Byrnes đã nói rằng ông đã gặp Hồ Chí Minh tại Pháp trong khi Chủ tịch nước Việt Nam đang sang Pháp để điều đình. Peter Caffery viết rằng Hồ Chí Minh đã nói với ông, cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Pháp đang đi vào sự bế tắc, ông hy vọng Mỹ sẽ giúp đỡ Việt Nam giành độc lập sau khi Việt Nam nằm trong khối liên hiệp Pháp (9). Cùng ngày 11 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đã gặp một nhà ngoại giao Mỹ khác đó là G.M. Abbott ngay tại đại sứ quán Mỹ ở Paris, Abbott một lần nữa tỏ thái độ hoài nghi với Hồ Chí Minh khi nhắc lại quan hệ của ông với Điện Kremli (10).

   Vì sao người Mỹ lại quan ngại Hồ Chí Minh như thế mặc dù ông đã hết sức bày tỏ tính thiện chí của mình? Câu trả lời đã nằm trong bản nghị sự của Nhà trắng đã được giải mật. Người Mỹ tin rằng Hồ Chí Minh là một cộng sản, và ngay khi nước Việt Nam hoàn toàn độc lập khỏi người Pháp, chắc chắn sẽ đi theo con đường Liên Xô – tức là con đường xã hội chủ nghĩa (11) (12).

   Quan điểm của Hồ Chí Minh về tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải thực hiện qua hai giai đoạn cách mạng: tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến đến xã hội cộng sản. Trong đó, cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của tư sản dân quyền cách mạng kiểu mới do giai cấp vô sản lãnh đạo. Điểm khác biệt giữa Hồ Chí Minh và những người cộng sản tả khuynh trong Đảng lúc bấy giờ là ở chỗ, trong khi những người cộng sản tả khuynh bên cạnh đề cao việc chống đế quốc, họ chủ trương tiến hành chống phong kiến cùng một lúc, xem chống đế quốc và chống phong kiến là hai bộ phận gắn kết khăng khít. Còn Hồ Chí Minh quan niệm rằng cách mạng Việt Nam ngay lúc này nhất định phải là cách mạng giải phóng dân tộc – đánh đổ đế quốc để giành độc lập tự do cho dân tộc, việc chống phong kiến là quan trọng nhưng nó mâu thuẫn với sự nghiệp cách mạng chung thì nên tạm gác lại.

   Vì thế trong Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa 1, năm 1941, Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã đi đến kết luận: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được tự do độc lập cho toàn dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (13).

   Thực tế quan điểm này không trái với học thuyết của Marx hay học thuyết của Lenin. Mà quan điểm trên là một bước sáng tạo và phát triển mới trong việc ứng dụng chủ nghĩa Marx vào một điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, trong điều kiện cụ thể của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa.

   Thời của hai ông Marx và Engels, các ông cũng đã đề cập đến mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp nhưng các ông chưa đi sâu vào giải quyết. Hai ông Marx và Engels cho rằng cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở giai đoạn ban đầu sẽ mang tính chất dân tộc, vì phong trào vô sản là phong trào của đại đa số, vì quyền lợi của khối đại đa số. Vì thế, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản mặc dù không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, song lúc ban đầu nó mang hình thức dân tộc (14).

   Thực tế, hai ông không xem nhẹ vấn đề dân tộc, bởi vì vấn đề dân tộc ở châu Âu đã được cách mạng tư sản giải quyết xong, cho nên Marx và Engels đã không đề cập nhiều đến vấn đề dân tộc trong thời kỳ hoạt động của các ông. Cho đến thời kỳ hoạt động cách mạng của Lenin, chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa cho nên cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một bộ phận của cách mạng vô sản, tuy nhiên thời Lenin phong trào vô sản ở các nước thuộc địa còn kém phát triển nên ông quan niệm rằng cách mạng chính quốc nổ ra trước sẽ dẫn đến sự thắng lợi của nhân dân thuộc địa. Thời Hồ Chí Minh thì tình hình đã khác nhiều, các phong trào vô sản ở thuộc địa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, và cuộc cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa phải có chút khác biệt với cuộc cách mạng tại các nước tư bản tiên tiến. Do vậy nhận thức của Hồ Chí Minh về vai trò và vị trí của cách mạng giải phóng dân tộc là vấn đề cốt lõi, và có vai trò quyết định trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền kiểu mới. Điều đó được Đảng Cộng sản Đông Dương vận dụng kể từ Hội nghị Trung ương 8 (1941), đó là một sự sáng tạo và làm phong phú chủ nghĩa Marx. Đó là bản chất cộng sản của Hồ Chí Minh.

   Ngoài ra các yếu tố cộng sản còn có thể nhìn thấy qua lực lượng chủ đạo lãnh đạo phong trào Việt Minh –những người cộng sản chiếm một vai trò lớn; nền tảng của phong trào Việt Minh mặc dù dựa trên sự đại đoàn kết dân tộc, song lực lượng chủ đạo tham gia Mặt trận là liên minh công – nông, đã chiếm một vị trí đông đảo trong khối đại đoàn kết dân tộc đó; hết thẩy những điều đấy làm người Mỹ luôn nghi ngại Hồ Chí Minh là một cộng sản, xem những bước đi của ông chỉ là sách lược tạm thời, ngay khi Việt Nam hoàn toàn độc lập sẽ đi theo con đường của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Dĩ nhiên, sự nghi ngại đó đã diễn ra trên thực tế từ 1950 khi Việt Nam – Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

3. Chủ trương chính sách của Liên Xô đối khu vực Đông Dương trong Thế chiến.

   Vấn đề đặt Đông Dương dưới sự quản trị của quốc tế là sáng kiến của Tổng thống Mỹ Roosevelt. Tại Hội nghị Cairo (11/1943), Roosevelt đã đề xuất áp dụng chế độ quản thác quốc tế đối với Đông Dương, điều này được sự ủng hộ của Tưởng Giới Thạch. Tại Hội nghị Yalta (2/1945), Roosevelt đã nhấn mạnh rằng ở Đông Dương đã không có một chuyển biến tốt đẹp nào dưới sự cai trị của đế quốc Pháp, vì thế cần áp dụng chế độ quản trị quốc tế. Liên Xô đã tán thành vấn đề này – điều này làm gia tăng khả năng thực hiện chế độ quản trị này.

   Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô – I.V. Stalin đã phát biểu: “… thật khó tưởng tượng rằng chúng ta sẽ để người Pháp thiết lập lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương, sau khi quân Đồng minh đã đổ máu để giải phóng. Sau những gì đã người Nhật đã làm với ý tưởng về nền “độc lập” của Myanmar và Thái Lan, ngài cần phải suy nghĩ làm thế nào để thay thế chế độ thuộc địa bằng một thể chế tự do hơn” (15).

   Thái độ của Liên Xô đối với vấn đề Đông Dương trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đó là: tán đồng việc cần xem xét chuẩn bị cho nền độc lập của các dân tộc Đông Dương trong thời gian 30 – 40 năm sắp tới, trước mắt Đông Dương nằm dưới chế độ quản trị của quốc tế.

   Đối với các dân tộc Đông Dương, đây là một sự ghi nhận có tính tích cực trong khả năng cho phép của Liên Xô trong thời điểm đấy. Và điều này dường như cũng được sự tán đồng của Hồ Chí Minh, tuy nhiên cái mà ông muốn không phải là chế độ quản trị trong 30-40 năm, mà tối đa là 10 năm như đã đề cập bên trên, trong cuộc hội đàm với thiếu tá OSS - Thomas Alison tháng 7/1945.

   Cần nên có thái độ nhìn đúng đắn hơn trong vấn đề này, trước nay trong các tài liệu nghiên cứu Việt Nam đề cập, thường xuyên có thái độ phê phán tiêu cực về quan điểm của Liên Xô rằng họ thật không phải khi không ủng hộ sự độc lập hoàn toàn của nhân dân Đông Dương. Tôi e lạ thái độ nghiên cứu này có phần phiến diện, vì chúng ta áp đặt những quan điểm dựa trên việc chúng ta đã nắm hoàn toàn các tư liệu, các sự kiện lịch sử đã được ghi nhận để đánh giá sự kiện lịch sử. Đó không phải là thái độ nghiên cứu lịch sử đúng đắn, muốn tìm hiểu và làm rõ các sự kiện lịch sử thì chúng ta phải đặt dưới góc độ của chủ thể mà chúng ta nghiên cứu, và chỉ khi nào ta tiếp cận những nhân vật lịch sử dựa trên tư duy của họ trong thời điểm lịch sử đó thì chúng ta mới có thể nhận thức được khách quan những sự kiện đã diễn ra, và tiến trình lịch sử đó.

   Cái mà các dân tộc Đông Dương mong muốn nhất, triệt để nhất đó là nền độc lập dân tộc, sự tự do và nền dân chủ thay cho chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, đề xuất về việc biến Đông Dương thành khu vực thuộc quản trị quốc tế không phải là một đề xuất tồi, nó căn bản thõa mãn những nhu cầu của các dân tộc Đông Dương ở một mức độ vừa phải. Và quan trọng hơn, nhân dân Đông Dương sớm muộn cũng sẽ có nền độc lập của mình tùy theo sự phát triển của các lực lượng chính trị trong khu vực này. Ngoài ra, nguyên nhân của sự nô dịch các dân tộc Đông Dương – chủ nghĩa thực dân sẽ bị loại bỏ, thì công cuộc xây dựng nền độc lập đó ngày càng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó ý tưởng quản trị quốc tế không thể được coi là ý tưởng tồi, ngay cả đối với những người cộng sản, chí ít nó có tính tích cực ở mức độ tối thiểu nhất mà các dân tộc Đông Dương đang mong muốn.

   Có một điều cần phải nói đến, chưa chắc sự quản trị quốc tế này làm cản trở đến sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản trong khu vực Đông Dương. Sự thắng lợi hay không của phong trào cộng sản là tùy thuộc vào sự phát triển và lớn mạnh của đội ngũ lãnh đạo phong trào đó – tức là Đảng Cộng sản Đông Dương, chứ tuyệt nhiên không phải đến từ nhân tố bên ngoài. Không một ai, kể cả Mỹ hay Liên Xô đều có thể trao trả nền độc lập cho các dân tộc Đông Dương (sự độc lập của một quốc gia – dân tộc đứng ngoài việc công nhận của một quốc gia khác). Liên Xô cũng không thể tạo ra sự thắng lợi của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của chính họ. Chỉ có sự phát triển của chính bản thân Đảng Cộng sản Đông Dương mới có thể dẫn đến chiến thắng của chủ nghĩa cộng sản trên đất nước mình.

4. Liên Xô liệu có biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc?

   Với Liên Xô, cái tên Nguyễn Ái Quốc không phải là xa lạ. Từ năm 1923, ông đã đến Liên Xô lần đầu tiên và ở lại đây trong vòng 18 tháng. Là thành viên của Quốc tế Cộng sản, sau khi được giải thoát khỏi nhà tù ở Hồng Công, ông đã đến Liên Xô và được theo học tại Trường Quốc tế Lenin – nơi đào tạo các lãnh tụ cộng sản cho các phong trào thuộc địa và phương đông. Ông làm việc và học tập tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đến tháng 10/1938 thì ông rời Liên Xô sang Trung Quốc và bắt đầu cuộc hành trình về nước để cứu nước. Ngoài ra, cái tên Nguyễn Ái Quốc còn được nhiều người biết qua những đảng viên tên tuổi hoạt động tại Quốc tế Cộng sản đến từ Pháp, các nước Châu Á và thuộc địa. Đáng chú ý, vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Moskva 1936 (do bức thư tố cáo của ban lãnh đạo hải ngoại ĐCSĐD gửi QTCS) cũng được khá đông đảo các đảng viên quốc tế quan tâm, cũng nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng chí Vera Vasilievna – cán bộ Phòng Phương Đông và các đồng chí Quốc tế Cộng sản khác hết lòng giúp sức mà vụ án Nguyễn Ái Quốc đã bị xóa bỏ.

   Tuy nhiên, cái tên Hồ Chí Minh thì lại khác. Nhiều người tự cho rằng Liên Xô biết rõ Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, rồi tự suy diễn cho rằng Liên Xô không giúp đỡ Hồ Chí Minh vì tính dân tộc cao hơn tính giai cấp. Những lời buộc tội đó là phi lý, thiếu bằng chứng. Sự thật, Liên Xô hoàn toàn không biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc (16).

   Có người lại đặt ra câu hỏi: Liệu có quá vô lý không khi tình báo Mỹ OSS lại biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, còn Liên Xô, còn Quốc tế Cộng sản lại không biết Hồ Chí Minh lại là Nguyễn Ái Quốc – một cán bộ của Quốc tế Cộng sản?

   Câu hỏi rất hợp lý, nhưng nó thể hiện tính suy lý logic của người hỏi mà bỏ qua tính thực tế của lịch sử. Theo ghi nhận của các tài liệu lưu trữ, những liên lạc của Nguyễn Ái Quốc với Quốc tế Cộng sản hầu như đã chấm dứt hoàn toàn vào năm 1938. Từ năm 1938 đến năm 1943 hoàn toàn không nhận được bất kỳ liên lạc nào giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản (17). Tán đồng điều này, nhà sử học Douglas Pike cũng cho rằng không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa Hồ Chí Minh với Quốc tế Cộng sản cho đến khi tổ chức này được giải tán 1943 (18). Các thông tin liên lạc cuối cùng Quốc tế Cộng sản nhận được về tình hình Đông Dương là vào năm 1940 (19).

    Vấn đề giữa Quốc tế Cộng sản và Nguyễn Ái Quốc nằm ở đâu?

   Vào năm 1938, đã có một sự cải tổ sâu rộng trong nội bộ Quốc tế Cộng sản. Các ban bí thư phụ trách các cục và bộ phận của Quốc tế Cộng sản trong đó có Cục phương Nam và Bộ phương Đông, trước đây lãnh đạo phong trào và các đảng từng khu vực, nay đã giải thể. Quốc tế cộng sản cũng đã bỏ các đại diện của mình tại các Đảng, bỏ đi nhiều ban bộ, chỉ giữ lại Bộ Cán bộ, Bộ tuyên truyền và Bộ Công tác quần chúng, một văn phòng làm nhiệm vụ phối hợp giữa các Đảng. Tổng bí thư và các ủy viên ban bí thư Quốc tế Cộng sản làm chức năng của mình với sự cộng tác của đại diện các Đảng ở cạnh Quốc tế Cộng sản là người chịu trách nhiệm thông báo tình hình hoặc góp ý kiến khi thảo những văn kiện, hoặc nghị quyết của Quốc tế Cộng sản liên quan đến Đảng mình. Đây được xem là bước chuyển biến chiến lược trước khi giải tán Quốc tế Cộng sản. Sự phát triển lý luận của Quốc tế Cộng sản từ giữa thập niên 30 đã có sự nhận thức sâu rộng về vấn đề dân tộc và giai cấp, phù hợp với tình hình quốc tế đang diễn ra trên thế giới. Các lò lửa chiến tranh đế quốc xuất hiện ở châu Âu và châu Á, chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy một cách điên cuồng. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc mang hình thức đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết đối với hết thảy những người cộng sản. Vì thế Quốc tế Cộng sản quyết định cải tổ, giảm quyền hạn của chính bản thân Quốc tế Cộng sản, trao quyền hạn lớn hơn cho tất cả các Đảng Cộng sản của mỗi dân tộc. Quốc tế Cộng sản nhận định rằng các phong trào cộng sản và tổ chức đảng của nó hiện tại (vào thời điểm 1938) đã phát triển vững mạnh, đã lớn mạnh và có thể tự lãnh đạo được cuộc cách mạng tại chính quốc, và họ sẽ phải tự mình gánh lấy sứ mệnh lịch sử để giải phóng chính dân tộc mình, ngay cả khi mất liên lạc với Quốc tế Cộng sản (20).

   Căn cứ trên sự cải tổ đó. Quyết định số 60 (mật) của Phòng cán bộ Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa chứng thực sinh viên mang số 19 bí danh là Lin từ ngày 29/9/1938 rời khỏi biên chế của nhà trường để về nước hoạt động – trên thực tế đã chấm dứt mối liên lạc giữa Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản. Vì từ lúc này, Quốc tế Cộng sản chỉ tiếp nhận thông tin qua liên lạc viên của các Đảng Cộng sản gửi đến Quốc tế Cộng sản mà thôi.

   Tuy nhiên, mặc dù không còn mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản, song Hồ Chí Minh vẫn còn mang danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản. Cho nên ngay khi về nước, Hồ Chí Minh đã đứng ra triệu tập Hội nghị Trung ương 8 lịch sử, quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hành đầu.

   Từ năm 1938, Hồ Chí Minh đã mất hoàn toàn liên lạc với Quốc tế Cộng sản; từ năm 1940 trước tình hình trong nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng – Nam kỳ khởi nghĩa bùng nổ - các tổ chức đảng và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương bị Pháp bắt tù đầy, giết hại đã gây cơn khủng hoảng trong nội bộ Đảng. Quân Nhật tiến vào Đông Dương thõa hiệp với thực dân Pháp tiến hành áp đặt chế độ thuộc địa kép nô dịch nhân dân Đông Dương. Đường dây liên lạc quốc tế nhanh chóng bị cắt đứt. Cũng kể từ đây, Quốc tế Cộng sản tại Moskva hoàn toàn không nhận được thêm bất kỳ thông tin nào về Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như là Nguyễn Ái Quốc.

   Có thể nói, từ năm 1940 cho đến năm 1945 Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương trên thực tế đã hoàn toàn hoạt động một cách độc lập, không có bất kỳ mối liên lạc nào với Quốc tế Cộng sản và Liên Xô, cho nên không thể chứng thực rằng Liên Xô biết Hồ Chí Minh (lấy tên vào 1942) là Nguyễn Ái Quốc.

   Tháng 9 năm 1945, một tập hồ sơ về cái tên Hồ Chí Minh đã được thiết lập ở Moskva, và người ta bắt đầu đi tìm hiểu Hồ Chí Minh là ai (21). Có thể thấy rằng, cần phải mất một số thời gian nhất định để những nhà lãnh đạo ở Moskva có thể hình dung bức tranh tổng thể về Đông Dương sau một thời gian mất liên lạc và Hồ Chí Minh – chủ tịch nước Việt Nam mới – thực sự là ai.

   Trong tài liệu giải mật của Lầu Năm Góc, người Mỹ dành hơn một trăm trang để nói về việc các tình báo Washington đã đi tìm kiếm mối liên hệ giữa Hồ Chí Minh và Moskva như thế nào. Đặc biệt, từ tháng 10/1946 đến đầu năm 1947, người Mỹ đã cố ghi chép lại các hoạt động của hai phái viên Liên Xô đến Việt Nam dưới danh nghĩa “tìm kiếm và đưa các tù nhân Liên Xô lưu lạc trở về quê hương”, về mặt thực chất là các hoạt động do thám, tìm hiểu tình hình Đông Dương đang diễn ra thế nào (22). Một báo cáo của tình báo Mỹ vào tháng 6 năm 1947 đã cho biết, hai vị cố vấn này là Polkonik và Dubrovin đã đi từ Sài Gòn đến tận Tuyên Quang để tìm kiếm các cựu binh Liên Xô (23). Tuy nhiên, người Mỹ không thể xác định được Polkonik và Dubrovin thực hiện các nhiệm vụ gì.

   Đến cuối năm 1946, S.A. Mkhitaryan – cán bộ của Bộ Ngoại giao Liên Xô (sau này là nhà sử học nghiên cứu về Việt Nam) đã hoàn thành một tập hồ sơ báo cáo, mà trong đó ông viết rằng: các tổ chức chính trị - quân sự Việt Nam (đang nắm quyền lãnh đạo) thực chất là do những người cộng sản đang lãnh đạo và việc Đảng Cộng sản Đông Dương tự tuyên bố giải tán chỉ là sách lược (24). Có thể thấy, giới lãnh đạo Liên Xô đã cố gắng đi tìm hiểu tình hình ở Đông Dương đang diễn ra như thế nào. Rằng Liên Xô đã hoàn toàn không nắm được những tình hình chính trị tương đối phức tạp đang diễn ra tại Đông Dương trong thời gian Quốc tế Cộng sản mất liên lạc với Đảng Cộng sản Đông Dương; ngay trong báo cáo của S.A. Mkhitaryan cũng không đề cập tới việc biết Hồ Chí Minh là ai, chủ yếu chỉ cho rằng phong trào giành độc lập dân tộc do Chính phủ Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh lãnh đạo về mặt thực chất là cộng sản.

   Tuy nhiên, sự kiện ngày 11/11/1945 về việc Hồ Chí Minh đứng ra giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương trong báo cáo của S.A. Mkhitaryan đã gây tác động tiêu cực đến các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô. Vấn đề giải tán Đảng là một vấn đề rất nghiêm trọng. Sự nghi ngờ không chỉ xảy ra ở Đảng Cộng sản Liên Xô, mà ngay cả trong chính nội bộ Đảng Cộng sản Đông Dương cũng có và không ít. Nhiều đảng viên vẫn còn mang trong lòng những hoài nghi đó cho mãi đến năm 1950.

   Câu hỏi được giới lãnh đạo Liên Xô đặt ra là Hồ Chí Minh là dân tộc hay là cộng sản? Nếu là cộng sản thì tạo sao Hồ Chí Minh lại giải tán Đảng? Chính phủ Liên Xô có cần thiết phải công nhận và đặt quan hệ với Chính phủ Việt Nam không? Nếu công nhận và đặt quan hệ thì Chính phủ Liên Xô đạt được lợi ích gì? Đó không phải là những câu hỏi dễ trả lời. Kể từ lúc này thái độ của giới lãnh đạo Liên Xô đối với Hồ Chí Minh là thái độ xem xét, không phải vì Hồ Chí Minh là dân tộc chủ nghĩa, mà ở đây là việc thiết lập quan hệ với Chính phủ Việt Nam nếu được thực hiện thì Liên Xô sẽ đạt được những quyền lợi gì.

   Về vấn đề này, nhiều người đã cho rằng Liên Xô đã hoàn toàn không ủng hộ nền độc lập của dân tộc Việt Nam; Liên Xô không ủng hộ chính phủ Cộng sản Hồ Chí Minh vì sự thõa hiệp giữa Liên Xô và các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp; thậm chí không ít đảng viên cộng sản Việt Nam cho rằng Stalin là một tay cực đoan trong vấn đề giai cấp, thiếu tôn trọng Hồ Chí Minh, … Tôi e là các nhận định trên hầu hết là mang tính phiến diện và thiếu sự hiểu biết.

   Nói về nền độc lập của dân tộc Việt Nam nói riêng, các dân tộc Đông Dương nói chung thì sự công nhận của Liên Xô đối với các chính phủ các nước Đông Dương không làm phát sinh tính độc lập dân tộc. Điều 3 của Công ước Montevideo đã giải thích: Sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của quốc gia khác. Tức là trên thực tế, các quốc gia hoàn toàn có quyền giành và bảo vệ nền độc lập của mình mà không cần bất kỳ quốc gia nào công nhận, miễn là thõa mãn về các yêu cầu của một quốc gia có chủ quyền. Và sự công nhận của một quốc gia đối với một quốc gia khác chỉ làm phát sinh ra tính ngoại giao giữa hai quốc gia, hai chính phủ đó mà thôi.

  Như vậy, sự độc lập của nước Việt Nam không cần thiết phải được Liên Xô, Anh hay Mỹ công nhận, mà trên thực tế nền độc lập đó phải do chính nhân dân Việt Nam giành lấy.

  Vậy mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô phải được xây dựng trên cơ sở nào? Tất nhiên đó là quan điểm về giai cấp và lý thuyết của chủ nghĩa Cộng sản. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt câu hỏi, liệu rằng Liên Xô có thể thiết lập mối quan hệ với Chính phủ Hồ Chí Minh dựa trên tính dân tộc được không? Câu trả lời là có, vì bên cạnh việc thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước Xã hội chủ nghĩa thì Liên Xô cần thiết lập với các nước yêu hòa bình, dân chủ, tiến bộ cho nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô là việc sớm muộn. Tuy nhiên, nếu không có tính giai cấp đó, thì việc cần thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Hồ Chí Minh lại rơi vào hàng thứ yếu, thậm chí có thể coi là chưa cần thiết.

   Có những lý do đáng phải kể sau:

  Thứ nhất, cần phải hiểu rõ ràng rằng quan điểm của Liên Xô sau hậu chiến là chuẩn bị tiềm lực nhằm chống cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Liên Xô và phương Tây, cho nên họ tập trung rất nhiều vào việc củng cố nền kinh tế nước nhà, phát triển hệ thống vũ khí, bom nguyên tử, lực lượng quân sự, liên minh các vùng lãnh thổ quốc gia để có thể bảo vệ đất nước;

   Thứ hai vấn đề châu Âu là vấn đề sống còn đối với Liên Xô, không phải vì Đông Âu là vùng đệm như cách định nghĩa của các nhà sử học tư sản, mà vì Đông Âu là chìa khóa để tiến vào “miền đất trái tim” của lục địa Á – Âu, điều đó làm suy yếu và dẫn đến tan rã của Liên Xô ngay cả khi cường quốc này không bị tấn công về mặt quân sự;

   Thứ ba, khả năng của Liên Xô cũng có giới hạn nhất định, có thể nói, việc bảo vệ và củng cố Đông Âu, vùng Ban-căng, Triều Tiên, Mông Cổ, và giành được sự chấp thuận của phương Tây về việc phải tạo điều kiện để các quốc gia thuộc địa được tự trị - từng bước tiến tới độc lập là thắng lợi chính trị ở mức tối đa của họ. Khó để mà có thể yêu cầu Liên Xô ép các nước phương Tây phải thực hiện yêu cầu của Liên Xô được.

   Thứ tư, ngay lập tức công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh cũng không mang lại quyền lợi gì cho Liên Xô, nhất là khi Liên Xô còn chưa hiểu rõ Chính phủ Việt Nam thực chất là như thế nào. Sự kiện Hồ Chí Minh tiếp xúc Đại sứ Mỹ trong chuyến sang Paris để tham dự hội nghị Fontainebleau 1946 cũng được phía Liên Xô lưu ý quan sát.

   Tóm lại, mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô muốn thiết lập nhanh chỉ có thể dựa trên nền tảng quan hệ gần gũi về giai cấp, tức là dựa trên nền tảng quốc tế vô sản. Nhưng nếu đặt trên nền tảng quốc tế vô sản thì dường như các sự kiện chính trị ở Việt Nam lại khiến Chính phủ Hồ Chí Minh rơi vào thế khó khăn – mặc dù trong thực tế ông là cộng sản. Do đó, muốn thiết lập được quan hệ ngoại giao nhanh chóng với Liên Xô, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương (lúc này đang hoạt động bí mật) đã cố gắng tìm nhiều cách để có thể liên lạc với Moskva nhằm giải thích cho họ hiểu những sách lược tạm thời của mình. Tuy nhiên, sự đời không phải lúc nào cũng dễ, những khó khăn cũng đã xảy ra nhưng rồi Hồ Chí Minh và Đảng của ông cũng đã kiên trì vượt qua.

5. Khởi đầu khó khăn đối với mối Quan hệ Việt – Xô.

   Những bức điện tín đầu tiên Hồ Chí Minh gửi cho I.V. Stalin là vào ngày 22 tháng 9 năm 1945 và tầm một tháng sau đó ngày 21 tháng 10 năm 1945. Theo các tài liệu của Liên Xô, Stalin không nhận được những bức thư này, người nhận bức điện tín này là phó Ủy viên nhân dân đối ngoại Liên Xô, đồng thời cũng là phó giám đốc Tổng cục An ninh Nhà nước G.V. Dekanozov. Sau khi nhận được bức thư Dekanozov đã gửi đến Trưởng phòng bộ phận Châu Âu là S.P. Kozyrev – một nhà ngoại giao kỳ cựu của Liên Xô trong những năm Chiến tranh Vệ quốc, với câu hỏi “Phải làm gì với nó?”. Kozyrev và các cộng sự của ông đã thảo luận và đi đến quyết định “làm lơ” hai bức thư ấy (25). Có lẽ ông và các đồng sự cho rằng Việt Nam ngay lúc này chưa phải là mối quan tâm đặc biệt với Liên Xô, ngoài ra tính chất công tác ở Châu Âu đã đặt ông vào vị thế cân nhắc tầm quan trọng của nước Pháp trong các chính sách đối ngoại Liên Xô sau thế chiến.

   Cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam bùng nổ hồi cuối năm 1946 sau khi đế quốc Pháp âm mưu quay lại tái xâm lược. Chính phủ Hồ Chí Minh buộc phải dời về chiến khu Việt Bắc. Vùng đất gồm đồi núi hiểm trở, có các cánh rừng bao phủ là nơi rất thích hợp tổ chức các căn cứ kháng chiến, đồng thời lại sát với biên giới Trung Quốc để từ đó có thể khai thông kết nối với Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chống Tưởng bên kia biên giới. Khi cuộc kháng chiến bắt đầu, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương không ngần ngại công khai xu hướng chính trị của mình. Nhiệm vụ cấp bách lúc bây giờ là phải tìm mọi cách để liên lạc với bạn bè vô sản quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ của họ để có thể kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp xâm lược. Mối quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được thiết lập trong năm 1947 và duy trì xuyên suốt cho đến khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập. Sự hợp tác đầu tiên phải kể đến là vào tháng 7 năm 1947 Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ thành lập một trại huấn luyện và đào tạo một số cán bộ cho Việt Nam.

   Còn đối với Liên Xô thì khó khăn hơn nhiều, Đảng Cộng sản Đông Dương muốn Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Xô viết giúp đỡ một cách nhanh chóng thì buộc phải giải thích về nguyên nhân vì sao Đảng tuyên bố tự giải tán vào ngày 11/11/1945. Do đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cố tìm cách bắt liên lạc với Liên Xô thông qua mọi con đường có thể, đáng kể đầu tiên là qua ngã Châu Âu – nơi có thể mượn lời của Đảng Cộng sản Pháp - để tạo điều kiện “dễ dàng” hơn trong việc tiếp xúc với đại diện Liên Xô ở Châu Âu.

   Được Hồ Chí Minh và Đảng giao phó nhiệm vụ lần này đó là ông Phạm Ngọc Thạch, dưới tư cách là đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Châu Âu. Tại Pháp, Phạm Ngọc Thạch đã gặp gỡ các đồng chí của Đảng Cộng sản Pháp là Thorez và Duclos. Được sự giúp đỡ tận tình của Đảng Cộng sản Pháp, Phạm Ngọc Thạch lấy lý do “điều trị bệnh lao” và sắp xếp đi Thụy Sĩ. Tại đây, ông đã gặp phái viên Liên Xô tại Thụy sĩ – A.G. Kulazhenkov, đây cũng là lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp giữa Việt Nam – Liên Xô (26).

   Tại cuộc gặp mặt đầu tiên, Phạm Ngọc Thạch luôn nhấn mạnh trong cuộc tiếp xúc rằng chính phủ của Hồ Chí Minh hiện tại, mặc dù đa đảng nhưng thực chất thuần thúy là cộng sản. Trong số 18 thành viên của chính phủ, hết thảy 12 người là cộng sản. Và 3 người trong số đó giữ những chức vụ quan trọng trong Đảng. Ông cũng giải trình về các hoạt động trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, và cho biết rằng, Đảng hiện tại mặc dù đã không còn tồn tại nhưng là lực lượng có uy tín và mạnh mẽ nhất trong phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Việc tại sao Đảng giải thể thì ông cũng giải thích rằng, cần thiết phải làm như thế vì thể hiện một chính phủ Cộng sản trong lúc giữa vòng vây của các cường quốc tư bản đang âm mưu xâu xé Đông Dương sẽ gặp nhiều bất lợi to lớn, đồng thời cũng cần thiết để tranh thủ sự ủng hộ của người Mỹ cho vấn đề giành độc lập.

   Phạm Ngọc Thạch đã trình bày tỉ mỉ về tình hình Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quá trình chia ruộng đất cho nông dân, công cuộc kháng chiến chống Pháp đã được tiến hành, song tình trạng vũ khí vẫn còn lạc hậu, thiếu cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, Phạm Ngọc Thạch cũng góp ý rằng Đảng Cộng sản Pháp hiện tại chưa có một chính sách rõ ràng để ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, chí ít là ngăn cản cuộc chiến tranh do Pháp gây ra tại Đông Dương.

   Tại cuộc gặp gỡ lần thứ hai vào tháng 9/1947, Phạm Ngọc Thạch đã gửi báo cáo “thanh minh” vì sao Đảng Cộng sản Đông Dương lại tuyên bố tự giải tán vào 11/11/1945 cho A.G. Kulazhenkov. Nội dung mà báo cáo của đồng chí Phạm Ngọc Thạch về vấn đề này có nội dung như sau (27):

1. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với phong trào giải phóng dân tộc ngày càng rõ ràng và nổi trội. Điều này gây sự ngờ vực của các cường quốc Phương Tây.

2. Đảng Cộng sản Đông Dương bị cô lập, không có sự liên hệ và khả năng liên hệ với các phong trào cộng sản nước khác.

3. Người Pháp chiếm miền Nam, người Trung Quốc (Tưởng) thì vào miền Bắc giải giáp quân Nhật, sự gây áp lực ngày càng lớn của Pháp - Tưởng, để qua mặt chúng, Đảng phải tuyên bố tự giải tán.

4. Phải nhượng bộ cho Việt Quốc - Việt Cách (theo chân Tưởng).

5. Cho sự thống nhất và độc lập của quốc gia.

6. Đảng vẫn tiếp tục các hoạt động ngầm, bí mật, không công khai mặc dù thực tế đã tuyên bố giải tán. Sự giải thể đó không gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế cách mạng hay với vai trò tiên phong của Đảng.

7. Dưới vỏ bọc Việt Minh rất an toàn, thực tế các chính sách của chính phủ được kiểm soát một cách chặt chẽ, từ trên xuống dưới bởi Đảng. Đường lối chính trị của Đảng ko bị tổn hại kể cả khi giải thể.

8. Thành lập nhóm Nghiên cứu chủ nghĩa Mác sau khi Đảng giải thể, xuất bản một tờ báo hàng Tuần, và một tờ báo quốc gia mang tên "Cứu Quốc", sự lãnh đạo trong nhóm Việt Minh đã cho phép sự tuyên truyền rộng rãi những tư tưởng của Chủ nghĩa Marx - Lenin trong phong trào quần chúng kể cả khi Đảng đã tuyên bố giải thể.

9. Việc giải tán Đảng là hoạt động công khai, tuy nhiên các hoạt động còn lại của Đảng ở các tổ chức cơ sở đều được hướng dẫn, chỉ đạo chính xác để tiếp tục hoạt động.

   Bản báo cáo của Phạm Ngọc Thạch đã được đại diện Liên Xô A.G. Kulazhenkov và các cộng sự tiếp nhận một cách chân thành. Các nhà ngoại giao Liên Xô đã ghi âm cuộc trao đổi giữa A.G. Kulazhenkov và Phạm Ngọc Thạch và gửi nó đến V.M. Molotov và A.Ya. Vyshinsky để họ xem xét. Tuy nhiên cuộc gặp gỡ cũng chưa thể nói rằng những vấn đề khúc mắc đã được giải tỏa. Thực tế, A.G. Kulazhenkov chỉ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và gửi đến các nhà lãnh đạo Xô viết để họ xem xét, còn việc đưa ra quyết định thì ở bên trên, Chính phủ, các thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô phải họp bàn rồi mới có thể kết luận được. Cho đến hiện nay, chưa có tài liệu nào được giải mật đề cập đến cho chúng ta biết thái độ và suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Liên Xô về vấn đề Đông Dương.

   Song, điều có thể khẳng định ngay lúc này là những báo cáo của Phạm Ngọc Thạch vẫn là chưa đủ. Có lẽ người mà các nhà lãnh đạo Xô viết mong muốn gặp để trao đổi không phải là Phạm Ngọc Thạch, mà là lãnh tụ của Đảng – Hồ Chí Minh, đến gặp và trao đổi với những nhà lãnh đạo Liên Xô để có thể giúp họ giải tỏa phần nào những thắc mắc. Hành động này không phải là không có lý của ban lãnh đạo Liên Xô, họ cho rằng quyết định giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương là quyết định của Hồ Chí Minh, không ai hiểu hành động của ông bằng chính ông và không ai giải thích tốt hơn chính ông. Việc truyền đạt của Phạm Ngọc Thạch cơ bản vẫn không thể giải đáp được toàn bộ những thắc mắc của ban lãnh đạo Liên Xô. Và họ tiếp tục “chờ” cho đến thời điểm thích hợp.

   Năm 1949, cục diện thế giới đã có sự thay đổi đáng kể. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập do Mao Trạch Đông làm lãnh tụ, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ra đời ở Đông Âu đã được củng cố. Đồng thời, Liên Xô tiến hành thử nghiệm thành công bom nguyên tử trở thành nước thứ hai sau Mỹ sở hữu vũ khí hủy diệt đáng sợ này. Những thay đổi đó đã làm cán cân ảnh hưởng giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã trở về thế cân bằng. Liên Xô cũng có thể an tâm loại bỏ nguy cơ tấn công hạt nhân từ Mỹ luôn thường trực trong đầu trong không gian hậu chiến từ 1945-1949 khi mà Mỹ trước đó là nước nắm giữ thế độc quyền bom hạt nhân.

   Quá trình thiết lập mối quan hệ Việt – Xô lúc này có những đóng góp to lớn bởi các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong tháng 7 – 8/ 1949, bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lưu Thiếu đã có chuyến thăm bí mật đến Liên Xô để trao đổi thêm về sự hợp tác trong tương lai khi Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp giải phóng Đại lục. Trong cuộc hội đàm, Lưu Thiếu Kỳ đã góp ý với I.V. Stalin về sự cần thiết phải ủng hộ các phong trào giải phóng ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nơi có phong trào kháng chiến lớn mạnh đang được lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương (28). Ngoài ra, những tư liệu về Việt Nam và Hồ Chí Minh cũng được những người cộng sản Trung Quốc gửi đến Moskva để Liên Xô và cá nhân Stalin tham khảo xem xét, vì mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1947-1949 khá tốt đẹp, thậm chí quân đội Việt Nam sang giúp đỡ quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đánh quân đội của Tưởng Giới Thạch trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949.

   Tuy nhiên, không phải là không còn khó khăn nào dành cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Sự kiện Trần Ngọc Danh đã trở thành một thử thách lớn đối vào năm 1949. Khi Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, trên thực tế không phải tất cả đảng viên đều ủng hộ ông, thậm chí có nhiều người còn cho rằng ông quá mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa, Trần Ngọc Danh là một trường hợp trong số đảng viên còn mạng nặng tư tưởng tả khuynh đó. Trần Ngọc Danh là em trai của Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương Trần Phú, là sinh viên được đào tạo tại Trường Đại học Phương Đông. Năm 1946, Hồ Chí Minh đã cử Trần Ngọc Danh làm Tổng đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp. Năm 1948, trước sức ép của chính phủ Pháp, Trần Ngọc Danh đã tự ý giải thể cơ quan đại diện và bí mật sang Tiệp Khắc lánh. Trong khoản thời gian từ 1948 đến 1950, Trần Ngọc Danh đã gửi 3 bức thư đến Ban bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đến I.V. Stalin với nội dung vô cùng bất lợi cho Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

   Trong các bức thư gửi vào tháng 10 năm 1949 của Trần Ngọc Danh, ông đã chỉ trích và cho rằng Hồ Chí Minh đã có những sai lầm (29):

1) Do mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xem nhẹ vai trò của Cách mạng tháng Mười 1917, xa rời chủ nghĩa Marx-Lenin và phủ nhận vai trò của Đảng Bolsheviks

2) Việc phủ định vai trò của Đảng Bolsheviks đó là khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, Bukharinist trong Đảng Cộng sản Đông Dương.

3) Đảng đã đánh giá thấp lực lượng của mình và đánh giá quá cao lực lượng của địch (Pháp và tay sai).

4) Có tư tưởng xét lại đối với các lý thuyết về giai cấp, đấu tranh giai cấp và nền chuyên chính vô sản. Lợi ích quốc gia được đặt trên lợi ích giai cấp, chối bỏ lý luận về sự giải phóng của giai cấp công nhân cho chính bản thân mình và giải phóng cho dân tộc.

   Nội dung phần lớn bức thư chỉ trích chính sách của Đảng cộng sản Đông Dương đối với vấn đề nông dân. Phần cuối của bức thư rất đáng để chú ý, Trần Ngọc Danh đã phê phán một cách rất gay gắt với Đảng Cộng sản Đông Dương (30):

1) Trung ương đang cố gắng cô lập về mặt chính trị những người phản đối chính sách chung.

2) Trung ương dùng những lời lẽ trốn tránh khác nhau để cho thấy chính sách của Đảng là đúng đắn. Tuy nhiên, Trần Ngọc Danh cho rằng, đây là sai lầm dễ mắc phải trong tất cả các Đảng Cộng sản, mà ngay cả Đảng lớn cũng phạm phải.

3) Các đồng chí có vị trí và vai trò trong Đảng và Chính phủ đang cố “bám víu” chiếc ghế của họ.

4) Công nhân, sinh viên, trí thức, địa chủ được nuôi dưỡng trong bầu không khí chủ nghĩa dân tộc thuần túy, tiểu tư sản được ngụy trang bởi chủ nghĩa quốc tế vô sản.

5) Các đồng chí lão thành cách mạng trong Đảng những năm đầu cách mạng ít nhiều đã được trang bị về mặt lý luận, vẫn trung thành với nguyên tắc của Đảng. Khoảng 2% đảng viên có nguồn gốc xuất phát từ giai cấp công nhân và nông dân.

   Bức thư thứ ba được gửi vào tháng 1 năm 1950, bức thư được gửi đến Pavel Yudin – người đang là cố vấn cho Ủy ban kiểm soát của Liên Xô tại Đức - nội dung bức thư thứ ba có tính nghiêm trọng nhất, trong đó Trần Ngọc Danh chỉ trí Hồ Chí Minh: “Vào thời điểm tự giải tán, Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị các thành phần tiểu tư sản dân tộc lũng đoạn, vốn sau nhiều thời kỳ nằm im, luôn giữ tư tưởng ly khai, từ bỏ và thiếu lòng tin vào lực lượng cách mạng của giai cấp vô sản. Yếu tố gây bất ổn định nhất đó chính là cá nhân Hồ Chí Minh. Để hiểu về điều này, chỉ cần các đồng chí xem lại đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra năm 1941, tức là đúng thời điểm ông Hồ bắt đầu tham gia trực tiếp vào vũ đài chính trị Đông Dương” (31). Trần Ngọc Danh còn cho rằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa của Hồ Chí Minh thể hiện “một sự lệch lạc đi ngược với chủ nghĩa Marx, Lenin, Stalin, nên đã khiến ông ta trở thành người chống Đảng và thù địch với Liên Xô” (32).

   Trong bức thư thứ ba, Trần Ngọc Danh còn gửi kèm các tài liệu dùng để công kích Hồ Chí Minh, trong đó gồm các bài phỏng vấn Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế nói về sự trung lập của nhà nước Việt Nam giống như Thụy Sĩ.

   I.V. Stalin đã đọc toàn bộ các bức thư mà Trần Ngọc Danh đã buộc tội Hồ Chí Minh và đồng thời đọc ghi chú của I. Kozlov – thành viên của Ủy ban Chính sách đối ngoại của Trung ương Đảng Bolsheviks, đã gửi kèm cùng bức thư cho Stalin, trong đó ông không tán thành những lời cáo buộc của Trần Ngọc Danh vì cho rằng nó thực sự phi thực tế (33).

   Những tư liệu và lời góp ý mà Stalin nhận được từ các cán bộ ngoại giao Liên Xô, các tài liệu được Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi đến và nội dung trao đổi trong các cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Đảng Xô – Trung, đã giúp cho Stalin có cái nhìn đầy đủ hơn về những hoạt động của Hồ Chí Minh. Do đó, ông đã không tán thành những lời tố cáo của Trần Ngọc Danh. Trong một bức thư ngày 6/1/1950 gửi cho Mao Trạch Đông, Stalin đã viết: “Tôi đã đọc những tài liệu về Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đồng chí Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung, đang thực hiện tốt trọng trách của mình và rất xứng đáng được ủng hộ” (34).

   Là một chính trị gia lão luyện và thực tế, I.V. Stalin hoàn toàn có thể nhận thức rằng nếu Hồ Chí Minh công khai mình là cộng sản vào năm 1945, năm 1946 quả thực là nước cờ chết người. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị cô lập một mình, cách xa ảnh hưởng của Moskva. Có lẽ hành động của Hồ Chí Minh khi ấy là khả thi nhất đối với tình cảnh vô cùng hiểm nghèo của Chính phủ Việt Nam.

   Như vậy, ngay trước thời điểm lãnh tụ của Đảng - Hồ Chí Minh, sang “thanh minh” về vấn đề vì sao Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán thì ở Liên Xô, Stalin và ban lãnh đạo Chính phủ Xô viết đã tự mình tháo gỡ những “vấn đề cần xem xét” đối với vấn đề Đông Dương và quyết định công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo lời đề nghị của các nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

6. Hồ Chí Minh và chuyến thăm bí mật đến Liên Xô đầu năm 1950.

   Năm 1950, thế và lực của chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh đang ngày càng lớn mạnh, song chưa đủ khả năng để có thể tiến tới giải phóng hoàn toàn đất nước, do đó, nhu cầu bức thiết về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Liên Xô và các nước xã hội hội chủ nghĩa Đông Âu nhằm tranh thủ viện trợ đã được đặt ra. Hồ Chí Minh đã dự định thông qua Đảng Cộng sản Trung Quốc để gửi đến Stalin về ý định sang hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên Xô.

   Cuối tháng 1/1950, Hồ Chí Minh đã bí mật đến Bắc Kinh, trong lúc đấy Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang sang thăm Liên Xô. Lưu Thiếu Kỳ ở nhà để phụ trách công tác hàng ngày của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và tiếp đón Hồ Chí Minh. Trong bữa tiệc thân mật đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lưu Thiếu kỳ nói: “Tình hình quốc tế hiện nay rất có lợi cho cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Trung Quốc đã quyết định công nhận Việt Nam và trao đổi với Liên Xô, đề nghị họ công nhận, Việt Nam đã có vị thế quốc tế. Đảng chúng tôi cho rằng, viện trợ cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam là trách nhiệm quốc tế mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc phải làm tròn. Trung Quốc vừa mới giải phóng, mọi việc đều phải làm từ đầu, còn nhiệm vụ nặng nề như quét sạch bọn thổ phỉ đặc vụ, khôi phục kinh tế, cải cách ruộng đất ..., nhưng chúng tôi quyết tâm chi viện cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam, việc này sau khi Mao Chủ tịch và đồng chí Chu Ân Lai về nước, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ nghiêm chỉnh nghiên cứu nội dung và phương pháp viện trợ, chúng tôi sẽ xác định cụ thể theo yêu cầu của các đồng chí ”(38).

   Hồ Chí Minh cho rằng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đang còn ở Liên Xô, thì việc ngay lúc này sang hội kiến với Stalin là phù hợp nhất. Có thể nhanh chóng giải quyết được các vấn đề cũng như là tranh thủ được sự viện trợ của Liên Xô. Hồ Chí Minh đã đề nghị Lưu Thiếu Kỳ giúp đỡ. Lưu Thiếu Kỳ nhanh chóng liên lạc với Mao Trạch Đông và truyền đạt ý định của Hồ Chí Minh với Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

   Ngày 1-2-1950, thông qua Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ đã nhận được bức thư phản hồi của Stalin gửi đến Hồ Chí Minh: “Gửi đồng chí Hồ Chí Minh. Vài ngày trước, đồng chí Mao Trạch Đông đã chuyển đến tôi lời đề nghị của đồng chí muốn được đến Moskva theo con đường bí mật. Khi đó tôi trả lời rằng không phản đối. Nay Liên Xô đã công nhận Việt Nam, nếu đồng chí không thay đổi ý định, tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp đồng chí tại Moskva” (35).

   Ngày 7/2/1950, Hồ Chí Minh đã gửi điện trả lời về ý định chuyến đi bí mật của ông: “Thứ nhất, ở Việt Nam, chỉ có một vài ủy viên Trung ương Đảng và hai thành viên chính phủ biết về chuyến đi của tôi; Thứ hai, tôi nghĩ rằng, nếu người Pháp biết về việc tôi rời khỏi Việt Nam, họ có thể có những hành động chính trị quân sự bất lợi” (36). Hồ Chí Minh viết tiếp: “Nếu đồng chí Stalin tìm thấy lý do để chuyến thăm của tôi đến Moskva mang tính chính thức, tôi tin rằng, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cũng sẽ nhất trí với đồng chí” (37).

   Giữa tháng 2/1950, Hồ Chí Minh đã đến Moskva. Cuộc gặp gỡ giữa Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Liên Xô đã được giữ bí mật. Tham dự cuộc họp phía Liên Xô gồm có Stalin, Molotov, các thành viên Bộ Chính trị và một số nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo hồi ký của cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam – Trương Quảng Hoa viết rằng, Stalin đã tiếp Hồ Chí Minh trong văn phòng làm việc của mình. Mở đầu cuộc gặp mặt, Stalin có nói: “Chúng ta là bạn bè và anh em thân thiết. Gặp các đồng chí hơi muộn thế này, mong thông cảm” (38).

   Đáp lại, Hồ Chí Minh cảm ơn sự đón tiếp nồng thắm của Stalin đối với ông. Trong cuộc hội đàm giữa Stalin và Hồ Chí Minh, sau khi Hồ Chí Minh đã giải trình tình hình cách mạng Việt Nam và giải thích vì sao Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán, Stalin đã tán thành đối với sách lược cách mạng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

   Như vậy, sự có mặt của Hồ Chí Minh tại Moskva là dấu chấm hết cho những khó khăn trong quá trình thiết lập quan hệ Việt – Xô từ (1945-1950).

7. Hội đàm giữa Hồ Chí Minh và Stalin về vấn đề cách mạng Việt Nam

   Nội dung chính của cuộc hội đàm 1950 không phải là vấn đề giải thích Đảng cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Hồ Chí Minh đã đề cập cụ thể vấn đề chính của chuyến đi lần này, đó là đề nghị Chính phủ Liên Xô viện trợ. I.V. Stalin đã trả lời: “Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô hoàn toàn nên viện trợ cho cuộc đấu tranh chống Pháp của các đồng chí. Song, chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí Trung Quốc, công việc viện trợ cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam sẽ chủ yếu do Trung Quốc phụ trách, điều đó thích hợp hơn” (39). Lý giải vấn đề này Stalin nói: “Trung Quốc ở sát Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam hơn chúng tôi, kinh nghiệm đấu tranh của Trung Quốc càng có tác dụng làm gương đối với Việt Nam, giúp các đồng chí sẽ thuận tiện hơn” (40).

   I.V. Stalin là một người có tầm nhìn rộng và sâu sắc, ông hiểu rõ suy nghĩ và mối quan tâm của Hồ Chí Minh. Trước khi Hồ Chí Minh sang, trong cuộc trao đổi với Mao Trạch Đông về vấn đề viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Stalin đã nói rõ quan điểm của mình: “Đồng chí Hồ Chí Minh yêu cầu Liên Xô trực tiếp cung cấp viện trợ cho Việt Nam, giúp họ đánh người Pháp, đối với vấn đề này chúng tôi còn có suy nghĩ hơi khác”(41). Stalin nói rõ: “Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc chứng minh Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cách mạng của châu Á, chúng tôi cho rằng, công tác chi viện và giúp đỡ Việt Nam chủ yếu do Trung Quốc gánh vác thì tốt hơn” (41).

   I.V. Stalin lý giải cho Mao Trạch Đông hiểu: “Trung Quốc và Việt Nam địa lý gần nhau, liên hệ tương đối nhiều, để Trung Quốc giúp Việt Nam tương đối thuận tiện. Viện trợ xây dựng kinh tế Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng của Liên Xô. Chúng tôi đã đánh xong chiến tranh thế giới, số vũ khí không dùng hết, có thể chuyển sang Trung Quốc, những cái Việt Nam dùng được thì tất nhiên các đồng chí có thể chuyển một ít đến đó” (42). Stalin là con người như thế, không ép buộc bất kỳ ai, nhưng đều khiến họ tự biết phải làm những gì phù hợp với vai trò và trách nhiệm của họ. Mao Trạch Đông đã trở thành lãnh tụ cách mạng Trung Quốc, thì vai trò và nhiệm vụ giúp đỡ các phong trào cách mạng Châu Á sẽ do Mao đảm nhiệm, điều đó cũng giống như Liên Xô đang thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ Trung Quốc. Đó là trí tuệ của Stalin.

   Trong buổi chiêu đãi tiệc 16/2/1950 mừng Hiệp ước hữu nghị Trung – Xô vừa mới được ký kết, có Hồ Chí Minh tham gia, Stalin đã nhắc lại một cách rõ ràng hơn quan điểm của mình: “Yêu cầu của Việt Nam không lớn. Tuy nhiên, nên có sự phân công quốc tế giữa Liên Xô và Trung Quốc. Liên Xô hiện phải lo các vấn đề Đông Âu. Trung Quốc sẽ giúp đỡ Việt Nam những thứ đang cần. Những thứ gì Trung Quốc chưa có, thì hãy lấy trong số hàng Liên Xô đã viện trợ cho Trung Quốc chuyển sang Việt Nam những thứ đang cần, và sẽ được Liên Xô hoàn trả” (43). Để làm yên trí các đồng chí Trung Quốc, Stalin nói đùa rằng: “Trung Quốc sẽ không thiệt vì trao cho Việt Nam những thứ đã dùng, rồi sẽ nhận lại ở Liên Xô những thứ mới. Trong quan hệ quốc tế phải có đi có lại. Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc một xe tăng, Trung Quốc trả lại một con gà, một quả trứng và một khẩu pháo. Việt Nam trả cho Trung Quốc cái gì thì tùy” (44).

   Như vậy, vấn đề cốt lõi nhất trong chuyến đi của Hồ Chí Minh sang Liên Xô đã thành công. Chính phủ Kháng chiến Hồ Chí Minh từ đây đã có hậu phương vững chắc đó là hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

   Tất nhiên, không phải là Stalin không có “phê bình” Hồ Chí Minh. Dùng từ “phê bình” nhưng thực ra lại không phải là phê bình, là một sự chỉ dẫn của Stalin đến Hồ Chí Minh. Trong phiên họp tại phòng làm việc của mình, sau khi nói về vấn Trung Quốc sẽ đảm nhận nhiệm vụ chi viện cho cách mạng Việt Nam, Stalin bắt đầu đề cập đến sách lược mới cho cách mạng Việt Nam: “Đánh bại người Pháp, chi viện là điều cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn đó là làm tốt công tác mọi mặt trong nước. Phát động quần chúng, thật sự động viên và tổ chức đông đảo quần chúng là điều then chốt để đánh bại người Pháp” (45). Stalin diễn giải tiếp: “Phát động quần chúng, dẫn dắt quần chúng chiến thắng kẻ thù, thì cần phải mang lợi ích thực tế cho quần chúng, làm cho quần chúng phấn đấu bảo vệ lợi ích của mình. Làm tốt việc này, sẽ đẩy nhanh tiến trình đánh bại người Pháp” (46).

   Quan điểm của Stalin rất rõ rệt, ông tán thành đường lối cách mạng của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1950, song, thời kỳ mới đã đến, thời kỳ mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng vào hàng ngũ các nước dân chủ nhân dân để chống chủ nghĩa đế quốc, thời kỳ mà các nước Xã hội chủ nghĩa trực tiếp viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì buộc Đảng Cộng sản Đông Dương phải có sách lược mới - sách lược có thể động viên toàn thể lực lượng cách mạng đông đảo đang trong nông thôn, lực lượng chiếm hơn 90% dân số Đông Dương. Lực lượng đó chính là nông dân, phải động viên họ vào con đường đấu tranh chống đế quốc Pháp để giành độc lập. Chính lực lượng đó là lực lượng quyết định đến sự thắng lợi toàn diện của cách mạng dân tộc giải phóng của nhân dân Đông Dương. Mà muốn làm được điều đó thì phải cải cách ruộng đất, mang lại lợi ích thiết thực cho đông đảo nông dân.

   Hồ Chí Minh hoàn toàn thấu hiểu những gì mà Stalin đang đề xuất với mình, ông lý giải: “Chúng tôi từng suy nghĩ việc này, do nhiệm vụ đấu tranh quân sự (lúc trước) nặng nề nên chưa thể hạ quyết tâm làm” (47). Hồ Chí Minh tiếp tục nói: “Xem ra điều then chốt là chúng tôi không thực sự làm rõ mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và chiến tranh chống Pháp, cũng không hoàn toàn nhận thức mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và chiến tranh chống Pháp, cũng không hoàn toàn nhận thức mối quan hệ giữa cải cách ruộng đất và phát động quần chúng. Đảng chúng tôi sẽ nhanh chóng nghiên cứu và bắt tay làm việc này” (48).

   Vấn đề cải cách ruộng đất, sau này còn được Hồ Chí Minh đề cập trong chuyến đi Liên Xô lần thứ hai 10/1952, ông đã gửi bản “chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam” cho Stalin và đề nghị xem xét chỉ dẫn.

   Khi nói đến vấn đề cải cách ruộng đất, chúng ta phải có quan điểm rõ ràng trong việc nghiên cứu và nhận định. Cuộc cải cách ruộng đất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa có những lợi ích thiết thực, nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Những sai lầm của cải cách ruộng đất đến từ giữa 1955, tức là sau khi cố vấn Trung Quốc góp ý Đảng Lao động Việt Nam tiến hành tăng cường tốc độ cải cách ruộng đất. Còn vấn đề Stalin đề cập đến cải cách ruộng đất từ 1950 là vấn đề lý luận về chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương nói chung. Một vài người có thái độ phiến diện, chủ quan, duy ý chí thường chỉ trích rằng Stalin là nguyên nhân của sai lầm cải cách ruộng đất. Điều đó thật phiến diện.

   Cũng từ tháng 2/1950, chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam cũng đã được Hồ Chí Minh bổ sung và phát triển trên tinh thần đóng góp ý kiến của Stalin trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo (49). Trong bức thư gửi Mikhail Suslov – Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô giữa tháng 2/1950. Về vấn đề Đảng, Hồ Chí Minh cho biết sẽ cải tổ Đảng cộng sản Đông Dương theo kinh nghiệm của các Đảng cộng sản và công nhân Đức, Ba Lan, Hungary, Triều Tiên, Albani, Mông Cổ - Đảng Cộng sản Đông Dương sẽ ra hoạt động công khai với tên mới là Đảng Lao động Việt Nam. Về mặt trận dân tộc thống nhất, Hồ Chí Minh cho biết Mặt trận Việt Minh và Liên Việt sẽ hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt (Liên hiệp quốc dân Việt Nam). Về vấn đề quân sự, Stalin đã góp ý nên làm chủ vùng rừng núi Tây Bắc, từ đó có thể giành toàn bộ Đông Dương, do đó Hồ Chí Minh cho biết sẽ tập trung lực lượng chủ yếu tại Miền Bắc và phát triển các đội du kích.Về viện trợ kinh tế, Hồ Chí Minh đề xuất viện trợ kinh tế nên chuyển đến Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay khi Việt Nam cần, họ sẽ chuyển sang Việt Nam.

   Cuối tháng 2/1950, Hồ Chí Minh cùng Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai rời Moskva về Bắc Kinh. Trong bức thư báo cáo của N. Timofeev – người được cử tháp tùng Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh- gửi đến I. Mosetov, ông viết: “Trong thời gian ở Moskva, Din (bí danh của Hồ Chí Minh) rất hài lòng và trở về với tâm trạng thoải mái. Trước khi rời Bắc Kinh, Din nhờ tôi chuyển tới đồng chí lòng biết ơn chân thành về tất cả sự quan tâm, chăm sóc mà tất cả các đồng chí đã dành cho Din trong thời gian ở Moskva” (50).

8. Một chút nhận xét cá nhân

   Như chúng ta đã thấy, quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô (1945-1950) là một quá trình tương đối phức tạp, gian nan và nhiều khó khăn song kết quả đạt được là rất lớn và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Pháp.

   Tuy nhiên, qua các tiểu mục ở trên, tôi thấy rằng còn một vài vấn đề cần phải đi sâu làm rõ. Cho nên tôi đã thêm tiểu mục này, cốt để làm sáng tỏ thêm về quan điểm của Hồ Chí Minh và Stalin trong một số vấn đề Cách mạng Việt Nam. Để cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn về nhân cách của Hồ Chí Minh và Stalin.

   Nhiều người đã nghĩ rằng, cái ông Stalin ấy vì “bận” nghi ngờ Hồ Chí Minh là quốc gia cho nên đã chần chừ thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo tôi, cái lối suy nghĩ phiến diện ấy thì rõ ràng sẽ đưa ta đi đến ngõ cụt trong việc làm sáng tỏ các sự kiện lịch sử và quan điểm của các nhân vật lịch sử. Chúng ta cần phải nhận thức đúng “cái tầm” của hai nhân vật lịch sử - Hồ Chí Minh và Stalin - thì mới có thể nhận thức đúng đắn về quan điểm của hai nhân vật này.

   Nói về Hồ Chí Minh, ông là một nhân vật lịch sử đặc biệt có tư duy ngang tầm thời đại. Là người vận dụng sáng tạo và đóng góp tư tưởng của mình để làm phong phú thêm chủ nghĩa Marx về phong trào cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa có nền tảng nông nghiệp. Trước Hồ Chí Minh, chưa ai đi sâu vào luận chứng và vận dụng sâu sắc như vậy. I.V. Stalin cũng có quan điểm gần tương đồng với Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, song, do điều kiện khác nhau về sinh hoạt chính trị, quan điểm của Stalin mặc dù tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế và chưa đi sâu như Hồ Chí Minh - người có điều kiện sinh hoạt chính trị ở ngay trong một nước thuộc địa.

   Ngày 9/8/1926, đoàn đại biểu Đảng cộng sản Indonesia trong chuyến làm việc với Quốc tế Cộng sản đã có dịp hội đàm với Stalin – khi đó là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế cộng sản - về tình hình cách mạng Indonesia. Stalin nói: “… công nghiệp ở các nước đồng chí còn ít phát trển, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, đảng của các đồng chí còn trẻ, nhân dân Indonesia chủ yếu là nông dân. Sự khác nhau về giai cấp đã xuất hiện những phân hóa nhưng chưa sâu sắc. Do đó, chỉ có một mình đảng của những người cộng sản làm cách mạng, không liên minh với các thành phần dân tộc có xu hướng tiến bộ thì không thể giải quyết được sự nghiệp to lớn của mình. Đảng cộng sản phải trở thành lãnh tụ của dân tộc, có đông đảo quần chúng tham gia, chịu sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đảng cộng sản hoạt động trong điều kiện không hợp pháp, không thể trở thành một lực lượng nếu ít tính quần chúng” (51). Đây là một cách tiếp cận vấn đề dân tộc có thể được xem là tiến bộ nhất trong Quốc tế Cộng sản. Cấp tiến ở chỗ ông nhận thấy và đặt ra vấn đề phải có một mặt trận liên minh rộng rãi không chỉ của giai cấp công nhân và nông nhân, còn phải có tiểu thương, trí thức và các thành phần dân chủ trong giai cấp tư sản bản xứ để thành lập một mặt trận dân tộc thống nhất đấu tranh cho độc lập. Song quan điểm trên còn mặt hạn chế, nó không thể phổ quát cho một nước thuộc địa có đa số là nông dân, do đó tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh đã hoàn thiện chỗ này. Hồ Chí Minh cho rằng trong mặt trận dân tộc thống nhất đó còn phải có những địa chủ, phú nông có tinh thần yêu nước, những điều kiện của một nước nửa thuộc địa nửa phong kiến có nền nông nghiệp lạc hậu.

   Nói về vấn đề phạm vi của lực lượng cách mạng ở đây, thực chất là nói đến sách lược cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sách lược cách mạng coi rằng nhiệm vụ đầu tiên mà Đảng Cộng sản phải tiến hành đó là cách mạng tư sản dân quyền, tức là hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. I.V. Stalin nói rất nhiều đến các vấn đền dân tộc và thuộc địa, song cái ông tiếp cận là dân tộc và thuộc địa ở những nơi mà các dân tộc này đã trãi qua quá trình xâm nhập sâu rộng của chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn giai cấp đã đạt mức độ sâu sắc, giai cấp địa chủ đã tỏ rõ thái độ câu kết với chủ nghĩa đế quốc. Cho nên nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc phải gắn liền với chống phong kiến. Nhưng tình hình và những đặc thù quan hệ kinh tế và giai cấp ở Việt Nam lại hoàn toàn khác, giai cấp địa chủ không phải toàn bộ đã cấu kết với đế quốc Pháp, trên thực tế bộ phận địa chủ, phú nông yêu nước chiếm vị trí khá đông đảo. Ách áp bức của đế quốc Pháp không chỉ dồn lên đầu nông dân mà còn cả địa chủ và phú nông, do đó làm một bộ phận địa chủ và phú nông đi theo cách mạng, đặc biệt trong xã hội Việt Nam lực lượng đó chiếm không nhỏ trong giới trí thức. Vì thế, thiếu sự tranh thủ lực lượng địa chủ, phú nông có tinh thần yêu nước đó là một sai lầm có tính chất chính trị trong đường lối và sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương những năm 1930-1935.

   Sự tương đồng giữa quan điểm của Hồ Chí Minh và Stalin, mặc dù vẫn có chút khác biệt, là cơ sở cho việc lãnh tụ của Liên Xô dễ dàng và nhanh chóng đồng ý với sách lược cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngay cả trước khi Hồ Chí Minh có chuyến đi bí mật đến Liên Xô vào năm 1950. Điều đó cũng cho thấy, Stalin không phải là người có thái độ độc đoán, bảo thủ, mà ngược lại ông ta sẵn sàng tiếp thu cái mới, cái đúng và đặc biệt luôn vì lợi ích chung cho giai cấp công nhân, nông dân và những người lao động.

   Còn vấn đề Stalin đặt ra cho Hồ Chí Minh về cải cách ruộng đất, đó không phải là sự phê bình, cũng không phải sự ra lệnh, ngược lại đó là biểu thị cho tầm nhìn về chiến lược cách mạng của ông đối với vấn đề Đông Dương. Đồng thời, điều đó cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cá nhân Stalin đối với vai trò của Đông Dương trong chiến lược cách mạng vô sản toàn cầu.

   Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đông Dương cần phải trãi qua hai cuộc cách mạng theo thứ tự đó là cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất, trong đó nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Đông Dương đó là cách mạng tư sản dân quyền mà mở đầu là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ dành để độc lập tự do. Song, dưới điều kiện của một nước nông nghiệp lạc hậu và nông dân chiếm đa số như ở Việt Nam, gắn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ với cách mạng ruộng đất là một sự sáng tạo về phương pháp cách mạng của Stalin. Như chúng ta được biết, tất cả các quốc gia theo đường lối cộng sản, bắt đầu từ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 cho đến năm 1950 đều giải quyết vấn đề cách mạng của mình theo từng bước, đó là cách mạng tư sản dân quyền (cách mạng dân tộc dân chủ mới đối với các nước nửa thuộc địa) rồi mới tới cách mạng ruộng đất. Điển hình có thể kể đến Trung Quốc, nước láng giềng và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Trung Quốc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ mới của mình vào năm 1949 với sự ra đời của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bước sang đầu thập niên 50, Trung Quốc mới tiến hành cải cách ruộng đất lần thứ nhất. Do vậy, điểm khác biệt với các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới với cuộc cách mạng vô sản Việt Nam là ở chỗ Đảng và Chính phủ Hồ Chí Minh sẽ tiến hành cải cách ruộng đất trong điều kiện đang tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ.

   Do đó, Stalin đã chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Đông Dương cần phải nhận thức rõ về mối liên hệ giữa cải cách ruộng đất và cuộc kháng chiến chống Đế Quốc Pháp. Trong đó cải cách ruộng đất sẽ làm đông đảo quần chúng nông dân tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành lực lượng hùng hậu để có thể đưa cách mạng dân tộc dân chủ đến thắng lợi. Tất nhiên, nói cải cách ruộng đất ở đây không phải là tiến hành chỉ trong một giai đoạn, tiến hành với cường độ cao, mà phải tùy vào tình hình cụ thể và tốc độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thực tiễn tại Việt Nam mà tiến hành cải cách ruộng đất sao cho phù hợp, ví dụ là tiến hành cải cách ruộng đất ở giai đoạn một, tiến hành cải cách ruộng đất ở cường độ thấp, tiến hành cải cách ruộng đất thí điểm từng bước, ... Vì mục đích chính là để tập hợp quần chúng nông dân vào một mặt trận đông đảo cho nên cần phải cho họ thấy những lợi ích mà Đảng mang lại cho họ sau khi cải cách ruộng đất.

   Đó là những ý kiến, quan điểm của Stalin về cách mạng Đông Dương mà chúng ta khi nghiên cứu lịch sử mối quan hệ Việt – Xô cần phải nghiêm túc ghi nhận.

   Ngoài ra, theo hồi ký của Lê Quý Ba – đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam, trong phiên họp tại phòng làm việc của Stalin, Hồ Chí Minh đã nêu ra lời đề nghị rằng các nước xã hội chủ nghĩa nên công nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thái độ của Stalin khá là lưỡng lự. Stalin nói rằng, việc công nhận đó có thể làm phức tạp hơn tình hình Việt Nam, nhất là kích thích chủ nghĩa đế quốc gây áp lực lên Việt Nam (52). Nhưng Mao Trạch Đông thì lại cho rằng, sự ủng hộ đó là cần thiết làm tăng cường uy thế của mặt trận các nước dân chủ chống đế quốc. Cuối cùng Stalin cũng đồng ý và đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa khác công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

   Tuy nhiên, những suy nghĩ của Stalin trong vấn đề này không phải không có lý. Quả thực, không phải chỉ có mỗi Pháp dòm ngó Đông Dương. Mác-vin Can đã có nhận định: “… Những sự can thiệp của nước Mỹ vào khu vực Viễn Đông có nguồn gốc sâu xa, sâu xa nhiều hơn là người ta tưởng. Giờ đây, hầu như thành phổ biến, người ta quy trách nhiệm cho tổng thống Lyndon Johnson là người chịu trách nhiệm chính trong việc phái nửa triệu lính Mỹ vào cuộc chiến tranh lằng nhằng ở Việt Nam. Những người bảo vệ cho Johnson lại quy trách nhiệm cho tổng thống Kenedy. Nhưng rồi như Kenedy đã nhận xét, trách nhiệm là ở những người khác nữa. Thật vậy, bất cứ ai có công tâm một chút, đều phải tìm hiểu sự việc ngược lên từ thời tổng thống Truman và Eisenhower và xa hơn nữa, trong lịch sử nước Mỹ” (53).

   Sự thèm muốn Đông Dương, không phải chỉ có đế quốc Pháp, mà còn có cả đế quốc Mỹ. Trong mắt người Mỹ, Đông Dương có một vị trí chiến lược, một vùng có tài nguyên phong phú. Như tổng thống Eisenhower đã nói trong hội nghị thống đốc các bang, ngày 4 tháng 8 năm 1953 rằng: “Thử tưởng tượng nếu chúng ta mất Đông Dương… Thiếc, tung-xten, những thứ quý giá như thế sẽ ngừng chảy về nước ta” (54). Ngay trong lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai còn diễn ra ác liệt, “tổng thống Mỹ Roossevelt đã rất quan tâm đến nguồn lợi cao su ở Đông Dương” qua lời của tác giả Sơ-li-sing-gơ trong tác phẩm “Một di sản cay đắng” (55). Tờ Tin tức Mỹ và thế giới ngày 28/1/1949 đã bộc lộ sự thèm khát của mình: “Việt Nam, Campuchia, Lào rất giàu nguyên liệu chiến lược cần thiết cho công nghiệp chiến tranh, nhất là thiếc, ăng-ti-moan, tung-xten là những kim loại mà Mỹ đang thiếu” (56).

   Nhưng do lúc này, đế quốc Pháp vẫn còn tham vọng khôi phục lại chế độ thộc địa ở Đông Dương. Cho nên người Mỹ chỉ có thể xâm nhập sâu rộng vào Đông Dương bằng con đường thương mại và viện trợ kinh tế cho chính phủ Pháp. Nhà sử học G. Sê-xnô đã viết: “Mùa thu 1946, những nhóm người Mỹ nỗ lực triển khai hoạt động: ngày 10/9, tướng Búc-clây đã tổ chức ra Hội Việt-Mỹ hữu nghị, còn tướng Pát-ti, thay mặt chính phủ Mỹ, đưa ra cam kết ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với điều kiện nước Mỹ được hưởng những đặc quyền kinh tế. Ga-la-gơ, một trong những thủ lĩnh cơ quan tình báo Mỹ ở Viễn Đông, tháng 11 năm ấy đã nhắc lại những đề nghị cụ thể để được độc quyền khô phục đường xe lửa, hệ thống giao thông, sân bay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khước từ những lời đề nghị đó” (57).

   Sau thất bại của Pháp trên chiến trường Đông Dương trong các năm 1947, 1948, 1949, tầng suất cuộc chiến ngày càng tăng cao, chi phí chiến tranh đã trở thành gánh nặng cho đế quốc Pháp. Trong khi nền kinh tế chính quốc Pháp ở châu Âu chưa thể hồi phục, cơ sở kinh tế thuộc địa chưa đủ khả năng khai thác để bù đắp đã buộc Pháp phải dựa vào viện trợ của Mỹ. Mà người Pháp càng phụ thuộc vào viện trợ Mỹ thì người Mỹ ngày càng có khả năng hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương.

   Năm 1950, ngay khi Liên Xô, Trung Quốc công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ cũng lập tức công nhận chế độ Bảo Đại do Pháp lập nên. Bản tài liệu mật Lầu Năm Góc giải mật hồi 1971 đã ghi rõ: “1950, hội đồng quốc phòng đặt ra vấn đề là Mỹ phải theo dõi kỹ sự bành trướng của cộng sản ở châu Á và phải trực tiếp giúp các chính phủ địa phương, phải đặc biệt quan tâm tới Đông Dương thuộc Pháp.

   Chính phủ Mỹ công nhận chế độ Bảo Đại, không công nhận chế độ Hồ Chí Minh; Pháp yêu cầu viện trợ quân sự. Bộ trưởng Đin-ki-xơn lo ngại về sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á và Đông Âu. Quyết định viện trợ và sau đó Mỹ trực tiếp tham dự vào tấn bi kịch đang phát triển ở Việt Nam” (58).

   Càng viện trợ tiền bạc, súng đạn cho đế quốc Pháp, người Mỹ càng thúc ép Chính phủ Pháp phải thành lập và trao trả “độc lập” cho các dân tộc Đông Dương. Nền “độc lập” của các dân tộc Đông Dương được Pháp trao trả sẽ tạo những điều kiện rất thuận lợi để Mỹ thâm nhập sâu rộng vài thị trường thuộc địa để khai thác tài nguyên. Thời báo New York đăng tin: “Đông Dương là một miếng mồi đáng cho chúng ta đánh một canh bạc to… Ngay trước chiến tranh thế giới thứ hai, lợi tức hàng năm ở Đông Dương cũng đã lên tới 300 triệu đô la” (59).

   Tất nhiên, không phải người Pháp mù mà không thấy thái độ của Chính phủ Mỹ, tờ báo Diễn đàn các dân tộc của Pháp viết: “Từ năm 1950, các công ty Mỹ đã nắm quyền khai thác mỏ đồng, mỏ thiếc ở Lào và Bắc Bộ Việt Nam. Hầu hết những đồn điền cao su của Pháp ở Campuchia và Lào đã bị các công ty Mỹ chiếm đoạt bằng cách mua lại; các công ty Mỹ cũng nắm tới 72% tổng số kim khí khai thác được và nắm độc quyền sử dụng các sân bay và các cửa biển ở Đông Dương” (60), “Mỹ đã lợi dụng việc “viện trợ” về quân sự và tài chính để cướp giật các quyền lợi kinh tế của Pháp ở Đông Dương” (61).

   Tình hình chiến sự 1953 đã gây bất lợi cho người Pháp, nhưng không phải chỉ mỗi mình Pháp lo lắng, người Mỹ cũng rất quan ngại: “1953, hội đồng an ninh quốc gia nhận định: nếu để Đông Dương lọt vào tay cộng sản tất sẽ nguy hiểm tới an ninh của nước Mỹ và bất cứ một ý muốn đàm phán nào cũng có nghĩa là để mất Đông Dương và toàn bộ vùng Đông Nam Á...” (62).

   Chính người Mỹ cũng đã lý giải, việc mất Đông Nam Á thì người Mỹ mất cái gì. Tài liệu mật Bộ Quốc Phòng Mỹ đã giải thích (63):

“…a) Việc để mất bất cứ một nước nào ở Đông Nam Á vì hành động của cộng sản sẽ có những hậu quả tâm lý, chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Trong trường hợp thiếu sự phản ứng có hiệu quả và kịp thời, việc mất bất cứ một nước riêng lẻ nào đó chắc chắn sẽ dẫn tới việc các nước còn lại trong nhóm này quy phục một cách tương đối nhanh chóng hoặc đi theo chủ nghĩa cộng sản.

b) Việc cộng sản kiểm soát toàn bộ Đông Nam Á sẽ làm cho vị trí của Mỹ ở cái mắc xích gồm các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương trở nên mong manh và sẽ phá hoại nghiêm trọng những lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ.

…c) Đông Nam Á, đặc biệt Mã Lai và In-đô-nê-si-a là nguồn chủ yếu về cao su thiên nhiên và thiếc của thế giới, là nơi sản xuất dầu lửa và các mặt hàng chiến lược quan trọng khác. Số gạo xuất khẩu của Miến Điện và Thái Lan hết sức quan trọng đối với Mã Lai, Xây Lan, Hương Cảng và có ý nghĩa lớn đối với Nhật Bản và Ấn Độ, tất cả những khu vực quan trọng của “châu Á tự do”.

d) Để mất Đông Nam Á, đặc biệt là Mã Lai và In-đô, có thể gây ra những sức ép kinh tế và chính trị như vậy ở Nhật Bản sẽ cực kỳ khó khăn trong việc ngăn cản Nhật Bản dàn xếp với cộng sản…”.

   Như vậy, nhận định của Stalin là rất thực tế, rằng sự xuất hiện của các dấu hiệu “Xô viết” tại khu vực Đông Dương sẽ làm tình hình ngày càng phức tạp hơn. Bởi đế quốc Mỹ, đế quốc Pháp sẽ không bao giờ muốn từ bỏ những lợi ích to lớn mà họ khai thác được từ khu vực Đông Dương và toàn bộ Đông Nam Á. Sự tăng cường gia tăng áp lực về quân sự, chính trị, kinh tế của Mỹ lên Đông Dương bắt đầu kể từ tháng 2 năm 1950 đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

   Nhưng quan điểm của Stalin ở đây không chỉ đúng cho giai đoạn kể từ năm 1950 trở đi, giả dụ ngay tại thời điểm 1945, 1946 hoặc 1947, tôi e là vẫn đúng. Sự thiết lập quan hệ Moskva – Hà Nội sẽ không làm gia tăng khả năng thắng lợi của Chính phủ Hồ Chí Minh, ngược lại đế quốc Pháp – Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh của mình ngay lập tức tại Đông Dương nhằm triệt tiêu cái gọi là ảnh hưởng của cộng sản Xô viết trong khu vực. Chúng ta phải nên nhớ người Mỹ muốn mượn tay phong trào giành độc lập dân tộc để suy yếu Pháp nhằm hất cẳng Pháp, nhưng nếu là phong trào giải phóng dân tộc mang xu hướng Cộng sản thì Mỹ và Pháp chắc chắn sẽ hợp tác. Và liệu Chính phủ Liên Xô có thể làm được những gì để giúp đỡ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ bảo vệ nền độc lập của mình?

   Mặc dù tình hình Liên Xô sau chiến tranh thế giới thứ hai không phải là quá tồi tệ, song, họ gần như không đủ thực lực để vươn sự ảnh hưởng của mình đến tận bờ biển Đông. Trước mắt, khoảng cách địa lý là một khó khăn tương đối lớn đối với Liên Xô trong thời điểm này. Hệ thống vận tải đất nước cũng chịu nhiều thiệt hại sau đại chiến thế giới, điều đó sẽ làm tăng khối lượng công việc rất lớn và tốn gấp bội thời gian để vận chuyển hàng hóa đi từ châu Âu sang châu Á, huống hồ chủ yếu vận tải sau chiến tranh là dùng vào việc tái thiết đất nước. Vận tải bằng đường không cũng là chuyện cực kỳ ảo tưởng, lại còn phải bay qua một loạt các quốc gia tư bản. Điều đó thật bất khả thi.

   Thứ hai, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa ra đời trong những năm 1945-1947 khiến cho tình hình “viện trợ” qua nước Trung Quốc đang nội chiến cũng là việc không thể. Đàm phán với Tưởng để cho vận chuyển viện trợ đến Việt Nam cũng bất khả thi vì như chúng ta biết Trung Hoa Dân Quốc dòm ngó một cách thèm khát thế nào đối với Đông Dương và quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa, chưa kể họ cũng cay cú Liên Xô sau khi buộc phải chấp nhận đề nghị của Stalin để Mông Cổ độc lập.

   Thứ ba, Liên Xô cũng không thể đưa quân đội sang Đông Dương để mà giúp các dân tộc Đông Dương giải phóng được. Ngay cả việc đảm bảo hậu cần cho tiền tuyến xa như thế đã là quá sức rồi.

   Tóm lại, nếu công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập quan hệ thì Liên Xô không đủ khả năng để giúp đỡ Việt Nam được. Chúng ta không bao giờ được phép quên nước Cộng hòa Xô viết Hungary bị đế quốc Rumani đàn áp trong bể máu vào năm 1919 như thế nào khi nước Nga Xô viết đang trong tình cảnh vô cùng hiểm nghèo và không trợ giúp được.

   I.V. Stalin không phải là kẻ khờ, người mà buộc Churchill – tay lão làng trong nghị trường tư sản Anh phải nể phục – thì quả thật không phải đơn giản. Ông ta hoàn toàn hiểu rằng bất cứ nơi nào có dấu hiệu Xô viết, nơi đó chắc chắn sẽ bị dòm ngó và các nước đế quốc phương Tây chắc chắn không bao giờ bỏ qua mọi cơ hội để đàn áp các phong trào cộng sản nằm ngoài phạm vi khả năng tiếp ứng của Liên Xô. Huống hồ ý đồ của Roosevelt không phải là Stalin không nhìn thấu trong thời kỳ hợp tác giữa Mỹ và Liên Xô trong khối Đồng minh chống phát xít Đức; không phải không biết rằng lợi ích kinh tế của Mỹ ở Đông Dương trước đại chiến là không hề nhỏ; không phải không thấy thái độ quyết liệt của Roosevelt như thế nào để nhằm hất cẳng Pháp dưới chiêu bài quản trị quốc tế để độc chiếm Đông Dương.

   I.V. Stalin không phải là không biết về các lực lượng tình báo OSS đồn trú ở Côn Minh – Trung Quốc và ngay cả ở khu vực Đông Dương trong những năm thế chiến và hậu thế chiến. Cũng không phải không biết các hành động giám sát của OSS đối với cán bộ tình báo Liên Xô tại Đông Dương khi các cán bộ này đang “tìm kiếm những công dân Liên Xô” lưu lạc vào năm 1946. Việc các cán bộ Xô viết thoát khỏi OSS là một minh chứng rõ ràng cho việc họ nắm vững hệ thống tình báo của Mỹ tại Đông Dương. Cũng không phải không biết OSS bỏ ra rất nhiều công sức nhằm truy tìm mối liên hệ giữa Chính phủ Hồ Chí Minh với Moskva xuyên suốt từ năm 1945-1950.

   I.V. Stalin hoàn toàn thấu hiểu rằng, người Mỹ coi Đông Dương là khu vực lợi ích chiến lược trong không gian hậu thế chiến. Việc không ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh ngay sau đại chiến e rằng “vô tình” lại là có lợi hơn có là hại. Nó đảm bảo rằng người Mỹ sẽ không can thiệp sâu vào Đông Dương bằng sức mạnh kinh tế - chính trị - quân sự của một siêu cường nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại Đông Dương trước hết là vì Mỹ và Pháp đang đối lập nhau về lợi ích tại đây.

   Nếu I.V. Stalin vì những ảo tưởng về lợi ích Xô viết tại khu vực Đông Nam Á và đi những bước đi sai lầm có thể gây nguy cơ đánh mất toàn bộ phong trào cộng sản lớn nhất khu vực này thì đó mới là cái tội của ông ta. Và may mắn thay, I.V. Stalin không ngốc nghếch và duy ý chí.

   Cái tầm của Hồ Chí Minh và Stalin là như thế đấy.

#Gấu
=================================

Chú dẫn tài liệu:

(1) Y.Y. Mikheev, Người Mỹ ở Đông Dương: Phê bình học thuyết và chính sách của Mỹ, 1972, tr.15
(2) S.I. Divilkovsky, I.A. Ognetov, Con đường dẫn đến chiến thắng. Tiểu luận Cuộc đấu tranh cho độc lập, thống nhất hòa bình và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (1945-1976), 1978, tr278.
(3),(8),(10) Pentagon Paper [Past 1] Vietnam and the US, 1940-1950, tr.222; tr.237; 274-275.
(4),(5),(6) W. Duiker, Hochiminh: A life, Hyperion, New York, 2000, tr.695; tr.319, tr.313.
(7) C. Fenn, Hociminh: a biographical introduction, Studio Vista, 1973, tr. 144.
(9) Foreign Relations of the United States, 1946, The Far East, Volume VIII, document 72. The Ambassador in France (Caffery) to the Secretary of State.
(11) D. Anderson, Trapped by Success: The Eisenhower Administration and Vietnam, Columbia University Press, tr.13.
(12) R. Irving, The first Indochina war: French and American policy, 1945-54, Helm, 1975, tr.169.
(13) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941.
(14) Marx – Engels, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Chương 1: tư sản và vô sản
(15) Tehran-Yalta-Potsdam, Collection of documents [ Three conferences of the countries of the anti-Hitler coalition], Relations, 1970, tr.295.
(16) I.A. Ognetov: Hồ Chí Minh đến Moskva từ rừng núi, International Affairs, 2003, số 8 tr.134.
(17) I.A. Ognetov: Các khía cạnh ít được biết đến của quan hệ Việt – Xô, Tạp chí câu hỏi lịch sử, 2001, số 8, tr.137.
(18) Douglas Pike: Vietnam and the Soviet Union Anatomy of an alliance, Westview press, 1987, tr.28-29.
(19) Ghi chú về tình hình của Đảng Cộng sản Đông Dương và tuyên ngôn của Đảng, Cục lưu trữ Liên bang Nga, tài liệu: RASAPI. F. 495. Op. 14. D. 404.
(20) Hồng Hà, Bác Hồ trên đất nước Lê-nin, Nxb Thanh niên, 1980, tr.318-319.
(21),(25),(29) I.A. Konoreva, I.N. Selivanov, Lịch sử và tư liệu về quan hệ Việt – Xô, Nxb Đại học Liên bang Kursk, 2016, tr.188, tr.26.
(22),(30), (33) I.N. Selivanov, Stalin, Hồ Chí Minh và vụ án Trần Ngọc Danh: sự thật, giả thuyết và tư liệu, Đại học Liên bang Kursk, 2014, tr.134, tr.67-68, tr.248.
(23) CIA Library: Soviet Advisors to the Viet Minh.
(24) Vietnam – Vietnam Independence Fight Leaugue, Brief reference, WUA of the Russian Federation. Tài liệu: F.079. Op.2, P.1.D.4.
(26),(27) Kho lưu trữ lịch sử, xã hội và chính trị Nga, Bộ sưu tập 17, kho 128, mục 404.
(28) I.A. Ognetov, Theo con đường Việt Nam, Nhân đạo, 2007, tr.30.
(31),(32) Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (B) Liên Xô, Moskva, 10/1/1950, hồ sơ số 425 (4384-4473). /// Christopher E. Goscha, Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945-1950), Journal of Vietnam Studies, vol.1, nos 1-2 (2006), pp.59-103.
(34) АВП РФ, ф.45, оп.1, д.334, л.16.
(35)Pоссийский государственный архив социальнополитическойистории (РГАСПИ) , ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
(36),(37) РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1.
(38),(39),(40),(41),(42), (45),(46),(47),(48) Hồi ký Trương Quảng Hoa, Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu, số 5, 1999.
(43),(44) Đỗ Hoàng Linh, Chuyến công du ngoại giao bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ANTG số Tết 2010.
(49) Viện Lưu trữ lịch sử chính trị - xã hội quốc gia Nga, phông 82, mục lục 2, hồ sơ 1157, tờ 79-82.
(50) Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г, Жур.Bестник архивиста, №2, 2010, C. 17.
(51) Nguyễn Thành, Quốc tế Cộng sản với vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lê-nin, Hà Nội, 1987.
(52) Hồi ký Lê Quý Ba, Ghi chép thực về việc Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002.
(53) Mác-vin Can, Nguồn g ốc của sự can thiệp, Niu Oóc, 1971, phần mở đầu.
(54),(55),(56) Đỗ Thiện, Đinh Kimh Khánh, Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb Quân Đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.226,tr227.
(57) G. Sê-xnô, Đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Pari, 1955, tr.236.
(58),(62),(63) Tài liệu mật Lầu Năm góc, bản tiếng Anh, Niu Oóc, 1971, tr.2.
(59) Thời báo Niu Oóc, số 12/2/1950.
(60),(61) Tờ Tribune des Nations, số 10/9/1953.