Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

Hoàng Tùng và những lý giải về tư tưởng Hồ Chí Minh

Kiến Thức

- "Kỷ niệm lớn nhất của tôi với Hoàng Tùng đó là năm 2002, trong bài trả lời phỏng vấn đăng báo do tôi thực hiện, lần đầu tiên ông cho phép công bố hai vấn đề quan trọng. Một là, ông khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dân tộc là trên hết. Hai là, ông nói: “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam”.
Ngày 29/6/2010 Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương, nhà lý luận sắc sảo, người tổ chức và quản lý báo chí có năng lực, một trong những người có công đóng góp vào việc đào tạo nhiều nhà báo tên tuổi, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi. Tôi ghi lại những chuyện này như một nén nhang thắp cho ông và cầu cho ông được bình an nơi chín suối - Nhà báo Lê Thọ Bình. Với Bác dân tộc là trên hết Dường như đã thành lệ, hễ cứ tới dịp các ngày lễ lớn như Quốc Khánh 2/9, Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, Cánh mạng Tháng Tám… là tôi lại nghĩ ngay tới nhà báo lão thành Hoàng Tùng. Tôi đã rất nhiều lần, trong nhiều năm, hễ cứ tới dịp này là lại điện thoại cho ông. Ông chưa bao giờ từ chối, nếu sức khỏe cho phép. Được tiếp xúc, trò chuyện với ông tôi học được nhiều điều. Ở ông tôi thu nạp thêm được kiến thức hết sức phong phú về lịch sử, nhất là lịch sử hình thành và phát triển của Đảng ta; sự nghiệp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cả những thăng trầm, uẩn khúc của chặng đường đấu tranh và phát triển của sự nghiệp xây dựng đất nước. Kỷ niệm lớn nhất của tôi với Hoàng Tùng đó là năm 2002, trong bài trả lời phỏng vấn đăng báo do tôi thực hiện, lần đầu tiên ông cho phép công bố hai vấn đề quan trọng. Một là, ông khẳng định với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dân tộc là trên hết. Hai là, ông nói: “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam”. Đây là những vấn đề mà ngày hôm nay chúng ta coi là đương nhiên. Cũng không phải là những vấn đề này trước năm 2000 chưa ai nói tới. Tại các cuộc hội thảo, các tài liệu, sách nghiên cứu đã nói khá nhiều, nhưng đưa lên mặt báo để công chúng rộng rãi tiếp nhận là điều còn rất hiếm. Ông Hoàng Tùng nói: Cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải phóng dân tộc, để dân tộc được độc lập, nhân dân được hạnh phúc và quyền công dân được đảm bảo. Tư tưởng ấy của Người là nhất quán từ khi Người bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng cho tới khi Người nhắm mắt xuôi tay. Cuộc cách mạng của nhân dân ta do Người chủ trương là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đường lối ấy đã được Người xác định từ năm 1932 trong “Đường cách mạng”. Bác nói: “Khi làm cách mạng thắng lợi rồi, tức là khi đã giành được chính quyền thì chính quyền thuộc về số đông, tức là về nhân dân. Còn nếu chính quyền rơi vào tay số ít thì sẽ phải làm lại, hy sinh sẽ phải to lớn hơn”. Từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước Bác đã đặt câu hỏi: Chính quyền là của ai? Nhà nước là của ai? Và Bác trả lời: “Của dân, do dân, vì dân”. Tư tưởng Hồ Chí Minh ngay từ đầu là như vậy. Sau cách mạng Tháng Tám, có lần các phóng viên nước ngoài hỏi Bác về con đường của Bác, tư tưởng của Bác. Bác trả lời: “Hoài bão suốt đời của tôi, mong muốn suốt đời của tôi là dân tộc Việt Nam được độc lập, nhân dân được tự do, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, đều được học hành. Còn về phần tôi, tôi sẽ chọn một nơi có non xanh, nước biếc làm một ngôi nhà nhỏ và bầu bạn với núi non”. Bác Hồ của chúng ta là như vậy. Khi tôi hỏi: “Tôn Trung Sơn có thuyết tam dân: “Dân tộc độc lập, dân sinh hạnh phúc, dân quyền tự do”. Bác Hồ cũng nói con đường cách mạng mà Người lựa chọn là “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Vậy Bác có chịu ảnh hưởng gì thuyết tam dân của Tôn Trung Sơn không”, ông Tùng bảo: “Tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh là “Độc lập, tự do, hạnh phúc”- tức là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Mục tiêu của Tôn Trung Sơn và của Bác là như nhau, nhưng khác ở chỗ cuộc cách mạng của ông Tôn Trung Sơn vẫn là cách mạng tư sản theo kiểu châu Âu “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn thực chất vẫn là chính quyền tư sản. Còn cuộc cách mạng của Hồ Chí Minh là hoàn toàn khác. Chủ trương của Bác là làm cách mạng nhân dân, cách mạng quần chúng, rồi tiến dần lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bác nói là “ta làm từ từ, dần dần. Tiến lên chủ nghĩa xã hội ngay làm sao được với một nước có nền nông nghiệp lạc hậu”. Đảng đại diện cho toàn dân tộc Việt Nam Còn vấn đề mà trước đó đã có nhiều tranh luận, đó là Đảng ta đại diện cho ai? Ông Hoàng Tùng khẳng định: “Ngay từ khi giành được chính quyền Hồ Chí Minh trước sau đều nói: “Hãy giương cao ngọn cờ dân tộc và ngọn cờ XHCN”. Thực ra thì sau này cụm từ XHCN mới được thêm vào. Còn trước đó Bác nói: “Sau khi giải phóng dân tộc xong thì hãy làm cuộc cách mạng quốc tế”. Cho nên cương lĩnh vắn tắt năm 1930 Hồ Chí Minh không nêu rõ về cuộc cách mạng quốc tế. Tức là về chiến lược thì Người nêu đúng như Nghị quyết của đại hội VI Quốc tế công sản, nhưng về sách lược thì người lại chỉ nói hoàn toàn về độc lập và dân tộc. Như vậy, về cơ bản, tư tưởng của Người về Đảng là: Đảng đại diện cho quyền lợi của dân tộc và nhân dân. Trong đó có giai cấp công nhân”. Tôi có hỏi ông Hoàng Tùng là lúc bấy giờ Quốc tế cộng sản nhấn mạnh đảng cộng sản là đại diện cho giai cấp công nhân, vì sao Hồ Chí Minh lại không chủ trương như vậy, thì ông nói: “Ở nước ta lúc bấy giờ, theo số liệu còn lại cho đến nay, chỉ có khoảng 20 vạn người lao động. Trong đó có khoảng 5 vạn người là công nhân cơ khí - thợ máy (lúc ấy gọi là công nhân “áo xanh”), còn lại là những người làm cao su, thợ mỏ, làm phu đồn điền (hay còn gọi là công nhân “áo nâu”). Lúc bấy giờ thậm chí đã có những cuộc tranh luận vô sản nào là cách mạng? Vô sản “áo xanh” hay vô sản “áo nâu”? Tức là tranh luận đảng của ai, đại diện cho ai? Tại Đại hội Đảng năm 1951, tôi có tham dự với tư cách là đại biểu chính thức, chính Hồ Chí Minh đã nêu lên công thức: “Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, nghĩa là của toàn dân tộc Việt Nam”. Về thực tiễn ta cũng thấy rằng, một giai cấp công nhân đang được hình thành và còn rất non trẻ, ít như thế thì không thể đại diện cho cả dân tộc. Mà dân tộc lại mấy nghìn năm chiến đấu. Một nền văn hóa mấy nghìn năm chiến đấu”. Đất và nước Còn một vấn đề quan trọng khác mang tính lý luận, đó là vấn đề cải cách ruộng đất. Ông Hoàng Tùng cho biết: “Về nước năm 1951 Bác đưa ra cương lĩnh “Ba giai đoạn”. Tức là Bác muốn tránh cuộc cải cách ruộng đất khi đang còn tập trung sức lực và của cải cho kháng chiến. Bác nhấn mạnh rằng, đoàn kết dân tộc là điều kiện để đánh thắng đế quốc thực dân. Tuy nhiên người ta lại cho là phải làm cải cách ruộng đất mới có thể đánh thắng đế quốc được. Cụ Hồ nói là Cụ sẽ làm, nhưng là làm theo con đường của ta. Tịch thu ruộng đất của bọn Việt gian và địa chủ phản động chia cho những người không có ruộng, rồi thì sau này cải cách theo con đường dân chủ. Tức là để lại cho địa chủ số ruộng đất như những người khác, còn thì ưu tiên chia cho những người không có ruộng. Ông Cụ chần chừ nhiều lần là cố ý muốn thực hiện thuyết “ba giai đoạn”. Thuyết “ba giai đoạn” là của đồng chí Trường Chinh đưa ra ở Đại hội II là có ý kiến của Bác. Theo thuyết “ba giai đoạn” thì cải cách ruộng đất để sau. Trước hết là làm giảm tô, giảm tức. Năm 1946, họp Xứ ủy, tôi được nghe ông Cụ nói: “Đối với chính quyền cách mạng, những cải cách nhỏ đều có ý nghĩa cách mạng, nhiều cải cách nhỏ cộng lại thành cuộc cách mạng lớn”. Theo Hoàng Tùng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cải cách ruộng đất là việc "cực chẳng đã". Khi không thể từ chối được nữa, Bác mới quyết định phải thực hiện cải cách ruộng đất. Bác viết một bài nhan đề "Đất và nước” kí tên là Lê Đinh, đăng ở tạp chí “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ mới”. Bác nói đại ý : Đất và Nước bao giờ cũng đi liền với nhau, muốn giải phóng nước phải đưa đất cho dân. Bác nói khéo để nói lên việc phải cải cách ruộng đất”. Sau khi những vấn đề này được đưa lên báo đã gây chú ý lớn, nhất là đối với các nhà nghiên cứu. Ông Trần Bạch Đằng nói với Tổng biên tập tờ báo: Các cậu khá thật!”.
 Lê Thọ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét