Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?

Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?

28 Tháng Mười 2015 4:52 CH
NGUYỄN CHÍNH (Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)

Bookmark and Share

Hình ảnh của Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?
Tôi là một nhà báo về hưu, 85 tuổi, mua dài hạn tạp chí Hồn Việt từ mấy năm nay. Tôi đọc Hồn Việt rất đều. Có mấy bài của Hồn Việt về Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tôi đặc biệt chú ý: bài “Huyền thoại kép” Hồ Chí Minh: vinh quang và những hệ lụy của Ngô Trần Đức (Hồn Việt số 81, tháng 5-2014) và Nhận thức về Hồ Chí Minh - những năm tháng gian nan của đất nước của Lê Kỳ Sơn (Hồn Việt số 94 và 95, tháng 7, 8-2015) giúp bạn đọc hiểu thêm về mấy khúc gian nan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy đoạn lịch sử còn chưa được làm rõ đối với quốc dân. Tôi làm báo gần 30 năm, phần lớn tác nghiệp trong lĩnh vực thời sự chính trị, và hồi đầu kháng chiến làm nhân viên văn phòng chủ tịch (không phải ở ngay chỗ ở của Bác) hơn 4 năm trên ATK, mà có chi tiết bây giờ mới biết, đọc đến giật mình. Tôi rất cảm ơn tòa soạn và các tác giả. Cũng mong Hồn Việt sẽ tiếp tục có những bài giá trị về các đề tài kiểu này. Bởi đây không chỉ là những điều ẩn khuất của lịch sử hiện đại Việt Nam, nhiều người tò mò muốn biết đích xác, vả lại mọi con dân nước Việt đều có quyền được biết, mà còn là vấn đề quan điểm, nhận thức về đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.
Tôi có một số ý kiến xin mạo muội đóng góp thêm với tòa soạn và các tác giả.
1. Về vụ Nguyễn Ái Quốc bị “đâm sau lưng”
Có thể nói như vậy về vụ các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập và sau này là Trần Ngọc Danh đã “tố giác” với Quốc tế Cộng sản, với Stalin về các “tội” của Nguyễn Ái Quốc.
Tôi không oán trách gì về Trần Ngọc Danh. Hồi 1948-1949 tôi ở Việt Bắc, đã biết (do nghe hóng hớt và đọc tin, đọc báo chứ không phải được phổ biến chính thức) rằng anh Trần Ngọc Danh, đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris từ 1946 đến lúc đó, chiến tranh đã nổ ra, đại diện ta vẫn hoạt động ở thủ đô địch, nhưng đến một lúc Pháp định bắt anh Danh và dẹp cơ quan đại diện của ta. Anh Danh sợ bị bắt, đã tự ý đóng cửa cơ quan và đem cả vợ con chạy sang Tiệp. Hình như khi ở Tiệp, anh có phát biểu thắc mắc gì đối với Trung ương (tôi mang máng nhớ lúc ấy anh phản ứng về việc ta phát động toàn quốc kháng chiến, cho là hiếu chiến, gây chiến - như luận điệu của Pháp). Về nước, anh bị kỷ luật vì đào nhiệm chạy trốn. Sau đó anh ốm đau và chết. Vụ này tôi cho là bình thường. Anh Danh sai lầm, đã bị xử trí.
Còn ông anh của Trần Ngọc Danh và Hà Huy Tập thì khác. Trần Phú nhân danh ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản về triệu tập Đảng Cộng sản Việt Nam, bỏ các văn kiện thời hội nghị thành lập Đảng, làm đảo chính hạ Ban Chấp hành Trung ương cũ, và cử Ban Chấp hành mới do mình làm Tổng bí thư, rồi đưa ra nghị quyết mới, trong đó có bản cương lĩnh mà ngày nay được đặt lên bàn thờ, coi là bản cương lĩnh đầu tiên do Tổng bí thư đầu tiên của Đảng thảo ra. Có hồi tham gia soạn thảo lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tôi đã nghiên cứu cương lĩnh này, thật ra đó là sự sao chép từ Quốc tế Cộng sản, đậm đặc đấu tranh giai cấp. Đây chính là ngọn đuốc soi đường cho Xô viết Nghệ Tĩnh và theo cá nhân tôi, “tro khói” của nó còn “ám” theo Đảng ta đến tận khởi nghĩa Nam Kỳ, mặc dù đã trải qua mấy năm Mặt trận Bình dân. Chuyện ấy cũng không tính cho hai vị Trần, Hà, bởi đó là lệnh áp đặt của Quốc tế Cộng sản và Stalin. Bên Trung Quốc hồi đó là Tổng bí thư Lý Lập Tam, người được Quốc tế 3 tin cậy, và ông này đã dẫn tới thất bại đẫm máu Xô viết (cũng Xô viết) Quảng Châu; rồi cuộc vây tiễu thứ 5 của Tưởng đánh vào Khu giải phóng Hoa Nam (rất rộng lớn), Đảng Cộng sản Trung Quốc phải bỏ Khu giải phóng, mở cuộc trường chinh thoát hiểm, và trên đường đi đã hạ bệ Lý Lập Tam, mở kỷ nguyên Mao Trạch Đông. Stalin ngậm bồ hòn.
Điều không thể chấp nhận đối với Trần Phú và Hà Huy Tập là các ông đã “kể tội” Nguyễn Ái Quốc bằng cách mật báo cho Moskva, không những nói cái “dân tộc chủ nghĩa” ở Nguyễn mà Stalin đã chú ý và thành kiến, mà còn gieo nghi ngờ rằng Nguyễn đã đầu hàng, chống Liên Xô. Tố giác vào ngay lúc ở Liên Xô đang có cao trào thanh trừng đẫm máu của Stalin, trong đó chính các đồng chí người Nga phụ trách hoặc đồng sự của Nguyễn ở Viện phương Đông và phái đoàn Borodin rồi cũng đều bị bắt, bị giết. Có nghĩa là Trần và Hà quyết đưa Nguyễn vào cửa tử, đúng lúc Nguyễn đang cảnh lao đao lại đâm đầu vào cửa tử đang mở rộng. Sao họ “đâm sau lưng” Nguyễn Ái Quốc như thế? Bởi ý thức bônsêvích hồi ấy? Bởi tư thù? Bởi động cơ địa vị? (không chắc, vì thời ấy Đảng ta - Việt Nam chưa mắc “bệnh” này nhiều, chức trong Đảng càng to thì càng gần máy chém. Vả lại Trần Phú đã là Tổng bí thư rồi kia mà!)…
Tôi thiết tưởng giới sử học ta phải tìm hiểu sâu chuyện này. Nếu bài báo của Hồn Việt phát hiện là đúng, thì phải yêu cầu Trung ương Đảng nói lại rõ ràng. Hai ông Trần, Hà đã hoạt động và kiên cường chống đế quốc thì ta cứ vinh danh như bao liệt sĩ cách mạng khác. Còn cái Cương lĩnh 90 Hàng Bông Nhuộm có giá trị đến đâu thì các sử gia, lý luận gia xem xét kỹ và thẩm định. Riêng việc tung hô các ông ấy là học trò xuất sắc của Bác Hồ thì xin cắn cỏ lạy các vị, nên chấm dứt đi vì nó quá lố bịch! Vinh danh quá đáng, mù quáng Trần Phú và Hà Huy Tập, thật “kính chẳng bõ phiền”!
2. Nhận thức về Hồ Chí Minh - dân tộc/ cộng sản?
Cùng tìm hiểu và phân tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những thời điểm gian khó khắc nghiệt nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của Người, nhưng “Huyền thoại kép...” bàn về tài năng, sự kiên định của Người khi vượt qua những cuộc chiến có khi tới mức “sinh tử” đó, còn “Nhận thức…” của Lê Kỳ Sơn lại có tham vọng đi tới một nhận thức dứt khoát về một huyền thoại của dân tộc bằng cách tìm một cái nhìn thật rộng, thật sâu vào bản chất của vĩ nhân Hồ Chí Minh. Tham vọng quả là quá lớn, e rằng còn rất lâu mới có thể tàm tạm thu lại các đầu mối, chứ chưa nói đến kết luận cuối cùng.
Tôi chỉ xin có một chút ý kiến nông nổi góp với bài báo, chứ không phải góp vào việc thảo luận vấn đề (là chuyện tôi không đủ sức).
Nói chung, tôi hoan nghênh bài “Nhận thức…” của Lê Kỳ Sơn nhưng chỉ đồng tình một nửa. Tôi đồng ý với ông rằng về bản chất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động chính trị có căn cốt dân tộc chủ nghĩa từ đầu chí cuối - Stalin không nhận định sai mà Nguyễn Ái Quốc cũng đâu có chối. Tôi đinh ninh Bác Hồ của thế hệ chúng ta trước sau vẫn mang cốt cách và tâm hồn một ông đồ yêu nước, mà cụ thể hơn, là một ông đồ Nghệ chứ không phải xứ nào khác. Rõ ràng nhờ sự toàn tâm toàn ý với Tổ quốc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam và những người cộng sản Việt Nam đến thắng lợi “cự thế vô song” như Chu Ân Lai thừa nhận. Nhìn rộng ra: cùng thời này, cũng nhờ vững vàng trên cái nền cách mạng dân tộc mà các đảng cộng sản (ĐCS) cũng đã thắng lợi ở Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba(*) (Triều Tiên không tự giải phóng cả 2 lần vào năm 1945 và 1950, nhưng họ đã đứng vững, một phần vì họ tự ái dân tộc rất ghê gớm, không cho ai sai khiến mình; còn Cuba của Fidel vô cùng oanh liệt và đã toàn thắng, một số lần đã cưỡng lại Liên Xô và thành công, có thời Cuba cũng thẳng tay vạch mặt Mao đi đêm với đế quốc Mỹ). Cũng thời ấy, sau thế chiến 2, một số cuộc cách mạng của phái tả nhưng theo lối cũ đã thất bại. Gần ta, cũng vũ trang, có ĐCS Mã Lai, ĐCS Miến Điện; bên trời Âu thì có ĐCS Hy Lạp (Tito vẫn tố chính Stalin phản bội, bỏ mặc cho phản động Hy Lạp được Anh - Mỹ viện trợ dẹp tan cuộc chiến đấu vũ trang của ĐCS Hy Lạp sau thế chiến 2, mặc dù trước đó, chống Hitler, cuộc kháng chiến của ĐCS Hy Lạp đã phát triển rất mạnh, khu giải phóng rộng lắm). ĐCS Pháp và ĐCS Ý trong chiến tranh du kích đóng góp rất anh dũng, gây được thế lực rất mạnh, thế mà sau chiến tranh cũng bị bọn phái hữu dựa thế Mỹ chèn lấn và hất văng khỏi địa vị chính trị vốn áp đảo của mình. Phải chăng vì các đảng ấy quá trung thành với Quốc tế đệ tam nên đã tự “gột sạch chủ nghĩa dân tộc”, rốt cuộc vốn liếng nội lực rỗng tuếch, kẻ địch chỉ đẩy một cái là đã lăn kềnh?
Ông Mao ở Trung Quốc là tay vận dụng “chủ nghĩa dân tộc” bậc thầy. Ông ta đưa ra luận thuyết ba thế giới, gom tất cả các thuộc địa, các nước đang phát triển thành một trong ba phe lớn của thế giới, để thiên hạ tôn ông là “giáo chủ” của phe ấy. Sự đầu tư của chủ nghĩa Mao vào chiêu bài dân tộc chủ nghĩa đã đem lại siêu lợi nhuận, đưa Trung Quốc lên thành siêu cường số 2 khi mà một thế giới trong ba đã bị đổ sập; bây giờ thì hậu duệ của ông ta đã có thể ngang nhiên cho thế giới thấy rõ: “Trung Quốc không bao giờ xưng , chỉ vì ta muốn xưng đế kia!”. Mỹ, Nga, Trung đều đang phát huy “chủ nghĩa dân tộc lớn”.
Dân tộc không chỉ là khái niệm, mà là thực thể trường tồn với lịch sử loài người. Từ chủng tộc, bộ tộc, sắc tộc đến dân tộc, phải thấy dân tộc tồn tại từ khi chưa có giai cấp. Và mãi sau này, không còn giai cấp đi nữa (nếu chủ nghĩa Mác là đúng) thì dân tộc vẫn còn. Bởi vậy trong hoạt động chính trị quốc gia và quốc tế, ai coi nhẹ và bất chấp vấn đề dân tộc sẽ bị thất bại, ai vận dụng tốt nó sẽ có lợi (kể cả Hitler, Hoàng đế Nhật Bản, Gandhi…), miễn đừng lạm dụng quá trớn, quá dại!
Nói đi cũng nên nói lại. Tôi nhớ sau thế chiến 2, có lúc chính Stalin đã nói khác về vấn đề này: Với các ĐCS nước thuộc địa hoặc đang phát triển, “Đảng cộng sản phải nắm lấy và giương cao ngọn cờ dân tộc, biến mình thành dân tộc” (!). Câu này, tôi nhớ đã đọc thấy trong cuốn sách nhỏ Một số vấn đề về kinh tế xã hội chủ nghĩa gồm các bài viết, nói, thư trích của Stalin thời kỳ 1950-1954, nghĩa là không lâu trước khi đại lãnh tụ tạ thế. Tôi không còn giữ tập này, nhưng có lẽ cũng không quá khó kiếm, các vị tác giả bài báo có thể thử tìm xem. Trong tập này còn có một bài Stalin nói về ngôn ngữ học, sau được coi như “Thánh kinh” của ngôn ngữ học Xô viết. Trong đó ngài có phán: “ngôn ngữ không có tính giai cấp”, làm tôi (hồi ấy) vô cùng ngạc nhiên. Sau này trưởng thành hơn, mới biết là trên đời này có vô vàn những thứ không hề có tính giai cấp, mà người ta lại cứ hơi một tí là giở “tính giai cấp” ra, là để dọa anh em, lòe người đời.
Điều tôi bất đồng với tác giả Lê Kỳ Sơn là: bài “Nhận thức…” đã chia Hồ Chí Minh thành hai nửa: yêu nước - cộng sản, riêng biệt nhau, đối lập thậm chí loại trừ nhau. Trong đó phần yêu nước là gốc, là mục đích cao nhất, là tự nguyện, là thật hoàn toàn, còn cộng sản là ngọn, là phương tiện hoặc công cụ ngoại lai, là bề ngoài ngụy trang. Thiện chí của tác giả bài “Nhận thức…” là ở chỗ: tác giả đã giải thích và chứng minh cái thế mắc kẹt của Hồ Chí Minh trong những tình thế gian nan ấy, để mong người đọc sẽ thương cảm và thông cảm với người yêu nước Hồ Chí Minh, càng yêu mến và kính phục về những hy sinh, chịu đựng trùng trùng mà Hồ Chí Minh đã gánh chịu và vượt qua. Nhiệt tình đến mức: bài thơ về mất tự do trong tập Nhật ký trong tù với câu kết “Để người ta dắt tựa trâu bò”, bài thơ Hồ Chí Minh làm trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc năm 1943, đã được dẫn ra để vận vào sự nghiệp cả đời đầy “ràng buộc khắc nghiệt mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã không thể vượt qua”.
Tôi đã nói là chỉ dám phát biểu về bài báo, trong phạm vi ấy thôi. Thì thế này: Trước khi xác định Hồ Chí Minh-cộng sản là thật hay vờ, anh phải tìm xem: đối với Việt Nam, cộng sản có phải toàn là mặt tiêu cực không? Có những tác dụng tích cực gì? Hồ Chí Minh nếu không cộng sản thì sao? Anh sẽ thấy nếu thế thì đã không có Hồ Chí Minh và không có sự nghiệp cách mạng như ngày nay. Việt Nam đã từng có hàng ngàn hàng vạn ông đồ cực kỳ yêu nước, cực kỳ tận tụy hy sinh và không bị kẹt bởi chủ nghĩa nào cả, chỉ vướng cái “chi hồ giả dã” và triều đình ngu tối, chứ không bị giáo lý nào ràng buộc, nhưng chỉ thành nhân và hy vọng thành danh, chứ không ai thành công. Chỉ Nguyễn Ái Quốc thành công, ấy là vì sao, nếu không phải bởi Người đi con đường cộng sản? Mà đã đi con đường ấy một cách giả vờ thì làm sao thành công? Ta cứ ca tụng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, ông tướng cộng sản vờ không có “bất biến” nào mà chỉ toàn “vạn biến” thật giỏi, thì cứ quay tít như con thò lò, hỏi rằng đánh đấm gì?!
Tôi không dẫn chứng gì vì không phải nhà khoa học, nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta bàn luận trên báo phải rất kỹ lưỡng và tôn trọng các sự thật lịch sử bằng cách cố gắng thẩm định chúng cho đến nơi đến chốn.

_____
(*) ĐCS Indonesia cũng rất mạnh, đã ngấp nghé cầm quyền. Sau độc lập ĐCS Indonesia liên minh ủng hộ Sukarno và trở nên một đảng lớn, vị thế áp đảo. Nhưng năm 1965, phái hữu nổi dậy chống Sukarno, ĐCS Indonesia nghe Trung Quốc “xui dại”, làm một cuộc đảo chính non, thất bại, mất sạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét