Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?

Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?

28 Tháng Mười 2015 4:52 CH
NGUYỄN CHÍNH (Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)

Bookmark and Share

Hình ảnh của Nhận thức về HỒ CHÍ MINH - dân tộc hay cộng sản?
Tôi là một nhà báo về hưu, 85 tuổi, mua dài hạn tạp chí Hồn Việt từ mấy năm nay. Tôi đọc Hồn Việt rất đều. Có mấy bài của Hồn Việt về Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tôi đặc biệt chú ý: bài “Huyền thoại kép” Hồ Chí Minh: vinh quang và những hệ lụy của Ngô Trần Đức (Hồn Việt số 81, tháng 5-2014) và Nhận thức về Hồ Chí Minh - những năm tháng gian nan của đất nước của Lê Kỳ Sơn (Hồn Việt số 94 và 95, tháng 7, 8-2015) giúp bạn đọc hiểu thêm về mấy khúc gian nan của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mấy đoạn lịch sử còn chưa được làm rõ đối với quốc dân. Tôi làm báo gần 30 năm, phần lớn tác nghiệp trong lĩnh vực thời sự chính trị, và hồi đầu kháng chiến làm nhân viên văn phòng chủ tịch (không phải ở ngay chỗ ở của Bác) hơn 4 năm trên ATK, mà có chi tiết bây giờ mới biết, đọc đến giật mình. Tôi rất cảm ơn tòa soạn và các tác giả. Cũng mong Hồn Việt sẽ tiếp tục có những bài giá trị về các đề tài kiểu này. Bởi đây không chỉ là những điều ẩn khuất của lịch sử hiện đại Việt Nam, nhiều người tò mò muốn biết đích xác, vả lại mọi con dân nước Việt đều có quyền được biết, mà còn là vấn đề quan điểm, nhận thức về đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.
Tôi có một số ý kiến xin mạo muội đóng góp thêm với tòa soạn và các tác giả.
1. Về vụ Nguyễn Ái Quốc bị “đâm sau lưng”
Có thể nói như vậy về vụ các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập và sau này là Trần Ngọc Danh đã “tố giác” với Quốc tế Cộng sản, với Stalin về các “tội” của Nguyễn Ái Quốc.
Tôi không oán trách gì về Trần Ngọc Danh. Hồi 1948-1949 tôi ở Việt Bắc, đã biết (do nghe hóng hớt và đọc tin, đọc báo chứ không phải được phổ biến chính thức) rằng anh Trần Ngọc Danh, đại diện chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris từ 1946 đến lúc đó, chiến tranh đã nổ ra, đại diện ta vẫn hoạt động ở thủ đô địch, nhưng đến một lúc Pháp định bắt anh Danh và dẹp cơ quan đại diện của ta. Anh Danh sợ bị bắt, đã tự ý đóng cửa cơ quan và đem cả vợ con chạy sang Tiệp. Hình như khi ở Tiệp, anh có phát biểu thắc mắc gì đối với Trung ương (tôi mang máng nhớ lúc ấy anh phản ứng về việc ta phát động toàn quốc kháng chiến, cho là hiếu chiến, gây chiến - như luận điệu của Pháp). Về nước, anh bị kỷ luật vì đào nhiệm chạy trốn. Sau đó anh ốm đau và chết. Vụ này tôi cho là bình thường. Anh Danh sai lầm, đã bị xử trí.
Còn ông anh của Trần Ngọc Danh và Hà Huy Tập thì khác. Trần Phú nhân danh ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản về triệu tập Đảng Cộng sản Việt Nam, bỏ các văn kiện thời hội nghị thành lập Đảng, làm đảo chính hạ Ban Chấp hành Trung ương cũ, và cử Ban Chấp hành mới do mình làm Tổng bí thư, rồi đưa ra nghị quyết mới, trong đó có bản cương lĩnh mà ngày nay được đặt lên bàn thờ, coi là bản cương lĩnh đầu tiên do Tổng bí thư đầu tiên của Đảng thảo ra. Có hồi tham gia soạn thảo lịch sử Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tôi đã nghiên cứu cương lĩnh này, thật ra đó là sự sao chép từ Quốc tế Cộng sản, đậm đặc đấu tranh giai cấp. Đây chính là ngọn đuốc soi đường cho Xô viết Nghệ Tĩnh và theo cá nhân tôi, “tro khói” của nó còn “ám” theo Đảng ta đến tận khởi nghĩa Nam Kỳ, mặc dù đã trải qua mấy năm Mặt trận Bình dân. Chuyện ấy cũng không tính cho hai vị Trần, Hà, bởi đó là lệnh áp đặt của Quốc tế Cộng sản và Stalin. Bên Trung Quốc hồi đó là Tổng bí thư Lý Lập Tam, người được Quốc tế 3 tin cậy, và ông này đã dẫn tới thất bại đẫm máu Xô viết (cũng Xô viết) Quảng Châu; rồi cuộc vây tiễu thứ 5 của Tưởng đánh vào Khu giải phóng Hoa Nam (rất rộng lớn), Đảng Cộng sản Trung Quốc phải bỏ Khu giải phóng, mở cuộc trường chinh thoát hiểm, và trên đường đi đã hạ bệ Lý Lập Tam, mở kỷ nguyên Mao Trạch Đông. Stalin ngậm bồ hòn.
Điều không thể chấp nhận đối với Trần Phú và Hà Huy Tập là các ông đã “kể tội” Nguyễn Ái Quốc bằng cách mật báo cho Moskva, không những nói cái “dân tộc chủ nghĩa” ở Nguyễn mà Stalin đã chú ý và thành kiến, mà còn gieo nghi ngờ rằng Nguyễn đã đầu hàng, chống Liên Xô. Tố giác vào ngay lúc ở Liên Xô đang có cao trào thanh trừng đẫm máu của Stalin, trong đó chính các đồng chí người Nga phụ trách hoặc đồng sự của Nguyễn ở Viện phương Đông và phái đoàn Borodin rồi cũng đều bị bắt, bị giết. Có nghĩa là Trần và Hà quyết đưa Nguyễn vào cửa tử, đúng lúc Nguyễn đang cảnh lao đao lại đâm đầu vào cửa tử đang mở rộng. Sao họ “đâm sau lưng” Nguyễn Ái Quốc như thế? Bởi ý thức bônsêvích hồi ấy? Bởi tư thù? Bởi động cơ địa vị? (không chắc, vì thời ấy Đảng ta - Việt Nam chưa mắc “bệnh” này nhiều, chức trong Đảng càng to thì càng gần máy chém. Vả lại Trần Phú đã là Tổng bí thư rồi kia mà!)…
Tôi thiết tưởng giới sử học ta phải tìm hiểu sâu chuyện này. Nếu bài báo của Hồn Việt phát hiện là đúng, thì phải yêu cầu Trung ương Đảng nói lại rõ ràng. Hai ông Trần, Hà đã hoạt động và kiên cường chống đế quốc thì ta cứ vinh danh như bao liệt sĩ cách mạng khác. Còn cái Cương lĩnh 90 Hàng Bông Nhuộm có giá trị đến đâu thì các sử gia, lý luận gia xem xét kỹ và thẩm định. Riêng việc tung hô các ông ấy là học trò xuất sắc của Bác Hồ thì xin cắn cỏ lạy các vị, nên chấm dứt đi vì nó quá lố bịch! Vinh danh quá đáng, mù quáng Trần Phú và Hà Huy Tập, thật “kính chẳng bõ phiền”!
2. Nhận thức về Hồ Chí Minh - dân tộc/ cộng sản?
Cùng tìm hiểu và phân tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những thời điểm gian khó khắc nghiệt nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của Người, nhưng “Huyền thoại kép...” bàn về tài năng, sự kiên định của Người khi vượt qua những cuộc chiến có khi tới mức “sinh tử” đó, còn “Nhận thức…” của Lê Kỳ Sơn lại có tham vọng đi tới một nhận thức dứt khoát về một huyền thoại của dân tộc bằng cách tìm một cái nhìn thật rộng, thật sâu vào bản chất của vĩ nhân Hồ Chí Minh. Tham vọng quả là quá lớn, e rằng còn rất lâu mới có thể tàm tạm thu lại các đầu mối, chứ chưa nói đến kết luận cuối cùng.
Tôi chỉ xin có một chút ý kiến nông nổi góp với bài báo, chứ không phải góp vào việc thảo luận vấn đề (là chuyện tôi không đủ sức).
Nói chung, tôi hoan nghênh bài “Nhận thức…” của Lê Kỳ Sơn nhưng chỉ đồng tình một nửa. Tôi đồng ý với ông rằng về bản chất Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động chính trị có căn cốt dân tộc chủ nghĩa từ đầu chí cuối - Stalin không nhận định sai mà Nguyễn Ái Quốc cũng đâu có chối. Tôi đinh ninh Bác Hồ của thế hệ chúng ta trước sau vẫn mang cốt cách và tâm hồn một ông đồ yêu nước, mà cụ thể hơn, là một ông đồ Nghệ chứ không phải xứ nào khác. Rõ ràng nhờ sự toàn tâm toàn ý với Tổ quốc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam và những người cộng sản Việt Nam đến thắng lợi “cự thế vô song” như Chu Ân Lai thừa nhận. Nhìn rộng ra: cùng thời này, cũng nhờ vững vàng trên cái nền cách mạng dân tộc mà các đảng cộng sản (ĐCS) cũng đã thắng lợi ở Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba(*) (Triều Tiên không tự giải phóng cả 2 lần vào năm 1945 và 1950, nhưng họ đã đứng vững, một phần vì họ tự ái dân tộc rất ghê gớm, không cho ai sai khiến mình; còn Cuba của Fidel vô cùng oanh liệt và đã toàn thắng, một số lần đã cưỡng lại Liên Xô và thành công, có thời Cuba cũng thẳng tay vạch mặt Mao đi đêm với đế quốc Mỹ). Cũng thời ấy, sau thế chiến 2, một số cuộc cách mạng của phái tả nhưng theo lối cũ đã thất bại. Gần ta, cũng vũ trang, có ĐCS Mã Lai, ĐCS Miến Điện; bên trời Âu thì có ĐCS Hy Lạp (Tito vẫn tố chính Stalin phản bội, bỏ mặc cho phản động Hy Lạp được Anh - Mỹ viện trợ dẹp tan cuộc chiến đấu vũ trang của ĐCS Hy Lạp sau thế chiến 2, mặc dù trước đó, chống Hitler, cuộc kháng chiến của ĐCS Hy Lạp đã phát triển rất mạnh, khu giải phóng rộng lắm). ĐCS Pháp và ĐCS Ý trong chiến tranh du kích đóng góp rất anh dũng, gây được thế lực rất mạnh, thế mà sau chiến tranh cũng bị bọn phái hữu dựa thế Mỹ chèn lấn và hất văng khỏi địa vị chính trị vốn áp đảo của mình. Phải chăng vì các đảng ấy quá trung thành với Quốc tế đệ tam nên đã tự “gột sạch chủ nghĩa dân tộc”, rốt cuộc vốn liếng nội lực rỗng tuếch, kẻ địch chỉ đẩy một cái là đã lăn kềnh?
Ông Mao ở Trung Quốc là tay vận dụng “chủ nghĩa dân tộc” bậc thầy. Ông ta đưa ra luận thuyết ba thế giới, gom tất cả các thuộc địa, các nước đang phát triển thành một trong ba phe lớn của thế giới, để thiên hạ tôn ông là “giáo chủ” của phe ấy. Sự đầu tư của chủ nghĩa Mao vào chiêu bài dân tộc chủ nghĩa đã đem lại siêu lợi nhuận, đưa Trung Quốc lên thành siêu cường số 2 khi mà một thế giới trong ba đã bị đổ sập; bây giờ thì hậu duệ của ông ta đã có thể ngang nhiên cho thế giới thấy rõ: “Trung Quốc không bao giờ xưng , chỉ vì ta muốn xưng đế kia!”. Mỹ, Nga, Trung đều đang phát huy “chủ nghĩa dân tộc lớn”.
Dân tộc không chỉ là khái niệm, mà là thực thể trường tồn với lịch sử loài người. Từ chủng tộc, bộ tộc, sắc tộc đến dân tộc, phải thấy dân tộc tồn tại từ khi chưa có giai cấp. Và mãi sau này, không còn giai cấp đi nữa (nếu chủ nghĩa Mác là đúng) thì dân tộc vẫn còn. Bởi vậy trong hoạt động chính trị quốc gia và quốc tế, ai coi nhẹ và bất chấp vấn đề dân tộc sẽ bị thất bại, ai vận dụng tốt nó sẽ có lợi (kể cả Hitler, Hoàng đế Nhật Bản, Gandhi…), miễn đừng lạm dụng quá trớn, quá dại!
Nói đi cũng nên nói lại. Tôi nhớ sau thế chiến 2, có lúc chính Stalin đã nói khác về vấn đề này: Với các ĐCS nước thuộc địa hoặc đang phát triển, “Đảng cộng sản phải nắm lấy và giương cao ngọn cờ dân tộc, biến mình thành dân tộc” (!). Câu này, tôi nhớ đã đọc thấy trong cuốn sách nhỏ Một số vấn đề về kinh tế xã hội chủ nghĩa gồm các bài viết, nói, thư trích của Stalin thời kỳ 1950-1954, nghĩa là không lâu trước khi đại lãnh tụ tạ thế. Tôi không còn giữ tập này, nhưng có lẽ cũng không quá khó kiếm, các vị tác giả bài báo có thể thử tìm xem. Trong tập này còn có một bài Stalin nói về ngôn ngữ học, sau được coi như “Thánh kinh” của ngôn ngữ học Xô viết. Trong đó ngài có phán: “ngôn ngữ không có tính giai cấp”, làm tôi (hồi ấy) vô cùng ngạc nhiên. Sau này trưởng thành hơn, mới biết là trên đời này có vô vàn những thứ không hề có tính giai cấp, mà người ta lại cứ hơi một tí là giở “tính giai cấp” ra, là để dọa anh em, lòe người đời.
Điều tôi bất đồng với tác giả Lê Kỳ Sơn là: bài “Nhận thức…” đã chia Hồ Chí Minh thành hai nửa: yêu nước - cộng sản, riêng biệt nhau, đối lập thậm chí loại trừ nhau. Trong đó phần yêu nước là gốc, là mục đích cao nhất, là tự nguyện, là thật hoàn toàn, còn cộng sản là ngọn, là phương tiện hoặc công cụ ngoại lai, là bề ngoài ngụy trang. Thiện chí của tác giả bài “Nhận thức…” là ở chỗ: tác giả đã giải thích và chứng minh cái thế mắc kẹt của Hồ Chí Minh trong những tình thế gian nan ấy, để mong người đọc sẽ thương cảm và thông cảm với người yêu nước Hồ Chí Minh, càng yêu mến và kính phục về những hy sinh, chịu đựng trùng trùng mà Hồ Chí Minh đã gánh chịu và vượt qua. Nhiệt tình đến mức: bài thơ về mất tự do trong tập Nhật ký trong tù với câu kết “Để người ta dắt tựa trâu bò”, bài thơ Hồ Chí Minh làm trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc năm 1943, đã được dẫn ra để vận vào sự nghiệp cả đời đầy “ràng buộc khắc nghiệt mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã không thể vượt qua”.
Tôi đã nói là chỉ dám phát biểu về bài báo, trong phạm vi ấy thôi. Thì thế này: Trước khi xác định Hồ Chí Minh-cộng sản là thật hay vờ, anh phải tìm xem: đối với Việt Nam, cộng sản có phải toàn là mặt tiêu cực không? Có những tác dụng tích cực gì? Hồ Chí Minh nếu không cộng sản thì sao? Anh sẽ thấy nếu thế thì đã không có Hồ Chí Minh và không có sự nghiệp cách mạng như ngày nay. Việt Nam đã từng có hàng ngàn hàng vạn ông đồ cực kỳ yêu nước, cực kỳ tận tụy hy sinh và không bị kẹt bởi chủ nghĩa nào cả, chỉ vướng cái “chi hồ giả dã” và triều đình ngu tối, chứ không bị giáo lý nào ràng buộc, nhưng chỉ thành nhân và hy vọng thành danh, chứ không ai thành công. Chỉ Nguyễn Ái Quốc thành công, ấy là vì sao, nếu không phải bởi Người đi con đường cộng sản? Mà đã đi con đường ấy một cách giả vờ thì làm sao thành công? Ta cứ ca tụng “dĩ bất biến ứng vạn biến”, ông tướng cộng sản vờ không có “bất biến” nào mà chỉ toàn “vạn biến” thật giỏi, thì cứ quay tít như con thò lò, hỏi rằng đánh đấm gì?!
Tôi không dẫn chứng gì vì không phải nhà khoa học, nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta bàn luận trên báo phải rất kỹ lưỡng và tôn trọng các sự thật lịch sử bằng cách cố gắng thẩm định chúng cho đến nơi đến chốn.

_____
(*) ĐCS Indonesia cũng rất mạnh, đã ngấp nghé cầm quyền. Sau độc lập ĐCS Indonesia liên minh ủng hộ Sukarno và trở nên một đảng lớn, vị thế áp đảo. Nhưng năm 1965, phái hữu nổi dậy chống Sukarno, ĐCS Indonesia nghe Trung Quốc “xui dại”, làm một cuộc đảo chính non, thất bại, mất sạch.

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Góp thêm tư liệu về cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch" & tác giả Trần Dân Tiên

Góp thêm tư liệu về cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch" & tác giả Trần Dân Tiên

  •   KIỀU MAI SƠN
  • Thứ năm, 31 Tháng 8 2017 14:55
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện”, bản tiếng Trung, in tại Thượng Hải (1949)Cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện”, bản tiếng Trung, in tại Thượng Hải (1949)
Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 340, ra ngày 10/5/2017 có bài “Điểm lại những tác phẩm về Tiểu sử Bác Hồ xuất hiện sau ngày độc lập” của PGS Song Thành (Học viện CTQG Hồ Chí Minh). Trong bài viết của mình, tôi chỉ góp thêm tư liệu để làm rõ thêm những điều xung quanh cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên. Bài viết này chỉ là “góp thêm” để vấn đề được rộng mở hơn.
HOÀN CẢNH RA ĐỜI
Sau khi đánh tan cuộc tấn công của thực dân Pháp lên chiến khu Việt Bắc thu đông 1947, chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành mở rộng quan hệ đối ngoại tạo cuộc đột phá về ngoại giao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng mùa xuân năm 1948 đã được Tổng bí thư Trường Chinh giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn ngoại giao đầu tiên có 10 người, gồm đại biểu các đoàn thể nhân dân… ra nước ngoài để tuyên truyền về đường lối chính sách của Chính phủ kháng chiến Việt Nam DCCH.     Đây là đoàn ngoại giao đầu tiên ra nước ngoài mà không hề có một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nào.
Mười người, đó là:Nguyễn Chương - Ủy viênXứ uỷ Bắc Kỳ (sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); Trần Mai - Phụ trách tỉnh đội dân quân Nghệ An (lấy vợ là Việt kiều Thái Lan); Lê Đức Chỉnh - Cán bộ trung đoàn trưởng (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT); Nguyễn Văn Dậu - Cán bộ trung đoàn trưởng (về sau đi cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sang công tác tại Capuchia, từ đó mất liên lạc); Trần Thanh - Cán bộ sinh viên (giảng viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài); Ngô Điền- Sinh viên (sau này là Đại sứ Việt Nam tại Campuchia); Nguyễn Văn Hướng - Cử nhân khoa học (trước khi nghỉ hưu là Vụ trưởng – Ủy ban Khoa học Nhà nước – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Song Tùng - Đại diện thanh niên khu IV (sau này là Đại sứ Việt Nam tại CHDC Đức); Nguyễn Minh - Công nhân trường Kỹ nghệ thực hành (Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước khi nghỉ hưu); Hoàng Nguyên: Cử nhân Luật (sau này làm Vụ trưởng Bộ Ngoại giao).
Khi đoàn lên đường, đã nhận được một bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như sau:
“Gửi các đồng chí lên đường!
            Một, chúc các đồng chí lên đường, chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió.
            Hai, các đồng chí đi đường sẽ cực khổ, công tác sẽ khó khăn. Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan để tranh thắng lợi.
            Ba, từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho Kiều bào và để giúp họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.
           Bốn, các đồng chí phải: ở trong nội bộ thì thương yêu giúp đỡ nhau, phê bình và học tập nhau. Trong công tác thì cố gắng làm cho đầy đủ nhiệm vụ, làm cho xứng đáng lòng tin cậy của anh em thanh niên, của đoàn thể và của đồng bào.
       Mong rằng các đồng chí sẽ nhớ kỹ những lời thành thật đó, và sẽ làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó.
Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 02 – 1948.
Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Hướng, một thành viên trong đoàn ngoại giao được triệu tập lên Việt Bắc để chuẩn bị lên đường. Ông đến muộn nên đi chuyến sau. Khi đi, có một cán bộ Văn phòng Chủ tịch phủ đã đưa ông cuốn sách được đánh máy trên giấy pơluy bằng tiếng Pháp. Đó chính là cuốn sách sau này được dịch ra tiếng Việt và in trong nước năm 1955 mang tên: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”. Ông Nguyễn Văn Hướng kể lại với người viết bài này: Một số trang đều có bút tích sửa chữa một vài lỗi. Đã được xem trên báo nhiều công văn, chỉ thị hoặc lời kêu gọi của Chính phủ nên ông Hướng rất sung sướng nhận ra:“Đó là bút tích của Bác Hồ”.
BẢN DỊCH TIẾNG ANH CỦA HOÀNG NGUYÊN
Vượt Trường Sơn sau bao ngày gian khó, lần lượt qua Pắc xan, Bôrikhan – ta thường gọi là Bùng Càn, Băng Cốc (Thái Lan), Đoàn đến Miến Điện (nay gọi là Myanma). Tại thủ đô Ranggun, có một cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam DCCH do bác sĩ Trần Văn Luân, một đồng chí Nam Bộ, đứng đầu. Mỗi thành viên trong Đoàn đều nhận công tác mới. Ông Hoàng Nguyên – cũng là một thành viên trong Đoàn - được cử làm Giám đốc Phòng thông tin Việt Nam do chính phủ Miến Điện cho phép thành lập. Nhiệm vụ của Phòng là thu thập thông tin thế giới gửi về trong nước đồng thời phát hành các bản tin tuyên truyền cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ngoài các bản tin ra đều đặn gần như hàng tuần, Phòng thông tin Việt Nam còn ra những cuốn sách nhỏ. Trong đó có hai cuốn nguyên văn tiếng Pháp, đó là: “Cuộc tiến công lên Việt Bắc”, trình bày rõ kế hoạch và sự thất bại của thực dân Pháp. Và cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” tác giả Trần Dân Tiên.
Sau ngày kháng chiến toàn quốc từng làm Trưởng phòng báo chí Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Nguyên nhận ra ngay cuốn sách rất có lợi đối với công tác tuyên truyền đối ngoại. Trong khi viết bài tuyên truyền, những tin tức thế giới thu thập được làm ông trăn trở. Thế giới biết rất ít thông tin về Việt Nam. Ngay Liên Xô trong công tác tuyên truyền quốc tế về Việt Nam và Đông Dương cho thấy: từ năm 1935 – 1940 xuất bản 27 cuốn sách và bài báo, năm 1941 – 1945 chỉ có 7 và những năm 1945 – 1947 chỉ có 4. Những bài viết về châu Á trong năm 1946 – 1947 chỉ có 1 bài nói về Việt Nam, trong khi đó có 10 bài nói về Trung Quốc, 9 bài nói về Triều Tiên, 11 bài nói về Nhật Bản. Năm 1948 không có bài nào nói về Việt Nam (Nguồn: Tài liệu trường ĐH Washington, Servic de traduction de la presse russe).
Các nước đế quốc tư bản chủ nghĩa thời đó, dùng nhiều mánh khoé xuyên tạc về cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nước Mỹ trong chiến tranh thế giới từng được Việt Minh giúp đỡ ở chiến khu. Nhưng khi Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam là Hồ Chí Minh tám lần gửi điện văn công hàm đến Tổng thống Mỹ Truman, với đề nghị lập được mối quan hệ liên lạc thường xuyên, chính thức hay không chính thức với Chính phủ Mỹ, cả tám lần đều không có câu trả lời, dù là một tín hiệu nhỏ nhoi cho biết họ đã nhận được các bức điện đó.
Các Đảng Cộng sản châu Âu hoài nghi đường lối cách mạng Việt Nam. Họ thắc mắc vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố tự giải tán (11/11/1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện cho người đứng đầu Chính phủ Liên Xô các ngày 22/9/1945, 21/10/1945, tháng 9/1947 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch - Đặc phái viên của Hồ Chủ tịch – sang Thuỵ Sĩ để gặp một phái viên của Chính phủ Xô Viết. Ông còn mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Xtalin yêu cầu Liên Xô đưa vấn đề xung đột Pháp – Việt ra Liên Hợp Quốc… Nhưng tất cả đều không có lời đáp …Việt Nam bị cô lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, được coi là một nhà dân tộc chủ nghĩa.
Làm việc trên gác ngôi nhà gỗ, là trụ sở Phòng thông tin Việt Nam, tại đường Boundary Road, ông Hoàng Nguyên bắt tay vào dịch sách từ tiếng Pháp sang Anh ngữ. Ở Băng Cốc (Thái Lan) ông đã say mê cuốn này vì tư liệu phong phú về cuộc đời Hồ Chủ Tịch. Qua từng trang sách, chân dung người cầm lái con tàu cách mạng Việt Nam hiện lên gần gũi như mọi người bình thường nhất từ thuở Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh. Tất cả đều từ hai bàn tay lao động cùng với sức sáng tạo của trí tuệ mà ra. Chứ không phải như khi học trường Bưởi, thế hệ của ông được nghe những lời rỉ tai về Nguyễn Á Quốclà một nhà cách mạng xuất quỷ nhập thần, chu du bốn biển, mật thám Pháp – Anh không tài nào bắt nổi. Có cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hồi đó còn tạo ra nhân vật Nguyễn Ái Quốc võ nghệ siêu quần, anh hùng hảo hán… Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” nghệ thuật viết truyện của Trần Dân Tiên dí dỏm đã cuốn hút ôngDồn cả tâm sức vào cuốn sách, ông Hoàng Nguyên dịch say sưa, cẩn thận, tỉ mỉ. Những chỗ nào còn chưa chắc chắn về thuật ngữ tiếng Anh, ông trao đổi cùngmột đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản người Ấn Độ tên là Valeju sống trong cơ quan như mọi người Việt Nam khác.
Khi bản thảo hoàn chỉnh, ông Valeju giúp đỡ hiệu đính lại lần cuối cùng. Bản dịch Anh ngữ của ông Hoàng Nguyên lập tức được phổ biến ra nhiều nơi khác.
Cùng với bản dịch tiếng Trung tại Thượng Hải - Trung Quốc, bản dịch tiếng Thái và tiếng Việt tại Thái Lan… “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” làm tài liệu nền tảng cơ sở vững chắc trả lời câu hỏi thắc mắc của thế giới về Việt Nam.

CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY
Đó là một trang giấy đánh máy viết ngày 24/9/2002 của ông Hoàng Nguyên. Thời gian này, ông đang tập trung viết hồi ký về Hội nghị Genève nhân kỷ niệm 50 năm hội nghị này (1954 - 2004). Những năm trước khi ông Hoàng Nguyên qua đời (2007), tôi có vài dịp qua thăm ông. Kể cả khi ông mất, tôi vẫn giữ liên hệ với gia đình. Tư liệu này do bà Ngô Thị Mỹ Văn, vợ ông Hoàng Nguyên cung cấp cho tôi. Ông Hoàng Nguyên viết về cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”như sau:
Về cuốn sách“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên
“Đó là vào đầu năm 1948. Nhà nước Việt Nam DCCH mới thành lập, đã phải lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Trên thế giới, rất ít người biết về nước Việt Nam mới và về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy phải giới thiệu về nước Việt Nam cách mạng và về vị lãnh tụ của nước đó.
Nhằm mục đích đó, Tổng bí thư hồi đó là đồng chí Trường Chinh đã phái một đoàn anh em thanh niên đi ra nước ngoài, theo hướng sang Thái Lan, để làm “ngoại giao nhân dân”. Và có lẽ cũng nhằm mục đích đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho viết cuốn sách nói trên để giới thiệu và nói qua về những công việc cách mạng mà mình đã làm.
Tôi, Hoàng Nguyên, là nằm trong số anh em được đồng chí Trường Chinh lựa chọn đi làm “ngoại giao nhân dân” và đồng chí Nguyễn Văn Hướng cũng nằm trong số đó. Trước hết, tôi là người đã chờ tại một nơi gần nhà ở của Hồ Chủ Tịch tại an toàn khu (ATK) để đợi Người làm xong cuốn sách đó, thì sẽ mang đi ra nước ngoài. Nhưng vì có một việc gì đó, không đợi lâu được, cho nên đồng chí Nguyễn Văn Hướng đã thay tôi đợi. Sau chính đồng chí Nguyễn Văn Hướng là người cầm cuốn sách đó đưa sang Băng Cốc, và cuốn sách lập tức được dịch từ tiếng Pháp - vì Hồ Chủ Tịch đánh máy cuốn sách đó bằng tiếng Pháp - sang tiếng Thái và tiếng Việt để phổ biến cho người Thái và Việt kiều. Sau tôi (Hoàng Nguyên) đã đưa bản tiếng Pháp sang Rangoon, là nơi tôi được cử sang làm tuyên truyền đối ngoại tại Phòng Thông tin trực thuộc Cơ quan đại diện của ta do bác sĩ Trần Văn Luân làm thủ trưởng. Tại Rangoon, tôi đã bắt tay vào dịch cuốn sách sang tiếng Anh, với sự hiệu đính của một người Ấn Độ làm việc tại cùng cơ quan, là anh Valenju. Sau khi có bản Anh văn, cuốn sách đã được gửi sang Praha - Tiệp Khắc, là nơi ta cũng có một cơ quan đại diện, để nhân lên và phổ biến ra nhiều nơi khác trên thế giới.
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên,
bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn nghệ (1955)

MẠN ĐÀM VỀ BẢN THẢO CUỐN SÁCH
Như vậy, qua những tư liệu nói trên của Nhà ngoại giao Hoàng Nguyên (1924 – 2007), chúng ta thấy đã có nhiều bản dịch cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”ký tên tác giả Trần Dân Tiên. Nguyên bản cuốn sách viết bằng tiếng Pháp. Sau đó, cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và tiếng Thái để phổ biến cho Kiều bào ở Thái Lan, dịch sang tiếng Anh để làm đối ngoại ở châu Âu…
PGS.TS Đức Vượng trong nghiên cứu của mình cũng xác nhận tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản thảo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp. Ông Đức Vượng còn cho biết thêm: Bản dịch sang tiếng Việt nhan đề: “Tiểu sử Hồ Chí Minh” do Xuân Hiên dịch vào khoảng từ năm 1945 đến năm 1947. Năm 1948, tác phẩm này được Valenju, chuyên gia tiếng Anh, dịch sang tiếng Anh và được phát hành tại nước ngoài. Tiếp đó, vào năm 1949, tác phẩm được dịch sang tiếng Trung Quốc, do Bát nguyệt san xã xuất bản tại Thượng Hải.
Nội dung bản tiếng Trung được in ở Thượng Hải năm 1949 có những đoạn và có chương không có trong bản tiếng Việt in tại Việt Nam năm 1955 mà tôi sẽ dẫn ở phần kết của bài viết này.
Năm 1955, Nhà xuất bản Văn nghệ xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Việt. Sau đó, tác phẩm này được tái bản nhiều lần.Tiếc rằng, với ấn phẩm có trong tay, tôi không tìm được những thông tin về số lượng in hay nơi in cuốn sách này cùng những người chịu trách nhiệm cho ra đời cuốn sách. Song, ngay trong Lời Nhà xuất bản đề tại Hà Nội, tháng 8/1955 đã viết rõ: “Nhà xuất bản Văn nghệ nhận được tập bản thảo của ông Trần Dân Tiên nhan đề “Những mẩu chuyện  về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, viết năm 1948. Như lời thanh minh của tác giả: tập bản thảo này không phải là một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, mà chỉ là một “quyển chuyện giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nước Việt Nam DCCH”.
Ấn hành cuốn sách, Nhà xuất bản Văn nghệ hy vọng “nó sẽ góp một phần nhỏ vào việc biên soạn một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch và đáp ứng một phần nào lòng mong mỏi của đồng bào ta”.
Cuốn tiểu sử Hồ Chủ tịch đã được Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1960.
Về tên tác giả cuốn sách, PGS.TS Đức Vượngcho biết: “Theo ông Vũ Kỳ, tên tác giả là Trần Dân Tiến chứ không phải Trần Dân Tiên. Ông giải thích rằng “Dân Tiến” là “dân tiến lên”. Nhưng các lần xuất bản đều ghi là Trần Dân Tiên, không thấy bản in nào ghi là Trần Dân Tiến”.
Còn người viết bài này, cũng được Nhà văn Sơn Tùng khi còn khỏe, trong dịp trao đổi, đã dặn dò: Tên tác giả là Trần Dân Tiến, nhưng khi đưa bản thảo do bị mờ nên khi in bị mất dấu sắc, mà thành Trần Dân Tiên. “Trần mà như thế kém gì tiên”, cũng là một cái tên có ý nghĩa – Nhà văn Sơn Tùng giải nghĩa.
Vậy tác giả Trần Dân Tiên là ai? Điều này còn có những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng đây chính là một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS.TS Đức Vượngkhẳng định đây không phải bút danh của Hồ Chí Minh.
“Qua nghiên cứu và đối chiếu với nhiều loại văn bản, chúng tôi cho rằng, tác phẩm này do Hồ Chí Minh kể, còn người ghi là một số người giúp Bác trong công việc soạn thảo văn bản hồi năm 1945 – 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Có người đưa ra tên của những người ghi là Phan Mỹ, Hoàng Minh Giám, Trần Đình Long, Vũ Kỳ… Người (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh – KMS) có viết thêm vào một số đoạn”
Ông Đức Vượng còn dẫn chứng thêm: “Trong bài “Hồ Chí Minh – Đời riêng” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đăng trên báo Nhân Dân, số xuân Tân Mùi – 1991 – không thấy nói gì đến tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” và tác giả Trần Dân Tiên” [1].

BẢN DỊCH TIẾNG TRUNG IN TẠI THƯỢNG HẢI (1949)
Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh truyện” (Tiểu sử Hồ Chí Minh) của tác giả Trần Dân Tiên do Trương Niệm Thức dịch sang tiếng Trung Quốc, in bằng chữ Hán (riêng tên tác giả bằng chữ Việt), Bát nguyệt xuất bản xã, Thượng Hải, tháng 6-1949, chương 27 không có trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, bản tiếng Việt (Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955).
Chương này có tên “Những người khách Mỹ của Cụ Hồ trước Cách mạng tháng Tám”. Dưới đây, tôi xin trích một đoạn trong chương 27 qua bản dịch của dịch giả Phác Can - bút danh của PGS Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để khép lại bài viết này.
“Thiếu tá Tô-mát dẫn toán của anh và các chiến sĩ tình nguyện thuộc quyền anh ở lại cơ sở làm việc. So với người Mỹ, Tô-mát là người gầy bé. Nhưng anh ta là người làm việc không biết mệt mỏi, suốt ngày sục trong rừng, kiểm tra đường sá, nghiên cứu sân bãi, hoặc giảng bài quân sự cho các thanh niên “Việt Minh”. Có lúc anh mạo hiểm đi đến gần trạm gác của quân Nhật, khiến các chiến sĩ tình nguyện “Việt Minh” phải buộc anh lui về.
“Nếu các anh gặp chuyện gì không may, thì chúng tôi biết thưa với cụ Hồ Chí Minh, lãnh tụ của chúng tôi như thế nào?” Người thanh niên cùng đi nói với anh.
“Cho tôi đi tới thêm một chút nữa thôi”. Viên thiếu tá nài nỉ. “Cả các anh và tôi chúng ta đều giấu cụ Hồ Chí Minh, không nói gì về việc này”.
Người Mỹ và người Việt Nam trở thành những đôi bạn rất thân thiết, họ chung sống với nhau rất hữu nghị, sánh vai nhau làm việc. Những lúc nghỉ ngơi, họ thảo luận với nhau đủ mọi vấn đề, đặc biệt là thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế. Cụ Hồ Chí Minh nói rằng Cụ rất khâm phục và tôn kính tổng thống Ru-dơ-ven. Khi tổng thống Ru-dơ-ven tạ thế, tất cả các báo chí bí mật của “Việt Minh” đều có đăng tiểu sử của tổng thống, các nơi đều tổ chức lễ tưởng niệm. Tổng thống là người bạn vĩ đại của các dân tộc bị áp bức, cái chét của tổng thống khiến dân tộc Việt Nam thương tiếc một cách sâu sắc. Cụ Hồ Chí Minh nói:
“Đó là một bậc vĩ nhân có dũng khí vĩ đại, ông ta dám nói dám làm”.
Cụ Hồ Chí Minh rất bận, hằng ngày việc liên lạc với những người khách Mỹ của Cụ cần rất nhiều thì giờ. Người Nhật ở cách Bộ tư lệnh của Cụ không xa, có thể nghe thấy tiếng súng, lúc nào cũng có thể bị đánh úp. Đại hội đại biểu của “Việt Minh” sắp họp. Không những thế, Cụ lại bị ốm: làm việc nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá và đi nhiều quá.
Để giúp Cụ lấy lại sức khỏe, những người bạn Mỹ của Cụ khuyên Cụ ăn những thứ đồ hộp được chở tới bằng máy bay…/.


[1]PGS.TS Đức Vượng: Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài, NXB Chính trị Quốc gia, 2010, tr. 20.

Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Người giữ sổ tiết kiệm của Bác Hồ

Người giữ sổ tiết kiệm của Bác Hồ

Người giữ sổ tiết kiệm của Bác Hồ
Mười một năm ông được trực tiếp phục vụ Bác Hồ, trong đó nhiều năm là Trưởng phòng văn thư của Văn phòng Phủ Chủ tịch. Sau khi Bác Hồ mất, cũng chừng ấy năm ông là Thư ký riêng của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Nhưng có một điều ít người được biết về ông: Ông là người đứng tên “Lê Hữu Lập” trên Sổ tiết kiệm của Bác Hồ, lo nhiều việc chi tiêu của Bác do chính Bác giao.
Ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20 m2 của gia đình, ở sâu trong một ngôi nhà có nhiều hộ trên phố Hàng Chuối, Hà Nội. Căn phòng giản dị, có cả một chiếc gác xép lửng giữa phòng, như thường thấy trong nhiều căn hộ tập thể ở Hà Nội. Bộ salon tiếp khách đã cũ, cùng kiểu dáng, kích cỡ với các bộ salon mà nhiều gia đình ở Hà Nội đã sử dụng cách đây hơn mười năm.
Đã ở tuổi gần 90 nhưng sức khoẻ của ông còn tốt, nhất là ông còn rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết trong từng câu chuyện kể với tôi về những năm tháng được phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn. Có nhiều chuyện ông kể tôi đã được đọc đâu đó trong sách báo, nhưng có những chuyện lần đầu tiên tôi được nghe, được biết.
Hai lần nhận nhiệm vụ đặc biệt
Sau mấy năm học ở trường trung học tư thục Thăng Long, Hà Nội, nơi có các thày giáo nổi tiếng như Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp…giảng dạy, do gia đình đông anh em, cậu học sinh Lê Hữu Lập đành phải bỏ dở việc học hành, lên Thái Nguyên giúp việc cho một người bà con trong họ làm ăn, buôn bán. Năm 1941, chàng thanh niên Lê Hữu Lập lấy vợ, lại là con cả nên theo lời cha, anh rời Thái Nguyên trở về quê ở Nam Trực, Nam Định làm ruộng và lo việc “thờ cúng tổ tiên”. Thời gian đó, anh càng thấy rõ cảnh khổ cực của bà con nông dân, tận mắt chứng kiến nạn đói thê thảm năm 1945 ở quê nhà. Vì thế, khi Cách mạng Tháng 8-1945 bùng nổ, ông hăng hái tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền ở quê, được kết nạp vào Đảng, rồi làm Bí thư Chi bộ Tiểu khu Nam Trực.
Giữa năm 1947, ông Lê Hữu Lập rời gia đình đi kháng chiến. Hết làm cán bộ Văn phòng Tỉnh uỷ Thái Nguyên, cán bộ Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, Hiệu trưởng Trường Đảng Hoàng Văn Thụ ở Việt Bắc, ông lại được cử đi tham gia phát động quần chúng đóng thuế nông nghiệp ở tỉnh Hoà Bình, rồi được chọn đi học một ngành hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ nghĩ tới: ngành cơ yếu! Đầu năm 1952, học xong, lần đàu tiên ông Lê Hữu Lập nhận một nhiệm vụ đặc biệt: về làm công tác cơ yếu tại Văn phòng Trung ương Đảng. Ông là Bí thư Chi bộ đầu tiên của đơn vị cơ yếu này kể từ ngày thành lập…
Năm 1958, khi Bác Hồ cần một cán bộ tin cẩn đã qua công tác cơ yếu để phụ trách Phòng văn thư của Bác, lần thứ hai ông nhận nhiệm vụ đặc biệt: làm Trưởng phòng văn thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuốn Sổ tiết kiệm và tấm lòng của Bác Hồ
đối với người thân và với người dân bị oan
Tháng 7-1958 ông Lê Hữu Lập chính thức được chuyển sang làm việc tại Văn phòng của Bác Hồ. Thời gian này Bác Hồ mới sang ở nhà sàn, xây dựng xong ngày 19-5-1958. Văn phòng của Bác lúc đó rất ít người, ngoài ông Vũ Kỳ là Thư ký riêng của Bác, đồng thời là Chánh Văn phòng, chỉ có ông Lê Hữu Lập là Trưởng phòng, ông Cù Văn Chước là Phó phòng văn thư, ông Trần Văn Vượng đánh máy và một vài anh em nấu ăn, lái xe, cần vụ… Công việc chính của ông Lập là tiếp nhận và trình Bác những công văn, thư từ, báo chí gửi Bác; trình ký những Sắc lệnh, Thư uỷ nhiệm ngoại giao, các hồ sơ khen thưởng…Báo chí gửi đến, kể cả các báo địa phương, Bác thường đọc rất kỹ, đánh dấu hoặc ghi ý kiến vào những bài báo đáng chú ý, gửi tặng Huy hiệu của Người cho những người làm việc tốt mà báo chi nêu gương. Sau này, khi tuổi Bác ngày một cao, để bảo vệ đôi mắt cho Người, từ năm 1962 ông Lập được giao cùng ông Chước tổng hợp tin tức, lựa chọn tin, bài trên các báo, mỗi ngày hai lần vào đầu giờ buổi sáng và buổi tối trước khi Bác nghỉ, đọc cho Bác nghe…
Ông là người được giao đứng tên “Lê Hữu Lập” trên cuốn Sổ tiết kiệm của Bác, gửi ở một Quầy (Quỹ) Tiết kiệm trên phố Hàng Gai, Hà Nộị Tiền tiết kiệm của Bác được dành dụm từ tiền lương hàng tháng còn lại sau khi trừ mọi chi tiêu, sinh hoạt và là tiền nhuận bút Bác viết bài cho báo Nhân Dân. Dịp Bác đi dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác được Đảng bạn tặng một số tiền, Bác dặn nhập số tiền đó vào quỹ của Đảng, không để vào Sổ tiết kiệm của Người. Bác thường dùng tiền tiết kiệm để mua quà tặng các đơn vị bộ đội hoặc chi tiêu vào những việc cần thiết. Có lần đi công tác về, thấy bộ đội phòng không trực chiến dưới nắng chói chang của mùa hè, Bác nói ông Lập rút tiền trong Sổ tiết kiệm trao cho Bộ Quốc phòng làm quà, mua nước giải khát cho anh em…
Khi được tin ông Nguyễn Sinh Mợi, người anh em thúc bá bị đau nặng, Bác Hồ tự tay viết thư gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:
“Thân gửi đồng chí Võ Thúc Đồng
Được tin cụ Mợi đau nặng, tôi không có điều kiện về thăm nom chăm sóc. Tôi nhờ đồng chí giúp đỡ chữa chạỵ Tôi cảm ơn. Thân ái”.
Bác giao ông Lập cầm bức thư vào Vinh đưa tận tay đồng chí Võ Thúc Đồng, Bí thư Tỉnh uỷ. Khi biết cụ Mợi không qua khỏi, Bác cho gọi anh Nguyễn Sinh Định, con trai cụ Mợi, cán bộ Uỷ ban hành chính Hà Nội, cùng các con vào chỗ Bác. Bác dặn ông Lập rút từ Sổ tiết kiệm của Bác 200 đồng (tương đương nửa tấn gạo) để giúp lo liệu công việc cho cụ Mợi. Sau nhiều năm phục vụ Bác, lần đầu tiên ông Lập được chứng kiến các cháu gọi Bác bằng ông, bằng chú, thân mật như trong một gia đình. Nhìn ông cháu ân cần, âu yếm bên nhau, ông Lập thật sự xúc động. Ông biết nhiều khi vì công việc chung Bác phải nén tình cảm riêng. Bác muốn họ hàng và cả quê hương tự mình phấn đấu vươn lên, không dựa dẫm, đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi…
Bác lo nhiều công việc lớn, nhưng không bỏ qua những việc nhỏ, nhất là những lời kêu oan của người dân. Đọc thư gửi lên Bác, ông Lập phải đọc thật kỹ, báo cáo với Bác từng trường hợp người dân viết thư gửi Bác để cầu cứu. Có lần nhận được lá thư của ông K., một trí thức giỏi tiếng Pháp, làm ở một nhà xuất bản ở Hà Nội, kêu cứu Bác vì bị xử tù oan về tội hiếp dâm con gái! Bác giao ông Lập báo cáo ông Vũ Kỳ rồi đi gặp các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu kiểm tra, xem xét việc này, báo cáo Bác. Có một điều khá lạ, là khi đọc hồ sơ vụ án, ông Lập không hiểu hai chứ “ổi tiết” ghi trong bản án là gì, phải hỏi một vị luật sư danh tiếng làm việc ở Toà án Nhân dân Tối cao lúc đó, mới được giải thích rằng, đó là “có hành động bỉ ổi xâm phạm tiết hạnh con gái”(!). Kết quả sự việc sau khi các cơ quan có trách nhiệm điều tra, xem xét cho thấy ông K. bị xử tù oan vì bị vu khống. Sau 9 tháng bị tù oan, ông K. được trả lại tự dọ Ngày ra tù, vợ chồng ông tìm đến nhà ông Lập cảm ơn và chỉ có một lời thỉnh cầu là nhờ ông Lập thưa lại với Bác Hồ lòng biết ơn vô hạn của ông bà trước tấm lòng bao dung của Người!
Một chút băn khoăn
Mười một năm trực tiếp phục vụ Bác Hồ và cũng chừng ấy năm làm Thư ký riêng của Bác Tôn, ông Lê Hữu Lập học tập ở hai vị Chủ tịch nước nhiều đức tính tốt đẹp, thấy cả hai Bác tuy vĩ đại nhưng lại rất giản dị, luôn gần gũi mọi người, mọi việc lớn nhỏ đều vì nước, vì dân. Chính vì thế, khi trò chuyện với tôi, ông Lập không khỏi băn khoăn khi biết có người không hiểu Bác đã thần thánh hoá Bác và có người, do quá yêu qúy Bác, đã tưởng tượng ra những chuyện không có thật mà ông biết.
Ông là người từng được chứng kiến những giây phút Bác trầm ngâm khi nghe ông đọc cuốn truyện Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận, thấy Bác vẫn thư thái, ung dung dạo bộ sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về “Sự kiện Vịnh Bác bộ” năm 1964 khi sự việc vừa diễn ra, thấy Bác “cười chảy nước mắt” khi nghe ông đọc một mẩu chuyện vui trên báo…Tuy là lãnh tụ, nhưng Bác cũng là một con người, cũng có những thú vui và thói quen bình thường như những người bình thường khác, chứ không phải là một ông thánh, xa lạ với đời sống con người!
Biết Bác hút thuốc lá nhiều là hại sức khoẻ, nhưng các bác sĩ ở Hội đồng bảo vệ sức khoẻ không ai nỡ khuyên Bác bỏ thuốc lá vì đó là thú vui riêng từ hàng chục năm của Bác, có lẽ là từ hồi Bác còn trẻ. Thấy Bác ho nhiều, các bác sĩ chỉ khuyên Bác nên bớt hút thuốc lá. Nhưng tự Bác đã bỏ thuốc, một việc không dễ, nhất là đối với một người quen hút từ nhiều năm, lại thường ngồi làm việc một mình. Bác còn có một thói quen là gần cuối giờ làm việc buổi sáng thường uống một tách cà phê nóng.
Một hôm, ông Lập làm việc với Bác, như thường lệ, gần trưa, khi anh em phục vụ đưa cà phê vào, Bác đẩy tách cà phê sang ông Lập và nói:
– Chú uống đi!
Ông Lập không dám, thưa lại với Bác:
– Dạ, để mời Bác uống.
Bác nhìn ông Lập, ân cần:
– Uống cà phê Bác lại nhớ thuốc lá. Thôi, chú cứ uống đi!
Sau mấy chục năm rồi ông Lập vẫn còn nhớ cảm giác của mình lúc đó: uống tách cà phê của Bác mà cảm thấy vị cà phê như đắng hơn!
Mười một năm thường xuyên có mặt trong nhà sàn của Bác, quen thuộc từng đồ vật trong phòng, ông Lập chưa bao giờ có cảm giác nhà sàn của Bác “lộng gió bốn phương” và chưa bao giờ thấy trong phòng làm việc, phòng khách và cả trong phòng nghỉ của Bác có cắm hoa huệ. Nhà sàn của Bác làm bằng gỗ mỏng, khuất trong khu vườn bách thảo nên bí, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Đầu giường Bác có một chiếc quạt lá cọ, không phải để phòng mất điện vì đã có máy nổ dự phòng. Mùa hè, Bác không để quạt chạy liên tục. Bác bảo “máy cũng phải nghỉ mới bền lâu”. Còn ông Lập thì nghĩ, Bác dùng quạt lá cọ vì Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân khi đó còn rất khó khăn, thiếu thốn!
Trên bàn làm việc của Bác thường có một chiếc đĩa nhỏ để mấy bông hoa nhài, hoa ngọc lan, không khi nào có hoa huệ. Nhiều lần trước khi bước lên nhà sàn làm việc với Bác, ông Lập thường ngắt một vài nụ nhài sắp nở bỏ vào trong túi áo ngực. Ngồi làm việc với Bác một lúc, người ấm lên, mấy nụ nhài trong túi áo dần nở, mùi thơm ngát, hoà cùng hương nhài trên bàn làm việc của Bác thoang thoảng, dễ chịu vô cùng.
Vì thế, nhà sàn của Bác “lộng gió bốn phương” chỉ có ở trong thơ, và hoa huệ trong phòng làm việc của Bác chỉ có trong truyện hư cấu, không có thật. Nhưng rất tiếc chuyện hoa huệ hư cấu ấy bây giờ lại được gắn với Bác như là một chuyện có thật, đến mức trong một số cuốn sách viết về Bác, kể cả sách tư liệu lịch sử về Bác cũng được một số tác giả viết như thật ấy!
lap
Ông Lê Hữu Lập (ảnh chụp năm 2008)
Ông Lê Hữu Lập nghỉ hưu đã trên hai mươi năm nay. Niềm vui của ông bây giờ là thấy con cháu trưởng thành, luôn giữ được “nếp nhà” mà ông bà truyền lại; trong đó có con trai cả là Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Có người nói ông bị thiệt thòi vì nhiều năm phục vụ hai vị Chủ tịch nước, công lao như thế mà vẫn không được tặng thưởng Huân chương Độc lập. Còn ông lại có suy nghi khác. Ông nói, phần thưởng có giá trị nhất đối với ông mà rất ít người có, là tấm Bằng khen số 03, ngày 3-9-1972 của Chủ tịch nước tặng, vì ông “Đã tận tuỵ hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống”..
Vĩ thanh
Khi bài viết này của tôi tới bạn đọc thì ông Lê Hữu Lập không còn nữa. Ông mất đúng vào ngày 3 tháng 2 năm 2012 – Ngày kỷ niệm 82 năm thành lập Đảng (3-2-1930 – 3-2-2012). Thật tiếc, ngày ông mất tôi không có mặt ở Hà Nội để được đến thắp nén nhang thơm tiễn biệt ông, một người cán bộ mẫu mực của Đảng, một con người thật đặc biệt, hiếm có, được nhiều năm giúp việc cho hai vị Chủ tịch nước kính yêu là Bác Hồ và Bác Tôn. Ông lại còn là người được Bác Hồ tin cậy giao giữ Sổ tiết kiệm của Người như trong bài viết trên đây của tôi, mà không phải ai cũng có được ….
Dương Đức Quảng

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Quốc Phong
(Nhà báo Quoc Phong, đã từng làm Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên).
Tôi nghĩ, rồi những chuyện sau, cũng sẽ có lúc chúng ta nên công khai về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà không nên thần thánh hoá. Người là một vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đấu tranh cho tự do, độc lập mà Người đã phải hy sinh, thiệt thòi.
Nên hiểu điều đó sao cho đúng mà từ đó càng thấy thương Người, cảm phục Người hơn bội phần.
NHỮNG CHUYỆN ÔNG VŨ KỲ HỒI TƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC GHI LẠI LÚC TRỌNG BỆNH
Dưới đây là 1 trong 2 câu chuyện được ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại lúc 15h chiều 24/6/2004 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội. Khi đó, ông Vũ Kỳ đã rất yếu rồi. Người được ông mời đến để ghi âm lại những chuyện mà ông kể ra sau đây là bà Nguyễn Thị Tình, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cùng một cán bộ chuyên môn của Viện.
Sau đây là phần bóc băng của Bảo tàng Hồ Chí Minh và họ đã chép lại. Để giữ tính trung thực, nó vẫn chưa hề được biên tập gì (nguyên từ bản bóc băng chép tay của bà Tình. Bản trong băng, tôi- người gõ lại sau đây - cũng chưa được nghe băng trực tiếp. Thực ra, đến nay cuốn băng đã bị hư. Tuy nhiên, ngay sau khi ghi âm, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chuyển ngay cuốn băng lên Lãnh đạo Bộ Văn hoá Thông tin (ông Phạm Quang Nghị) và Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương (ông Nguyễn Đình Hương) để xin ý kiến. Sau đó, Bộ Văn hoá Thông tin đã có quyết định cử cán bộ của Viện bảo tàng Hồ Chí Minh sang các nước châu Âu nghiên cứu sưu tầm tư liệu thêm.
Do đây là văn nói, lại không được nghe băng trực tiếp nên có những câu không rõ nghĩa nên vẫn để dấu (?) bên cạnh. Tôi đã hỏi chị Tình nhưng chị nói cũng không rõ vì khi đó, ông Vũ Kỳ cũng đã rất yếu. Để khách quan, tôi không sửa gì hết.
Nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, tôi mạn phép trích ra 1 trong 2 nội dung nói trên để mọi người ghé đọc và hiểu thêm về một nhân vật vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Có một nội dung, đó là chuyện Người đi lính 4 năm cho Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Nội dung này tôi cũng đã viết trên Tạp chí Xưa & Nay đăng vào tháng 10 năm 2015 nên xin không nhắc lại). Ông Vũ Kỳ kể :
Vấn đề thứ nhất : (tôi không ghi lại)
Vấn đề thứ hai :
Từ trước tới nay, trong các sách về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đề cập đến được, tức là vấn đề cuộc đời riêng tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tức là cái này cũng có lúc Bác công bố là Bác không có gia đình. Con cháu của Bác là con cháu chung của đất nước. Thế mà có nhiều chuyện cũng xảy ra điều này điều khác. Nhưng theo tôi, ở gần Bác thì thấy cuộc đời riêng tư rất là trong sáng, theo cách nói của Trung Quốc là rất minh bạch.
Khi Bác về tới đất nước, Bác đã 55 tuỏi. 
Lúc bấy giờ Bác yếu, gầy yếu. Công việc của kháng chiến lúc đó nhiều quá, không có thì giờ nào suy nghĩ đến chuyện riêng. Cho đến khi có điều kiện, đặt vấn đề với Bác. Các Đ/c Bộ Chính trị và thêm một số đ/c Trung ương rất gần với Bác như các đ/c : Trường Chinh, Phạm Văn Đồng rồi các đồng chí khác : Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, chị Chủ tịch Phụ nữ Nguyễn Thị Thập có chính thức đặt vấn đề với Bác Hồ là Bác nên có gia đình để cho Bác có hạnh phúc, cho yên ổn cả hai (việc nước và việc riêng).
Bác nói : Rất cám ơn các đồng chí. Không phải Bác không muốn đâu. Bác muốn. Nhưng vì Bác là Chủ tịch nước nên Bác cũng phải có "Điều kiện" với các cô chú.
Bác có 3 "điều kiện" :
- Một là, Bác lấy vợ thì phải chọn cho Bác người phụ nữ trẻ, đẹp (điều kiện đó cũng dễ thôi).
- Hai là, Trình độ Văn hoá, trình độ chính trị thì vừa phải (cái này cũng dễ quá).
- Ba là, Đạo đức phải tốt.
Ba điều kiện tưởng là dễ tìm. Nhưng vào trong một con người nên lại khó tìm. Vì trẻ đẹp thì khó có đạo đức, nếu tách ra thì dễ. Anh chị em tìm và gửi ảnh đến cho Bác. Bác tủm tỉm cười. Bác nói với tôi : Các chú lại gửi ảnh thì làm sao mà Bác chọn được. Ảnh người ta chụp, nhỡ chột 1 mắt, chụp 1 bên thì chọn thế nào ? Chú nói với các chú là nếu tìm đúng yêu cầu thì gửi đến cho Bác...
Bác xem mặt do ảnh gửi đến nhiều lắm !
Chủ tịch Phụ nữ Nghệ An, điều kiện tốt, chính trị tốt, đạo đức tốt nhưng lại không được trẻ, đẹp.
Ông Trần Đăng Ninh, dễ dãi hơn thì chọn : người trẻ đẹp, trình độ văn hoá khá nhưng đạo đức thì lại lung tung. Cho nên lúc bấy giờ ở trên gọi là "cây đa nước chảy"(?). Có mấy cô ông ấy chọn tới.
Lúc bấy giờ có người phụ nữ khá (sau này làm tới chức thứ trưởng) thế nhưng cũng không ổn.
Như vậy, trong cả 3 cái tiêu chuẩn Bác đưa ra, cứ không đồng nhất với nhau. Nên cứ chọn người một thời gian giúp Bác, cứ "Bác Bác cháu cháu", giúp Bác đánh máy, phục vụ Bác... Đến ở được một thời gian chừng độ một tháng. Có người ở tới 3 tháng nhưng cứ "Bác Bác cháu cháu", cừ dần ngọt( ?). Trong số đó có một người, cũng có sắc đẹp, có trình độ, đạo đức tương đối, là cán bộ của Phụ nữ Nam Bộ, những người này tôi không muốn nói tên là vì họ còn sống. Ra một thời gian, ở gần Bác thì Bác thấy cũng được, giúp Bác phục vụ đánh máy. Nhưng thế nào đạo đức lại không giữ được. Lúc bấy giờ có ông cán bộ cao cấp từ miền Nam ra. Vào làm việc với Bác, lại quan hệ với bà này, có thai (thế mới hết hơi ).
Vì có thai, ông Lê Văn Lương, lúc ấy vừa là Trưởng ban Tổ chức, vừa là Chánh Văn phòng Trung ương lo quá. Người phụ nữ đưa ra là để phục vụ cho Bác, lại có thai thì phải lo đưa xuống Vĩnh Phúc để mà sinh đẻ ở đấy. Chứ nếu để ở đấy thì mang tiếng cho Bác.
Do ông Lương đưa đi thành ra ông Lương cũng bị mang tiếng là ông Lương "tằng tịu" thế nào đấy mà ra. Bà này sau sinh ra một đứa con trai, gia đình người ta nuôi lớn nhưng bà ta nhất định không nhận. Ông cán bộ cao cấp kia sau phải nhận, nhờ anh con trai có ơn với gia đình người nuôi. Ông kia cũng phải đào tạo thành cán bộ này khác. Nhưng bà kia thì nhất định không nhận. Thí dụ như đấy là một cái người gần như chắc chắn đấy, thế mà rồi cũng không được.
Sau đến năm 50, ông Trần Đăng Ninh có đưa vào một cô không đẹp, không xấu, nhưng có duyên, người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Cô này lại phải cái lý lịch không tốt, là "me lai", là Đại Hoàng. Dân tộc Tày là hơi tự do. Vấn đề này không thành vấn đề. Cô này đến làm phục vụ cơm nước hàng ngày, có khi cùng ngồi ăn, có khi đi chăn trâu cho cơ quan Văn phòng... Và coi như người trong cơ quan. Do hoàn cảnh của phụ nữ, ở người phụ nữ, ở với Bác nhưng cứ "Bác Bác cháu cháu", cô này cũng không chịu được.
Do sự tấn công của cánh anh em cảnh vệ bảo vệ Bác, cô này lại bị có mang. Sau Bác thấy thương (vì cô này là người dân tộc), nên giao cho gia đình dân tộc, cán bộ dân tộc phụ trách.
Thế nhưng cái ông này lại muốn "tranh thủ". Khi cơ quan gửi như vậy, phải đưa tiền cho ông ấy hàng tháng để nuôi, thế mà ông ấy kiểu như muốn tuyên truyền đây là con Bác Hồ để lắm cán bộ lợi dụng. 
Khi có cán bộ báo cáo Bác rõ sự việc, Bác bảo thôi, rút về để anh Cả (Nguyễn Lương Bằng) nuôi. Anh Cả nuôi một thời gian, lại có tiếng đồn này, tiếng đồn khác cho anh Cả, Bác lại bảo giao cho tôi (Vũ Kỳ).
Tôi nói tôi đã có 3 con trai, tôi không thiếu con. Nếu giao cho tôi thì phải giao hẳn, coi như con tôi thật sự.
Tôi sẽ làm giấy khai sinh để khi còn chiến tranh sẽ tham gia chiến đấu, trở thành bộ đội, khi không chiến đấu thì trở thành công nhân. Sau đó trở thành con tôi và bây giờ trở thành con tôi. Nó đàng hoàng. Chủ nhật, thứ bảy nó về ở cùng anh em, chụp ảnh với nhau từ nhỏ. Nó coi tôi như bố mẹ. Nó xin phép tôi lên Cao Bằng tìm hiểu về người mẹ.
Tôi đồng ý đưa đi Cao Bằng. Người mẹ nó sau này cũng tai tiếng nói nọ nói kia, thế nọ thế kia như thế nào đó. Và người em đến nuôi con cũng bị như thế. Vì vậy nó tìm được 1 ngôi mộ cùng tên mẹ ở Bất Bạt, hàng năm Thanh minh thì lên Thanh minh với bà mẹ đẻ ra mẹ tôi. Mộ cũng để ở trên đó, lên thăm coi như con tôi hết. Cái chuyện này thì cả Hoa Kỳ họ cũng đặt vấn đề mà một số vấn đề như là Vũ Thư Hiên, như Nguyễn Minh Cần cũng đã nói. Nhưng thực sự là Bác đàng hoàng. Bác thương người con gái - nó tốt, nhưng nó trẻ người non dạ như vậy. Nó không giữ được (trước một anh cận vệ) như vậy, bây giờ chú quan tâm tới. Tức là bây giờ đặt tên.
Con đầu là Vũ Lê Dung
Con thứ hai là Vũ Quang
Con thứ ba là Vũ Trung (*)
Con thứ tư là Vũ Vinh
Con thứ 5 là Vũ Minh.
Coi như chính thức Vũ Trung là con trai tôi. Thứ 7, Chủ Nhật đến nhà ăn uống. Cái vấn đề này, không những một số người tung ra nói lung tung nhưng mà Hoa Kỳ họ cũng đề cập đến nó. Nhưng sự thật là như vậy chứ không phải là con Bác Hồ. Số cảnh vệ, số bảo vệ họ lung tung. Cô này nó vất vả. Thế đấy, đó là ở trong nước.
Còn ở nước ngoài ?
Lúc bấy giờ, ở nước ngoài, Liên Xô cũng đè cập đến, nhưng 2 nước đề cập đến nhiều là Trung Quốc mà chủ động là Thủ tướng Chu Ân Lai và Triều Tiên, mà người chủ động là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Họ đều nói là nếu trong nước không giải quyết được thì chúng tôi sẽ giúp đỡ.
Bác Hồ tủm tỉm cười và chỉ nói : Rất cám ơn các đồng chí !
Bên kia, ông Kim Nhật Thành trực tiếp đứng ra, bên này thì ông Chu Ân Lai (gián tiếp thôi) nhưng ông Chu giao cho 2 người là vợ ông ấy, bà Đặng Dĩnh Siêu và một cán bộ phụ nữ quen biết Bác ở Quảng Đông là bà Âu Mận Giác. Hai người đi tìm. Thấy người này thì gửi sang. Tôi không muốn nói tên người này vì hiện còn sống, nên tôi không muốn. Hai người gửi người này sang ở với Bác chừng độ 1 tuần hay là hơn 10 ngày, cũng "Bác Bác cháu cháu". Thế rồi , sau đó người này cũng xin phép về, thế là không đạt.
Thế rồi, đấy mới là cái chuyện công khai sau này.
Thế còn những chuyện bí mật. Cái hồi hoạt động bí mật thì phải nói Bác cũng là con người, một thanh niên đẹp trai và nếu mà biết tiếng Pháp thì gọi là "cơ rê găng", tức là galant, biết chiều phụ nữ. Thế Bác đi hoạt động, lại trẻ, đi đến đâu cũng từng có người yêu. Đến Boston cũng có người yêu, sau này bà này có nói đấy. Đến Nga, à, đến Pháp, có bà gọi là bà Rô Dơ (Hoa hồng).
Ở Boston, tôi không rõ lắm. Bác sống bằng nghề làm bánh ở đấy, cũng nghe nói có người thế nào đấy, sau này có một bà kể chuyện về việc này. Bà ấy nói công khai khi 100 năm ngày sinh Bác Hồ.
Còn bà Rô dơ ở Pháp, đấy là một phụ nữ đẹp. Rô dơ là hoa hồng. Bác sang năm 19 23, Bác có chương trình bí mật sang Liên Xô, thế là đánh lạc hướng bọn mật thám theo dõi. Bác viết thư cho cô Rô dơ. Cô Rô dơ cũng viết thư tình với Bác. Hai người trao đổi thư tình. Đến một thời gian Pháp tưởng bình thường, thế nên Bác lên miền Nam nước Pháp.
Đến 1925, sử sách Pháp mới nói là Nguyễn Ái Quốc đang ở Mạc Tư Khoa. Thế là đánh lạc được hướng bọn mật thám theo dõi hàng ngày. 2 năm sau thì nó mới thấy Bác đã sang đó từ 1923. Cô Rô dơ , sau năm 1957, Bác đi thăm các nước XHCN. Bác đến Béc Linh, khi xuống máy bay, Bác chạy ngay ra ôm cô Rô dơ này. Cô Rô dơ cũng đi đến Béc Linh đón Bác.
Vì tuổi lúc đó già rồi, chỉ coi như tình bạn ngày xưa. Nhớ lại chuyện cũ thì Bác đều nói rõ : tôi rất cảm ơn cái tấm lòng, tình cảm của bạn đối với tôi. Nhưng tôi mà thành lập gia đình thì tôi không hoạt động được, tôi trân trọng tình cảm đó. Xin nói để biết như vậy.
Có thể có quan hệ này khác nhưng cũng không có con. Bác vẫn không có gia đình. Bác đi sang đến Mạc Tư Khoa, Bác cũng có. Sau này sang Trung Quốc thì lại có tương đối nhiều. Người đầu tiên mà nói là, cô gì mà Hoàng Tranh đưa ra đấy - Tăng Tuyết Minh. Công khai vào ở và làm việc với Bác, ở cùng với Bô rô đin có công khai cưới.
Bà Đặng Dĩnh Siêu và một số vị đi dự. Thế tức là tương đối công khai. Hai người chắc cũng có quan hệ gì đấy. Theo tôi hiểu không đặt vấn đề, vẫn đặt vấn đề hình thức thế thôi, vì lúc đó là năm 1943, bản thân tôi khi hoạt động ở Hà Nội thì 3 nơi ngoại thành thì có đến 3 người đóng làm vợ tôi, một người là ở Khương Thượng, tức là vợ đồng chí Phan Trọng Tuệ đóng vai vợ tôi. Đồng chí Phan Trọng Tuệ đóng vai anh vợ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đóng vai chú vợ. Còn một người nữa, cùng một lúc, ở Yên Phụ, đóng vai vợ tôi. Lúc bấy giờ, cô này chưa có chồng. Nhưng mà sau lấy một đồng chí cán bộ làm công an. Nay thì đã hưu rồi (làm thứ trưởng Công An). Còn một người nữa ở Nghi Tàm, cũng vào vai vợ tôi. Lúc bấy giờ cô này chưa có gia đình. Sau khi tôi bị bắt, lấy một đồng chí làm xứ uỷ Bắc Kỳ, sau này là trong Ban chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam.
Thế tôi suy nghĩ, cỡ tép riu như tôi mà một lúc cũng có 3 người đóng vai vợ tôi để hoạt động bí mật thì cũng có khả năng là đồng chí Tăng Tuyết Minh cũng đóng vai, nhưng mà công khai như vậy ?
Năm 1927 thì Quốc dân Đảng làm phản, tiêu diệt Cộng sản. Bác Hồ phải tránh. Sau đó không gặp nữa. Năm 1931 Bác Hồ bị bắt ở Hồng Công.
Người ta nói rằng bà Tăng Tuyết Minh có đến dự, trông thấy Bác ở trên. Nghe nói là bà này có thai nhưng mà bà làm sao đó lại không giữ được thai, không nuôi được. 
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ năm 1927 đã không găp lại nữa.
Hai người có thể có mối tình rất đẹp, nhưng vẫn chưa trở thành vợ chồng chính thức. Theo tôi hiểu, cuộc sống của Bác hồ lúc bấy giờ là rất trong sáng, rất minh bạch chứ không phải là úp úp mở mở. Tức là rất đàng hoàng.
Cho nên bây giờ, khi ta nghiên cứu phải nghiên cứu những cái chính mà tôi nói về trước từ Bộ Chính trị đến các đồng chí trong Trung ương Hội Phụ nữ chính thức đặt vấn đề với Bác, cũng đã cố gắng tìm nhưng cũng không đạt được; Quốc tế cũng cố gắng tìm cũng không đạt và cái hoạt động lúc bí mật bên Quảng Đông, Quảng Tây với đồng chí Tăng Tuyết Minh có thể có thai nhưng bà kia lại không giữ được cái thai nữ nhi đó.
Sau này, cô kia cũng vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ nọ kia. Là người có hiếu có tình nên cũng chỉ gặp Bác thế thôi. Mối tình rất đẹp.
Theo tôi, vì là một người sống gần Bác, đi cùng với Bác nên hiểu, nó chỉ là như vậy. Có thể, Bác nói : Tôi không có gia đình, con cháu tôi là thanh niên Việt Nam, các cháu nhi đồng, thanh niên thế giới... cũng có ý đó. Rất là trong sáng !
Sau này, theo tôi, có thể công khai thành một bài viết hẳn hoi. Viết lại cho nó gọn gàng, nhất là chỗ bà Tăng Tuyết Minh, nên sử dụng những chỗ tốt của anh Hoàng Tranh viết. Họ nói có ý tốt cả đấy chứ không phải là có ý xấu đâu, nhưng mà ra không đúng đúng lúc (phát hành vào ngày sinh của Bác, không chờ Việt Nam có ý kiến trước) cho nên bị động. Còn nội dung, không phải là chuyện không có thật, mình đàng hoàng, công khai thế.
Chú nghĩ (ý ông Vũ Kỳ khi nói với người kế nhiệm, bà Nguyễn Thị Tình), đứng về (góc độ ?) người phụ nữ, nên viết thế nào, có thể trao đổi với chú cho kín kẽ trước khi đăng.
Đấy là 2 vấn đề hôm nay chú đề cập để cơ quan báo cáo lại tổ chức.
------
Chú thích :
- Anh Hoan nói ngày 5/6/2007: "Người phụ nữ Trung ương có ý định giới thiệu với Bác (người Thanh Hoá), là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ".
Anh Hoan nói đã gặp và hỏi. Bà Mai nói: "Không ai nói với tôi là có ý định giới thiệu với Bác nhưng đúng là có bố trí để tôi tiếp cận. Nhưng vì tôi trẻ quá, nên ngay từ những ngày đầu gặp Bác, Bác đã gọi tôi bằng cháu".
(anh Hoan ở trên tức Nguyễn Huy Hoan, phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh , đã mất năm 2012)
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Trong hình ảnh có thể có: văn bản
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời ( Bác ngồi ăn cơm cùng bà Mai (bà là cán bộ phụ nữ huyện Yên Định và tỉnh Thanh Hóa- người con gái mà tổ chức định giới thiệu cho B. Bà trắng và rất đẹp, sau làm Thứ Trưởng Bộ CN nhẹ.)
(Ông Nguyễn Văn Đoàn - chồng bà Nguyễn Thị Tình đứng ở góc trái ảnh, sau Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn). Tấm ảnh dưới này là vợ chồng ồng Đoàn bà Tình và ông Dương Trung Quốc trong lần ông tiếp xúc lấy tư liệu bài viết

Dưới đây là một số comment trong fb Nguyễn Hồng Phi (https://www.facebook.com/phi.nguyenhong.7?fref=ufi&pnref=story)
Nguyễn Hồng Phi đã chia sẻ bài viết của Đức Bảo Phạm — với Quoc Phong.
Nửa đêm đọc được câu chuyện này và vì bức xúc với một số cm dưới bài viết nên ko tài nào ngủ được . Sao có những người nói mà ko chịu tư duy một chút nhỉ?
Ko phải bây giờ mà từ rất lâu rồi tôi đã đọc Đêm giữa ban ngày của ông Vũ Thư Hiên và lời ông Nguyễn Minh Cần về đời tư của Bác ., cũng như chuyện BCT có ý tìm người chăm sóc Bác được Bác đồng ý và yêu cầu của Bác về người phụ nữ sẽ là vợ Bác .
Tôi cũng đọc đi đọc lại rất kỹ lời kể của bác Vũ Kỳ - người sống gần Bác nhất trong thời gian ấy .Nên sau đây tôi xin bình luận theo góc nhìn và suy nghĩ của cá nhân tôi .
---------------------
1-Bác là một con người hoàn toàn bình thường chứ ko phải là robot hay thánh thần . Bác lại là người sống tình cảm và rất yêu trẻ con . Vậy thì nhu cầu có một gia đình sau nao nhiêu năm hy sinh gian khổ , bôn ba hoạt động bí mật ở nước ngoài và lãnh đạo cuộc k/c chống Pháp trong nước của Bác ..là hoàn toàn chính đáng.
2- Những yêu cầu mà Bác đưa ra về người phụ nữ được chọn cũng dễ hiểu::
a-Trẻ để còn có khả năng sinh con nối dõi 
b-Đẹp vì Bác vốn là một người đàn ông đẹp , tài hoa .
c- Có trình độ chính trị vì Bác cần phải có người đồng hành tương xứng cùng chí hướng 
d- Đạo đức vì Bác là người đạo đức .
...
2-Khi về nước Bác đã 55 tuổi , độ tuổi được coi là cao thời ấy .Bác lại là Chủ tịch một nước , một vị lãnh tụ được ND cả nước và ND thế giới yêu quí , ngưỡng mộ . Vậy thì những người phụ nữ được BCT chọn ( ban đầu là giúp việc ) cho Bác khi ấy ko thể tránh được rào cản về tâm lý , dù chắc chắn ai cũng mong được trở thành vợ Bác . khi Bác vẫn hàng ngày "bác bác cháu cháu " với họ . ( ai ở vào hoàn cảnh Bác đều có thể đồng cảm và thấu hiểu , Làm sao Bác đã có thể "anh anh em em " được và "tỏ tình " với họ như những người bình thường khác ? )
3- Trong khi đó, anh em cận vệ xung quanh Bác đều còn rất trẻ, lại hầu hết chưa có gia đình. Vậy thì việc mấy người phụ nữ kia "giao lưu " với họ dễ dàng hơn với Bác nhiều chứ ? Và chuyện "tình cảm " dẫn đến hai trường hợp mang thai là hợp logic.Do vậy cũng ko thể trách bà cán bộ người MN hiện còn sống kia , nói gì đến bà người dân tộc Tày Cao Bằng (theo Đêm giũa ban ngày của ông VTH tên Xuân ) kia ... ?
4- Chuyện bà Xuân bị giết do ai và thế nào ( theo Đêm giữa ban ngày ) thì cụ Kỳ chỉ gói gọn trong câu " số bà ấy cũng vất vả " là khá trùng khớp với những gì ông VTH kể nhưng vì sao cụ Kỳ ko nói rõ bà Xuân chết do ai thì ko phải là cố tình "bưng bít" mà là ko ai dám nhận và cũng vì thời ấy việc điều tra án mạng ko được như bây giờ vv..
5-Bác là người nhân hậu, đạo đức nên nói như ông Vũ Kỳ "thực sự là Bác đàng hoàng. Bác thương người con gái - nó tốt, nhưng nó trẻ người non dạ như vậy. Nó không giữ được (trước một anh cận vệ) như vậy, bây giờ chú quan tâm tới." là hoàn toàn đáng tin cậy .
6- Bà Tăng Tuyết Minh là vợ có cưới xin đàng hoàng ở TQ với sự chứng kiến của nhiều nhân vật đã cho thấy Bác và bà ấy có tình cảm với nhau thật sự trong tg Bác còn trẻ và h/đ bí mật . Hai người ko đoàn tụ được cũng là điều dễ hiểu vì đã thất lạc nhau bao nhêu năm trời , sau bao nhiêu biến cố chính trị ,lại ở 2 quốc gia khác nhau , chưa kể còn nhiều lý do từ phía gia đình bà Tăng Tuyết Minh và quan hệ ngoại giao giữa 2 nước .
7- Thời gian còn trẻ h/đ ở Nga, Pháp, Mỹ vv.., một người tài hoa , lại đẹp trai như Bác có nhiều người yêu và Bác cũng yêu ai đó như bà Ro giơ .chẳng hạn là chuyện hết sức binh thường .
------------------
Trên đây tôi chỉ xin mạo muội bình luận về những gì dựa trên lời kể của ông Kỳ , người cận vệ gần gũi nhất của Bác .Còn sự đàm tiếu . "xì xào " bao nhiêu năm nay của những người nhẹ dạ cả tin về nhân cách và đạo đức của Bác ....ko làm tôi quan tâm .
Vì mọi đàm tiếu , xì xào ấy đều bắt nguồn từ những :cái gọi là "tư liệu " mà bên thua cuộc đã cố tình dựa trên những tình tiết có thật để xuyên tạc, bóp méo và tuyên truyền trên mạng suốt bao nhiêu năm nay ! 
--------------------------------------
P/s: Cũng xin thành thật nói rằng , trước khi đọc được bài viết này ,chính tôi lâu nay cũng tin anh Vũ Trung ( người được ông Vũ Kỳ nuôi ) là con của Bác và bà người dân tộc Tày kia Nên đã có lần vì tò mò mà ngồi chực ở quán cafe gần một ngõ nhỏ đường Lê Thanh Nghị -HN ( nơi một thời gian vợ chồng anh Trung , chị Duyên đã sống ). Nhưng trong thâm tâm , tôi lại thấy mừng vì Bác đã để lại trên đời một người con trai.... để bây giờ thất vọng vì điều đó đã ko xảy ra .
Tôi chỉ càng thương Bác nhiều hơn !.
Còn đây là cm của một người có nick Thịnh Nguyễn dưới bài viết ấy :" Tôi may mắn được gặp và nói chuyện khá lâu với Vũ Trung, tại Võ Nhai trong ngày giỗ của ông Chu Văn Tấn.Hôm đó Vũ Trung úp mở: Bố tôi (ông Vũ Kỳ) trước khi chết có dặn: con là con của một chiến sỹ cách mang, con phải sống sao cho xứng đáng.
Sau cuộc nói chuyên, tôi khẳng định: Vũ Trung chắc chắn không phải con Bác Hồ. Chả có một tý gì gọi là đi truyền của Bác trên anh ta cả.Nay thì toi có được cau trả lời đúng như đi chúc của ông Vũ Kỳ; vũ Trung là con của đồng chí Cảnh vệ đêm đêm ra đón bà Trưng vào với Bác."

Quoc Phong Em phân tích rất chính xác và nhân văn.Nếu muốn biết "đc Xứ uỷ người Nam bộ "đó là ai, em nên đọc bài a viết Thanh niên sáng nay, Mục Lăng kính cuối tuần. Trên TTonline thì là Chào buổi sáng roiif biết vì sao anh viết 2 vị lãnh đạo đó thân tình....

Nguyễn Hồng Phi Vang em sẽ tìm đọc

Quoc Phong Ông HQ là người đc tổ chức nhờ đi tìm gđ nào đó nuôi con cụ K . Cụ Hồ biết , đâu có là gì . Cụ nhân hậu lắm và hiểu , chiến tranh mà !

Nguyễn Hồng Phi Quoc Phong Em cũng đoán được, Vì chỉ cần thấy Bác sống thế nào , nếu ai chịu suy nghĩ chút là hiểu thôi anh ạ, trừ những kẻ cố tình bôi nhọ Bác

Nguyễn Hồng Phi Anh Quoc Phong cho em cả cái link bài báo anh viết về chuyện Người đi lính 4 năm cho Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nữa nhé.

Quoc Phong Cụ Hồ đã cố công tìm bà Tăng Tuyết Minh nhiều năm . Song khi đó, tổ chức đã chỉ đạo ông Hoàng Văn Hoan, khi đó là ĐS TQ tìm mọi cách ngăn cản . Thủ tướng Chu Ân Lai cũng tìm mà ko ra chứ ko phải Bác quên người phụ nữ này.

Nguyễn Hồng Phi Quoc Phong Như vậy là hợp lý. Dù em cũng đoán nhưng ko có tư liệu chính thống như anh nói nên ko dám viết

Trang Phạm Hùng Cảm ơn Hồng Phi đã cho anh một góc nhìn rất sáng. Bài viết đầy đủ súc tích có tính nhân văn cao. Tôi ít học. Nhưng tôi vẫn hiểu được bác là người thế nào. Nhân dân VN và ND tiến bộ trên toàn thế giới khâm phục. Các vị học cao hiểu rộng. Chỉ cho tôi biết. Có vị lãnh tụ nào như bác. không nhà không cửa Không vợ không con.thử hỏi cho đến khi chết tài sản có đôi dép cao su bộ đồ kaki bạc màu. Vậy các vị đòi gì ở bác nữa. Giờ bác mất rồi. Hãy để bác yên nghỉ. Chuyện TC của bác là tc bác cháu. Nhân dân ta gọi người là bác. Mà nếu có một TY nào đó thì cũng lẽ thường tình.
T
Trần Văn Bác Quoc Phong có thể cho biết người được cố Bộ trưởng HQ bồi dưỡng và sau nay lên đến tầm "tô trụ" là ai được không ạ?

Nguyễn Cảnh Lan Tất cả những nhân chứng đều đã mất ! Cái băng gốc cũng đã hư ! Khó tin nhất là với một người đã có tì vết ? Hay xem lại tư cách người viết này . Đừng lấy cái bình thường của con NGƯỜI gán cho một con NGƯỜI ĐẶC BIỆT không có một kẻ nào dù thâm độc đén đâu cungc không thể bôi xấu đươc sự trong sáng của Bác . Ông Vũ Kì chết rồi nói lại được gì đây ? Đúng là một kẻ lươn lẹo . Đừng tin kẻ này .

Nguyễn Hồng Phi Định ngủ nhưng đọc thấy cm này của anh nên em ko thể ko trả lời .Anh Nguyễn Cảnh Lan có đọc kỹ và hiểu được những tình tiết trong bài báo mà em share về chưa hay chỉ dùng cảm tính để nhìn nhận ? E ko quan tâm đến" tư cách "của tác giả mà quan tâm đến những gì anh ấy viết trong bài này vì :1- Những gì em tìm đọc rất nhiều về Bác đều khá trùng khớp ( loại trừ thông tin của bọn cc và dân chủ cuội ) 2- Anh cũng giống như rất nhiều người , chỉ muốn Bác là thánh mà ko muốn Bác là người ! Làm như thế là vô tình tiếp tay cho thứ tư duy cũ kỹ , giáo điều , rất sai lầm hiện vẫn đang tồn tại trong tầng lớp lãnh đạo ..để bon phản động cho rằng mọi thông tin về lịch sử đều bị "bưng bít ".3- Bác Kỳ là người tốt, có uy tín trong Đảng và những lời nói của một người biết mình ko sống được nữa, đặc biệt lại là người thân cận , trung thành với Bác được ghi lại từ chính cuốn băng kia, ( văn nói của bác Kỳ được tác giả giũ nguyên đã chứng minh điều đó ) 4- Anh vẫn khen em trong các bài viết về ls , vậy sao lại ko thể tin trực giác của em trong câu chuyện này ?

Cao Phan mấy hôm nay anh Quoc Phong có theo dõi loạt bài của anh Nguyễn Xuân Hưng không? anh ấy lý giải mối quan hệ giữa ông Cụ và bà Tăng nguội lạnh sau 1927 em thấy cũng có lý.

Hong Ho Tư liệu để nghiên cứu thì rất tốt, nhưng dùng nó để nhằm hạ uy tín của Bác thì thật không tưởng...đánh giá về Bác thì đánh giá công lao của Bác đối với dân tộc chứ đừng lấy cái riêng tư để hạ thấp Bác...

Nguyễn Hồng Phi Điều đó thì còn tùy thuộc vào độ thẩm thấu của độ giả . Ko ai dùng nó để hạ uy tín và thanh danh của Bác ở đây cả , mà ngược lại ,chính sự trung thực sẽ làm tôn thêm nhân cách, sự hy sinh , vị tha và nhân hậu trong con người thực của Bác đấy !

Hong Ho Ok, tks nhiều... anh cũng đã đọc nhiều tư liệu nói về điều riêng tư của Bác...nhưng phần lớn là xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín của Bác...có cả 1 chiến dịch này đấy...

Nguyễn Hồng Phi Mời anh Nguyễn Cảnh Lan và những ai ko tin hãy đọc cái văn bản này trước khi cm
Nguyễn Hồng Phi Tôi chỉ nói sự thật thôi mụ ạ . Có cho tôi làm ctv cũng chả ... vì bây giờ báo đài cũng đang lộn tùng phèo kia kìa .:-)
Tho Bùi Nhưng viết rất hay mà chân thật nữa chứ ko sáo rỗng như nhywngx tay khác
Uhm mà tôi thấy hay thì ý kiến thôi
Nguyễn Hồng Phi Biết mà Cảm ơn mụ hehe
Lê Đình Cả bài viết vôbổ

Lê Đình Cả ai cũng viết đươcj

Nguyen Bao Trung Anh Cả có thể nói rõ hơn ý của anh không?

Tuan Nguyen Cong Bức ảnh chân thực nhiều góc độ, tầng thứ càng đẹp, càng được yêu thích. (hơn ảnh đã qua photoshop).

Nguyễn Hồng Phi Chính xác chính sụ trung thực mới tôn đuợc hết đức hy sinh, lòng vị tha nhân hậu của Bác , điều mà ngoài sự nghiêp ra , Bác còn là tấm guơng sáng về nhân cách khiến ko chỉ riêng chúng ta, nhũng nguời Vn mà là cả ND thế giới phải khóc vì tiếc thuơng khi Bác ra đi..

Nguyễn Hồng Phi Giành cho những ai muốn tìm hiểu thêm về quãng tg hoạt động bí mật của Bác, những tình tiết chưa dc nhắc đến trên báo chí chính thống :http://chuyencuachi.blogspot.com/.../ve-mot-quang-thoi...


CHUYENCUACHI.BLOGSPOT.COM

Nguyễn Cảnh Lan Tôi hòan toàn không tin được những gì mà bài viết nhắc đến , bởi những người tâm thường như chúng tôi mà thời đại sau này những cảm xúc bình thường của con người mà ảnh hưởng đến " đạo đức " theo quan điểm lúc đó đều có thể kiềm chế được , huống gì những người như Bác lại đang lãnh trách nhiệm lãnh đạo cả dân tộc trong một thời buổi khó khăn nhất lại không đủ lí trí để gìn giữ phẩm giá ? Đừng đặt câu hỏi rằng bác cũng là con người thì những việc tầm thường của con người Bác cũng có thể vấp phải . Không ! Và không bao giờ có những việc như vậy ! Đừng lấy cái sai trong cải cách ruông đất (1956) để gán gép vào những việc khác. Đúng Bác là một con người bình thường như bao con người khác , nhưng Bác và cả anh em ruột thịt của Bác có cái đặc biệt mà những người bình thường không có , đó là không ai có gia đình không ai có con . Vậy thì Bác sống như một nhà sư chân chính chẳng có gì là khônhg thể . Dù ai muốn gieo thêm vào đời tư của bác những điều tầm thường chúng tôi những người bình thường nhất của xh cũng không bao giờ tin . Đừng mớm cho những kẻ tò mò chuyên bới móc những chuyện gọi là " sự thât " đặt câu hỏi thế thì những người con như tác giả bài viết nêu lên kia là con ai ? Bác Hồ mà cũng thích gải trẻ đep ? Xin lỗi những người bạn tôi yêu quý , tôi hoàn toàn không tin và rất nghi ngờ động cơ bài viết này . Còn việc lấp lửng nói rằng Bác đi lính cho pháp 4 năm thì xin mõi người tự kiếm chứng vì nước Pháp vẫn còn đó . Sự thật sẽ rõ ràng .

Quoc Phong Đây là lý lịch Bác khai khi tham gia Quốc tế Cộng sản mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đc Bộ Văn hoá cử đi xác minh sau khi ông Vũ Kỳ yêu cầu ghi âm đó bạn . Cụ không hề giấu. Chỉ do đây là câu chuyện chưa đến lúc công khai. Việc này Ban Bảo vêh chính trị nội bộ , ông Nguyễn Đình Hương đã nghe báo cáo.


Nguyễn Hồng Phi Anh Nguyễn Cảnh LanChúng ta , anh , em và cả anh Quoc Phong đều là những người yêu kính Bác . Nhưng riêng em ko đồng ý với cách nhìn của anh . Anh quan niệm thế nào là đạo đức, phẩm giá và trách nhiệm với dân tộc ở Bác ?Thời nào thì việc lập gia đình ,sinh con đẻ cái cũng là trách nhiệm của loài người , vì duy trì nòi giống , Bác là một người đặc biêt , lại càng nên mong Bác có gđ , con cái mới đúng chứ, Yêu cầu Bác phải hy sinh đến mức ấy mới là ích kỷ, tầm thường, ích kỷ và tầm thường một cách vô lý ! Anh nên nhớ, về ý chí thì ko ai bằng được Bác , về tình cảm và tâm hổn cũng vậy , ko ai bằng được Bác đâu ! Đảng và Nhà nước hồi đó cũng vì thương Bác, kính trọng Bác thì mới tìm người xứng đáng đẻ chăm sóc Bác khi tuổi đã về già ..nhưng cũng vì ko muốn bọn xấu vin vào đó để xuyên tạc , bôi nhọ Bác .. nên mới ko đưa ra công khai về đời tư của Bác . Nhưng đó là ngày xưa.. bây giờ khác nhiều rồi , quan trọng là cách đặt vấn đề sao cho những người như anh hiểu .. Riêng CCRĐ thì ko phải chỉ là sai lầm của Bác mà còn có nhiều lý do khách quan , em đã cm hôm qua ở một bài viết khác , chắc anh ko đọc ? Và Bác đã phải khóc , thay mặt Đảng và NN nhận sai lầm . Anh ko hiểu được những gì em nói trong stt này hay sao? Thật khó để làm anh cho hiểu , phải ko ? Nhưng hiểu hay ko hiểu thì cũng ko nên ngầm công kích em như vậy , vì em tin anh thừa biết ko ai thương Bác, kính trọng Bác bằng em đâu !

Nguyễn Cảnh Lan Anh khônh có ý công kích em đâu vì
anh nghĩ em cũng như anh cũng hiểu Bác qua những cống hiến của Bác và những gì Bác để lại cho dân tộc , hơn nữa thời gian anh đã đủ nhận thức thì Bác vẫn còn sống , lúc Bác mất anh đã là một sinh viên cuối khóa sắp ra trường , vì vậy những gì về Bác anh cũng phân nào hiểu được cơ bản . Mõi vấn đề mà tác giả đặt ra trong lúc này là hoàn toàn không vô tư . Dù Bác đời thường đến đâu cũng không để cho người ta đưa hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác và trướ lúc ra đi lại có chửa ! Nơi thâm nghiêm như thế ai giám quạn hê đây ? Người mất trí cho ăn kẹo cũng không giám ! Một người như Bác sẽ không để xẩy ra như thế vì nếu để xảy ra không chỉ đến bây giờ mới ảnh hưởng đến hình ảnh của Bác mà ảnh hưởng lúc ấy con tệ hại rất nhiều , vì việc này đâu chỉ có Bác và ông VK biết ! Vì vậy đặt vấn đề tỏ ra nhân văn nhưng ngầm muốn nó rằng Bác cũng chẳng tốt đẹp gì , mà cũng là người thich phụ nữ trẻ đẹp ! Nói ra tưởng là điều bình thường của con người , nhưng sâu xa vẫn là sự phê phán . Vì như bài viết người bình thường cũng có thể đặt câu hỏi ? Thễ thì những người con cứ mỗi lần đến phục vụ Bác rồi ra đi là con ai ? Không cần trả lời người ta cùng thâm hiểu tác giả muốn nói là con của ai ! Thật tầm thường trong những tầm thường nhất ! . . . Nếu quả có như vậy thì sau khi Bác mất những người chân chính sẽ cho công khai , vì lúc ấy những người cùng hoạt động với Bác còn sống ai giám phản bác . Giờ thì khó rồi !nhân chứng đâu ? Vật chứng đâu ? Người liêm chính nếu quả có như vậy Bác mất rồi người ta cũng chẳng nói ra lam gì ! Vì ậy anh không ngầm công kích ai cả nhất là đối với em . Anh chỉ muốn đặt lại vấn đề với tác giả . Có lẽ có gì đó , những góc nào đó chúng ta chưa thật thống nhất mong rằng chúng ta sẽ tìm hiểu thêm . Chúc em vui viết nhiều bài hay .

Nguyễn Hồng Phi Nguyễn Cảnh Lan Em hiểu ý anh. Nhưng rõ ràng là a chưa đọc cho kỹ bài viết khá dài của tác giả , Có thẻ tác giả ko được khéo léo , tế nhị lắm khi nói Bác yêu cầu pn phải trẻ, đó chính là một trong những lý do để e viết stt này vì yêu càu đó là hợp lý. Nếu tìm cho Bác một người ko còn trẻ nữa thì thà Bác ở vậy còn hơn anh ạ. Em cũng biết Đảng và NN tuy hết lòng kính trọng Bác nhưng trong số lãnh đạo và cận vệ thời ấy . ko phải ai cũng sáng suốt , cũng đức độ dc như Bác đâu . Đó mới là sự thật ! Nên bây giờ mới sinh ra tham nhũng , lạm quyền .. Còn những người chân chính ai sẽ quyết định dc một việc lớn như thế trong cái lãnh đạo tập thể xưa nay > giống như rất nhiều vấn đề hiện nay vậy , bàn thảo mãi mà vẫn rối ren .đấy thôi. Ko ai hoàn hảo dc đâu anh ạ., ta có thể góp ý cho a Quoc Phong về cách viết , cách làm sao cho mọi người dễ hiểu mà thôi chứ e ko nghĩ QP có động cơ gì . Nói vui chút,nhé. nếu em là nhà báo, e cũng sẽ làm thế . Tiếc là e ko có quyền để đi mọi nơi tìm tài liệu . gặp được những nhân vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác như anh ấy .Nếu ko , chắc em sẽ nói sớm hơn cả QP đấy. Chúng ta nên yêu Bác theo cách thực tế hơn anh ạ . Thôi anh em mình nên dừng ở đây. nhé. E cũng chúc anh có nhiều bài thơ hay !
Nguyen Bao Trung Hi hi, lúc chiều gặp mấy bác này trong địa đạo Củ Chi. Thú thật là niềm tin mãnh liệt và tinh thần bất khuất, cho dù người Việt ta chỉ có mấy cây chông vẫn sẽ thắng giặc Mỹ. Bác Lan cũng vậy, kiên định và không bao giờ khuất phục.
Quoc Phong Tôi xin cải chính lại.: Chỉ có khổ đầu phi lộ là của tôi. Toàn bộ đều của ông Vũ Kỳ bóc băng mà ra như thế. Chỉ trưf các dấu phảy, dấu chấm và mở ngoặc trong đó là của tôi theo cách đọc chính tả . Nhiều chỗ không rõ ý tôi cũng để nguyên. Tôi không phải là tác giả . Chỉ là trích dẫn có đề dẫn.
Nguyễn Cảnh Lan Ok cảm ơn HP nhiều .
Nguyen Bao Trung Ngay bác Lan bây giờ nếu khoa học có hồi sinh Bác lại để nói với bác Lan thì chắc Bác cũng không tin, bác sẽ cho là giả mạo thôi. Niềm tin của bác thực sự mãnh liệt
Nguyen Bao Trung Rất nhiều người sẽ tự hào vì bác Lan đây
Nguyễn Hồng Phi Nguyen Bao Trung cũng ko nên đi xa quá chủ đề. Nói đến chiến tranh thì vô cùng . Thắng lợi ko phải đơn giản chỉ có dũng cảm và hy sinh mà còn phải mưu lược và uyển chuyển nữa . Bác Hồ là một người như thế , nếu ko có tình yêu đ/v với Bác , liệu chúng ta có thắng nổi Pháp , Mỹ ko ? Tập trung vào chủ đề nhé bạn
Nguyen Bao Trung Xã hội bây giờ nhiều người mất niềm tin, bác Lan thật đáng trân trọng
Nguyễn Cảnh Lan Đã đồng ý với tác giả là chấm dứt tranh luận ở đây , nhưng mõi người vẫn có ý kiến , mình xin nói lại rằng có lẽ chúng ta đang đứng xem xét vấn đề ở một góc khác nhau , vì vậy sự khúc xạ vấn đè trở lại cũng khác nhau . Đồng ý chúng ta chấm dứt từ đây , tôi hoàn toàn không cực đoan như ô NBT đâu ! Xin chào mõi người . Có lẽ đây cũng là điểm cộng của xh . . .

QuocPhong Bạn nên tìm hiểu thêm , chớ vội suy đoán. Bác Hồ là người tôi rất kính trọng. Chúng ta nên thật khách quan trước lịch sử. Khoa học càng là điều không thể suy đoán như vậy .
Mai Xuan Thiếu chính xác
Quoc Phong Bạn đã thấy chưa ? Bác đâu dấu Đảng . Chỉ vì Bác đã hưa vói ông vua đầu bếp người Pháp đã giúp Bác nên đã cam kết tuyệt đối bí mật chuyện Bác đi lính thay con trai ông ta. Thế thôi. Qua đó càng phải khâm phục Bác ở chữ Tín trong con người Bác chứ ?
Quoc Phong Vì tài liệu còn nhiều nhưng tôi bận, không thể tìm lâu quá. Tạm thế để bạn nào còn hoài nghi thì có thể phân tích, đánh giá thêm trước khi kết luận sai đúng.
Hong Ho Tôi ko hiểu Quoc Phong đăng bài này với mục đích gì... có thể bạn có 1 số Tài liệu này nọ về Bác...nhưng như bạn nói 1 số việc chưa đến lúc công khai... vậy tại sao bạn lại công bố nó trên Fb... đừng nhân danh tôn trọng sự thật lích sử, khoa học...ngay như ngày Bác mất, khi đó BCT thấy chưa cần thiết nên đưa tin Bác mất ngày 03/9/1969... sau này BCT đã công bố sự thật về ngày mất của Bác... Có những việc xét thấy chưa cần thiết thì chưa công khai chứ ko phải giấu...Đảng có nguyên tắc của Đảng, chúng ta nên tôn trọng...việc ông VK cung cấp thông tin trước lúc mất cũng thể hiện trách nhiệm đối vs Đảng, Đảng cũng tổ chức xác minh cũng là để tôn trọng sự thất lịch sử...nhưng công bố vào lúc nào là việc của Đảng... bằng cách này hay cách khác mà bạn có thông tin này nọ thì cũng để biết vậy thôi...bạn đừng nhân danh nghiên cứu khoa học hoặc tôn trọng lịch sử khách quan...cái đó các cơ quan nhà nước, Đảng đã làm rồi... tôi có cảm giác (cá nhân thôi... sorry nếu ko thật chính xác) là bạn đang cầm đèn chạy trước ô tô...
Nguyễn Hồng Phi Hong Ho Bác mất đã gần nửa thế kỷ rồi , vậy đợi đến bao giờ mới công khai ? e nghĩ ngay Đảng và NN cũng đang bối rối chưa biết nên công khai bằng cách nào thôi. Chính em cũng muốn thông tin này được nhiều người biết đến để đập tan âm mưu xuyên tạc của kẻ xấu càng sớm càng tốt vì rõ ràng anh Trung ko phải con Bác .

Hong Ho Ông VK cũng xác nhận anh Trung ko phải là con Bác rồi đó thôi...vì nhiều người cứ gán ghép chuyện nọ chuyện kia rồi làm phức tạp hoá nhiều việc vốn dĩ rất đơn giản...chẳng ai có nhu cầu phải xác minh là anh Trung có phải là con Bác hay ko, con ai ? Vậy tại sao Đảng lại phải làm cái việc công khai hay công bố anh Trung là con ai??? Tất nhiên anh Trung cũng biết dc anh thực sự là con ai rồi ...đây hoàn toàn là việc riêng tư của anh a Trung mà.

Nguyễn Hồng Phi Thật uổng công e cm trả lời a. Thôi tùy mỗi người tự hiểu .Em dừng !

Hong Ho Oh, sorry nếu có điều gì chưa thực sự hiểu nhau...nhưng quyền riêng tư cá nhân thì nên tôn trọng...

Quoc Phong Nói như bạn Hong Ho thì cũng chưa phải là giải pháp tốt. Trong khi các thế lực đang cố ý bêu xấu Cụ Hồ mà phía NNVN cứ im lặng để cho họ "thụi" suốt nhiều năm, không hề phản bác thì đó là lối tự vệ kém cỏi. Dù sự thực nó cũng có điều chưa hẳn tốt cả nhưng cứ để cho nhiều ng hiểu đúng, chân thực thì tôi nghĩ vẫn tốt so với cứ im lặng mãi.

Hong Ho Tks Quoc Phong đã có phản hồi....đối vs các thế lực này nọ...dù NNVN có làm gì đi nữa thì bản chất của họ cũng ko thay đổi...lòng dân đối với Bác vẫn trước sau như một...bạn cứ để ý các bài viết, các cmt của người dân mấy ngày qua (nhân ngày sinh của Bác) thì hiểu rõ đại đa số người dân Việt Nam vẫn yêy quý Bác...đây là tình cảm chân thành, chứ ko phải như họ nói là bị nhồi sọ, bị tuyên truyền ...

Quoc Phong Ấy là anh coi đài báo của nhà nước. Còn trên mạng, anh thấy sao ? Theo tôi, nên tìm một giải pháp tối ưu, có thể không hoàn hảo nhưng rõ rằng sẽ góp phần ngăn chặn những chuyện không hay gì. Tại sao cứ để ng ta đồn đại linh tinh mà phía chính thống chậm phản ứng nhiều chục năm như thế. Đây cũng là thứ khủng hoảng của truyền thông nhà nước đó anh ! Khi tôi còn làm việc từ khoảng 15 năm trước , khi ĐSQ Hoa Kỳ họ họp báo không chịu xin phép nhà chức trách VN, chúng tôi có chỉ đạo không nên dự. Tôi đã thuyết phục 1 vị bộ trưởng khi cho ông biết nội dung của họ( do có người báo trước ) rằng ta nên cho PV dự, đồng thời cần cảnh báo họ ko đc tuỳ tiện họp báo kiểu ko xin phép. Ông bộ trưởng hồi đó đã chấp nhận đề xuất của tôi. Kết quả bữa đó, các báo Việt Nam no tin tức vì ông đại sứ nọ khen ngợi thành tựu của Việt Nam đến không ngờ. Vậy thì Việt Nam lãi to còn gì !

Nguyễn Hồng Phi Thực ra thì a Hong Ho cũng giống như rất nhiều người, ko quan tâm đến những gì mà đám cc và dc cuội gồm cả trí thức, luật sư.. cả nhà báo đang làm loạn thông tin trên mạng XH . Nếu ai cũng "kệ nó" thì liệu những vụ như Diễn Châu vừa rồi sẽ còn đi đến đâu ? Đó là hành động , còn việc góp sức làm sạch thông tin trên mạng XH cũng ko kém phần quan trọng , vì laonj cũng từ thông tin đáy

Hong Ho Tks Quoc Phong...tôi xem cmt trên fb chứ ko xem trên báo chí hoặc TV đâu...XH Việt Nam còn nhiều v/d lắm...nhưng cái gì yếu kém thì mổ xẻ, tìm cách khắc phục...chứ đào bới chuyện riêng tư thì có giải quyết dc ko? Còn nhiều người cứ mở miệng là chê bai, đả kích nói xấu...thì bản thân họ có làm dc gì cho đất nước đâu...tôi còn nhớ thời ông Nguyễn Văn Linh có nói (đại ý): Ông cũng như nhiều người khác, nhiều khi chỉ hơn nhau vài sợi tóc...Đảng và Nhà nước nhiều khi cũng như người đang dò đường...tất có đúng, có sai...V/d là biết điều chỉnh kịp thời....

Hong Ho Nguyễn Hồng Phi : Tks nhiều...tuy nhiên nếu Đảng, nhà nước cứ chạy theo 3 cái sự vụ này kia thì xa rời nhiệm vụ chính là lãnh đạo phát triển kinh tế, ổn định chính trị... Khi biết chắc ý đồ gây nhiễu, rối loại thông tin thì chỉ cần thông qua tuyên truyền, nói rõ để dân hiểu mà thôi...người dân bây giờ cũng có nhận thức cao, phân biệt dc đúng sai chứ ko mù quáng đâu... trường hợp Diễn Châu có liên quan đến tôn giáo, lợi dụng tôn giáo...và chỉ có đám con chiên ngây thơ bị lừa mà thôi..
Nguyễn Hồng Phi Hong Ho Em trả lời an lần cuối. A đừng tự ái nhé , những cm của a trong nhà e chả có gì đặc biệt để làm sáng tỏ vấn đề gì mấy , hầu hết a hay nói lại những gì mà ai cũng biết . Còn em lại thích nói những gì mà ko phải ai cũng hiểu , cũng biết . Đó mới là phản biện và góp sức làm cho mạng XH đỡ loạn .Đám con chiến ấy , nếu ko được những lực lượng bảo về an ninh trật tự làm mạnh tay , họ cũng chưa chịu dừng lại đâu .Và còn rất nhiều cư dân mạng ngu ngơ tin vào luận điệu của luc dc cuội , nhất là bọn khóa áo trí thức . Vậy nhé, em ko áp đặt anh nhưng muốn nói cho rõ ràng hơn . Vậy nhé, em dừng đây .
Thích
Yêu thích
Haha
Wow
Buồn
Phẫn nộ

Nguyễn Cảnh Lan Những chuyện ở bên pháp để cho những người thích " sư thật " sang Pháp mà tìm hiểu ! Còn chuyện ông Vũ Kì trước khi chết mới nỏi ra là có ý gì ? Tại sao sau khi Bác mất ông VK còn tỉnh táo sao không nói ra ? Chuyện quan trọng như vậy mà các người làm bảo tàng lại " để hư " hay " đánh mất " ? Dù tác giả nói rằng rất kinh trọng Bác nhưng những gì suy diễn và đặt câu hỏi trong bài viết cũng thấy được sự kính trọng của tác giả đến nhường nào ? Chẳng cần cái gọi là " khoa học " chẳng cần những tờ giấy đươc phô tô mờ ảo , những gì chúng ta chứng kiến sư hi sinh vô điệu kiện , động cơ cống hiến vô tư , sự đối xử của kẻ thù đối với Bác cũng đủ chúng ta kính trọng và biết rõ những gì mà bác đã trải qua . Bác chết lâu rồi những người cùng chiến đấu với Bác cũng chết hết rồi ! Đúng bây giờ không ai là học trò của Bác ! Xin đừng vì thế mà làm tổn thương linh hồn Bác ! Đừng nhân danh khoa hoc , lịch sử , sự thật để chế tác bao điều vô nghĩa đối với người . Đúng Bác không phải là thanh nhân , càng không phải là người máy như ai đã nói nhưng Bác là một CON NGƯỜI một con người đặc biệt không giống bất kể một con người nào tồn tại trên trái đất này . Sự lung linh trong sáng , đàng hoàng , minh bạch của Bác đừng ai có dạ tâm làm lu mờ được . Bác là HỒ CHÍ MINH trong lòng gần như toàn dân dân tộc việt nam và những người yêu sự thật , sự công bằng trên trái đất này .

Quoc Phong Vậy là chúng ta không cùng quan điểm để đi tới cùng của sự vật cần hoá giải rồi. Nhưng để bạn hiểu và hy vọng rồi sự việc sẽ sáng tỏ, tôi chỉ hỏi bạn, tại sao bạn không hỏi tôi rằng tài liệu đó tôi sao chép của người khác hay tự đến tận gốc là Bảo tàngHCM để tìm hiểu. Ko lẽ Nhà nước chi tiền cho Bảo tàng họ làm thế là vô ích ? Họ chỉ đi đến tận kho lưu trữ bên Nga, nơi mà Quốc tế cộng sản đang lưu giữ nó và nơi Bác Hồ ra đi 4 năm không một đấu tích trong lý lịch của Cụ để xem tính xác tín của những điều ông Vũ Kỳ hư thực ra sao, tin được hay không . Sau đó họ đã về báo cáo cơ quan có trách nhiệm là hoàn toàn đúng với những gì Cụ khai trước Quốc tế cộng sản. Tôi viết bài đó vào năm 2015 là lúc phải cân nhắc đúng 3 tháng mới quyết định viết trên Tạp chí Xưa và Nay. Sau khi viết , đến nay đã gần 2 năm mà có ai phàn nàn gì tôi và làm khó tôi ? Họ chỉ đề nghị về cách viết sao cho khách quan, tránh thành sự kiện để các thế lực lợi dụng. Vậy là cũng do cách viết chứ có gì đáng lo ? Nếu có cách nhìn và lý giải thoả đáng, khoa học, có lý có tình thì cũng sẽ khó phản bác tôi.
Mong bạn hãy theo dõi , rồi sẽ biết. Ai lại lý lịch của một lãnh tụ, có 4 năm trống không đè cập 1 chữ thì cũng phải tìm lý do vì sao chứ ?
Ta kết thúc tranh luận ở đây nhé !

Thuong Tranphi Ông VK trước khi ra đi đã gọi BTHCM đến để "trăng trối", chắc chắn điều đó là quan trọng, đang bị che dấu hoặc hiểu sai... Tôi tin ông VK là người trung thực. Tôi cũng không nghi ngờ động cơ của nhà báo QP. Điều còn lại tôi nghi ngờ: cái bản viết tay mà nhà báo QP sử dụng có chính xác là bản "gỡ băng" gốc của VBTHCM ??? Vào thời gian 2014 trên thị trường đã xuất hiện đầy rẫy các thiết bị ghi âm kỹ thuật số mà sao BTHCM lại dùng băng từ để lưu trữ tài liệu nên bị giờ bị hư, không đối chiếu được? Lời trăng trối của ông VK liệu có bị sửa đi một vài chi tiết?

Nguyễn Hồng Phi Tôi thì chỉ cần nghe lời lẽ trong cuốn băng ghi ấm ấy là đủ hiểu , vì nó là văn nói , lại ko còn mạch lạc hợp với tình trạng sk và tuổi tác của bác Kỳ . Tác giả ko thể tự ý sửa hay thêm thắt hoặc đưa ra băng giả . Vì một sự kiện quan trọng trong cuộc đời một con người vĩ đại như Bác thì ko làm thế, trừ lũ phản quốc ! Mfa phản quốc thì chả đứa nào ngu gì mà đi thanh minh cho việc anh Trung ko phải là con Bác trong khi chúng đang bằng mọi cách tueyen truyền ..

Quoc Phong Chuyện này đc ghi âm vào năm 2004 bạn ơi ! Dùng băng dây nhỏ cỡ bề ngang độ 3 mm . Cái này không khéo giữ chỉ 3 năm là hỏng do khí hậu nước mình. Nhưng họ đã tổ chức báo cáo các cấp có trách nhiệm và bàn chuyện này ngay tức thì rồi.
Nguyễn Minh Hoàng 66 like, em vẫn phải đợi để là người like thứ 69, số đẹp chị à, vì như thế mới xứng đáng với Người ' aria-hidden=true class=img v:shapes="_x0000_i1026"> :)

Xuân Tĩnh Trần Nhà Báo Quốc Phong chỉ là người ngoài cuộc, chỉ "nghe nói" mà không có cứ liệu minh chứng. Chỉ cần chuyển một thông điệp (nói) qua 5 người với 20 từ, nói với người thứ nhất không để người thứ 2 nghe, cứ thế cho đến hết người thứ 5, nội dung thông tin đã lệch lạc, thậm chí méo mó, sai nội dung cơ bản. Với Hồ Chủ tịch, Bác là một con người cụ thể, đương thời, Người sống khiêm nhường, không vụ lợi, không thích đề cao vai trò cá nhân. Người có trái tim đầy khát vọng yêu, thương. Chỉ vì cuộc đời hoạt động đầy cam go trước sự theo dõi, bủa vây của mạng lưới mật thám; trước sự đấu tranh nội bộ để lựa chọn, khảng định con đường, cách thức, phương pháp cách mạng mà Người đâu còn cơ hội, điều kiện để lo tình riêng. Nếu thực tiễn, Hồ Chí Minh có vợ, có con cũng là niềm vinh hạnh cho dân tộc, cho chúng ta đấy thôi. Khi bàn luận về những vĩ nhân, về Danh nhân văn hoá nhân loại - Hồ Chí Minh không nên võ đoán, hãy dựa trên cứ liệu lịch sử (cái có thật) để minh chứng để tránh phiến diện, chủ quan, hồ đồ.

Vanthang Nguyễn Bịa đặt.
Ông Vũ Kỳ là một con người rất chín chắn đàng hoàng chứ ko phải trẻ con. Vậy tại sao khi khỏe mạnh ông VK không nói những chuyện này với BỘ CHÍNH TRỊ?
Ông VK mats chưa lâu, sao băng ghi âm lại hỏng, mất, trong khi băng ghi ám từ nhưng̃ năm 1945 còn tốt?
Tại sao chỉ nói về những người đã mất, còn những người đang sống lại cho là vấn đè tế nhị?
Tại sao những vấn đề về Bác Hồ lại đưa ra vào thời điểm này?
Bác Hồ là một con người cũng có nhu cầu sôngs vật chất, tinh thần, thể xác như bao người khác, tôi nhất trí. Nhưng ở Người khác với chúng ta là môt lãnh tụ Thiên tài, một người có ý chí nghị lực phi thường...
Người viết muốn lấy cái tầm thường gán vào cho Hồ Chí Minh một con người phi thường nhằm mục đích xấu...Chúng ta không thể chấp nhận..!!!

Nguyễn Hồng Phi Chấp nhận hay ko còn tùy vào mức độ hiểu của từng người anh ạ. Hiểu ở đây ko chỉ về Bác , mà còn là hiểu từng thời kỳ trong LS . hãy chịu khó đọc tất cả các cm trên kia anh sẽ hiểu phàn nào , nhắc lại mất hay.. Đây là vấn đề ko hề đơn giản , rất nên thận trọng khi qui kết

Vanthang Nguyễn Tôi chỉ tin khi Đảng và Nhà Nước mình có thông báo chính thức.
Mạng xh bây giờ như một đống rác.

Nguyễn Hồng Phi Vanthang Nguyễn Đảng và NN Thông tin chính thức vào lúc nào và bằng cách nào cũng lại là cả một vấn đề ko hề đơn giản . Vì vẫn còn khá nhiều người có suy nghĩ như anh. Anh đừng tự ai vì e hay nói thẳng. Nếu ai cũng hiểu dc những ngóc ngách trong một g...Xem thêm

Quoc Phong Vậy không báo cáo và không bàn thì đây là gì ,bạc ? Nên nhớ, lúc đó ông VK vẫn chưa mất thì Viện BT họ đã phải báo cáo gấp sự việc vói những nơi có trách nhiệm kia mà ! Thậm chí bc theo con đường Ban cán sự Đảng chứ ko phải con đường chính quyền. Sau đó đã khẩn trương sang một số nước xác minh rồi bạn ạ ! Ngay cả sang gặp GS Hoàng Tranh chuyện bà Tăng Tuyết Minh, ngay sau đó đã báo cáo vói Uỷ viên BCT Nguyễn Khoa Điềm vói nhận định ông Hoàng Tranh nói có rất nhiều tin cậy. Ông Hoàn Tranh còn đề nghị nếu muốn nghe thì ông sẽ sang Việt Nam! Chứ ko chịu bàn giao tài liệu gốc. BCT VN sau đó có hơi trách gs Hoàng Tranh , lẽ ra nên trao đổi vói chúng ta trước mà không nên công bố trên tạp chí gì đó bên TQ. Đây là lời kể của bà Tình ,gđ BT sau khi sang TQ thẩm định về thì đi bc Ông Khoa Điềm. Bà Tình đã kể cho tôi nghe.
Ông Khoa Điềm còn hỏi bà Tình, theo đc , khả năng tư liệu có đủ tin cậy không ? Bà Tình , một người gốc ngc sử học đã thừa nhận có đến 99% đó là tài liệu chân thực.


 · Trả lời · 
2
Nguyễn Hồng Phi
Nguyễn Hồng Phi Rất nhiều người có thói quen cm trước khi ko chịu xem kỹ hình ảnh liên quan đến nội dung bài viết ., nhất là những đề tài nhạy cảm như thế này . Thậm chí là chỉ đọc qua, đọc lướt đã phản hồi.

Quoc Phong Tất cả những gì tôi không có văn bản mà chỉ nghe qua lời kể của bà Tình, tôi cũng không nêu vì đó là chuyện bí mật . Còn tài liệu ông VK kể, BT đã ghi ra thì không đóng dấu mật. Chỉ là được một hội đồng KH của Viện lập biên bản, đưa vào kho lưu trữ.

Nguyễn Hồng Phi Quoc Phong Anh hãy gắng giành tg giải thích hoặc đưa ra những văn bản , luận cứ gì có được cho những người chưa đồng thuận ở đây xem , đọc Khi em share chuyện gì, em cũng đã phải cân nhắc trước ..nhưng rất buồn là công lao của anh em mình đôi khi lại mang tác dụng ngược

Quoc Phong Văn bản này ra đời trước khi ông Vũ Kỳ mất 8 tháng.

Quoc Phong Thực ra, có những người rất quý Bác họ phản ứng chứ không phải này kia đâu. Song, cũng do họ chưa đc tiếp cận tài liệu từ nguồn tin cậy nên bị choáng nặng . Thôi thì cũng do thần tượng Bác nhiều chục năm nên mới vậy. Vậy cũng là tốt nhìn ở một góc độ nào đó. Theo mình, cũng không sao và rất trân trọng sự thẳng thắn đó của họ. Chỉ không hài lòng vói những người không ưa cụ, họ nói không thiện chí, bình luận không ra sao .
Chắc mình sẽ chấm dứt thôi kẻo mắc bẫy, có gì lại "rút ruột" ra hết , không nên. Bản thân mình, khi viết về giai đoạn cụ đi lính cho Pháp đã có nhiều người có trách nhiệm không hài lòng vì bảo rằng sắp ĐH Đảng rồi. Để sau ĐH đã hãy đăng. Nhưng mình vẫn viết và Xưa và Nay quyết định đăng. Hơn thế, Bảo tàng HCM còn chủ động viết thêm để làm rõ chuyện mình viết là có cơ sở . Rất may, không một ai phê bình Tạp chí của anh Dương Trung Quốc.


Nguyễn Hồng Phi Đúng là với những ai ko chịu đọc hoặc đọc mà ko hiểu thì khá rắc rồi.Vì chỉ cần nghe "Bác đi lính cho Pháp" cũng như Bác từng tham gia Bát lộ quân TQ ( mà chính Đảng đã công khai từ lâu ) Là mọi người nhảy dựng lên phản đối Họ ko chịu hiểu , tg đó TQ cũng kháng Nhât như ta kháng Pháp , vậy thì Bác là Bát lộ quân đâu có sai> Còn Bác nhận lời đăng lính thay cho con trai chủ bếp người Pháp nơi Bác làm việc lại là một nghĩa cử ko phải ai cũng làm được . Đúng là bọn phản động đã vin vào những tình tiết có thật ấy để xuyên tạc , kiểu như HCM là Hồ Quang vậy .. Nhưng chỉ cần những người yêu kính Bác . ai cũng chiu tìm tòi, tư duy một chút thôi thì mọi luận điệu bỉ ổi , hèn hạ của chúng đã ko hề mảy may có tác dụng . Nghĩ cũng nản ..




Xuân Tĩnh Trần Ngay cả việc đoàn cán bộ của viện KHXH có cả vài nhà sử học của chúng ta sang TQ gặp GS Hoàng Tranh, xuống tận địa chỉ mà Hoàng Tranh cung cấp, rốt cuộc chẳng có một tư liệu nào là thật, bởi con trai bà Tăng Tuyết Minh đã khảng định cha mẹ ông ấy là người từng làm nhiệm vụ bảo vệ Hồ Chí Minh theo sự phân công của QTCS và ĐCSTQ. Ông còn khảng định: bài viết gọi là công trình nghiên cứu của GS Hoàng Tranh là văn bản bịa đặt, không thể tha thứ. Anh Quốc Phong khảng định là nghe bà Tình kể ư? một vài văn bản anh đưa lên với bản chụp ư? tất cả không có độ tin cậy. Là một nhà báo như Anh, tôi thiết nghĩ Anh còn tâm trí, còn nhiệt huyết với dân toccj thì nên đi vào cuộc đấu tranh chống giặc"nội xâm" mà Cụ Hồ đã cảnh báo từ những năm sau cách mạng Tháng Tám (1945) và bây giờ đang là quốc nạn.Thích

Nguyễn Hồng Phi Bạn nên đưa ra chứng cứ về những gì mình nói thì hơn, Riêng tôi, đọc cm này của bạn cũng đoán tư duy của bạn ở mức nào !