Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm và bức tượng Bác Hồ năm 1946

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm và bức tượng Bác Hồ năm 1946





------

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000) là sinh viên khóa II của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1931, ông tốt nghiệp ngành điêu khắc với kết quả xuất sắc và sau đó được nhận học bổng tu nghiệp tại Bảo tàng Louvre. Ông sang Pháp cùng với các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu.

Vũ Cao Đàm (giữa) cùng Lê Phổ, Mai Trung Thứ tại Pháp
Ngày 31-5-1946, Bác Hồ bắt đầu thực hiện chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Fontainebleau. Chiều ngày 22-6-1946, Bác đặt chân xuống sân bay Bourget với tư cách là thượng khách của nước Pháp, làm lễ chào cờ và duyệt đội tiêu binh. 
Những ngày tiếp theo, kiều bào ta ở Pháp hân hoan tổ chức chào đón Phái đoàn và vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các đại biểu trí thức đều mong được tiếp xúc với Bác và tìm hiểu thêm về tình hình đất nước.
Ngày 1-7-1946, họa sĩ Vũ Cao Đàm đến thăm Bác và xin phép được chụp ảnh và nặn tượng Bác. Trong cuộc gặp ấy, Bác Hồ đã tặng họa sĩ và một tấm huy hiệu của Người.
Tấm huy hiệu đó đã nhanh chóng được họa sĩ nhân ra thành những bức phù điêu đồng có đường kính 6,8cm, dày 3mm. Sau đó, những bức phù điêu này lại được họa sĩ trao lại cho Phái đoàn để dùng làm quà tặng chính thức trong thời gian công cán ở Pháp.

Phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh 1946, đúc đồng, 68mm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ngoài  phù điêu này còn có tấm ảnh chân dung do họa sĩ Vũ Cao Đàm chụp Bác năm 1946, mặt sau có dòng chữ do chính tay Bác ký tặng: “Tặng vợ chồng chú Đàm và các cháu - Thân ái. Hồ Chí Minh”. Tấm ảnh này cũng được họa sĩ gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh thông qua người em trai ông là dược sĩ Vũ Công Thuyết vào năm 1976.
Cũng trong thời gian Bác ở Pháp, họa sĩ còn thực hiện một bức tượng chân dung Người bằng chất liệu thạch cao.  
Năm 1950, khi phải dời chỗ ở  xuống miền Nam nước Pháp, nơi có khí hậu phù hợp với việc điều trị bệnh phổi, họa sĩ đã nhờ gia đình một nông dân Pháp, ở thành phố Béziers, tỉnh Hérault, cất giữ bức tượng. Mười bẩy năm sau, khi vợ chồng họa sĩ  trở lại tìm bức tượng, người nông dân Pháp kia, bây giờ đã già yếu và gần như mất trí nhớ, nhưng vẫn chỉ ra được nơi cất giấu bức tượng.
Năm 1996, để lưu giữ được lâu dài tác phẩm đặc biệt này, con gái họa sĩ là Yanick Vũ đã đưa bức tượng sang Tây Ban Nha để thực hiện việc chuyển thể chất liệu bức tượng từ thạch cao sang chất liệu đồng đỏ. Tổng thể, bức tượng nặng 35 kg, trong đó phần chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng đồng, cao 45,7 cm, và phần bệ bằng đá màu ghi đen, cao 11, 8cm.
Bức tượng này được giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện được phong thái của vị lãnh tụ kính yêu trong thời điểm vận nước hết sức khó khăn cách đây vừa đúng 70 năm.
Chân dung Hồ Chí Minh 1946, tượng đồng, tác giả Vũ Cao Đàm
Năm 1998, gia đình họa sĩ Vũ Cao Đàm đã gửi bức tượng về trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là tác phẩm điêu khắc đầu tiên và duy nhất của một nghệ sĩ Việt kiều thực hiện tượng chân dung Bác trong chuyến Người thăm Pháp năm 1946.

Bức tượng Bác Hồ năm 1946 của họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm là một minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước  tấm lòng của hàng triệu kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét