Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm và bức tượng Bác Hồ năm 1946

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm và bức tượng Bác Hồ năm 1946





------

Cố họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000) là sinh viên khóa II của Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1931, ông tốt nghiệp ngành điêu khắc với kết quả xuất sắc và sau đó được nhận học bổng tu nghiệp tại Bảo tàng Louvre. Ông sang Pháp cùng với các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu.

Vũ Cao Đàm (giữa) cùng Lê Phổ, Mai Trung Thứ tại Pháp
Ngày 31-5-1946, Bác Hồ bắt đầu thực hiện chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị Fontainebleau. Chiều ngày 22-6-1946, Bác đặt chân xuống sân bay Bourget với tư cách là thượng khách của nước Pháp, làm lễ chào cờ và duyệt đội tiêu binh. 
Những ngày tiếp theo, kiều bào ta ở Pháp hân hoan tổ chức chào đón Phái đoàn và vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các đại biểu trí thức đều mong được tiếp xúc với Bác và tìm hiểu thêm về tình hình đất nước.
Ngày 1-7-1946, họa sĩ Vũ Cao Đàm đến thăm Bác và xin phép được chụp ảnh và nặn tượng Bác. Trong cuộc gặp ấy, Bác Hồ đã tặng họa sĩ và một tấm huy hiệu của Người.
Tấm huy hiệu đó đã nhanh chóng được họa sĩ nhân ra thành những bức phù điêu đồng có đường kính 6,8cm, dày 3mm. Sau đó, những bức phù điêu này lại được họa sĩ trao lại cho Phái đoàn để dùng làm quà tặng chính thức trong thời gian công cán ở Pháp.

Phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh 1946, đúc đồng, 68mm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ngoài  phù điêu này còn có tấm ảnh chân dung do họa sĩ Vũ Cao Đàm chụp Bác năm 1946, mặt sau có dòng chữ do chính tay Bác ký tặng: “Tặng vợ chồng chú Đàm và các cháu - Thân ái. Hồ Chí Minh”. Tấm ảnh này cũng được họa sĩ gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh thông qua người em trai ông là dược sĩ Vũ Công Thuyết vào năm 1976.
Cũng trong thời gian Bác ở Pháp, họa sĩ còn thực hiện một bức tượng chân dung Người bằng chất liệu thạch cao.  
Năm 1950, khi phải dời chỗ ở  xuống miền Nam nước Pháp, nơi có khí hậu phù hợp với việc điều trị bệnh phổi, họa sĩ đã nhờ gia đình một nông dân Pháp, ở thành phố Béziers, tỉnh Hérault, cất giữ bức tượng. Mười bẩy năm sau, khi vợ chồng họa sĩ  trở lại tìm bức tượng, người nông dân Pháp kia, bây giờ đã già yếu và gần như mất trí nhớ, nhưng vẫn chỉ ra được nơi cất giấu bức tượng.
Năm 1996, để lưu giữ được lâu dài tác phẩm đặc biệt này, con gái họa sĩ là Yanick Vũ đã đưa bức tượng sang Tây Ban Nha để thực hiện việc chuyển thể chất liệu bức tượng từ thạch cao sang chất liệu đồng đỏ. Tổng thể, bức tượng nặng 35 kg, trong đó phần chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được làm bằng đồng, cao 45,7 cm, và phần bệ bằng đá màu ghi đen, cao 11, 8cm.
Bức tượng này được giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện được phong thái của vị lãnh tụ kính yêu trong thời điểm vận nước hết sức khó khăn cách đây vừa đúng 70 năm.
Chân dung Hồ Chí Minh 1946, tượng đồng, tác giả Vũ Cao Đàm
Năm 1998, gia đình họa sĩ Vũ Cao Đàm đã gửi bức tượng về trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là tác phẩm điêu khắc đầu tiên và duy nhất của một nghệ sĩ Việt kiều thực hiện tượng chân dung Bác trong chuyến Người thăm Pháp năm 1946.

Bức tượng Bác Hồ năm 1946 của họa sĩ - nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm là một minh chứng cho tình yêu quê hương đất nước  tấm lòng của hàng triệu kiều bào ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Nhớ lại kỷ niệm chụp ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhớ lại kỷ niệm chụp ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng năm đều đến Trung Quốc nghỉ dưỡng. Trong một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm khu suối nước nóng ở Tòng Hóa, Quảng Châu, phóng viên nhiếp ảnh của "Báo ảnh Quảng Châu" Lục Văn Tuấn đã chụp ảnh chân dung cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức ảnh này cũng là bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn treo trang trọng tại các trụ sở cơ quan của Việt Nam. Sau đây là trích bài hồi ký của phóng viên nhiếp ảnh "Báo ảnh Quảng Châu" Lục Văn Tuấn về những kỷ niệm chụp ảnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là tấm ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngưng tụ tình hữu nghị chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Trung – Việt, mỗi khi nhìn thấy tấm ảnh này, đều khiến tôi nhớ lại những ngày ở bên Người và chụp ảnh cho Người. Hồ Chủ tịch đồng cam cộng khổ, cùng hoạn nạn với nhân dân Trung Quốc, sát cánh cùng nhân dân Trung Quốc tiến hành hoạt động cách mạng trong thời gian dài. Mấy chục năm qua, Hồ Chủ tịch có tình cảm hết sức thân thiết và tình đồng chí cách mạng với Trung Quốc, Người thường nói "Mối tình hữu nghị Việt – Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em". Người còn nói với Thủ tướng Chu Ân Lai rằng: "Tôi đến Trung Quốc như về nhà mình vậy". Trong những năm cuối đời, nhằm tránh để nhân dân Việt Nam tổ chức mừng sinh nhật cho mình, vào những ngày sát sinh nhật, Người thường đến khu suối nước nóng Tòng Hóa ở Quảng Đông, Trung Quốc nghỉ dưỡng, khu suối nước này núi đồi bao bọc, tùng bách xanh tươi, chim hót hoa thơm, phong cảnh tươi đẹp, từ năm 1963 đến năm 1966, Hồ Chủ tịch từng bốn lần đến đây nghỉ dưỡng. Trong thời gian Hồ Chủ tịch nghỉ dưỡng ở đây, tổ chức cử tôi đi theo, chụp ảnh sinh hoạt cho Người. Một ngày trong tháng 5/1964, Thư ký của Hồ Chủ tịch nói với tôi rằng: "Trung ương Đảng Việt Nam mong chụp một bức chân dung mới cho Hồ Chủ tịch". Khi nhận được nhiệm vụ này, tôi thấy vừa vinh dự, vừa nặng nề, tinh thần trách nhiệm cách mạng khiến tôi hạ quyết tâm, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ vì tình hữu nghị giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Trung – Việt. Tôi tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, học thêm lý luận và kỹ thuật nhiếp ảnh, nâng cao hơn nữa kiến thức và trình độ chụp ảnh chân dung.
Ảnh chụp chân dung, trước tiên phải làm sao toát lên được cái hồn của nhân vật, vừa cần thể hiện đặc điểm ngoại hình, lại phải diễn đạt được cảm xúc nội tâm. Làm nổi bật cá tính, đặc trưng của nhân vật, ảnh chân dung của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại là để cho hàng triệu người dân sắc tộc khác nhau, đến từ các nước khác nhau và có tiếng nói khau chiêm ngưỡng, yêu cầu sẽ cao hơn và nghiêm khắc hơn.
Trong thời gian nghỉ dưỡng ở Trung Quốc, Hồ Chủ tịch sống cùng chúng tôi, hàng ngày tản bộ, leo núi, đôi lúc ra ngoài tham quan, làm việc, tiếp khách, v.v., khi nghỉ ngơi, Người thường kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đấu tranh cách mạng, Người như ở nhà mình vậy, tính tình còn hết sức khôi hài, đã tổ chức các nhân viên công tác bên Người thành một đoàn hợp xướng nhỏ, đích thân Người làm "trưởng đoàn", bài hát đầu tiên mà Người chọn cho chúng tôi là "Đội ca du kích" của đồng chí Hạ Lục Thinh, Người đảm nhiệm chỉ huy, thường vừa đánh nhịp nhẹ nhàng, vừa tập hát rất nghiêm túc cùng mọi người, đối xử với chúng tôi thân thiết như với con cái mình vậy. Hồ Chủ tịch và các nhân viên công tác đã kết lên tình hữu nghị chân thành thắm thiết, như vậy đã tạo điều kiện có lợi cho tôi thực hiện tốt nhiệm vụ chụp ảnh chân dung cho Người.
Phóng viên nhiếp ảnh Lục Văn Tuấn
Hồ Chủ tịch quan tâm quần chúng, chan hòa gần gũi, luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, giản dị chất phác, nhiệt tình, ngay thẳng, điềm đạm, hiền hậu, nét mặt hồng hào, hòa nhã dễ gần, Hồ Chủ tịch ăn mặc giản dị, áo khoác chính thức của Người là một chiếc áo kaki kiểu Trung Sơn màu vàng nhạt, rất hợp với gam màu sáng. Bởi vì màu sáng có thể thể hiện sự cao cả, thuần khiết và cái đẹp trong tâm hồn nhất, cộng thêm cả cuộc đời Hồ Chủ tịch lặn lội gió sương trong cuộc đấu tranh cách mạng, mái tóc và chòm râu bạc trắng như cước có thể làm nổi bật sự hiền hậu, anh minh và vĩ đại của Người. Tôi biết chụp ảnh màu sáng được quyết định bởi ba nhân tố: Một là, người được chụp phải mặc áo màu nhạt, Người mặc áo kaki kiểu Trung Sơn màu vàng nhạt vừa vặn ăn khớp với yêu cầu này; hai là, sắc tố của môi trường, tức bối cảnh cũng phải là màu đơn sắc, thế là tôi chọn địa điểm chụp ảnh là một góc trong phòng Người dùng cơm, màu sắc của bức tường là màu ngà nhạt, cũng phù hợp yêu cầu; ba là, sử dụng nguồn sáng chính và nguồn sáng phụ, chọn góc chụp thuận sáng. Nguồn sáng hoàn toàn có thể tự do điều chỉnh. Ý tưởng của tôi tương đối khả thi, cũng dễ thực hiện, như vậy đã tăng cường lòng tin của tôi khi chụp ảnh cho Người.
Thời gian chụp ảnh, tôi chọn 5 giờ chiều, đồng thời điều chỉnh tốt góc độ của máy ảnh khi chụp thử, để ống kính máy ảnh ở độ cao ngang với tầm mắt của người được chụp, giữ tỷ lệ tự nhiên của khuôn mặt người được chụp trong giữa bức ảnh, để có được một tấm ảnh tự nhiên và sống động, khi chụp ảnh, tôi không những cần nói chuyện với Hồ Chủ tịch, mà còn mời đồng chí phiên dịch Văn Trang, Thư ký và đồng chí Tiểu Dung, nhân viên phục vụ bên Người cùng phối hợp với tôi nói chuyện với Hồ Chủ tịch. Mặc dù tôi cùng chuyện trò vui vẻ với mọi người, nhưng thực ra tôi vừa bận rộn vừa căng thẳng, hết sức chăm chú theo dõi ánh mắt và hình dáng đôi môi của Hồ Chủ tịch. Trung Quốc có câu tục ngữ rằng: "Đôi mắt toát lên thần thái", sau đó là đôi môi. Khi nét mặt tinh thần và đặc trưng tính cách nội tại của Hồ Chủ tịch biểu lộ một cách rõ nét, tôi liền bấm máy. Để tránh bị chụp hỏng, tôi chụp liền 7 tấm, chỉ mất chưa đến 10 phút. Ngoài một tấm thần thái không được lý tưởng ra, 6 tấm khác đều đạt yêu cầu dự kiến. Hồ Chủ tịch rất hài lòng khi xem các tấm ảnh này. Người rất vui và nói câu cám ơn dí dỏm với tôi bằng tiếng Thượng Hải. Sau đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định lấy tấm ảnh hơi nghiêng người sang trái và tấm chụp chính diện làm tấm chân dung tiêu chuẩn, lưu truyền trên khắp Việt Nam và các nơi trên thế giới. Lúc đó, Hồ Chủ tịch đã ký tên trên hai tấm ảnh, một bức tặng tôi, bức còn lại tặng cho đồng chí Văn Trang.
Về sau, trước khi trở về Việt Nam, Hồ Chủ tịch chép một quyển "Nhật ký trong tù" và thơ của Người tặng tôi, và đề chữ trên cuốn sách rằng "Bác Hồ thân tặng". Ngoài ra còn nhờ tôi gửi quà tặng cho vợ tôi, đó là món đồ thêu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong đó có khăn tay thêu dòng chữ "Tình hữu nghị Việt – Trung muôn năm", kim gài áo, v.v., còn có cả bánh kẹo cho con cái tôi, Người suy nghĩ rất chu đáo, tình cảm của Người suốt đời tôi không bao giờ quên.
                                                                                         
       
Tấm ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh này vẫn được sử dụng phổ biến trong các ấn phẩm Việt Nam
Trên đây là trích đoạn bài hồi ký của phóng viên nhiếp ảnh "Báo ảnh Quảng Châu" Lục Văn Tuấn nhớ về kỷ niệm chụp ảnh chân dung cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết vừa rồi có nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh có tặng một bức ảnh chân dung cho đồng chí Văn Trang, phiên dịch trong đoàn cố vấn. Ông Văn Trang về sau là giáo sư của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cũng nhắc đến kỷ niệm này trong cuốn sách của ông mang tên "Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ký ức sâu thẳm của tôi", rằng: Duyệt xong các tấm ảnh, Hồ Chủ tịch gật đầu bày tỏ hài lòng. Hồi trẻ, Bác Hồ từng làm việc tại một tiệm chụp ảnh ở Pa-ri, tinh thông nhiếp ảnh. Muốn chụp được một tấm ảnh khiến Người hài lòng không hề dễ dàng. Thư ký của Người nói với tôi rằng, ở Hà Nội đâu có cơ hội như vậy để chụp ảnh cho Người. Sau đó, Bác Hồ ký tên trên hai tấm ảnh bằng tiếng Trung, gửi tặng đồng chí Lục Văn Tuấn, cũng tặng tôi một tấm. Tôi đã cất giữ tấm ảnh gốc có chữ ký của Bác Hồ này trong 43 năm, sau cân nhắc kỹ lưỡng mới tặng cho Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, để càng nhiều bạn bè Việt Nam có thể chiêm ngưỡng bút tích tiếng Trung của Hồ Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Giáo sư Văn Trang