Thông tin về Bắc Triều Tiên có rất ít, thậm chí chúng tôi đã làm về Bắc Triều Tiên hơn 30 năm rồi mà cũng chưa giải đáp được những câu hỏi mà các anh lúc nãy đã sơ bộ nêu ra, không biết Bắc Triều Tiên là cái gì đâu. Bây giờ, tôi chưa có tham vọng trả lời với các anh cái ông này nó thế nào, chế độ này nó ra làm sao, hay nó là loại gì trong lịch sử nhân loại. Tôi chỉ xin kể lại những điều mắt thấy tai nghe, những gì đã cảm nhận được trong suốt một thời gian dài công tác ở đây. Thực tế trong quá trình công tác nhiều năm cũng không có những nguồn thông tin gì thực sự đáng tin cậy, cũng là nghe qua người này, người kia, qua bộ phận này, bộ phận khác. Không có một loại tài liệu gì mang tính chất chính thống mà người ta đưa ra.
Tôi
chỉ có tham vọng báo cáo để các anh đứng ở góc độ cương vị công tác của mình và
trên nhiều góc độ khác để có nhận xét về chế độ, về vị lãnh đạo này, về cái Đảng
này nó như thế nào? Gần đây, Bắc Triều Tiên có mấy sự kiện lớn: Vấn đề hạt nhân.
Gần đây nhất là vấn đề máy bay trinh thám của Mỹ bay vào không phận Bắc Triều
Tiên. Trước đây Bắc Triều Tiên đã rình cái máy bay này mấy lần rồi, nhưng không
làm sao bắt được quả tang. Lần này đã có sự chuẩn bị từ trước, Bắc Triều Tiên
cho xuất phát 4 máy bay MIC 29, đuổi khoảng 20 phút trên bầu trời, có lúc hai
bên đã tiếp cận cách nhau 14, 15 mét. Bắc Triều Tiên đã kiềm chế không bắn, vì
nếu bắn thì không bao giờ nó rơi trên đất Bắc Triều Tiên được. Theo địa hình bản
đồ Bắc Triều Tiên các anh sẽ rõ vì khi bị đuổi bao giờ máy bay cũng chạy ra phía
biển; nếu có bắn trúng thì nó cũng bay được thêm 500 – 600 km ra ngoài biển, rồi
mới rơi, lúc đó cãi nhau thì mệt lắm. Bên thì bảo tôi còn bay ở ngoài, anh bắn
tôi, bên thì bảo anh đã vào đất liền của tôi, tôi bắn. Nhưng tang chứng thì máy
bay lại rơi ngoài biển khơi.
Trước
đây, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng rất phức tạp. Bắc Triều Tiên không
có khả năng cạnh tranh về kinh tế với Hàn Quốc. Do đó người ta mới nghĩ ra cần
có một con bài gì đó để mặc cả. Bắc Triều Tiên đưa ra chính sách phát triển về
kinh tế là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Trong công nghiệp nặng lại ưu
tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, mà công nghiệp quốc phòng thì lại vô
cùng tốn kém: một khẩu súng bằng cả mấy cái máy cày, một quả tên lửa tính ra
không biết bao nhiêu tiền của. Do đó từ khi theo con đường này, kinh tế Bắc
Triều Tiên cứ luôn luôn bị lệch lạc. Bắc Triều Tiên coi nhẹ công nghiệp nhẹ và
nông nghiệp cho nên đời sống nhân dân rất khổ, phải thắt lưng buộc bụng từ khi
thành lập nước đến tận bây giờ.
Sang
thế kỷ XXI, các nước XHCN phát triển nhanh chóng, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn cứ
thắt lưng buộc bụng, vẫn đói.
Ở
Hàn Quốc còn có Sam Sung, LG Tivi, máy giặt bán trên thế giới, nhưng mà không
thể tìm thấy một thứ đồ dùng gì của Bắc Triều Tiên đưa ra thế giới. Người ta nói
rằng từ ngày ông Kim Nhật Thành mất đi (1994) ông đã mang theo tất cả những tinh
hoa của đất nước. Vì vậy, khi ông Kim Châng In lên thay, đã không lãnh đạo được,
để dân chết đói ghê quá. Tính đến năm 1994-1997, theo hãng thông tin cho biết,
Bắc Triều Tiên đã để dân chết đói đến 2,8 triệu người, hơn con số ta chết đói
năm 1945, khi Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, chỉ có 2 triệu. Cuối thế kỷ XX đầu thế
kỷ XXI mà một nước XHCN đã để cho dân chết 2,8 triệu, đây là một tội ác, là rất
vô nhân đạo. Một chị người Triều Tiên, vừa được sang lấy chồng Việt Nam đã nói
với tôi: “Anh ạ, không phải là không có một con đường để Triều Tiên thoát ra
khỏi cảnh đói nghèo, có nhưng người ta không đi. Tại sao tôi biết, vì khi tôi
vào Sứ quán Hàn Quốc ở khách sạn Deawoo, có một thư viện rất lớn. Tôi đọc sách,
tôi mới thấy rõ ràng là có con đường khác mà lãnh tụ của tôi không đi, cứ đi
theo con đường này, cho nên dân tôi chết đói. Từ xưa đến nay tôi được giáo dục
những điều không đúng sự thật”. Đây là điều ta đáng phải suy nghĩ.
Theo
bản đồ thì Bắc Triều Tiên phía Bắc giáp Trung Quốc khoảng 1300 km, có biên giới
rất lớn; phía Đông giáp với Liên Xô có 16 km; phía Nam giáp với Hàn Quốc ở vĩ
tuyến 38. Phía bên này giáp biển Tây là Trung Quốc; giáp biển Đông là Nhật Bản.
Từ đó ta thấy Bắc Triều Tiên là một nước vừa nghèo vừa nhỏ nằm kẹp giữa các
cường quốc: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản; phía Nam giáp biên giới là người anh em
Hàn Quốc, mặc dù chưa phải là cường quốc nhưng là một nước phát triển. Theo ông
Tổng thống mới nhất của Hàn Quốc khi nhận chức đã công bố Hàn Quốc đứng hàng thứ
12 Thế giới là loại mạnh rồi.
Vị
trí địa lý chính trị làm cho Bắc Triều Tiên ở vào thế rất bị o ép. Từ đó sự an
nguy của Bắc Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều yếu tố chi phối của các nước lớn
này. Chính vì thế mà vấn đề định hướng cho Bắc Triều Tiên, nói rộng ra là cả bán
đảo Triều Tiên, vấn đề thống nhất Nam-Bắc (Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc) không
hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của nhân dân, hay là ý muốn của Ban Lãnh đạo, mà
nó còn phụ thuộc vào lợi ích của các nước lớn xung quanh.
Như
các đồng chí đã biết trên thế giới có 3 loại nước bị chia cắt là Đông Đức, Việt
Nam và Nam Bắc Triều Tiên. Việt Nam đã thực hiện được thống nhất đất nước theo
kiểu của ta. Đông Đức thì thống nhất theo kiểu sáp nhập tức là bên này nuốt
chửng bên kia. Theo Hàn Quốc nếu sáp nhập theo kiểu này thì họ không thể cáng
đáng nổi, vì Đông Đức ngày xưa so với các nước XHCN khác là vào loại khá. Khi
sáp nhập thì Tây Đức đã thấy đây là một gánh nặng đến bây giờ vẫn chưa gỡ ra
được, vẫn như cái hố trong nền nhà. Sự phân biệt giữa người Đông Đức và người
Tây Đức vẫn còn tồn tại nhiều năm nay. Hàn Quốc cho rằng nếu thống nhất như kiểu
Tây Đức thì không kham nổi, tức là phải cõng một ông anh què quặt trên lưng, đi
trên một con đường rất dài chưa biết đến bao giờ ông ấy khỏe chân để đặt xuống
dắt ông ấy đi. Tính đến bây giờ về tiềm lực kinh tế năm nay tổng sản phẩm quốc
dân của Bắc Triều Tiên mới có khoảng 15 tỷ, có ngân hàng nói chỉ có 10 tỷ. Trong
khi đó, tổng sản phẩm quốc dân của Hàn Quốc năm 2001 đã là 546 tỷ, một con số
chênh lệch quá đáng. Bây giờ muốn thống nhất được trước hết phải tăng cường giao
lưu, đầu tư vào Bắc Triều Tiên, vì đằng nào cũng phải đầu tư ra nước ngoài, chi
bằng đầu tư lên miền Bắc, cùng một dân tộc, cùng một tính chất, cùng một con
người, cùng một tiếng nói thì hiệu quả đầu tư nó sẽ cao hơn. Như vậy Bắc Triều
Tiên sẽ phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật khá dần lên, dần dần hai bên
bớt sự chênh lệch, gần nhau hơn thì may ra mới thống nhất được. Ông Tổng thống
Kim Tê Chung nói: Việc thống nhất của chúng tôi còn rất lâu dài.
Mẫu
thứ hai để thống nhất là Việt Nam, dùng chiến tranh bạo lực thì Hàn Quốc không
muốn vì thấy cái giá phải trả nó đắt quá.
Năm
1995, Tổng bí thư Đỗ Mười sang thăm Hàn Quốc. Chủ tịch Đảng cầm quyền là Tổng
thống Hàn Quốc đã hỏi Tổng bí thư Đỗ Mười: “Ông có lời khuyên nào cho việc thống
nhất của chúng tôi không?”. Đồng chí Đỗ Mười chỉ nói một câu: “Nếu cho tôi có
một lời khuyên thì không dùng biện pháp chiến tranh vì nó rất đắt”. Đại ý nói
như vậy.
Hàn
Quốc cũng không muốn như vậy vì đất nước đã phát triển ổn định, muốn ổn định để
phát triển đi lên.
Vậy
thì phải chọn ra con đường thứ ba, không phải kiểu Đức hay kiểu Việt Nam, mà là
kiểu dần dần tiến tới đoàn kết dân tộc, tăng cường giao lưu hợp tác, rồi tiến
tới thống nhất. Con đường này sẽ rất dài, phải 20 năm hoặc 50, 70 năm trở ra.
Dân số Bắc Triều Tiên tính đến năm 2001 có khoảng 22 triệu rưỡi. Hàn Quốc có
khoảng 46 triệu (gấp đôi). Diện tích cũng gấp đôi, tiềm lực kinh tế thì Hàn Quốc
gấp ba bốn chục lần. Thủ đô của Bắc Triều Tiên là Bình Nhưỡng, là một thủ đô
tương đối đẹp. Trong quyển sách “Những nền văn minh thế giới” đã liệt thủ đô
Bình Nhưỡng là một trong những thủ đô đẹp của thế giới. Sau chiến tranh Triều
Tiên 1952-1953, thủ đô Bình Nhưỡng bị san bằng tất cả. Sau đó Liên Xô đứng ra
thiết kế lại toàn bộ, cho quy hoạch xây dựng Thủ đô. Quy hoạch này được thiết kế
rất hoàn chỉnh, xây rất lớn, như tòa thư viện nhân dân ở giữa thủ đô, Hội trường
Quốc hội rất lớn và đẹp, kè của con sông Đại Đồng chảy qua thủ đô đẹp mỹ mãn.
Cho đến bây giờ vẫn theo quy hoạch này. Chỉ tội cái nền khoa học kỹ thuật, kinh
tế yếu nên trông nó rất buồn tẻ, nhưng lúc nào cũng cảm thấy nó thanh bình, như
cây liễu rủ bên sông Đại Đồng, đường phố thì rộng lớn, đẹp đẽ và quy củ. Xã hội
rất ngăn nắp, giáo dục rất nghiêm chỉnh tất nhiên là rất lạc hậu.
Lãnh
đạo của Bắc Triều Tiên bây giờ là ông Kim Châng In (Kim Chính Nhật), giữ chức
Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên – chứ không phải là Tổng bí thư của Ban
Chấp hành – Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ông Kim Iâng Nam. Theo Hiến
pháp sửa đổi năm 1998, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội có vai trò đối ngoại
như nguyên thủ quốc gia, giống như Nhật Hoàng. Các công việc như Trình quốc thư,
ký giấy ủy nhiệm, ban bố sắc lệnh đều do Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội
ký.
Sau
đó mới đến ông Chê Chung Ốc, Chủ tịch Quốc hội. Ông này chẳng khác gì ông từ giữ
đền. Hôm nào họp thì ông trải chiếu, giống như Văn phòng của ta. Danh nghĩa là
Chủ tịch Quốc hội, nhưng thực quyền thì không có. Tất cả thực quyền đều tập
trung vào ông Kim Châng In. Còn ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì không có gì đáng
nói.
Chế
độ của Bắc Triều Tiên danh chính ngôn thuận gọi là XHCN theo kiểu Triều Tiên.
XHCN kiểu Triều Tiên này cũng có rất nhiều cái khó hiểu, một chế độ phong kiến,
độc đoán, gia đình trị. Phong kiến vì lễ giáo rất nặng nề, cấp trên cấp dưới
sùng bái. Nếu ai không sùng bái ông ấy là đã mất đầu rồi, chưa nói là chống lại,
nếu chống lại thì không bao giờ tồn tại. Tệ sùng bái này được kế thừa từ ông bố
Kim Nhật Thành. Ở Triều Tiên hiện nay mọi người đều đeo một cái huy hiệu rất to.
Có 3, 4 loại huy hiệu; có loại một ảnh là ông Kim Nhật Thành, hoặc ông Kim Châng
In rất to; có 2 loại ảnh thì hai ông cùng ngồi. Có phân cấp từng loại một. Tệ
sùng bái này bây giờ vẫn còn nặng nề vô cùng. Trung Quốc hiện nay đã bỏ các huy
hiệu và ngũ lục Mao Trạch Đông. Thời Kim Nhật Thành còn sống, khi anh chị em gặp
nhau trên đường, không bao giờ được phép chào hỏi nhau về sức khỏe, mà phải hỏi
nhau đã đọc trước tác Kim Nhật Thành đến chương mấy rồi. Nếu có người thứ 3 ở
đấy mà lại hỏi nhau về con cái, sức khỏe thì sau đấy rất phiền toái. Một ngày
một người có 12 giờ ở cơ quan gồm: 8 giờ làm công việc được giao, 2 giờ lao động
công ích như quét tước ở xung quanh cơ quan, xí nghiệp hay nhà máy, sau đó có 2
giờ ngồi đọc trước tác Kim Nhật Thành.
Học
sinh trung học, cấp 2, cấp 3 hay Đại học thì không có lúc nào được phép ngồi để
suy nghĩ. Vì ngồi suy nghĩ lại lẩn thẩn nghĩ tại sao mình khổ, tại sao bố mẹ
mình lao động 12 tiếng một ngày mà vẫn nghèo. Người ta không muốn có thời gian
để suy nghĩ cá nhân, bắt phải đi học, học ở trên lớp xong, về nhà ăn cơm trưa
xong thì ra tập múa hát (Hát toàn những bài ca ngợi ông Kim Nhật Thành). Sau đó
là lao động công ích, học trước tác. Đến tối là về nghỉ ngơi, ăn cơm. Có những
ông giáo nói không bao giờ biết mặt con vì sáng sớm đi làm con chưa ngủ dậy, tối
khuya mới về thì con đã đi ngủ. Con mấy tuổi mà vẫn không biết mặt. Cường độ lao
động rất căng thẳng. Một xã hội rất nặng nề. Các nước phương Tây gọi xã hội này
là binh doanh xã hội, tức là trại lính. Mới nhìn vào thì thấy xã hội rất quy củ,
nền nếp, nhưng đi sâu vào thì thấy nó nặng nề lắm. Có một ông Đại sứ Angiêri khi
mới sang có nói một xã hội như thế này mà tại sao người ta cứ chửi bới, phong
cảnh thì đẹp đẽ, con người thì nền nếp – ông được đi tham quan, dự tiệc tùng.
Một tháng sau, sau khi trình quốc thư thì ông bắt đầu chửi Triều Tiên: Sao lại
có một xã hội kỳ dị như thế. Mùa đông thì không có lò sưởi, vào nhà làm việc chỉ
được 10 phút là phải về, nếu lâu một chút là đau đầu gối, ngồi lâu thì đau lưng
vì lạnh quá.
Đến
tháng thứ hai thì ông ta chửi thậm tệ: Tại sao một xã hội để cho dân khổ thế
này, bắt dân mang giẻ đi lau từng thanh ray, thanh sắt trên cầu, nhiều cái rất
vô lý.
Nếu
có sang thăm Bắc Triều Tiên, ở độ một tuần thì thấy rất đẹp, nhưng đến một tháng
trở ra thì chán lắm. Tôi đã ở bên ấy 15 năm, chịu hết nổi. Những năm 60, 70 ra
chợ còn mua được túi táo. Khóa trước khóa vừa rồi thì không còn nữa. Tất cả đều
phải mua ở Bắc Kinh. Hàng tháng đại sứ ta cử người đi bằng tàu hỏa sang Bắc
Kinh, một ngày đi, một ngày về, 3 ngày đi mua sắm và chuẩn bị. Tất cả các loại
thực phẩm gạo, thịt, cá đều mua ở Bắc Kinh, sau đó đưa về sứ quán chia cho anh
chị em theo đăng ký của từng người, từng gia đình, còn lại Sứ quán dùng để chiêu
đãi hoặc tiếp khách.
Có
lần phòng thông tin của Sứ quán cần 20 mét dây điện để làm việc. Các anh đánh xe
đi khắp nơi khoảng 2 – 3 tiếng mà không mua được vì các cửa hàng đều không
có.
Tôi
có cô con gái được sang Xê Un học tập. Trước đó cháu có qua Bình Nhưỡng thăm
chúng tôi. Gia đình muốn chụp một kiều ảnh kỷ niệm. Chúng tôi đi 3, 4 cửa hàng,
có cửa hàng chỉ còn 1 kiểu, có cửa hàng không có phim, đến một cửa hàng còn 3, 4
kiểu nhưng máy lại rất cổ, không có độ rum, phòng chụp thì bé, người thì nhiều
nên chụp không đẹp. Sau đó cháu sang Xê Un, có biên thư cho chúng tôi nói ở Xê
Un chẳng thiếu thứ gì.
Năm
2001, có đoàn của Bộ Văn hóa do một đồng chí thứ trưởng dẫn đầu (anh Phúc) sang
thăm Triều Tiên, có mang 5.000 tấn gạo để tặng bạn. Qua Bắc Kinh có gặp tôi, anh
đề nghị tôi cho vài đường chỉ dẫn (anh nói vui vậy). Tôi có nói: Anh là thứ
trưởng, thuộc loại cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; hai là lại mang quà
sang; ba là lại sang vào cuối tháng 4 – mà tháng 4 là tháng có ngày sinh của ông
Kim Nhật Thành – thì rất thuận lợi cho anh. Ba yếu tố đó đã tạo cho anh một cái
thẻ của một vị khách được trọng vọng. Nhưng tôi cũng phải nói với anh tại thủ đô
Bình Nhưỡng không có điện đường. Anh ấy bảo cậu cứ dọa tớ, thủ đô mà lại không
có điện đường. Tại sao tôi nói vậy, vì trước đây có đoàn của anh Vũ Khoan, anh
Phạm Tất Đang sang, bạn cho ở tại Khách sạn 5 sao. Khi vào nhà vệ sinh, thấy có
một cái bồn tắm để đầy nước, anh tháo nước đi, đến khi đi vệ sinh xong thì không
có nước để dội. Gọi người phục vụ thì họ nói: nước chứa trong bồn tắm là nước để
dùng cả ngày. Bây giờ phải xin nước ở phòng khác để dùng.
Một
ngày thường mất điện không bao giờ dưới 10 lần. Một lần tôi thí điểm bằng cái
máy cắt, cứ mỗi lần có điện trở lại thì nó lại cắt đi một đoạn dây bằng cái
phong bì. Từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau, tôi kiểm tra có 24 mảnh giấy
trắng được cắt ra như thế, mất điện thường xuyên, “trường kỳ kháng chiến”.
Hồi
tôi mới sang lần đầu tiên, bao giờ cũng có lệ mời anh em đi uống bai – gọi là
nhập trạch. Hôm đó thấy mỗi người cầm một cái đèn pin. Tôi nói: ta đến khách sạn
cơ mà. Y như rằng đèn pin có tác dụng. Ngồi một lúc thì mất điện, phải bật đèn
pin và gọi nhân viên đến châm nến.
Khi
đoàn của anh Thứ trưởng Bộ Văn hóa về, qua Bắc Kinh gặp tôi. Anh nói: Ai đời ở
khách sạn 5 sao mà mấy ngày trời ăn toàn củ cải, xào rồi luộc, nấu; nước không
có; ra đường không có điện đóm gì, tối như bưng, thỉnh thoảng có người chạy vụt
qua. Tôi có nói với anh Phúc: ở Thủ đô có chỗ vẫn có điện. Ở ngã tư nào có ảnh
của ông Kim đứng, ở dưới chân có một cái đèn hắt lên. Ở chỗ ấy thì có điện, chỉ
chiếu lên người ông thôi, còn chung quanh tối bưng. Điện đấy không phải để thắp
sáng cho nhân dân, mà là để “tra tấn” ông Kim Nhật Thành, vì riêng mặt ông ấy
sáng, nên muỗi và châu chấu bay đến bao vây đậu vào hoặc lao vào mặt ông ấy. Anh
Phúc có nói với tôi: khi nào có đoàn sang, anh báo tin cho tôi để tôi gửi cho
các anh mấy cân tôm khô, chứ sống thế này thì khổ quá.
Vấn
đề dân trí cũng rất thấp. Họ không biết được Việt Nam đã giải phóng đâu. Năm
1989 có Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 13 (Festival) tổ chức tại
Bình Nhưỡng. Đoàn Việt Nam do anh Hà Quang Dự làm trưởng đoàn. Anh Hà Quang Dự
có đến chào Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn của Bắc Triều Tiên. Ông này chúc
đồng chí Hà Quang Dự: “Chúc Việt Nam mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để
giải phóng Tổ quốc”. Đồng chí Hà Quang Dự cho rằng phiên dịch sai. Đồng chí
phiên dịch nói: “Tôi đã chinh chiến ở đây mười mấy năm rồi, không dịch sai được
đâu”. Đồng chí Dự phải nói lại: “Chúng tôi đã thống nhất đất nước từ năm 1975,
đến nay đã gần 20 năm rồi”. Đồng chí Bí thư thứ nhất TW Đoàn Triều Tiên vỗ vai
đồng chí Dự và nói: “Chúng ta là những người chiến sĩ cộng sản, không nên giấu
nhau, không nên nói dối”. Các đồng chí luôn luôn tin tưởng ở chúng tôi bao giờ
cũng chung một chiến hào, sát cánh với các đồng chí đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược”.
Qua
đó ta thấy dân trí ở đây rất thấp. Người ta ví chế độ XHCN của Bắc Triều Tiên
như một cái hộp đen, trong đó có rất nhiều cái bí ẩn; không ai được phép xem.
Cho nên Bắc Triều Tiên rất sợ mở cửa, cải cách. Nếu mở cửa cải cách thì hộp đen
dần dần hé mở thì các bí mật trong đó sẽ lộ ra hết, sẽ thành chuyện tày trời. Vì
sao vậy?
Năm
1996, ông Bí thư Trung ương Đảng Bắc Triều Tiên đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng
Lao động Bắc Triều Tiên sang dự Đại hội lần thứ VIII Đảng ta (1996). Đến 1997
thì ông ấy đào tẩu sang Hàn Quốc. Ông ta là một trí thức lớn, hiểu trưởng Trường
Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Ông là cha đẻ ra tư tưởng chủ thể Kim Nhật
Thành. Ông ấy lại bỏ đất nước ra đi. Ông cho rằng: Tôi phải ra đi để nói cho mọi
người trên thế giới rằng: cái chế độ này không thể tồn tại, phải tìm ra một cách
đi khác cho đất nước này, xã hội này. Chế độ của Bắc Triều Tiên là một chế độ
rất hà khắc. Nếu những bí mật của chế độ Bắc Triều Tiên được hé mở ra, thì người
ta sẽ thấy nó tàn ác và vô nhân đạo hơn cả chế độ Pôn Pốt ở Campuchia.
Các
nhà tù, khu biệt giam ở biên giới được mở rộng nhiều. Trước đây chỉ có ở 2, 3
tỉnh. Sau này phát triển ra mấy chục cái trại ở nhiều tỉnh. Các trại này là một
khu rộng lớn, trong đó đầy người như khu biệt xứ ở Sibêri ngày xưa ở Liên
Xô.
Thí
dụ: Có một ông đang làm Thủ tướng. Bẵng đi một thời gian không thấy tên trên báo
chí. Sau đã thấy ông ấy đang ở trên biên giới làm giám đốc lâm trường khai thác
gỗ ở biên giới. Cái lệ sùng bái lãnh tụ trở thành một cái bắt buộc để sống. Cho
nên ai cũng phải học trước tác, ai cũng phải sùng bái. Hỏi trẻ con về những danh
nhân trên thế giới, ông Mác, ông Lênin đều không biết, chỉ biết mỗi ông Kim Nhật
Thành thôi. Hỏi về trước tác, chương mấy, điều bao nhiêu nói về thiếu nhi thì
các cháu đọc luôn, thuộc lòng.
Ở
Bắc Triều Tiên bây giờ có việc mua được một cái đài hay một cái dàn điện tử về,
thì Hải quan giữ, cắt hết các sóng ngắn, để khi bật lên chỉ nghe thấy tiếng Kim
Nhật Thành nói thôi, không phải dò sóng gì cả. Ở bên đó chỉ có một đề tài là ca
ngợi Kim Nhật Thành, khi bật Tivi lên là thấy hai cha con. Phim truyện thì cũng
chỉ có một đề tài ca ngợi hai cha con Kim Nhật Thành, không có một đề tài nào
khác. Thí dụ: Hai anh chị yêu nhau, nhưng khi đến lúc gay cấn nhất thì lại nghĩ
đến ông Kim Nhật Thành. Gần đây nhất có một cô giành được giải nhất về Maratông
quốc tế. Phóng viên có hỏi: Chị nghĩ như thế nào trong quá trình tập luyện để
đạt được giải. Chị trả lời: “Tôi vừa chạy vừa nghĩ đến Tướng quân Kim Châng In
nên đạt được thành tích như vậy”. Tất cả xã hội gần như phải bắt buộc theo một
quy chuẩn, bắt buộc tư tưởng người ta phải suy nghĩ như vậy không được suy nghĩ
gì khác, mà việc này đôi khi nó cũng có hiệu quả. Thí dụ như trên báo của Đảng
đến ngày sinh của ông Kim Châng In là ngày 16 tháng 2 thì năm nào cũng có một
bài nói về các hiện tượng kỳ thú, kỳ lạ của tự nhiên như tự dưng trời quang mây
tạnh thì có một cầu vồng đôi, hay là tự dưng thấy có bông hoa lan nở hoa trái
vụ, hay là tự dưng trên các cây ở hai bờ sông Đại Đồng lại có cò trắng bay về.
Trên báo Đảng có những bài mang tính chất mê tín dị đoan, mỵ dân như vậy. Việc
chi phí vào tệ sùng bái cá nhân này cũng lớn lắm. Theo lịch sử chính thống thì
ông Kim Châng In sinh ở núi Bạch Đầu Sơn. Núi Bạch Đầu Sơn cách thủ đô hàng mấy
trăm ki lô mét, đèo heo hút gió, không có người ở trên đó thế mà cũng mang pháo
hoa lên trên ấy bắn để ca ngợi ông Kim Châng In.
Ngày
sinh của ông Kim không phải là ngày 16 tháng 2 năm 1942 như lịch sử bây giờ, ông
Kim sinh năm 1941 ở Viễn Đông – Nga. Hiện có rất nhiều tài liệu mà Hàn Quốc đã
công bố. Ở ngay Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều tài liệu
nói về lịch sử của Triều Tiên. Ngay cô dâu Việt Nam cũng nói: Ngày sinh của vị
lãnh tụ của chúng tôi cũng bị hoán cải đi, bóp méo sự thật. Lãnh tụ sinh năm
1941 ở Liên Xô lại nói sinh năm 1942 ở núi Bạch Đầu Sơn như thế là không đúng.
Qua đó ta thấy xã hội không theo một quy chuẩn nào cả, quy chuẩn đạo đức cũng
không phải, quy luật phát triển của lịch sử nhân loại cũng không phải.
Cả
thế giới người ta đang cách mạng xanh, cách mạng tin học, nhưng Bắc Triều Tiên
cứ lục cục sản xuất tên lửa để đi đánh nhau. Nhân dân đều biết nhưng không dám
phản đối, vì mới nho nhoe thì đã bị túm rồi. Thủ đô Bình Nhưỡng hiện nay như một
ốc đảo. Các tỉnh xung quanh Thủ đô thì rất khổ, rất nghèo, đói rách triền miên.
Riêng Thủ đô vẫn rất sạch sẽ và cung cấp cho nhân dân vẫn tương đối đầy đủ,
khoảng 400 gram lương thực trong một ngày, còn các chỗ khác chỉ khoảng 250 đến
300 gram, tùy từng vùng. Ở Thủ đô chỉ có gạo thôi, còn thức ăn không có mấy.
Thực hiện chế độ bao cấp toàn bộ, tất cả quần áo của cán bộ công nhân viên ở
trong thành phố do Nhà nước cấp phát. Ở trường học cấp phát đồng phục. Nhân dân
được cấp phát theo chế độ cán bộ này, cán bộ kia. Cho nên nhân dân ăn mặc tươm
tất, không có quần áo rách. Thủ đô là ốc đảo vì xung quanh các cửa ô của thủ đô
có các quân đoàn quân đội đóng, có trạm gác. Ai ra vào đều bị khám xét rất kỹ,
không có lệnh không được vào, không được ra. Có những người ở tỉnh ngoài làm
việc ở Thủ đô cũng không được về thăm gia đình, quê hương. Ra khỏi thành phố là
phải có giấy phép rất đặc biệt. Vào thành phố phải là những đợt được các tổ chức
đoàn thể của Nhà nước cử đi họp, học tập mới được về, không có chuyện vào thăm
hay vào chơi trong thành phố.
Tôi
xin kể lại chuyện chị người Bắc Triều Tiên đã lấy chồng Việt Nam vừa qua. Chồng
chị là anh Cảnh, hiện là huấn luyện viên đội môtô – xe đạp của Sở TDTT Hà Nội –
Năm1967, anh được cử sang học ở Triều Tiên. Năm 1968-1969 anh đi thực tập ở một
nhà máy, anh yêu chị công nhân Triều Tiên. Vì lúc đó quy định của Nhà nước ta là
đi học không được phép yêu đương người nước ngoài. Song hai bên vẫn cứ hẹn hò,
chờ đợi cho đến bây giờ. Khi có những đoàn đại biểu cấp cao đi thăm Triều Tiên
thì anh lại gửi đơn cho Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị tác
động với Triều Tiên để được lấy nhau.
Năm
2001, Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Bắc Triều Tiên, anh Cảnh lại gửi thư nhờ
Chủ tịch nước tác động với Chính phủ Bắc Triều Tiên. Tháng 5 năm 2001 đặt vấn
đề. Tháng 8 năm 2001 Quốc hội Triều Tiên họp đã thông qua cho phép chị lấy anh
Cảnh. Nhưng vẫn giữ quốc tịch Triều Tiên. Chị sinh năm 1948 – anh Cảnh sinh năm
1949. Anh Cảnh có bố công tác ở Bộ Ngoại giao, anh là con một. Đây là thắng lợi
về mặt chế độ. Hôm nhận được lệnh đi, Công an mang một xe tải đến đón chị (bên
đó không có xe con), trên đó có một ghế băng. Chị nói chị không đi, dù có chết
cũng không đi. Vì chị nghĩ gia đình chị có mấy tội: một là ông bố định bỏ đi
miền Nam từ năm 1960, tức là tội bất trung với Đảng, là một tội nặng nhất; hai
là bản thân chị lại yêu một người nước ngoài, tức là không trung thành với lãnh
tụ. Với những tội đó chắc là bị đưa đi xét xử, do vậy chị nhất quyết không đi.
Khi công an nói đó là lệnh của Lãnh tụ, chị phải đi. Khi xe đến biên giới của
Thủ đô thì bị ách lại. Sau đó phải điện cho Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao cho xe
con ra đón, đưa chị vào một khách sạn, lúc đó chị mới tin là còn sống. Sau đó họ
tổ chức lễ cưới cho chị ở Triều Tiên, chụp ảnh để lại cho gia đình. Khi sang đây
chị kể lại chuyện mẹ chị bị chết đói cách đây mấy năm vì thương con không có gì
ăn nên đã nhường lại cho con ăn. Những nơi mà ngày xưa các anh ấy đến học tập,
thực tập thì bây giờ không còn gì nữa, chỉ còn lại là đồi trọc, vì không có gì
để đun, nên mọi người đến đó chặt hết. Nhà máy phân đạm mà ngày xưa anh Cảnh đến
thực tập và chúng tôi yêu nhau, do không có điện nên đã tháo dỡ hết phụ tùng máy
móc để cho vào lò đúc thép. Bây giờ ở đó rất buồn tẻ, con người thì bạc nhược.
Nếu so sánh với miền Nam Triều Tiên vào năm 1953, sau khi chiến tranh Triều Tiên
kết thúc thì miền Bắc Triều Tiên có nhiều ưu thế hơn vì miền Bắc có nhiều khoáng
sản, tài nguyên thiên nhiên nhiều, các ngành khai thác đó Nhật bóc lột vơ vét
đều tập trung ở miền Bắc như thép, than. Khi Nhật thua rút đi, miền Bắc tiếp thu
được. Trong khi đó ở miền Nam thì không có gì. Miền Nam chủ yếu là đồng bằng,
nông nghiệp là chính. Nếu tính thu nhập đầu người ở Hàn Quốc năm 1962 mới chỉ có
62 USD/đầu người. Đến năm 1996 thì tổng thu nhập bình quân đầu người đã lên đến
11.000 USD/ người, đứng thứ 11 thế giới. Đến 1997 bị khủng hoảng tài chính nên
tụt xuống một chút. Mấy năm sau lại hồi phục được, bây giờ được đánh giá đứng
thứ 12 thế giới. Qua đó ta thấy được đường lối chỉ khác nhau một chút kết quả
thu được đã tất khác nhau. Hàn Quốc thực hiện đường lối dựa vào ô quân sự của
Mỹ, cho Mỹ đóng quân ở Nam Triều Tiên khoảng 37.000 quân, gần 100 căn cứ để rảnh
tay đi vào sản xuất kinh tế, buôn bán, sản xuất công nghiệp. Trong khi đó thì
Bắc Triều Tiên tập trung vào công nghiệp quốc phòng rất tốn kém, không còn đủ
tiềm lực để nâng cao đời sống của nhân dân, phát triển nông nghiệp và công
nghiệp nhẹ.
Trong
khoảng 14 năm (1962-1975), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Pắc Chung Hy, Hàn
Quốc đã khôi phục đất nước xong, sau đó tiếp tục phát triển rất nhanh đã trở
thành một con rồng ở khu vực này. Tổng sản phẩm quốc dân đạt 400, 500 tỷ đô la,
thu nhập đầu người vượt qua ngưỡng của 10.000 USD/người (11.400 USD).
Con
đường phát triển định hướng được đúng thì đi càng nhanh, đất nước càng phát
triển được. Nếu định hướng sai, đi càng nhanh càng chết. Ta hình dung Nam- Bắc
Triều Tiên như cái kéo, càng đi càng xa nhau, riêng nói về kinh tế chứ chưa nói
về các chế độ khác. Khoảng cách chênh lệch giữa hai miền càng ngày càng xa nhau.
Mấy năm gần đây Bắc Triều Tiên toàn phát triển trên con số không. Từ 1994-1998
có năm bị âm đến 3,7%. Còn bình thường cứ âm từ 2% hoặc 3%. Trong khi đó mặc dù
Nam Triều Tiên bị mắc vào khủng hoảng tài chính năm 1997, nhưng đã bứt lên rất
mạnh. Tinh thần dân tộc rất cao. Riêng về kinh tế khi đất nước lâm nguy, người
dân sẵn sàng tập trung toàn lực mang vàng, bạc góp cho Nhà nước để cùng thoát ra
khỏi khủng hoảng kinh tế.
Ngược
lại ở miền Bắc, do đường lối kinh tế xác định không được chính xác, càng ngày
càng lún sâu vào khó khăn. Như các đồng chí đã biết mạnh vì gạo bạo vì tiền, khi
đã nghèo thì hèn, khi đã không phát triển thì cảm thấy xấu hổ, không dám nói với
ai. Tôi lấy ví dụ: Ngoại giao hay dự các buổi gặp mặt, tiệc tùng. Đại sứ hoặc
cán bộ ngoại giao của Hàn Quốc gặp mọi người tay bắt mặt mừng, gặp gỡ trao đổi
với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa… Nhưng với Bắc
Triều Tiên chỉ đứng một xó, không dám nói chuyện với ai và cũng không có chuyện
gì để nói. Gặp cán bộ ngoại giao chúng tôi, là những người chí thân, nhưng cũng
không biết nói chuyện gì và cũng không có đề tài gì để nói cả.
Tôi
đã kể một số sự kiện vụn vặt để các anh hình dung. Tôi cũng không áp đặt bảo đây
nó là cái gì, mà để các anh tự đặt cho nó một cái tên.
Đảng
của bạn có tên chính thức là Đảng Lao động Triều Tiên được thành lập từ ngày 10
tháng 10 năm 1945 do ông Kim Nhật Thành tập họp một số lực lượng chống Nhật. Quá
trình thành lập Đảng cũng nan giải lắm, đánh nhau ghê gớm. Khi nói về lãnh tụ
Đảng này, rất nhiều báo chí phương Tây đăng ảnh Kim Nhật Thành. Để thành lập
được Đảng, Kim Nhật Thành đã phải trừ khử không biết bao nhiêu là bạn thân,
chiến hữu mới lên được chức, thành lập được Đảng. Chính vì thế mà có nhu cầu đặc
biệt là phải sùng bái cá nhân. Tại sao phải sùng bái vì cái gì mà người ta phải
bắt người khác ca ngợi thì không phải cái ấy nó tốt, nó đẹp, mà là nó yếu. Do đó
phải phát động cả dân, huy động không biết bao nhiêu tiền bạc, của cải vật chất,
tinh thần, thời gian, sức lực của cả dân tộc. Ở Bắc Triều Tiên khi cần huy động
một lực lượng quần chúng độ một triệu người thì chỉ cần một tiếng đồng hồ đã
đứng suốt dọc đường vẫy cờ, mặc áo dài đẹp từ sân bay về đến Nhà khách chính phủ
để đón một vị khách nào đó của nước ngoài. Qua đó thấy được một chế độ rất bao
cấp và do nhu cầu chính trị nên nó phải lên gân cốt để tạo cho mình một thế vững
mạnh.
Riêng
về đường lối cách mạng của Đảng Lao động Triều Tiên có rất nhiều cách tranh
luận. Về lịch sử, ngày 15 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô ép được quân Nhật
rút khỏi Triều Tiên và giải phóng được Triều Tiên. Phía Nam, Mỹ vào giải phóng
quân Nhật, phía Bắc Liên Xô vào giải giáp. Theo hiệp định Giơnevơ ký năm 1945,
đến năm 1947 thì Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đến năm 1948 không thống
nhất được, nên mỗi bên thành lập một Nhà nước riêng của mình. Miền Bắc do Kim
Nhật Thành đứng ra thành lập nhà nước. Trong quá trình hoạch định ra đường lối
phát triển cách mạng của Đảng, cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng đất
nước, quá trình xây dựng CNXH cũng có rất nhiều khó khăn. Sau đó quyết định khởi
sự cuộc chiến tranh, gọi là Nam tiến. Vấn đề này còn rất nhiều bàn cãi. Có người
nói Bắc Triều Tiên tấn công vào miền Nam gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên năm
1952-1953; có người thì nói là do Mỹ và Nam Triều Tiên Bắc tiến. Gần đây, nhiều
tư liệu được tiết lộ ra là phía Bắc tấn công phía Nam trước. Có nhiều lập luận
để chứng minh, tài liệu bí mật ở Mátscơva tiết lộ bằng giấy tờ chứng minh lúc đó
Bắc Triều Tiên đã xin phép Liên Xô và bàn với Trung Quốc, sau đó tấn công. Cũng
có người chỉ qua suy luận cũng đoán được rằng Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều
Tiên. Ngày 25 tháng 6 năm 1950, cuộc chiến tranh nổ ra. Ba ngày sau, quân của
Kim Nhật Thành đã ào ạt tiến vào giải phóng hơn một nửa Nam Triều Tiên. Sau 4, 5
ngày chỉ còn tỉnh Bu San, là tỉnh bé tí ti ở phía Tây Nam. Điều đó chứng tỏ phải
có sự chuẩn bị từ trước. Mỹ đứng ra cáng đáng cho Nam Triều Tiên, Mỹ đề nghị Hộ
đồng bảo an Liên hợp quốc họp. Mỹ xin được quân của Liên hợp quốc. Quân của Liên
hợp quốc đã giúp Nam Triều Tiên để chống lại Bắc Triều Tiên, thì phải có lý do
gì đó. Qua 2 ví dụ đó, người ít có điều kiện tiếp xúc với tài liệu cũng có thể
suy luận được rằng miền Bắc tấn công miền Nam.
Thế
của Nam Triều Tiên lúc đó cũng giống như thế của Đài Loan với Trung Quốc. Họ
chưa có tham vọng quay trở lại để giải phóng cả đất nước.
Đường
lối giải phóng Nam Triều Tiên của Bắc Triều Tiên không được suôn sẻ. Khi quân
của Liên hợp quốc tấn công trở ra, toàn bộ quân miền Bắc bắt buộc phải hậu thoát
lui về phía Bắc, tận Ap-Lục giáp với Trung Quốc. Sau đó tràn trở xuống và giữ
đúng vĩ tuyến 38 như hồi đầu chiến tranh, chết rất nhiều quân, nhiều tướng
tài.
Đường
lối đấu tranh thống nhất của Đảng có rất nhiều nan giải, vì khi rút khỏi miền
Nam thì đã rút toàn bộ quân đội và những cơ sở cách mạng vốn đã có ở miền Nam.
Cuối cùng ở miền Nam là khu vực rất trống, không còn một cơ sở hạt giống cách
mạng nào, không giống như cuộc cách mạng giải phóng miền Nam của Việt Nam. Cách
mạng giải phóng miền Nam của Việt Nam đã tác động rất nhiều vào đường lối cách
mạng của Đảng Lao động Triều Tiên. Nhiều người thấy rằng việc đánh tràn vào Nam
Triều Tiên năm 1950 là rất khó khăn mà phải theo kiểu Việt Nam, để cho nhân dân
miền Nam tự phát động, miền Bắc ủng hộ, trong đánh ra ngoài đánh vào mới giành
thắng lợi. Chính vì thế mà đã gây ra các cuộc tranh cãi và thanh trừng nội bộ
Đảng rất gay gắt. Bao nhiêu người đã từng có tư tưởng mới và đã sang Việt Nam để
học tập về đều bị thanh trừng hết, có đợt thanh trừng 6, 7 cán bộ cao cấp của
quân đội, của Đảng. Cho nên trong nội bộ Đảng có rất nhiều rạn nứt trong việc
đấu tranh thống nhất nước nhà thời gian đầu.
Về
đường lối xây dựng kinh tế, cân đối giữa phát triển kinh tế với phát triển quốc
phòng trong Đảng cũng rất nhiều tranh cãi và phe của Kim Nhật Thành vẫn là phe
thắng. Ông Kim đã gạt bỏ những người có tư tưởng cho là hữu khuynh, không nhìn
rõ kẻ thù, ảo tưởng về hòa bình. Đảng kiên quyết phát triển công nghiệp nặng,
sau đó mới đến phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp, do đó rất tốn kém tiền
của, vì thế mà sự tin tưởng của nhân dân ở Đảng ngày càng giảm. Cũng chính vì
đường lối phát triển không hợp lý, do vậy không thể thực hiện được ước mơ của
Chủ tịch Kim Nhật Thành là “Toàn dân được ăn cơm trắng và chan canh thịt” cho
đến tận bây giờ. Về mặt tổ chức của Đảng cũng không hoàn chỉnh. Trước năm 1980
thì cứ 5 năm đại hội Đảng một lần. Nhưng từ Đại hội VI (10/1980) đến nay – 23
năm không họp Đại hội Đảng. Vậy các chi bộ sinh hoạt kiểu gì? Bầu bán ông Kim
lên làm Tổng bí thư như thế nào? Đó là chuyện rất lạ.
Quá
trình đưa ông Kim con lên làm lãnh tụ, sẽ nói sau. Riêng chuyện bầu ông làm Chủ
tịch Đảng là cách làm rất độc đáo, không có Đảng nào làm như thế cả. Theo như
báo Đảng cho biết, ông Kim sinh hoạt trong một chi bộ, được chi bộ suy tôn lên
làm Tổng bí thư. Một người có ý kiến như vậy, chả ai dám phản đối cả. Ai mà phản
đối là phải rút thẻ Đảng ngay. Cuối cùng cả chi bộ phải đồng ý. Chi bộ báo cáo
lên Đảng ủy khu. Đảng ủy khu lại phổ biến cho các chi bộ khác. Cũng không có chi
bộ nào dám phản đối cả, cứ theo vết dầu loang đó, cả nước suy tôn ông Kim Châng
In làm Tổng bí thư của Đảng, không có một cái phiếu bầu, không có một cái biên
bản, không cần có một Đại hội nào cả. Tự dưng ông làm Tổng bí thư, kỷ luật Đảng,
tổ chức Đảng không chặt chẽ, theo một sự duy ý chí. Tất nhiên là ông ấy đã bật
đèn xanh cho một tay nào đó làm. Bên trong thì không ai có thể hiểu được, nhưng
hình thức bên ngoài thì là chuyện có thật, viết ở trên báo.
Quá
trình lên nắm chính quyền của Kim con là do Kim Nhật Thành (Kim bố) chọn làm
người thừa kế.
Về
gia đình của Kim Nhật Thành: Bà vợ trước có 3 con trai. Kim Châng In là thứ 3.
Ông rất lười học, chỉ thích chơi. Ông đã phá không biết bao nhiêu xe Mercedes
của bố. Ông tập cả lái máy bay phản lực, tập cả phi ngựa. Nhìn ảnh ông thì ta
thấy rất xấu tướng, bẩn tướng, tóc lúc nào cũng dựng ngược lên, môi thì thâm như
có bệnh tim, da dẻ thì xỉn. Cho nên mỗi khi ông xuất hiện, các phóng viên ảnh
thi nhau chụp và tập trung chụp vào cái môi để chứng minh là ông ta có bệnh tim.
Chỉ được cái Kim con rất hăng hái với phụ nữ. Các cô diễn viên điện ảnh xinh
xinh, đẹp đẹp là được tướng quân “chỉ đạo” tại chỗ, nhiều lắm. Tại sao tôi nói
vậy, vì từ thời anh Nguyễn Văn Trọng, phó ban đối ngoại Trung ương Đảng làm Đại
sứ ở bên ấy, có một cô con gái học ở Trường Đại học Kim Nhật Thành có mấy bạn
gái người Triều Tiên rất xinh. Một cô đã nói với con gái anh Trọng: Làm con gái
đẹp ở Triều Tiên nhục lắm. Tao đã bị tướng quân đưa lên “chỉ đạo” ở trên đó một
đêm. Giờ tao chỉ muốn chết. Chỗ nào có bông hoa đẹp là ông ấy hái ngay.
Bà
vợ hiện nay của ông Kim Châng In cũng là một diễn viên điện ảnh. Bà này đã có
chồng, có con rồi. Ông Kim thích, thế là bà ta dứt khoát bỏ chồng để lấy ông Kim
Châng In.
Nói
rộng ra thì Kim Nhật Thành cũng thế. Bố nào con nấy. Trong nhà Kim Nhật Thành có
cái bể tắm bát tiên, bể tắm lục tiên, tức là 6 hoặc 8 cô gái trẻ cùng tắm với
ông ta. Về sau khi tuổi già, bác sỹ riêng của ông ta luôn luôn phải thay máu của
ông ta bằng máu của các cô gái trẻ. Vì máu là cái quyết định sinh khí của con
người, máu đó sẽ quyết định anh già hay trẻ, thay được máu trẻ vào thì khả năng
sống và sức trẻ của con người sẽ rất tốt và mạnh mẽ hơn. Vì vậy cứ định kỳ là
thay máu để kéo dài tuổi thọ. Thứ hai là tại sao lại bắt 8 cô, 6 cô cùng tắm với
ông ta, vì để trao đổi iông giữa người già và người trẻ, sẽ tăng cường sức trẻ
của người già. Kim con được chọn là người thừa kế duy nhất và đã được Kim bố
chuẩn bị rất chu đáo. Khi còn sống Kim bố đã tuyên bố: “Tôi sẽ chọn đồng chí Kim
Châng In làm người thừa kế, vì tôi thấy đồng chí Kim Châng In có rất nhiều phẩm
chất và năng lực công tác, đạo đức cách mạng, có nhiều khả năng thay thế tôi làm
việc, cho nên tôi tin rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ủng hộ để đồng chí Kim
Châng In làm việc”.
Vì
vậy khi Kim Châng In lên là nghĩ ngay muốn giữ gìn được an ninh chính trị phải
nắm được 3 lực lượng: một là quân đội để có sức mạnh trị vì đất nước; thứ hai là
lực lượng an ninh để phát hiện được những chỗ hỏng hóc trong xã hội để chấn
chỉnh, để dẹp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải nắm được lực lượng trẻ, đó là
lực lượng thanh niên. Nhưng khi lên nắm quyền thì mạnh nhất là nắm được quân đội
và một nửa thanh niên. Còn an ninh thì không nắm được. Ông ta nghĩ rằng cũng như
các thời đại vua chúa khác, không có quân mạnh thì không trấn yên được bờ cõi,
không dẹp được loạn trong nước. Vả lại quân đội là loại nước sông công lính,
tuyển vào không phải trả lương, bắt đi lao dịch ở đâu là phải đi. Cho nên rất
nhiều công trình lớn của Triều Tiên phần lớn đều do lực lượng quân đội làm, kể
cả đập chắn nước lớn bên bờ biển Tây. Thời hạn nghĩa vụ của Bắc Triều Tiên hiện
nay tăng từ 7 năm lên 14 năm. 14 năm thì coi như hết cả đời thanh xuân của
họ.
Quá
trình đưa Kim Châng In lên nắm quyền (1975) trong nội bộ Đảng đã có rất nhiều
thắc mắc. Những năm đó số cán bộ cốt cán của triều đình còn rất nhiều, về tuổi
đời, năng lực làm việc, công lao với cách mạng rất lớn. Thế mà lại đưa một anh
còn trẻ măng mới học trong trường – khoa kinh tế – để thay thế, không khỏi có
nhiều người phản đối. Vì vậy muốn duy trì được ý định của mình, Kim Nhật Thành
phải thay đổi rất nhiều cán bộ để duy trì chế độ cha truyền con nối.
Khi
ông Kim Nhật Thành chết đột ngột ngày 8 tháng 7 năm 1994, người ta tưởng đây là
cơ hội thuận lợi để ông Kim con lên nắm tất cả các chức quyền trong Đảng, Nhà
nước, Quốc hội và Chính phủ. Nhưng đến tháng 5 năm 1998, tức là 4 năm sau Quốc
hội mới họp, lúc đó ông Kim Châng In mới lên nắm các chức vụ Tổng bí thư Đảng,
Chủ tịch Hội đồng quân sự Nhà nước. Theo Hiến pháp sửa đổi năm 1998 thì Hội đồng
quân sự Nhà nước thâu tóm toàn bộ quyền hành kể cả về Đảng lẫn chính quyền trong
đất nước. Người làm Chủ tịch Hội đồng quân sự Nhà nước thâu tóm toàn bộ các
quyền, kể cả quyền phát động chiến tranh. Như vậy ông Kim con đã giữ hai chức vụ
to nhất của đất nước. Theo Hiến pháp sửa đổi năm 1998, toàn Đảng, toàn dân Triều
Tiên suy tôn đồng chí Kim Nhật Thành làm Chủ tịch nước vĩnh viễn của Nhà nước
Triều Tiên, không có ghế Phó chủ tịch nước. Kim con cũng muốn giữ chức vụ chủ
tịch nước nhưng trong quá trình đấu đá nhau không thể ngồi được, nên quy cho ông
Kim bố làm chủ tịch vĩnh viễn, mặc dù ông ta đã chết, đang nằm dưới đất. Như vậy
không ai nhảy được vào chiếc ghế này. Như vậy, tất cả các quyền hành đều nằm
trong tay Kim con. Cho nên có chuyện vui khi ông Đại sứ Bắc Triều Tiên sang nhậm
chức tại nước ta năm 1997, trình quốc thư: Trong thư trình thì người ký lại là
ông Kim Nhật Thành, mặc dù ông đã chết được 3 năm rồi. Bộ Ngoại giao ta không
chấp nhận, đề nghị bạn về báo cáo, sau đó thông tin cho Việt Nam biết. Sau đó Bộ
Ngoại giao bạn đề nghị ta chấp nhận vì nước bạn lúc đó chưa có chủ tịch nước
chính thức nên cứ tạm thời để Kim Nhật Thành ký. Bạn cho biết một số nước khác
đã chấp nhận như vậy. Cuối cùng Bộ Ngoại giao xin ý kiến Trung ương. Trung ương
chấp nhận mặc dù người đã chết vẫn ký văn bản cho người đang sống. Qua đó ta
thấy trong Đảng bạn cũng đấu tranh quyền lực ghê gớm lắm.
Khi
Kim Châng In tốt nghiệp cấp III, ông có sang Liên Xô vào Trường Đại học
Lômônôxốp tham quan. Sau đó ông ta về nước và nói học ở trong nước cũng tốt. Câu
nói “học ở trong nước cũng tốt” của ông đã trở thành phương châm giáo dục của
Bắc Triều Tiên. Từ đó trở đi không gửi lưu học sinh ra nước ngoài. Mãi gần đây
có một số học sinh do các tổ chức quốc tế mời đi tham quan, hoặc đi du lịch 1, 2
tháng rồi về, nhưng thường không được trọng dụng. Phương châm giáo dục của Kim
Châng In đưa ra là phải đào tạo trở thành những trung thần chỉ biết có trung
thành với một lãnh tụ là Kim Châng In mà thôi.
Vấn
đề tự hào dân tộc thì rất quá đáng. Lãnh tụ Kim Nhật Thành đã nói chỉ có đúng,
chứ không bao giờ không đúng vì Hiến pháp năm 1998 sửa đổi đã ghi rõ đường lối
kinh tế là theo đường lối Thanh Sơn Lý (Làng Thanh Sơn). Đường lối Thanh Sơn Lý
do ông Kim Nhật Thành đề ra năm 1959. Đường lối này là Đảng lãnh đạo kinh tế,
tất cả đảng viên tập trung vào thực hiện nghị quyết của Đảng về kinh tế. Bí thư
chi bộ của làng đứng ra phân công lao động: Tổ này đi bới cỏ, tổ kia đi bắt sâu.
8 giờ ra đồng, đến 10 giờ giải lao 15 phút hát mấy câu, cờ lá chuối cắm khắp cả
cánh đồng, đánh trống ầm ĩ. 11 giờ nghỉ về ăn cơm. Như vậy thì làm sao nông
nghiệp phát triển được.
Thí
dụ thứ 2: Năm 1999, anh Trần Văn Đăng sang thăm Bắc Triều Tiên, đi thăm rất
nhiều nơi, có những tòa nhà diện tích mặt bằng 2000 m2 , cao 5, 6 tầng. Hỏi ai
thiết kế. Họ nói chúng tôi thiết kế, xây dựng trong một năm. Đến đâu hỏi đều
được bạn trả lời trong một năm. Đến tàu điện ngầm, anh Đăng hỏi: Ga tàu điện
ngầm xây trong bao lâu. Họ lại nói trong một năm. Ở nhà máy sản xuất xi măng,
máy móc đều nhập của Hà Lan, đều dán tem sản xuất tại Hăm Buốc (Tây Đức) và Hà
Lan. Khi phóng viên hỏi họ nói chúng tôi tự sản xuất lấy. Trong khi đó các
chuyên gia Hà Lan đang cầm máy bộ đàm để chỉ đạo sản xuất, lắp ráp. Họ vẫn bảo
tất cả kỹ thuật của Triều Tiên. Chúng tôi thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành.
Tất cả là theo đường lối chỉ đạo của Kim Châng In.
Ông
Kim Châng In cũng rất thích có tiếng tăm. Năm 1989 có Đại hội Thanh niên thế
giới họp tại Bình Nhưỡng, ông chỉ đạo xây khách sạn Liễu Cảnh 105 tầng, hình
tháp có 3 chân chĩa ra như đuôi của cái tên. Xây được một năm thì móng đã bị
nghiêng. Báo chí ngày nào cũng đăng tin: Hôm nay xây được một tầng, hôm nay xây
được hai tầng. Sau đó bỗng thấy báo chí im hẳn. Hóa ra móng nghiêng, không làm
nữa. Đến bây giờ xi măng đã mọc rêu, trên đỉnh vẫn còn có cái cần cẩu để trên
đó. Rất nhiều nước xin vào gia cố, nhưng họ không cho. Lãnh tụ đã làm, đã nói là
đúng, có sai cũng để đấy thôi.
Hiện
nay xã hội Triều Tiên nói Đảng là gì: Đảng là lãnh tụ, lãnh tụ là Đảng. Nhìn vào
lãnh tụ là biết Đảng ra sao.
Về
giáo dục của bạn là hình thức chủ nghĩa, hời hợt. Bạn đã biết trên thế giới đang
phát triển về mọi mặt, nên bạn cũng rất lo, đang tìm cách giải quyết, không thể
để mãi tình trạng hiện tại, sợ sẽ đảo chính. Tin đảo chính thì nhiều, nhưng
chúng tôi cũng không nắm được chính thức. Nhưng tự dưng có vụ nổ, họ nói đó là
đảo chính.
Bắc
Triều Tiên cũng đang tìm cách để thoát ra khỏi khó khăn. Kim Châng In khẳng
định: Trên thế giới này chỉ có một siêu cường, đó là Mỹ. Khi mà khai thông được
với Mỹ thì khâu trung tâm sẽ khai thông được tất cả các quan hệ khác. Đó là tư
tưởng thông suốt chỉ đạo của Kim Châng In. Vì không mặc cả được với Mỹ và Hàn
Quốc về kinh tế, phải mặc cả với Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Năm 1985 đã xây dựng
phát triển vũ khí hạt nhân. Còn việc Bắc Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân chưa
thì hiện tại chưa ai khẳng định được. Nhưng Mỹ cũng phải nể và Bắc Triều Tiên
cũng đã kéo được Mỹ vào bàn hội đàm và ký được hiệp định khung năm 1994. Qua
hiệp định, Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên không sản xuất vũ khí hạt nhân nữa, Mỹ sẽ
xây dựng cho Bắc Triều Tiên một nhà máy phát điện bằng năng lượng hạt nhân
nguyên tử, trị giá năm 1994 khoảng 4,6 tỷ USD, tính trượt giá đến bây giờ phải
non 10 tỷ USD.
Trên
đà thắng đó, Bắc Triều Tiên tiếp tục dùng con bài hạt nhân để mặc cả với Mỹ với
mục đích bắt Mỹ phải ngồi bàn trực tiếp với Bắc Triều Tiên như thiết lập quan hệ
đối ngoại, viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên. Từ chuyện đó bắt buộc Nhật cũng
phải thiết lập quan hệ ngoại giao, phải viện trợ cho Bắc Triều Tiên.
Bây
giờ Mỹ và thế giới cứ phải quan tâm đến vũ khí hạt nhật của Bắc Triều Tiên, mặc
dù không biết thực hư sẽ ra sao. Nhiều người cho rằng Bắc Triều Tiên nói vậy chứ
làm gì có vũ khí hạt nhân vì tiềm lực kinh tế yếu, tổng sản phẩm quốc dân có 15
tỷ USD. Trong khi đó, Hàn Quốc có 500 tỷ USD. Nhưng mà ai cũng sợ vì tính khí
của họ là tên khủng bố quốc tế rồi. Nhật và Hàn Quốc rất sợ vì họ có một cơ ngơi
khang trang đẹp đẽ, rất cần có một không khí hòa bình ổn định để phát triển làm
ăn kinh tế. Họ rất sợ chiến tranh. Cho nên nếu mà Mỹ làm căng với Bắc Triều Tiên
thì Hàn Quốc và Nhật Bản lại phải lạy van Mỹ vì Mỹ đánh nhau với Bắc Triều Tiên
thì chỉ thanh lý được một số vũ khí từ chiến tranh thế giới thứ hai đến giờ. Còn
nếu chiến tranh nổ ra thì Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ bị thiệt hại trước tiên và rất
lớn. Mỹ cũng rất muốn đánh Bắc Triều Tiên. Có 2 lần, đó là cuối năm 1994, Mỹ đã
định dội bom nguyên tử xuống Bắc Triều Tiên. Thông tin này đã được kết luận.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ cũng đã định đánh Bắc Triều Tiên một lần nữa, nhưng Hàn
Quốc và Nhật Bản lại can.
Tại
sao lại gọi Bắc Triều Tiên là khủng bố quốc tế vì ngay từ lâu đã có tư tưởng
dùng bạo lực để ám sát, triệt lãnh đạo của Hàn Quốc. Năm 1988, Tổng thống Hàn
Quốc đi thăm Rang-un (Miến Điện), đến thăm nghĩa trang Nhà nước. Bắc Triều Tiên
đã cử 2 đặc công sang cài mấy quả mìn ở cổng nghĩa trang. Rất may xe của Tổng
thống vừa đi qua thì mìn nổ, 4 xe tiếp theo chở các Bộ trưởng và tùy tùng thì
chết. Xe của Tổng thống thì thoát. Sau đó an ninh Miến Điện cho lùng soát và bắt
được 2 người Bắc Triều Tiên. Sau đó là vụ “quả bom nước 20 tỷ tấn” định dội vào
Hàn Quốc. Vì khu vực núi Kim Cương Sơn do rất nhiều trái núi hợp thành hệ thống
núi. Bắc Triều Tiên cho xây chắn núi nọ với núi kia thành ra một cái bể chứa 20
tỷ mét khối nước. Mỗi mét khối nước nặng 1 tấn. Người ta gọi là 20 tỷ tấn. Đập
đó cách thủ đu Xê-un 100 km và cao hơn thủ đô Xê-un hơn 1000 mét. Nếu Bắc Triều
Tiên cho đặt 1 tấn bộc phá ở dưới chân đập và cho nổ đồng thời thì 20 tỷ tấn
nước này sẽ thổi thủ đô Xê-un bay sang biển Đông như ta lấy một thùng nước hắt
một cái lá tre xuống cống. Cho nên thế giới gọi Bắc Triều Tiên là tên khủng bố
quốc tế và phản đối kịch liệt. Thế giới đã giúp thành phố Xê-un xây một cái đập,
gọi là đập Hòa Bình cong cong để chắn lượng nước từ bên kia tràn sang, sẽ tóe
sang hai bên.
Sau
đó lại có vụ nổ máy bay của hãng hàng không Koreairlines của Hàn Quốc năm 1988
làm chết mấy trăm người. Rồi là bắt cóc người Nhật về Bắc Triều Tiên. Rồi việc
thanh trừng nội bộ rất nhiều. Cuối cùng Mỹ đã quy Bắc Triều Tiên vào danh sách
nước ủng hộ khủng bố quốc tế.
Bắc
Triều Tiên quan hệ với Việt Nam cũng có rất nhiều trắc trở. Bắc Triều Tiên rất
cơ hội chủ nghĩa và vì quyền lợi dân tộc hẹp hòi, chẳng có vì quốc tế cộng sản
hay vì cái gì hết. Thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, Bắc Triều
Tiên cũng ủng hộ nhưng với tinh thần là để chia lửa với Hàn Quốc, để Mỹ tập
trung quân đánh Nam Việt Nam, để cho Nam Triều Tiên rảnh tay đỡ chuyện tranh
giành khu vực bán đảo Triều Tiên. Chính vì thế nhiều khi Việt Nam cần thì Bắc
Triều Tiên không ủng hộ, lúc không cần thì lại dương cao ngọn cờ yêu cầu Việt
Nam theo Bắc Triều Tiên lập ra Mặt trận châu Á chống Mỹ vào khoảng 1968-1970 là
lúc cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam đang rất quyết liệt.
Khi
Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, sáu tháng
sau báo chí Bắc Triều Tiên vẫn không đưa tin thắng lợi vĩ đại của Việt Nam. Cả
thế giới người ta hân hoan vui mừng, trống dong cờ mở để hoan hô Việt Nam đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược, nhưng ông bạn Bắc Triều Tiên vẫn cứ im lặng. Sau đó ta
vận động, lúc đó báo chí mới đưa tin, nhân dân mới biết Việt Nam giải phóng rồi.
Sau đó lại thôi luôn cho nên rất nhiều người về sau này không biết được Việt Nam
đã giải phóng. Họ cho rằng các đồng chí Việt Nam không chịu chờ đợi để giải
phóng Nam Triều Tiên đồng thời giải phóng Nam Việt Nam, như vậy là các đồng chí
dồn hết khó khăn sang cho chúng tôi. Mỹ xong bên đó rồi sẽ quay sang đánh chúng
tôi. Các đồng chí không có tinh thần quốc tế. Họ lập luận quái gở như vậy. Còn
vấn đề vì lợi ích dân tộc hẹp hòi theo đuôi Trung Quốc trong vấn đề Campuchia
chống Việt Nam thì rất lớn. Nhưng vì ta không bắt được tài liệu, không bắt được
chuyên gia tại đấy, vì ta đánh Pôn Pốt theo kiểu xua chân, nếu đánh chụp, đánh
bao vây thì chắc chắn bắt được nhiều chuyên gia của Bắc Triều Tiên. Bắc Triều
Tiên thực ra cũng chẳng tốt gì với Việt Nam, nhưng lúc nào cũng có tư tưởng đòi
nợ Việt Nam: trước kia, chúng tôi giúp các đồng chí trong chiến tranh chống Mỹ,
bây giờ các đồng chí phải giúp chúng tôi. Các đồng chí không được quan hệ với
Nam Triều Tiên. Nhưng do xu thế không thể đảo ngược được, các nước XHCN, Liên
Xô, Trung Quốc đều đặt quan hệ với Nam Triều Tiên. Việt Nam cũng là nước XHCN
cuối cùng đặt quan hệ với Nam Triều Tiên cho nên bạn đỡ hậm hực. Khi ta lập được
quan hệ ngoại giao rồi thì lại khuyên ta chỉ đặt quan hệ ngoại giao, đừng đặt về
quan hệ kinh tế, quan hệ với Đảng cầm quyền ở Hàn Quốc. Sau này, Tổng bí thư
Đảng ta đi thăm Hàn Quốc, thiết lập quan hệ với Đảng cầm quyền của Hàn Quốc. Bạn
cũng chẳng thể đảo ngược lại được, đành phải ngậm ngùi. Mặc dù vậy họ vẫn có
những trắng trợn, thí dụ: viên đại sứ Bắc Triều Tiên hiện nay ở Việt Nam, khóa
trước làm tham tán Sứ quán Triều Tiên ở Việt Nam, lúc đó là năm 1995, anh ta lên
Bộ Ngoại giao khuyên chúng tôi: Các đồng chí đừng có tin Nam Triều Tiên kinh tế
phát triển, họ không làm được ô tô, tivi…, mà họ mua của các nước khác về để
tuyên truyền.
Trong
khi đó, Việt Nam đã buôn bán với Hàn Quốc, các công ty của Hàn Quốc đã vào đầu
tư ở Việt Nam và họ cũng biết chúng tôi đã từng công tác, học tập ở Hàn Quốc
nhiều năm. Tóm lại, con người Bắc Triều Tiên là rất khó chịu, xã hội, lãnh đạo
rất khó chịu, không hiểu nó là cái gì? Chúng tôi đã công tác ở Bắc Triều Tiên
mấy chục năm, nhưng bây giờ nói Bắc Triều Tiên là cái gì thì rất khó.
Bắc
Triều Tiên đưa ra tư tưởng chủ thể. Vậy tư tưởng chủ thể là gì? Đó là tư tưởng
cho con người là chủ thể của cách mạng, cũng là chủ thể của vận mệnh của mình,
của chính bản thân mình. Đó là nội dung của tư tưởng chủ thể. Nhưng mà việc thực
hiện tư tưởng chủ thể thì lại thực hiện theo một ý đồ đằng sau những danh từ của
tư tưởng chủ thể. Cho nên thế giới đánh giá tư tưởng chủ thể là loại tư tưởng
đóng cửa, không tin vào bất cứ một ai, không tin vào bạn bè, đóng cửa chặt. Có
người nước ngoài nói tư tưởng chủ thể là một loại tư tưởng phản động. Xã hội
càng phát triển, càng văn minh lên thì tư tưởng chủ thể càng bộc lộ rõ tính phản
động, kìm hãm sự phát triển. Nghe họ nói thì rất hay, nhưng làm thì rất dở. Thế
giới sợ và ghét, ngại không muốn đến gần.
Tư
liệu sưu tầm của Triệu Xuân