Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

Sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm nhìn lại*


  •   NGUYỄN ĐÌNH THI
  • Thứ ba, 08 Tháng 7 2014 06:11
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Kể từ năm 1946 tới nay, ngày 19-5 được công nhận là ngày Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng thực sự Cụ Hồ sinh ngày nào, năm nào? Và tại sao có ngày 19-5-1946?

 I.Năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Căn cứ theo lá thư người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Hồ Chí Minh) tại Marseille ngày 15-9-1919 gửi tổng thống Pháp để xin vào học trường thuộc địa tại Paris, thì phía dưới lá thư ký: Nguyễn Tất Thành; Sinh tại Vinh, 1892 con trai ông Nguyễn Sinh Huy (tiến sĩ văn chương) sinh viên tiếng Pháp và Trung Quốc (theo William J.Duiker, Hồ Chí Minh, New York 2000, bản dịch tiếng việt khổ A4, tr.31).
Còn theo tài liệu của Ông Daniel Hémery, dựa theo các nguồn của kho lưu trữ của chính phủ Pháp, thì lại khác. Tại sở cảnh sát Paris năm 1902, Hồ Chủ tịch lại  khai là sinh ngày 15.01.1894
Còn người anh trai Nguyễn Sinh Khiêm và người chị gái Nguyễn Thị Thanh, khi bị cảnh sát Trung kỳ hỏi cung vào năm 1920, thì người anh cho biết Nguyễn Sinh Cung sinh năm 1891, còn người chị gái lại khai vào khoảng 1893.
Còn giấy khai sinh được những người làm chứng ở Kim Liên xác nhận đã được cơ quan mật thám xác lập năm 1931 (tức khoảng 40 năm sau) thì chỉ ra ngày sinh của Nguyễn Sinh Cung vào tháng 03 năm Thành Thái thứ 6, tức khoảng tháng 04 năm 1894 (theo Daniel Hemery, Hồ Chí Minh, Từ Đông Dương đến Việt Nam, Lê Toàn dịch, NXB Phụ nữ 2004, tr.90-91)
Như thế, chúng ta có 4 năm sinh khác nhau: 1891, 1892, 1893,1894. Đây cũng là điều dễ hiểu. Ở thôn quê Nghệ Tĩnh ngày đó và mãi cho đến sau này thường không có giấy khai sinh chính thức. Người ta thường chỉ nhớ tuổi theo thứ tự chu kỳ 10 can (Giáp, Ất, Bính, Đinh…) và 12 chi (Tý, Sửu, Dần, Mão…), như Giáp Thân (1884), Ất Dậu (1885), Bính Tuất (1886), hay có khi chỉ nhớ qua một sự kiện nào đó: chẳng hạn “năm đó lụt lớn”, hay “năm đó đói”. Khi đi học chữ Hán thường thì không ai bắt phải khai ngày sinh, tháng đẻ. Còn khi đi học trường Pháp – Việt thì thường cứ khai như mình ngĩ (có khi khai là hai anh e ruột mà chỉ có sinh cách nhau 5,6 tháng!). Vì thế trường hợp năm sinh của Hồ Chí Minh, mỗi nguồn mỗi khác, cũng là chuyện bình thường.
Năm 1946, Hồ Chủ tịch công nhận năm 1890 là năm sinh
 Cuối cùng, bốn năm đó (1891, 1892, 1893, 1894) đều bị phủ nhận, và năm 1890 được Hồ Chí Minh công nhận chính thức là năm sinh của mình khi đồng ý cho tổ chức lần đầu tiên lễ sinh nhật của mình vào ngày 19-5-1946. Đây là một sự kiện mới. Và từ năm 1946 trở đi, các tài liệu về Hồ Chí Minh cho biết Hồ Chí Minh đã lấy năm đó để tính tuổi của mình. Đặc biệt, hình như hàng năm đến ngày 19-5, Cụ thường làm một bài thơ, vừa hóm hỉnh, vừa lạc quan.
Sinh nhật năm 1949 (1890-1949), Hồ Chí Minh làm bài thơ “Không đề”
Vì nước chưa nên ngĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta
(TS Trần Viết Hoàn, Nhớ mừng ngày sinh Bác Hồ, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nộih 2005, tr.16).
Năm 1950, Bác Hồ 60 tuổi, lúc đó ở thác Dẫng (Tuyên Quang)
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khoẻ, ngủ ngon, làm việc khoẻ
Trần mà như thế kiếm gì tiên!
(Trần Viết Hoàn, sdd, t.18)
Sau đây bài thơ “Thất cửu” Bác viết năm 1953, lúc 63 tuổi
Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
Sống quen thanh đạm, nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung
(Trần Viết Hoàn, sdd, t27)
Năm 1968, 78 tuổi, Hồ Chủ tịch làm bài thơ:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước! ta cùng con em ta!
(Trần Viết Hoàn, sdd, t. 69)
II.Ngày sinh của Hồ Chủ tịch
Nhưng tại sao là ngày 19 tháng 5 chứ không phải ngày 15-01-1894 như Nguyễn Tất Thành đã khai tại Ty cảnh sát Paris năm 1920?  Trả lời câu hỏi đó, ông Hémery đã đưa ra giả thuyết:
Sở dĩ lấy ngày 19-5 là để kỷ niệm ngày thành lập Việt Minh 19-5-1941 (D. Hémery, sdd, t.90). Thiết nghĩ rằng giả thuyết đó không đúng vì ngày thành lập Mặt trận Việt Minh là một biến cố quan trọng thực, nhưng không phải là lý do chính. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập hồi ký “Chiến đấu vòng vây” cũng công nhận “Ngày thành lập Việt Minh 19-5-1941 trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây là một sự “trùng hợp” chứ không phải lấy ngày thành lập Việt Minh làm ngày sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn thêm: “Ngày sinh Hồ Chủ tịch được công bố lân đầu tiên vào năm 1946” (Võ Nguyên Giáp, tổng hợp hồi ký, NXB Quân Đội Nhân dân, Hà Nội 2006, t.378)
Nếu cần lấy một ngày sinh nhật chung thì theo Hồ Chủ tịch trong lá thư ngày 19-5-1948 gửi Quốc Hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cám ơn, Hồ Chí Minh đề nghị lấy một ngày khác. Hồ Chủ tịch viết:
“Tôi thiết ngĩ rằng tuy tuổi tác chúng ta có kẻ nhiều, người ít, nhưng tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng tám năm 1945”(TS. Trần Viết Hoàn, sdd, t.13)
Trong khi chờ đợi một giải thích khác của các nhà sử học chuyên môn về Hồ Chí Minh hay của các bậc lão thành cách mạng (hoặc đã có rồi mà chúng tôi chưa rõ), chúng ta thử tìm hiểu lai lịch ngày đó.
Phong tục Việt Nam không ăn mừng sinh nhật
Trước tiên, cần phải gạt ra một bên giả thuyết là chính Hồ Chí Minh công khai hoá ngày đó để làm một dịp đề cao cá nhân mình. Thiết tưởng đó không là phong cách cố hữu của Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch là người “vì nhân dân quên mình”“là người không muốn nói về mình, không muốn người ta đề cao mình,chú trọng mình”. Chính vì thế khi biết ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, nhân dân và đồng chí đến chúc mừng. Trong những dịp này, Hồ Chủ Tịch luôn tỏ ra không đồng ý mấy. Chẳng hạn năm 1965, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, ông Trường Chinh thay mặt Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến chúc mừng, Hồ Chủ Tịch đã thẳng thắn trả lời: “Bác cám ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên” (Trần Viết Hoàn, sdd, t.56).
Chính vì thế, cứ đến gần ngày 19-5, Bác thường tìm cách vắng mặt. 19-5-1958, Bác đi thăm chùa Hương; 17-5-1960, Bác đi thăm không chính thức Nam Ninh (Trung Quốc); 16-5-1961, Bác đi thăm Quế Lâm (Quảng Tây); 18-5-1962 lại đi Nam Ninh; 19-5-1964, đi Côn Minh, Quảng Châu; 14-5-1966, lại đi thăm Trung Quốc. Năm 1968, Hồ Chí Minh “trốn” lên Hồ Tây, việc “bị lộ”, Bộ Chính Trị, Trung ương Đảng lên mừng Bác. Bác buộc lòng phải trở về nhà sàn. Để đơn giản việc chúc mừng, Bác đề nghị chỉ có Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở lại dùng cơm chiều với Bác (Trần Viết Hoàn, sdd, t.68).
Đó là việc hầu như không có gì khác lạ vì thỉnh thoảng Bác Hồ vẫn dùng cơm chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bữa cơm của hai người sống độc thân chứ không phải bữa cơm mừng sinh nhật. Cho đến mấy tuần lễ trước lúc Bác ra đi vĩnh viễn, Bác vẫn giữ thái độ khiêm tốn khi nói đến ngày sinh nhật của mình. Ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể lại sự kiện đó như sau: Mấy tuần lễ trước lúc Bác mất, một uỷ viên Bộ Chính trị vào thăm Bác và báo cáo cho Bác biết quyết định tổ chức bốn ngày lễ lớn năm 1970: 40 năm thành lập Đảng, 90 năm ngày sinh của Lê Nin, 25 năm thành lập nước và 80 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Nằm trên giường bệnh, Bác bảo: “Các chú nên bàn lại cho kỹ, còn ý kiến của Bác, Bác chỉ đồng ý ¾ nghị quyết, Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970. Hiện nay các cháu học sinh sắp bước vào năm học mới… Với nữa tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh nhật của Bác, thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí” (Vũ Kỳ, sđd, t.479-480).
Bác Hồ không có chủ trương ăn mừng sinh nhật của mình và phong tục của người Việt Nam cũng không ăn mừng ngày sinh nhật.
Chắc chắn chính Hồ Chí Minh cũng biết rõ phong tục Việt Nam không có mừng sinh nhật mà có lễ chúc thọ, nhưng phần nhiều chỉ chúc thọ khi người đó ít nhất được 60 tuổi. Nên khi đáp lại lễ mừng sinh nhật lần đầu tiên 19-5-1946, Hồ Chủ tịch viết: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào vì tôi hãy đã còn là một thanh niên, tuổi có 56 (1890-1946), chưa đáng để đồng bào chúc thọ”. (Cũng nên nhắc lại rằng, chỉ cho đến gần đây, giới trẻ thành thị mới bắt chước Tây phương mừng ngày sinh nhật của mình chứ trước đây ít có ai làm).
Hơn ai hết thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò bậc nhất của Hồ Chí Minh, nói lên sự quý trọng truyền thống của Thầy mình như sau: “Hồ Chí Minh đặc biệt thích thú và quý trọng truyền thống xa xưa của dân tộc, thể hiện một cách giàu đẹp trong lời ăn tiếng nói, phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm, việc nước gắn với việc nhà” (Trịnh Quang Phú, Đường Bác Hồ đi cứu nước, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, tr.14)
Chính sống theo tinh thần cổ truyền của dân tộc, Hồ Chí Minh cho đến năm 1946, không mừng sinh nhật và từ năm 1946 trở đi cho đến lúc qua đời, Bác không bao giờ làm rầm rộ ngày đó. Ngay cả những lần “trốn” Việt Nam sang Trung Quốc, Bác cũng dặn bạn bè trước: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước, vì vậy tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây” (Trần Viết Hoàn, sđd tr.57).
Không bao giờ muốn đề cao cá nhân mình, không bao giờ đi ngược lại truyền thống dân tộc, tại sao lại có tổ chức lễ sinh nhật ngày 19-5-1946?
Việc tiết lộ ngày sinh và tổ chức mừng sinh nhật lần đầu tiên ngày 19-5-1946 chắc phải có những lý do khác.
Muốn biết lai lịch ngày 19-5, thiết tưởng chúng ta phải trở về bối cảnh lịch sử lúc đó.
III. Bối cảnh ngày 19-5-1946
Hơn ai hết ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, trong một bức thư đề ngày 10-5-1970 gửi cho một đồng chí ở Miền Nam, nói về bối cảnh đó như sau:
“Đồng chí Nam, đồng chí còn nhớ bối cảnh ngày 19-5 đầu tiên không nhỉ? Ngày 19-5-1946.
Hồi ấy vừa dành được quyền độc lập, nhưng khó khăn còn rất nhiều. Nạn lụt, nạn đói, nạn ngoại xâm…, quan quân của Tưởng và bọn tay sai của Việt Nam Quốc dân Đảng quấy rồi ở miền bắc. Bọn thực dân núp sau quân Anh, Ấn gây hấn ở Miền Nam, rồi khiêu khích ở miên Bắc.
Hồi đó cùng Trung ương Đảng, Bác lo lắng công việc suốt ngày đêm, người gầy đi. Bác Hồ của chúng ta dồn hết tâm sức vào việc chèo chống con thuyền Việt Nam qua thác ghềnh, sóng gió. Đúng vào lúc bề bồn công việc ấy, bỗng có tin nhân dân Thủ đô biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng để chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh 56 tuổi vào ngày 19-5-1946.
Ngày 19-5 từ đó bắt đầu đi vào lịch sử” (Vũ Kỳ,sđd,tr.294)
Nhưng ông Vũ Kỳ không nói tại sao lại có ngày đó.
Sau Hiệp định 6-3, tình trạng đối nghịch giữa Việt Nam và đại diện Pháp
Các sự kiện đã xảy ra có thể tóm lược lại như sau:
Hiệp định Sơ bộ 6-3 giữa Việt Nam với Pháp vừa ký xong, dư luận xôn xao tin 15.000 quân Pháp sẽ tới miền Bắc có phần đột ngột. Phe đối lập tung tin: Hồ Chí Minh nhượng bộ Pháp. Một số đồng bào phân vân vì không hiểu rõ hết tình thế phức tạp và hiểm nghèo của đất nước vào lúc đó.
Để cắt nghĩa cho nhân dân biết tại sao lại thương lượng với Pháp, tại sao lại ký Hiệp định 6-3, ngay chiều ngày 7-3, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hồ Chủ tịch xuất hiện nói với đồng bào: “Nước ta đã tuyên bố độc lập từ tháng Tám năm 1945, nhưng tới nay chưa một cường quốc nào công nhận nền độc lập của ta. Cuộc điều đình với nước Pháp sẽ mở ra con đường làm cho quốc tế thừa nhận ta. Điều đình với Pháp là chứng tỏ sự khôn ngoan về chính trị của ta” (Võ Nguyên Giáp, sđd, tr. 242). Đối với Hồ Chí Minh, cần phải đi từng bước, trước tiên Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do. Một khi quyền tự do đã giành được, chúng ta sẽ tiến tới giành độc lập, giành độc lập hoàn toàn. Còn về việc toàn vẹn lãnh thổ, Chính phủ Pháp muốn chiếm giữ Nam bộ nhưng cuối cùng Pháp phải chịu mở một cuộc trưng cầu ý dân về thống nhất ba kỳ và cam đoan sẽ thừa nhận kết quả của nó. Chúng ta đặt lòng tin vững chắc vào nhân dân và Nam bộ nhất định sẽ trở về trong lòng Tổ quốc (Võ Nguyên Giáp, sđd, tr. 242). Con đường đó đi từ tự do đến độc lập, từ độc lập đi đến thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, và sức mạnh của Việt Nam không phải là sức mạnh khí giới như Pháp, mà là lòng yêu nước. Tất cả dựa vào sức mạnh của nhân dân, bằng thương thuyết, bằng đấu tranh chính trị, nhất là ngoại giao.
Phía Việt Nam thì như thế, phía Pháp lại khác.
Phía Việt Nam sẵn sàng thực hiện Hiệp định Sơ bộ, phía Pháp tìm cách phá Hiệp định. Ngày 7-3, một ngày sau khi ký Hiệp định, Việt Nam tổ chức mít tinh để phổ biến tình thần Hiệp định, thì cùng ngày đó D’Argenlieu giao cho Léon Pignon, lại là một người phụ tá của Sainteney, phải tìm cách phá Hiệp định 6-3. D’Argenlieu nói với Pignon: “Những nhượng bộ mà Pháp đã ký trong hiệp định, Pháp sẽ dùng phương pháp khác để giành lại” (TDT,sđd, tr.140).
Hạ Long: Thương thuyết bằng thị uy
Một trong những phương pháp đó là D’Argenlieu muốn nói chuyện trực tiếp với Hồ Chí Minh, chứng tỏ mình mới là tiếng nói chính thức của chính phủ Pháp chứ không phải là Sainteney. Nhưng nơi gặp gỡ, D’Argenlieu đề nghị là ở Vịnh Hạ Long, chứ không phải Hà Nội. Ai cũng thừa biết rằng D’Argenlieu rất tính toán trong đường đi nước bước, nếu tới Hà Nội tức gián tiếp đề cao Hồ Chí Minh, đề cao Hà Nội. Tuy thế, nhưng vì quyền lợi đất nước, được mời đi Hạ Long, Hồ Chí Minh vẫn nhận lợi và ngày 24-3 lên chiếc thuỷ phi cơ Pháp tại Gia Lâm đi Hạ Long. “Cuộc đón tiếp diễn ra thật long trọng, 21 phát đại bác chào khi Hồ Chủ tịch đến, 21 phát đại bác chào khi đi. D’Argenlieu mời Chủ tịch duyệt binh. Chiếc chiến hạm chạy lướt trước những con tàu những khẩu pháo lớn ghếch cao nòng, đứng sắp hàng dài trên mặt biển” (Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr 259).
Tất cả là để thị uy, nhưng Hồ Chí Minh không sợ những sự như thế. “Trên máy bay trở về Hà Nội, Hồ Chủ tịch đã nói với Salan, một người cộng sự của D Argenlieu: “Nếu đô đốc muốn đem tàu đó ra để làm lung lay tôi, thì ông đã lầm to, những tàu đó không thể nào đi ngược dòng sông của chúng tôi” (Võ Nguyễn Giáp, sđd, tr.216)
Mặc dầu không phải là ý định của D’Argenlieu nhưng cuộc gặp gỡ cũng đem lại nhiều ý định cho phía Việt Nam: Vào cuối tháng 5-1946 “sẽ có một đoàn đại biểu Việt Nam đi Paris, để điều đình những mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, đồng thời Hồ Chủ tịch sẽ là thượng khách của chính phủ Pháp” (TDT, sđd, t.191)
Đà Lạt: Biển không xong, lên núi
Không thành công  ở ngày gặp gỡ Hạ Long trong việc nhằm trì hoãn được việc đoàn Việt Nam sang Pháp thương thuyết, D’Argenlieu lại đề nghị mở cuộc hội nghị chuẩn bị tại Đà Lạt. Phía Việt Nam cũng đồng ý. Ngày 17-4-1946, khai mạc hội nghị tại trường Yersin, Đà Lạt, nhưng hội nghị lâm vào bế tắc khi phía Pháp từ chối thảo luận vấn đề Nam bộ, vì Pháp có dụng ý tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam, lập Chính phủ Nam kỳ tự trị.
Đó là điều mà phái đoàn Việt Nam không khi nào chấp nhận được. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, một thành viên của phái đoàn Việt Nam có uy tín đối với Pháp kết thúc hội nghị bằng cách nói lên một cách hết sức cảm động nguyện vọng sâu thẳm nhất của người dân Việt Nam: “Nam kỳ cần có hoà bình và phần đất này cần sơm trở lại trong lòng Tổ quốc Việt Nam”. Philippe Devillers, nhà báo Pháp có mặt trong những giây phút đó đã chú thích thêm: Phái đoàn Việt Nam không thể nén được sự xúc động của mình, nước mắt lưng tròng, mọi người bước ra khỏi phòng hội nghị .
Cuối cùng tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: phía Pháp chưa muốn đoạn tuyệt với chế độ thực dân. Vào ngày 13-5-1946 tướng Võ Nguyên Giáp lên đường trở về Hà Nội (Philippe Devillers, Histoire du Vietnam, Paris 1982, t.266)
Về Hà Nội thủ đô
Vài ngày sau D’Argenlieu chưa chịu thua, lại muốn đến Hà Nội không để chào Hồ Chí Minh trước lúc Bác lên đường sang Pháp, nhưng để tiếp tục vận động Hồ Chí Minh hoãn lại việc đi Pháp. Phía Việt Nam tuy biết thế nhưng tìm cách làm sao để D’Argenlieu đến Hà Nội không phải để thực hiện ý định của mình, nhưng để chào Hồ Chủ Tịch, để biết tinh thần của nhân dân Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch. Theo ý chúng tôi đây mới là cái nút chính các sự kiện xảy ra xung quanh ngày 19-5-1946 ở Hà Nội là nhằm lấy việc mừng sinh nhật Hồ Chí Minh làm bối cảnh cho việc tiếp đón Thiery D’Argenlieu. Có thật ngày 19-5 là ngày sinh nhật của  Hồ Chí Minh hay không là điều không quan trọng, nhưng dùng ngày ấy làm bối cảnh cho một hoạt động ngoại giao cần thiết, biến ngày sinh nhật thành một lợi khí ngoại giao có tầm lịch sử, mới thật là một sáng kiến tuyệt vời.
IV. Cuốn phim ngày 18,19 tháng 5 tại Bắc bộ phủ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tường thuật bối cảnh như sau:
Ngày 18-5 các báo thủ đô lần đầu báo với đồng bào ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch … Với đầu đề “Cụ Hồ với dân tộc Việt Nam”, báo Cứu Quốc (tờ báo của Tổng bộ Việt Minh) ngày hôm đó viết:
Ngày 19-5 này, năm mươi sáu năm trước đây (1980) đã ra đời một người: Hồ Chí Minh bằng bàn tay khéo léo và quả quyết, chính ông đã khai sinh, đã nuôi nấng nhiều đoàn thể cách mạng Việt Nam. Tinh thần hoạt động của hầu hết nhiều chiến sĩ Việt Nam đều do bàn tay tài tình của ông đem đến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết thêm: “Bài báo đã nói đến những cống hiến của Hồ Chủ Tịch đối với cách mạng Việt Nam và nêu ý nghĩa lớn của ngày 19-5”.
“Lần đầu tiên toàn dân tộc Việt Nam được biết ngày sinh của Hồ Chủ tịch”(Võ Nguyên Giáp, sđd, tr.279)
Thiery D’Argenlieu  đến thủ đô Hà Nội chúc mùng Hồ Chủ tịch
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể tiếp: 6 giờ chiều hôm đó 18-5-1946, D’Argenlieu cùng tướng Valluy và Grepin đến Bắc Bộ để chào Hồ Chủ tịch
Cụ Huỳnh, cụ Tô và một vài anh em chúng tôi cùng dự buổi tiếp khách với Bác. Khi nâng cốc chúc mừng ông Cao Uỷ, Bác nói: “Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà mới lấy làm sung sướng được đón tiếp người thay mặt nước Pháp. Sau cuộc hội thương tại vịnh Hạ Long, hội nghị trù bị diễn ra ở Đà Lạt và cuộc giao hảo của phái đoàn Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Pháp tại Raris, hôm nay với việc ngài đến thăm Hà Nội, cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”
Mỗi chữ mỗi câu Bác dùng nói lên một lập trường, lời chào trở thành tuyên bố. D’Argenlieu không còn cách nào khác là đáp lễ lại: “Ngày mai là ngày sinh nhật của Hồ Chủ tịch, tôi xin chúc mừng Chủ tịch thượng thọ, và tôi tin rằng từ đây tình thân thiện của nước Pháp và nước Việt Nam sẽ càng ngày càng chặt chẽ thêm và càng thân mật hơn nữa” (Võ Nguyên Giáp, sđd, tr.280). Mục tiêu của việc tổ chức lễ sinh nhật đã đạt được, buổi gặp gỡ hôm đó đã biến thành buổi lễ mừng thọ Hồ Chủ tịch D’Argenlieu, trả lời, không thực hiện được ý định của mình.
Quang cảnh ngày sinh nhật: Cuộc thị uy của “chí nhân”, của “đại nghĩa”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tả lại quang cảnh ngày 19-5-1946:
“Sáng ngày 19-5, các đồng chí trong Trung ương và trong Chính phủ tới chúc thọ Bác. Đây cũng là một dịp hiếm hoi mà chúng tôi được quây quần bên Bác đầy đủ đúng ngày sinh nhật của Người. Rồi những tiếng trống ếch rộn ràng trước cửa Bắc bộ phủ. Các cháu đã tới. Bác Hồ ra đón các cháu vào, hơn một chục em bé gái trai thay mặt cho toàn thể thiếu nhi ngoại thành đến chúc thọ Bác. Các em đua nhau gắn Huy hiệu Măng non thẳng lên áo Bác Hồ, tặng Bác những chứ “i”, “t” tượng trưng cho phong trào “bình dân học vụ”. Quà của Bác Hồ cho các cháu bé năm đó là một cây bách tán. Các em vui mừng hát một bài cảm ơn cảm ơn Bác. Khi các em vào khênh chậu cây bách tán đi ra thì một đoàn hơn 50 anh chị bước vào phòng. Các anh đều mặc áo kaki, các chị vận quần áo bà ba đen. Đây là những người thay mặt cho miền Nam đang chiến đấu tới chúc thọ Bác. Sau khi nghe lời chúc mừng của các anh chị, hai giọt lệ chảy trên gò má Bác, các anh chị Nam bộ đều rưng rưng nước mắt. Lát sau Ban vận động trung ương Đời sống mới vừa được thành lập đến chúc thọ Bác…”(Võ Nguyên Giáp, sđd, tr.280).
Cũng ngày hôm đó phóng viên các hãng thông tấn Pháp AFP phỏng vấn Bác và Bác đã tiếp. Và theo báo Cứu Quốc số 244 ra ngày 20-5-1946, thì sáng ngày 19-5 lực lượng thanh niên đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ, việc đó làm cho các đại biểu đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ có ý nghĩa lịch sử và tình cảm biết bao” (Trần Viết Hoàn, sđd, tr.10).
Các đại biểu đồng minh đó là ai, nếu không phải Thiery D’Argenlieu và phái đoàn Pháp đang ở Hà Nội. Lúc đó chưa có truyền hình trực tiếp, nhưng qua báo chí, đài, hãng thông tấn và cơ quan tình báo của Pháp, không có gì mà không tới tai mắt Thiery D’Argenlieu. Thiery D’Argenlieu còn ở lại Hà Nội đến 22 tháng 5, và thất vọng trở lại Sài Gòn.
V. 60 năm nhìn lại
Nhìn lại các sự kiện mấy ngày đó mới thấy hết ý nghĩa của ngày 19-5-1946. Ngày 13-5 hội nghị Đà Lạt kết thúc không đem lại kết quả gì vì đại biểu Pháp không thành thực. Mặc dù Thiery D’Argenlieu tìm cách cản trở nhưng Hồ Chủ tịch quyết định phải lên đường ngày 31 tháng 5 như đã dự kiến qua cuộc gặp gỡ tại vịnh Hạ Long. Thời gian quá gấp rút phải cho phía Pháp biết quyết tâm của Việt Nam. Chỉ trong hai ngày 16,17, Hồ Chí Minh đã nắm lại thế chủ động, quyết định lấy ngày sinh của mình làm phương tiện đấu tranh ngoại giao: Sáng ngày 18-5 cho báo chí loan tin ngày 19-5 là ngày sinh nhật của Hồ Chí Minh. D’Argenlieu vừa chân ướt chân ráo trở lại Hải Phòng, được tin phía Việt Nam tổ chức ngày lễ sinh nhật Hồ Chí Minh, mà Hồ Chí Minh thừa biết theo truyền thống của Pháp, sinh nhật là một ngày quan trọng. Không biết cách xử trí nào hơn là D’Argenlieu lên Hà Nội chiều ngàu 18 cùng cả Đoàn đến mừng ngày sinh Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội và chứng kiến việc biểu dương sức mạnh của chính nghĩa, của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam.
Chỉ có Hồ Chí Minh mới ứng biến nhanh như thế, chỉ có thể chính từ sáng kiến đó, cách đối phó đặc biệt đó mà 12 ngày sau, trước lúc lên máy bay đi Pháp, Hồ Chí Minh đã đưa ra cho cụ Huỳnh Thúc Kháng một nguyên tắc làm việc (vì cụ Huỳnh rất lo lắng khi Cụ Hồ vắng thì làm sao mà đối phó được với thời cuộc). Nguyên tắc đó là: dĩ bất biến ứng vạn biến. Trong trường hợp này cái không thay đổi đó là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, còn cách làm, cách đấu tranh có thể muôn hình vạn trạng.
Chỉ có Hồ Chí Minh, trong những lúc khó khăn như thế, mà vẫn giữ được những nguyên tắc và tính cách chân lý cơ bản trong cuộc sống cho cá nhân, cũng như toàn dân tộc. Đó là:
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo”của Bình Ngô Đại Cáo.
Càng tìm hiểu càng thấy hai mẫu người, một người đại diện cho đại nghĩa, cho “chí nhân”; một người đại diện cho “hung tàn”, “cho “cường bạo”.
Hai con người, hai con đường
Thiery D’Argenlieu, dưới cái nhìn của Võ Nguyên Giáp, “Có cặp mắt nhỏ sác sảo, tinh ranh nằm dưới vầng trán đầy nếp nhăn, và đôi môi mỏng dính. Ngồi với y một lát đã thấy ngay y là một con người từng trải và xảo quyệt, tự phụ và nhỏ nhen, một con người như vậy chỉ có thể là con người của dĩ vãng, của chính sách thực dân” (Võ Nguyên Giáp, sđd, t. 272).
Còn Hồ Chí Minh dưới con mắt của Sainteney, người đại diện Pháp ký Hiệp định sơ bộ 6-3, thì: “Từ khi gặp ông Hồ Chí Minh lần đầu tiên, tôi đã cảm tưởng con người khổ hạnh đó mà nét mặt biểu lộ trí thông minh và nghị lực, lẫn mưu trí và tế nhị, là một người siêu đẳng… Kiến thức rộng rãi, trí thông minh cùng với sức hoạt động lạ lùng, khả năng chịu đựng mọi gian khổ và lòng vị tha không bờ bến của ông đã đem đến cho Ông uy tín và sức thuyết phục không ai có thể so sánh nổi. Thật đáng tiếc là nước Pháp đã đánh giá quá thấp con người ấy, đã không hiểu được giá trị và sức mạnh của bậc vĩ nhân ấy” (Vũ Kỳ, sđd, t. 34 – 35).
Quả thế, trong lúc Thiery D’Argenlieu tin tưởng vào sức mạnh vũ khí, của mưu mô, thì Hồ Chí Minh lại tin vào chính nghĩa, tin vào sức mạnh của nhân dân. Chính như thế Hồ Chí Minh dẫu có gặp gian lao khó khăn trong hoạt động thì vẫn đạt kết quả cuối cùng: Xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập với thủ đô Hà Nội, còn con đường Thiery D’Argenlieu dẫu có dùng biết bao nhiêu là tiền của, là khí giới, mà kết quả là dẫn đến Điện Biên Phủ năm 1954.
Ngày 19-5-1946 như thế không chỉ là ngày kỷ niệm mà là một ngày sinh nhật mới, đánh dấu một chặng đường mới trong quá trình đấu tranh thu hồi lại cho quê hương nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đã bị đánh mất gần 80 năm.
60 năm rồi càng nhìn lại, càng tìm hiểu, càng thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của ngày 19-5-1946. Có nghĩa là còn có cả một kho tàng nơi con người và cuộc đời Hồ Chí Minh. Tha hồ mà khám phá./.
Paris tháng Năm, năm 2006
...............................
(*): Đây là bài viết của cố tiến sỹ- linh mục Nguyễn Đình Thi, nguyên Chủ tịch Hội Huynh đệ Á - Âu, Hội Huynh đệ Việt nam tại Pháp. Đương thời, ông là một người yêu nước, một nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Ông đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Độc lập.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Về nghị quyết của UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trang bìa: Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 - 20-11-1987, Quyển 1: Nghị quyết.

Tại Nghị quyết quan trọng này, cùng với việc khẳng định những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc... Ðại Hội đồng UNESCO đã khuyến nghị các nước thành viên "cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người", đồng thời đề nghị ông Tổng Giám đốc UNESCO "triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam" (2).
Ðây là một văn kiện quan trọng của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên hợp quốc, ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam và của cả bầu bạn quốc tế... Tuy nhiên, hơn 20 năm qua kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, hầu hết chúng ta mới chỉ được biết đến nội dung của văn kiện quan trọng này qua bản dịch tiếng Việt đăng trên một số sách, báo, tạp chí, website... Ðã có rất nhiều bạn đọc trong và ngoài nước và khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn được nhìn thấy văn bản gốc của Nghị quyết quan trọng này.
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chỉnh lý, bổ sung nhằm hoàn thiện nội dung trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong quá trình chuẩn bị tài liệu, hiện vật trưng bày, chúng tôi đã tìm được văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là "Tập biên bản của Ðại Hội đồng Khóa họp lần thứ 24 tại Pa-ri, từ ngày 20-10 đến 20-11 năm 1987, Quyển 1: NGHỊ QUYẾT", bản in tiếng Pháp.
Ðây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO(3), Khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nga), được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pa-ri, vào năm 1988, trong đó có Nghị quyết số 18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(4).
Thực hiện Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990 nhiều hoạt động cụ thể đã được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn", tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, Tiến sĩ M.Át-mét (Modagat Ahmet) Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ðại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã khẳng định "Hội nghị UNESCO phiên thứ 24, đã quyết định Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Ðây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Ðiều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng". Tiến sĩ M.Át-mét coi việc được tham gia tổ chức các hoạt động kỷ niệm về Hồ Chí Minh "là một niềm vinh dự" và nhấn mạnh rằng: "Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này"(5)...
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy bản dịch tiếng Việt đã in trong một số sách, báo, tài liệu, website... có những câu chữ không thống nhất, như: Ðại hội đồng = Phiên họp toàn thể; Nhìn lại = nhắc lại; Nhà văn hóa kiệt xuất = Nhà văn hóa lớn; Biểu tượng kiệt xuất của sự khẳng định quyền dân tộc = Biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc; Yêu cầu = Ðề nghị... Sự khác nhau về câu chữ này, phải chăng là do cách dịch ra tiếng Việt từ các văn bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh có khác nhau cho  nên việc trích dẫn giới thiệu có những câu chữ khác nhau, không thống nhất?

Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm
Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích từ Tập biên bản
của Đại hội đồng Khóa họp 24 tại Pa-ri, ngày 20-10 - 20-11-1987,
do UNESCO xuất bản năm 1988. tr.144)

Ðể có một văn bản tiếng Việt chuẩn đưa ra trưng bày, giới thiệu cùng công chúng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam giúp thẩm định lại từ bản gốc tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn bản dịch của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"18. 65 Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ðại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18 C/4.351 thông qua tại Khóa 18 Ðại Hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch  Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam,
Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,  
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Ðề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam".   
(1) Ðại Hội đồng UNESCO hai năm họp một lần. Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (Pháp), từ ngày 20-10 đến 20-11-1987. Ðoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Dy Niên dẫn đầu.(2) Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về  Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dẫn theo bản dịch mới của Bảo tàng Hồ Chí Minh và UNESCO Việt Nam, 7-2009. 
(3) Theo chú thích về tập biên bản của Ðại hội đồng cho biết các biên bản báo cáo của Ðại Hội đồng UNESCO, Khóa họp lần thứ 24, được in thành ba quyển: Quyển Nghị quyết bao gồm các nghị quyết được Ðại hội đồng thông qua và danh sách các thành viên của Văn phòng Ðại hội đồng và văn phòng các ban và ủy ban (quyển 1); Quyển Các báo cáo, bao gồm các bản báo cáo của các ủy ban từ I đến V, ban Hành chính và Ủy ban pháp luật (quyển 2); Quyển Biên bản thảo luận, bao gồm các biên bản ghi lại bên lề các phiên họp toàn thể, danh sách các thành viên tham gia và các tài liệu (quyển 3);
(4) Tại khóa họp lần thứ 24 này, cùng với việc vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Ðại Hội đồng UNESCO còn ra các nghị quyết về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Phya Anuma Rajadhon (nhà văn người Thái-lan), 500 năm Ngày sinh Thomas Munzer (nhà Cải cách ở Ðức và của cuộc cách mạng tư sản đầu tiên ở châu Âu), 100 năm Ngày sinh Anton Semionovitch Makarenko (nhà văn và nhà giáo dục lớn của Liên Xô), 100 năm Ngày sinh Jawaharlai Nehru (nguyên Thủ tướng Ấn Ðộ) và 400 năm Ngày mất của Sinan (kiến trúc sư người Thổ Nhĩ Kỳ).
 (5) UNESCO và UBKHXHVN: Hội thảo quốc tế "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn". Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr. 20, 22.
PHẠM KHẢI
(Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Để có hiểu biết đúng đắn về Hồ Chí Minh ”Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”

PGS, TS. Bùi Đình Phong

 (TCTG)- Lâu nay, một bộ phận trong giới khoa học Việt Nam và không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa thật rõ, đầy đủ, đúng đắn một số điểm xung quanh Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người thì không biết có một Nghị quyết của UNESCO, tức tài liệu gốc. Hầu hết chỉ biết đến nội dung văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt, đăng sớm nhất trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990.
1. Có một Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh- “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”
Lâu nay, một bộ phận trong giới khoa học Việt Nam và không ít cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu chưa thật rõ, đầy đủ, đúng đắn một số điểm xung quanh Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người thì không biết có một Nghị quyết của UNESCO, tức tài liệu gốc. Hầu hết chỉ biết đến nội dung văn kiện này qua bản dịch tiếng Việt, đăng sớm nhất trong Kỷ yếu Hội thảo Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 1990. Bản dịch này từ các thứ tiếng khác nhau nên vẫn còn độ chênh.
Ở ngoài nước, các thế lực thù địch tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc, cho rằng không có Nghị quyết của UNESCO !?.
Gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã công bố văn bản gốc Nghị quyết của UNESCO về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là bản in tiếng Pháp “Tập biên bản của Đại hội đồng khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1: nghị quyết”(1).
Đây là một trong số các tập biên bản báo cáo của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24, được UNESCO xuất bản đồng thời bằng 6 thứ tiếng: tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, được in và đóng quyển tại xưởng in của UNESCO, Pari, năm 1988.
“Quyển 1: nghị quyết” dày 220 trang, bao gồm các nghị quyết được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24. Tập nghị quyết này gồm 13 mục và phần phụ lục.
Trong Chương trình hành động giai đoạn 1988-1989, cùng với các Nghị quyết 24C/11.9 về Kỷ niệm 600 năm ngày mất của Khaeh Chamsoddne Mohammad Hafez Chirazi và Nghị quyết 24C/11.10 về Kỷ niệm 100 Ngày sinh của Fernando Pessoa, Đại hội đồng UNESCO khóa họp lần thứ 24 đã thông qua các nghị quyết về tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử, trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO triển khai các hoạt động tổ chức kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử tại các nước thành viên, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa lớn” đã được tổ chức trọng thể vào hai ngày 29 và 30 tháng 3-1990. Tại Hội thảo này, có mặt 70 đại biểu quốc tế thuộc 34 nước và hơn 1.000 đại biểu Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ M. At-mét (Medagat Ahmed), Giám đốc UNESCO khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Đây thật sự là một niềm vinh dự cho tôi được phát biểu trước các nhà trí thức và thông thái cao quý, có mặt ở đây ngày hôm nay để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh, người chiến sĩ dũng cảm đã giải phóng dân tộc mình khỏi một thế kỷ đô hộ thực dân, bằng sự lãnh đạo khôn khéo và quyết tâm vững chắc. Người là một trong những động lực đầu tiên của phong trào chống thực dân thời kỳ sau Đại chiến thế giới thứ hai ở châu Á và là một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhiều nhất của các dân tộc ở thế kỷ 20. Hội nghị UNESCO phiên thứ 24 đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người vào năm 1990. Đây là một cử chỉ tôn kính đối với một nhân vật vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh tự do và độc lập. UNESCO rất vui sướng được tham gia vào sự kiện đáng ghi nhớ này. Điều đó biểu hiện sự cam kết sâu sắc của tổ chức này trong việc duy trì các giá trị và công lao của các nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng. Những tình cảm này được thể hiện rõ rệt trong Nghị quyết của Đại hội đồng với sự nhấn mạnh rằng: tư tưởng của Người chứa đựng nguyện vọng của nhân dân muốn khẳng định nền văn hóa riêng của mình và xúc tiến sự hiểu biết lẫn nhau... Tên gọi cuộc Hội thảo khoa học là “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn” nhằm nêu bật nhiều mặt của nhân cách con người vĩ đại này”(2).
Dưới đây là toàn văn bản dịch (từ bản tiếng Pháp) của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Mục “18. 65: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại hội đồng,
Nhận thấy việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh các nhân vật trí thức lỗi lạc và các danh nhân văn hóa trên phạm vi quốc tế góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới,
Nhắc lại Nghị quyết số 18C/4.351 thông qua tại khóa 18 Đại hội đồng UNESCO về việc tổ chức kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại,
Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội,
Nhận thấy những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc,
1- Khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người;
2- Đề nghị Tổng Giám đốc UNESCO triển khai các biện pháp thích hợp để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ các hoạt động kỷ niệm được tổ chức nhân dịp này, đặc biệt là những hoạt động sẽ diễn ra ở Việt Nam”(3).
2. Nhận thức đúng đắn về sự thống nhất, hòa quyện giữa Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhận thức được sự thống nhất, hòa quyện chất Anh hùng giải phóng dân tộc và chất của Nhà văn hóa kiệt xuất trong con người Hồ Chí Minh, vì mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO cho thấy, nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một con người, một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Nói đến Hồ Chí Minh là nói tới một nhân vật vĩ đại được nhân loại công nhận và kính trọng, vì đã cống hiến trọn đời mình cho tự do và độc lập. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đó vừa là giá trị văn hóa vừa có ý nghĩa cách mạng sâu xa. Hồ Chí Minh là “một trong số ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(4).
Để nghiên cứu đúng đắn về Hồ Chí Minh, cần nắm chắc bối cảnh lịch sử, phân biệt rõ mục đích và con đường để đạt mục đích đó. Hồ Chí Minh trước hết là con người của dân tộc, gắn bó mật thiết với non sông ta, đất nước ta. Dân tộc Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đêm trước thành công của Cách mạng Tháng Tám đắm chìm trong đêm dài nô lệ. Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, bằng cách làm này hay cách làm khác, theo con đường này hay con đường khác, đều chung một mục đích giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu thời là một thanh niên yêu nước, ham học hỏi, cầu tiến bộ. Người không những giống mọi người Việt Nam về tinh thần yêu nước mà còn “sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào”. Người đã từng theo học lớp dự bị Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Người được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Người cũng đã theo học lớp sơ đẳng Trường Tiểu học Đông Ba ở Huế và Trường Quốc học Huế. Người quan tâm tới nhiều cách tiếp cận khác nhau để đạt mục đích giải phóng dân tộc. Trước lúc đi ra nước ngoài tìm cách giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã tâm sự với một người bạn: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(5). Năm 1923, tâm sự với Ôxíp Manđenxtam, Người bộc lộ: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như dạy con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách báo của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(6).
Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh không chỉ là con người của dân tộc mà còn là của thế giới, của thời đại. Người khám phá thế giới, làm mọi cách để đạt được mục tiêu giải phóng dân tộc, như có lúc Người đã nói một cách hình tượng “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho kỳ được độc lập, tự do”. Cũng như vậy, sau này, để đạt được mục tiêu tự do, hạnh phúc, có lúc Người nói: “Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(7).
Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, như mọi người đều biết, từ Mácxây, Nguyễn Tất Thành có viết một lá đơn đề ngày 15-9-1911 gửi Tổng thống nước Pháp lúc đó Armand Fallieres, xin học Trường Thuộc địa. Lá đơn này có trong Kho Lưu trữ nước Pháp, bộ phận Hải ngoại, phông Trường Thuộc địa, bìa số 27, hồ sơ số 11. Lần đầu tiên (năm 1983) tư liệu này được giới thiệu qua hệ thống đài phát thanh và truyền hình nước Pháp do Tuyren (H. deTurenne) thực hiện nhân kỷ niệm lần thứ 30 ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ. Tiếp đó, tư liệu này được đề cập trong cuộc Hội thảo quốc tế tại Pari ngày 25-5-1983 dưới chủ đề: “Mác- Các chủ nghĩa Mác”. Sau đó, Nguyễn Thế Anh (nguyên là Khoa trưởng Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Mỹ- ngụy) và Vũ Ngự Chiêu (nguyên là sĩ quan ngụy, hiện ở Canađa) đã công bố toàn văn lá đơn trong số 1 tạp chí Đường mới, số tháng 6-1983 với một dụng ý xuyên tạc trắng trợn, cho rằng “Nguyễn Tất Thành lúc đầu có ý định xin vào học Trường Thuộc địa để sau ra làm việc cho Pháp, nhưng vì không được nhận vào học nên phải đi theo con đường cách mạng!?”. Gần đây, tháng 7-2009, DVD “Sự thật về Hồ Chí Minh”, Vũ Ngự Chiêu lại nhắc lại sự kiện đó.
Chúng ta hoàn toàn không giấu giếm sự kiện này. Hơn hai mươi năm trước, Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm đã có bài viết với tiêu đề: “Cần làm sáng tỏ một số điểm xung quanh lá đơn xin học của Nguyễn Tất Thành năm 1911”, đăng Tạp chí Cộng sản, số 5-1987. Vấn đề là ở chỗ, hiện nay một số người vẫn nghĩ rằng chúng ta không công bố lá đơn này, và quan trọng hơn là nhiều người không hiểu đúng việc làm của Nguyễn Tất Thành. Còn các thế lực thù địch thì cố tình bóp méo sự thật lịch sử.
Làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết phải nhận thức đúng đắn rằng đây là cách làm chứ không phải mục đích của Hồ Chí Minh. Có nhiều cách làm và con đường để đạt một mục đích. Cách làm này hoàn toàn hợp lôgic với cách làm và suy nghĩ từ trong nước của Nguyễn Tất Thành khi có ý định xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành ở Sài Gòn, muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ Tự do, Bình đẳng, Bác ái rồi trở về giúp đồng bào chúng ta. Dõi theo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, phải đánh giá sự kiện này ở một cách nhìn khác với tầm cao hơn. Cụ thể là ngay từ rất sớm, Người đã biết khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học - công nghệ ở các nước tư bản để phục vụ cho đồng bào mình.
Thứ hai, phải đọc và suy ngẫm kỹ hình thức và nội dung lá đơn gửi Tổng thống một nước tư bản văn minh lúc bấy giờ. Trong lá đơn có câu: “Tôi muốn sẽ trở nên có ích đối với đồng bào của tôi, và đồng thời có thể giúp cho họ hưởng thụ được những lợi ích của học thức”(8).
Sự thật rõ như ban ngày mà những kẻ nuôi dụng tâm xấu vẫn ác ý cố tình xuyên tạc. Để hiểu rõ hơn về lá đơn, hãy đọc Êmơri (Daniel Hémery) - một nhà sử học Pháp chuyên nghiên cứu và giảng dạy lịch sử cận - hiện đại Việt Nam tại Trường Đại học Pari VII, trong bài viết: “Về lá đơn xin vào học Trường Thuộc địa năm 1911 của người thanh niên Hồ Chí Minh”. Êmơri khẳng định: “Tuyệt đối không thể căn cứ vào lá đơn xin học năm 1911 để gán ghép cho Nguyễn Tất Thành ý định sau khi học xong sẽ trở thành người cộng tác với chính quyền thuộc địa”(9).
Bài viết đến đây tạm khép lại với một câu hỏi: “Tại sao người ta cố tình muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”? Câu trả lời từ một cách hiểu rất đơn giản và lôgic, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và vẫn luôn luôn giữ được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân loại tiến bộ./.
———————
(1) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009 (Từ đây, những thông tin liên quan tới Nghị quyết đều dẫn từ tài liệu này)
(2) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.34-35.
(3) Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, tài liệu đã dẫn, tr.57.
(4) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sdd, tr.37.
(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, tr.13.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.477.
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr. 227.
(8), (9) GS. NGND Đinh Xuân Lâm: Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H, 2005, tr.275, 273


Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam

PGS. TS. Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

1. Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đặc biệt quan tâm tới một nền lập hiến ở Việt Nam ?
Để đi tới xác lập một hệ thống quan điểm về nền lập hiến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình hoạt động cách mạng khoảng 35 năm trong và ngoài nước hết sức sôi nổi, phong phú. Đọc những bài viết của Hồ Chí Minh về lịch sử trước năm 1946, chúng ta có thể khẳng định rằng Người đã biết tới kiểu nhà nước phong kiến Việt Nam với những bộ sử, bộ luật nổi tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí… Hình thư (đời Lý), Quốc triều hình luật (đời Trần), bộ luật Hồng Đức(đời Lê). Chắc chắn Người đã biết tới tư tưởng về một nhà nước thân dân thời phong kiến hưng thịnh, cũng như những tư tưởng tiến bộ của Nho giáo về nhà nước. 
Ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để khám phá kiểu nhà nước tư sản phương Tây như Mỹ, Pháp, mô hình nhà nước ra đời từ thành quả của các cuộc cách mạng tư sản. Người cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu mô hình Nhà nước Xôviết, kiểu nhà nước ra đời từ thành quả của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, mà theo Người, đó là cuộc cách mạng thành công đến nơi, triệt để.
Trong hành trang trên đường trở về Tổ quốc sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh không chỉ nung nấu quyết định thực hiện sự nghiệp  giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mà Người còn mang theo một khát vọng xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hợp với hoàn cảnh nước ta. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, để thực sự có được một Hiến pháp rất Việt Nam năm 1946, tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền lập hiến phải trải qua một quá trình hình thành và phát triển gắn chặt với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Khởi đầu của quá trình đó là bản Yêu sách của nhân dân An Nam và sau đó là Việt Nam yêu cầu ca. Các nhà Hồ Chí Minh học, sử học có lý khi mô tả và đánh giá sự kiện này dưới cái nhìn tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh. Tuy chưa thể có được những quan điểm “lý tính” về một nền lập hiến, nhưng những khát vọng của Người về quyền con người, quyền dân tộc, đặc biệt những trăn trở về “thần linh pháp quyền” là những hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Điều cần nhấn mạnh là Hồ Chí Minh đã sớm có tầm nhìn về tầm quan trọng của lập hiến khi Người chưa phải là một người cộng sản. Tư tưởng đó trở thành nỗi trăn trở lớn của Người trong quá trình tổ chức lực lượng, mở lớp huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng. Trong các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Người đã truyền đạt tư tưởng về một “nhà nước của số đông, quyền  giao cho dân chúng số nhiều” cho các học viên. Khái niệm “số đông” đó, đến khi Đảng ra đời, được thể hiện ở mệnh đề “Chính phủ công nông binh”. Đọc những dòng này trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và một thời gian ngắn sau đó là sự ra đời của Xôviết Nghệ Tĩnh, người ta nhận ra rằng đó vẫn là mô hình Nhà nước Xôviết. Chúng ta hiểu điều đó vì những năm ba mươi, sau khi Lênin từ trần, tình hình cách mạng thế giới nghiêng về khuynh tả. Ngay sau khi về nước, với việc thành lập Mặt trận Việt Minh, chủ trì Hội nghị Trung ương 8, triệu tập Đại hội quốc dân, tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước được xác lập một cách khá rõ ràng, bài bản. Hội nghị Trung ương 8, trên cơ sở khẳng định cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng” và đó là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, đã chủ trương “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hoà”[1]. Chương trình Mặt trận Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”[2]. Cuối năm 1944, tư tưởng về một chính phủ đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn dân đã được Hồ Chí Minh nêu trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”. Tất cả những trăn trở nêu trên được kết tinh trong “Đại hội quốc dân Tân Trào”, mà nổi bật, như vị Bộ trưởng tư pháp đầu tiên của nước ta-cụ Vũ Đình Hoè- khẳng định, thì Quốc dân Đại hội Tân Trào là Quốc hội lâm thời của nước ta, là tiền thân của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và Chương trình 44 điểm, tức như “Hiến pháp lâm thời” hoặc tiền thân của Hiến pháp 1946. Theo cụ Vũ Đình Hoè: “Không phải chỉ đến khi Quốc hội chính thức ra đời sau Tổng tuyển cử (ngày 6-1-1946), mới xuất hiện chức năng lập pháp. Quốc dân Đại hội Tân Trào (tiền thân của Quốc Hội) đã bắt đầu làm “luật” rồi, tuy mới là “luật lâm thời”. Đạo luật chính thức đầu tiên, đạo luật vĩ đại, mang nội dung chính trị pháp lý cao nhất là Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Đạo luật này còn cơ bản hơn cả Hiến Pháp. Toàn thể thành viên của Chính phủ lâm thời đã ký tên vào đó. Nó là nền tảng của Hiến pháp 1946, là “Vương miện dát kim cương” trên đầu Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”[3].
Muốn hiểu nền lập hiến Việt Nam, phải nhận thức quá trình thoát thai từ thực tiễn máu lửa chiến đấu của cả khối 20 triệu đồng bào. Sau 80 năm mong đợi, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, rồi năm năm thai nghén, mang nặng đẻ đau dẫn tới Đại hội quốc dân Tân Trào.
Sự kiện Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập”, nhìn dưới góc độ lập hiến, trước hết cần coi đây là một tư tưởng quan trọng về một nhà nước hợp hiến. Sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới không chỉ khẳng định tính hợp pháp, hợp hiến mà còn cho thấy một văn bản có tính lập hiến cao. Một ngày sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 17-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ba ngày sau, ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh 34 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để chuẩn bị trình Quốc hội. Đây là những văn bản có tính chất lập pháp đầu tiên để đến khi toàn dân bầu ra Quốc hội chính thức và Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức thì công tác lập pháp càng được đẩy mạnh.
2. Tư tưởng về nền lập hiến ở Việt Nam như thế nào?
Theo cụ Vũ Đình Hoè thì Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận viết “Lời nói đầu” của Hiến pháp 1946. “Lời nói đầu” thể hiện linh hồn của Hiến pháp, đó là:
- “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo;
- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ,
- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Hiến pháp phải đặt nền tảng cho một chế độ pháp quyền mà là pháp quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chế độ mới ra đời từ thành quả vĩ đại của nhân dân Việt Nam sau tám mươi năm tranh đấu thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân và gạt bỏ chế độ vua quan.
Trên nền lịch sử dân tộc, một Hiến pháp của nước Việt Nam độc lập và thống nhất, tiến bước trên đường vinh quang và hạnh phúc, hoà nhịp bước cùng trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại đã được xác lập.
Về mặt Chính thể, Hiến pháp xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Chính thể không chỉ là chế độ chính trị tiến bộ mà còn là sự thống nhất về lãnh thổ Trung Nam Bắc không thể phân chia.
Lần đầu tiên Hiến pháp đã xác lập một hệ thống những nội dung về quyền và nghĩa vụ công dân, là những nguyên tắc hiến định (Chương II, có ba mục A, B, C). Nghĩa vụ gồm có “bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật, nghĩa vụ phải đi lính”. Quyền lợi (từ Điều 6 đến Điều 16): “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều 6). “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7). “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8). “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều 12). Các Điều 13, 14, 15, 16 bàn đến quyền của giới trí thức và lao động chân tay; về sơ học cưỡng bách, trường tư được mở tự do…Cũng liên quan tớí quyền lợi, nhưng thuộc lĩnh vực bầu cử, bãi miễn và phúc quyết, được đề cập từ Điều 17 đến Điều 21. Trong Mục này, đáng chú ý: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình bầu ra” (Điều 20). “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều21).
Về tổ chức bộ máy, với trục tư duy xuyên suốt coi Hiến pháp là công cụ màu nhiệm để xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giữ nước, xây dựng đất nước vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân, Hiến pháp 1946 xác định cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước để tăng cường hiệu quả quản lý và điều hành xã hội. Hiến pháp xác định: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Điều 22). “Nghị viện đặt ra các pháp luật (tức là quyền lập pháp), biểu quyết ngân sách, những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, khi Nghị viện không họp, Ban Thường vụ có quyền biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ”…
Chính phủ trong tổ chức bộ máy, Hiến pháp 1946 khẳng định: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (Điều 43). “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phó Chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có phó Thủ tướng” (Điều 44).
Về bộ máy hành chính địa phương, Hiến pháp 1946 xác định có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã. Ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã có Hội đồng nhân dân do đầu phiếu phổ thông và trực tiếp bầu ra. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, thị xã hay xã cử ra Uỷ ban hành chính. Hội đồng nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình. Những nghị quyết ấy không được trái với chỉ thị của các cấp trên.
Về cơ quan tư pháp, Hiến pháp 1946 xác định có Toà án tối cao, các toà án phúc thẩm, các toà án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm.
Tóm lại, Hiến pháp 1946 đã xác định chính thể, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nó không chỉ phù hợp và đúng đắn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mà còn có giá trị bền vững và ý nghĩa sâu xa tận hôm nay. Tinh thần và lõi cốt của Hiến pháp 1946 phản ánh nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân (mà Nghị viện nhân dân có quyền cao nhất - không phải duy nhất và tất cả); dân là chủ và dân làm chủ. Dân có quyền bãi miễn những đại biểu mình bầu ra. Ngược lại đại biểu do dân bầu ra - kể cả Chủ tịch nước - thì phải xác định  là do dân uỷ thác thì phải gắng sức làm. Bao giờ đồng bào cho lui thì phải vui lòng. Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử. Tiếp cận theo quan điểm của cụ Vũ Đình Hoè thì lý do cơ bản để Ban soạn thảo Điều lệ Tổng tuyển cử thảo ra được những điều khoản chặt chẽ, sắc bén là nhờ tư tưởng chủ đạo “Nhà nước toàn dân, Quốc hội toàn dân, Chính phủ toàn dân và cả Đảng cũng là Đảng toàn dân”.
3. Từ khi hoà bình lập lại, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Cách mạng Việt Nam chuyển sang một hình thế mới. Trong giai đoạn mới của cách mạng, năm 1959 Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. “Hiến pháp mới ghi rõ những thắng lợi cách mạng to lớn đã giành được trong thời gian qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới” (Lời nói đầu). Như vậy, cả Hiến pháp 1946 và 1959 đều nói đến cả hiện tại và tương lai (gần và xa). So với Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959 có nhiều điểm khẳng định lại Hiến pháp 1946, nhưng lại có giá trị lâu dài cho đến hôm nay. Chẳng hạn, khẳng định Hiến pháp thật sự dân chủ, là sức mạnh động viên nhân dân cả nước phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới. Hiến pháp không chỉ quy định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, mà còn quy địnhtrách nhiệm và quyền hạn của cơ quan Nhà nước, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp mới nhằm mục tiêu cao cả là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Hiến pháp 1959 cũng nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy hơn nữa những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, một khối Bắc Nam thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau không thể chia cắt, như tinh thần yêu nước, đoàn kết, chí khí đấu tranh và nhiệt tình lao động… Mục tiêu lâu dài mà Hiến pháp xác định là “xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hoà bình ở Đông Nam châu Á và thế giới”. Tất cả những điều đó được quy định trong chế độ kinh tế, chính trị và xã hội của nước ta, quan hệ bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc trong nước.
Điểm khác cơ bản xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ mới, đó là miền Bắc đang trong giai đoạn tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh để hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Những điểm khác này không chỉ phù hợp với tình hình lúc bấy giờ đang tập trung cải tạo nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn định hướng giá trị trong tình hình hiện nay.
4. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng của Người về nền lập hiến Việt Nam được phản ánh trong Hiến pháp 1946 và 1959, cũng như trong toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người nói riêng, vấn đề chúng ta cần quan tâm là giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới hiện nay như thế nào? Chỉ có trên cơ sở nhận thức đầy đủ, vận dụng sáng tạo, biết phát triển tư tưởng và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, gắn với thực tiễn (Việt Nam và thế giới) hiện nay, thì mới bảo vệ được tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc tới thắng lợi.
Về giá trị lý luận, nghiên cứu Hiến pháp 1992 thấy có một số nội dung trở lại với tinh thần của Hiến pháp 1946 và 1959, chứng tỏ giá trị bền vững của Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Trước hết, đó là giá trị nhân văn, nói như cụ Vũ Đình Hoè, là pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh. Hiến pháp và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tất cả vì con người. Thứ hai là giá trị khoa học. Cơ sở của Hiến pháp 1946 và 1959 là chắt lọc quan điểm lập hiến của Anh, Pháp, Mỹ, Nga, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Thứ ba là tính chiến đấu (giá trị cách mạng). Hiến pháp và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là xoá cái ác và trau dồi cái thiện, chống lại tất cả những hành vi của con người đi ngược lại lợi ích của dân tộc và nhân loại tiến bộ.
Về giá trị thực tiễn và định hướng phát huy giá trị thực tiễn trong tình hình hiện nay cần chú trọng xây dựng con người, tăng cường giáo dục văn hoá làm người, trong đó chú trọng giáo dục chữ tâm, theo lời dạy của Bác Hồ: “cách mạng tiên cách tâm”. Chú trọng giáo dục tính liêm, sỉ và tinh thần trách nhiệm của người có chức có quyền và gắn chặt với điều đó là văn hoá từ chức. Đọc kỹ Hiến pháp 1946 và 1959 và nghiên cứu quá trình Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện hiến pháp và pháp luật thấy cần thiết phải kết hợp chặt chẽ “đức trị” với “pháp trị”. Thực tiễn cho thấy chống tham nhũng không thể chỉ bằng giáo dục đạo đức, tư tưởng và nêu gương, mà phải bằng tính khoa học, tính nghiêm minh của pháp luật và bộ máy. Mọi tù mù đều dẫn tới tiêu cực. Bài học y án tử hình Trần Dụ Châu được nhân dân đồng tình, không chỉ cho thấy sự nghiêm minh của phép nước, mà còn thể hiện sự bình đẳng của công dân trước pháp luật. Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy phát huy thật sự dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thật sự trong dân chủ, trong tu dưỡng đạo đức, xây dựng nhà nước… như là một thuộc tính cơ bản của chế độ ta theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh, nó xa lạ với thói giả dối, hình thức.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và phẩm chất đạo đức của Đảng, của cán bộ đảng viên và mỗi công dân là những nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình vận hành bộ máy của nhà nước pháp quyền, trong đó hệ thống chính trị (bao gồm cả cán bộ công chức) được coi là tấm gương của xã hội. Gương sáng thì dân soi, gương mờ thì dân quay lưng.
Tóm lại, tuy nghiên cứu hiến pháp và pháp luật, nhưng vấn đề cần nhận thức không chỉ bó hẹp trong đó, mà nó liên quan tới cả lĩnh vực văn hoá chính trị[4] , văn hoá lãnh đạo - quản lý[5] trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam là một bộ phận cấu thành trong văn hoá chính trị Hồ Chí Minh.




[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 127.
[2]. Dẫn trên, tr.150.
[3]. Báo Nhân dân cuối tuần, ngày 8-1-2006.
[4]. Xem: Bùi Đình Phong: “Văn hoá chính trị Hồ Chí Minh” trong Tạp chí Khoa học chính trị, số 5-2006.
[5]. Xem: Bùi Đình Phong: “Văn hoá lãnh đạo,quản lý trong tư tưởng Hồ Chí Minh”, trong Tạp chí công tác tư tưởng lý luận của Ban tư tưởng- Văn hoá trung ương, số 8-2006.